Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 13/2010/QĐ-UBND

Tân An, ngày 07 tháng 4 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN XÂY DỰNG HUYỆN CẦN ĐƯỚC LÀ HUYỆN ĐIỂM, ĐIỂN HÌNH VỀ VĂN HOÁ CỦA TỈNH (GIAI ĐOẠN 2010- 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020)

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 135/2010/NQ-HĐND ngày 23/3/2010 của HĐND tỉnh khóa VII- kỳ họp thứ 23 về việc xây dựng huyện Cần Đước là huyện điểm, điển hình về văn hoá của tỉnh (giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2010)
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này đề án xây dựng huyện Cần Đước là huyện điểm, điển hình về văn hoá của tỉnh (giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020).

Điều 2. Giao Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành thực hiện đề án.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra quá trình tổ chức, triển khai thực hiện đề án.

UBND huyện Cần Đước chủ động phối hợp với các sở ngành và đoàn thể tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, Giám đốc các Sở ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Lao động- Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Báo Long An, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh; thủ trưởng các đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND huyện Cần Đước căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ VHTT&DL;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, PCT. UBND tỉnh;
- Các ĐB. HĐND tỉnh;
- TT.UBMTTQ và các Đoàn thể tỉnh;
- TT. HU huyện Cần Đước;
- Phòng NCVX;
- Lưu: VT, V

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Dương Quốc Xuân

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG HUYỆN CẦN ĐƯỚC LÀ HUYỆN ĐIỂM, ĐIỂN HÌNH VỀ VĂN HOÁ CỦA TỈNH (GIAI ĐOẠN 2010- 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020)
(kèm theo Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 07/4/2010 của UBND tỉnh)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Đặc điểm tình hình huyện Cần Đước

Huyện Cần Đước nằm ở phía Nam vùng hạ tỉnh Long An, thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, diện tích tự nhiên 218 km2, dân số khoảng 178.000 người (gần 40.000 hộ gia đình). Huyện có 16 xã và 01 thị trấn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 đạt 17%. Thu nhập bình quân đầu người trên 13,5 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đa dạng, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, môi trường sản xuất của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện cho kinh tế, văn hoá- xã hội phát triển; các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Huyện Cần Đước với đặc trưng văn hóa lúa nước, địa bàn nhiều sông rạch chằng chịt, trong quá trình khai phá, chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm xây dựng quê hương đã để lại nhiều di sản văn hoá, di tích lịch sử có giá trị lớn như: Nhà trăm cột, Đồn Rạch Cát, lăng mộ và đền thờ Tổng binh Nguyễn Văn Tiến, Đình Vạn Phước gắn với nơi thờ tự Nghệ nhân - nhạc sư Nguyễn Quang Đại, di tích lịch sử cách mạng Ngã tư Rạch Kiến, chùa Phước Lâm…,là địa phương có nhiều nghề truyền thống nổi tiếng như: dệt chiếu, đóng ghe (mũi đỏ), chạm khắc gỗ, làm bánh phồng…, đặc biệt nổi tiếng với địa danh đặc sản “Gạo Nàng thơm Chợ Đào” và là một trong những chiếc nôi của phong trào đờn ca tài tử cải lương Nam Bộ.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Đước cùng với tỉnh và cả nước làm nên những chiến tích lịch sử, tô điểm thêm trang sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; toàn huyện có 13/17 xã được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang”, 230 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 4.077 liệt sĩ. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường trong xây dựng và phát triển, nhân dân và cán bộ huyện Cần Đước được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III giai đoạn 1981- 1986, Huân chương lao động hạng II giai đoạn 2001- 2005.

Huyện Cần Đước là địa phương có phong trào văn hoá văn nghệ và thể dục thể thao phát triển mạnh, nhiều năm liền dẫn đầu toàn tỉnh về kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Riêng năm 2009 có trên 1.600 “Gương người tốt, việc tốt”, 35.425 hộ gia đình đạt chuẩn “Gia đình văn hoá” (đạt 93,47%); 152/155 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa- nếp sống văn minh” (đạt 98,7%); 110/118 ấp, khu phố đạt “Khu dân cư tiên tiến” (đạt 93,22%); 81/118 ấp, khu phố đạt danh hiệu “Ấp, khu phố văn hóa”(đạt 68,8%); có 4/17 xã, thị trấn phát động xây dựng mô hình “Xã văn hóa”. Bên cạnh đó, nhiều mô hình hay cũng xuất hiện như: xã hội hoá hoạt động “Hội xuân” hàng năm ở các cụm xã và thị trấn; các xã và thị trấn đều tổ chức các hoạt động và họp mặt kỷ niệm ngày Thương binh- liệt sĩ 27/7 hàng năm trang nghiêm, trân trọng; 17/17 xã, thị trấn đã hoàn thành việc xây dựng Nhà bia ghi danh liệt sĩ và tôn tạo, nâng cấp, xây dựng Đền thờ liệt sĩ huyện uy nghiêm; một số xã chọn một ngày cụ thể trong năm là ngày Hội văn hoá của xã để tổ chức nhiều loại hình hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao sôi nổi phục vụ nhân dân. Các thiết chế văn hóa như: nhà truyền thống, thư viện huyện được xây dựng mới và đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua; Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đang xây dựng dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2010; hầu hết các xã đều đã quy hoạch đất để xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và nghĩa trang nhân dân.

Tuy nhiên, huyện vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định như: đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn ở mức trung bình, một số xã vùng sâu còn nhiều khó khăn như: xã Phước Tuy, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, sự chênh lệch về đời sống văn hoá tinh thần giữa các xã này còn cao so với thị trấn và các xã còn lại; tỉ lệ sinh con thứ 3 giảm chưa đáng kể; tỷ lệ học sinh bỏ học ở vùng sâu còn diễn ra; một số tiêu chí về trường, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia chưa cao; đầu tư nâng cấp giao thông nông thôn còn khó khăn; danh hiệu các mô hình về văn hoá tuy đạt tỷ lệ cao nhưng chưa bền vững, chưa toàn diện; hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở nhiều nơi chưa được xây dựng, tệ nạn xã hội vẫn còn, cảnh quan môi trường chưa chuyển biến tốt, quản lý nhà nước đối với các hoạt động dịch vụ văn hoá có tính nhạy cảm chưa thật chặt chẽ, hiệu quả ở một số nơi. Mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hoá đã xuất hiện những diễn biến phức tạp trong đời sống văn hoá xã hội, phát sinh những tiêu cực làm ảnh hưởng đến đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

2. Sự cần thiết phải xây dựng huyện Cần Đước là huyện điểm, điển hình về văn hóa của tỉnh

Phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiều năm qua, nhất là trên lĩnh vực xây dựng đời sống văn hoá, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm đưa huyện Cần Đước tiến lên một bước mới, làm cho kinh tế - chính trị, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương chuyển biển tích cực, rõ nét và phát triển bền vững, góp phần cùng với tỉnh và cả nước đẩy mạnh CNH-HĐH, cần thiết phải xây dựng đề án xây dựng huyện Cần Đước là huyện điểm, điển hình về văn hoá của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, vừa là mô hình văn hoá tiêu biểu của tỉnh có sức lan tỏa, tác động tích cực và sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, vừa đáp ứng ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Đước.

Những căn cứ xây dựng Đề án

- Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Đại hội X của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2005- 2010);

- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

- Thông báo số 4199/TB.BVHTT ngày 29/9/2003 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) về việc thông báo kết quả hội nghị chuyên đề về xây dựng huyện điểm văn hoá;

- Quyết định số 22 /QĐ- TTg ngày 05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn hoá nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Mục tiêu

Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và các giá trị văn hóa tiêu biểu của địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn; nâng cao dân trí và cải thiện đời sống người dân; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở huyện.

2. Các chỉ tiêu cơ bản

a. Giai đoạn 2010- 2015

Chỉ tiêu

Thực hiện năm 2009

Giai đoạn 2010-2012

Giai đoạn 2013-2015

Về phát triển kinh tế

1. Cơ cấu tổng giá trị gia tăng theo ngành kinh tế:

- Nông, lâm, ngư nghiệp

- Công nghiệp, xây dựng

- Thương mại dịch vụ

 


31,77%

36,99%

31,24%

 


25%

50%

25%

 


18%

60%

22%

2. Thu nhập bình quân đầu người/ năm so với mức bình quân chung của tỉnh

0,7 lần

1 lần

1,2 lần

3.Tỉ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới)

7,5%

6%

< 4%

4. Tỉ lệ hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố

80%

90%

98%

Về phát triển văn hoá - giáo dục - y tế - môi trường

Về Văn hoá:

5. Tỉ lệ hộ gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu “gia đình văn hoá”

90%

95%

98%

6. Tỉ lệ ấp, khu phố giữ vững và phát huy danh hiệu “ấp, khu phố VH”

68%

75%

80%

7. Tỉ lệ xã, thị trấn được công nhận xã, thị trấn văn hoá

chưa

40%

70%

8. Tỉ lệ người dân tham gia thường xuyên các hoạt động văn hoá - thể thao, trong đó có 50% luyện tập thể dục thể thao

45%

55%

60%

9. Tỉ lệ Trung tâm VH-TT cấp xã đạt chuẩn của Bộ VHTT&DL

10%

40%

70%

10. Tỉ lệ ấp có trụ sở sinh hoạt văn hoá

50%

60%

80%

Về Giáo dục:

11. Tỉ lệ xã được công nhận phổ cập giáo dục trung học.

chưa

40%

70%

12. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề)

80%

85%

90%

13. Tỉ lệ lao động qua đào tạo và phổ cập nghề

35%

60%

70%

14. Tỉ lệ trường học các cấp: mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia

10%

30%

50%

Về Y tế:

15. Củng cố tỉ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế

100%

100%

100%

16. Tỉ lệ giảm mức sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên

Đạt chỉ tiêu tỉnh giao

Vượt chỉ tiêu tỉnh giao

Vượt chỉ tiêu tỉnh giao

17. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng

11,07%

10%

Dưới 10%

18. Tỉ lệ hộ gia đình có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh

80 %

90%

98%

19. Tỉ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh

90%

98%

100%

Về môi trường:

20. Các cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường

90%

95%

100%

21. Nghĩa trang nhân dân ở các xã, liên xã được xây dựng theo quy hoạch

50%

70%

100%

22. Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định nhà nước

Đạt 50%

Đạt 80%

Đạt 90%

Về giao thông - thuỷ lợi - điện

23. Tỉ lệ km đường trục xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá

80%

90%

100%

24. Tỉ lệ km đường ấp, khu phố, ngõ xóm được cứng hoá, không lầy lội vào mùa mưa.

50%

60%

80%

25. Hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh

70%

80%

90%

26. Tỉ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn

90%

95%

98%

Về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội

27. Tỉ lệ xã, thị trấn được công nhận an toàn về an ninh chính trị, trật tự xã hội

80%

85%

Trên 90%

28. Tỉ lệ xã, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm.

60%

85%

Trên 90%

Hệ thống tổ chức chính trị xã hội

29. Tỉ lệ tổ chức cơ sở Đảng được công nhận trong sạch, vững mạnh, không có cơ sở yếu kém

90%

90%

Trên 90%

30. HĐND - UBND huyện và chính quyền cấp xã vững mạnh

Cấp huyện vững mạnh; 90% xã, thị trấn vững mạnh

Cấp huyện vững mạnh; 90% xã, thị trấn vững mạnh

Cấp huyện vững mạnh; 90% xã, thị trấn vững mạnh

31. UBMTTQ, các Đoàn thể chính trị - xã hội huyện và cấp xã đạt từ khá trở lên, trong đó có 80% vững mạnh, không có cơ sở yếu kém

Đạt

Đạt

Đạt

b. Định hướng đến năm 2020

- Tiếp tục củng cố và nâng cao các chỉ tiêu đạt được trong giai đoạn 2010- 2015. Giữ vững kết quả huyện điểm, điển hình về văn hoá của tỉnh - là đơn vị tiêu biểu được nhân rộng trong tỉnh.

- Hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục, môi trường từ huyện đến cơ sở đạt chuẩn theo quy định của nhà nước.

- Làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện; tiếp tục rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân một cách rõ rệt, người dân có mức hưởng thụ văn hoá cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.

3. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

3.1. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tuyên truyền, vận động

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và người dân về việc triển khai thực hiện đề án xây dựng huyện Cần Đước là huyện điểm, điển hình về văn hoá.

- Tiếp tục tuyên truyền quán triệt sâu rộng Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) và kết luận Hội nghị lần thứ 10 của BCH TW Đảng (khoá IX) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường sự phối, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền thực hiện đề án.

- Phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, phát huy dân chủ ở cơ sở, tính tự quản của nhân dân huyện Cần Đước, tập trung đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào xây dựng gương “Người tốt việc tốt”; “Gia đình văn hóa”; “Khu dân cư tiên tiến”; “Ấp, khu phố văn hóa”; “Xã, thị trấn văn hóa”; “Cơ quan đơn vị văn hóa - nếp sống văn minh”.

3.2. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện và xã, thị trấn thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, tạo điều kiện đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển toàn diện văn hóa - xã hội gắn với mục tiêu rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện.

3.3. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hoá

- Tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trong đó tập trung giao thông, thuỷ lợi, điện, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

- Quy hoạch đất đai để xây dựng các thiết chế văn hoá, thông tin, thể thao, giáo dục, y tế từ huyện đến xã và trụ sở sinh hoạt văn hoá - thể thao ấp, khu phố.

- Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các thiết chế văn hoá, thông tin, thể thao, y tế, giáo dục. Xây dựng hệ thống trung tâm văn hoá thể thao, trường học, trạm y tế cấp xã để từng bước đạt chuẩn quốc gia.

3.4. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, phát triển văn hoá- xã hội

- Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ở địa phương, nhất là các làng nghề, hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian độc đáo; giao lưu, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá bên ngoài. Tăng cường hoạt động văn hoá, nghệ thuật hướng về cơ sở, nhất là các xã còn khó khăn. Tu bổ, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử - văn hoá ở địa phương phục vụ công tác giáo dục truyền thống và phát triển du lịch.

- Phát huy hiệu quả các mô hình văn hoá trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” , nhất là mô hình gia đình văn hoá; ấp, khu phố văn hoá nhằm xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân, nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

- Phát triển mạnh phong trào TDTT gắn với nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, chú trọng phát triển TDTT trường học, nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng.

- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực; tăng tỉ lệ người lao động được đào tạo, phổ cập nghề. Củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS, tiến tới đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học.

- Nâng cao năng lực và chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; tiếp tục duy trì kế hoạch giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên, xây dựng các mô hình xã, ấp, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên; bảo đảm qui mô và cơ cấu dân số hợp lý, thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện tốt các chương trình quốc gia về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- Kết hợp chính sách của Nhà nước với sự trợ giúp của toàn xã hội, sự nỗ lực vươn lên của cá nhân, gia đình lo cho người nghèo, hộ nghèo, tiến tới giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu, hộ khá giả để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng, làm tốt công tác vận động toàn dân tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, quan tâm chăm sóc các đối tượng chính sách., không để hộ nghèo phát sinh trong các gia đình chính sách.

- Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đảm bảo khai thác hợp lý và tiết kiệm tài nguyên đất đai, nước ngầm, cát sông… Xử lý cơ bản chất thải đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và y tế gắn với nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người dân và toàn xã hội đối với việc phòng ngừa ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện môi trường.

3.5. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về huy động các nguồn lực đầu tư

- Huy động mọi nguồn lực của tỉnh, huyện, xã và xã hội, chú trọng thu hút nguồn lực từ các địa phương khác, nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Hàng năm, tranh thủ nguồn lực đầu tư của Trung ương, tỉnh về các chương trình mục tiêu, kết hợp lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng của các cấp, các ngành, đoàn thể ở địa phương, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc đầu tư nguồn lực xây dựng huyện điểm, điển hình về văn hoá của tỉnh

- Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, gắn với chính sách khuyến khích xã hội hoá và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao, vui chơi giải trí ở địa phương theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ, xem đây là giải pháp quan trọng để huy động sức mạnh tổng hợp các nguồn lực dành cho sự phát triển văn hoá - xã hội ở cơ sở.

- Ngân sách tỉnh ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị chuyên dùng cho các thiết chế văn hoá, thể thao, y tế, trường học ở xã, thị trấn. Ngân sách huyện và xã hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hoá - thể thao ấp, khu phố. Ưu tiên các xã khó khăn trong huyện.

- Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra, chú ý chuẩn hoá cán bộ văn hoá - xã hội ở cơ sở có trình độ từ trung cấp đến đại học.

3.6. Nhóm nhiệm vụ giải pháp về xây dựng hệ thống chính trị

- Xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; các tổ chức chính trị - xã hội đạt khá trở lên, đảm bảo nâng cao, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia xây dựng huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh thực hiện các Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm; phòng chống ma túy, mại dâm, thực hiện mục tiêu 3 giảm. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, chủ động ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm sai trái gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự giám sát của HĐND tỉnh và sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện đề án xây dựng huyện Cần Đước là huyện điểm, điển hình về văn hoá của tỉnh. Đưa nội dung đề án vào Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, Huyện uỷ, HĐND huyện Cần Đước và chương trình kế hoạch của UBND tỉnh và UBND huyện Cần Đước.

Sở Văn hoá, Thể thao - Du lịch chủ trì phối hợp với UBMTTQ tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch hướng dẫn huyện Cần Đước đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phối hợp với huyện đề ra kế hoạch tăng cường các hoạt động văn hoá, thể thao ở cơ sở, rút ngắn khoảng cách về mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân vùng khó khăn; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đề án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Sở: Văn hoá, Thể thao - Du lịch, Thông tin - Truyền thông, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Tài nguyên - Môi trường và Uỷ ban nhân dân huyện Cần Đước cân đối, phân bổ và giao chỉ tiêu kế hoạch xây dựng các công trình văn hoá - thể thao, giáo dục, y tế, cảnh quan môi trường... Xem xét lồng ghép các chỉ tiêu xây dựng huyện điểm, điển hình về văn hoá vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Sở Tài chính bố trí kinh phí theo chương trình, kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện đồng bộ các chỉ tiêu của đề án.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các sở ngành và UBND huyện Cần Đước có kế hoạch xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông các trục đường từ huyện lỵ đến các xã và liên xã theo hướng nhựa hoá.

Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở ngành và UBND huyện Cần Đước có kế hoạch xây dựng thí điểm xã nông thôn mới quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở ngành và UBND huyện Cần Đước thực hiện việc quy hoạch, xác định quỹ đất xây dựng các công trình văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao, nghĩa trang, bãi rác…

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với UBND huyện Cần Đước và các sở ngành xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm và giảm hộ nghèo hàng năm; chăm lo gia đình chính sách và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động tại địa phương; xây dựng xã lành mạnh, không có tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với UBND huyện Cần Đước tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác phổ cập giáo dục trung học, xây dựng trường chuẩn, đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra.

Sở Y tế chủ trì phối hợp với UBND huyện Cần Đước tập trung thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế,…

Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với UBND huyện Cần Đước xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tiến tới chuẩn hoá cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã của huyện.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền phục vụ quá trình xây dựng huyện điểm, điển hình về văn hoá.

Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Long An có kế hoạch tuyên truyền vận động; đưa tin về nội dung và kết quả xây dựng huyện điểm, điển hình về văn hoá.

Uỷ ban nhân dân huyện Cần Đước bám sát nội dung đề án, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh đề ra kế hoạch cụ thể hàng năm, 2 năm và 5 năm trên từng lĩnh vực để thực hiện đề án đạt kết quả; tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức các đơn vị, cơ sở và người dân tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng huyện điểm, điển hình về văn hóa. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại địa phương, cơ sở và tổ chức hội nghị sơ, tổng kết định kỳ; kịp thời kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh những vấn đề phát sinh.

Các sở ngành khác trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ cần quan tâm phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để huyện Cần Đước thực hiện đề án.

Đề nghị UBMTTQ tỉnh tiếp tục phát huy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, đoàn thể, UBND huyện Cần Đước tăng cường công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện mục tiêu và các nhiệm vụ của đề án.

Các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo hướng dẫn hệ thống đoàn thể của mình đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng huyện Cần Đước là huyện điểm, điển hình về văn hoá của tỉnh.

Giao Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành thực hiện đề án này. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, củng cố, bổ sung thành phần ban chỉ đạo để đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thêm. Định kỳ 6 tháng và năm báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.

Các sở ngành thành viên ban chỉ đạo hàng năm căn cứ vào đề án xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện.

Xây dựng huyện Cần Đước là huyện điểm, điển hình về văn hoá (giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020) là vấn đề mới, Trung ương chưa có chỉ đạo cụ thể; cả nước chưa có sẵn mô hình huyện điểm, điển hình văn hoá để học tập kinh nghiệm, do đó, các ngành, các cấp trong tỉnh, nhất là đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Đước cần xác định đây là nhiệm vụ khó khăn và hết sức quan trọng, đòi hỏi sự tập trung dồn sức rất lớn, sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của huyện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu- nghèo trong nhân dân, cùng với tỉnh và cả nước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Quá trình tổ chức thực hiện đề án, UBND tỉnh sẽ tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để mô hình xây dựng huyện điểm, điển hình về văn hoá ngày càng hoàn thiện hơn./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 13/2010/QĐ-UBND ban hành Đề án xây dựng huyện Cần Đước là huyện điểm, điển hình về văn hoá của tỉnh (giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020) do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành

  • Số hiệu: 13/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/04/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Long An
  • Người ký: Dương Quốc Xuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản