Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 13/2008/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT QUẬN LONG BIÊN, TỶ LỆ 1/2000 (PHẦN QUY HOẠCH HỆ THỐNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT)
Địa điểm: Quận Long Biên, thành phố Hà Nội

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 228/2005/QĐ-UB ngày 19/12/2005 của UBND Thành phố Hà Nội về việc: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Quận Long Biên tỷ lệ 1/2000 (Phần Quy hoạch Sử dụng đất và Quy hoạch Giao thông);
Căn cứ Quyết định số 304/QĐ-UB ngày 17/01/2006 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt dự án “Quy hoạch cải tạo và phát triển lưới điện Quận Long Biên đến năm 2010, có xét đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 1863/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội ngày 18/4/2006 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết quận Long Biên - Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 (Phần quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật);
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 2122/TTr-QHKT ngày 27/12/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết quận Long Biên - Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 (Phần quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật) do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập, với các nội dung chính như sau:

1. Vị trí, phạm vi, ranh giới và quy mô lập quy hoạch chi tiết:

Quận Long Biên nằm ở phía Đông Bắc Thành phố Hà Nội, giữa hai bờ sông Hồng và sông Đuống.

- Ranh giới hành chính:

+ Phía Bắc và Đông Bắc giáp sông Đuống và các huyện Đông Anh, Gia Lâm.

+ Phía Tây và Tây Nam giáp sông Hồng và các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.

+ Phía Nam, Đông Nam giáp với huyện Gia Lâm.

- Ranh giới và quy mô nghiên cứu:

Diện tích trong ranh giới hành chính quận Long Biên: 6038,24 ha (theo Nghị định 132/2003/NĐ-CP), trong đó:

* Diện tích đất ngoài đê (bao gồm sông Hồng, sông Đuống và bãi sông) có diện tích khoảng: 2250,22 ha.

* Diện tích đất trong đê (trùng ranh giới nghiên cứu phát triển đô thị) có diện tích khoảng 3788,02 ha. Bao gồm:

+ Phía Bắc, Đông Bắc, Tây, Tây Nam là hành lang bảo vệ đê sông Hồng, sông Đuống (hành lang bảo vệ đê phía ngoài sông).

+ Phía Đông Nam là huyện Gia Lâm.

2. Mục tiêu và nhiệm vụ:

- Triển khai việc thực hiện Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998.

- Điều tra, khảo sát hiện trạng, tổng hợp, khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật các dự án đã được phê duyệt và đang triển khai trên địa bàn quận để đảm bảo đồng bộ, phát triển bền vững phù hợp với quy hoạch.

- Trên cơ sở quy hoạch chi tiết quận Long Biên (phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông) tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt, nghiên cứu quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị trong địa bàn quận.

- Xác định vị trí các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối: trạm điện, nhà máy nước, trạm cấp nước, nhà máy xử lý nước thải, rác thải…, mạng lưới và thông số của các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và các dự án đầu tư xây dựng.

- Xác định khu vực cần bảo vệ, hành lang cách ly, các khu vực cấm và hạn chế xây dựng tuân theo các luật, pháp lệnh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật.

- Làm cơ sở cho công tác lập dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết ở tỷ lệ lớn hơn.

- Làm cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch.

- Đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn quận.

- Đồ án quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để tiếp tục triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho các khu vực xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang các khu vực dân cư, làng xóm hiện có, quản lý và quy định kiểm soát phát triển cũng như căn cứ lập các dự án phát triển mới trên địa bàn quận.

3. Nội dung quy hoạch chi tiết hạ tầng kỹ thuật

3.1. Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật

3.1.1. Thoát nước mưa

a. Phân chia lưu vực và các trạm bơm thoát nước đầu mối:

- Lưu vực 1: Phần đất giới hạn từ tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lạng Sơn về phía Tây Bắc quận đến đê sông Hồng và sông Đuống: Xây dựng hệ thống cống, mương thoát nước kết hợp hồ điều hòa có diện tích khoảng 25,87 ha để thoát ra trạm bơm Gia Thượng bơm ra sông Đuống, công suất trạm bơm khoảng 10 m3/s diện tích chiếm đất khoảng 1,5ha.

- Lưu vực 2: Gồm phần đất còn lại từ tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lạng Sơn về phía Đông Nam quận đến đê sông Đuống và đê sông Hồng xây dựng hệ thống cống, mương thoát nước kết hợp hồ điều hòa có diện tích khoảng 129,46 ha để thoát về trạm bơm Cự Khối bơm ra sông Hồng, công suất trạm bơm khoảng 35 m3/s diện tích chiếm đất khoảng 5 ha (xác định theo yêu cầu phục vụ thoát nước của quận Long Biên).

Trạm bơm Cự Khối ngoài việc thoát nước cho quận Long Biên có thể kết hợp bơm thoát nước một phần cho huyện Gia Lâm. Quy mô, công suất cụ thể của trạm bơm Cự Khối sẽ được xác định kết hợp với quy hoạch huyện Gia Lâm.

b. Hệ thống kênh, mương thoát nước chính:

Xây dựng 6 tuyến mương thoát nước chính trên địa bàn quận Long Biên như sau:

- Xây dựng tuyến mương thoát nước Thượng Thanh với mặt cắt B = 17,0m; H = 4,0m. Điểm đầu được đấu nối với hệ thống mương thoát nước Việt Hưng - Cầu Bây qua đập ngăn nước đặt tại vị trí gần đường sắt Quốc gia và đường Ngô Gia Tự, điểm cuối là trạm bơm Gia Thượng (dọc theo tuyến mương có một số đoạn sẽ cống hóa theo các quy hoạch đã được phê duyệt).

- Xây dựng tuyến mương thoát nước Ngọc Thụy với mặt cắt B = 17,0m; H = 4,0m. Điểm đầu tuyến được đấu nối với hệ thống mương thoát nước Gia Thụy - Cầu Bây qua đập ngăn nước đặt tại vị trí gần đường sắt Quốc gia, điểm cuối là trạm bơm Gia Thượng.

- Xây dựng tuyến mương thoát nước Long Biên - Cự Khối với mặt cắt B = 19,5m; H = 4,0m. Điểm đầu tuyến khu vực phường Bồ Đề, điểm cuối tuyến là trạm bơm Cự Khối.

- Xây dựng tuyến mương thoát nước Gia Thụy - Cầu Bây với mặt cắt B = 20,5m; H = 4,0m. Điểm đầu tuyến là đập ngăn nước nối với hệ thống mương thoát nước Ngọc Thụy, điểm cuối tuyến là trạm bơm Cự Khối.

- Xây dựng tuyến mương thoát nước Việt Hưng - Cầu Bây với mặt cắt B = 22,0m; H = 4,0m. Điểm đầu tuyến là đập ngăn nước được đấu nối với hệ thống mương thoát nước Thượng Thanh, điểm cuối tuyến nối với mương Gia Thụy - Cầu Bây và trạm bơm Cự Khối.

- Xây dựng tuyến mương thoát nước Phúc Lợi - Cầu Bây là hệ thống mương thoát nước có mặt cắt B = 8,0m; H = 4,0m. Điểm đầu tuyến tại phường Phúc Lợi, điểm cuối tuyến nối với mương Việt Hưng - Cầu Bây và trạm bơm Cự Khối.

c. Hệ thống hồ điều hòa:

- Trên địa bàn quận xây dựng một số hồ điều hòa trên các lưu vực, tổng diện tích khoảng 155,33 ha (đạt khoảng 4,10% diện tích đất đô thị).

- Giữ lại tối đa các ao hồ tự nhiên hiện có để giải quyết thoát nước cục bộ cho các khu vực.

d. Hệ thống cống thoát nước mưa:

- Xây dựng các tuyến cống (hoặc rãnh) thoát nước dọc các tuyến đường quy hoạch, đảm bảo yêu cầu thoát nước.

- Đối với các khu đô thị, tuyến đường đã có dự án được phê duyệt. Hệ thống thoát nước sẽ được thực hiện theo dự án riêng.

- Đối với khu xây dựng mới: xây dựng các tuyến cống tròn có kích thước từ D600¸D2500, cống bản và các công trình kỹ thuật như giếng thu, giếng thăm, miệng xả v.v… để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của hệ thống thoát nước mưa.

- Đối với khu vực đã xây dựng hệ thống thoát nước hoặc khu vực làng xóm, tận dụng hệ thống cống thoát nước hiện có đồng thời cải tạo, bổ sung thêm một số tuyến cống thay thế rãnh và mương hở để thoát nước vào hệ thống cống thoát nước mưa chung của khu vực (được thực hiện theo dự án riêng) theo nguyên tắc:

+ Khu vực có địa hình thấp nhưng vẫn đủ điều kiện thoát nước tự chảy sẽ xây dựng cống, rãnh nắp đan để hạn chế chiều cao đắp nền.

+ Khu vực có địa hình thấp không đủ điều kiện thoát nước tự chảy ra hệ thống thoát nước khu vực sẽ xây dựng trạm bơm thoát nước cục bộ.

e. Các công trình kỹ thuật trên hệ thống thoát nước mưa:

- Xây dựng một số công trình: đập điều tiết, cống điều tiết giữa mương và hồ điều hòa, các giếng tràn giữa cống và hồ điều hòa v.v… để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hoạt động của hệ thống thoát nước mưa.

g. Phương pháp tổ chức và hoạt động của hệ thống thoát nước mưa:

- Hoạt động của hệ thống thoát nước mưa là tự chảy kết hợp trạm bơm.

- Xây dựng hệ thống thoát nước mưa đồng bộ hoàn chỉnh trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chi tiết quận Long Biên tỷ lệ 1/2000 (phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông) đã được phê duyệt.

- Khống chế mực nước tại cửa cống sông Cầu Bây nối với sông Bắc Hưng Hải (cống Xuân Thụy) là +3.00m và tại các đập điều tiết.

- Khi mực nước sông Bắc Hưng Hải tại hạ lưu cống Xuân Thụy thấp <3.00m, nước mưa của toàn bộ lưu vực tự chảy về sông Cầu Bây sau đó thoát ra sông Bắc Hưng Hải.

- Khi mực nước sông Bắc Hưng Hải tại hạ lưu cống Xuân Thụy cao > 3.00 mét nước mưa của lưu vực quận Long Biên được bơm ra sông Hồng bằng trạm bơm Cự Khối và ra sông Đuống bằng trạm bơm Gia Thượng.

- Vận hành hệ thống thoát nước mưa giữa mương và hồ điều hòa bằng cống điều tiết.

- Sử dụng ngăn lắng cặn và cống kỹ thuật tách nước mưa đợt đầu.

- Giữa khu vực đã xây dựng, làng xóm hiện có các tuyến cống thoát nước chung (giữa nước mưa và nước thải) với khu vực xây dựng mới, có hệ thống cống thoát nước riêng (giữa nước mưa và nước thải). Khi lập dự án đầu tư xây dựng được xử lý bằng giải pháp xây dựng cống bao và công trình kỹ thuật để tách riêng nước mưa và nước thải.

- Xây dựng trạm bơm (công suất khoảng 5 m3/s hoặc kết hợp với trạm bơm Gia Thượng) lấy nước sông Đuống bổ cập nước làm sạch hệ thống kênh mương chính và hồ điều hòa trong mùa nước cạn.

3.1.2. San nền

- Cao độ san nền được xác định trên nguyên tắc đảm bảo yêu cầu thoát nước và tương quan hợp lý với các khu vực đã xây dựng.

- Cao độ nền trung bình của các khu vực như sau:

+ Lưu vực 1 (Khu vực Tây Bắc quận): HTB khoảng 7,4m.

+ Lưu vực 2 (Khu vực Đông Nam quận):

Khu vực Đông Bắc quốc lộ 5: HTB khoảng 6,4m.

 

Khu vực Tây Nam quốc lộ 5: HTB khoảng 6,0m.

 

- Các khu vực có quy hoạch chi tiết, dự án xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, các ô đất xen kẽ có diện tích nhỏ việc san đắp sẽ thực hiện cục bộ theo dự án riêng.

- Khu vực làng xóm hiện có: cao độ nền cơ bản theo cao độ hiện trạng. San, đắp nền chỉ xử lý cục bộ có tính chất hoàn thiện và sẽ thực hiện theo dự án riêng nhưng cần xây dựng hệ thống rãnh thoát nước hoặc trạm bơm cục bộ để tránh gây úng ngập cho khu vực.

3.2. Quy hoạch cấp nước:

3.2.1. Nguyên tắc chung:

- Xây dựng mạng cấp nước mới kết hợp với mạng cấp nước hiện có.

- Thiết kế mạch vòng khép kín đối với các tuyến truyền dẫn.

- Thiết kế mạch vòng kết hợp nhánh cụt đối với các tuyến phân phối chính phù hợp điều kiện địa hình và tính chất khu vực cấp nước…

- Đảm bảo cấp nước liên tục, an toàn về lưu lượng cũng như áp lực nước đến điểm bất lợi nhất trên hệ thống cấp nước.

- Kết nối hòa mạng giữa các nhà máy cấp nước để hỗ trợ cấp nước cho toàn khu vực.

3.2.2. Giải pháp:

a. Nguồn nước:

Sử dụng nguồn nước ngầm là chủ yếu, có thể kết hợp khai thác sử dụng nguồn nước mặt để hỗ trợ đảm bảo cấp nước an toàn cho các khu vực trên địa bàn quận.

b. Các nhà máy cấp nước và phân vùng cấp nước:

- Mở rộng công suất nhà máy nước Gia Lâm lên 60.000 m3/ngđ (diện tích sử dụng đất khoảng 6,80 ha).

- Xây dựng nhà máy nước Thượng Thanh công suất 30.000 m3/ngđ (diện tích sử dụng đất khoảng 5,08 ha).

- Xây dựng nhà máy nước Cự Khối công suất 65.000 m3/ngđ (diện tích sử dụng đất khoảng 4¸4,5 ha).

- Trạm cấp nước sân bay Gia Lâm hiện có công suất 6.000 m3/ngđ.

- Đối với các trạm cấp nước khu công nghiệp Sài Đồng B (công suất 5.000 m3/ngđ) và trạm cấp nước nhà máy xe lửa Gia Lâm (công suất 1.500 m3/ngđ) sẽ được tiếp tục sử dụng để cấp nước cho các khu công nghiệp này.

Nhà máy nước Cự Khối ngoài việc cấp nước cho quận Long Biên (công suất khoảng 65.000 m3/ngđ) sẽ kết hợp cấp nước một phần cho huyện Gia Lâm. Để đáp ứng công suất yêu cầu, khi nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cho phép nâng diện tích sử dụng đất đã dự kiến (2,34 ha) trong Quy hoạch chi tiết sử dụng đất quận Long Biên phê duyệt tại Quyết định số 228/2005/QĐ-UB ngày 19/12/2005 của UBND Thành phố lên (4¸4,5 ha).

Công suất, diện tích sử dụng đất cụ thể của nhà máy được xác định theo dự án riêng và căn cứ kết hợp với Quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm sẽ được UBND Thành phố phê duyệt.

c. Bãi giếng và giếng khoan khai thác nước:

- Nhà máy nước Gia Lâm hiện có công suất 30.000 m3/ngđ đã xây dựng 12 giếng đang khai thác (nằm ngoài bãi sông Hồng). Khi nâng công suất lên 60.000 m3/ngđ sẽ xây dựng thêm khoảng 10 giếng khai thác nước (vị trí nằm ngoài bãi sông Hồng).

- Nhà máy nước Cự Khối dự kiến công suất 65.000 m3/ngđ sẽ xây dựng khoảng 24 giếng trong đó có 9 giếng khai thác nước ngoài đê dọc bãi sông Hồng và 15 giếng trong đê dọc khu cây xanh công viên theo quy hoạch (trường hợp kết hợp cấp nước một phần cho huyện Gia Lâm sẽ nâng công suất của nhà máy và số lượng giếng khai thác).

- Nhà máy nước Thượng Thanh dự kiến công suất 30.000 m3/ngđ sẽ xây dựng khoảng 12 giếng trong đó có 4 giếng trong đê dọc theo đường quy hoạch và 8 giếng khu vực ngoài đê sông Đuống.

d. Mạng lưới đường ống cấp nước:

- Xây dựng mạng ống cấp nước truyền dẫn có đường kính D ³ 300mm vận chuyển nước từ các nhà máy nước tới các khu vực, được bố trí chủ yếu trên các trục đường quy hoạch, đồng thời kết hợp với mạng truyền dẫn hiện có tạo thành mạch vòng khép kín cấp nước cho quận Long Biên và điều hòa lượng nước cấp giữa các nhà máy và trạm cấp nước.

- Xây dựng mạng lưới đường ống phân phối chính có đường kính từ D110-250mm đấu nối với các tuyến ống truyền dẫn tạo mạng phân phối độc lập kết hợp giữa mạch vòng và mạng nhánh cụt.

e. Cấp nước cứu hỏa:

Các họng cứu hỏa được lắp đặt trên mạng lưới đường ống cấp nước có đường kính D ³ 110mm để thuận lợi cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Khoảng cách các họng cứu hỏa trên mạng lưới được bố trí theo quy định hiện hành.

Ngoài các họng cứu hỏa cần bố trí thêm các hố lấy nước mặt phục vụ cứu hỏa tại khu vực các hồ điều hòa dự kiến xây dựng theo quy hoạch để tăng cường khả năng phục vụ phòng cháy, chữa cháy khi cần thiết.

3.3. Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

3.3.1. Quy hoạch thoát nước thải:

3.3.1.1. Nguyên tắc tổ chức và thiết kế hệ thống thoát nước thải:

- Xây dựng hệ thống cống thoát nước thải riêng hoàn toàn đối với khu xây dựng mới.

- Đối với khu vực làng xóm và khu vực đã xây dựng: sử dụng hệ thống cống thoát nước hiện có kết hợp với xây dựng cống gom để tách nước thải riêng, đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Đối với khu công nghiệp tập trung: nước thải được xử lý trong từng nhà máy, xí nghiệp và dẫn về trạm xử lý nước thải chung của khu công nghiệp, sau khi kiểm tra đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường mới được thoát vào hệ thống cống chung của khu vực.

- Khi thiết kế xây dựng các trạm xử lý nước thải, trạm bơm nước thải cần phải đảm bảo khoảng cách vệ sinh an toàn theo quy định (có thể bố trí các trạm bơm nước thải ngầm) để đảm bảo yêu cầu cảnh quan đô thị.

3.3.1.2. Giải pháp thiết kế:

a. Xây dựng các trạm xử lý và phân lưu vực thoát nước thải:

Phân vùng lưu vực và trạm xử lý nước thải:

- Lưu vực 1: Diện tích khoảng 618,72 ha dân số khoảng 75.620 người dự kiến xây dựng trạm xử lý nước thải Ngọc Thụy với công suất khoảng 20.200 m3/ngđ diện tích chiếm đất khoảng 3¸3,5 ha.

- Lưu vực 2: Diện tích khoảng 198,67 ha dân số khoảng 25.130 người dự kiến xây dựng trạm xử lý nước thải Việt Hưng công suất khoảng 6.500 m3/ngđ diện tích chiếm đất khoảng 3¸3,5 ha.

- Lưu vực 3: Diện tích khoảng 1064,75 ha dân số khoảng 103.280người dự kiến xây dựng trạm xử lý nước thải Sài Đồng A với công suất khoảng 31.500 m3/ngđ diện tích chiếm đất khoảng 3,5¸4,0 ha.

- Lưu vực 4: Diện tích khoảng 1259,40 ha dân số khoảng 132.670 người dự kiến xây dựng trạm xử lý nước thải An Lạc với công suất khoảng 34.000 m3/ngđ diện tích chiếm đất khoảng 4,5¸5,5 ha.

- Các trạm xử lý nước thải được xác định quy mô đất và vị trí trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất Quận Long Biên đã được phê duyệt.

- Đối với các trạm xử lý nước thải khi xây dựng phải đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh theo quy định hiện hành.

- Trạm xử lý An Lạc ngoài việc xử lý nước thải của quận Long Biên (công suất khoảng 34.000 m3/ngđ) có kết hợp xử lý nước thải một phần cho huyện Gia Lâm. Căn cứ quy hoạch thoát nước thải của huyện Gia Lâm được duyệt sẽ xác định khối lượng nước thải cần xử lý chung cho quận Long Biên và một phần huyện Gia Lâm và công suất cụ thể của trạm An Lạc sẽ được cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt theo dự án riêng.

b. Xây dựng các trạm bơm chuyển thoát nước thải:

Đối với từng lưu vực thoát nước thải dự kiến xây dựng hệ thống các trạm bơm chuyển khu vực được tính toán như sau:

- Lưu vực 1 (Trạm xử lý Ngọc Thụy): Diện tích lưu vực 618,72 ha xây dựng 3 trạm bơm chuyển khu vực.

- Lưu vực 2 (Trạm xử lý Việt Hưng): Diện tích lưu vực 198,67 ha xây dựng 1 trạm bơm chuyển bậc.

- Lưu vực 3 (Trạm xử lý Sài Đồng A): Diện tích lưu vực 1064,75 ha xây dựng 7 trạm bơm chuyển khu vực.

- Lưu vực 4 (Trạm xử lý An Lạc): Diện tích lưu vực 1259,40 ha xây dựng khoảng 6 trạm bơm chuyển bậc.

c. Xây dựng mạng lưới cống thoát nước thải:

- Xây dựng mạng lưới cống thoát nước thải có đường kính D300mm¸D1000mm dọc theo đường quy hoạch.

3.3.2. Vệ sinh môi trường:

3.3.2.1. Nguyên tắc tổ chức thu gom rác thải:

Đối với rác thải sinh hoạt:

Các hình thức thu gom như sau:

- Tổ chức các đội thu gom rác theo từng khu vực vào giờ cố định, rác thải thu gom được tập trung đến trạm trung chuyển của từng khu vực và vận chuyển tới Khu xử lý rác thải của thành phố.

- Đối với khu vực công trình cao tầng: cần xây dựng hệ thống thu gom rác từ trên cao xuống bể rác cho từng đơn nguyên.

- Đối với khu vực xây nhà ở thấp tầng: đặt các thùng rác nhỏ, kín trên các tuyến đường hoặc dùng xe thu gom, vận chuyển theo giờ quy định.

- Bố trí một số vị trí chôn lấp phế thải xây dựng kết hợp san lấp các hồ ao hiện có khu vực ngoài bãi sông Hồng, sông Đuống để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn quận.

Đối với rác thải công nghiệp:

Rác thải công nghiệp được phân loại trong từng nhà máy, xí nghiệp hoặc trong khu công nghiệp. Rác thải có hóa chất độc hại phải được xử lý và đặt trong các thùng kín mới được vận chuyển đến nơi quy định của thành phố.

3.2.2.2. Đối với các nghĩa trang, nghĩa địa:

- Các nghĩa trang và nghĩa địa nằm trong các khu vực phát triển đô thị theo quy hoạch, trong quá trình đô thị hóa các nghĩa trang, nghĩa địa này từng bước di chuyển vào nghĩa trang chung của thành phố để đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.

- Mạng lưới nhà tang lễ của quận: bố trí kết hợp với các bệnh viện hiện có và dự kiến xây dựng trên địa bàn quận.

3.4. Quy hoạch cấp điện:

3.4.1. Nguyên tắc cấp điện:

- Sử dụng cấp điện áp 22KV để cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn quận Long Biên.

- Nguồn trung thế cấp cho các trạm hạ thế trong khu vực phát triển đô thị mới được xây dựng tạo mạch vòng.

- Các tuyến điện trong các khu quy hoạch mới được bố trí đi ngầm dưới đường quy hoạch.

- Các khu vực cơ quan, xí nghiệp… hiện đang sử dụng các cấp điện áp 35,10,6KV sẽ thay thế dần bằng cáp ngầm cấp điện áp 22KV.

- Với khu vực làng xóm và khu dân cư hiện có đang sử dụng cấp điện áp 35,10,6KV sẽ thay thế dần bằng cấp điện áp 22KV.

- Xây dựng mới và cải tạo các trạm 110KV với tổng công suất khoảng 504MVA.

a. Nguồn cấp điện:

- Trạm 220/110KV:

Xây dựng trạm Long Biên 220/110KV công suất 2x250MVA được cấp điện từ đường dây 220KV Phố Nối - Thường Tín (trong trạm 220/110KV Long Biên có trạm 110/22KV nối cấp công suất (2x63)MVA).

- Trạm 110/22KV:

+ Cải tạo nâng công suất trạm Gia Lâm (E2) 110/35/22KV lên 2x63MVA.

+ Cải tạo nâng công suất trạm Sài Đồng B (E15) 110/22KV lên 2x63MVA.

+ Xây dựng mới trạm Sài Đồng A 110/22KV công suất 2x63MVA.

b. Tuyến 220-110KV:

- Xây dựng đường dây 220KV dây dẫn AC-400mm2, cấp điện cho trạm 220KV Long Biên (lấy điện trên tuyến dây 220KV phố Nối - Thường Tín).

c. Tuyến 110KV:

Xây dựng tuyến 110KV từ trạm 220KV Long Biên 4 mạch đến 2 tuyến 110KV Gia Lâm - Sài Đồng B để tách 2 lộ 110KV (lộ 180, 181E2) đang cấp điện cho trạm 110KV Gia Lâm và Sài Đồng B thành 4 lộ 110KV-XLPE-1200mm2.

- Xây dựng cáp ngầm 110KV Long Biên - Sài Đồng A (XLPE-1200mm2) cấp điện cho trạm Sài Đồng A.

- Cải tạo đường dây 110KV 2 mạch Gia Lâm - Sài Đồng B từ 2AC-185mm thành XLPE-1200mm2 mạch kép.

- Cải tạo đường dây 110KV 2 mạch Gia Lâm - Đông Anh từ 2AC-185 thành XLPE-1200mm2.

d. Các tuyến cáp trung thế 22KV:

Xây dựng các tuyến cáp ngầm trung thế 22KV nối các trạm 110KV để tạo mối liên kết hỗ trợ nâng cao khả năng cung cấp điện an toàn.

Xây dựng các lộ cáp ngầm 22KV trục chính (lấy nguồn từ các trạm biến áp 110/22KV) để cấp điện cho các phụ tải của các khu vực.

Đối với khu vực ngoài đê sử dụng đường dây trên không có hỗ trợ giữa các lộ khi có sự cố trong quá trình vận hành.

* Tổng nhu cầu cấp điện cho quận Long Biên khoảng 537.356KW.

Vị trí, số lượng và dung lượng cụ thể của các trạm biến thế trong các ô đất sẽ được xác định theo dự án cấp điện cho từng khu vực được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với các khu vực đã có quy hoạch chi tiết hoặc các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp điện sẽ được thực hiện theo các quyết định phê duyệt của cấp thẩm quyền.

3.5. Chỉ giới đường đỏ và hành lang bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật:

- Mạng lưới đường được xác định trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chi tiết quận Long Biên tỷ lệ 1/2000 (Phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông) đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt. Chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng của các tuyến đường được xác định theo các nguyên tắc sau đây:

+ Đối với khu vực đô thị hóa đã có các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc dự án đầu tư xây dựng: Chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng được xác định trên cơ sở thống nhất với các quy hoạch chi tiết và dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Đối với khu vực xây dựng mới: Chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng của cấp hạng đường nhánh trở lên sẽ được xác định chính xác ở giai đoạn quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

+ Đối với khu vực làng xóm hiện có: mạng đường trong hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 có tính chất định hướng về cơ cấu mạng đường và quy mô mặt cắt ngang đường làm cơ sở cho việc thiết kế lập QHCT 1/500 và các dự án cụ thể. Trong đó sẽ xác định chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng theo quy hoạch được thực hiện theo quyết định phân cấp quy hoạch.

- Chỉ giới đường đỏ mạng lưới đường thành phố, đường khu vực: được xác định theo các hồ sơ riêng của các tuyến đường này được cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc ở quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của từng khu vực.

- Việc cắm mốc các tuyến đường sẽ được tiến hành ở giai đoạn thiết kế chi tiết ở tỷ lệ 1/500 theo đúng quy định.

3.6. Lưu ý chung:

+ Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện chưa triển khai phải tuân thủ Quy hoạch chi tiết hạ tầng kỹ thuật quận Long Biên được phê duyệt tại quyết định này. Các Dự án đầu tư xây dựng hoặc Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang thực hiện tiếp tục được triển khai theo các quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

+ Các tuyến dây, tuyến ống được thiết kế đi ngầm trong hào (hoặc tuynen kỹ thuật) đối với các tuyến đường mặt cắt ³ 30m khi lập dự án đầu tư xây dựng sẽ được xem xét cụ thể.

+ Trên địa bàn quận Long Biên có một số tuyến ống xăng dầu đặt ngầm. Vì vậy, các tuyến đường và công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong (hoặc cắt qua) hành lang tuyến ống xăng dầu hiện có, khi lập dự án đầu tư xây dựng cần có sự thỏa thuận của cơ quan quản lý công trình xăng dầu và cơ quan phòng cháy chữa cháy. Đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định của Nghị định 10/NĐ-CP ngày 17/2/2003 của Chính phủ.

+ Hành lang bảo vệ các tuyến đê sông Hồng, sông Đuống và việc xây dựng các công trình ngoài bãi của các tuyến sông phải đảm bảo tuân thủ theo các quy định của Luật Đê điều.

Điều 2. Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm xác nhận hồ sơ, bản vẽ phù hợp với quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết trong vòng 15 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực. Chủ trì phối hợp với Chủ tịch UBND quận Long Biên tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết được phê duyệt để các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện. Phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất tổ chức nghiên cứu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với đồ án quy hoạch chi tiết này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Chủ tịch UBND quận Long Biên có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch được duyệt và xử lý việc xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất, Xây dựng, Giao thông công chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND quận Long Biên; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường thuộc quận Long Biên, Thủ trưởng các Sở, Ngành, các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng;
- Đ/c Chủ tịch UBNDTP;
- Đ/c PCT TT Phí Thái Bình;
- Đ/c PCT Nguyễn Văn Khôi;
- Đ/c PCT Vũ Hồng Khanh;
- V4, TH, XDn (3b);
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 13/2008/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Long Biên, tỷ lệ 1/2000 (phần quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật) do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 13/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/03/2008
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Thế Thảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản