Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1290/QĐ-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN THỎA THUẬN PARIS VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA BỘ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2019-2020 VÀ 2021-2030

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;

Căn cứ quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu;

Căn cứ công văn số 199/TTg-QHQT ngày 08/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai kết quả Hội nghị COP 22;

Xét đề nghị của Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội giai đoạn 2019- 2020 và 2021-2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Lãnh đạo Bộ;
- Lưu: VT, Viện KHLĐXH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quân

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN THỎA THUẬN PARIS VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2019-2020 VÀ 2021-2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1290/QĐ-BLĐTBXH ngày 11 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội)

Thực hiện Quyết định 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 của của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định các hoạt động cụ thể và giải pháp thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2053/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

- Lồng ghép chính sách lao động và xã hội phù hợp với nhiệm vụ, thực hiện các cam kết về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững; gắn kết hài hòa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

2. Yêu cầu

- Quán triệt sâu, rộng chủ trương, giải pháp, nội dung của Đảng và Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của ngành; chủ động lồng ghép các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu vào quá trình hoạch định chính sách như các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

- Cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ của Bộ trong Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Phù hợp với Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016- 2020; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về Phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

- Việc thực hiện kế hoạch theo Thỏa thuận Paris dựa trên cơ sở kế thừa các kết quả đã đạt được và lồng ghép, tận dụng mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

Căn cứ nội dung hoạt động được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2018 ban hành kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch hành động với các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Nhóm nhiệm vụ 1: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

- Thúc đẩy thực hiện an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với các quy định liên quan đến mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, khuyến khích doanh nghiệp, người dân ứng dụng các thiết bị và công nghệ xanh vào hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với cam kết trong NDC của Việt Nam, góp phần vào chuyển đổi nền kinh tế theo hướng các bon thấp.

- Tích cực lồng ghép thực hiện chính sách việc làm công theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm trong các chương trình, hoạt động, dự án giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

- Nghiên cứu các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ lao động chuyển đổi sang việc làm xanh.

2. Nhóm nhiệm vụ 2: Thích ứng với biến đổi khí hậu

- Rà soát, bổ sung, quản lý và chia sẻ dữ liệu thông tin về thích ứng, tổn thất, thiệt hại trong các lĩnh vực của ngành.

- Nghiên cứu, đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu theo kịch bản quốc gia cập nhật, xác định nhu cầu thích ứng và nhu cầu giải quyết các vấn đề liên quan tới tổn thất và thiệt hại tới các đối tượng của ngành quản lý chịu tác động của biến đổi khí hậu.

- Thu thập thông tin, đánh giá và lựa chọn các mô hình mẫu về sinh kế và quá trình sản xuất phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân rộng tại các địa bàn dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu.

- Rà soát các tổn thất và thiệt hại bởi tác động của biến đổi khí hậu tới các lĩnh vực của ngành, đề xuất các tiêu chí và phương pháp xác định mức độ tổn thương của các nhóm đối tượng thuộc ngành quản lý, đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

3. Nhóm nhiệm vụ 3: Chuẩn bị nguồn lực

- Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu thực hiện thỏa thuận Paris trong các lĩnh vực của ngành.

- Xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng phù hợp trong các ngành nghề trọng điểm thuộc khu vực kinh tế xanh, công nghệ xanh thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần cải thiện chỉ số ĐMST (GII) nhằm đạt mục tiêu như Chính phủ đặt ra và phân công các bộ, ngành, địa phương tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017).

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Biến đổi khí hậu cho công chức, viên chức và người lao động ngành Lao động-Thương binh và Xã hội. Thúc đẩy thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân tại các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là những cộng đồng dân tộc thiểu số về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

4. Nhóm nhiệm vụ 4: Thiết lập hệ thống công khai, minh bạch cho thích ứng với biến đổi khí hậu

- Nghiên cứu, hoàn thiện bộ tiêu chí theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch thỏa thuận Paris của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, phương thức quản lý và chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan.

- Tham gia xây dựng báo cáo thích ứng quốc gia các năm 2020, 2025, 2030.

5. Nhóm nhiệm vụ 5: Xây dựng và hoàn thiện chính sách; sắp xếp thể chế

- Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đơn vị đầu mối xử lý các vấn đề biến đổi khí hậu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Rà soát các chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình các lĩnh vực thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhằm lồng ghép giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu theo định hướng và phân kỳ thực hiện cam kết của Việt Nam trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu:

+ Hoàn thiện chính sách việc làm phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh nhằm khuyến khích tạo việc làm mới và bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm, tạo việc làm xanh và phát triển sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là người lao động có sinh kế bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; xây dựng chính sách hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp ổn định sản xuất trước tác động của biến đổi khí hậu, sự cố thảm họa môi trường.

+ Hoàn thiện chính sách giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo nghề phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh và sử dụng hiệu quả nguồn lực con người; tích hợp hiệu quả vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm nguồn lực lao động chất lượng cao cho phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế góp phần cải thiện chỉ số ĐMST (GII) nhằm đạt mục tiêu như Chính phủ đặt ra và phân công các bộ, ngành, địa phương tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017.

+ Hoàn thiện chính sách an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với các quy định liên quan đến mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, khuyến khích doanh nghiệp, người dân ứng dụng các thiết bị và công nghệ xanh vào hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với cam kết trong NDC của Việt Nam, góp phần vào chuyển đổi nền kinh tế theo hướng các bon thấp.

+ Hoàn thiện chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội, bảo hiểm nhằm đáp ứng yêu cầu về thích ứng với BĐKH, giảm thiểu tác động tiêu cực tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có người nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân cư trú trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn và các nhóm dễ bị tổn thương khác như người di cư, phụ nữ, trẻ em...

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch, triển khai các nhiệm vụ được giao; lồng ghép các nội dung của kế hoạch này với các chương trình, dự án đang thực hiện; chủ động xây dựng các dự án, đề án, dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Bộ qua Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

3. Vụ Kế hoạch-Tài chính là đầu mối thực hiện kế hoạch thỏa thuận Paris; có nhiệm vụ cân đối kinh phí để bố trí cho các nhiệm vụ liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; thực hiện quyết toán theo quy định hiện hành.

4. Viện Khoa học Lao động và Xã hội chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất nghiên cứu, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

5. Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tìm kiếm và xúc tiến các cơ hội hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, nâng cao năng lực, góp phần thực hiện thành công các nội dung của Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris./.

 

PHỤ LỤC

CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN THỎA THUẬN PARIS VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
(Kèm theo Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội giai đoạn 2019-2020 và 2021-2030)

A. CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2019-2020

TT

Tên nhiệm vụ/chương trình, dự án

Nội dung hoạt động

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Nguồn kinh phí

I. Nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1

Nghiên cứu chính sách an sinh xã hội cho người lao động khi chuyển đổi sang việc làm xanh, đề xuất các giải pháp hỗ trợ thực hiện

- Nghiên cứu các vấn đề của người lao động khi chuyển đổi sang việc làm xanh

- Xác định nhu cầu hỗ trợ

- Đề xuất các giải pháp chính sách

Viện KHLĐ&XH

Cục BTXH

2020

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

2

Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy thực hiện an toàn, vệ sinh lao động theo hướng xanh hóa việc làm

- Nghiên cứu thực trạng và kinh nghiệm trong nước và quốc tế

- Đề xuất giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, người lao động ứng dụng các thiết bị, công nghệ, biện pháp thực hành an toàn, vệ sinh lao động nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Viện KHLĐ&XH

Cục ATLĐ

2020

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

II. Nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu

3

Đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương do BĐKH đến các lĩnh vực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

Nghiên cứu, đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực của BĐKH

Viện KHLĐ&XH

Các địa phương có liên quan

2019

NSNN

4

Xác định nhu cầu thích ứng và trợ giúp xã hội cho các đối tượng bị tổn thất và thiệt hại do BĐKH

- Hệ thống thông tin về đối tượng dễ tổn thương

- Đánh giá tổn thất và thiệt hại do các tác động tiêu cực bởi BĐKH

- Xác định nhu cầu thích ứng và trợ giúp xã hội

- Đề xuất các giải pháp

Viện KHLĐ&XH

Các địa phương có liên quan

2020

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

5

Nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu về thích ứng với BĐKH; tổn thất và thiệt hại trong các lĩnh vực của ngành

- Rà soát thông tin, dữ liệu hiện có về thích ứng với BĐKH; tổn thất và thiệt hại

- Đề xuất hệ thống dữ liệu về thích ứng với BĐKH; tổn thất và thiệt hại trong các lĩnh vực của ngành

Viện KHLĐ&XH

Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Trung tâm Tin học và Thống kê - Bộ NNPTNT, Tổng cục Thống kê

2020

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

III. Nhiệm vụ chuẩn bị nguồn lực

6

Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động của ngành về công tác quản lý và xây dựng chính sách liên quan tới ứng phó với BĐKH

- Tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao nghiệp vụ về công tác quản lý và xây dựng chính sách liên quan tới ứng phó BĐKH

- Cử cán bộ có liên quan tham gia các chương trình đào tạo.

Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ,công chức lao động, xã hội

Các đơn vị trong Bộ, địa phương

2020

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

7

Phát triển chương trình đào tạo gắn với việc làm xanh và ứng phó BĐKH trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Tích hợp, lồng ghép các nội dung về ứng phó với BĐKH, phát triển việc làm xanh vào nội dung chương trình đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Tổng cục GDNN

Cục Việc làm

2020

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

8

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH và cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris ở Việt Nam cho các cán bộ các cấp thuộc ngành và các đối tượng có liên quan.

- Thực hiện các hoạt động tập huấn chuyên sâu cho cán bộ ngành phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương

- Tuyên truyền nội dung chính sách liên quan tới các đối tượng có liên quan, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như người DTTS, người nghèo, phụ nữ, trẻ em...

Vụ KH-TC, Văn phòng Bộ, Cục BTXH, Cục Trẻ em, Cục Việc làm

Các địa phương có liên quan

2020

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

IV. Nhiệm vụ thiết lập hệ thống công khai, minh bạch cho thích ứng với biến đổi khí hậu

9

Xây dựng bộ chỉ số đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris của ngành

Lập bộ chỉ số và quy trình đánh giá quá trình thực hiện

Viện KHLĐ&XH

 

2019

NSNN

10

Định kỳ xây dựng Thông báo thích ứng quốc gia

Tham gia xây dựng Thông báo thích ứng quốc gia bao gồm cả tiến độ đạt được mục tiêu thích ứng trong NDC

Vụ Kế hoạch- Tài chính

Viện KHLĐ&XH

2020

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

V. Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chính sách, sắp xếp thể chế

11

Rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu

Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH

Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan

 

2020

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

12

Đề xuất lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách của ngành

- Nghiên cứu lồng ghép các vấn đề BĐKH và TTX trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách của ngành

- Đề xuất các nội dung liên quan đến BĐKH trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình của ngành

Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan

 

2020

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

B. CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2021-2030

TT

Tên nhiệm vụ/chương trình, dự án

Nội dung hoạt động

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Nguồn kinh phí

I. Nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

13

Áp dụng các mô hình thực hiện an toàn, vệ sinh lao động theo hướng xanh hóa các việc làm

- Xây dựng mô hình an toàn, vệ sinh lao động theo hướng xanh hóa các việc làm

- Áp dụng các mô hình thực hiện an toàn, vệ sinh lao động theo hướng xanh hóa các việc làm, nhằm mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Cục ATLĐ

Các địa phương được lựa chọn

2021-2030

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

14

Nghiên cứu giải pháp tạo việc làm công trong các chương trình ứng phó với BĐKH

- Đánh giá mô hình tạo việc làm công gắn với giảm thiểu tác động tiêu cực và thích ứng với BĐKH

- Đề xuất giải pháp

Viện KHLĐ&XH

Cục Việc làm, các địa phương có liên quan

2022

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

15

Xây dựng lồng ghép tiêu chí xanh vào mục tiêu tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả trong hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp

- Đánh giá hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn có lồng ghép tiêu chí xanh cho trường học, phòng học gắn với tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả, cải thiện môi trường và vệ sinh an toàn

- Hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn có lồng ghép tiêu chí xanh trong kiểm định chất lượng cơ sở GDNN theo hướng tiết kiệm sử dụng năng lượng thông minh và hiệu quả

Tổng cục GDNN

Các cơ sở GDNN

2021

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

II. Nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu

16

Mô hình trợ giúp xã hội thích ứng BĐKH dựa trên hệ thống tự cập nhật

- Hệ thống cơ sở dữ liệu ứng dụng công nghệ thông tin về đối tượng dễ tổn thương

- Đánh giá tổn thất và thiệt hại do các tác động tiêu cực do BĐKH

- Xác định nhu cầu thích ứng và trợ giúp xã hội

- Đề xuất các giải pháp

Cục BTXH

Viện KHLĐ&XH và các địa phương liên quan

2022-2023

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

17

Xây dựng các mô hình sinh kế và quá trình sản xuất phù hợp, thích ứng với BĐKH gắn với xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội.

- Rà soát và đánh giá các mô hình sinh kế/ sản xuất phù hợp, thích ứng với BĐKH, đề xuất các mô hình có khả năng nhân rộng.

- Thực hiện nhân rộng các mô hình mẫu có hiệu quả cao, tập trung tại các địa bàn nghèo, dân tộc thiểu số

- Đánh giá hiệu quả, tác động của các mô hình được nhân rộng tại địa phương

Cục BTXH, Viện KHLĐ&XH

Các địa phương có liên quan

2021-2030

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

18

Tăng cường lồng ghép giới trong phát triển sinh kế và quá trình sản xuất phù hợp với điều kiện BĐKH gắn với xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội

- Đánh giá tác động giới trong các hoạt động sinh kế, quá trình sản xuất phù hợp với điều kiện BĐKH gắn với xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội

- Đề xuất các chính sách thúc đẩy, phát triển các mô hình sinh kế có hiệu quả cho phụ nữ.

Vụ BĐG

Các địa phương có liên quan

2023-2024

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

III. Nhiệm vụ chuẩn bị nguồn lực

19

Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động của ngành về công tác quản lý và xây dựng chính sách liên quan tới ứng phó với BĐKH

- Tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao nghiệp vụ về công tác quản lý và xây dựng chính sách liên quan tới ứng phó BĐKH

- Cử cán bộ có liên quan tham gia các chương trình đào tạo.

Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ,công chức lao động, xã hội

 

2021-2030

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

20

Phát triển chương trình đào tạo gắn với việc làm xanh và ứng phó BĐKH trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Tích hợp, lồng ghép các nội dung về ứng phó với BĐKH, phát triển việc làm xanh vào nội dung chương trình đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Tổng cục GDNN

Cục Việc làm

2021-2022

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

21

Xây dựng các chương trình đào tạo ngành nghề trọng điểm thuộc khu vực kinh tế xanh, công nghệ xanh

Xây dựng và đưa các chương trình giảng dạy ngành nghề trọng điểm thuộc khu vực kinh tế xanh, công nghệ xanh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Tổng cục GDNN

 

2022 - 2030

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

22

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH và cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris ở Việt Nam cho các cán bộ các cấp thuộc ngành và các đối tượng có liên quan.

- Thực hiện các hoạt động tập huấn chuyên sâu cho cán bộ ngành phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương

- Tuyên truyền nội dung chính sách liên quan tới các đối tượng có liên quan, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương, như người DTTS, người nghèo, phụ nữ, trẻ em...

Vụ KH-TC, Văn phòng Bộ, Cục BTXH, Cục Trẻ em, Cục Việc làm

Các địa phương có liên quan

2021-2030

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

IV. Nhiệm vụ thiết lập hệ thống công khai, minh bạch cho thích ứng với biến đổi khí hậu

23

Cập nhật hệ thống chỉ số đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris của ngành

Hệ thống cơ sở dữ liệu và báo cáo đánh giá

Viện KHLĐ&XH

 

2021-2030

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

24

Định kỳ xây dựng Thông báo thích ứng quốc gia

Tham gia xây dựng Thông báo thích ứng quốc gia bao gồm cả tiến độ đạt được mục tiêu thích ứng trong NDC

Viện KHLĐ&XH

 

2025, 2030

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

V. Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chính sách, sắp xếp thể chế

25

Lồng ghép vấn đề BĐKH vào chính sách việc làm

Rà soát, hoàn thiện chính sách việc làm theo hướng phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, nhằm khuyến khích tạo việc làm mới và bảo đảm an sinh xã hội

Cục Việc làm

Vụ Pháp chế

2021-2030

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

26

Lồng ghép vấn đề BĐKH vào chính sách giáo dục nghề nghiệp

Hoàn thiện các chính sách, chương trình đào tạo nghề theo định hướng phát triển tăng trưởng xanh

Tổng cục GDNN

Vụ Pháp chế

2021-2030

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

27

Lồng ghép vấn đề BĐKH vào chính sách an toàn, vệ sinh lao động

Hoàn thiện chính sách an toàn, vệ sinh lao động hướng tới giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, khuyến khích doanh nghiệp, người dân ứng dụng các thiết bị và công nghệ xanh

Cục ATLĐ

Vụ Pháp chế

2021-2030

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

28

Lồng ghép vấn đề BĐKH trong chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội, bảo hiểm, bảo vệ chăm sóc trẻ em và giới

Hoàn thiện chính sách theo hướng bảo vệ tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH

Cục BTXH, Cục Trẻ em, Vụ BĐG

Vụ Pháp chế

2021-2030

NSNN và hỗ trợ của tổ chức trong nước và nước ngoài (nếu có)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1290/QĐ-BLĐTBXH năm 2019 về Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội giai đoạn 2019-2020 và 2021-2030

  • Số hiệu: 1290/QĐ-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/09/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/09/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản