Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/2000/QĐ-UB

Đà Nẵng, ngày 28 tháng 12 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH THÀNH PHỐ 5 KHÔNG: KHÔNG CÓ HỘ ĐÓI, KHÔNG CÓ NGƯỜI MÙ CHỮ, KHÔNG CÓ NGƯỜI LANG THANG XIN ĂN, KHÔNG CÓ NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ, KHÔNG CÓ GIẾT NGƯỜI CƯỚP CỦA.

UỶ BAN NHÂN DÂN

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;

- Căn cứ Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 10 tháng 10 năm 1998 của Thành uỷ về lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung uơng (khoá VIII);

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND thành phố và kết luận của cuộc họp giao ban Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố ngày 20 tháng 11 năm 2000 tại Thông báo số 302/TB-VP ngày 22 tháng 11 năm 2000,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện chương trình thành phố 5 không:

- không có hộ đói,

- không có người mù chữ,

- không có người lang thang xin ăn,

- không có người nghiện ma tuý,

- không có giết người cướp của.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND thành phố, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan căn cứ Quyết định thi hành ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để t/hiện)
- TVTU, TT HĐND(để b/c)
- CT, PCT UBND t/p
- Các Ban của Đảng
- UBMTTQVN tp, Các đoàn thể
- Đài THĐN, Đài PTTHĐN
- Báo ĐN, Báo CAĐN
- CPVP, CV
- Lưu VT, VX

TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Bá Thanh

 

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH THÀNH PHỐ 5 KHÔNG:

KHÔNG CÓ HỘ ĐÓI, KHÔNG CÓ NGƯỜI MÙ CHỮ, KHÔNG CÓ NGƯỜI LANG THANG XIN ĂN, KHÔNG CÓ NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ, KHÔNG CÓ GIẾT NGƯỜI CƯỚP CỦA.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 129/2000/QĐ-UB ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.)

Phần một:

QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Sự phát triển bền vững của một xã hội được đánh giá không phải chỉ căn cứ vào những chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật mà còn phải tính đến các chỉ tiêu văn hoá-đời sống bao gồm các đảm bảo về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, môi trường, an ninh xã hội . . ., hướng tới mục đích xây dựng đời sống hạnh phúc toàn diện, hài hoà cho con người.

Trong những năm qua, nhờ sự cố gắng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân, thành phố Đà Nẵng đã đạt được những bước phát triển đáng kể về kinh tế, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống của nhân dân được ổn định và cải thiện.

Bước vào thiên niên kỷ mới, thành phố chúng ta tiếp tục phấn đấu đẩy nhanh nhịp độ phát triển cả về kinh tế, khoa học kỹ thuật, đủ sức sánh vai cùng các thành phố khác trong nước và trong khu vực; đồng thời chăm lo xây dựng đời sống văn hoá-tinh thần và đạo đức xã hội, xem đó vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển kinh tế, là thước đo của tiến bộ xã hội.

Đến nay, trên các lĩnh vực xoá đói, giảm nghèo, chống mù chữ và phổ cập giáo dục, chống lang thang xin ăn, phòng chống và cai nghiện ma tuý, phòng chống tội phạm, thành phố Đà Nẵng đã và đang đạt được các thành quả quan trọng: Số lượng hộ thuộc diện đói không còn nhiều, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, số người lang thang xin ăn đã giảm, công tác phòng chống ma tuý đã được triển khai rộng khắp ở các ngành, đoàn thể, địa phương, các loại tội phạm nghiêm trọng cơ bản được khống chế. Các thành quả đó tuy tính bền vững chưa cao song đó là tiền đề, là cơ sở quan trọng để thành phố vững tin đặt ra mục tiêu phấn đấu thực hiện 5 không: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma tuý, không có giết người cướp của, triển khai hoàn thành trong 5 năm 2001-2005.

Đây là 5 nội dung có quan hệ nhân quả, hữu cơ với nhau, cần triển khai đồng bộ. Kết quả thực hiện “5 không” vừa góp phần giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc trước mắt vừa là sự đảm bảo bền vững cho mục tiêu chung: xây dựng thành phố giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Phần hai:

GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI TỪNG MỤC TIÊU CỤ THỂ

Mục tiêu 1: Không có hộ đói

A. Giải pháp trước mắt:

Từ nay đến cuối năm 2000 sẽ tập trung giải quyết cho các hộ thuộc diện đói bằng các biện pháp cụ thể sau đây:

- Hỗ trợ xây dựng nhà tình thương để ổn định chỗ ở.

- Hướng dẫn bày cách làm ăn và hỗ trợ vốn.

- Chuyển vào vùng dự án 773.

- Cấp đất sản xuất.

- Các Hội, đoàn thể giúp đỡ và vận động con cái nuôi cha mẹ.

- Cho hưởng cứu tế thường xuyên.

B. Giải pháp lâu dài: Để đảm bảo lâu dài không có hộ rơi vào tình trạng đói, các địa phương thường xuyên theo dõi, giúp đỡ những hộ nghèo.

Đặc biệt đối với 30% số hộ nghèo nhất trong diện nghèo hiện nay:

- Cấp thẻ bảo hiểm y tế người nghèo, thực hiện miễn giảm các khoản đóng góp khi đi học.

- Hỗ trợ khi có khó khăn đột xuất.

- Phân công, vận động các đoàn thể giúp đỡ các hộ cụ thể trong từng xã, phường, hướng dẫn cho họ biết cách làm ăn, tổ chức cuộc sống.

Mục tiêu 2: Không có người mù chữ

A. Biện pháp xoá mù chữ:

1.Vận động đi học: Chính quyền địa phương phối hợp với các đoàn thể vận động các đối tượng mù chữ đi học, sắp xếp thời gian, địa điểm học hợp lý, thuận tiện theo tình hình cụ thể ở từng nơi.

2. Nguồn giáo viên: Vận động các giáo viên, công chức, người hưu trí và những người đã biết chữ nói chung tham gia dạy cho người chưa biết chữ tại địa bàn cư trú; theo tinh thần vừa tình nguyện vừa có trợ cấp từ ngân sách thành phố.

3. Vở và sách giáo khoa: cấp phát miễn phí cho người học.

B. Biện pháp ngăn chặn nguồn mù chữ phát sinh và tái mù chữ:

1. Duy trì số học sinh đang học tiểu học hiện nay, có các biện pháp ngăn chăn việc bỏ học dỡ chừng ở bậc tiểu học để tránh phát sinh những người mù chữ mới trong độ tuổi dưới 14. Thường xuyên theo dõi, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp khắc phục hiện tượng bỏ học cấp tiểu học.

2. Giúp người đã xoá mù chữ được tiếp tục học chương trình cao hơn theo hai hướng, để chống tái mù chữ:

- Học tiếp chương trình tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hệ bổ túc.

- Học các chuyên đề sau mù chữ trong chương trình nâng cao chất lượng cuộc sống, chương trình đáp ứng sở thích cá nhân.

Mục tiêu 3: Không có người lang thang xin ăn

A. Các biện pháp trước mắt:

1. Đối với những người gốc Đà Nẵng đang tập trung ở Trung tâm bảo trợ:

- Trường hợp hộ gia đình: bố trí đất, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ 3 tháng lương thực, và cho vay vốn để làm ăn. Uỷ ban nhân dân phường nơi cư trú bàn bạc với các đoàn thể để động viên, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, không đi ăn xin nữa.

- Các trường hợp độc thân: những người già yếu, khuyết tật, không thân thích thì giữ lại nuôi dưỡng lâu dài ở Trung tâm theo diện cưú tế thường xuyên; những người còn khả năng lao động thì vận động người thân, địa phương nhận về chung sống, đưa vào chương trình xoá đói giảm nghèo để hỗ trợ lương thực, cho vay vốn làm ăn, khuyên ngăn không đi ăn xin nữa.

2. Đối với những người gốc ngoại tỉnh đang tập trung tại Trung tâm bảo trợ:

- Làm việc với các tỉnh thành liên quan để trả về địa phương và cùng chia sẻ trách nhiệm giải quyết tình trạng lang thang xin ăn.

- Những trường hợp chưa trả về nguyên quán được thì tiếp tục nuôi dưỡng tại Trung tâm; có biện pháp giáo dục, hướng nghiệp cho các đối tượng trong Trung tâm, tiến tới tự lo được cuộc sống và không lang thang xin ăn.

3. Tiếp tục duy trì việc phát hiện, thu gom những đối tượng lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội.

B. Các biện pháp lâu dài:

1. Làm việc với các tỉnh thành khác để cùng có quan tâm trách nhiệm, giải quyết đồng bộ, ngăn chặn người ở các địa phương khác đến Đà Nẵng xin ăn.

2. Các xã, phường có biện pháp quản lý, giúp đỡ những người trong các diện đói, nghèo, cứu tế thường xuyên, trẻ em lamg thang, có nguy cơ dẫn đến lang thang xin ăn tại địa phương, kịp thời hỗ trợ giải quyết các khó khăn đột xuất để tránh đưa đến tình trạng cùng cực phải lang thang xin ăn.

3. Ngành Lao động-Thương binh Xã hội và các đoàn thể, tổ chức xã hội làm tốt các chương trình xoá đói giảm nghèo, cứu trợ đột xuất, cho vay vốn, dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo trợ người tàn tật, trẻ em lang thang, cứu tế thường xuyên, giúp các đối tượng này về chỗ ở, bảo hiểm y tế và chi phí giáo dục-đào tạo.

Mục tiêu 4: Không có người nghiện ma tuý

A. Đối với nguồn ma tuý:

1- Kiểm tra nắm chắc tình hình, khám phá triệt để các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma tuý trên địa bàn thành phố; ngăn chặn việc trồng các cây có chất gây nghiện; kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán các loại hoá chất, dược phẩm có chứa chất ma tuý dùng trong y học, nghiên cứu khoa học và trong học đường.

2- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục rộng rãi về tác hại của ma tuý để ngăn chặn sự tiếp xúc với ma tuý, ngăn chặn việc sử dụng các chất gây nghiện, đặc biệt là trong đối tượng thanh niên, học sinh; phát động phong trào toàn dân cảnh giác, phát hiện, đấu tranh chống ma tuý.

B. Đối với việc cai nghiện ma tuý:

1- Điều tra để nắm chắc số đối tượng nghiện ma tuý hoặc có nguy cơ nghiện, phân loại theo hoàn cảnh và mức nghiện để có biện pháp theo dõi, ngăn ngừa, giúp đỡ cai nghiện.

2- Đối với người nghiện ma tuý có người thân chăm sóc được ở gia đình: Sở Lao động-Thương binh Xã hội và Sở Y tế theo dõi, giúp đỡ để cai nghiện có hiệu quả theo chương trình cai nghiện tại cộng đồng.

3- Đối với người nghiện ma tuý không chăm sóc được ở gia đình: đưa vào Trung tâm cai nghiện để cai nghiện, và giáo dục dạy nghề, phấn đấu trong thời gian từ 1 đến 2 năm hoàn thành cai nghiện và trở về hội nhập với cộng đồng; những người không cai nghiện được hoặc bị bệnh nặng thì để ở Trung tâm cai nghiện để nuôi dưỡng lâu dài.

4- Củng cố Trung tâm 05-06 hiện nay; năm 2001 khởi công xây dựng mới Trung tâm cai nghiện ma tuý tại thôn Phò Nam, xã Hoà Bắc, đưa vào sử dụng từ năm 2002, bố trí đủ cán bộ, y bác sĩ, phương tiện, làm nhiệm vụ cai nghiện, chữa bệnh và giáo dục hướng nghiệp cho các đối tượng cai nghiện.

Mục tiêu 5: Không có giết người cướp của

Các biện pháp hành động:

1- Tăng cường các biện pháp giáo dục, vận động để toàn dân tham gia phòng chống tội phạm; tuyên truyền rộng rãi về chức năng, hoạt động của lực lượng 113 Công an thành phố, phổ biến và hướng dẫn về số điện thoại khẩn cấp 113 cùng với việc phát động nhân dân tham gia tố giác tội phạm; xử lý nghiêm khắc và công khai các trường hợp phạm tội hình sự nghiêm trọng để răn đe và giáo dục ngăn ngừa.

2- Ngành công an tiến hành các biện pháp ngăn chặn kịp thời, thu hồi các loại hung khí, vũ khí, chất nổ; có biện pháp kiểm soát ngăn chặn việc rèn, lưu hành các loại hung khí (mã tấu, kiếm. . .)

3. Làm tốt việc giáo dục, quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự và các đối tượng do nhân dân phát hiện, tố giác, có nguy cơ dẫn đến phạm pháp; kiểm tra đăng ký tạm trú, tạm vắng, theo dõi tình hình khách vãng lai và lao động từ các nơi khác đến thành phố;

4- Điều tra, làm rõ và truy bắt có kết quả các vụ án phạm tội giết người cướp của trên địa bàn thành phố; đưa ra xét xử kịp thời, công khai để tăng hiệu quả tuyên truyền, giáo dục.

Tiến độ hoàn thành các mục tiêu:

Năm

Mục tiêu

2001

2002

2003

2004

2005

Không đói

Hoàn thành

Duy trì

Duy trì

Duy trì

Duy trì

Không mù chữ

 

Hoàn thành

Duy trì

Duy trì

Duy trì

Không lang thang xin ăn

 

 

Hoàn thành

Duy trì

Duy trì

Không ngiện ma tuý

 

 

 

Hoàn thành

Duy trì

Không giết người cướp của

 

 

 

 

Hoàn thành

Phần ba:

CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Công tác tuyên truyền, quán triệt nhận thức:

1. Đề nghị các cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể tổ chức tuyên truyền phổ biến về việc thực hiện, hưởng ứng kế hoạch xây dựng thành phố 5 không, quán triệt nhận thức đây là một kế hoạch quan trọng nhằm đảm bảo cuộc sống văn minh, hạnh phúc cho mọi người dân thành phố.

2. Sở Văn hoá-Thông tin thực hiện các tài liệu hướng dẫn, các pa nô, áp-phích để phát cho các đoàn thể, các ngành và các địa phương, phổ biến đến tận thôn, tổ dân phố nhằm tuyên truyền vận động toàn dân tham gia phấn đấu để đạt thôn và tổ dân phố 5 không; lồng ghép việc tuyên truyền vận động vào các chương trình thông tin cổ động, văn nghệ.

3. Đài Phát thanh-Truyền hình, và các cơ quan báo chí xây dựng các tiểu phẩm, các chương trình đặc biệt để phổ biến trên đài, báo nhằm tuyên truyền, vận động thực hiện mục tiêu 5 không, giáo dục lối sống lành mạnh, nâng cao ý thức và lòng tự hào khi góp phần xây dựng thành phố 5 không, ngăn ngừa những hành vi phạm tội.

4. Sở Tư pháp đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, chú ý đến các vấn đề liên quan đến thực hiện mục tiêu 5 không; tăng cường hoạt động của các tổ hoà giải, góp phần làm giảm tình trạng ly hôn, ly thân; đảm bảo con cái của các cặp vợ chồng ly hôn được nuôi dưỡng, được đi học, ngăn ngừa việc gia tăng nguồn trẻ em khó khăn, lang thang do bố mẹ ly hôn.

II. Tài chính:

1. Các Sở, Ban, Ngành thực hiện các chương trình mục tiêu lưu ý lồng ghép các hoạt động chương trình mục tiêu phục vụ hiệu quả cho các nội dung kế hoạch 5 không của thành phố.

2. Uỷ ban nhân dân thành phố khuyến khích vận động sự đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức, các nguồn lực tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ cho việc thực hiện mục tiêu 5 không của thành phố.

3. Ngoài các khoản chi cho các chương trình mục tiêu, chi bảo đảm xã hội thường xuyên như mọi năm, thành phố dành khoản ngân sách thích hợp và nguồn lực cần thiết để đảm bảo thực hiện mục tiêu 5 không.

III. Kiểm tra, đánh giá:

1- Định kỳ 6 tháng, Uỷ ban nhân dân các cấp phải có tổng kết, đánh giá việc thực hiện 5 không, có khen thưởng động viên thích đáng đồng thời rút kinh nghiệm để giải quyết những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện.

2- Đưa mục tiêu 5 không như một tiêu chuẩn đánh giá về thi đua và danh hiệu gia đình văn hoá, đơn vị văn hoá, thôn, tổ văn hoá trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

IV. Tổ chức thực hiện:

1- Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện kế hoạch 5 không trên địa bàn.

2 -Đối với các mục tiêu cụ thể, giao các ngành sau đây chịu trách nhiệm chủ trì theo dõi và tổng hợp, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cùng cấp:

Mục tiêu Không có hộ đói, giao Ban chỉ đạo Xoá đói-Giảm nghèo thành phố.

Mục tiêu Không có người mù chữ, giao ngành Giáo dục-Đào tạo.

Mục tiêu Không có người lang thang xin ăn, giao ngành Lao động Thương binh và Xã hội.

Mục tiêu Không có người nghiện ma tuý, giao ngành Công an chủ trì công tác ngăn chặn nguồn ma tuý, ngành Lao động Thương binh Xã hội chủ trì phối hợp với ngành Y tế trong công tác cai nghiện và chống tái nghiện.

Mục tiêu Không có giết người cướp của, giao ngành Công an.

3-UBND các xã, phường có nhiệm vụ triển khai đến tận thôn và tổ dân phố, họp nhân dân để phổ biến chủ trương, thống nhất nhận thức và đăng ký thi đua phấn đấu thôn và tổ đạt 5 không, hoàn thành việc đăng ký thi đua trong quý 1/2001; cuối mỗi năm ở xã, phường phải tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai trong năm tiếp theo.

4. Sở Văn hoá-Thông tin biên soạn các tài liệu hướng dẫn, nội dung pa nô, áp phích, khẩu hiệu dùng để vận động, tuyên truyền trong nhân dân về mục tiêu 5 không, trình UBND thành phố duyệt trong tháng 12/2000 để bắt đầu tuyên truyền rộng rãi từ tháng 01/2001.

5. Đài Phát thanh-Truyền hình, Báo Đà Nẵng xây dựng chương trình cổ động, giáo dục về thực hiện mục tiêu 5 không, bắt đầu chiến dịch tuyên truyền từ tháng 12/2000 và có kế hoạch tuyên truyền đều đặn trong các năm.

6. Các ngành được phân công chịu trách nhiệm về từng mục tiêu cụ thể và các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể trong thành phố, UBND các quận, huyện căn cứ vào kế hoạch này để chủ động lập kế hoạch sát hợp với thực tế của địa phương và ngành mình, bắt đầu triển khai kế hoạch trong tháng 12/2000; báo cáo kết quả thường xuyên hàng quý về UBND thành phố.

7. Đề nghị các cấp uỷ Đảng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể cùng phối hợp với chính quyền các cấp để vận động toàn dân tham gia thực hiện kế hoạch 5 không, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững, xã hội văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 129/2000/QĐ-UB về Kế hoạch thực hiện chương trình thành phố năm không do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

  • Số hiệu: 129/2000/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2000
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Nguyễn Bá Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản