Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 1289/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

PhÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CỔ PHẦN HÓA NGÂN HÀNG NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;
Xét đề nghị của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt phương án cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam với nội dung chính sau:

1. Tên tiếng Việt: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

- Tên giao dịch quốc tế: Commercial Joint Stock Bank for Foreign Trade of Vietnam.

- Tên viết tắt tiếng Anh: Vietcombank - VCB.

- Trụ sở chính: 198, đường Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

2. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật; tổ chức hoạt động theo Điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần, phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan. Được áp dụng mô hình quản trị theo thông lệ quốc tế tốt nhất nếu không có xung đột với luật pháp Việt Nam.

3. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề hiện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

5. Giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo sổ sách kế toán tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2006 đã được kiểm toán năm 2006 của Ngân hàng Ngoại thương là: 11.127.248 triệu đồng (mười một triệu một trăm hai mươi bảy nghìn hai trăm bốn mươi tám triệu đồng).

Ngoài áp dụng các phương pháp quốc tế trong xác định giá trị doanh nghiệp, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thực hiện các bước xử lý tài chính, xác định giá trị quyền sử dụng đất và hình thức sử dụng đất sau cổ phần hoá, đánh giá tài sản khác... kết hợp với kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của tổ chức tư vấn cổ phần hoá và định giá nước ngoài; đồng thời căn cứ tình hình cung cầu thị trường và các yếu tố khác tại thời điểm trước khi bán đấu giá cổ phần lần đầu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giá khởi điểm cổ phiếu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, công bố giá trị doanh nghiệp và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo số đánh giá lại.

6. Vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành:

a) Vốn điều lệ: 15.000.000.000.000 đồng (mười lăm nghìn tỷ đồng).

b) Hình thức cổ phần hoá và cơ cấu cổ phần phát hành:

Hình thức cổ phần hoá: giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn theo nguyên tắc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam qua nhiều giai đoạn với tỷ lệ vốn Nhà nước giảm dần nhưng không thấp hơn 51% vốn điều lệ, cụ thể như sau:

Giai đoạn l: tổng khối lượng phát hành trong đợt đầu là 30% vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, trong đó:

+ Cổ phần bán đấu giá công khai trong nước: 6,5% vốn điều lệ.

+ Cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và cho các đối tượng nắm giữ trái phiếu tăng vốn: 3,5 % vốn điều lệ.

+ Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược trong nước: 5% vốn điều lệ.

+ Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài: tối đa không quá 20% vốn điều lệ.

Giai đoạn 2: phát hành và niêm yết quốc tế không vượt quá 15% vốn điều lệ.

7. Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược:

a) Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài:

- Tiêu chí: là các tổ chức tài chính có quy mô và năng lực tài chính tầm cỡ quốc tế hoặc khu vực; có kinh nghiệm đầu tư thành công tại khu vực; có chiến lược và văn hóa kinh doanh phù hợp; có chuyên môn, có kinh nghiệm và chuyên nghiệp trong cùng lĩnh vực hoạt động và đảm bảo không có xung đột về lợi ích với chiến lược phát triển của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

- Số lượng: tối đa không quá 2 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Ngân hàng Ngoại thương thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tiềm năng theo quy định của pháp luật và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện trước khi bán đấu giá cổ phần lần đầu. Nhà đầu tư chiến lược được tham gia trong cơ cấu tổ chức quản lý Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam theo quy định của pháp luật.

b) Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nước: là các đối tác hoặc bạn hàng truyền thống trong nước.

c) Việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

d) Nhà đầu tư chiến lược cam kết đầu tư dài hạn, không được chuyển nhượng cổ phần trong thời gian ít nhất là 5 năm, kể từ ngày Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

8. Sử dụng nguồn vốn thặng dư sau khi bán cổ phần: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam được quản lý một phần tiền thu được từ cổ phần hóa để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi hoàn thành cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

9. Việc hình thành Tập đoàn tài chính ngân hàng Ngoại thương Việt Nam sẽ do Hội đồng quản trị của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam quyết định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

a) Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách các nhà đầu tư chiến lược và giá khởi điểm cổ phiếu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trong tháng 10 năm 2007.

b) Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Dảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
 - Toà án nhân dân tối cao;
- VPCP: BTCN, các PCN,
các Vụ: TH, KTTH, Website CP.
Lưu: VT, ĐMDN (5b). M.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

 
 


Nguyễn Sinh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1289/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt phương án cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1289/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/09/2007
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/09/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản