Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1270/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 26 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ CẤP CHỨNG CHỈ QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2020-2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các Công ty lâm nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 28/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về quản lý rừng bền vững;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 113/TTr-SNN ngày 23/6/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2030, với những nội dung chính sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường; duy trì, bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng. Nâng cao hiệu quả kinh tế của gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng; thúc đẩy mở rộng diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý bền vững trên địa bàn tỉnh; tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng có nguồn gốc hợp pháp đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2030, triển khai thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho khoảng 17.000 ha.

- Tổ chức 25 lớp tập huấn, tuyên truyền cho khoảng 1.250 người và từ 5 đến 7 đợt tham quan học tập kinh nghiệm cho khoảng 250 người nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ quản lý và chủ rừng, từng bước tiếp cận, đáp ứng các yêu cầu về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

II. PHẠM VI, ĐỊA ĐIỂM VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi, địa điểm: Đề án triển khai thực hiện trên địa bản 04 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế đối với diện tích 17.000 ha rừng sản xuất là rừng trồng của các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2020 đến năm 2030.

III. NỘI DUNG

1. Tập huấn tuyên truyền; tham quan học tập kinh nghiệm

1.1. Tập huấn, tuyên truyền: Nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, cung cấp thông tin, cập nhật các quy định mới của pháp luật; trao đổi phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm, nội dung yêu cầu, các hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình thực hiện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.

- Đổi tượng: Cán bộ công chức, viên chức thuộc UBND cấp huyện, các sở ngành liên quan, cán bộ quản lý lâm nghiệp, các chủ rừng.

- Quy mô số lượng: 25 lớp cho khoảng 1.250 người (50 người/lớp). Trong đó: Giai đoạn 2021-2025: 15 lớp; giai đoạn 2026-2030: 10 lớp,

1.2. Tham quan học tập kinh nghiệm: Tổ chức từ 5 đến 7 cuộc (trong đó giai đoạn từ 2021-2025, mỗi năm tối thiểu 1 cuộc) đi trao đổi, học tập phương pháp, kỹ thuật, kỹ năng và kinh nghiệm tổ chức triển khai thực hiện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững quy định tại Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT.

- Đối tượng: Cán bộ công chức, viên chức các huyện, các sở ngành liên quan, cán bộ quản lý lâm nghiệp, các chủ rừng.

2. Hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng

2.1. Đối tượng hỗ trợ

- Chủ rừng là doanh nghiệp, cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình có phương án quản lý rừng bền vững, được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững; quy mô diện tích hỗ trợ: 13.000 ha. Trong đó: Chủ rừng là doanh nghiệp: 5.500 ha; chủ rừng là nhóm hộ: 7.500 ha.

- Loại rùng: Rừng sản xuất là rừng trồng.

2.2. Điều kiện hỗ trợ: Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng phải có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao hoặc được cho thuê và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã sử dụng ổn định trong vòng 3 năm trở lên không có tranh chấp. Đối với doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức khác, đất trồng rừng sản xuất phải được giao khoán cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng ổn định lâu dài (tối thiểu một chu kỳ).

2.3. Mức hỗ trợ: Áp dụng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ là: 300.000 đồng/ha (trong trường hợp nhà nước có thay đổi mức hỗ trợ thì áp dụng mức hỗ trợ theo chính sách mới).

2.4. Tiến độ thực hiện:

- Giai đoạn 2021-2025: Hỗ trợ là 6.000 ha. Trong đó: Chủ rừng là tổ chức: 5.500 ha; chủ rừng là nhóm hộ: 500 ha.

- Giai đoạn 2026-2030: Hỗ trợ chủ rừng là nhóm hộ là 7.000 ha.

2.5. Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp cho chủ rừng sau khi được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

3. Kinh phí thực hiện

3.1. Tổng kinh phí thực hiện khoảng: 22.900.000.000 đồng (Hai mươi hai tỷ, chín trăm triệu đồng). Trong đó:

- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ: 4.700.000.000 đồng, bao gồm:

+ Hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng (cho 13.000 ha): 3.900.000.000 đồng.

+ Tập huấn, tuyên truyền: 500.000.000 đồng.

+ Tham quan học tập kinh nghiệm: 300.000.000 đồng.

- Kinh phí của chủ rừng: 18.200.000.000 đồng.

3.2. Nguồn kinh phí: Nguồn sự nghiệp ngân sách nhà nước.

(Chi tiết theo Đề án được duyệt)

VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Về tổ chức, quản lý rừng

- Thành lập Ban đại diện cho nhóm hộ xin cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững ở cấp huyện do đại diện Lãnh đạo UBND huyện làm Trưởng ban, thành viên là đại diện lãnh đạo các phòng, cơ quan chuyên môn: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Tài Nguyên và Môi trường; Hạt Kiểm lâm huyện; đại diện lãnh đạo UBND các xã có triển khai thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ban đại diện hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, có quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên. Ban đại diện xây dựng, ban hành Quy chế hoạt động sau khi thống nhất nội dung với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Ban đại diện có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyền lợi thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng của nhóm hộ. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Thông tư số 28/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên.

2. Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền

- Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực về các nội dung chuyên môn trong xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng, chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức quản lý lâm nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện, chủ rừng;

- Tăng cường giáo dục pháp luật về Lâm nghiệp, nâng cao ý thức quản lý bảo vệ và phát triển rừng của người dân nhằm thay đổi nhận thức, tập quán kinh doanh, sản xuất lâm nghiệp sang thâm canh rừng để đảm bảo các nguyên tắc và điều kiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

- Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh truyền hình, báo, trang thông tin điện tử, website) về ý nghĩa, tầm quan trọng của các hoạt động về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; tích cực giới thiệu hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam tới các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh và cả nước; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gỗ có chứng chỉ rừng của tỉnh Bắc Giang; mở rộng thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

3. Huy động nguồn lực

- Tranh thủ các nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn sự nghiệp kinh tế lâm nghiệp) thuộc Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng được phê duyệt tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ; các dự án nước ngoài; ngân sách tỉnh hàng năm bố trí cho chủ rừng đánh giá, cấp chứng chỉ rừng.

- Quan tâm chú trọng thu hút các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí cho chủ rừng trong quá trình lập hồ sơ quản lý rừng bền vững, đánh giá, cấp chứng chỉ rừng và kinh phí duy trì chứng chỉ rừng bền vững.

- Tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp liên doanh liên kết với các chủ rừng là hộ gia đình tích tụ đất lâm nghiệp để sản xuất gỗ hàng hóa tập trung; hình thành liên kết theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, khai thác đến chế biến tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng; áp dụng các biện pháp thâm canh chăm sóc rừng, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lâm nghiệp nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng.

- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động chế biến gỗ, tạo sản phẩm có chất lượng đảm bảo yêu cầu xuất khẩu sang thị trường lớn trên thế giới; nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức triển khai thực hiện Đề án; tham gia, thống nhất nội dung Quy chế hoạt động của Ban đại diện cho nhóm hộ lập hồ sơ, đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững ở cấp huyện.

Tổ chức tập huấn, tham quan cho cán bộ công chức, viên chức các huyện, Sở ngành liên quan, các chủ rừng nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm tổ chức triển khai thực hiện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững quy định tại Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT.

Triển khai hướng dẫn, các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; giám sát thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng theo quy định. Tổng hợp, xây dựng kế hoạch hàng năm và đề xuất bố trí ngân sách hỗ trợ cho chủ rừng thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ rừng gửi Sở Tài chính tổng hợp. Thanh toán kinh phí hỗ trợ đánh giá, cấp chứng chỉ rừng bền vững cho chủ rừng (sau khi chủ rừng được cấp chứng chỉ rừng và có đầy đủ hồ sơ đề nghị thanh toán theo quy định).

2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thủ tục hỗ trợ, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho chủ rừng; hàng năm, tổng hợp kế hoạch, trình Chủ tịch UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện Đề án.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì phối hợp với UBND các huyện thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định ranh giới, lập hồ sơ địa chính, giải quyết dứt điểm các tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp; chỉ đạo, tham mưu hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho chủ rừng.

4. UBND các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế

Chủ trì, phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện việc lập hồ sơ, đánh giá, cấp chứng chỉ rừng. Thành lập Ban đại diện cho nhóm hộ lập hồ sơ, đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững ở cấp huyện; chỉ đạo, hướng dẫn, xúc tiến thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp, trang trại lâm nghiệp trên địa bàn huyện nhằm liên kết các hộ gia đình để có được diện tích rừng đủ lớn, ổn định; lập hồ sơ, đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; tổ chức sản xuất theo chuỗi từ trồng rừng, khai thác, chế biến và tiêu thụ.

Chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp; thực hiện hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý.

Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; thu hút đầu tư, kết nối các doanh nghiệp tham gia liên kết với các hộ dân để hình thành chuỗi liên kết giá trị; tích cực chủ động tham gia vào các hoạt động thúc đẩy quá trình thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo mục tiêu của Đề án.

Chỉ đạo UBND các xã thực hiện các nhiệm vụ quản lý rừng bền vững theo quy định tại Khoản 5, Điều 18 Thông tư số 28/TT-BNNPTNT: Hướng dẫn các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình cá nhân liên kết hình thành nhóm hộ để xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; theo dõi việc thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững của chủ rừng trên địa bàn theo nội dung, kế hoạch đã xác định trong phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt.

5. Trách nhiệm của chủ rừng

- Thực hiện trách nhiệm về quản lý rừng bền vững theo các nội dung quy định tại Điều 19, Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chủ rừng có trách nhiệm (tự lập hoặc thuê tư vấn) lập hồ sơ, thuê tư vấn đánh giá, cấp chứng chỉ rừng; hoàn thiện hồ sơ, chứng từ, hóa đơn đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí sau khi được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện triển khai thực hiện Đề án; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, chủ rừng thực hiện theo đứng quy định. Tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Chi cục Kiểm lâm (3);
- Lưu: VT, NN Thăng.
Bản điện tử:
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VPUBND tỉnh: LĐVP, TH, KT, TN, CNN,

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Thanh Sơn