Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1269/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2014 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN ĐẾN NĂM 2020”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Công đoàn ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết tài chính công đoàn;
Căn cứ Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 -2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020” với các nội dung chính như sau:
a) Mục tiêu tổng quát:
Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn (sau đây gọi tắt là các cơ sở dạy nghề) nhằm góp phần đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, đẩy mạnh xuất khẩu lao động và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước và hội nhập quốc tế.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Phấn đấu đến năm 2020 có 25% trường cao đẳng nghề, 45% trường trung cấp nghề và 30% trung tâm dạy nghề trong tổng số các cơ sở dạy nghề;
- Các cơ sở dạy nghề có đủ năng lực thực hiện đào tạo nghề cho khoảng 500 nghìn người trong giai đoạn 2014 - 2020, trong đó: Cao đẳng nghề chiếm khoảng 5%; trung cấp nghề chiếm khoảng 20%; sơ cấp nghề chiếm khoảng 35%; dạy nghề dưới 3 tháng chiếm khoảng 40%; phấn đấu 70% người lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm và thu nhập ổn định.
a) Điều chỉnh, bổ sung các cơ sở dạy nghề trong quy hoạch mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề của cả nước đến năm 2020 theo hướng:
- Nâng cấp trường trung cấp nghề thành trường cao đẳng nghề, trung tâm dạy nghề thành trường trung cấp nghề, chuyển đổi các trung tâm giới thiệu việc làm thành trung tâm dạy nghề khi đủ điều kiện theo quy định;
- Phát triển các trường dạy nghề trọng điểm đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế theo quy hoạch, trong đó có ít nhất 01 trường cao đẳng nghề trở thành trường nghề chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
b) Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề cho cơ sở dạy nghề:
- Đầu tư xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị dạy nghề theo quy định cho việc dạy các nghề trọng điểm quốc gia;
- Đầu tư xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị dạy nghề tối thiểu theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho việc dạy các nghề không thuộc danh mục các nghề trọng điểm.
c) Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề:
- Có chính sách ưu đãi để thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề vào các cơ sở dạy nghề bảo đảm số lượng biên chế cơ hữu theo quy định;
- Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề tương ứng với tiêu chuẩn, yêu cầu của việc dạy từng nghề cụ thể trong đó có các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, cấp độ khu vực ASEAN và thế giới.
d) Phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề:
- Đối với các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế: Thực hiện theo chương trình, giáo trình dạy nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế phù hợp với thị trường lao động Việt Nam;
- Đối với các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia: Áp dụng và thực hiện theo chương trình, giáo trình dạy nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xẫ hội xây dựng và ban hành trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia;
- Chương trình, giáo trình của các nghề khác do cơ sở dạy nghề xây dựng, trên cơ sở chương trình khung do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành hoặc tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.
đ) Đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề:
- Các cơ sở dạy nghề từng bước tính đủ chi phí đào tạo nghề theo lộ trình của Nhà nước quy định;
- Huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào các cơ sở dạy nghề nhằm bảo đảm yêu cầu số lượng, chất lượng dạy nghề của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ;
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở dạy nghề được tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, tài trợ của các tổ chức quốc tế cho các hoạt động dạy nghề;
- Các cơ sở dạy nghề chủ động phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động.
e) Hội nhập quốc tế:
- Mở rộng liên kết, hợp tác với các cơ sở dạy nghề nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong đào tạo nghề để nâng cao chất lượng đào tạo; nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên; tổ chức quản lý cơ sở dạy nghề theo chuẩn mực quốc tế; học sinh, sinh viên tốt nghiệp được công nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế;
- Tăng cường hợp tác với các cơ sở dạy nghề nước ngoài có uy tín trong việc tiếp nhận, chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập;
- Triển khai và ký kết các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ các cơ sở dạy nghề và học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
3. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án
a) Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí các cơ sở dạy nghề theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước, gồm: Kinh phí hoạt động thường xuyên theo quy định của pháp luật; kinh phí thực hiện các chương trình, dự án quốc gia; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng; kinh phí đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài và kinh phí chi đầu tư phát triển theo Đề án này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Ngân sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên các cơ sở dạy nghề;
c) Nguồn tích lũy của các cơ sở dạy nghề và các nguồn hợp pháp khác đầu tư cho xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề;
d) Ngân sách địa phương hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn;
đ) Nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện Đề án.
a) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức, triển khai thực hiện Đề án; định kỳ kiểm tra đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
- Chỉ đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án ở địa phương.
b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí kinh phí các chương trình, dự án quốc gia cho các cơ sở dạy nghề theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn các cơ sở dạy nghề xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề, đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện Đề án.
c) Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bố trí kinh phí sự nghiệp dạy nghề theo phân cấp ngân sách để thực hiện Đề án;
- Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn các cơ sở dạy nghề thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, dự án quốc gia, kinh phí chi đầu tư phát triển, vốn trái phiếu chính phủ (nếu có), vốn ODA và các chương trình, dự án, đề án trọng điểm quốc gia khác để thực hiện Đề án;
- Phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp và cân đối kinh phí chi thường xuyên và các nguồn kinh phí khác cho các cơ sở dạy nghề.
đ) Trách nhiệm của các Bộ, ngành khác:
Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức thực hiện các hoạt động có liên quan của Đề án theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được phân công.
e) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Tạo điều kiện cấp đất cho các cơ sở dạy nghề ở địa phương; hỗ trợ kinh phí bồi thường và giải phóng mặt bằng cho các cơ sở dạy nghề ở địa phương và kinh phí đào tạo nghề cho người lao động của địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Luật Dạy nghề 2006
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 3Quyết định 630/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Công đoàn 2012
- 5Nghị định 191/2013/NĐ-CP hướng dẫn về tài chính công đoàn
- 6Thông tư 57/2014/TT-BGTVT về cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở dạy nghề và chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Quyết định 1269/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1269/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/07/2014
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Vũ Đức Đam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra