Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1269/1998/QĐ-UB

Vĩnh Yên, ngày 06 tháng 5 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

"VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG CÁN BỘ ĐI HỌC"

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ban hành ngày 21 tháng 6 năm 1994.

- Căn cứ Thông tư số 09/TC-HCVX ngày 17/2/1991 quy định chế độ công tác phí cho công nhân viên chức đi công tác trong nước.

- Căn cứ Thông tư Liên bộ số 37/TT-LB ngày 22/4/1994 của Liên bộ Tài chính - ban tổ chức cán bộ Chính phủ "V/v hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ quản lý Nhà nước và công chức".

-Theo đề nghị của Giám đốc Sở tài chính Vật giá và trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản: "Quy định chế độ đối với 1 số đối tượng cán bộ đi học".

Điều 2: Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các ông Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, xã phường và thị trấn, thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Đăng

 

QUY ĐỊNH

CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG CÁN BỘ ĐI HỌC
(Ban hành kèm theo QĐ số: 1269/1998/QĐ - UB ngày 6 tháng 05 năm 1998 của UBND tỉnh )

NGUYÊN TẮC CHUNG

- Đảm bảo từng bước chuẩn hoá và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh khuyến khích học tập để nâng cao trình độ.

- Thực hiện phân cấp và đa dạng hoá các nguồn lực cho sự nghiệp đào tạo. Các đơn vị thụ hưởng ngân sách ở các cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở có trách nhiệm trong việc chi trả kinh phí đào tạo, đồng thời huy động sự đóng góp của cá nhân người đi học.

- Ngân sách các cấp và các đơn vị kinh tế cơ sở hàng năm giành khoản kinh phí nhất định cho đào tạo và được bố trí vào dự toán ngay từ đầu năm.

Chương I

ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP

Điều 1: Đối tượng được hưởng phụ cấp đi học là cán bộ giữ chức vụ dân cử cấp tỉnh, cấp huyện và công chức, viên chức Nhà nước; cán bộ các cơ quan Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang, cán bộ chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) được chọn cử đi học theo quy hoạch tại các trường lớp sau :

a - Các lớp đào tạo tại chức, đào tạo lại và bồi dưỡng tại :

- Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện hành chính Quốc gia, trường của các đoàn thể, trường quản lý ngành do các cơ quan Đảng, đoàn thể ở TW, các bộ và các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ chiêu sinh.

- Trường chính trị tỉnh, huyện do Tỉnh uỷ, UBND tỉnh hoặc cơ quan được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh uỷ nhiệm chiêu sinh.

b- Các lớp đào tạo cao học, nghiên cứu sinh do Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cử.

c- Các lớp đào tạo cao học, nghiên cứu sinh do cơ quan bàn bạc, thống nhất chọn cử đi học nhưng phải báo cáo và được cơ quan có thẩm quyền Quyết định.

d- Các lớp bổ túc văn hoá đào tạo quy hoạch cán bộ xã, phường, thị trấn do UBND tỉnh Quyết định phân bổ chỉ tiêu giao cho Trung tâm giáo dục huyện, thị hàng năm.

Điều 2: Quy định này không áp dụng đối với các đối tượng là cán bộ CNVC tự nguyện đi học để hoàn thiện theo yêu cầu tiêu chuẩn công chức, viên chức. Trường hợp cán bộ công nhân viên chức tự đi học thì được giữ nguyên lương, giành thời gian đi học và tuỳ thuộc vào khả năng của từng cơ quan mà được hỗ trợ thêm một phần kinh phí....

Chương II

MỨC PHỤ CẤP VÀ THỜI GIAN ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP

Điều 3: Cán bộ đi học thuộc đối tượng nói ở điều I, chương I được hưởng :

a- Nguyên lương và các phụ cấp theo lương, nguyên mức phụ cấp sinh hoạt phí cho cán bộ xã, phường và thị trấn.

b- Tiền đào tạo phí, tiền y tế phí, tiền thuê nhà ở (nếu có) được thanh toán theo phiếu thu của nhà trường. Riêng học viên các lớp bổ túc văn hoá như điểm đ điều I chỉ được hưởng tiền đào tạo phí.

c- Phụ cấp hỗ trợ một phần tiền ăn:

- Đối với các lớp ngắn hạn (từ 1 đến 3 tháng): Nếu học viên ở nội trú và khoảng cách từ trụ sở cơ quan đến nơi học tập từ 30 km trở lên được hưởng trợ cấp 3.000 đ/người/ngày.

- Đối với các lớp dài hạn với mức ăn thống nhất là 180.000 đ/người/tháng. Học viên phải bỏ mức tối đa là 50% tiền lương tháng để nộp tiền ăn theo mức này. Số chênh lệch thiếu giữa 50% số tiền lương bỏ ra và mức ăn theo quy định này được cấp bù cho đủ và nếu 50% tiền lương bỏ ra mà cao hơn mức ăn theo quy định thì không được truy lĩnh.

- Đối với các lớp học đại học, trung cấp chính trị tại chức học tại các trường chính trị tỉnh, huyện học viên phải tự túc tiền ăn.

- Cán bộ xã đi học tập trung dài hạn, ngắn hạn đào tạo theo quy hoạch được cấp tiền ăn theo ngày thực học, tại trường chính trị tỉnh: mức 6.000 đ/người, trường chính trị huyện mức 3.000 đ/người/ngày.

d - Tiền tàu xe lượt đi và về từ cơ quan đến nơi học cho cả đợt học (Nếu ngoài 30 km).

Các khoản được hưởng tại các mục a,b,c,d do ngân sách đài thọ.

Điều 4: Đối với cán bộ nữ đi học:

Ngoài chế độ phụ cấp chung như quy định tại điều 3, cán bộ nữ đi học còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp sau:

- Đi học ngắn hạn : 30.000 đ/tháng(Đủ tháng)

- Đi học dài hạn : 20.000 đ/tháng

b - Tiền tàu xe cho cán bộ nữ có gia đình riêng:

- Đi học ngắn hạn: Một lượt đi và về tính cho 1 tháng học

- Đi học dài hạn: Một lượt đi và về tính cho 1 quý học và được thanh toán theo vé ô tô khách, vé tàu hoả.

c- Tiền gửi trẻ cho cán bộ nữ đi học có con nhỏ dưới 24 tháng tuổi, thanh toán theo phiếu thu của trường, nếu không mang theo thì được trợ cấp 60.000 đ/tháng.

Điều 5: Trong suốt thời gian học tập trung, học viên không được hưởng phụ cấp công tác phí.

Điều 6: Thời gian được hưởng phụ cấp là thời gian học tập trung tại trường và thời gian đi thực tập theo quy định của Nhà trường.

Chương III

CHẾ ĐỘ CẤP PHÁT, THANH QUYẾT TOÁN KINH PHÍ

Điều 7: Đối với cán bộ giữ chức vụ dân cử (tỉnh, huyện) công chức viên chức Nhà nước và cán bộ Đảng, đoàn thể đi học:

- Các khoản tiền trợ cấp như điều 3, điều 4 do kinh phí của cơ quan, đơn vị xí nghiệp cử cán bộ đi học chi trả và được thanh quyết toán vào kinh phí của cơ quan, đơn vị, xí nghiệp đó.

Điều 8: Đối với cán bộ xã, phường, thị trấn:

Tiền trợ cấp cho cán bộ xã, phường đi học tại các trường Chính trị tỉnh hoặc huyện do ngân sách cấp tỉnh hoặc huyện chi trả qua nhà trường.

Đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đi học bổ túc văn hoá do ngân sách tỉnh cấp qua trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thị.

Điều 9: Đối với kinh phí đào tạo lại: Ban tổ chức chính quyền tỉnh lên phương án trình UBND tỉnh Quyết định. Sở Tài chính Vật giá cấp cho từng lớp cụ thể theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 10: Đối với các lớp cử nhân (chính trị, chuyên môn) đào tạo theo quy hoạch cán bộ do Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quyết định nguồn kinh phí được giải quyết như sau :

a- Tiền hợp đồng đào tạo phí bình quân đầu học viên theo mức hợp đồng đã ký, đơn vị có cán bộ được tuyển chọn đi học chi trả. Đối với các xã, phường, thị trấn không đảm bảo chi cho con người thì ngân sách cấp trên trực tiếp hỗ trợ.

b - Tiền tài liệu phục vụ học tập do đơn vị có cán bộ được cử đi học chi trả. Riêng cán bộ xã, phường, thị trấn phải tự túc.

c- Toàn bộ chi phí đưa đón, ăn, ở, khai giảng, bế giảng, sơ kết năm học do ngân sách tỉnh hoặc ngân sách huyện chi trả (quy định cụ thể trong văn bản cho mở lớp).

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11: Các đối tượng được chọn cử đi học nếu bỏ học không có lý do chính đáng hoặc chuyển nơi khác không được sự đồng ý phải bồi hoàn học phí đã chi.

Điều 12: Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề vướng mắc các ngành, các cấp, các đơn vị báo cáo bằng văn bản về UBND tỉnh để nghiên cứu bổ sung hoặc sửa đổi kịp thời./.