Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1244/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 02 tháng 04 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NĂM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2013;

Căn cứ Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới;

Căn cứ Nghị quyết số 148/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 của Hội đồng nhân dân về một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-BNN-QLCL ngày 04/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Nông nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 368/TT-SNN-QLCL ngày 03/3/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện năm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2.

1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ căn cứ Chương trình hành động lại quyết định này để triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị mình.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức liên quan thực hiện Chương trình hành động này. Định kỳ hàng quý, sáu tháng và năm báo cáo UBND tỉnh kết quả việc thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- PCT NN UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An;
- Lưu: VTUB, NN (A. Đệ).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NĂM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1244/QĐ-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2015 của UBND tỉnh Nghệ An)

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý chất lượng, VSATTP của các cấp, các ngành; nâng cao hiểu biết, nhận thức cũng như hành động của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo VSATTP theo quy định của pháp luật.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc Bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả vượt ngưỡng giảm 10% so với năm 2014;

- Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi giảm 10 % so với năm 2014;

- Tỷ lệ mẫu giám sát ô nhiễm vi sinh trong thịt gia súc, gia cầm vượt ngưỡng giảm 10% so với năm 2014.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM:

1. Nâng cao năng lực quản lý chất lượng, VSATTP:

- Nâng cao năng lực cơ quan quản lý chuyên môn quản lý chất lượng, VSATTP của tỉnh đảm bảo là cơ quan đầu mối thường trực có đủ năng lực tham mưu và trực tiếp thực hiện công tác quản lý VSATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn.

- Phân cấp công tác quản lý VSATTP một cách cụ thể cho huyện, thành phố, thị xã (tuyến huyện) và cấp xã, phường, thị trấn (tuyến xã) đảm bảo tuyến huyện đều có bộ phận tham mưu về VSATTP, tuyến xã có cán bộ được phân công theo dõi VSATTP. Các bộ phận, cá nhân đảm bảo tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

2. Tăng cường công tác tập huấn, đào tạo cho đối tượng chủ cơ sở, người lao động trực tiếp:

Tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức về chất lượng, VSATTP cho khoảng 800-1.000 người, đối tượng là chủ cơ sở và người lao động trực tiếp. Đảm bảo 70-80% chủ cơ sở, 50-60% người lao động trực tiếp tại các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản có kiến thức về chất lượng, VSATTP.

3. Tăng cường công tác thống kê, kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP:

- Tổ chức thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tổng hợp số liệu thống kê, xây dựng bộ dữ liệu quản lý chung của tỉnh, đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đều nằm trong diện được giám sát.

- Tiến hành kiểm tra đánh giá, xếp loại A/B/C đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản theo thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT đảm bảo:

+ Khoảng 80% cơ sở thuộc diện kiểm tra được tiến hành đánh giá xếp loại;

+ Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm cho 100% các cơ sở đạt yêu cầu và được kiểm tra định kỳ theo quy định;

+ Tập trung kiểm tra, khuyến cáo các cơ sở loại C, đối với các cơ sở không chấp hành các yêu cầu của cơ quan chức năng sẽ xử lý theo luật định.

4. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm:

Thông qua các đợt thanh kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện và xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm, Năm 2015 tiến hành:

a) Cấp tỉnh:

- Tổ chức thanh tra chuyên ngành từ 10-15 đơn vị; Thanh tra theo chuyên đề 07-10 vụ với 20-25 cơ sở được thanh tra; Tổ chức 30-40 lượt kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm; Tổ chức các đợt thanh kiểm tra đột xuất khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm.

- Lấy 200 mẫu giám sát an toàn thực phẩm, tập trung các sản phẩm có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm như: rau, củ, quả; thủy sản nuôi; thịt gia súc, gia cầm và gạo.

b) Cấp huyện, xã:

Tổ chức các đoàn kiểm tra gắn với các đợt kiểm tra cao điểm do tỉnh phát động, ngoài ra chủ động tổ chức các đợt kiểm tra khác nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm tại địa bàn. Đảm bảo kiểm tra được 70-80% số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản (kể cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ).

5. Xây dựng cơ sở sản xuất và phát triển chuỗi đảm bảo VSATTP:

Xây dựng cơ sở sản xuất và hình thành, phát triển các chuỗi cung cấp sản phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, VSATTP.

- Xây dựng cơ sở sản xuất đảm bảo VSATTP:

+ Xây dựng 6-8 mô hình đảm bảo VSATTP trong sản xuất rau quả; cây ăn quả, chè (VietGap); chăn nuôi gia súc; gia cầm, thủy sản (VietGAHP) gắn với chứng nhận và công bố tiêu chuẩn chất lượng;

+ Phổ biến, hướng dẫn cho 8-10 doanh nghiệp chế biến thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến (GMP, GHP, HACCP, ISO 22000);

- Hình thành, phát triển được 04 chuỗi với các sản phẩm chủ lực của tỉnh:

+ Chuỗi cung cấp thịt (lợn, gà) đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm;

+ Chuỗi cung cấp lương thực (gạo, lạc, đỗ...) đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm;

+ Chuỗi cung cấp rau (rau, quả, cây ăn quả...) đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm;

+ Chuỗi cung cấp thủy sản (cá, tôm, thủy sản dạng mắm...) đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

6. Đẩy mạnh công tác truyền thông về VSATTP:

Đảm bảo người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm có được nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm trong việc sản xuất, kinh doanh và lựa chọn thực phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

- Xây dựng 10 bảng pano tuyên truyền hướng dẫn sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất tập trung, khu vực tập trung đông người...;

- In 120 băng rôn tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm cho các địa phương, đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Nhóm giải pháp nâng cao năng lực quản lý VSATTP:

- Kiện toàn Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo xứng tầm là cơ quan đầu mối, thường trực về công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn;

- Nâng cao năng lực quản lý ATTP cho tuyến huyện, xã đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao. Giao Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh phân cấp công tác quản lý về VSATTP trong lĩnh vực nông lâm thủy sản cho tuyến huyện, xã đồng thời chịu trách nhiệm hỗ trợ về nhân lực. chuyên môn và trực tiếp chỉ đạo tuyến dưới hoạt động hiệu quả;

- Thực hiện phân cấp đi đôi với đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho địa phương trong quản lý ATTP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

2. Nhóm giải pháp kỹ thuật:

- UBND các huyện, thành thị xã trong tỉnh thống kê, lập danh sách các cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát theo phân cấp.

- Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị thuộc sở:

+ Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP cho các cơ sở kiểm tra đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở đạt, chưa đạt, vi phạm ATTP để người tiêu dùng lựa chọn.

+ Tổ chức lấy mẫu giám sát về chất lượng, ATTP tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Tập trung lấy mẫu các sản phẩm có nguy cơ cao, được người tiêu dùng sử dụng hằng ngày. Tăng cường kiểm tra, kiểm tra đánh giá xếp loại; kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản;

+ Chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý ATTP thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch được phê duyệt. Tiến hành thanh tra chuyên đề khi phát hiện có dấu hiệu sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm;

- Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản cả 3 tuyến, tỉnh, huyện, xã. Tiến hành kiểm tra theo phân cấp đã được quy định, tránh hiện tượng chồng chéo giữa các cấp, các đoàn.

- Xây dựng mô hình và phát triển chuỗi an toàn thực phẩm:

+ Khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản áp dụng các biện pháp tiên tiến vào sản xuất, chế biến như VietGAP; VietGAHP; GMP; GHP; HACCP...

+ Giao Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản xây dựng đề án hình thành và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng, ATTP trên địa bàn.

- Quy hoạch vùng sản xuất nông lâm sản đảm bảo chất lượng, ATTP:

Giao Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản lập quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, VSATTP trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020, có tính đến 2030.

3. Đẩy mạnh công tác truyền thông về VSATTP:

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, truyền thông về ATTP nông lâm thủy sản trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền khác, tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền các cơ sở sản xuất kinh doanh thay đổi hành vi đảm bảo sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm; Tuyên truyền về cách lựa chọn sản phẩm an toàn, sản phẩm có nguồn gốc để người tiêu dùng lựa chọn.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Giao Sở Tài chính căn cứ nội dung phần việc cụ thể để tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Chương trình hành động này.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành, thị và các tổ chức liên quan có kế hoạch, biện pháp cụ thể để triển khai chương trình hành động này. Định kỳ hàng quý, 6 tháng và cả năm báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện trong đó nêu rõ những việc đã hoàn thành, chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện.

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản) có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị thực hiện Kế hoạch hành động này, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản) để tổng hợp trình UBND tỉnh giải quyết./.