Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12119/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2015 |
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035;
Căn cứ Quyết định số 1749/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035;
Căn cứ Quyết định số 11476/QĐ-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG
1. Quan điểm
a) Tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam là một hợp phần của tái cơ cấu ngành năng lượng trong tổng thể tái cơ cấu ngành Công Thương phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
b) Tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam phải phù hợp với quan điểm định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 ban hành kèm theo Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó:
- Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, chiến lược biển Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
- Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam với hiệu quả cao, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát huy tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; mở rộng, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.
- Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam theo nguyên tắc kinh tế thị trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường tính chủ động trong quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò dầu khí truyền thống để bù đắp sự thiếu hụt từ khai thác dầu khí trong nước, tăng cường đầu tư ở khu vực nước sâu, xa bờ, gắn liền với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời tích cực đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm có hiệu quả kinh tế. Tăng cường nghiên cứu tìm kiếm, mở rộng thăm dò các nguồn năng lượng phi truyền thống (khí than, hydrate, dầu khí đá phiến sét,...); chú trọng phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
- Phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn nòng cốt, cùng với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Tập trung vào phát triển các lĩnh vực chính là: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí; dịch vụ dầu khí, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phát triển ngành Dầu khí. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, đồng thời cần huy động sự tham gia mạnh mẽ của các thành phần kinh tế khác và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
c) Tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần phải được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng chương trình hành động để thực hiện và hệ thống giám sát, đánh giá, tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam nhằm phát triển ngành Dầu khí Việt Nam thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành Dầu khí.
Nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý và tổ chức hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam. Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về dầu khí hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Dầu khí có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.
b) Mục tiêu cụ thể
Tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể như sau:
- Về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí:
Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò dầu khí ở trong nước nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí; xây dựng cơ chế đột phá, khuyến khích các nhà thầu dầu khí lớn từ các nước có vị thế trên thế giới tham gia tại những vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; phấn đấu trong giai đoạn 2030-2035, cơ bản đánh giá được trữ lượng dầu khí trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam.
Tích cực thăm dò tại các bể nước nông, nghiên cứu thăm dò các đối tượng tìm kiếm thăm dò mới, các bể trầm tích mới và các dạng hydrocarbon phi truyền thống (khí than, khí nông, khí đá phiến sét, khí hydrate,...) để bổ sung trữ lượng phục vụ khai thác lâu dài.
Khai thác hiệu quả các mỏ hiện có; phát triển và đưa các mỏ đã có phát hiện vào khai thác một cách hợp lý và có hiệu quả để sử dụng tài nguyên dầu khí trong nước lâu dài. Xây dựng phương án hợp tác, cơ chế khai thác chung tại những vùng chồng lấn, tranh chấp phức tạp. Triển khai thu dọn các mỏ đã hết khả năng khai thác, bảo đảm hoàn nguyên môi trường sinh thái.
Đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài với cơ chế linh hoạt, phù hợp với khả năng tài chính và năng lực quản lý của ngành Dầu khí theo nguyên tắc bảo đảm hiệu quả kinh tế tài chính và quản trị rủi ro. Lựa chọn các khu vực có tiềm năng dầu khí cao, môi trường đầu tư tốt, thuận lợi về quan hệ chính trị tại các nước và khu vực: Liên bang Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, Đông Nam Á, Bắc và Nam Mỹ, Bắc Phi và Trung Đông.
Phấn đấu gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 33-40 triệu tấn quy dầu/năm, cụ thể như sau:
Chỉ tiêu | Đơn vị | Giai đoạn | ||
2016-2020 | 2021-2030 | |||
Tổng trữ lượng gia tăng | Triệu tấn quy dầu/năm | 33-40 | 30-39 | |
Trong đó: | - Ở trong nước | 25-30 | 20-28 | |
| - Ở nước ngoài | 8-10 | 10-11 |
Phấn đấu sản lượng khai thác dầu khí trong nước đạt 22-33 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng dầu thô và condensate đạt 5-14 triệu tấn/năm; sản lượng khí đạt 11-21 tỷ m3/năm, cụ thể như sau:
Chỉ tiêu/năm | Đơn vị | Giai đoạn | |
2016-2020 | 2021-2030 | ||
Dầu và condensate | Triệu tấn | 11-14 | 5-12 |
Khí | Tỷ m3 | 11-14 | 15-21 |
Tổng khai thác dầu khí trong nước (quy dầu) | Triệu tấn | 22-28 | 20-33 |
Phấn đấu sản lượng khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 3-8 triệu tấn/năm, cụ thể như sau:
Chỉ tiêu/năm | Đơn vị | Giai đoạn | |
2016-2020 | 2021-2030 | ||
Tổng khai thác quy dầu | Triệu tấn | 3-7 | 7-8 |
- Về công nghiệp khí:
Xây dựng công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu: khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - xuất nhập khẩu - dự trữ - phân phối sản phẩm khí. Giảm dần tỷ trọng sử dụng khí cho điện và chất đốt, tăng cường cho chế biến sâu. Nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và xây dựng cơ sở hạ tầng kho cảng để sẵn sàng nhập khẩu khí và các sản phẩm khí từ sau năm 2020. Nghiên cứu phương án xây dựng đường ống kết nối các khu vực, hình thành đường ống dẫn khí quốc gia.
Phấn đấu đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030, duy trì cung cấp 100% thị phần khí khô và tối thiểu 70% thị phần LPG toàn quốc.
- Về công nghiệp điện:
Tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, bảo đảm hiệu quả đầu tư đối với các dự án, nhà máy điện đã và đang triển khai, phát triển thêm một số dự án điện khí phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt; không phát triển thêm các dự án thủy điện, điện than, điện gió,...
Phấn đấu đạt sản lượng sản xuất điện như sau: đến cuối năm 2020 đạt 14% công suất hệ thống điện toàn quốc; sản lượng điện đạt trên 40 tỷ kWh. Đến năm 2030, đạt 12% công suất hệ thống điện toàn quốc; sản lượng điện đạt 77 tỷ kWh.
- Về chế biến dầu khí:
Chú trọng chế biến dầu khí nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Tập trung phát triển lĩnh vực hóa dầu (bao gồm cả hóa dầu từ khí), hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp trong nước, hướng tới xuất khẩu, giảm tỷ trọng nhập siêu. Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ xã hội để phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư.
Đẩy mạnh việc tích hợp, tổ hợp lọc - hóa dầu với các nguồn khí tự nhiên khai thác nhằm nâng cao hiệu quả của công trình, dự án đã đầu tư và phát triển các dự án mới cả về quy mô, mức độ chế biến sâu có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030, đáp ứng tối thiểu 60-70% nhu cầu xăng dầu, trên 70% nhu cầu phân đạm và trên 50% nhu cầu sản phẩm hóa dầu trong nước; nghiên cứu đầu tư dự án mới, có xét đến khả năng xuất khẩu.
- Về tồn trữ, phân phối sản phẩm dầu khí:
Phát triển hợp lý hệ thống phân phối xăng dầu nhằm đảm bảo lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ, đáp ứng toàn bộ nhu cầu xăng dầu trong nước; tăng cường các giải pháp gia tăng dự trữ về dầu thô và xăng dầu; xây dựng chính sách, chế tài khuyến khích sử dụng tiết kiệm xăng dầu, khuyến khích sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường. Hoàn thiện việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường; khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế khác trong lĩnh vực phân phối sản phẩm dầu khí.
- Về dịch vụ dầu khí:
Có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ dầu khí, đặc biệt là dịch vụ dầu khí chất lượng cao; đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư của Nhà nước để tái đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí. Đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại để bảo đảm chủ động thực hiện dịch vụ cho các lĩnh vực kinh doanh chính, các dự án đầu tư trong ngành Dầu khí; đồng thời xây dựng cơ chế chính sách tăng cường mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam ra nước ngoài.
Xác định các dịch vụ chủ đạo: khoan và kỹ thuật giếng khoan; khảo sát, xử lý và minh giải địa chấn; địa chất công trình, khảo sát và sửa chữa công trình ngầm; thiết kế, chế tạo và xây lắp các công trình dầu khí; đóng mới và vận hành các phương tiện nổi; vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy/công trình dầu khí.
1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí, trong đó quy định rõ về hoạt động dầu khí từ thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn. Xây dựng hành lang pháp luật đặc thù nhằm tăng quyền chủ động cho PVN (đơn vị nòng cốt của ngành Dầu khí), nhất là về quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; về cơ chế đầu tư ra nước ngoài; về công tác tự tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí đặc thù trong nội bộ PVN.
Hoạch định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp để thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam phát triển.
Tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực dầu khí.
Xây dựng Đề án thành lập Cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng, trong đó có chức năng quản lý nhà nước về dầu khí, phù hợp với trình độ, năng lực quản lý và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về dầu khí; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
2. Đối với các doanh nghiệp ngành Dầu khí
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Dầu khí bảo đảm vận hành đầy đủ, đúng đắn cơ chế thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế.
a) Về tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí
- Tiếp tục duy trì vai trò chủ đạo của Công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - đơn vị nòng cốt của ngành Dầu khí và hai doanh nghiệp cấp II của PVN là Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và Liên doanh dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro (Vietsovpetro) với nhiệm vụ như sau:
+ Công ty mẹ PVN (100% vốn Nhà nước): thay mặt nước chủ nhà tham gia vào các hợp đồng dầu khí (đàm phán, ký kết, quản lý); chủ động lựa chọn các dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong và ngoài nước trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương và thực hiện đầu tư; chỉ đạo người đại diện của PVN tại các đơn vị thực hiện phát triển lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí theo Chiến lược/Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.
+ PVEP (hiện PVN đang nắm giữ 100% vốn điều lệ): với tư cách là công ty thực hiện tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở trong và ngoài nước theo các hợp đồng dầu khí và quy định hiện hành. Cụ thể: thúc đẩy thực hiện các hợp đồng đã ký (cả trong nước và ngoài nước) theo cam kết; ký kết và thực hiện các hợp đồng mới ở trong nước trên cơ sở hiệu quả; thực hiện các nhiệm vụ chính trị PVN giao; tìm kiếm dự án mới ở nước ngoài để tìm kiếm thăm dò/hoặc mua dự án, các mỏ đang khai thác, mua cổ phần trong các công ty đang khai thác, tham gia vào các hợp đồng đã có phát hiện chuẩn bị phát triển, kết hợp với tìm kiếm, thăm dò gia tăng trữ lượng xung quanh khu vực mua tài sản nếu hiệu quả.
+ Vietsovpetro (hiện PVN đang nắm giữ 51% vốn điều lệ, Zarubezhneft - Liên bang Nga 49%): tiếp tục triển khai tận thăm dò và khai thác dầu khí tại Lô 09-1 trên cơ sở hiệp định hai Chính phủ Việt Nam - Liên bang (LB) Nga đến năm 2030, mở rộng đầu tư ở Việt Nam và nước thứ ba, trên cơ sở hiệu quả và được sự đồng ý của hai phía (LB Nga và Việt Nam).
- Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam khác (ngoài PVN), các doanh nghiệp tư nhân có đủ tiềm lực tài chính tham gia Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC).
- Tiếp tục khuyến khích các nhà thầu dầu khí lớn từ các nước có vị thế trên thế giới tham gia các PSC nhất là tại những vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
- Đối với đầu tư ra nước ngoài: PVN, PVEP, Vietsovpetro tham gia góp vốn liên doanh phù hợp với đặc thù của từng quốc gia; được phép thành lập một số công ty điều hành dầu khí, doanh nghiệp cấp IV của PVN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để quản lý, điều hành, đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí phù hợp với đặc thù lĩnh vực dầu khí và quy định của nước sở tại, đồng thời giảm rủi ro tài chính đối với PVN và PVEP.
- Về định hướng cơ cấu vốn Nhà nước cho giai đoạn tới:
+ Giai đoạn đến năm 2020: tiếp tục duy trì 100% vốn Nhà nước tại PVN; nghiên cứu phương án cổ phần hóa PVEP để thực hiện vào thời điểm thích hợp nhằm thoái vốn của PVN tại PVEP xuống tối thiểu 75%; duy trì 51% vốn PVN tại Vietsovpetro theo Hiệp định liên Chính phủ.
+ Giai đoạn 2021-2030: tiếp tục duy trì 100% vốn Nhà nước tại PVN; tiếp tục thoái vốn PVN tại PVEP xuống tối thiểu 65%; duy trì 51% vốn PVN tại Vietsovpetro theo Hiệp định liên Chính phủ.
b) Về công nghiệp khí
- Tiếp tục duy trì vai trò chủ đạo của Công ty mẹ PVN và doanh nghiệp cấp II của PVN là Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty cổ phần (PVGas) với nhiệm vụ như sau:
+ Công ty mẹ PVN (100% vốn Nhà nước): trực tiếp ký mới các Hợp đồng mua khí với các chủ mỏ, sau đó bán lại cho PVGas và các đối tác, khách hàng quan trọng của nền kinh tế (trước mắt là các nhà máy điện, đạm); đầu tư vào các dự án đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các dự án trọng điểm dầu khí theo chỉ đạo của Chính phủ; chỉ đạo người đại diện của PVN tại các đơn vị thực hiện phát triển lĩnh vực công nghiệp khí theo Chiến lược/Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí.
+ PVGas (hiện PVN đang nắm giữ 96,72% vốn điều lệ): thực hiện các hợp đồng mua khí trực tiếp từ các chủ mỏ trước đây PVGas đã đứng tên là một bên của hợp đồng; đối với các hợp đồng mới, PVGas mua khí từ PVN sau đó bán cho các khách hàng; tập trung vận hành an toàn các công trình, hệ thống vận chuyển, nhà máy xử lý khí hiện có; đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý, xuất nhập khẩu, tàng trữ và kinh doanh khí; đầu tư hạ tầng cơ sở kho cảng phục vụ nhập khẩu LNG; đầu tư sản xuất kinh doanh CNG, LPG,...
- Giai đoạn đến năm 2020, duy trì mô hình công nghiệp khí hiện tại; giai đoạn 2021-2030, nghiên cứu xây dựng mô hình thị trường khí cạnh tranh tự do.
- Về định hướng cơ cấu vốn Nhà nước cho giai đoạn tới:
+ Giai đoạn đến năm 2020: tiếp tục cổ phần hóa PVGas, trong đó vốn của PVN tối thiểu 75%.
+ Giai đoạn 2021-2030: tiếp tục cổ phần hóa PVGas, trong đó vốn của PVN tối thiểu 65%; cho phép thành lập các công ty mới tham gia đầu tư hạ tầng cơ sở công nghiệp khí khi đủ điều kiện và đã hình thành thị trường khí cạnh tranh tự do.
c) Về công nghiệp điện
- Lĩnh vực công nghiệp điện của ngành Dầu khí tập trung vào Công ty mẹ PVN và doanh nghiệp cấp II của PVN là Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) với nhiệm vụ như sau:
+ Công ty mẹ PVN: hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động 5 dự án nhà máy nhiệt điện than được Chính phủ giao, sau đó xem xét phương án chuyển giao cho PVPower quản lý, vận hành phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp với các Bên liên quan phát triển công nghiệp điện khí khu vực miền Trung từ nguồn khí Cá Voi Xanh, công nghiệp điện khí khu vực Bình Thuận từ nguồn LNG nhập khẩu; chỉ đạo người đại diện của PVN tại các đơn vị thực hiện phát triển lĩnh vực công nghiệp điện theo Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
+ PVPower (hiện PVN đang nắm giữ 100% vốn điều lệ): tăng cường và nâng cao công tác quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, bảo đảm hiệu quả đầu tư đối với các dự án, nhà máy điện đã và đang triển khai.
- Ngoại trừ các dự án được Chính phủ giao phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, ngành Dầu khí không phát triển thêm các dự án thủy điện, điện than, điện gió,...
- Hoàn chỉnh năng lực và hạ tầng công nghệ để tham gia thị trường điện cạnh tranh một cách hiệu quả.
- Về định hướng cơ cấu vốn Nhà nước cho giai đoạn tới:
+ Giai đoạn đến năm 2020: cổ phần hóa PVPower để thoái vốn của PVN tại PVEP xuống tối thiểu 75%.
+ Giai đoạn 2021-2030: tiếp tục thoái vốn của PVN tại PVPower xuống tối thiểu 51%.
d) Về chế biến dầu khí
- Nhà nước không nắm giữ vốn chi phối trong lĩnh vực chế biến dầu khí, ngoại trừ tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất trong giai đoạn đến năm 2030 để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia (đáp ứng nguồn cung xăng dầu sản xuất trong nước).
- Công ty mẹ PVN (100% vốn Nhà nước) là đơn vị dẫn dắt đầu tư trong lĩnh vực chế biến dầu khí và thoái vốn khi đủ điều kiện; chỉ đạo người đại diện của PVN tại các đơn vị thực hiện phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí theo Chiến lược/Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế (doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân,...) tham gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến dầu khí.
- Về định hướng cơ cấu vốn Nhà nước cho giai đoạn tới:
+ Giai đoạn đến năm 2020: thực hiện chuyển nhượng vốn của PVN và chuyển BSR thành công ty TNHH hai thành viên, trong đó vốn của PVN tối thiểu 51% hoặc cổ phần hóa BSR, trong đó vốn của PVN tối thiểu 65%; đẩy mạnh cổ phần hóa/thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong lĩnh vực chế biến dầu khí xuống tỷ lệ dưới 50%.
+ Giai đoạn 2021-2030: duy trì vốn PVN tại BSR tối thiểu 51% để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; tiếp tục cổ phần hóa/thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong lĩnh vực chế biến dầu khí xuống tỷ lệ dưới 50%.
đ) Về tồn trữ, phân phối sản phẩm dầu khí
- Tiếp tục duy trì vai trò chủ đạo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng các thương nhân đầu mối lớn có vốn Nhà nước với nhiệm vụ phát triển hợp lý hệ thống phân phối xăng dầu nhằm đảm bảo lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ, đáp ứng toàn bộ nhu cầu xăng dầu trong nước. Petrolimex, PVN chỉ đạo người đại diện tại các đơn vị thực hiện phát triển lĩnh vực tồn trữ, phân phối sản phẩm dầu khí theo Chiến lược/Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí.
- Khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế khác trong lĩnh vực phân phối sản phẩm dầu khí.
- Các doanh nghiệp nước ngoài tham gia góp vốn đầu tư vào các dự án NMLD tại Việt Nam được phép phân phối các sản phẩm do họ sản xuất ra tương ứng với tỷ lệ góp vốn hoặc theo chấp thuận của cấp có thẩm quyền.
- Về định hướng cơ cấu vốn Nhà nước cho giai đoạn tới:
+ Giai đoạn đến năm 2020: tiếp tục thoái vốn Nhà nước tại Petrolimex và các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong lĩnh vực phân phối xăng dầu xuống tối thiểu 65%.
+ Giai đoạn 2021-2030: tiếp tục thoái vốn Nhà nước tại Petrolimex và các doanh nghiệp khác có vốn Nhà nước trong lĩnh vực phân phối xăng dầu xuống tối thiểu 51%.
e) Về dịch vụ dầu khí
- Nhà nước không nắm giữ vốn chi phối trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí.
- Công ty mẹ PVN không trực tiếp thực hiện các dịch vụ dầu khí, tập trung chỉ đạo người đại diện của PVN tại các đơn vị thực hiện phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao theo Chiến lược/Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí.
- Khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí.
- Hạn chế thấp nhất cạnh tranh nội bộ, thu gọn đầu mối quản lý để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động; đảm bảo chủ động thực hiện các hoạt động, các dự án đầu tư trong ngành Dầu khí, từng bước mở rộng cung cấp dịch vụ cho các dự án ở nước ngoài.
- Về định hướng cơ cấu vốn Nhà nước cho giai đoạn tới (đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030): đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí phù hợp với tình hình thực tế, để tái đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí.
III. GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU
1. Giải pháp về tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp
- Áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm.
- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, ủy quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, song song tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
2. Giải pháp về tái cơ cấu đầu tư
- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư (thủ tục hành chính, đền bù giải phóng mặt bằng,...); nâng cao chỉ số tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế; điều hành chính sách tiền tệ ổn định, tăng cường dự trữ ngoại tệ mạnh.
- Rà soát tổng thể các dự án đầu tư, thúc đẩy tiến độ các dự án đang triển khai, loại bỏ những dự án không khả thi.
- Tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với các cam kết quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế khác vào ngành Dầu khí, đặc biệt là trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm về chính trị và lĩnh vực chế biến dầu khí.
3. Giải pháp về tái cơ cấu tài chính
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính phù hợp với mô hình phát triển doanh nghiệp của ngành Dầu khí nhằm huy động được mọi nguồn lực, phát huy tối đa thế mạnh của ngành Dầu khí.
- Đa dạng hóa trong huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành Dầu khí; phân bổ nguồn vốn đầu tư hợp lý trong và ngoài nước đảm bảo hiệu quả kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.
- Xây dựng lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa hợp lý để thu hồi vốn, đáp ứng yêu cầu bổ sung vốn chủ sở hữu.
- Đa dạng hóa các hình thức vay vốn: tín dụng thông thường, tín dụng xuất khẩu, vay ưu đãi của Chính phủ, phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế,...; xây dựng mối quan hệ tốt, cùng có lợi với các ngân hàng thương mại truyền thống; mở rộng hợp tác với các ngân hàng có uy tín trong khu vực và trên thế giới; bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay cho các dự án trọng điểm dầu khí.
4. Giải pháp về tái cơ cấu nguồn nhân lực và khoa học công nghệ
- Tái cơ cấu các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành Dầu khí nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Dầu khí.
- Phát triển nguồn nhân lực dầu khí theo tiêu chuẩn quốc tế; ưu tiên đào tạo về chuyên môn, kỹ năng thuộc các lĩnh vực kinh doanh chính; chuyên gia thuộc các lĩnh vực mũi nhọn trong ngành Dầu khí. Xây dựng chế độ thù lao và các chế độ, chính sách đặc thù áp dụng cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở trong nước và nước ngoài.
- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; nâng cao tỷ trọng nội địa hóa trong chế tạo các hệ thống thiết bị đồng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, có trình độ cao; tăng cường các biện pháp nhằm gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo và ứng dụng.
5. Các giải pháp khác
a) Giải pháp về thị trường
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giá theo thị trường (điện, than, dầu khí,...).
- Làm tốt công tác thông tin và dự báo làm cơ sở định hướng cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp.
- Đẩy mạnh biện pháp quảng bá thương hiệu và nhãn hiệu của các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí thông qua tham gia các hội nghị, triển lãm quốc tế; xây dựng thương hiệu mạnh của ngành Dầu khí Việt Nam.
b) Giải pháp về an toàn - sức khỏe - môi trường
- Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo đảm an toàn và bảo vệ tài nguyên môi trường; không ngừng cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động và bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
- Thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng và các sản phẩm dầu khí tiết kiệm và hiệu quả, phấn đấu lượng tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực.
c) Giải pháp về quốc phòng - an ninh - đối ngoại
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về công tác quốc phòng - an ninh - đối ngoại gắn với hoạt động dầu khí.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa ngành Dầu khí với các Bộ, ngành, địa phương liên quan; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy chế phối hợp và các thỏa thuận hợp tác giữa các ngành Dầu khí với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để chủ động chuẩn bị thực hiện tốt nhiệm vụ khảo sát, điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò dầu khí, bảo vệ vùng biển và chủ quyền quốc gia.
- Củng cố, xây dựng nền “ngoại giao dầu khí”, tranh thủ các mối quan hệ tốt của Việt Nam với các nước để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài vào ngành Dầu khí và đầu tư ra nước ngoài.
Tổng cục Năng lượng, các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương dưới đây căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án, cụ thể như sau:
1. Tổng cục Năng lượng
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Dầu khí; đầu mối kiểm tra, đôn đốc, giám sát tình hình thực hiện Đề án.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển ngành Dầu khí, huy động nguồn lực xã hội để thực hiện hiệu quả Đề án.
- Thường xuyên giám sát chuyên ngành việc đáp ứng các điều kiện đầu tư và quản lý nhà nước đối với các dự án thuộc thẩm quyền.
- Hàng năm tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Đề án báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương; chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án khi cần thiết.
2. Vụ Kế hoạch
Giám sát đầu tư của các doanh nghiệp ngành Dầu khí theo thẩm quyền; xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư làm cơ sở giám sát quá trình thực hiện đầu tư, đồng thời làm công cụ đánh giá hiệu quả đầu tư.
3. Vụ Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút vốn, xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực ưu tiên trong ngành Dầu khí.
- Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách tài chính phục vụ thực hiện Đề án.
4. Vụ Tổ chức cán bộ
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, giám sát và hướng dẫn công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp ngành Dầu khí theo các nội dung của Đề án.
- Đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp ngành Dầu khí thực hiện các đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt.
5. Vụ Thị trường trong nước
Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển thị trường trong nước đối với ngành Dầu khí; đầu mối theo dõi, kiểm tra, giám sát việc kinh doanh các mặt hàng dầu khí và công tác điều hành giá các sản phẩm dầu khí theo quy định.
6. Vụ Phát triển nguồn nhân lực
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Dầu khí phù hợp với nội dung Đề án.
7. Vụ Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật trong ngành Dầu khí; phối hợp với các doanh nghiệp ngành Dầu khí và các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất Dầu khí.
8. Vụ Pháp chế
Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Năng lượng và các cơ quan liên quan trong việc thẩm định, rà soát, hệ thống hóa và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Dầu khí.
9. Các Vụ thị trường khu vực và Cục Xúc tiến thương mại
Chủ động tìm kiếm các đối tác thuộc khu vực đơn vị quản lý để kêu gọi đầu tư, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong sản xuất Dầu khí, hỗ trợ tìm kiếm nguồn Dầu khí từ nước ngoài để nhập khẩu về Việt Nam phục vụ cho nhu cầu trong nước.
10. Cục Xuất nhập khẩu
Nghiên cứu, đề xuất chính sách về xuất nhập khẩu phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ngành Dầu khí.
11. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Căn cứ Đề án, tổ chức rà soát xây dựng quy hoạch phát triển công trình trong lĩnh vực Dầu khí trên địa bàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
- Tạo điều kiện, ưu tiên bố trí quỹ đất cho các nhà đầu tư xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực Dầu khí trên địa bàn.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các công trình trong lĩnh vực Dầu khí trình cấp có thẩm quyền quyết định.
12. Doanh nghiệp đầu mối ngành Dầu khí (PVN và Petrolimex)
- Triển khai thực hiện Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt phương án tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên phù hợp với nội dung Đề án và đảm bảo thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ; triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.
- Tập trung thực hiện tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp phù hợp với nội dung Đề án.
- Xây dựng phương án thành lập mới các doanh nghiệp để triển khai thực hiện các dự án theo quy định của pháp luật.
13. Các tổ chức Hội, Hiệp hội tăng cường vai trò liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp với Bộ Công Thương trong việc đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm của ngành dầu khí.
14. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước hoạt động trong ngành Dầu khí báo cáo tình hình thực hiện Đề án gửi Tổng cục Năng lượng, các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương trước ngày 15 tháng 12 hàng năm; Tổng cục Năng lượng tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện Đề án trước ngày 15 tháng 01 của năm sau đó.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Thông báo 309/TB-VPCP ý kiến kết luận của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 46/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 1011/QĐ-TTg năm 2015 điều chỉnh Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 14318/QĐ-BCT năm 2015 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Điện lực Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhiền đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 5Quyết định 13443/QĐ-BCT năm 2015 phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn 2015 - 2020 do Bộ Công thương ban hành
- 6Công văn 1800/VPCP-KTN năm 2016 về chi phí chênh lệch do chuyển đổi cam kết công việc PSC lô 04.2 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 754/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành Công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 2903/QĐ-BCT năm 2018 về "Chương trình hành động của ngành Công thương thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025" do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 1Thông báo 309/TB-VPCP ý kiến kết luận của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 3Quyết định 46/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 2146/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 11476/QĐ-BCT năm 2014 về Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 6Quyết định 1011/QĐ-TTg năm 2015 điều chỉnh Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 14318/QĐ-BCT năm 2015 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Điện lực Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhiền đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 8Quyết định 13443/QĐ-BCT năm 2015 phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn 2015 - 2020 do Bộ Công thương ban hành
- 9Công văn 1800/VPCP-KTN năm 2016 về chi phí chênh lệch do chuyển đổi cam kết công việc PSC lô 04.2 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 754/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành Công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 2903/QĐ-BCT năm 2018 về "Chương trình hành động của ngành Công thương thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025" do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Quyết định 12119/QĐ-BCT năm 2015 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 12119/QĐ-BCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/11/2015
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Vũ Huy Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra