Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1203/QĐ-UBND | Quảng Ngãi, ngày 27 tháng 6 năm 2017 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”;
Căn cứ Quyết định số 2614/QĐ-BYT ngày 16/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ”
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 713/TTr-SYT ngày 31/5/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh Quảng Ngãi,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Thông tin truyền thông, Nội vụ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1203/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)
Triển khai, cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân với chất lượng đảm bảo, giá hợp lý; phù hợp với cơ cấu bệnh tật, đáp ứng kịp thời an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.
Xác định mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu cho giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như những nhu cầu thực tế đặt ra nhằm từng bước phát triển ngành Dược tỉnh Quảng Ngãi.
1. Mục tiêu chung
Đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân với chất lượng đảm bảo, giá hợp lý; phù hợp với cơ cấu bệnh tật, đáp ứng kịp thời an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác. Chú trọng cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, vùng sâu, vùng xa.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
a) 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh.
b) Tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại cơ sở y tế, phấn đấu đạt đến năm 2020 đạt các chỉ số sau:
+ Bệnh viện tuyến tỉnh đạt 50%;
+ Bệnh viện tuyến huyện đạt 75%.
c) Tỷ lệ sử dụng vắc xin sản xuất trong nước tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đạt 30%;
- 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc GDP”; 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc”;
- Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh triển khai áp dụng tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc - GLP”; đầu tư cơ sở vật chất để đạt GLP năm 2025
- 100% bệnh viện có kho thuốc đủ điều kiện bảo quản theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP”, có phần mềm quản lý dược đến tất cả các khoa lâm sàng.
d) 50% bệnh viện tuyến tỉnh có bộ phận dược lâm sàng, 50% bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân có hoạt động dược lâm sàng.
đ) Đạt tỷ lệ 2 dược sỹ/vạn dân, trong đó dược sỹ lâm sàng chiếm 30%.
e) 100% Trạm y tế tuyến xã có cán bộ dược.
3. Mục tiêu định hướng đến năm 2030:
- Các cơ sở y tế trong tỉnh ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước phục vụ khám bệnh, chữa bệnh; 100% các bệnh viện có bộ phận dược lâm sàng;
- Quy hoạch và mở rộng vùng nuôi trồng dược liệu, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn dược liệu trong tỉnh, cụ thể các dược liệu đề xuất quy hoạch thành vùng dược liệu tại Quảng Ngãi như: Sa nhân, Quế, Vàng đắng, Hà thủ ô đỏ, Hà thủ ô trắng...
- Thu hút đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc tân dược, một nhà máy sản xuất chế biến thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.
IV. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
1. Triển khai chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật:
- Triển khai Luật Dược, khuyến khích sản xuất và sử dụng thuốc trong nước, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn thực hành tốt (GPs) trong công tác sản xuất, bảo quản, kinh doanh, kiểm nghiệm thuốc;
- Có chính sách nhằm huy động thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia một cách hiệu quả vào mạng lưới cung ứng thuốc, sản xuất thuốc và thực hiện nhiệm vụ công ích theo đúng quy định của nhà nước;
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống chuỗi nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP;
- Triển khai các chính sách thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, cung ứng thuốc thiết yếu, đảm bảo cho người dân có điều kiện tiếp cận, lựa chọn, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả với giá hợp lý;
- Có chính sách ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai tiêu chuẩn thực hành kê đơn thuốc, thực hành tốt nhà thuốc và các chính sách liên quan đến hoạt động cảnh giác dược, thông tin, quảng cáo thuốc.
2. Về thanh tra, kiểm tra và hoàn thiện tổ chức:
- Quản lý toàn diện chất lượng thuốc, tăng cường các giải pháp để đảm bảo thuốc lưu hành trên thị trường có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn đã đăng ký;
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường;
- Thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm kiểm soát, bình ổn giá thuốc;
- Tổ chức đấu thầu thuốc nhằm lựa chọn các nhà cung ứng thuốc có năng lực uy tín, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu sử dụng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập với giá hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Nghiên cứu mô hình, hệ thống tổ chức ngành Dược theo hướng quản lý tập trung, toàn diện dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm và sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
3. Củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng, sản xuất thuốc:
- Củng cố mạng lưới phân phối thuốc từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Phấn đấu đến năm 2020 bình quân 2000 người dân có 1 điểm bán thuốc. Có chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ thống cung ứng thuốc cho những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo cho mọi người dân được hưởng các dịch vụ cung ứng thuốc nhất là các thuốc thông thường và thiết yếu;
- Củng cố hệ thống nhà thuốc bệnh viện, quầy thuốc và tủ thuốc các trạm y tế xã.
- Tích cực thực hiện xã hội hóa ngành dược, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược hoạt động và phát triển. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các hoạt động: sản xuất, nghiên cứu, tiếp thị, quảng bá thương hiệu các sản phẩm hóa dược, dược liệu, các thuốc thành phẩm và các hoạt động khác nhằm thúc đẩy phát triển ngành dược tại tỉnh Quảng Ngãi. Khuyến khích và phát triển xây dựng 01 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GPP-WHO trên địa bàn tỉnh;
- Khuyến khích sử dụng thuốc có nguồn gốc dược liệu phục vụ công tác khám, chữa bệnh; phấn đấu xây dựng 01 cơ sở sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP-WHO)”; tổ chức ít nhất một cơ sở cung ứng dược liệu đạt chuẩn;
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học quản lý, các công nghệ và kỹ thuật tin học trong xây dựng và phát triển hệ thống lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc.
4. Nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực dược:
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án, đề tài khoa học và công nghệ vào tất cả các lĩnh vực dược tại tỉnh Quảng Ngãi.
- Liên kết với các Trường Đại học Y Dược, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực dược đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Dược, chú trọng đào tạo dược sỹ lâm sàng; thu hút, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ dược công tác ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tập trung chủ yếu đào tạo dược sỹ đại học, trên đại học và dược sỹ lâm sàng;
- Ngành Y tế xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo chuyên ngành dược lâm sàng theo kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực y tế hàng năm của tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn dược liệu tại địa phương phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh.
5. Đảm bảo thuốc thiết yếu, sử dụng thuốc an toàn hợp lý:
- Đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc thiết yếu cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh. Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng thuốc, nhất là kháng sinh trong điều trị;
- Tăng cường hướng dẫn sử dụng, đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng, thông tin thuốc, theo dõi “phản ứng có hại của thuốc - ADR”;
- Chấn chỉnh việc thực hiện Quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ sở bán thuốc;
- Tăng cường hoạt động của Hội đồng thuốc và Điều trị, đơn vị thông tin thuốc: thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo của các đơn vị tuyến trên cho các đơn vị tuyến dưới, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý kho, cấp phát thuốc tại các đơn vị;
- Quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân giới thiệu, quảng cáo sai quy định, quảng cáo thuốc không chính xác, không trung thực;
- Công khai, minh bạch trong việc xây dựng danh mục thuốc, mua, cấp phát, sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế;
- Thực hiện đấu thầu thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật trên tinh thần: công khai, minh bạch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu và hiệu quả điều trị của người bệnh.
6. Tăng cường thuốc sản xuất trong nước:
- Tăng cường cung cấp các thông tin về năng lực sản xuất, chất lượng thuốc (tương đương sinh học, tương đương điều trị, hiệu quả điều trị, hiệu quả phòng bệnh...) cũng như việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và hợp lý của thuốc sản xuất trong nước đến các cơ sở y tế, cơ sở bán thuốc, cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ và người dân;
- Xây dựng kế hoạch, tiêu chí phấn đấu nhằm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước hằng năm. Tăng cường việc tư vấn kê đơn thuốc và điều trị cho người bệnh bằng các thuốc sản xuất trong nước;
- Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát các bác sỹ trong việc tư vấn và kê đơn thuốc cho người bệnh nhằm hạn chế việc lạm dụng kê đơn các thuốc nhập khẩu đắt tiền;
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
7. Đảm bảo chất lượng thuốc, tăng cường thực hiện công tác thông tin thuốc, dược lâm sàng:
- Củng cố và nâng cao năng lực của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh, từng bước đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm nghiệm chất lượng thuốc, kịp thời phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng;
- Áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật thuốc theo quy định của Bộ Y tế để đánh giá các thuốc tham gia đấu thầu cung ứng cho các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh nhằm lựa chọn các thuốc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời củng cố, nâng cấp kho bảo quản thuốc của các đơn vị đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc- GSP”;
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường;
- Tăng cường hoạt động thông tin thuốc, dược lâm sàng tại các cơ sở y tế. Cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin về thuốc cho cán bộ y tế và người bệnh. Củng cố hoạt động tư vấn về thuốc cho người sử dụng tại các điểm bán thuốc. Duy trì đều đặn công tác thông tin về thuốc qua các hội thảo, tập huấn, nghiên cứu khoa học.
8. Phát triển thuốc y học cổ truyền:
- Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách Quốc gia về y dược cổ truyền. Củng cố hệ thống tổ chức y dược học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh phát triển đông dược và dược liệu; các văn bản hướng dẫn quy trình kỹ thuật điều trị bằng y học cổ truyền và quy trình điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đối với một số bệnh mà y học cổ truyền có khả năng điều trị có kết quả tốt. Tiêu chuẩn hóa thuốc bán thành phẩm và thuốc thành phẩm y học cổ truyền;
- Quy hoạch và phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc, bảo hộ, bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài dược liệu quý trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống. Nghiên cứu, mở rộng việc nuôi trồng các cây, con làm thuốc có hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh;
- Khuyến khích và ưu tiên các dự án nuôi trồng, chế biến dược liệu đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc (GACP- WHO) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi đối với công tác nuôi trồng và chế biến dược liệu;
- Nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các cơ sở y tế. Tăng cường khai thác, sử dụng các phương pháp khám chữa bệnh bằng thuốc y học cổ truyền trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh;
- Đầu tư mở rộng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để đáp ứng được chức năng đầu ngành trong chỉ đạo phát triển y học cổ truyền. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập các loại hình khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo quy định của pháp luật.
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh. Theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện báo cáo về UBND tỉnh và Bộ Y tế;
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuốc chữa bệnh, đảm bảo chất lượng thuốc, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, cấp phát thuốc; quản lý bình ổn giá thuốc trên địa bàn;
- Tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”;
- Hướng dẫn, đôn đốc thực hiện kế hoạch; là cơ quan đầu mối tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành Dược của tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện quy hoạch các vùng nuôi trồng dược liệu; nghiên cứu chọn tạo các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng; phổ biến các kỹ thuật canh tác cây dược liệu;
- Đẩy mạnh và phát triển nhanh việc thực hiện nguyên tắc tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO).
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, Ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất thuốc, phát triển vùng nuôi trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh;
- Tích cực thu hút đầu tư, phối hợp với các ngành tìm kiếm nhà đầu tư có đủ năng lực và tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thuốc, phát triển công nghiệp dược.
4. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan cân đối, bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế hằng năm để thực hiện kế hoạch theo đúng quy định.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Thực hiện quản lý nhà nước, kiểm soát thông tin trong lĩnh vực quảng cáo thuốc chữa bệnh, tổ chức sự kiện về thuốc chữa bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc an toàn hợp lý.
6. Báo Quảng Ngãi, Đài phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi
Thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về các chính sách phát triển ngành Dược; tuyên truyền, vận động phong trào “Người Việt dùng thuốc Việt” góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Ngành Dược Việt Nam.
7. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch đào tạo, thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực dược nhằm đạt tỷ lệ dược sỹ/vạn dân, khắc phục tình trạng thiếu cán bộ dược, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
8. Sở Công thương
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong đó có mặt hàng thuốc, dược liệu do Việt Nam sản xuất.
- Phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra chống buôn bán thuốc, dược liệu bị cấm, giả, kém chất lượng; các hành vi gian lận thương mại trong buôn bán thuốc, dược liệu...
9. Các Hội đoàn thể tỉnh
Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm triển khai hoặc phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch này.
10. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
Căn cứ Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh, chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động của địa phương; ưu tiên về quỹ đất sạch cho xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp dược, ưu tiên bố trí giao đất cho các dự án phát triển dược liệu. Áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm khuyến khích phát triển ngành Dược địa phương trong giai đoạn mới.
Định kỳ hàng năm và 5 năm, các Sở, Ngành, Hội đoàn thể và UBND huyện, thành phố báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định./.
- 1Kế hoạch 65/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 2Kế hoạch 106/KH-UBND năm 2017 thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Thừa Thiên Huế
- 3Quyết định 1105/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tỉnh Quảng Ninh
- 4Quyết định 4959/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh Bình Định
- 5Kế hoạch 224/KH-UBND năm 2018 về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 6Quyết định 112/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 7Kế hoạch 140/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 1Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2614/QĐ-BYT năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định 68/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Luật Dược 2016
- 5Kế hoạch 65/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 6Kế hoạch 106/KH-UBND năm 2017 thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Thừa Thiên Huế
- 7Quyết định 1105/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tỉnh Quảng Ninh
- 8Quyết định 4959/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh Bình Định
- 9Kế hoạch 224/KH-UBND năm 2018 về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 10Quyết định 112/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 11Kế hoạch 140/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Quyết định 1203/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 1203/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/06/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
- Người ký: Đặng Ngọc Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/06/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra