ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1202/QĐ-UBND | Ninh Bình, ngày 19 tháng 9 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÂN BỔ NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÀ PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TÁC HẠI DO NƯỚC GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tài nguyên nước;
Căn cứ Thông tư số 42/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật quy hoạch tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 04/8/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc thông qua Quy hoạch phân bổ nước dưới đất và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2035;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phân bổ nước dưới đất và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, gồm những nội dung chính sau:
I. Mục tiêu và phạm vi quy hoạch
1. Mục tiêu của quy hoạch
- Phân bổ công bằng nguồn nước cho các huyện và các đối tượng khai thác, sử dụng nước thúc đẩy sử dụng có hiệu quả nguồn nước trên địa bàn tỉnh;
- Phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và phá hủy các dòng sông, tầng chứa nước trên địa bàn tỉnh;
- Đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước phục vụ cho công tác cấp phép khai thác, sử dụng nước và phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
2. Phạm vi lập quy hoạch:
- Phạm vi thực hiện là toàn bộ diện tích của tỉnh Ninh Bình, có tổng diện tích tự nhiên là 1.378,1 km2;
- Kỳ quy hoạch tài nguyên nước tính đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
II. NỘI DUNG CHÍNH CỦA QUY HOẠCH
1. Phân bổ nguồn nước dưới đất.
1.1. Phân vùng khai thác, sử dụng nước dưới đất:
- Tầng chứa nước Holocen (qh2) là tầng chứa nước thứ nhất kể từ mặt đất, chiều dày trung bình khoảng 6,3 m, phân bố chủ yếu ở các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô, thành phố Ninh Bình và một phần rải rác ở các huyện Gia Viễn, Nho Quan. Trữ lượng có thể khai thác của tầng qh2 là 204.153,75 m3/ngày. Chiều sâu khai thác trung bình của tầng qh2 khoảng 4m, lưu lượng tương ứng là 7,8m3/ngày;
- Tầng chứa nước Pleistocen (qp) là tầng chứa nước có chiều dày trung bình khoảng 15,8 m, vùng nước nhạt phân bố chủ yếu ở các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, một phần nhỏ ở thành phố Ninh Bình và huyện Yên Mô. Trữ lượng có thể khai thác là 68.637,12 m3/ngày, phù hợp với khai thác đơn lẻ, quy mô nhỏ;
- Tầng chứa nước Trias giữa (t2) đây là tầng chứa nước khe nứt, khe nứt - karst, chiều dày trung bình của tầng t2 là 90 m, vùng nước nhạt phân bố chủ yếu ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp, Yên Mô. Trữ lượng có thể khai thác là 304.202,3 m3/ngày phù hợp với khai thác nước tập trung có công suất lớn;
- Tầng chứa nước Trias dưới (t1) đây là tầng chứa nước khe nứt, khe nứt - karst, chiều dày trung bình của tầng t1 là 90,3 m, vùng nước nhạt phân bố chủ yếu ở huyện Nho Quan, một phần nhỏ rải rác ở Gia Viễn, Tam Điệp. Trữ lượng có thể khai thác là 94.279,7 m3/ngày, phù hợp với quy mô khai thác công suất trung bình và công suất lớn.
1.2. Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước dưới đất:
- Xây dựng mạng lưới giám sát khai thác, sử dụng nước dưới đất tại 11 khu vực với 16 lỗ khoan quan trắc chỉ số hạ thấp mực nước và chất lượng nước;
- Việc xây dựng các trạm giám sát phải phù hợp với hệ thống mạng giám sát tài nguyên và môi trường của Tỉnh và Trung ương.
2. Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
2.1. Phòng, chống sạt, lở bờ sông:
a) Đề xuất tuyến chính trị đoạn sông từ thượng lưu cầu Non Nước đến chùa Non Nước với tuyến kè bảo vệ bờ, lát mái bảo vệ đê hiện có; tuyến kè bảo vệ khu vực chân cầu Ninh Bình;
b) Các công trình thủy khi xây dựng phải tiến hành các biện pháp bảo vệ, thăm dò để không gây ảnh hưởng, gây sạt, lở làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông;
2.2. Phòng, chống xâm nhập mặn do khai thác nước dưới đất:
a) Tầng chứa nước Holocen (qh2) phân bố rộng rãi ở các khu vực thành phố Ninh Bình, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn có quan hệ với nước biển khu vực huyện Kim Sơn. Các khu vực đã bị nhiễm mặn đã xuất hiện ở ven sông Đáy, sông Càn, sông Vạc do đó hạn chế khai thác nước với quy mô lớn ở khu vực này;
b) Tầng chứa nước Pleistocen (qp) phân bố chủ yếu ở các huyện Yên Khánh, Kim Sơn và một phần nhỏ ở Hoa Lư, thành phố Ninh Bình và Yên Mô. Các khu vực nhiễm mặn đã tạo thành dải rộng lớn kéo dài từ phía các huyện Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Ninh Bình đến huyện Yên Mô và Kim Sơn. Tổng diện tích nhiễm mặn của tầng qp khoảng 274 km2 do đó không bố trí các công trình khai thác;
c) Các tầng chứa nước khe nứt, khe nứt - karst, ranh giới nhiễm mặn các tầng chứa nước này kéo dài từ xã Gia Xuân đến xã Gia Phú của huyện Gia Viễn sang Lạc Vân, Văn Phú, Quỳnh Lưu, Sơn Hà của huyện Nho Quan đến các xã Yên Sơn, Yên Bình của thành phố Tam Điệp và kết thúc ở xã Yên Thái, Yên Lâm huyện Yên Mô.
III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH DỰ ÁN ƯU TIÊN
1. Tập trung nguồn lực để kiểm kê tài nguyên nước; điều tra, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi.
2. Các dự án, nhiệm vụ phải được triển khai đồng bộ, lồng ghép với các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ tài nguyên nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.
3. Triển khai các chương trình, dự án theo từng giai đoạn:
a) Giai đoạn từ 2016 đến 2020: Tập trung cơ bản cho các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước, điều tra đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước và điều tra, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước;
b) Giai đoạn từ 2020 đến 2025: Tập trung vào các dự án xây dựng mạng giám sát khai thác, sử dụng nước dưới đất;
c) Giai đoạn 2025-2035: Tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả các thông tin, số liệu tài nguyên nước phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và thực hiện việc cảnh báo, dự báo tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp tổ chức bộ máy, quản lý và ứng dụng khoa học công nghệ:
a) Kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý tài nguyên nước ở các Sở, ngành; quan tâm bố trí cán bộ chuyên môn chuyên trách về công tác quản lý tài nguyên nước ở cấp huyện, xã, thị trấn;
b) Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc diện phải lập hồ sơ xin cấp phép khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.
c) Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong công tác quản lý tài nguyên nước như phần mềm về quản lý cơ sở dữ liệu, các mô hình tính toán tiềm năng tài nguyên nước.
2. Tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước; Rà soát, quy hoạch, bổ sung mạng quan trắc tài nguyên và môi trường của tỉnh.
3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép.
4. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiệt hại do nước gây ra.
5. Kết hợp hài hoà đối với nhu cầu sử dụng tài nguyên nước giữa giải pháp khai thác, sử dụng nguồn nước mặt với khai thác sử dụng nước dưới đất.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối phối hợp với các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; Hàng năm đánh giá kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo, đề xuất UBND tỉnh.
2. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung, phương án, giải pháp thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch. Các cấp, các ngành chức năng có trách nhiệm báo cáo những vướng mắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để điều chỉnh kịp thời quy hoạch đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 16/2012/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phân bổ và bảo vệ nguồn nước dưới đất khu vực Nam Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 2Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 3Quyết định 3395/QĐ-UBND.ĐC năm 2014 phê duyệt “Điều tra, lập quy hoạch phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, tầm nhìn 2035"
- 1Luật tài nguyên nước 2012
- 2Quyết định 16/2012/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phân bổ và bảo vệ nguồn nước dưới đất khu vực Nam Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 3Nghị định 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài nguyên nước
- 4Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 5Quyết định 3395/QĐ-UBND.ĐC năm 2014 phê duyệt “Điều tra, lập quy hoạch phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, tầm nhìn 2035"
- 6Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 7Thông tư 42/2015/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quy hoạch tài nguyên nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Quyết định 1202/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phân bổ nước dưới đất và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2035
- Số hiệu: 1202/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/09/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
- Người ký: Đinh Chung Phụng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/09/2016
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực