Hệ thống pháp luật

TỔNG CÔNG TY LƯU KÝ VÀ BÙ TRỪ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/QĐ-HĐTV

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ BÙ TRỪ VÀ THANH TOÁN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH TẠI TỔNG CÔNG TY LƯU KÝ VÀ BÙ TRỪ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN
TỔNG CÔNG TY LƯU KÝ VÀ BÙ TRỪ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

Căn cứ Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Thông tư số 58/2021/TT-BTC ngày 12 tháng 07 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

Căn cứ Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05 tháng 05 năm 2015 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh và Thông tư số 23/2017/TT-BTC ngày 16 tháng 03 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2016/TT-BTC;

Căn cứ Quyết định số 26/2022/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ thành lập, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 1275/QĐ-BTC ngày 14 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam;

Căn cứ Công văn số 4664/UBCK-PTTT ngày 17 tháng 7 năm 2023 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc chấp thuận ban hành các Quy chế hoạt động nghiệp vụ của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐTV ngày 10 tháng 8 năm 2023 của Hội đồng thành viên thông qua việc ban hành các quy chế, quy định hoạt động nghiệp vụ của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam;

Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 61/QĐ-VSD ngày 16 tháng 5 năm 2022 của Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về việc ban hành Quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Điều 3. Tổng Giám đốc, Giám đốc Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh, Trưởng phòng Hành chính Quản trị, Trưởng phòng Bù trừ và Thanh toán Giao dịch Chứng khoán, Chánh Văn phòng Hội đồng thành viên, Trưởng các phòng thuộc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- UBCKNN (để b/c);
- Các SGDCK;
- HĐTV;
- BKS;
- Ban TGĐ;
- CN VSDC;
- Lưu VPHĐTV, TTBT (23b).

TM. HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN
THÀNH VIÊN PHỤ TRÁCH




Nguyễn Sơn

 

QUY CHẾ

BÙ TRỪ VÀ THANH TOÁN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH TẠI TỔNG CÔNG TY LƯU KÝ VÀ BÙ TRỪ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/QĐ-HĐTV ngày 10 tháng 8 năm 2023 của Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này hướng dẫn các nội dung liên quan đến hoạt động bù trừ và thanh toán tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam đối với giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, bao gồm:

a. Mở tài khoản tiền gửi thành viên và tài khoản chứng khoán ký quỹ thành viên cho thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh; đăng ký, hủy đăng ký thông tin tài khoản giao dịch, tài khoản chứng khoán ký quỹ cho nhà đầu tư;

b. Ký quỹ giao dịch;

c. Thế vị, bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh;

d. Xử lý mất khả năng thanh toán;

đ. Quản lý vị thế.

2. Đối tượng áp dụng

a. Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

b. Thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh.

c. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Các thuật ngữ viết tắt:

a. UBCKNN: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

b. VSDC: Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

c. SGDCK: Sở Giao dịch Chứng khoán.

d. NHTT: Ngân hàng thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.

đ. Thành viên bù trừ: thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh.

e. Luật chứng khoán: Luật chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội.

g. Thông tư 58/2021/TT-BTC: Thông tư số 58/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

h. Nghị định 158/2020/NĐ-CP: Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

i. HĐTL: hợp đồng tương lai.

k. TPCP: trái phiếu Chính phủ.

l. Quỹ bù trừ: Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh.

m. TK CKKQ: tài khoản chứng khoán ký quỹ.

n. TK TT TV: tài khoản tiền gửi thanh toán thành viên của VSDC mở tại NHTT.

o. TK BTTT VSDC: tài khoản tiền gửi thanh toán của VSDC tại ngân hàng thanh toán.

2. NHTT: là ngân hàng thương mại đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật chứng khoán và được UBCKNN lựa chọn để quản lý tài khoản tiền gửi ký quỹ của VSDC và phục vụ hoạt động thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán phái sinh mà VSDC là đối tác bù trừ trung tâm.

3. Ngân hàng thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở: là ngân hàng thương mại đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật chứng khoán và được UBCKNN lựa chọn để phục vụ cho hoạt động thanh toán tiền cho các giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có đảm bảo trên các SGDCK và cho các hoạt động thanh toán khác.

4. Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ: là tỷ lệ giữa giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu với tổng giá trị tài sản ký quỹ hợp lệ.

5. Phương pháp định lượng rủi ro VaR (Value at Risk): là phương pháp thống kê dựa trên phân tích dữ liệu lịch sử để xác định giá trị rủi ro của một danh mục đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định với độ tin cậy được xác định trước.

6. Chữ ký số: là một dạng chữ ký điện tử được thiết kế theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử mà người có thẩm quyền của VSDC hoặc thành viên bù trừ sử dụng để xác thực thông tin dữ liệu mà mình gửi đi.

7. Chứng từ điện tử là thông tin về hoạt động nghiệp vụ tại VSDC được tạo ra, gửi đi và lưu trữ bằng phương tiện điện tử theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thông qua cổng giao tiếp trực tuyến của VSDC và đã được xác thực bằng chữ ký số của người có thẩm quyền của VSDC hoặc thành viên bù trừ. Chứng từ điện tử trong Quy chế này bao gồm: Điện nghiệp vụ (điện MT) và FileAct là file dữ liệu chứa các thông tin về hoạt động nghiệp vụ có cấu trúc theo chuẩn ISO 15022 được trao đổi qua cổng giao tiếp trực tuyến của VSDC.

8. Cổng giao tiếp trực tuyến là môi trường phần mềm ứng dụng trong đó cho phép các thành viên bù trừ và VSDC trao đổi các thông tin hoạt động nghiệp vụ dưới dạng điện MT, FileAct trực tiếp giữa hệ thống nghiệp vụ của thành viên bù trừ và hệ thống của VSDC.

Chương II

MỞ, ĐĂNG KÝ, HỦY ĐĂNG KÝ THÔNG TIN TÀI KHOẢN

Điều 3. Mở tài khoản tiền gửi thành viên và tài khoản chứng khoán ký quỹ thành viên cho thành viên bù trừ

Sau khi thành viên bù trừ hoàn tất thủ tục đăng ký thành viên với VSDC, VSDC mở các tài khoản tiền gửi thành viên (gồm tài khoản tiền gửi ký quỹ tự doanh, tài khoản tiền gửi ký quỹ khách hàng, tài khoản tiền gửi thanh toán) tại ngân hàng thanh toán và tài khoản chứng khoán ký quỹ thành viên tại VSDC theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 12 Thông tư 58/2021/TT-BTC.

Điều 4. Đăng ký, hủy đăng ký thông tin tài khoản giao dịch, tài khoản chứng khoán ký quỹ cho nhà đầu tư

1. Nhà đầu tư giao dịch chứng khoán phái sinh mở tài khoản giao dịch tại thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh theo quy định tại các Điều 5, 6 Thông tư 58/2021/TT-BTC và được thành viên bù trừ mở tài khoản tiền gửi ký quỹ và TK CKKQ tại thành viên bù trừ theo quy định tại Điều 10 Thông tư 58/2021/TT-BTC.

Trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tại thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh không phải là thành viên bù trừ, nhà đầu tư phải mở tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định.

2. Thành viên bù trừ đăng ký thông tin TK CKKQ cho giao dịch phái sinh, tài khoản giao dịch của nhà đầu tư là khách hàng của thành viên bù trừ với VSDC để theo dõi quản lý tài sản ký quỹ và thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho vị thế trên tài khoản giao dịch của từng nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư chưa có hoặc không sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở cho ký quỹ giao dịch chứng khoán phái sinh, thành viên bù trừ phải thực hiện cập nhật thông tin mở tài khoản cho nhà đầu tư trên hệ thống lưu ký của VSDC theo hướng dẫn tại Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán của VSDC trước khi đăng ký tài khoản này sử dụng làm tài khoản giao dịch phái sinh, TK CKKQ.

3. Sau khi nhận được đầy đủ thông tin đăng ký tài khoản giao dịch, TK CKKQ của nhà đầu tư từ thành viên bù trừ, VSDC sẽ thông báo cho thành viên bù trừ về việc đăng ký tài khoản thành công và thông báo cho SGDCK Hà Nội danh sách thông tin tài khoản giao dịch của nhà đầu tư để nhà đầu tư được thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh vào ngày giao dịch liền kề.

4. Theo đề nghị của nhà đầu tư, thành viên bù trừ đăng ký với VSDC thông tin tài khoản giao dịch tổng theo quy định tại các khoản 4, 5, 6 Điều 6 Thông tư 58/2021/TT-BTC. Hồ sơ đăng ký thông tin tài khoản giao dịch tổng thực hiện theo khoản 5, 6 Điều này.

5. Hồ sơ đăng ký thông tin tài khoản giao dịch tổng đối với công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán gồm:

a. Giấy đăng ký thông tin tài khoản giao dịch tổng của thành viên bù trừ;

b. Bản sao văn bản đề nghị thành viên bù trừ mở tài khoản giao dịch tổng của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;

c. Bản sao được chứng thực Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

6. Hồ sơ đăng ký thông tin tài khoản giao dịch tổng đối với công ty chứng khoán thành lập ở nước ngoài gồm:

a. Giấy đăng ký thông tin tài khoản giao dịch tổng của thành viên bù trừ;

b. Bản sao văn bản đề nghị thành viên bù trừ mở tài khoản giao dịch tổng của công ty chứng khoán thành lập ở nước ngoài;

c. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký mã số giao dịch do VSDC cấp để thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán.

7. Thành viên bù trừ chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ đăng ký thông tin tài khoản giao dịch tổng. VSDC thực hiện xử lý hồ sơ đăng ký thông tin tài khoản giao dịch tổng trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ (căn cứ vào dấu bưu điện hoặc ngày ký nhận trên sổ công văn tại VSDC).

8. Trường hợp nhà đầu tư hủy đăng ký thông tin TK CKKQ tại thành viên bù trừ, nhà đầu tư phải đồng thời thực hiện với đóng tài khoản giao dịch phái sinh tại thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh. VSDC chỉ thực hiện xác nhận hủy thông tin tài khoản của nhà đầu tư đã đăng ký trên hệ thống sau khi nhà đầu tư, thành viên bù trừ đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán, đóng hoặc chuyển khoản hết vị thế và chuyển khoản tài sản ký quỹ (nếu có).

9. VSDC theo dõi thông tin TK CKKQ của nhà đầu tư dựa trên thông tin do thành viên bù trừ cập nhật trên hệ thống của VSDC theo hướng dẫn về cập nhật thông tin mở, đóng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư tại Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán của VSDC. Việc quản lý, điều chỉnh thông tin nhà đầu tư chứng khoán phái sinh được thực hiện theo nguyên tắc đồng nhất với thông tin nhà đầu tư trên hệ thống của VSDC theo hướng dẫn tại Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán của VSDC.

10. Đăng ký, hủy đăng ký thông tin tài khoản giao dịch, TK CKKQ của nhà đầu tư gửi trước 15h30 hàng ngày sẽ được VSDC xử lý ngay trong ngày, trường hợp gửi sau 15h30 hàng ngày sẽ được VSDC xử lý vào ngày làm việc tiếp theo.

11. Quy trình đăng ký, hủy đăng ký thông tin tài khoản giao dịch, TK CKKQ của nhà đầu tư với VSDC được thực hiện theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy chế này.

Chương III

KÝ QUỸ

Điều 5. Các loại ký quỹ và phương pháp tính

1. Ký quỹ ban đầu (Initial Margin - IM)

a. Ký quỹ ban đầu là giá trị ký quỹ tối thiểu mà thành viên bù trừ phải nộp cho VSDC đối với các vị thế đứng tên thành viên bù trừ dự kiến mở trước khi thực hiện giao dịch, trừ các giao dịch đối ứng của cùng một tài khoản giao dịch. Dựa trên phương pháp do VSDC hướng dẫn, thành viên bù trừ tự tính toán giá trị ký quỹ ban đầu cho các vị thế dự kiến mở để nộp cho VSDC theo tỷ lệ ký quỹ ban đầu do VSDC công bố theo quy định tại điểm đ khoản này. Phương pháp xác định tỷ lệ ký quỹ ban đầu và giá trị ký quỹ ban đầu theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quy chế này.

b. Thành viên bù trừ được nộp ký quỹ ban đầu bằng tiền và/hoặc chứng khoán nhưng phải đảm bảo tỷ lệ ký quỹ bằng tiền trên tổng giá trị tài sản ký quỹ trên mỗi tài khoản của nhà đầu tư tại mọi thời điểm không thấp hơn tỷ lệ ký quỹ bằng tiền tối thiểu do VSDC quy định và công bố trên trang thông tin điện tử của VSDC, phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 21 Thông tư 11/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 của Bộ Tài chính, trừ trường hợp ký quỹ bằng trái phiếu để chuyển giao khi thực hiện HĐTL TPCP theo quy định tại điểm b khoản 2.2 Điều này.

c. Trường hợp thành viên bù trừ nộp ký quỹ bằng chứng khoán, chứng khoán được VSDC chấp thuận làm tài sản ký quỹ phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.

d. VSDC xác định tỷ lệ ký quỹ ban đầu cho HĐTL chỉ số và HĐTL TPCP dựa trên các yếu tố:

- Biến động giá giao dịch của HĐTL hoặc chỉ số cơ sở (áp dụng đối với HĐTL chỉ số), hoặc giá trái phiếu Chính phủ/chỉ số trái phiếu Chính phủ (áp dụng đối với HĐTL TPCP) trong kỳ quan sát tối thiểu là 90 ngày giao dịch được đánh giá theo phương pháp định lượng rủi ro VaR;

- Thời điểm đáo hạn của HĐTL.

đ. Định kỳ vào ngày 01, 10 và 20 hàng tháng, VSDC xác định lại tỷ lệ ký quỹ ban đầu. Trường hợp các ngày nêu trên trùng với ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian xác định lại là ngày làm việc liền kề tiếp theo.

Tỷ lệ ký quỹ ban đầu được công bố trên trang thông tin điện tử của VSDC ít nhất 02 ngày làm việc trước khi áp dụng.

Trường hợp cần thiết, VSDC có quyền đánh giá lại tỷ lệ ký quỹ ban đầu căn cứ vào biến động thực tế của thị trường và có hiệu lực kể từ làm việc liền kề sau ngày công bố.

2. Ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP (Delivery Margin - DM)

2.1. Ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP là giá trị ký quỹ mà thành viên bù trừ bên bán và thành viên bù trừ bên mua phải duy trì từ sau ngày giao dịch cuối cùng (ngày E+1) cho đến ngày thanh toán cuối cùng (E+3) để đảm bảo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, thay cho khoản ký quỹ ban đầu theo quy định tại khoản 1 Điều này.

2.2. Hình thức nộp ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP

a. Nộp ký quỹ bằng tiền

Thành viên bù trừ nộp ký quỹ bằng tiền vào tài khoản tiền gửi ký quỹ thành viên của VSDC tại NHTT. Giá trị ký quỹ được xác định dựa trên tỷ lệ ký quỹ bảo đảm thực hiện HĐTL TPCP, số lượng hợp đồng đáo hạn, giá thanh toán cuối cùng và hệ số nhân của hợp đồng theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quy chế này.

Tỷ lệ ký quỹ bảo đảm thực hiện HĐTL TPCP được công bố trên trang điện tử của VSDC ít nhất 02 ngày làm việc trước khi áp dụng.

b. Nộp ký quỹ bằng trái phiếu trong danh sách các trái phiếu có thể chuyển giao.

Thành viên bù trừ nộp trái phiếu ký quỹ vào TK CKKQ thành viên cho mỗi HĐTL TPCP theo nguyên tắc:

- Chỉ nộp 01 mã trái phiếu trong danh sách các trái phiếu có thể chuyển giao;

- Số lượng trái phiếu nộp ký quỹ bằng 100% số lượng trái phiếu chuyển giao.

Số trái phiếu này sẽ được VSDC quản lý tách biệt với các chứng khoán ký quỹ khác.

c. Thành viên bù trừ bên mua phải nộp ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP bằng tiền. Thành viên bù trừ bên bán được quyền nộp ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP bằng tiền hoặc bằng trái phiếu trong danh sách các trái phiếu có thể chuyển giao.

3. Ký quỹ biến đổi (Variation Margin - VM)

a. Ký quỹ biến đổi được xác định trên cơ sở lãi lỗ vị thế trong phiên giao dịch của các vị thế mở trên tài khoản giao dịch của nhà đầu tư như sau:

- Đối với vị thế hiện có trên tài khoản: Là chênh lệch giữa giá giao dịch được cập nhật trong phiên giao dịch (ngoại trừ giá của giao dịch thỏa thuận) với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước (đối với vị thế đã có trên tài khoản từ cuối ngày giao dịch liền trước), hoặc với giá thanh toán mở vị thế (đối với vị thế vừa mở trong ngày);

- Đối với vị thế đóng trong ngày: Là chênh lệch giữa giá thanh toán đóng vị thế so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước (đối với vị thế đã có trên tài khoản từ cuối ngày giao dịch liền trước), hoặc với giá thanh toán mở vị thế (đối với vị thế vừa mở trong ngày).

b. Giá trị ký quỹ biến đổi chỉ được tính vào giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu trong trường hợp lãi lỗ vị thế của danh mục đầu tư trên tài khoản của nhà đầu tư ở trạng thái lỗ.

4. Ký quỹ duy trì yêu cầu (Margin Requirement - MR)

a. Ký quỹ duy trì yêu cầu là tổng giá trị ký quỹ mà thành viên bù trừ có nghĩa vụ phải nộp để duy trì các vị thế đứng tên thành viên bù trừ được tính toán trong phiên giao dịch cho danh mục vị thế trên từng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư và tài khoản của chính thành viên bù trừ gồm các giá trị ký quỹ thành phần sau:

- Ký quỹ ban đầu.

- Ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP theo cách xác định nêu tại điểm a khoản 2.2 Điều này (chỉ áp dụng đối với HĐTL chưa được nộp trái phiếu chuyển giao để thực hiện nghĩa vụ thanh toán).

- Ký quỹ biến đổi.

b. Tài khoản giao dịch của nhà đầu tư chỉ được mở thêm vị thế khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ của tài khoản dưới ngưỡng cảnh báo mức độ 3. Nếu tỷ lệ này rơi vào ngưỡng cảnh báo mức độ 3, tài khoản giao dịch của nhà đầu tư sẽ bị đình chỉ giao dịch và thành viên bù trừ phải thực hiện giảm vị thế thông qua việc mở mới vị thế đối ứng để đóng vị thế hiện có hoặc nộp bổ sung tài sản ký quỹ cho VSDC. Quy định về ngưỡng cảnh báo và việc xử lý trường hợp vi phạm ngưỡng cảnh báo thực hiện theo quy định tại Điều 13 Quy chế này.

Điều 6. Yêu cầu đối với tài sản ký quỹ bằng chứng khoán

1. Danh sách chứng khoán được chấp nhận ký quỹ bao gồm:

a. Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ngoại trừ tín phiếu Kho bạc.

b. Chứng khoán niêm yết tại các SGDCK (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư ngoại trừ chứng chỉ quỹ ETF).

2. Chứng khoán ký quỹ nêu tại điểm b khoản 1 Điều này phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

a. Thuộc danh mục chứng khoán làm tài sản ký quỹ do VSDC định kỳ xác định dựa trên tính thanh khoản của chứng khoán theo phương thức quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Quy chế này.

b. Đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 Điều 14 Thông tư 58/2021/TT-BTC;

3. Danh sách chứng khoán được chấp nhận ký quỹ (bao gồm cả tỷ lệ chiết khấu) được VSDC xác định và công bố trên trang thông tin điện tử của VSDC định kỳ 6 tháng/lần và không thay đổi cho đến kỳ công bố tiếp theo. Trường hợp đặc biệt, chứng khoán không còn đáp ứng được điều kiện quy định tại điểm b khoản 2 Điều này sẽ bị VSDC xem xét loại bỏ khỏi danh sách chứng khoán được chấp nhận ký quỹ đã công bố.

Điều 7. Định giá tài sản ký quỹ

1. Giá trị tài sản ký quỹ hợp lệ được xác định theo công thức sau:

Trong đó:

VKQ là giá trị tài sản ký quỹ hợp lệ.

C là tiền ký quỹ.

xtỷ lệ ký quỹ bằng tiền tối thiểu.

QKQ là số lượng chứng khoán ký quỹ.

P là giá chứng khoán ký quỹ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

H là tỷ lệ chiết khấu chứng khoán ký quỹ theo quy định tại Điều 8 Quy chế này.

2. Giá chứng khoán ký quỹ (P) áp dụng để định giá tài sản ký quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều này được cập nhật lại hàng ngày sau khi kết thúc phiên giao dịch:

a) Đối với trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh: là giá xác định dựa trên đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ của SGDCK Hà Nội.

b) Đối với chứng khoán niêm yết tại các SGDCK: là giá đóng cửa tại ngày giao dịch.

Điều 8. Tỷ lệ chiết khấu chứng khoán ký quỹ

1. Tỷ lệ chiết khấu khi xác định giá trị chứng khoán ký quỹ, ngoại trừ chứng khoán tại ngày giao dịch không hưởng quyền, được áp dụng như sau:

a. 5% đối với trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

b. 30% đối với chứng khoán nằm trong danh mục chứng khoán cấu thành chỉ số VN30, HNX30.

c. 40% đối với các chứng khoán còn lại.

2. Đối với các trường hợp điều chỉnh giá tham chiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền theo quy định của các SGDCK, sau khi kết thúc giao dịch tại ngày làm việc liền kề trước ngày giao dịch không hưởng quyền, tỷ lệ chiết khấu đối với chứng khoán ký quỹ nêu tại khoản 1 Điều này được điều chỉnh theo công thức quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Quy chế này. Thành viên bù trừ có trách nhiệm bổ sung ký quỹ trước ngày thực hiện điều chỉnh để đảm bảo giá trị tài sản ký quỹ hợp lệ theo đúng quy định.

3. VSDC có thể thay đổi tỷ lệ chiết khấu chứng khoán ký quỹ nêu tại khoản 1 Điều này căn cứ vào mức thanh khoản và rủi ro của từng loại chứng khoán. Trong trường hợp thay đổi tỷ lệ chiết khấu chứng khoán ký quỹ, VSDC sẽ gửi văn bản thông báo cho thành viên bù trừ chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày hiệu lực áp dụng.

Điều 9. Phong tỏa, giải tỏa chứng khoán ký quỹ cho giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư

1. Căn cứ vào thỏa thuận với nhà đầu tư về chứng khoán ký quỹ cho giao dịch chứng khoán phái sinh, thành viên bù trừ có trách nhiệm phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trên TK CKKQ của nhà đầu tư, đồng thời gửi điện thông báo cho VSDC để hạch toán tương ứng tại VSDC.

Trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại thành viên lưu ký không phải là thành viên bù trừ, nhà đầu tư phải chuyển khoản chứng khoán sang TK CKKQ tại thành viên bù trừ trước khi phong tỏa để ký quỹ cho giao dịch chứng khoán phái sinh theo quy định tại Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán của VSDC.

2. Quy trình phong tỏa, giải tỏa chứng khoán ký quỹ trên TK CKKQ tại thành viên bù trừ thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Quy chế này.

Điều 10. Nộp tài sản ký quỹ

1. Nộp ký quỹ bằng tiền:

a. Thành viên bù trừ nộp tiền ký quỹ của thành viên và khách hàng vào tài khoản tiền gửi ký quỹ thành viên đứng tên VSDC mở tại NHTT. Yêu cầu nộp tiền ký quỹ của thành viên bù trừ phải nêu rõ là nộp ký quỹ và có đầy đủ thông tin về loại tài khoản nộp ký quỹ (tự doanh, khách hàng), giá trị tiền ký quỹ chi tiết theo từng tài khoản ký quỹ đã được thành viên bù trừ đăng ký với VSDC.

b. Căn cứ vào khoản nộp tiền ký quỹ của thành viên bù trừ, NHTT sẽ gửi điện thông báo cho VSDC số tiền thành viên bù trừ nộp vào tài khoản tiền gửi ký quỹ tự doanh và/hoặc số tiền thành viên bù trừ nộp vào tài khoản tiền gửi ký quỹ của khách hàng. Các khoản tiền nộp ký quỹ trước 16h30 ngày làm việc sẽ được NHTT gửi điện thông báo cho VSDC để xử lý trong ngày, các khoản tiền nộp ký quỹ sau 16h30 ngày làm việc sẽ được NHTT gửi điện thông báo cho VSDC để xử lý vào ngày làm việc tiếp theo.

c. Sau khi nhận được điện thông báo của NHTT, VSDC kiểm tra thông tin tài khoản ký quỹ và ghi tăng giá trị tài sản ký quỹ trên tài khoản ký quỹ của thành viên, từng nhà đầu tư và gửi điện thông báo cho thành viên bù trừ.

d. Trường hợp thông tin tài khoản ký quỹ nhà đầu tư do NHTT gửi không khớp với thông tin trên hệ thống của VSDC, VSDC sẽ thông báo cho NHTT để hoàn trả lại tiền ký quỹ cho thành viên bù trừ.

2. Nộp ký quỹ bằng chứng khoán:

a. Tùy theo mục đích ký quỹ ban đầu hay ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP, thành viên bù trừ gửi cho VSDC điện yêu cầu chuyển khoản chứng khoán từ TK CKKQ của nhà đầu tư. Riêng trường hợp thành viên bù trừ sử dụng trái phiếu vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của VSDC để nộp ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP, thành viên bù trừ gửi cho VSDC yêu cầu chuyển khoản chứng khoán theo Mẫu 01/PS-TTBT ban hành kèm theo Quy chế này vào TK CKKQ thành viên.

Yêu cầu chuyển khoản chứng khoán phải nêu đầy đủ thông tin về mã chứng khoán, số lượng chứng khoán ký quỹ, mục đích ký quỹ, tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư và gửi cho VSDC chậm nhất vào 16h00 các ngày làm việc.

b. Căn cứ vào yêu cầu chuyển khoản ký quỹ của thành viên bù trừ, VSDC ghi tăng số lượng chứng khoán trên TK CKKQ thành viên. Sau đó, VSDC sẽ thông báo cho thành viên bù trừ để thực hiện hạch toán tương ứng.

3. Quy trình trao đổi thông tin giữa VSDC với NHTT, thành viên bù trừ trong hoạt động nộp ký quỹ bằng tiền và chứng khoán nêu tại các khoản 1, 2 Điều này được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Quy chế này.

Điều 11. Rút tài sản ký quỹ

1. Thành viên bù trừ được quyền rút tài sản ký quỹ khi đáp ứng các điều kiện sau:

a. Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ sau khi rút ở dưới ngưỡng cảnh báo mức độ 3 quy định tại khoản 1 Điều 13 Quy chế này;

b. Số lượng chứng khoán rút phải nhỏ hơn hoặc bằng số lượng chứng khoán ký quỹ trên TK CKKQ thành viên (đối với trường hợp rút tài sản ký quỹ bằng chứng khoán).

c. Tài khoản đề nghị rút đang không ở trong trạng thái bị đình chỉ giao dịch do vi phạm ngưỡng sử dụng tài sản ký quỹ, vi phạm giới hạn vị thế hoặc mất khả năng thanh toán.

2. Rút tiền ký quỹ

Thành viên bù trừ gửi cho VSDC điện yêu cầu rút tiền ký quỹ trong đó nêu chi tiết số tiền ký quỹ cần rút theo từng tài khoản tiền gửi ký quỹ của nhà đầu tư từ 08h00 đến 16h00 ngày làm việc. Căn cứ quy định tại các điểm a, c khoản 1 Điều này, VSDC thực hiện kiểm tra yêu cầu rút tiền ký quỹ của thành viên bù trừ. Trường hợp yêu cầu rút tiền ký quỹ không hợp lệ, VSDC gửi điện thông báo cho thành viên bù trừ và nêu rõ lý do. Trường hợp yêu cầu rút tiền ký quỹ hợp lệ:

a. VSDC lập chỉ thị cho NHTT thực hiện chuyển tiền cho thành viên bù trừ, đồng thời quản lý tách biệt số tiền ký quỹ đề nghị rút để không tính vào giá trị tài sản ký quỹ hợp lệ khi xác định tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ đó.

b. Căn cứ vào chỉ thị của VSDC, NHTT thực hiện chuyển tiền ký quỹ từ tài khoản tiền gửi ký quỹ thành viên vào tài khoản nhận tiền rút ký quỹ mà thành viên bù trừ đã đăng ký gửi điện thông báo cho VSDC.

c. Căn cứ vào điện ghi nợ của NHTT, VSDC sẽ thực hiện ghi giảm giá trị tiền trên tài khoản ký quỹ tương ứng và thông báo cho thành viên bù trừ liên quan.

3. Rút chứng khoán ký quỹ

Thành viên bù trừ gửi cho VSDC điện yêu cầu rút chứng khoán ký quỹ trong đó nêu chi tiết mã, số lượng chứng khoán ký quỹ cần rút theo từng TK CKKQ của nhà đầu tư từ 08h00 đến 16h00 ngày làm việc. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, VSDC thực hiện kiểm tra yêu cầu rút chứng khoán ký quỹ của thành viên bù trừ. Trường hợp yêu cầu rút chứng khoán ký quỹ không hợp lệ, VSDC gửi điện thông báo cho thành viên bù trừ và nêu rõ lý do. Trường hợp yêu cầu rút chứng khoán ký quỹ hợp lệ, VSDC thực hiện chuyển khoản chứng khoán từ TK CKKQ thành viên vào TK CKKQ của nhà đầu tư và thông báo cho thành viên bù trừ liên quan.

4. Quy trình trao đổi thông tin giữa VSDC với NHTT, thành viên bù trừ trong hoạt động rút ký quỹ bằng tiền và chứng khoán theo quy định tại các khoản 2, 3 Điều này được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Quy chế này.

Điều 12. Thay thế chứng khoán ký quỹ

1. Thành viên bù trừ được quyền thay thế chứng khoán ký quỹ với điều kiện chứng khoán thay thế đáp ứng đầy đủ yêu cầu đối với tài sản ký quỹ bằng chứng khoán quy định tại Điều 6 Quy chế này.

2. Các trường hợp buộc phải thay thế chứng khoán ký quỹ:

a. Chứng khoán ký quỹ không còn đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Quy chế này;

b. Trái phiếu Chính phủ/trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đến thời hạn đáo hạn.

3. Trong các trường hợp bị buộc phải thay thế chứng khoán ký quỹ theo quy định tại khoản 2 Điều này, VSDC sẽ gửi văn bản yêu cầu thay thế chứng khoán ký quỹ theo Mẫu 02/PS-TTBT ban hành kèm theo Quy chế này cho thành viên bù trừ theo hình thức email và gửi qua đường bưu điện.

4. Kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của VSDC (tùy theo văn bản nào đến trước), thành viên bù trừ thực hiện quy trình thay thế chứng khoán ký quỹ theo thời hạn như sau:

a. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, đối với chứng khoán không còn đáp ứng điều kiện do xác định lại danh mục chứng khoán ký quỹ dựa trên tính thanh khoản hoặc trái phiếu Chính phủ/trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đến thời hạn đáo hạn;

b. Ngay trong ngày làm việc, đối với chứng khoán không còn đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Quy chế này.

5. Việc thay thế chứng khoán ký quỹ được thực hiện theo nguyên tắc nộp chứng khoán ký quỹ mới, sau đó rút chứng khoán ký quỹ cần thay thế theo quy trình nộp, rút tài sản ký quỹ quy định tại Điều 10 và Điều 11 Quy chế này.

Điều 13. Giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ

1. VSDC thiết lập các ngưỡng cảnh báo theo ba (03) cấp độ để thực hiện giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ trên từng tài khoản của nhà đầu tư trong phiên giao dịch như sau:

a. Cảnh báo mức độ 1: khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ đạt ngưỡng 80%;

b. Cảnh báo mức độ 2: khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ đạt ngưỡng 90%;

c. Cảnh báo mức độ 3: khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ đạt ngưỡng 100%;

2. Trường hợp tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ rơi vào ngưỡng cảnh báo mức độ 1 hoặc 2, VSDC sẽ gửi thông tin cảnh báo cho thành viên bù trừ để lưu ý thành viên bù trừ kiểm soát tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư theo đúng quy định.

3. Trường hợp tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ rơi vào ngưỡng cảnh báo mức độ 3, VSDC sẽ áp dụng hình thức xử lý như sau:

a. Gửi điện thông báo cho SGDCK Hà Nội đề nghị tạm đình chỉ giao dịch đối với tài khoản vi phạm;

b. Gửi điện thông báo cho thành viên bù trừ yêu cầu không thực hiện giao dịch mở mới vị thế trên tài khoản vi phạm, ngoại trừ giao dịch đối ứng để đóng vị thế và/hoặc bổ sung tài sản ký quỹ để làm giảm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ. Trường hợp thành viên bù trừ thực hiện giao dịch đối ứng để giảm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ, thành viên bù trừ phải thông báo bằng văn bản theo Mẫu 03/PS-TTBT ban hành kèm theo Quy chế này cho VSDC thông tin chi tiết lệnh giao dịch đối ứng dự kiến đặt để VSDC đề nghị SGDCK Hà Nội khôi phục trạng thái giao dịch cho tài khoản vi phạm. Thành viên bù trừ hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thực hiện đúng các lệnh giao dịch đối ứng đã thông báo với VSDC và có thể gửi văn bản thông báo cho VSDC bằng hình thức fax hoặc email trước khi gửi văn bản gốc. Thời hạn tối đa để thành viên bù trừ áp dụng các biện pháp xử lý nêu trên là 03 ngày làm việc.

Quá thời hạn trên mà thành viên bù trừ không khắc phục được vi phạm, VSDC sẽ yêu cầu thành viên bù trừ khác thực hiện đóng vị thế đối với tài khoản vi phạm. VSDC sẽ thông báo cho thành viên bù trừ thực hiện thay chi tiết các vị thế đứng tên thành viên bù trừ vi phạm cần được đóng, thanh lý để đặt các lệnh đối ứng. Sau khi giao dịch thành công, các vị thế đối ứng sẽ được chuyển khoản sang thành viên bù trừ vi phạm để thực hiện đối trừ. Việc đề nghị thành viên bù trừ khác thực hiện đóng, thanh lý vị thế thay cho thành viên bù trừ vi phạm được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa VSDC và thành viên bù trừ thực hiện thay.

4. Sau khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ xuống dưới ngưỡng cảnh báo mức độ 3, VSDC sẽ gửi điện thông báo cho thành viên bù trừ và đề nghị SGDCK Hà Nội khôi phục tức thời giao dịch đối với tài khoản vi phạm.

5. Quy trình trao đổi thông tin giữa VSDC và SGDCK Hà Nội, thành viên bù trừ về việc cảnh báo, tạm ngừng và khôi phục trạng thái giao dịch đối với tài khoản vi phạm tỷ lệ sử dụng ký quỹ thực hiện theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Quy chế này.

Điều 14. Phân bổ quyền, lợi ích phát sinh liên quan đến tài sản ký quỹ

1. Nhà đầu tư, thành viên bù trừ được nhận các quyền và lợi ích phát sinh liên quan tới tài sản ký quỹ như sau:

a. Các quyền phát sinh liên quan tới chứng khoán ký quỹ của thành viên bù trừ, nhà đầu tư sẽ được VSDC tổng hợp chung vào danh sách người sở hữu chứng khoán lưu ký thực hiện quyền được lập tại ngày đăng ký cuối cùng theo quy định tại Quy chế thực hiện quyền cho người sở hữu chứng khoán tại VSDC.

b. Lãi tiền gửi trên tài khoản tiền gửi ký quỹ thành viên đứng tên VSDC tại NHTT sẽ được NHTT tự động chuyển trả vào tài khoản nhận hoàn trả ký quỹ mà thành viên bù trừ đã đăng ký ngay khi phát sinh, theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn do NHTT công bố.

2. Trường hợp thành viên bù trừ đang trong quá trình xử lý mất khả năng thanh toán hoặc đang tiến hành thủ tục hủy bỏ tư cách thành viên, việc xử lý phân bổ quyền và lợi ích phát sinh từ tài sản ký quỹ sẽ do VSDC quyết định.

Điều 15. Đối chiếu thông tin tài khoản tiền gửi ký quỹ với NHTT

1. Hàng ngày, VSDC nhận thông tin từ NHTT để thực hiện đối chiếu:

a. Số dư tài khoản tiền gửi ký quỹ tự doanh đứng tên VSDC tại NHTT với số dư tiền trên tài khoản ký quỹ tự doanh của thành viên bù trừ được theo dõi tại VSDC.

b. Số dư tài khoản tiền gửi ký quỹ khách hàng đứng tên VSDC tại NHTT với số dư tiền trên tài khoản ký quỹ khách hàng của thành viên bù trừ được theo dõi tại VSDC.

c. Số lượng giao dịch ghi nợ, có trên các tài khoản tiền gửi ký quỹ, thanh toán đứng tên VSDC tại NHTT với số lượng giao dịch được xử lý tương ứng tại VSDC.

2. Trong trường hợp phát hiện sai lệch, VSDC và NHTT phối hợp xác minh và thực hiện hiệu chỉnh thông tin.

3. Quy trình đối chiếu thông tin giữa VSDC và NHTT được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Quy chế này.

Điều 16. Đối chiếu thông tin vị thế, tài sản ký quỹ với thành viên bù trừ

1. Vào cuối mỗi ngày giao dịch, thành viên bù trừ nhận các báo cáo liên quan đến vị thế, tài sản ký quỹ trên hệ thống của VSDC để kiểm tra và đối chiếu thông tin tới từng tài khoản của khách hàng và tự doanh của thành viên bù trừ, gồm:

a. Số dư vị thế.

b. Số dư tài sản ký quỹ (tiền, chứng khoán).

2. Trong trường hợp phát hiện sai lệch, thành viên bù trừ có trách nhiệm thông báo cho VSDC trước 08h30 ngày làm việc tiếp theo để phối hợp với VSDC xác minh và thực hiện hiệu chỉnh thông tin. Sau thời điểm nêu trên, các thông tin sẽ được xem là chính xác và thành viên bù trừ phải chịu trách nhiệm về các sai sót, tổn thất phát sinh (nếu có).

3. Quy trình đối chiếu thông tin giữa VSDC và thành viên bù trừ được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Quy chế này.

Chương IV

THẾ VỊ GIAO DỊCH, BÙ TRỪ VÀ THANH TOÁN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

Điều 17. Nhận kết quả giao dịch và thế vị giao dịch

1. Lệnh giao dịch của nhà đầu tư ngay sau khi được khớp trên hệ thống giao dịch của SGDCK Hà Nội sẽ được chuyển sang VSDC để kiểm tra trước khi thế vị.

2. VSDC sẽ kiểm tra tính hợp lệ của thông tin tài khoản giao dịch (đã đăng ký trên hệ thống của VSDC), thông tin sản phẩm (đang hiệu lực) đối với kết quả giao dịch do SGDCK Hà Nội gửi sang và chỉ thực hiện thế vị cho các giao dịch có thông tin hợp lệ. Đối với các lệnh giao dịch không hợp lệ hoặc hệ thống không nhận diện được do lỗi kỹ thuật, VSDC sẽ từ chối thế vị và gửi điện thông báo ngay cho SGDCK Hà Nội để xử lý.

Điều 18. Bù trừ vị thế

1. VSDC thực hiện bù trừ các vị thế trên tài khoản giao dịch của thành viên bù trừ, khách hàng của thành viên bù trừ theo nguyên tắc các vị thế đối ứng của cùng một HĐTL có cùng thời điểm đáo hạn trên cùng một tài khoản giao dịch được tự động đối trừ với nhau để xác định vị thế ròng HĐTL trên tài khoản giao dịch đó, ngoại trừ tài khoản giao dịch tổng theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. VSDC chỉ thực hiện bù trừ các vị thế đối ứng trên tài khoản giao dịch tổng khi nhận được điện yêu cầu của thành viên bù trừ.

3. Quy trình bù trừ vị thế trên tài khoản giao dịch tổng thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Quy chế này.

Điều 19. Thanh toán lãi lỗ vị thế

1. Việc thanh toán lãi lỗ vị thế cho thành viên bù trừ, khách hàng của thành viên bù trừ được thực hiện bằng tiền vào ngày làm việc liền kề sau ngày VSDC thông báo khoản lãi lỗ vị thế.

2. Nguyên tắc xác định lãi lỗ vị thế:

a. Giá trị khoản thanh toán lãi lỗ vị thế được xác định theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 58/2021/TT-BTC.   

b. Nghĩa vụ thanh toán lãi lỗ vị thế được xác định tách biệt cho từng tài khoản nhà đầu tư, sau đó được bù trừ để xác định nghĩa vụ thanh toán ròng theo từng thành viên bù trừ.

3. Kết quả tính toán nghĩa vụ thanh toán lãi lỗ vị thế cuối ngày theo từng thành viên bù trừ sẽ được VSDC gửi cho các thành viên bù trừ và NHTT để thực hiện thanh toán vào ngày thanh toán theo nguyên tắc thành viên bù trừ bên phải trả chuyển đủ tiền cho VSDC để thanh toán cho các thành viên bù trừ bên được nhận.

4. Việc thanh toán lãi lỗ vị thế được thực hiện giữa các tài khoản tiền gửi thanh toán đứng tên VSDC mở cho mỗi thành viên bù trừ và tài khoản tiền gửi thanh toán của VSDC tại NHTT. Thành viên bù trừ có trách nhiệm hoàn tất việc phân bổ tiền lãi vị thế cho nhà đầu tư (trường hợp nhà đầu tư có lãi) trong ngày thanh toán, sau khi NHTT hoàn tất việc thanh toán lãi lỗ vị thế.

5. Cuối ngày làm việc, sau khi đã hoàn tất các hoạt động thanh toán, trường hợp trên tài khoản tiền gửi thanh toán của thành viên còn số dư (do thành viên bù trừ chuyển thừa so với nghĩa vụ thanh toán), NHTT sẽ tự động chuyển trả số dư tiền vào tài khoản nhận hoàn trả ký quỹ thành viên bù trừ đăng ký.

6. Trình tự, thủ tục thanh toán lãi lỗ vị thế thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Quy chế này.

Điều 20. Thanh toán thực hiện HĐTL chỉ số

Việc thanh toán thực hiện HĐTL chỉ số được hoàn tất khi hoàn tất thanh toán lãi lỗ vị thế của ngày giao dịch cuối cùng.

Điều 21. Thanh toán thực hiện HĐTL TPCP

1. Việc thanh toán thực hiện HĐTL TPCP được thực hiện dưới hình thức chuyển giao tài sản cơ sở với ngày thanh toán cuối cùng là ngày làm việc thứ ba sau ngày giao dịch cuối cùng (E+3).

2. Thành viên bù trừ có nghĩa vụ nộp và duy trì ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy chế này.

3. Tại ngày giao dịch cuối cùng

3.1. VSDC sẽ xác định thành viên bù trừ bên mua, thành viên bù trừ bên bán có nghĩa vụ thanh toán hợp đồng chi tiết tới từng tài khoản của nhà đầu tư.

3.2. Chậm nhất 15h30, thành viên bù trừ bên mua có nghĩa vụ cung cấp cho VSDC tài liệu chứng minh khả năng thanh toán với số tiền không thấp hơn giá trị hợp đồng tính theo mệnh giá trái phiếu, cụ thể:

a. Văn bản xác nhận của ngân hàng về việc đã phong tỏa số tiền sử dụng cho thanh toán đáo hạn HĐTL TPCP của nhà đầu tư trên tài khoản tiền gửi đứng tên thành viên bù trừ; hoặc

b. Thư bảo lãnh của ngân hàng về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán hợp đồng tương lai TPCP đáo hạn của thành viên bù trừ. Thư bảo lãnh có hiệu lực ít nhất là 04 ngày làm việc kể từ ngày giao dịch cuối cùng và phải nêu rõ cam kết thanh toán vô điều kiện, không hủy ngang cho VSDC bất cứ khoản tiền nào trong giới hạn số tiền bảo lãnh khi có văn bản của VSDC thông báo thành viên bù trừ vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong thời hạn hiệu lực của bảo lãnh.

3.3. Thành viên bù trừ bên bán có trách nhiệm cung cấp danh sách trái phiếu được sử dụng để chuyển giao theo Mẫu 04A/PS-TTBT ban hành kèm theo Quy chế này cho VSDC từ các nguồn sau:

a. Trái phiếu trên TK CKKQ của nhà đầu tư tại thành viên bù trừ;

b. Trái phiếu dự kiến mua, vay.

Các mã trái phiếu được xác nhận phải thuộc danh sách trái phiếu có thể chuyển giao do SGDCK Hà Nội xác định và công bố trên trang thông tin điện tử của SGDCK Hà Nội và VSDC.

4. Tại ngày E+2

4.1. Chậm nhất 15h30, thành viên bù trừ bên bán sử dụng trái phiếu từ nguồn nêu tại điểm b khoản 3.3 Điều này có trách nhiệm xác nhận danh sách trái phiếu chuyển giao theo Mẫu 04B/PS-TTBT ban hành kèm theo Quy chế này, đồng thời, cam kết hoàn tất việc chuyển khoản số trái phiếu từ kết quả mua, vay ngay sau khi nhận được trên tài khoản lưu ký.

4.2. VSDC lập danh sách trái phiếu sẽ chuyển giao cho thành viên bù trừ bên mua chi tiết đến từng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư theo nguyên tắc phân bổ ngẫu nhiên (do hệ thống tự động thực hiện) và tính toán nghĩa vụ thanh toán cuối cùng bằng tiền đối với thành viên bù trừ bên mua dựa trên danh sách trái phiếu phân bổ.

5. Tại ngày thanh toán cuối cùng (E+3):

Thành viên bù trừ bên bán phải chuyển đủ số lượng và đúng loại trái phiếu đã xác nhận vào TK CKKQ đứng tên VSDC, thành viên bù trừ bên mua phải chuyển đủ số tiền theo nghĩa vụ thanh toán vào tài khoản tiền gửi thanh toán tại NHTT.

6. Quy trình thanh toán và cách thức xác định nghĩa vụ thanh toán thực hiện HĐTL TPCP của thành viên bù trừ bên mua và bên bán thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Quy chế này. Thành viên bù trừ có trách nhiệm hoàn tất việc phân bổ tiền bán trái phiếu cho nhà đầu tư trong ngày thanh toán, sau khi NHTT hoàn tất việc thanh toán thực hiện HĐTL TPCP.

7. Cuối ngày làm việc, sau khi đã hoàn tất các hoạt động thanh toán, trường hợp trên tài khoản tiền gửi thanh toán của thành viên còn số dư (do thành viên bù trừ chuyển thừa so với nghĩa vụ thanh toán), NHTT sẽ tự động chuyển trả số dư tiền vào tài khoản nhận hoàn trả ký quỹ thành viên bù trừ đăng ký.

8. Thực hiện thanh toán HĐTL TPCP theo hình thức bằng tiền

8.1. VSDC thực hiện thanh toán hợp đồng theo hình thức bằng tiền trong các trường hợp sau:

a. Thành viên bù trừ bên mua không cung cấp tài liệu chứng minh khả năng thanh toán theo quy định tại khoản 3.2 Điều này;

b. Thành viên bù trừ bên bán không cung cấp danh sách trái phiếu dự kiến chuyển giao hoặc không huy động đủ trái phiếu chuyển giao từ nguồn mua, vay theo các quy định tại khoản 3.3 và khoản 4.1 Điều này.

8.2. Tài khoản giao dịch nắm giữ vị thế đối ứng để tham gia hợp đồng thanh toán bằng tiền được VSDC xác lập theo nguyên tắc ngẫu nhiên.

Đối với trường hợp nêu tại điểm a khoản 8.1 Điều này, sau khi đã xác định nghĩa vụ thanh toán lãi lỗ vị thế của các bên liên quan, VSDC sẽ chuyển khoản vị thế từ tài khoản giao dịch bên mua sang tài khoản giao dịch bên bán đối ứng để đóng vị thế.

8.3. Việc thanh toán khi thực hiện HĐTL TPCP theo hình thức bằng tiền được hoàn tất khi hoàn tất thanh toán lãi lỗ vị thế của ngày giao dịch cuối cùng.

Ngoài ra, thành viên bù trừ không chứng minh được khả năng thanh toán có trách nhiệm bồi thường cho thành viên bù trừ liên quan với số tiền được tính theo công thức sau:

Giá trị bồi thường = 5% x FSP x Hệ số nhân hợp đồng x Số hợp đồng

Trong đó, FSP là giá thanh toán cuối cùng theo quy định tại Điều 22 Quy chế này.

8.4. Tại ngày thanh toán cuối cùng, thành viên bù trừ bên bồi thường phải chuyển đủ số tiền nêu tại khoản 8.3 Điều này theo thông báo của VSDC. Sau khi nhận đủ số tiền bồi thường, VSDC sẽ chuyển cho thành viên bù trừ liên quan. Trường hợp thành viên bù trừ không chuyển đủ khoản tiền bồi thường đúng hạn, VSDC sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại Quy chế thành viên bù trừ tại VSDC.

Điều 22. Giá thanh toán cuối ngày và giá thanh toán cuối cùng HĐTL

1. Giá thanh toán cuối ngày (DSP) và giá thanh toán cuối cùng (FSP) được VSDC sử dụng để tính toán giá trị lãi lỗ vị thế hàng ngày và giá trị thanh toán khi thực hiện HĐTL chỉ số và HĐTL TPCP.

2. DSP được VSDC xác định dựa trên thông tin giá giao dịch HĐTL do SGDCK Hà Nội cung cấp. Trường hợp giá giao dịch không đáp ứng yêu cầu tính toán, VSDC được quyền sử dụng giá lý thuyết để thay thế hoặc mức giá khác sau khi được UBCKNN chấp thuận.

3. FSP được VSDC xác định theo nguyên tắc:

a. Đối với HĐTL chỉ số: Là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa), sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục. FSP được làm tròn và lấy đến hai chữ số thập phân.

b. Đối với HĐTL TPCP: Là DSP của hợp đồng được xác định tại ngày giao dịch cuối cùng.

 4. Phương pháp xác định DSP thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Quy chế này.

5. Hàng ngày, sau khi lập và gửi báo cáo thanh toán hàng ngày cho TVBT theo quy định tại điểm I Mục C Phụ lục 9 Quy chế này, VSDC thực hiện công bố giá DSP và giá FSP (nếu có sản phẩm đáo hạn) trên trang thông tin điện tử của VSDC.

Điều 23. Chứng từ điện tử

1. Các chứng từ điện tử trong Quy chế này được quy định chi tiết tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Quy chế này. Trong trường hợp cần thiết, thành viên bù trừ có thể đề nghị chuyển đổi chứng từ dưới dạng chứng từ điện tử sang chứng từ giấy theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

2. Các chứng từ điện tử của VSDC khi chuyển đổi sang chứng từ giấy sẽ được đóng dấu có ký hiệu như sau:

 

TỔNG CÔNG TY

LƯU KÝ VÀ BÙ TRỪ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

 

CHỨNG TỪ CHUYỂN ĐỔI TỪ

CHỨNG TỪ ĐIỆN TỬ

 

Họ và tên:

Chữ ký:

Thời gian thực hiện chuyển đổi:

3. Trường hợp thành viên bù trừ không thể nhận các chứng từ dưới dạng chứng từ điện tử theo quy định tại Quy chế này do bị ngắt kết nối cổng giao tiếp trực tuyến với VSDC, việc nhận các thông tin danh sách này sẽ thực hiện qua địa chỉ email mà thành viên bù trừ đã đăng ký với VSDC.

Chương V

XỬ LÝ MẤT KHẢ NĂNG THANH TOÁN

Điều 24. Các trường hợp mất khả năng thanh toán

1. Thành viên bù trừ, nhà đầu tư là khách hàng của thành viên bù trừ bị mất khả năng thanh toán khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 58/2021/TT-BTC.

2. Việc xử lý các trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Thông tư 58/2021/TT-BTC thực hiện theo quy định tại Điều 25 Quy chế này, trong đó:

a. Thời điểm chốt số dư tài khoản tiền gửi thanh toán thành viên tại NHTT để xác định khả năng thanh toán lãi lỗ vị thế, thanh toán tiền khi thực hiện hợp đồng của thành viên bù trừ là 09h30 ngày thanh toán.

b. Thời điểm chốt số dư tài khoản tiền gửi thanh toán thành viên tại NHTT để xác định khả năng thanh toán tiền của thành viên bù trừ theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Quy chế này là 11h00 ngày thanh toán.

3. Việc xử lý trường hợp thành viên bù trừ bị mất khả năng thanh toán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Thông tư 58/2021/TT-BTC thực hiện như sau: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của thành viên bù trừ hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về tình trạng mất khả năng thanh toán của thành viên bù trừ, VSDC đề xuất phương án xử lý cho từng trường hợp cụ thể phù hợp với quy định tại Nghị định 158/2020/NĐ-CP, Thông tư 58/2021/TT-BTC và báo cáo UBCKNN chấp thuận trước khi thực hiện.

4. Việc xử lý trường hợp thành viên bù trừ bị mất khả năng thanh toán theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Thông tư 58/2021/TT-BTC thực hiện như sau: VSDC báo cáo UBCKNN theo từng trường hợp phát sinh cụ thể trước khi thực hiện.

Điều 25. Biện pháp xử lý khi thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán

1. Khi thành viên bù trừ bị mất khả năng thanh toán, VSDC sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 35 Nghị định 158/2020/NĐ-CP và các khoản 2,3,4,5 Điều 15 Thông tư 58/2021/TT-BTC.

2. Việc sử dụng các nguồn hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 58/2021/TT-BTC để đảm bảo thanh toán khi thành viên bù trừ, nhà đầu tư mất khả năng thanh toán được thực hiện như sau:

a. Sử dụng tiền ký quỹ của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán và tiền ký quỹ của khách hàng của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán:

- Khi thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, kể cả trường hợp nhà đầu tư là khách hàng của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, VSDC sẽ kiểm tra tiền trên tài khoản tiền gửi ký quỹ tự doanh tại NHTT và đề nghị NHTT thực hiện chuyển khoản sang tài khoản tiền gửi thanh toán để thực hiện nghĩa vụ thanh toán của thành viên bù trừ.

- Trường hợp nhà đầu tư là khách hàng của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán mà tài khoản tiền gửi ký quỹ tự doanh không đủ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán, VSDC sẽ kiểm tra số dư tiền gửi ký quỹ khách hàng trên hệ thống của VSDC và đề nghị NHTT chuyển khoản từ tài khoản tiền gửi ký quỹ khách hàng sang tài khoản tiền gửi thanh toán trong phạm vi nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư để thực hiện nghĩa vụ thanh toán của thành viên bù trừ. Việc sử dụng nguồn hỗ trợ trong trường hợp này chỉ được áp dụng khi thành viên bù trừ đã xác định và thông báo cho VSDC cụ thể nhà đầu tư mất khả năng thanh toán.

b. Sử dụng khoản đóng góp bằng tiền vào Quỹ bù trừ của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán:

- VSDC sẽ kiểm tra số dư tiền đóng góp hiện có vào Quỹ bù trừ, sau khi trừ đi các khoản hỗ trợ chưa được hoàn trả (nếu có), của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán và đề nghị NHTT chuyển khoản sang tài khoản tiền gửi thanh toán để thực hiện nghĩa vụ thanh toán của thành viên bù trừ.

c. Sử dụng khoản đóng góp bằng tiền vào Quỹ bù trừ của các thành viên bù trừ khác (không bao gồm khoản tiền đóng góp Quỹ bù trừ của thành viên bù trừ đang trong thời gian xử lý để hủy bỏ tư cách thành viên theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bù trừ tại VSDC) theo nguyên tắc sau:

- VSDC sẽ xác định số tiền mà thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán (TVm) còn thiếu để thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình và xác định số tiền đóng góp vào Quỹ bù trừ mà các thành viên bù trừ khác (TVk) cần hỗ trợ theo công thức sau:

Số tiền hỗ trợ của TVk = Sk × Số tiền còn thiếu

Với:


Sk


=

Khoản đóng góp của TVk

Tổng Quỹ bù trừ tại thời điểm sử dụng (*)

-

Số tiền đóng góp của TVm

(*) không bao gồm lãi tiền gửi và tiền lãi sử dụng Quỹ bù trừ chưa phân bổ vào số dư đóng góp của thành viên bù trừ.

- Sau khi xác định số tiền mà các thành viên bù trừ khác cần hỗ trợ, VSDC sẽ đề nghị NHTT chuyển khoản sang tài khoản tiền gửi thanh toán để thanh toán cho nghĩa vụ của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, đồng thời thông báo cho thành viên bù trừ liên quan chi tiết về việc sử dụng tiền đóng góp vào Quỹ bù trừ để hỗ trợ thanh toán ngay trong ngày sử dụng Quỹ.

- Thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán phải chịu tiền lãi sử dụng Quỹ bù trừ theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bù trừ tại VSDC.

d. Sử dụng Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ và các nguồn vốn hợp pháp của VSDC theo quy định tại điểm d, đ khoản 2 Điều 15 Thông tư 58/2021/TT-BTC.

3. Gửi điện thông báo cho SGDCK Hà Nội đề nghị đình chỉ việc nhận lệnh giao dịch để mở vị thế mới đối với tài khoản tự doanh và tài khoản mất khả năng thanh toán của khách hàng của thành viên bù trừ (nếu có) theo quy định tại điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 15 Thông tư 58/2021/TT-BTC.

4. Đóng vị thế, thanh lý vị thế của thành viên bù trừ, khách hàng của thành viên bù trừ trong trường hợp thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Nghị định 158/2020/NĐ-CP được VSDC thực hiện như sau:

a. VSDC được quyền yêu cầu thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán thực hiện giao dịch đối ứng để đóng một phần vị thế hoặc thanh lý toàn bộ vị thế đứng tên thành viên bù trừ hoặc đề nghị thành viên bù trừ khác thực hiện thay.

b. Trường hợp thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán tự thực hiện giao dịch đối ứng để đóng, thanh lý vị thế đứng tên mình, thành viên bù trừ phải thông báo bằng văn bản theo Mẫu 03/PS-TTBT ban hành kèm theo Quy chế này cho VSDC thông tin chi tiết lệnh giao dịch đối ứng dự kiến đặt để VSDC đề nghị SGDCK Hà Nội khôi phục giao dịch trên tài khoản vi phạm của nhà đầu tư. Thành viên bù trừ hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thực hiện đúng các lệnh giao dịch đối ứng đã thông báo với VSDC và có thể gửi văn bản thông báo cho VSDC bằng hình thức fax hoặc email trước khi gửi văn bản gốc.

c. Trường hợp đề nghị thành viên bù trừ khác thực hiện thay, VSDC sẽ thông báo cho thành viên bù trừ thực hiện thay chi tiết các vị thế đứng tên thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán cần được đóng, thanh lý để đặt các lệnh đối ứng. Sau khi giao dịch thành công, các vị thế đối ứng sẽ được chuyển khoản sang thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán để thực hiện đối trừ. Việc đề nghị thành viên bù trừ khác thực hiện đóng, thanh lý vị thế thay cho thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa VSDC và thành viên bù trừ thực hiện thay.

5. Việc chuyển tài sản ký quỹ và các vị thế mở của khách hàng từ thành viên bù trừ bị mất khả năng thanh toán tới thành viên bù trừ thay thế theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 28 Nghị định 158/2020/NĐ-CP được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 29 Quy chế này.

6. Thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán bị xử lý vi phạm theo quy định và có trách nhiệm hoàn trả VSDC toàn bộ phần tài sản đã sử dụng từ Quỹ bù trừ, Quỹ dự phòng rủi ro nghiệp vụ và các nguồn khác để đảm bảo thanh toán và chịu mọi chi phí phát sinh liên quan (nếu có). Trường hợp thành viên bù trừ không hoàn trả đầy đủ theo thời hạn yêu cầu, VSDC sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại Quy chế thành viên bù trừ tại VSDC.

7. Việc bán tài sản ký quỹ, khoản đóng góp Quỹ bù trừ bằng chứng khoán của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán để hoàn trả các nguồn đã sử dụng, bù đắp các chi phí thiệt hại tài chính phát sinh (nếu có) trong quá trình xử lý mất khả năng thanh toán theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Thông tư 58/2021/TT-BTC do VSDC thực hiện như sau:

a. VSDC thực hiện bán chứng khoán ký quỹ, chứng khoán đóng góp Quỹ bù trừ của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán trên các SGDCK thông qua thành viên giao dịch chỉ định hoặc chuyển quyền sở hữu không qua hệ thống giao dịch của các SGDCK theo mức giá do VSDC quyết định hoặc đấu giá, chào bán cạnh tranh.

b. Việc chuyển khoản thanh toán chứng khoán được thực hiện trực tiếp từ TK CKKQ, tài khoản quản lý chứng khoán đóng góp Quỹ bù trừ đứng tên VSDC. Số tiền thu được từ bán chứng khoán trong trường hợp bán chứng khoán thông qua thành viên giao dịch chỉ định được hạch toán vào tài khoản tiền gửi của VSDC mở tại Ngân hàng thanh toán của thị trường chứng khoán cơ sở. Các trường hợp khác số tiền thu được hạch toán vào tài khoản tiền gửi của VSDC tại ngân hàng thanh toán chứng khoán phái sinh.

c. Số tiền thu được theo quy định tại điểm b khoản này được VSDC sử dụng để thực hiện nghĩa vụ tài chính của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, hoàn trả các khoản tiền đã sử dụng theo quy định tại các điểm c, d khoản 2 Điều này và để bù đắp cho các thiệt hại tài chính khác do thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán gây ra (bao gồm chi phí giao dịch, thanh toán, chuyển khoản và các chi phí khác nếu có). Số dư còn lại (nếu có) được VSDC trả lại cho thành viên bù trừ liên quan vào tài khoản nhận tiền do thành viên bù trừ đã đăng ký với VSDC.

Chương VI

QUẢN LÝ VỊ THẾ

Điều 26. Giới hạn vị thế

1. Mức giới hạn vị thế

VSDC áp dụng giới hạn vị thế cho mỗi tài khoản giao dịch của nhà đầu tư theo loại tài khoản (nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) và theo loại HĐTL. VSDC phối hợp với SGDCK Việt Nam xác định giới hạn vị thế cho từng đối tượng và được UBCKNN chấp thuận. Mức giới hạn vị thế được VSDC công bố trên trang thông tin điện tử của VSDC ít nhất 30 ngày trước khi áp dụng.

2. Nguyên tắc xác định số lượng vị thế mà tài khoản giao dịch đang nắm giữ khi thực hiện quản lý giới hạn vị thế:

a. Đối với tài khoản giao dịch thông thường: là tổng số lượng vị thế của các HĐTL có cùng tài sản cơ sở, cùng hệ số nhân hợp đồng nhưng khác tháng đáo hạn (các vị thế đối ứng của HĐTL có cùng tài sản cơ sở, cùng hệ số nhân hợp đồng và cùng tháng đáo hạn được bù trừ và loại bỏ khi xác định).

b. Đối với tài khoản giao dịch tổng: là tổng số lượng vị thế của các HĐTL có cùng tài sản cơ sở, cùng hệ số nhân hợp đồng nhưng khác tháng đáo hạn, trong đó số lượng vị thế của mỗi tháng đáo hạn của một HĐTL được xác định là số lượng vị thế mua hoặc số lượng vị thế bán của HĐTL đó, tùy theo số lượng vị thế nào cao hơn.

Điều 27. Thiết lập giới hạn vị thế cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp

1. VSDC thiết lập giới hạn vị thế cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đề nghị của thành viên bù trừ đối với khách hàng đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại Điều 11 Luật chứng khoánĐiều 4, Điều 5 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán và có nhu cầu thiết lập giới hạn vị thế theo loại hình tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

2. VSDC thực hiện thiết lập giới hạn vị thế cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thành viên bù trừ (căn cứ vào dấu bưu điện hoặc ngày ký nhận trên sổ công văn tại VSDC).

3. Sau khi hoàn tất việc thiết lập giới hạn vị thế cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trên hệ thống bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, VSDC có trách nhiệm thông tin cho thành viên bù trừ biết để thực hiện.

Điều 28. Xử lý vi phạm giới hạn vị thế

1. VSDC thiết lập các ngưỡng các cảnh báo theo ba (03) cấp độ dưới đây để thực hiện giám sát giới hạn vị thế trên từng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trong phiên giao dịch:

a. Cảnh báo mức độ 1: khi số lượng hợp đồng xác định theo nguyên tắc nêu tại khoản 2 Điều 26 Quy chế này đạt ngưỡng 80% giới hạn vị thế;

b. Cảnh báo mức độ 2: khi số lượng hợp đồng xác định theo nguyên tắc nêu tại khoản 2 Điều 26 Quy chế này đạt ngưỡng 90% giới hạn vị thế;

c. Cảnh báo mức độ 3: khi số lượng hợp đồng xác định theo nguyên tắc nêu tại khoản 2 Điều 26 Quy chế này đạt ngưỡng 100% giới hạn vị thế.

2. Trường hợp tài khoản giao dịch rơi vào ngưỡng cảnh báo mức độ 1 hoặc 2, VSDC sẽ gửi thông tin cảnh báo cho thành viên bù trừ để lưu ý thành viên bù trừ kiểm soát vị thế của nhà đầu tư theo đúng quy định.

3. Trường hợp tài khoản giao dịch rơi vào ngưỡng cảnh báo mức độ 3, VSDC sẽ áp dụng hình thức xử lý như sau:

a. Gửi điện thông báo cho SGDCK Hà Nội đề nghị tạm đình chỉ giao dịch đối với tài khoản vi phạm giới hạn vị thế.

b. Gửi điện thông báo cho thành viên bù trừ yêu cầu giảm vị thế trên tài khoản vi phạm bằng cách đặt giao dịch đối ứng để đóng vị thế trong thời hạn 05 ngày làm việc. Thành viên bù trừ phải thông báo bằng văn bản theo Mẫu 03/PS-TTBT ban hành kèm theo Quy chế này cho VSDC thông tin chi tiết lệnh giao dịch đối ứng dự kiến đặt để VSDC đề nghị SGDCK Hà Nội khôi phục giao dịch trên tài khoản vi phạm của nhà đầu tư. Thành viên bù trừ hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thực hiện đúng các lệnh giao dịch đối ứng đã thông báo với VSDC và có thể gửi văn bản thông báo cho VSDC bằng hình thức fax hoặc email trước khi gửi văn bản gốc.

Quá thời hạn trên mà thành viên bù trừ không khắc phục được vi phạm, VSDC sẽ yêu cầu thành viên bù trừ khác thực hiện đóng vị thế đối với tài khoản vi phạm. VSDC sẽ thông báo cho thành viên bù trừ thực hiện thay chi tiết các vị thế đứng tên thành viên bù trừ vi phạm cần được đóng, thanh lý để đặt các lệnh đối ứng. Sau khi giao dịch thành công, các vị thế đối ứng sẽ được chuyển khoản sang thành viên bù trừ vi phạm để thực hiện đối trừ. Việc đề nghị thành viên bù trừ khác thực hiện đóng, thanh lý vị thế thay cho thành viên bù trừ vi phạm được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa VSDC và thành viên bù trừ thực hiện thay.

4. Sau khi số hợp đồng nắm giữ trên tài khoản được xác định xuống dưới ngưỡng cảnh báo mức độ 3, VSDC sẽ gửi điện thông báo cho thành viên bù trừ và đề nghị SGDCK Hà Nội khôi phục tức thời giao dịch đối với tài khoản vi phạm.

5. Trong thời gian xử lý vượt giới hạn vị thế, thành viên bù trừ vẫn phải đảm bảo nghĩa vụ ký quỹ, thanh toán cho số vị thế đứng tên thành viên bù trừ trên tài khoản vi phạm, kể cả đó là tài khoản của nhà đầu tư.

6. Quy trình trao đổi thông tin giữa VSDC và SGDCK Hà Nội, thành viên bù trừ về việc tạm ngừng và khôi phục tình trạng giao dịch đối với tài khoản vi phạm giới hạn vị thế thực hiện theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Quy chế này.

Điều 29. Chuyển khoản vị thế

1. VSDC thực hiện chuyển khoản vị thế trong các trường hợp sau:

1.1. Chuyển khoản vị thế theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13, khoản 8.2 Điều 21, điểm c khoản 4 Điều 25điểm b khoản 3 Điều 28 Quy chế này.

1.2. Chuyển khoản toàn bộ vị thế, ký quỹ để tất toán tài khoản giao dịch, ký quỹ của nhà đầu tư trong trường hợp:

a. Theo yêu cầu khi thay đổi thành viên bù trừ chung theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư 58/2021/TT-BTC;

b. Thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, bị đình chỉ, hủy bỏ tư cách thành viên để chuyển sang thành viên bù trừ thay thế theo đề nghị của thành viên bù trừ hoặc theo chỉ định của VSDC quy định tại khoản 3 và 5 Điều 28 Nghị định 158/2020/NĐ-CP.

2. Đối với trường hợp chuyển khoản nêu tại khoản 1.1 Điều này, VSDC chỉ thực hiện chuyển khoản vị thế, không thực hiện chuyển khoản ký quỹ.

3. Việc chuyển khoản vị thế nêu tại khoản 1.2 Điều này được thực hiện đồng thời với chuyển khoản toàn bộ tài sản ký quỹ (là tiền và chứng khoán) của nhà đầu tư sang thành viên bù trừ thay thế. Trường hợp các tài khoản khách hàng của thành viên bù trừ đang vi phạm giới hạn vị thế, vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ hoặc mất khả năng thanh toán sẽ không được chuyển khoản vị thế sang thành viên bù trừ thay thế mà phải thực hiện giao dịch đối ứng để đóng vị thế.

3.1. Trường hợp chuyển khoản theo điểm a khoản 1.2 Điều này:

a. Thành viên bù trừ bên chuyển gửi VSDC yêu cầu chuyển khoản theo Mẫu 05/PS-TTBT ban hành kèm theo Quy chế này sau khi thành viên bù trừ bên nhận đã hoàn thành việc mở TK CKKQ cho khách hàng liên quan.

b. Trong thời gian làm thủ tục chuyển khoản vị thế, ký quỹ để tất toán tài khoản giao dịch, ký quỹ của nhà đầu tư, các thành viên bù trừ liên quan phải đảm bảo tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ theo quy định.

3.2. Trường hợp chuyển khoản theo điểm b khoản 1.2 Điều này:

a. Thành viên bù trừ bên chuyển gửi VSDC yêu cầu chuyển khoản theo Mẫu 05/PS-TTBT ban hành kèm theo Quy chế này sau khi thành viên bù trừ bên nhận đã hoàn thành việc mở TK CKKQ cho khách hàng liên quan.

b. Trường hợp chuyển khoản theo chỉ định của VSDC, thành viên bù trừ thay thế có trách nhiệm mở TK CKKQ cho từng nhà đầu tư trong thời hạn yêu cầu trước khi VSDC thực hiện chuyển khoản.

c. Trong thời gian làm thủ tục chuyển khoản vị thế, ký quỹ để tất toán, VSDC không áp dụng cảnh báo tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ trên tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cho đến khi quá trình chuyển khoản được hoàn tất.

4. Quy trình chuyển khoản vị thế thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Quy chế này.

Điều 30. Đóng vị thế trong trường hợp đình chỉ, hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ

Trường hợp thành viên bù trừ bị đình chỉ, hủy bỏ tư cách thành viên theo quy định tại Quy chế thành viên bù trừ tại VSDC có yêu cầu thực hiện giao dịch đối ứng để đóng vị thế, thành viên bù trừ phải thông báo bằng văn bản theo Mẫu 03/PS-TTBT ban hành kèm theo Quy chế này cho VSDC thông tin chi tiết lệnh giao dịch đối ứng dự kiến đặt để VSDC đề nghị SGDCK Hà Nội khôi phục giao dịch cho tài khoản. Thành viên bù trừ hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thực hiện đúng các lệnh giao dịch đối ứng đã thông báo với VSDC và có thể gửi văn bản thông báo cho VSDC bằng hình thức fax hoặc email trước khi gửi văn bản gốc.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 31. Điều khoản thi hành

1. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các bên liên quan liên hệ với VSDC để được hướng dẫn, giải quyết.

2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Hội đồng thành viên VSDC quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận của UBCKNN./.

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 12/QĐ-HĐTV năm 2023 về Quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam

  • Số hiệu: 12/QĐ-HĐTV
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/08/2023
  • Nơi ban hành: Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/08/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản