Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 12/2007/QĐ-UBND

Phủ Lý, ngày 04 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH TẬP TRUNG NÔNG THÔN TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;

Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 141/TTr-SNN ngày 14 tháng 8 năm 2007 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 80/BCTĐ-STP ngày 23 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2006 -2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Xuân Lộc

 

QUY ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH TẬP TRUNG NÔNG THÔN TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 12/2007/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2007của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng, quản lý các dự án công trình cung cấp nước sạch tập trung nông thôn tỉnh Hà Nam.

Điều 3. Nguyên tắc

1. Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia góp vốn đầu tư xây dựng, quản lý vận hành khai thác các công trình nước sạch tập trung nông thôn.

2. Đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, khai thác và sử dụng nước sạch nông thôn chịu sự kiểm soát của Nhà nước; quản lý hỗ trợ đầu tư theo dự án và các quy định hiện hành của pháp luật.

3. Khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Chủ đầu tư các dự án

1. Chủ đầu tư là các doanh nghiệp góp vốn đầu tư xây mới hoặc đầu tư vào dự

án dở dang bằng vốn chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chưa đưa vào sử dụng; sau đó quản lý vận hành, khai thác sử dụng các công trình nước sạch tập trung nông thôn;

2. Địa phương góp vốn đầu tư xây mới, ứng dụng công nghệ đã được triển khai thí điểm có hiệu quả vào các công trình nước sạch nông thôn thì giao cho Uỷ ban nhân dân xã hoặc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư.

Nếu Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường làm chủ đầu tư thì địa phương góp vốn có văn bản cử người tham gia với chủ đầu tư để quản lý dự án và tổ chức tiếp nhận công trình đưa vào khai thác sử dụng;

3. Trong các trường hợp trên cùng một địa bàn có nhiều doanh nghiệp tham gia góp vốn thì thực hiện theo phương thức đấu thầu dự án để lựa chọn doanh nghiệp đầu tư. Doanh nghiệp được trúng thầu sẽ là chủ đầu tư của dự án.

Điều 5. Lập dự án và phê duyệt dự án

1. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập hoặc thuê tư vấn lập dự án theo quy định của pháp luật.

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam là cơ quan quyết định đầu tư và phê duyệt dự án trên cơ sở tham mưu của các ngành chức năng theo quy định hiện hành.

Điều 6. Đấu thầu thực hiện dự án

1. Áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các dự án do doanh nghiệp góp vốn đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, khai thác sử dụng (được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở tuân thủ quy định tại Điều 38 của Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ).

2. Thực hiện theo Luật đấu thầu đối với các dự án do địa phương góp vốn đầu tư và đối với dự án mà chủ đầu tư không đủ điều kiện áp dụng hình thức tự thực hiện.

Điều 7. Mức hỗ trợ và hình thức hỗ trợ

1. Mức hỗ trợ:

a) Dự án xây mới:

- Dự án do doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thực hiện: Nhà nước hỗ trợ 60% tổng dự toán công trình được duyệt, doanh nghiệp hoặc các thành phần kinh tế khác góp vốn 40% tổng dự toán được duyệt;

- Dự án do địa phương thực hiện: Địa phương phải cam kết góp vốn. Mức hỗ trợ 60% tổng dự toán được duyệt; trường hợp đối với những xã khó khăn, cấp có thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ theo Thông tư 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11/7/2007.

b) Các dự án xây dựng dở dang bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chưa đưa vào sử dụng: Quyết toán nguồn vốn đã đầu tư, đánh giá, xác định giá trị còn lại của công trình để bàn giao cho chủ đầu tư mới. Chủ đầu tư mới lập dự án có sự kế thừa tài sản còn lại của công trình đã đầu tư. Mức hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ 60% tổng dự toán công trình mới được phê duyệt.

c) Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cung cấp nước sạch vào các công trình nước sạch tập trung nông thôn. Nhà nước hỗ trợ 60% tổng dự toán công nghệ được duyệt.

2. Hình thức hỗ trợ: Thực hiện hỗ trợ sau đầu tư.

Điều 8. Việc cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư

1. Việc cấp phát vốn hỗ trợ được tiến hành khi có hồ sơ nghiệm thu theo đúng các quy định hiện hành. Căn cứ vào kế hoạch vốn hàng năm và tiến độ thực hiện của dự án có thể tạm ứng vốn cho chủ đầu tư.

2. Thanh toán vốn đầu tư qua Kho bạc Nhà nước tỉnh.

3. Quyết toán vốn đầu tư: Sau khi công trình hoàn thành chủ đầu tư có trách nhiệm trình duyệt quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành theo quy định hiện hành để làm cơ sở quyết toán vốn hỗ trợ và xác định toàn bộ giá trị tài sản giao cho tổ chức, cá nhân quản lý vận hành, khai thác sử dụng.

Điều 9. Quản lý vận hành khai thác công trình

1. Doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác tham gia góp vốn đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung nông thôn có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, khai thác công trình theo quy định:

a) Trong quá trình quản lý vận hành khai thác chịu sự quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

b) Trong quá trình quản lý vận hành được hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng theo quy định của Thông tư 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11/7/2007 (nếu điều kiện ngân sách cho phép).

c) Giá bán nước không vượt quá giá quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

d) Được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp tham gia góp vốn đầu tư xây dựng công trình được quản lý vận hành, khai thác trong thời gian tối thiểu 30 năm kể từ ngày đưa công trình vào sử dụng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Thực hiện việc hỗ trợ đầu tư khi các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn có đầy đủ thủ tục theo đúng quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư đúng quy định, đúng đối tượng, có hiệu quả và huy động kịp thời vốn để thực hiện dự án.

2. Trên cơ sở đề xuất kế hoạch hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối nguồn vốn cho từng dự án. Mức đầu tư cho từng dự án không được vượt và trái với nguyên tắc hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn việc quyết toán, đánh giá, xác định giá trị tài sản còn lại đối với các dự án xây dựng dở dang bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chưa đưa vào sử dụng để bàn giao cho chủ đầu tư mới.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch hàng năm, quản lý và thanh toán phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ theo chế độ cấp phát và thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định hiện hành. Có trách nhiệm hướng dẫn lập dự án và thiết kế các công trình cấp nước sạch nông thôn. Thẩm định thiết kế và dự toán để chủ đầu tư phê duyệt.

5. Các Sở, ngành liên quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và tham gia nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

Quá trình thực hiện quy định này nếu có vướng mắc, các ngành, các cấp cần phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 12/2007/QĐ-UBND về Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2006 -2010

  • Số hiệu: 12/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/09/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Trần Xuân Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/09/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản