Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 12/2005/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU 5 CỦA QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH CÁC ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VÀ DỰ ÁN SẢN XUẤT THỬ NGHIỆM CẤP NHÀ NƯỚC BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 07/2003/QĐ-BKHCN NGÀY 3/4/2003 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 07/2003/QĐ-BKHCN ngày 3/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Quy định về việc xác định các đề tài khoa học và công nghệ và các dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước”;

Theo đề nghị của các Ông Vụ trưởng Vụ khoa học xã hội và tự nhiên, Vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật và Vụ Kế hoạch – Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 của “Quy định về việc xác định các đề tài khoa học và công nghệ và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước” ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BKHCN ngày 3/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ như sau:

“Điều 5. Tiêu chí chung xác định đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước

1. Tiêu chí xác định đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước

a. Tầm quan trọng, quy mô, phạm vi của đề tài:

- Phù hợp với mục tiêu và định hướng ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ trong từng thời kỳ (đề tài thuộc chương trình trọng điểm khoa học và công nghệ cấp Nhà nước phải phù hợp với mục tiêu và định hướng ưu tiên hàng năm và 5 năm của chương trình);

- Có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển các ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên của đất nước;

- Có tính liên ngành cần có sự tham gia của nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau hoặc có tính chuyên sâu.

b. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

- Ý nghĩa khoa học:

+ Có tính mới, sáng tạo về khoa học và công nghệ;

+ Có tác động nâng cao trình độ của ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ.

- Ý nghĩa thực tiễn:

+ Trực tiếp hoặc góp phần giải quyết vấn đề cấp bách của sản xuất, xã hội; đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật;

+ Tạo tiền đề cho việc hình thành những ngành nghề mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững.

c. Yêu cầu đối với sản phẩm khoa học và công nghệ của đề tài

- Giai đoạn nghiên cứu ứng dụng: sản phẩm là các nguyên lý ứng dụng mới; các công nghệ mới, các sản phẩm mới được tạo ra trong điều kiện nghiên cứu thí nghiệm;

- Giai đoạn triển khai thực nghiệm: sản phẩm là các giải pháp mới, công nghệ mới, sản phẩm mẫu, sản phẩm mới được tạo ra ở quy mô thử nghiệm.

d. Tính khả thi

- Phù hợp với năng lực khoa học và công nghệ trong nước về trình độ cán bộ khoa học và công nghệ, trang thiết bị, nhà xưởng và thời gian thực hiện;

- Có khả năng huy động nguồn lực trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu thực hiện đề tài;

- Có địa chỉ sử dụng kết quả nghiên cứu.

2. Tiêu chí xác định dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước

a. Yêu cầu về công nghệ

- Thể hiện sự ổn định và tin cậy của công nghệ; chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật thể hiện có hiệu quả kinh tế; có khả năng thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài; thể hiện đảm bảo chỉ tiêu về an toàn sức khoẻ và môi trường;

- Thể hiện được tính mới, tính tiên tiến so với công nghệ đang có ở Việt Nam;

- Có ảnh hưởng nâng cao trình độ công nghệ của ngành, lĩnh vực sản xuất khi được ứng dụng rộng rãi;

b. Khả năng về thị trường

- Các ngành kinh tế, xã hội có nhu cầu đối với sản phẩm dự án;

- Sản phẩm của dự án có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá cả với sản phẩm cùng loại trên thị trường, thay thế sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài;

- Sản phẩm của dự án có khả năng xuất khẩu.

c. Hiệu quả kinh tế – xã hội

- Sản phẩm của dự án có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước (tạo ngành nghề mới, thêm việc làm và thu nhập cho cộng đồng);

- Sản phẩm của dự án hướng tới sản xuất sạch hơn, không gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người và môi trường sinh thái.

d. Tính khả thi

- Phù hợp với năng lực khoa học và công nghệ trong nước về trình độ cán bộ khoa học và công nghệ, trang thiết bị, nhà xưởng và thời gian thực hiện;

- Có khả năng huy động nguồn lực từ các nguồn khác nhau đáp ứng nhu cầu thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm; có khả năng liên kết với cơ sở sản xuất, tổ chức khoa học và công nghệ để thực hiện dự án;

- Có thị trường tiêu thụ sản phẩm (có phương án liên kết tiêu thụ, chuyển giao, thương mại hoá các sản phẩm của dự án).”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Điều 3. Các Ông Vụ trưởng Vụ khoa học xã hội và tự nhiên, Vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Công báo Chính phủ;
- Lưu VT, Vụ KH-TC.

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Văn Phong

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 12/2005/QĐ-BKHCN sửa đổi Điều 5 Quy định về việc xác định các đề tài khoa học và công nghệ và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước kèm theo Quyết định 07/2003/QĐ-BKHCN do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 12/2005/QĐ-BKHCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/08/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Hoàng Văn Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản