Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 25 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Nghị quyết s 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/05/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị;

Căn cứ Nghị quyết số 871/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Yên Bái;

Căn cứ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị;

Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thphát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 08/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị Quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020; Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012-2020;

Căn cứ Thông tư số 12/2014/TT-BXD ngày 25/8/2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị;

Căn cứ Thông tư số 12/2017/TT-BXD ngày 30/11/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí liên quan đến đầu tư phát triển đô thị;

Căn cứ Quyết định số 2598/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Yên Bái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 31/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đcương nhiệm vụ và kinh phí lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030;

Căn cứ Văn bản số 83/BXD-PTĐT ngày 16/9/2019 của Bộ Xây dựng về Đề án Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 3540/TTr-SXD ngày 30/12/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030, với nội dung như sau:

1. Phạm vi lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái

1.1. Phạm vi không gian: Chương trình phát triển đô thị được lập gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Yên Bái, tổng diện tích tự nhiên 6.887,67 km2, bao gồm: Thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và 07 huyện gồm: huyện Lục Yên, huyện Yên Bình, huyện Trấn Yên, huyện Văn Yên, huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải. Quy mô dân số toàn tỉnh Yên Bái năm 2019 khoảng 823.034 người.

1.2. Phạm vi thời gian: Giai đoạn đầu đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

1.3. Đối tượng nghiên cứu:

- Mạng lưới đô thị: Gồm các thành phố, thị xã, thị trấn và các khu vực dự kiến hình thành đô thị mới.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng diện rộng: Gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công trình đầu mối kết nối các đô thị (hệ thống giao thông, các công trình đầu mối về cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, nghĩa trang, khu xử lý chất thải rắn, viễn thông...) và hệ thống hạ tầng xã hội diện rộng cấp vùng tỉnh trở lên (phục vụ toàn tỉnh hoặc vùng liên huyện).

2. Quan điểm và mục tiêu phát triển đô thị tỉnh Yên Bái

2.1. Quan điểm:

- Đặt hệ thống đô thị tỉnh Yên Bái trong bối cảnh phát triển của hệ thống đô thị vùng Trung du và miền núi phía Bắc và của hệ thống đô thị Quốc gia.

- Xây dựng tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược, tích hợp đa ngành đảm bảo phát triển toàn diện và cân bằng.

- Phát triển đô thị đảm bảo phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Yên Bái, Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bố dân cư giữa các khu vực đô thị và nông thôn; việc sử dụng đất nông nghiệp cho phát triển đô thị phải đảm bảo tính bền vững, yêu cầu an ninh lương thực.

- Phát triển đô thị đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, kiểm soát chất lượng môi trường, hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới. Xây dựng đô thị có điều kiện sống tốt, tăng cường sức cạnh tranh đô thị.

2.2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Yên Bái phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; có sắc thái kiến trúc đô thị riêng và môi trường, chất lượng sống tốt; có vị thế và tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.

- Xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030, định hướng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, xã hội của vùng; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực theo hướng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

- Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển đô thị đảm bảo nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững và giữ gìn những giá trị tinh hoa, bản sắc lịch sử, văn hóa của mỗi đô thị.

- Xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển tập trung với mục đích cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị Quốc gia và các quy hoạch, kế hoạch được duyệt khác nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực phát triển đô thị.

- Làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền căn cứ các tiêu chí phân loại đô thị được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, qua đó xác định các dự án đầu tư cần tập trung xây dựng trong quá trình phát triển đô thị.

- Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển đô thị đảm bảo nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững và giữ gìn những giá trị tinh hoa, bản sắc văn hóa của mỗi đô thị.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển, nâng loại đô thị tỉnh Yên Bái hàng năm đến 2025 và từng giai đoạn 5 năm tiếp theo, phù hợp và cụ thể hóa các quy hoạch liên quan, đảm bảo phát triển của đô thị đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân loại đô thị và gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh quy định tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị, hướng tới phấn đấu xây dựng và phát triển đô thị theo Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị đã được định hướng trong Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Yên Bái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3. Các chỉ tiêu chính về phát triển đô thị tỉnh Yên Bái

3.1. Về hệ thống đô thị:

- Năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa đạt trung bình 20,19%, toàn tỉnh có 12 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại III (thành phố Yên Bái); 01 đô thị loại IV (thị xã Nghĩa Lộ) và 10 đô thị loại V với 7 thị trấn huyện lỵ (Yên Thế, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Cổ Phúc, Sơn Thịnh, Mậu A, Yên Bình); 03 thị trấn trực thuộc huyện (Nông trường Trần Phú; Nông trường Liên Sơn; Thác Bà).

- Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trung bình 26-28%, toàn tỉnh có 22 đô thị, cụ thể như sau:

01 đô thị loại II là thành phố Yên Bái.

01 đô thị loại III là thị xã Nghĩa Lộ.

03 đô thị loại IV là thị trấn Cổ Phúc, thị trấn Yên Bình, thị trấn Mậu A.

17 đô thị loại V, bao gồm: 07 đô thị hiện hữu: Thị trấn Yên Thế, thị trấn Mù Cang Chải, thị trấn Trạm Tấu, thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Trần Phú và thị trấn Thác Bà; 10 đô thị phát triển mới, bao gồm: đô thị Hưng Khánh, đô thị An Thịnh, đô thị Khánh Hòa, đô thị Cảm Ân, đô thị Tú Lệ, đô thị Cát Thịnh, đô thị Báo Đáp, đô thị Cảm Nhân, đô thị An Bình (Trái Hút), đô thị Tân Thịnh.

- Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trung bình 28-30%, toàn tỉnh có 26 đô thị, cụ thể như sau:

01 đô thị loại II là thành phố Yên Bái.

01 đô thị loại III là thị xã Nghĩa Lộ.

04 đô thị loại IV là thị trấn Cổ Phúc, thị trấn Yên Bình, thị trấn Mậu A, thị trấn Yên Thế.

20 đô thị loại V, bao gồm: 06 đô thị hiện hữu là thị trấn Mù Cang Chải, thị trấn Trạm Tấu, thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Trần Phú và thị trấn Thác Bà; 14 đô thị phát triển mới, bao gồm: đô thị Hưng Khánh, đô thị An Thịnh, đô thị Khánh Hòa, đô thị Cảm Ân, đô thị Tú Lệ, đô thị Cát Thịnh, đô thị Báo Đáp, đô thị Cảm Nhân, đô thị Tân Thịnh, đô thị An Bình (Trái Hút), đô thị Gia Hội, đô thị Vân Hội, đô thị Xuân Ái, đô thị Púng Luông.

3.2. Về chất lượng đô thị:

- Diện tích sàn nhà ở bình quân: Đối với đô thị loại II đạt 29 m2/người; đô thị từ loại loại III đến loại V đạt từ đạt 23 m2/người trở lên; tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 75% trở lên.

- Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị: Đối với đô thị loại II đạt 20-25%; đô thị từ loại loại III đến loại V đạt từ 20% trở lên; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt trung bình các đô thị đạt khoảng 15%.

- Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch và tiêu chuẩn cấp nước tại các đô thị loại II đến loại IV đạt 90-100% và 120 lít/người/ngày đêm; đô thị loại V đạt 70% và 90 lít/người/ngày đêm.

- Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 80-90% diện tích lưu vực thoát nước trong khu vực nội thị của các đô thị; tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đạt khoảng 60%; 100% các cơ sở sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%.

- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt của đô thị, khu công nghiệp được thu gom và xử lý đạt 90%; chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 100%.

- Tỷ lệ các tuyến đường chính được chiếu sáng tại các đô thị đạt 90%; tỷ lệ chiếu sáng ngõ hẻm đạt 75%.

- Đất cây xanh tại các đô thị đạt 12m2/người với đô thị loại II; 15m2/người với đô thị loại III, IV; 6m2/người với đô thị loại V. Đất xây xanh công cộng khu vực nội thị đạt 4-6 m2/người.

3.3. Danh mục, lộ trình và kế hoạch nâng loại đô thị tỉnh Yên Bái:

a) Năm 2020:

- Hoàn thành phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Yên Bái, khắc phục tiêu chí chưa đạt của đô thị loại II và khắc phục các tiêu chí chưa đạt của đô thị loại III đối với thị xã Nghĩa Lộ.

b) Giai đoạn 2021-2025:

- Lập đề án nâng cấp thành phố Yên Bái là đô thị loại II; thị xã Nghĩa Lộ là đô thị loại III; thị trấn Mậu A, thị trấn Cổ Phúc và thị trấn Yên Bình là đô thị loại IV.

- Lập điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Mậu A, thị trấn Yên Thế.

- Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Mù Cang Chải, đáp ứng tiêu chí về quy mô dân số, hướng đến việc khắc phục các tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị loại V.

- Đối với các đô thị mới: Lập đồ án quy hoạch xây dựng và đề án công nhận 10 đô thị mới, bao gồm: Hưng Khánh, Báo Đáp, huyện Trấn Yên; An Thịnh, An Bình (Trái Hút) huyện Văn Yên; Khánh Hòa, huyện Lục Yên; Cảm Ân, Cảm Nhân, huyện Yên Bình và Tân Thịnh, Tú Lệ, Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đạt tiêu chí đô thị loại V.

c) Giai đoạn 2026-2030:

- Tiếp tục khắc phục và hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối đa của đô thị loại II đối với thành phố Yên Bái và tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị loại III đối với thị xã Nghĩa Lộ.

- Lập đề án công nhận thị trấn Yên Thế là đô thị loại IV.

- Lập đồ án quy hoạch xây dựng và đề án công nhận 04 đô thị mới, bao gồm: Gia Hội, huyện Văn Chấn; Vân Hội, huyện Trấn Yên; Xuân Ái, huyện Văn Yên; Púng Luông, huyện Mù Cang Chải đạt tiêu chí đô thị loại V.

d) Lộ trình nâng loại đô thị theo từng giai đoạn: Như phụ lục kèm theo.

4. Chương trình ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025

4.1. Nhóm chương trình phát triển hạ tầng khung và công trình đầu mối kết nối hệ thống đô thị:

- Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật diện rộng (hạ tầng khung và đầu mối kỹ thuật kết nối đô thị).

- Chương trình phát triển hạ tầng xã hội cấp vùng tỉnh.

4.2. Nhóm chương trình phát triển mạng lưới đô thị:

- Chương trình phát triển các đô thị trung tâm vùng kinh tế động lực.

- Chương trình phát triển các đô thị gắn với các khu chức năng đặc thù (ngoài các đô thị trung tâm vùng kinh tế động lực).

- Chương trình phát triển các đô thị nhỏ gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái.

4.3. Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật diện rộng:

a) Hạ tầng giao thông:

- Giao thông đường bộ: Hoàn thiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 32, Quốc lộ 37, Quốc lộ 70, Quốc lộ 32C, Quốc lộ 2D.

- Tăng cường khả năng kết nối an toàn và nhanh chóng giữa các đô thị trong tỉnh. Ưu tiên đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường kết nối các vùng trong tỉnh, các tỉnh trong khu vực với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai như: đường nối Quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với đường tỉnh 174, huyện Trạm Tấu; đường Trạm Tấu - Bắc Yên; đường nối thị xã Nghĩa Lộ với nút giao IC14 cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15)...

- Giao thông đường thủy: Cải tạo, nâng cấp luồng tuyến đoạn đường thủy trên sông Hồng đoạn từ Việt Trì - Yên Bái (dài 125km) đạt cấp III; cải tạo, nâng cấp đoạn từ Yên Bái đến Ngã ba Nậm Thi, Lào Cai (dài 166Km) đạt cấp IV. Xây dựng cảng Văn Phú và cảng Âu Lâu. Đường thủy Hồ Thác Bà; xây dựng cảng Hương Lý, cảng Mông Sơn, một số cảng khác và cảng hành khách trên hồ Thác Bà.

b) Hạ tầng cấp điện:

Cấp điện, chiếu sáng: Xây dựng mới trạm biến áp 220kV và 158 km đường dây 220kV; Xây dựng mới 4 trạm biến áp và nâng công suất 2 trạm 110kV; Xây dựng mới thêm 200km đường dây 110kV, đường dây 35kV và 22kV. Đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống chiếu sáng tuyến chính và tuyến ngõ hẻm tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Đầu tư hệ thống chiếu sáng tuyến chính và tuyến ngõ hẻm các thị trấn: Yên Thế; Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Cổ Phúc, Mậu A, Sơn Thịnh, Yên Bình, Thác Bà và các đô thị mới thành lập: Khánh Hòa, Hưng Khánh, Gia Hội, Trái Hút.

c) Hạ tầng cấp nước:

Đầu tư xây dựng mới, cải tạo hệ thống đường ống cấp nước; nâng công suất các nhà máy nước tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Nâng công suất các nhà máy nước tại các thị trấn: Mậu A, Yên Bình, Cổ Phúc và Yên Thế. Cải tạo và xây dựng mới hệ thống cấp nước tại các thị trấn: Mù Cang Chải; Trạm Tấu; Sơn Thịnh, Thác Bà và các đô thị dự kiến thành lập, bao gồm: Đô thị Khánh Hòa, Hưng Khánh, Gia Hội, Trái Hút.

d) Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn:

- Tiếp tục thực hiện dự án thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải các thị trấn: Yên Thế, Cổ Phúc, Mậu A, Yên Bình.

- Đầu tư xây dựng và cải tạo các bãi rác hiện hữu đang gây ô nhiễm môi trường tại các thị trấn: Mậu A, Yên Bình, Cổ Phúc, Yên Thế, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Thác Bà và Sơn Thịnh. Lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho Bệnh viện đa khoa huyện Lục Yên và 10 phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Xây dựng kế hoạch thu gom, xử lý chất thải rắn các đô thị dự kiến thành lập bao gồm: Khánh Hòa, Hưng Khánh, Gia Hội, Trái Hút.

đ) Chương trình phát triển hạ tầng xã hội cấp vùng tỉnh:

- Xây dựng hệ thống y tế theo các vùng kinh tế: Nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh trở thành trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao của khu vực Tây Bắc. Nâng cấp mở rộng bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ lên 350 giường; nâng cấp bệnh viện sản nhi lên 300 giường; cải tạo, nâng cấp trung tâm y tế các huyện Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn nhằm nâng cao dịch vụ y tế, giảm tải cho hệ thống y tế hiện hữu.

- Xây dựng các trung tâm văn hóa, thể dục thể thao cấp vùng tỉnh và cấp đô thị (xây dựng Trung tâm văn hóa, nghệ thuật, thể thao vui chơi giải trí; xây dựng Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện; Nhà văn hóa tỉnh (Trung tâm văn hóa tỉnh Yên Bái); xây dựng Trung tâm tổ chức sự kiện; xây dựng mới, nâng cấp các công trình thể thao như: Xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh; xây dựng các thư viện tổng hợp, rạp chiếu bóng, nhà tập luyện, thi đấu thể thao đa năng tại các huyện; nâng cấp Nhà tập luyện, thi đấu thể thao đa năng đã có ở thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa tiêu biểu.

- Phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, dịch vụ: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tạo động lực thúc đẩy giao thương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng (Trung tâm thương mại dịch vụ và khách sạn Hoa Sen; Trung tâm thương mại Vingroup, thành phố Yên Bái; cụm thương mại, dịch vụ tổng hợp Nghĩa Lộ) và các dự án xây dựng trung tâm thương mại, Trung tâm triển lãm hội chợ tỉnh, siêu thị, chợ đầu mối với quy mô phù hợp tại các đô thị.

- Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các Khu công nghiệp (phía Nam tỉnh Yên Bái, Minh Quân, Âu Lâu), các Cụm công nghiệp (Âu Lâu; Minh Quân, Bảo Hưng; Hưng Khánh; Báo Đáp; Đông An; Bắc Văn Yên: Thịnh Hưng; Yên Thế...) và đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư lấp đầy diện tích đất cho thuê.

- Phát triển du lịch dựa trên các tiềm năng, lợi thế, đặc trưng vùng miền: Khu du lịch tâm linh quần thể di tích Hắc Y Đại Cại; khu du lịch sinh thái Suối Giàng, các điểm du lịch suối khoáng nóng bản Bon, bản Hốc, du lịch rừng nguyên sinh Chế Tạo, khu du lịch đèo Khau Phạ, Khu du lịch ruộng bậc thang Mù Cang Chải; phát triển hình thức du lịch cộng đồng, khai thác giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc (Thái, Mông, Mường...) trong vùng.

5. Nhu cầu vốn đầu tư, nguồn vốn

5.1. Nhu cầu vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2030 là 52.982 tỷ đồng.

Trong đó:

- Dự án cấp vùng, quốc gia: Tổng vốn đầu tư là 14.193 tỷ đồng.

- Dự án cấp tỉnh (quy hoạch, đề án, chương trình phát triển đô thị; hạ tầng xã hội; hạ tầng kinh tế; hạ tầng kỹ thuật): Tổng vốn đầu tư là 38.789 tỷ đồng.

5.2. Nguồn vốn:

- Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước là 11.591 tỷ đồng, bằng 21,90% tổng vốn đầu tư.

- Vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước là 36.436 tỷ đồng, bằng 58,75% tổng vốn đầu tư.

- Nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn vay ODA là 4.955 tỷ đồng, bằng 9,35% tổng vốn đầu tư.

6. Giải pháp thực hiện chương trình phát triển đô thị

6.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư:

a) Về huy động vốn ngân sách nhà nước:

- Tranh thủ khai thác tối đa nguồn vốn của Trung ương và tỉnh theo các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình quốc gia giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chương trình phát triển nông thôn, nông nghiệp và các chương trình về văn hóa, xã hội khác.

- Tiếp tục tạo thêm nguồn vốn từ quỹ đất, thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất để thu hút các nguồn vốn vào xây dựng kết cấu hạ tầng, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu du lịch, trụ sở cơ quan,... Sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ.

- Huy động nguồn vốn ODA đầu tư cơ sở hạ tầng theo dự án được duyệt; xây dựng cấu trúc hạ tầng kỹ thuật tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư. Xác định danh mục dự án cần sử dụng nguồn vốn này theo thứ tự ưu tiên để bố trí kế hoạch trung hạn, dài hạn.

b) Về huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước:

- Thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng trong lĩnh vực đầu tư và có các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp và người dân bỏ vốn đầu tư xây dựng, mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Có chính sách khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã vay vốn thực hiện sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tránh những phiền hà trong thủ tục cho vay, thời gian cho vay vốn cần phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh.

- Vận dụng các cơ chế, chính sách, cải tiến các thủ tục đầu tư đảm bảo thông thoáng khuyến khích các nhà đầu tư vào khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các đầu mối tiếp xúc, xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trực tiếp từ bên ngoài tỉnh, khuyến khích các dự án đang hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất.

6.2. Giải pháp phân bnguồn lực phát triển đô thị:

- Đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (kể cả nguồn vốn ODA), nguồn tín dụng đầu tư ưu đãi của Trung ương, nguồn vượt thu, tăng thu từ kinh tế địa phương: Ưu tiên cho đầu tư phát triển trong đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, các hạ tầng khung trong các đô thị, các công trình đầu mối trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường đô thị.

- Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách: Ưu tiên cho phát triển các dịch vụ công trong đô thị như thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường, chiếu sáng; phát triển các khu vực mở rộng, tái thiết đô thị, các khu đô thị có chức năng chuyên biệt.

- Ưu tiên tập trung nguồn lực cho các dự án đầu tư phát triển đô thị và trung tâm vùng kinh tế động lực làm khâu đột phá, có sức lan tỏa lớn tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, kích thích phát triển đô thị từng vùng.

- Nâng cao trình độ học vấn, trình độ dân trí và mở rộng đào tạo nghề cho người lao động. Tăng cường đào tạo cán bộ quản lý trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý xây dựng.

- Kết hợp, lồng ghép Chương trình phát triển đô thị với các mục tiêu, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương.

- Đầu tư vào các hạ tầng thiết yếu có tác dụng thu hút các nguồn lực xã hội vào phát triển đô thị, coi xã hội hóa là giải pháp chủ yếu để phát triển đô thị.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

- Hướng dẫn các địa phương lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển từng đô thị.

- Đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Chương trình; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ và đề xuất điều chỉnh Chương trình phù hợp với tùng giai đoạn.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ lập Đề án thành lập Ban quản lý các khu vực phát triển đô thị, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

- Tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện và tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình, rút kinh nghiệm xây dựng Chương trình.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Cân đối ngân sách hàng năm đảm bảo chi phí chung của các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện Chương trình phát triển đô thị và vận động thu hút nguồn vốn ODA cho các hoạt động thuộc Chương trình; tổ chức xúc tiến đầu tư phát triển đô thị từ các nguồn vốn hợp pháp trong nước và quốc tế.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển đô thị.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng bố trí nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ Chương trình phát triển đô thị của các sở, ban, ngành, địa phương.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát đánh giá hiệu quả sử dụng đất tại khu vực đô thị hiện hữu và các khu vực dự kiến phát triển đô thị; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm đảm bảo quỹ đất phát triển đô thị trình cấp thẩm quyền quyết định.

- Thực hiện việc thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, xử lý và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đấy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án phát triển và nâng cấp đô thị.

- Giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến việc giới thiệu địa điểm, thu hồi đất, giao đất để thực hiện các dự án nâng cấp và phát triển đô thị.

5. Sở Giao thông vận tải:

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các địa phương liên quan quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông toàn tỉnh (bao gồm quốc lộ, tỉnh lộ) gắn kết với hệ thống đô thị trung tâm và các trục giao thông chính đô thị theo quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị được duyệt.

6. Sở Nội vụ:

- Phối hợp với Sở Xây dựng lập Đề án thành lập Ban quản lý các khu vực phát triển đô thị; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập Đề án điều chỉnh, mở rộng địa giới hoặc thành lập mới đô thị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Chính phủ quyết định.

7. Các sở, ban, ngành liên quan:

- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách có liên quan đến quản lý phát triển đô thị.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực của từng sở, ban, ngành quản lý; đồng thời tham gia huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chủ động tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng phát triển các đô thị; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong đô thị thuộc địa phương quản lý.

- Tổ chức chỉ đạo lập, triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị liên quan đến địa bàn mình quản lý có hiệu quả và đúng kế hoạch. Sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn vốn (đặc biệt là vốn ngân sách tỉnh phân bổ) phục vụ các dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.

- Đối với các đô thị chưa đủ điều kiện nâng loại: Tổ chức huy động, kêu gọi đầu tư khắc phục các tiêu chuẩn còn yếu của đô thị trên địa bàn huyện nhằm thực hiện đúng lộ trình do Chương trình phát triển đô thị đề ra.

- Tổ chức lập Đề án công nhận loại đô thị, đề án mở rộng địa giới hành chính hoặc thành lập đô thị mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng;
- TT. Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phó VP.UBND tỉnh (TH);
- Lưu: VT, TH, XD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Huy Tuấn

 

PHỤ LỤC

LỘ TRÌNH NÂNG LOẠI ĐÔ THỊ THEO TỪNG GIAI ĐOẠN
(Kèm theo Quyết định số 116/QĐ-UBND ngày 25/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

Stt

Cấp hành chính

Tên đô thị

Hiện trạng 2019

Cấp đô thị (giai đoạn)

Năm 2020

2021-2025

2026-2030

1

Thành phố Yên Bái

Thành phố Yên Bái

III

III

II

II

2

Thị xã Nghĩa Lộ

Thị xã Nghĩa Lộ

IV

IV

III

III

3

Huyện Lục Yên

 

 

 

 

 

3.1

 

TT. Yên Thế

V

V

V

IV

3.2

 

Đô thị Khánh Hòa

 

 

V

V

4

Huyện Mù Cang Chải

 

 

 

 

 

4.1

 

TT. Mù Cang Chải

V

V

V

V

4.2

 

Đô thị Púng Luông (Ngã Ba Kim)

 

 

 

V

5

Huyện Trạm Tấu

 

 

 

 

 

5.1

 

TT. Trạm Tấu

V

V

V

V

6

Huyện Trấn Yên

 

 

 

 

 

6.1

 

TT. Cổ Phúc

V

V

IV

IV

6.2

 

Đô thị Báo Đáp

 

 

V

V

6.3

 

Đô thị Hưng Khánh

 

 

V

V

6.4

 

Đô thị Vân Hội

 

 

 

V

7

Huyện Văn Chấn

 

 

 

 

 

7.1

 

TT. Sơn Thịnh

V

V

V

V

7.2

 

TTNT Trần Phú

V

V

V

V

7.3

 

TTNT Liên Sơn

V

V

V

V

7.4

 

Đô thị Gia Hội

 

 

 

V

7.5

 

Đô thị Cát Thịnh

 

 

V

V

7.6

 

Đô thị Tú Lệ

 

 

V

V

7.7

 

Đô thị Tân Thịnh (Mỵ)

 

 

V

V

8

Huyện Văn Yên

 

 

 

 

 

8.1

 

TT. Mậu A

 

V

IV

IV

8.2

 

Đô thị An Thịnh

 

 

V

V

8.3

 

Đô thị An Bình (Trái Hút)

 

 

V

V

8.4

 

Đô thị Xuân Ái

 

 

 

V

9

Huyện Yên Bình

 

 

 

 

 

9.1

 

TT. Yên Bình

V

V

IV

IV

9.2

 

TT. Thác Bà

V

V

V

V

9.3

 

Đô thị Cảm Nhân

 

 

V

V

9.4

 

Đô thị Cảm Ân

 

 

V

V

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 116/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030

  • Số hiệu: 116/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Trần Huy Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản