Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 115/2007/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2007 |
BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN PHÓNG XẠ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ ngày 25 tháng 6 năm 1996;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KG (5b). |
THỦ TƯỚNG |
BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN PHÓNG XẠ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 115/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Quy chế này quy định trách nhiệm bảo đảm an ninh đối với nguồn phóng xạ kín có hoạt độ trên mức miễn trừ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
2. Việc bảo đảm an ninh đối với vật liệu hạt nhân, do tính đặc thù được quy định tại văn bản khác.
Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến nguồn phóng xạ được quy định tại khoản 1 Điều 1 của Quy chế này.
Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ” là việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn hành động tiếp cận bất hợp pháp, đánh cắp, chiếm đoạt, phá hoại và chuyển giao trái phép nguồn phóng xạ; bảo mật thông tin liên quan đến an ninh nguồn phóng xạ.
2. “Nguồn phóng xạ kín” (sau đây gọi tắt là nguồn phóng xạ) là nguồn phóng xạ mà chất phóng xạ được chế tạo dưới dạng một khối rắn hoặc chất phóng xạ được bao kín bằng lớp vỏ bọc có cấu trúc đặc biệt bảo đảm không cho chất phóng xạ thoát ra môi trường trong điều kiện bình thường.
3. “Khoá an ninh” là loại khoá được thiết kế với độ tin cậy cao đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.
4. “Khu vực kiểm soát an ninh” là vùng xung quanh nơi đặt nguồn phóng xạ, được kiểm tra nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn người không có nhiệm vụ đi vào đó.
5. “Kiểm đếm” là việc kiểm tra xác nhận sự tồn tại của nguồn phóng xạ tại nơi đặt nguồn bằng việc sử dụng thiết bị đo bức xạ thích hợp hoặc bằng mắt thường.
6. “Kiểm kê” là việc kiểm đếm được thực hiện đồng thời với việc xác nhận các thông tin liên quan đến nguồn phóng xạ so với hồ sơ cấp phép (số lượng, tình trạng nguồn phóng xạ, số xêri nguồn phóng xạ hoặc thiết bị chứa nguồn).
Điều 4. Nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ
1. Tổ chức, cá nhân được cấp phép thực hiện các hoạt động liên quan đến nguồn phóng xạ phải chịu trách nhiệm cao nhất về việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.
2. Các yêu cầu và biện pháp bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ phải phù hợp với mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ.
Điều 5. Phân nhóm nguồn phóng xạ theo yêu cầu bảo đảm an ninh
1. Căn cứ vào yêu cầu bảo đảm an ninh, các nguồn phóng xạ được chia thành 4 nhóm: A, B, C, D theo mức độ nguy hiểm giảm dần.
2. Việc phân nhóm nguồn phóng xạ theo yêu cầu bảo đảm an ninh do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.
Điều 6. Yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ
1. Đối với nguồn phóng xạ thuộc nhóm A:
a) Ngăn chặn có hiệu quả việc tiếp cận trái phép đến nguồn phóng xạ;
b) Phát hiện và có biện pháp ứng phó, ngăn chặn kịp thời những hành vi tiếp cận trái phép đến nguồn phóng xạ;
c) Kiểm đếm nguồn phóng xạ hàng ngày.
2. Đối với nguồn phóng xạ thuộc nhóm B:
a) Ngăn ngừa có hiệu quả việc tiếp cận trái phép đến nguồn phóng xạ;
b) Phát hiện kịp thời những hành vi tiếp cận trái phép đến nguồn phóng xạ;
c) Kiểm đếm nguồn phóng xạ hàng tuần.
3. Đối với nguồn phóng xạ thuộc nhóm C:
a) Ngăn ngừa có hiệu quả việc tiếp cận trái phép đến nguồn phóng xạ;
b) Kiểm đếm nguồn phóng xạ 6 tháng một lần.
4. Đối với nguồn phóng xạ thuộc nhóm D: thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn phóng xạ và xác nhận sự tồn tại, tình trạng bình thường của nguồn phóng xạ 1 năm một lần.
TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM AN NINH CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SỬ DỤNG, LƯU GIỮ, VẬN CHUYỂN NGUỒN PHÓNG XẠ
Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn phóng xạ thuộc nhóm A
1. Thiết lập khu vực kiểm soát an ninh và xây dựng, thực hiện nội quy kiểm soát người ra vào khu vực này nhằm phát hiện kịp thời việc ra vào trái phép.
2. Lắp đặt tại các lối ra vào phòng đặt nguồn phóng xạ hệ thống phát hiện, báo động sự tiếp cận trái phép phòng đặt nguồn phóng xạ.
3. Lắp khoá an ninh cho các cửa ra vào phòng đặt nguồn phóng xạ.
4. Xây dựng nội quy quản lý chìa khoá ra vào phòng đặt nguồn phóng xạ.
5. Đặt camera quan sát hoặc bố trí người giám sát khu vực kiểm soát an ninh.
6. Lập hồ sơ quản lý nguồn phóng xạ, trong đó cần nêu rõ địa điểm đặt nguồn phóng xạ; tên đồng vị phóng xạ; hoạt độ phóng xạ và thời điểm xác định hoạt độ phóng xạ của nguồn; kiểu loại nguồn phóng xạ, số xêri; dấu hiệu nhận biết và ảnh chụp nguồn phóng xạ; nhật ký sử dụng nguồn phóng xạ.
7. Kiểm đếm nguồn phóng xạ hàng ngày.
8. Kiểm kê nguồn phóng xạ định kỳ 6 tháng một lần vào tháng 5 và tháng 11 hàng năm, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và Sở Khoa học và Công nghệ địa phương để tổng hợp báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ.
9. Xây dựng và thực hiện nội quy về bảo mật thông tin liên quan đến an ninh nguồn phóng xạ.
10. Tổ chức lực lượng bảo vệ để ứng phó, ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép đến nguồn phóng xạ.
11. Bố trí nhân viên tin cậy bảo vệ nguồn phóng xạ và ra vào, làm việc tại khu vực đặt nguồn phóng xạ.
Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc nhóm A
1. Thực hiện các biện pháp quy định tại các khoản 1, 3, 4, 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 7 của Quy chế này.
2. Sử dụng kho riêng biệt để lưu giữ nguồn phóng xạ.
3. Cất giữ nguồn phóng xạ trong thiết bị chứa nguồn hoặc bình bảo vệ có khoá, được gắn cố định xuống nền nhà hoặc vào tường nhằm hạn chế khả năng di chuyển nguồn phóng xạ.
Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vận chuyển nguồn phóng xạ thuộc nhóm A
1. Sử dụng phương tiện vận chuyển riêng biệt và thùng để chứa kiện hàng vận chuyển có khoá và niêm phong.
2. Cử người có năng lực chuyên môn về an toàn bức xạ, bảo đảm tin cậy giám sát trong quá trình vận chuyển nguồn phóng xạ.
3. Bảo đảm các điều kiện thông tin, liên lạc kịp thời giữa người tham gia vận chuyển với tổ chức vận chuyển và cơ quan công an trong trường hợp khẩn cấp.
4. Xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong quá trình vận chuyển phù hợp với các yêu cầu liên quan đến an ninh nguồn phóng xạ.
Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn phóng xạ thuộc nhóm B
1. Trường hợp nguồn phóng xạ đặt cố định:
a) Thực hiện các biện pháp quy định tại các khoản 1, 6 và 8 Điều 7 của Quy chế này;
b) Lập rào chắn xung quanh khu vực kiểm soát an ninh;
c) Làm lồng bằng kim loại bảo vệ hộp chứa nguồn phóng xạ;
d) Kiểm đếm nguồn phóng xạ hàng tuần.
2. Trường hợp nguồn phóng xạ sử dụng di động:
a) Thực hiện biện pháp quy định tại khoản 8 Điều 7 của Quy chế này;
b) Lập hồ sơ quản lý nguồn phóng xạ, trong đó cần nêu rõ tên đồng vị phóng xạ; hoạt độ phóng xạ và thời điểm xác định hoạt độ phóng xạ của nguồn; kiểu loại nguồn phóng xạ, số xêri; dấu hiệu nhận biết và ảnh chụp nguồn phóng xạ; nhật ký sử dụng nguồn phóng xạ;
c) Lập rào chắn và bố trí người giám sát liên tục khu vực kiểm soát an ninh trong quá trình tiến hành công việc;
d) Kiểm đếm nguồn phóng xạ sau mỗi ca làm việc và định kỳ hàng tuần;
đ) Xây dựng kho bảo đảm an toàn và an ninh tại công trường để cất giữ nguồn phóng xạ trong thời gian không sử dụng.
3. Trường hợp nguồn phóng xạ sử dụng trong xạ trị áp sát:
a) Thực hiện biện pháp quy định tại các khoản 1, 6, 8 Điều 7 và điểm d khoản 2 Điều 10 của Quy chế này;
b) Xây dựng kho bảo đảm an toàn và an ninh để cất giữ nguồn phóng xạ khi không sử dụng.
Điều 11. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc nhóm B
1. Thực hiện biện pháp quy định tại các khoản 1, 6, 8 Điều 7 và điểm d khoản 1 Điều 10 của Quy chế này.
2. Sử dụng kho riêng biệt để lưu giữ nguồn phóng xạ.
3. Lắp khóa an ninh cho các cửa ra vào kho lưu giữ nguồn phóng xạ.
4. Cất giữ nguồn phóng xạ trong thiết bị chứa nguồn hoặc bình bảo vệ có khoá, được gắn cố định xuống nền nhà hoặc vào tường nhằm hạn chế khả năng di chuyển.
Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vận chuyển nguồn phóng xạ thuộc nhóm B
Tổ chức, cá nhân vận chuyển nguồn phóng xạ thuộc nhóm B phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh theo quy định tại Điều 9 của Quy chế này.
Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ và vận chuyển nguồn phóng xạ thuộc nhóm C
1. Đối với việc sử dụng nguồn phóng xạ:
a) Thực hiện biện pháp quy định tại các khoản 6 và 8 Điều 7 của Quy chế này;
b) Sử dụng nguồn phóng xạ trong khu vực bảo đảm phát hiện được các hành vi tiếp cận đến nguồn;
c) Xây dựng và thực hiện quy trình quản lý nguồn phóng xạ khi tháo nguồn ra khỏi vị trí làm việc để bảo dưỡng, sửa chữa.
2. Đối với việc lưu giữ nguồn phóng xạ:
a) Thực hiện biện pháp quy định tại các khoản 6 và 8 Điều 7 của Quy chế này;
b) Giữ nguồn phóng xạ trong bình bảo vệ có khoá, được gắn cố định xuống nền nhà hoặc vào tường để hạn chế khả năng di chuyển;
c) Kiểm soát chặt chẽ việc ra vào nơi cất giữ bình bảo vệ chứa nguồn phóng xạ.
3. Đối với việc vận chuyển nguồn phóng xạ phải thực hiện biện pháp theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 9 của Quy chế này.
Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ, vận chuyển nguồn phóng xạ thuộc nhóm D
1. Thực hiện biện pháp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 của Quy chế này.
2. Kiểm kê nguồn phóng xạ định kỳ 1 năm một lần vào tháng 11, báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ địa phương để tổng hợp báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 15. Trách nhiệm thông báo
Tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, lưu giữ, vận chuyển nguồn phóng xạ khi phát hiện sự mất kiểm soát hay mất an ninh đối với nguồn phóng xạ có trách nhiệm:
1. Thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp phối hợp xử lý.
2. Trong vòng 24 giờ phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, Sở Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN PHÓNG XẠ
Điều 16. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có các đơn vị, tổ chức trực thuộc quản lý, sử dụng, lưu giữ, vận chuyển nguồn phóng xạ có trách nhiệm:
1. Chỉ đạo các đơn vị, tổ chức có nguồn phóng xạ thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan mình thực hiện nghiêm quy định của Quy chế này.
2. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin và đào tạo về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ cho các đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan mình.
3. Chịu trách nhiệm về việc không bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ tại các đơn vị, tổ chức do Bộ, cơ quan trực tiếp quản lý.
4. Thống kê nguồn phóng xạ sử dụng trong Bộ, cơ quan và định kỳ hàng năm báo cáo về Bộ Khoa học và Công nghệ kết quả thực hiện việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ trước ngày 30 tháng 11 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin và đào tạo về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.
3. Quy định các điều kiện về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ để cấp giấy phép.
4. Tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về công tác bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.
5. Hướng dẫn lập hồ sơ, các biểu mẫu thống nhất cho việc kiểm đếm, kiểm kê, quản lý nguồn phóng xạ và báo cáo định kỳ.
6. Thống kê nguồn phóng xạ và định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ trong phạm vi toàn quốc.
7. Thực hiện các quy định tại các khoản 1 và 3 Điều 16 của Quy chế này.
Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Tổ chức điều tra các vụ mất nguồn phóng xạ, hành vi kinh doanh và sử dụng nguồn phóng xạ trái phép.
2. Tham gia thực hiện phương án khẩn cấp khi xảy ra hành vi xâm phạm tới nguồn phóng xạ.
3. Phối hợp với các tổ chức cảnh sát quốc tế và cảnh sát quốc gia khác trong trường hợp liên quan đến an ninh nguồn phóng xạ ở phạm vi ngoài biên giới Việt
4. Thực hiện các quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 16 của Quy chế này.
5. Thống kê nguồn phóng xạ sử dụng trong Bộ Công an và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ tại các đơn vị trong Bộ Công an, đồng thời báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ phần không liên quan tới bí mật để tổng hợp chung.
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Cử lực lượng tham gia xử lý tình huống khẩn cấp liên quan đến mất kiểm soát an ninh đối với nguồn phóng xạ.
2. Thực hiện các quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 16 của Quy chế này.
3. Thống kê nguồn phóng xạ sử dụng trong Bộ Quốc phòng và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ tại các đơn vị trong Bộ Quốc phòng, đồng thời báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ phần không liên quan tới bí mật để tổng hợp chung.
Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo và bố trí kinh phí để Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các việc sau:
- Hướng dẫn thực hiện Quy chế bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ cho các tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ trong phạm vi địa phương;
- Tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ trong phạm vi địa phương;
- Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ trong phạm vi địa phương về Bộ Khoa học và Công nghệ trước ngày 30 tháng 11 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc thực hiện theo thẩm quyền việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong các hoạt động quản lý nguồn phóng xạ tại địa phương;
c) Chỉ đạo cơ quan công an địa phương thực hiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 18 của Quy chế này;
d) Chịu trách nhiệm về việc không bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ tại các đơn vị trên địa phương mình.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Quy chế này đối với các đơn vị có nguồn phóng xạ trên địa bàn quản lý của mình.
Điều 21. Hành vi vi phạm quy định bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ
1. Tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ không áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ theo quy định của Quy chế này.
2. Tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ, khi phát hiện sự mất an ninh đối với nguồn phóng xạ không thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, Sở Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định.
3. Cơ quan quản lý nhà nước, công chức, viên chức nhà nước thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của Quy chế này.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định pháp luật./.
Quyết định 115/2007/QĐ-TTg về Quy chế bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 115/2007/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/07/2007
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 544 đến số 545
- Ngày hiệu lực: 23/08/2007
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra