Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1142/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 09 tháng 08 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KHU SINH QUYỂN MŨI CÀ MAU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý rừng;

Căn cứ Quyết định của Tổng Giám đốc UNESCO ngày 26/5/2009 về việc công nhận Khu sinh quyển Mũi Cà Mau;

Xét đề nghị của Thường trực Ban Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau tại Tờ trình số 24/TTr-BQLKSQ ngày 5 tháng 7 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau”.

Điều 2. Giao Thường trực Ban Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển; Thường trực Ban Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau; Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây; Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- PVP Trịnh Văn Lên;
- Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau;
- TT Công báo;
- CV: NĐ (Ng),XD (T, V), NN (Q), VX (Trang);
- Lưu: VT, L04/8.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Dũng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ KHU SINH QUYỂN MŨI CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1142 /QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định về cơ chế quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau, căn cứ theo hệ thống pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các Công ước quốc tế mà Chính phủ đã phê chuẩn tham gia. Quy chế này quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi Khu sinh quyển nhằm mục đích bảo tồn và phát triển bền vững.

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động trong phạm vi Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

Điều 2. Mục tiêu quản lý

1. Phát huy tốt 03 chức năng của Khu sinh quyển Mũi Cà Mau:

- Chức năng bảo tồn: Đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và di truyền.

- Chức năng phát triển: Thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở bảo đảm phát triển bền vững môi trường và thực nghiệm nghiên cứu khoa học, giáo dục bảo tồn.

- Chức năng hỗ trợ: Tạo điều kiện cho nghiên cứu giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững ở phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.

2. Khu sinh quyển Mũi Cà Mau nằm trên địa bàn các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển với diện tích 371.506 ha.

- Vùng lõi: Có diện tích 17.329 ha, được chia thành 3 vùng: Vùng lõi 1 có diện tích 12.203 ha, nằm trong Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau; Vùng lõi 2 có diện tích 2.570 ha, nằm trong Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG U Minh Hạ; Vùng lõi 3 có diện tích 2.556 ha thuộc dãy rừng phòng hộ ven biển Tây Cà Mau.

Vùng lõi là khu vực dành riêng cho bảo tồn đa dạng sinh học, giám sát diễn thế các hệ sinh thái; cho phép các hoạt động nghiên cứu, giáo dục mà không ảnh hưởng tới tính đa dạng sinh học của khu vực. Nhiệm vụ chính của Vùng lõi là bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên còn tương đối nguyên vẹn, bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm, các loài đặc hữu của Khu sinh quyển.

- Vùng đệm: Có diện tích 43.309 ha, được chia làm 2 vùng: Vùng đệm nội địa có diện tích 8.775 ha và Vùng ven biển có diện tích 34.534 ha.

Vùng đệm là khu vực bao quanh các Vùng lõi, góp phần hạn chế các hoạt động của con người, giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở các Vùng lõi. Các hoạt động phát triển kinh tế trên Vùng đệm như: khai thác tài nguyên, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo... được triển khai nhằm nâng cao mức sống người dân Vùng đệm; đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho việc bảo tồn thành công Vùng lõi. Nhiệm vụ chính của Vùng đệm là phục hồi hệ sinh thái rừng, nghiên cứu cơ cấu phục vụ yêu cầu bảo tồn, tuyên truyền giáo dục kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái,

- Vùng chuyển tiếp: Có diện tích 310.868 ha, là nơi tập trung đông cộng đồng dân cư địa phương, cần được khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người dân, như: vùng sinh sống, làm việc, nghỉ ngơi và quản lý; các hệ thống sử dụng bền vững đất, nước; xây dựng các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng; chức năng hỗ trợ vào các dự án giáo dục môi trường; nghiên cứu khảo sát, bảo vệ phát triển rừng, phòng chống cháy khu vực rừng tràm; các hoạt động khuyến lâm, khuyến ngư,...

Điều 3. Nguyên tắc quản lý

1. Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau phải bằng các biện pháp tổng hợp dựa trên cơ sở có sự tham gia của cộng đồng.

2. Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau phải tuân thủ theo các nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái (theo Công ước Bảo tồn đa dạng sinh học).

3. Tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

4. Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau là quản lý một hệ sinh thái nhân văn có cấu trúc và chức năng hợp lý, hài hòa và bền vững.

Chương 2.

HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ

Điều 4. Sở Nông nghiệp, và Phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo tồn và phát triển Khu sinh quyển Mũi Cà Mau theo quy định của pháp luật và Điều ước Quốc tế.

Điều 5. Các sở, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về chuyên ngành và Ủy ban nhân dân các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát triển Khu sinh quyển Mũi Cà Mau do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Điều 6. Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển quản lý diện tích Khu sinh quyển Mũi Cà Mau trên phạm vi địa giới hành chính của mình. Khi cần tác nghiệp, phải xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các huyện nêu trên còn có thẩm quyền hướng dẫn và xử phạt người dân không chấp hành quy định về sinh hoạt trong Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

Điều 7. Ban Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau (được thành lập theo Quyết định số 1883/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau) có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định nêu trong Quyết định thành lập và làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cơ quan khoa học, UBND các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, các chủ rừng và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, để thực hiện việc bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái của Khu sinh quyển Mũi Cà Mau với nội dung quản lý theo quy định của pháp luật và Quy chế này; đồng thời, chịu sự hướng dẫn về chuyên môn của UNESCO Việt Nam và Ủy ban MAB Quốc gia để thực hiện chức năng trợ giúp cho công tác quản lý Khu sinh quyển trước mắt và lâu dài, đảm bảo phù hợp với pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế về quản lý Khu sinh quyển và chịu sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.

Điều 8. Chi cục Kiểm lâm, trực tiếp là Hạt Kiểm lâm các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Khu sinh quyển Mũi Cà Mau; kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.

Chương 3.

NỘI DUNG QUẢN LÝ

Điều 9. Nội dung quản lý chính

Có 3 nội dung chính trong việc quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau:

- Bảo đảm sự cân bằng của hệ sinh thái nhân văn Khu sinh quyển Mũi Cà Mau;

- Điều hòa các mối quan hệ giữa con người và môi trường trong phạm vi Khu sinh quyển Mũi Cà Mau;

- Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

Điều 10. Điều tra, đánh giá, lập kế hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên

1. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi Khu sinh quyển Mũi Cà Mau phải được điều tra, đánh giá hiện trạng và diễn biến trữ lượng, khả năng tái sinh, giá trị kinh tế, xã hội để làm căn cứ lập kế hoạch sử dụng và khai thác hợp lý nhằm bảo tồn, phát triển bền vững.

2. Kế hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải gắn bó với sự cân bằng của hệ sinh thái nhân văn Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

Điều 11. Bảo vệ đa dạng sinh học trong phạm vi Khu sinh quyển Mũi Cà Mau

1. Việc bảo vệ đa dạng sinh học phải được thực hiện trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư địa phương và các đối tượng có liên quan.

2. Thành lập ngân hàng gen để bảo vệ và phát triển các nguồn gen bản địa quý hiếm. Nghiêm cấm việc du nhập các giống, loài không phải là bản địa nếu chưa được nghiên cứu, đánh giá khoa học và sự chấp thuận của cơ quan chức năng.

3. Xây dựng kế hoạch bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc săn bắt, khai thác kinh doanh, sử dụng các loài này; đồng thời, thực hiện các chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cứu hộ, bảo vệ theo chế độ đặc biệt phù hợp với từng loài.

Điều 12. Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Khuyến khích việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được khai thác từ gió, mặt trời, địa nhiệt, nước, sinh khối trong phạm vi Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

Điều 13. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

1. Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi Khu sinh quyển Mũi Cà Mau đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; phải thực hiện thủ tục đăng ký cam kết bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Phải xây dựng hoàn chỉnh và vận hành thường xuyên các công trình xử lý ô nhiễm môi trường như: Thiết kế, xây dựng, lắp đặt hệ thống thu gom và xử lý triệt để toàn bộ chất gây ô nhiễm phát sinh từ các quá trình sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa; xây dựng hệ thống thu gom rác thải và xử lý triệt để toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; vận hành thường xuyên các công trình xử lý ô nhiễm môi trường; đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định về môi trường.

Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, bảo vệ Khu sinh quyển cho người lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của mình.

2. Đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có đầy đủ các thiết bị, dụng cụ thu gom tập trung chất thải rắn sinh hoạt, phế thải xây dựng, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, đáp ứng các yêu cầu tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định về bảo vệ môi trường và được vận hành thường xuyên.

Điều 14. Bảo vệ môi trường đối với các làng nghề

1. Việc quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề phải gắn với việc bảo vệ môi trường, có hệ thống thu gom tập trung các loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại.

2. Phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, hệ thống xử lý khí thải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định về bảo vệ môi trường và được vận hành thường xuyên.

Điều 15. Bảo vệ cảnh quan đối với các công trình xây dựng

1. Trong Vùng lõi: Không cho phép xây dựng các công trình, trừ những công trình phục vụ cho mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và được cấp thẩm quyền cho phép.

2. Trong Vùng đệm: Chỉ chấp nhận cho xây dựng các công trình có kết cấu và vật liệu xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên, không phá vỡ cân bằng sinh thái và được cấp thẩm quyền cho phép.

3. Trong Vùng chuyển tiếp: Các công trình xây dựng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch của Khu sinh quyển Mũi Cà Mau; khuyến khích xây dựng các công trình có tính thẩm mỹ cao nhằm tăng vẻ đẹp cảnh quan khu vực, đồng thời hài hòa với hiện trạng tự nhiên.

Chương 4.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHU SINH QUYỂN MŨI CÀ MAU

Điều 16. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phuơng

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ban Quản lý Khu sinh quyển để quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau theo quy định hiện hành.

- Có ý kiến về mặt chuyên môn đối với các chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát triển hệ sinh thái thuộc diện tích của Vùng lõi, Vùng đệm và Vùng chuyển tiếp của Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thẩm định các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến việc bảo tồn và phát triển sinh thái rừng, biển có liên quan tới Khu sinh quyển Mũi Cà Mau theo quy định hiện hành.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Có trách nhiệm hỗ trợ Ban Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau trong việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh việc quy hoạch các tuyến du lịch sinh thái và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái trong Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

- Phối hợp với VQG U Minh Hạ, VQG Mũi Cà Mau, chính quyền địa phương, đơn vị chuyên ngành du lịch thường xuyên tổ chức thông tin tuyên truyền sâu rộng đến với quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh, cũng như trong và ngoài nước về ý nghĩa của Khu sinh quyển Mũi Cà Mau và các chương trình hoạt động của Ban Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

- Thực hiện chương trình giáo dục môi trường cho du khách.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Hướng dẫn xây dựng các dự án đầu tư cho các chương trình hoạt động ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của Ban Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau để trình cấp thẩm quyền quyết định.

5. Sở Tài chính:

Cấp kinh phí cho chương trình hoạt động của Ban Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.

6. Sở Khoa học và Công nghệ:

Nghiên cứu lựa chọn các đề tài, dự án kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư vào Khu sinh quyển Mũi Cà Mau nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

7. Ủy ban nhân dân các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển:

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai và thực hiện nội dung quản lý Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Khu sinh quyển Mũi Cà Mau trên phạm vi địa bàn quản lý.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm, xâm hại đến tài nguyên và di sản văn hóa thuộc Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền những quy định về bảo tồn, tình hình phân bố động, thực vật, …. đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

- Chỉ đạo cơ quan chức năng trực thuộc kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm như săn bắn, buôn bán động vật hoang dã, phá hoại rừng và các hành vi khác xâm hại đến Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

- Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức bố trí di dân trong khu vực Vùng lõi và Vùng đệm; tuyên truyền và có các biện pháp giảm thiểu sự gia tăng dân số cả về cơ học và sinh học trong Khu sinh quyển Mũí Cà Mau.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi chặt phá rừng để nuôi tôm, trồng lúa khi chưa được phép của cấp thẩm quyền.

- Chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt Vùng lõi Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

8. Ban Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau:

- Triển khai thực hiện tốt Quy chế này và lựa chọn những mục tiêu, giải pháp nhằm quản lý bền vững nguồn tài nguyên trong Khu sinh quyển Mũi Cà Mau (bao gồm: tài nguyên đất, nước, sinh vật, hệ sinh thái, di sản thiên nhiên và di sản văn hóa...).

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên; đồng thời thực hiện tốt các chương trình hành động cụ thể về bảo tồn thiên nhiên và di sản văn hóa đối với Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm, xâm hại tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa trong Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

- Sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí được cấp và các nguồn tài trợ.

- Định kỳ 03 (ba), tháng một lần báo cáo UBND tỉnh về tình hình quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

9. VQG U Minh Hạ, VQG Mũi Cà Mau, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây:

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý, bảo vệ, xây dựng và sử dụng Khu sinh quyển theo Quy chế này và các quy định khác của pháp luật.

- Tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khôi phục và bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái, bảo tồn tính đa dạng của Khu sinh quyển Mũi Cà Mau; phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến Khu sinh quyển Mũi Cà Mau.

Chương 5.

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 17. Khen thưởng

Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế đối với Khu sinh quyển được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Xử lý vi phạm

Các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển; Thường trực Ban Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau; Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây; Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, yêu cầu các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Ban Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau để tổng hợp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1142/QĐ-UBND năm 2012 về Quy chế Quản lý Khu sinh quyển Mũi Cà Mau do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành

  • Số hiệu: 1142/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/08/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Lê Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản