Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1132/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 16 tháng 10 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC THÔN, BẢN VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG THÔN, BẢN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

Căn cứ Quyết định số 164/TCCP ngày 26/9/1995 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành quy chế tạm thời về tổ chức thôn, bản ở các xã miền núi, vùng cao;

Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, Giám đốc Sở Tài chính Vật giá và Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh;

Để tăng cường củng cố và xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản "Quy định tạm thời về tổ chức thôn, bản và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn, bản" để áp dụng thống nhất ở các xã phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/10/1996.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính Vật giá, thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các xã phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TV TU (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Ban TCCP (b/c);
- Lưu VP, TC.

TM. UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
QUYỀN CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC THÔN, BẢN VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG THÔN, TRƯỞNG BẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1132/QĐ-UB ngày 16 tháng 10 năm 1996 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Vị trí thôn, bản:

- Thôn là khu vực dân cư được hình thành theo địa lý tự nhiên, do lịch sử để lại hoặc do phát triển của các cụm dân cư, thích hợp cho việc quản lý và các hoạt động kinh tế xã hội.

- Bản là cụm dân cư của các đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi, vùng cao, được hình thành chủ yếu dựa theo quan hệ huyết thống, sắc tộc hoặc do quá trình thực hiện định canh, định cư của đồng bào dân tộc.

- Thông, bản không phải là một cấp hành chính Nhà nước mà là một bộ phận cấu thành đơn vị cấp xã; là tổ chức thừa hành công việc và giúp chính quyền xã thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

Điều 2: Quy mô thôn bản:

a) Cơ sở để xác định quy mô thôn bản như sau:

- Đối với thôn cũ thì căn cứ vào địa dư hành chính do lịch sử để lại.

- Đối với thôn mới (kể cả việc bố trí sắp xếp lại cho thích hợp) thì căn cứ vào dân số, địa lý tự nhiên, nhưng ít nhất phải có từ 400 khẩu trở lên mới được lập thôn.

- Bản ít nhất phải có từ 20 hộ trở lên.

b) Quy mô thôn, bản chia làm 3 loại:

Thôn                 (tính theo nhân khẩu)                  Bản (tính theo hộ)

Loại I:               Trên 1.000 khẩu                         Trên 50 hộ

Loại II:               Từ 601 - 1.000 khẩu                   Từ 31 - 50 hộ

Loại III:              Từ 400 - 600 khẩu                      Từ 20 - 30 hộ

Điều 3: Quy trình thành lập thôn, bản:

Việc công nhận, thành lập mới, hợp nhất, chia tách thôn, bản thực hiện theo quy trình sau:

- Được nhân dân trong thôn đồng tình (lấy ý kiến nhân dân).

- Uỷ ban nhân dân xã lập tờ trình đề nghị UBND huyện, thị xã quyết định.

- Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã ra quyết định công nhận thành lập thôn, bản.

Điều 4: Trưởng thôn, trưởng bản

a) Mỗi thôn có trưởng thôn. Thôn có số dân trên 1.500 khẩu thì có thêm 1 Phó trưởng thôn.

- Mỗi bản chỉ có Trưởng bản.

b) Tiêu chuẩn Trưởng thôn, Trưởng bản:

Trưởng thôn, Trưởng bản là công dân cư trú trên địa bàn, là người trung thành với đường lối của Đảng, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật, có hiểu biết nhất định về quản lý hành chính, quản lý kinh tế và pháp luật, có năng lực quản lý điều hành, có uy tín trong nhân dân, có hiểu biết và có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, tổ chức đời sống trong cộng đồng dân cư.

c) Việc cử chức danh Trưởng thôn, Trưởng bản được thực hiện theo quy trình sau:

- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam xã tập hợp ý kiến của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh tế trong thôn, bản giới thiệu, UBND xã xem xét và quyết định bổ nhiệm.

- Nơi có điều kiện thì lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân trong thôn, bản, UBND xã quyết định bổ nhiệm.

- Phó trưởng thôn thực hiện quy định bổ nhiệm tương tự như trưởng thôn.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA TRƯỞNG THÔN, TRƯỞNG BẢN

Điều 5: Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn, Trưởng bản:

A. Nhiệm vụ:

1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động nhân dân trong thôn, bản thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của UBND xã; xây dựng và thực hiện chương trình hoạt động của thôn, bản trong từng thời gian; phối hợp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã thu thập ý kiến nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân đề xuất với Hội đồng nhân dân, UBND xã và các cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện cho đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri.

2. Giúp UBND xã quản lý hộ tịch hộ khẩu và hướng dẫn kiểm tra đăng ký tạm trú, tạm vắng; vận động nhân dân tham gia hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trong thôn, bản góp phần bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân; phát hiện các hành vi phạm pháp báo cáo UBND xã và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

3. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản làm tốt công tác hoà giải các tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân (hoà giải các xích mích nhỏ giữa các gia đình, hoà giải việc tranh chấp đất đai, các vụ kiện dân sự, hoà giải ly hôn v.v…).

4. Hướng dẫn nhân dân trong thôn, bản xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới, thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hoá gia đình, chương trình y tế cộng đồng, vệ sinh môi trường ở thôn, bản; chăm lo và thực hiện các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, chương trình xoá đói giảm nghèo; vận động giúp đỡ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc, bài trừ các tục lệ lạc hậu, mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè say sưa và các tệ nạn xã hội khác.

5. Đôn đốc nhân dân trong thôn, bản thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước như nộp thuế, lao động công ích, nghĩa vụ quân sự, tham gia dân quân tự vệ… Tích cực tham gia với các cơ quan hữu quan chống buôn lậu, trốn thuế, sản xuất và lưu hành hàng giả tại địa phương.

6. Tổ chức vận động nhân dân trong thôn bản góp công sức và kinh phí để tu sửa, cải tạo nâng cấp đường sá, trạm xá, trường học và các công trình phúc lợi khác… Phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

7. Chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý và bảo vệ các nguồn tài nguyên, đất đai, các công trình công cộng, hệ thống đê điều thuỷ lợi, các di tích, danh lam thắng cảnh, mốc địa giới hành chính, mốc biên giới, mốc toạ độ địa chính, mốc chỉ giới bảo vệ hành lang đường giao thông… trong địa bàn thôn, bản theo quy định của cấp trên.

8. Phối hợp với các tổ chức kinh tế, đơn vị sản xuất kinh doanh phổ biến, hướng dẫn nhân dân trong thôn, bản ứng dụng tiến bộ Khoa học Kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch chung, thực hiện chương trình khuyến khích phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn; áp dụng các biện pháp canh tác, tưới tiêu, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai lụt bảo; thực hiện tốt quy hoạch dân cư nông thôn, định canh, định cư theo quy định của cấp trên.

9. Tổ chức họp dân xây dựng "Hương ước" của thôn, bản phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và không trái với quy định của pháp luật hiện hành, trình UBND cấp xã chuẩn y để thực hiện.

10. Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ thông tin, báo cáo với UBND cấp xã và sự lãnh đạo của tổ chức Đảng cơ sở.

B. Quyền hạn:

Trưởng thôn, Trưởng bản có các quyền hạn sau đây:

1. Đề xuất ý kiến trong quá trình xây dựng, sửa đổi ban hành, thực thi Hương ước của thôn, bản.

2. Lập biên bản các trường hợp vi phạm pháp luật trên địa bàn thôn, bản và báo cáo UBND cấp xã xem xét giải quyết, tổ chức kiểm điểm, phê bình trước dân những trường hợp vi phạm pháp luật và Hương ước của thôn nhằm giáo dục và nâng cao tác dụng phòng ngừa.

3. Được mời dự các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, UBND xã khi bàn về những nội dung có liên quan đến thôn, bản và trả lời những chất vấn khi đại biểu Hội đồng nhân dân xã yêu cầu.

4. Tổ chức các cuộc họp của nhân dân trong thôn, bản để bàn bạc và triển khai các công việc trong phạm vi thôn, bản.

5. Phối hợp với xã đội, công an xã huy động lực lượng trong thôn, bản để ngăn chặn hoặc bắt giữ những vụ phạm pháp quả tang, sau đó báo cáo ngay hoặc đưa lên UBND xã xử lý. Được mời tham gia tố tụng các vụ án theo quy định của pháp luật; giám sát việc thi hành án và các quyết định xử lý vi phạm hành chính của cấp trên ở địa bàn thôn, bản.

6. Xác nhận vào các văn bản giấy tờ để làm cơ sở đề xuất với UBND xã giải quyết kịp thời các chế độ chính sách có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong thôn, bản.

7. Giải quyết một số công việc sự vụ khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã uỷ quyền, theo quyết định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND xã.

Điều 6: Mối quan hệ công tác của Trưởng thôn, Trưởng bản:

1. Trưởng thôn, Trưởng bản chịu sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở thôn, bản và cấp uỷ Đảng các cấp, đồng thời chịu sự quản lý điều hành trực tiếp của UBND xã.

2. Trưởng thôn, Trưởng bản phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đại biểu Hội đồng nhân dân và các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội ở thôn, bản nhằm thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định của UBND xã.

3. Trưởng thôn, Trưởng bản được làm việc với các cơ quan, đơn vị của Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn và các thôn, bản trong xã và các xã lân cận để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước ở thôn, bản mình.

Điều 7: Kinh phí hoạt động của thôn, bản và phụ cấp cho Trưởng thôn, Trưởng bản:

a) Phụ cấp cho Trưởng thôn, Trưởng bản theo mức như sau:

+ Thôn, bản loại I: 50.000 đồng/tháng

+ Thôn, bản loại II: 40.000 đồng/tháng

+ Thôn, bản loại III: 30.000 đồng/ tháng

- Phó trưởng thôn (đối với thôn có trên 1.500 khẩu) được phụ cấp bằng 80% mức phụ cấp của Trưởng thôn.

b) Nguồn kinh phí:

Kinh phí hoạt động của thôn, bản và phụ cấp cho Trưởng, Phó thôn, bản do ngân sách xã và quỹ Hương ước của thôn, bản đảm nhiệm. Cụ thể là:

+ Các xã vùng cao: 100% ngân sách xã chi trả, thiếu thì ngân sách huyện, tỉnh hỗ trợ cho đủ.

+ Các xã còn lại: - 50% ngân sách xã chi trả, thiếu thì ngân sách của huyện, tỉnh hỗ trợ cho đủ 50%.

- 50% quỹ Hương ước của thôn chi trả.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8:

- Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1/10/1996 và được áp dụng thống nhất đối với các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

- Các tiểu khu (cụm, khu vực, tổ dân phố…) ở các phường, thị trấn căn cứ quy định trên để vận dụng thực hiện.

Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Sở Tài chính Vật giá, UBND các huyện, thị xã hướng dẫn cụ thể và kiểm tra các xã, phường, thị trấn thực hiện quy định này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1132/QĐ-UB năm 1996 về quy định tạm thời tổ chức thôn, bản và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn, bản do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 1132/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/10/1996
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Phan Lâm Phương
  • Ngày công báo: Không có
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 01/10/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản