Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1120/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2012 |
PHÊ DUYỆT "ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HOA, CÂY CẢNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2012 - 2016"
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/06/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 30/6/2011 của UBND thành phố Hà Nội về Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 185 TTr/SNN-TT ngày 28/11/2011 về việc phê duyệt "Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố Hà Nội, giai đoạn 2011 - 2016" và Công văn số 57/SNN-TT ngày 10/01/2012 về việc báo cáo giải trình nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này "Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2016".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch Kiến trúc, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Xây dựng, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các Sở ngành, các cấp, các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HOA, CÂY CẢNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2012 - 2016
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 1120/QĐ-UBND ngày 13/03/2012 của UBND TP Hà Nội)
CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 30/6/2011 của UBND thành phố Hà Nội về Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015;
MỞ ĐẦU
Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị và giao lưu kinh tế của cả nước. Trong những năm gần đây đã đạt được kết quả khả quan về phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống vật chất của nhân dân Thủ đô được cải thiện, nên nhu cầu về hoa, cây cảnh ngày càng tăng. Để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả sản xuất của người nông dân, những năm gần đây việc sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn Thủ đô đã có những bước phát triển mới. Hiệu quả kinh tế sản xuất hoa, cây cảnh đạt cao so với một số loại cây trồng khác. Vì vậy, phát triển hoa, cây cảnh đang là một hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu tiêu dùng ở Hà Nội. Tuy nhiên, năng suất, sản lượng và chất lượng còn thấp, nên chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô.
Đề án "Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2016" nhằm phát triển hoa, cây cảnh để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Hà Nội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân.
THỰC TRẠNG SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ HOA, CÂY CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI
I. HIỆN TRẠNG SẢN XUẤT HOA, CÂY CẢNH:
1. Tình hình sản xuất hoa, cây cảnh đại trà:
1.1. Diện tích, cơ cấu, chủng loại, sản lượng và chất lượng hoa:
- Diện tích canh tác hoa, cây cảnh của Hà Nội năm 2010 khoảng 2.009 ha, trong đó có 68,9% diện tích (1.350 ha/ 42 vùng tập trung, diện tích trên 20 ha/vùng) tại 18 xã của 5 quận, huyện (Từ Liêm: 631,5 ha; Mê Linh: 464,5 ha; Tây Hồ: 212,5 ha; Đan Phượng: 104,1 ha và Thường Tín: 130,8 ha). Còn lại là các diện tích trồng phân tán tại các xã, phường, sản xuất nhỏ lẻ, một số mới được chuyển đổi từ diện tích các cây trồng kém hiệu quả hoặc sản xuất 1 vụ trong năm.
- Chủng loại hoa, cây cảnh chính: Hồng (770 ha, chiếm 38,3%); Cục (450 ha, chiếm 22,4%); Đào (288,2 ha, chiếm 14%); Đồng tiền (179,5 ha, chiếm 8,9%); Quất (184,7 ha, chiếm 8,2%); Lily, Lan (14,4 ha, chiếm 0,7%); Các chủng loại hoa khác như Thược dược, Lay ơn, Cẩm chướng, cây phụ trợ … có 67,3 ha, chiếm 3,3% diện tích. Hàng năm đã cung ứng cho thị trường 1.000 - 1.100 triệu cành hoa; 0,8 - 1,0 triệu chậu hoa và 1,0 - 1,2 triệu cây cảnh các loại.
- Chất lượng hoa không đồng đều ở các vùng sản xuất. Chất lượng hoa cắt cành còn thấp, tỷ lệ hoa đạt tiêu chuẩn loại 1 chỉ từ 20 - 50% tùy trình độ canh tác của từng hộ, từng vùng sản xuất, có sự chênh lệch rõ rệt giữa các vùng hoa, cây cảnh truyền thống và các vùng mới được mở rộng.
1.2. Ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất hoa:
- Về giống hoa: Hà Nội chưa có hệ thống cung ứng giống hoa chất lượng cao. Những giống hoa đang trồng (Hồng, Cúc, Thược dược) chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và phương pháp nhân giống truyền thống (gieo từ hạt, trồng từ củ, mầm, nhánh). Các phương pháp này dễ ứng dụng, giá thành cây giống thấp nhưng chất lượng giống không cao, dễ bị thoái hóa, làm giảm chất lượng hoa. Vì vậy, Hà Nội thiếu giống hoa đẹp, chất lượng cao. Các giống hoa cao cấp thường nhập từ Hà Nội, Trung Quốc, số lượng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.
- Thực hiện quy trình trồng và chăm sóc hoa:
+ Diện tích trồng hoa đại trà (khoảng 80%) chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về trồng và chăm sóc hoa và lúng túng khi gặp thời tiết bất thuận, chưa điều khiển cho nở hoa đúng vào thời điểm có nhu cầu tiêu dùng hoa tăng cao.
+ Các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung chưa đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng (nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới hiện đại). Hiện tại, có 39,5 ha nhà lưới, nhà nilon xây dựng trong những mô hình diện hẹp, nhỏ lẻ tại một số vùng hoa chuyên canh (Từ Liêm, Hoàng Mai, Mê Linh, Đan Phượng).
+ Chưa ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong sơ chế, bảo quản hoa. Chủ yếu sơ chế đơn giản, đã ảnh hưởng tới chất lượng và thời gian sử dụng hoa. Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 12 kho lạnh bảo quản hoa sau thu hoạch do người dân tự đầu tư tại Mê Linh, Tây Hồ và Từ Liêm với công suất 10.000 cành hoa/lần bảo quản/kho lạnh (diện tích 12m2/kho).
1.3. Quản lý nhà nước về phát triển hoa, cây cảnh thời gian qua:
- Công tác tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ thuật viên; xây dựng mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, chỉ đáp ứng từ 1 - 2% nhu cầu sản xuất. Từ năm 2008 đến nay có 03 Dự án đầu tư sản xuất hoa, cây cảnh đã và đang triển khai thực hiện nhưng Dự án quy mô nhỏ lẻ, có Dự án đầu tư công nghệ cao thì gặp nhiều khó khăn nên chưa đi vào hoạt động.
- Một số quận, huyện đã hỗ trợ cho sản xuất hoa, cây cảnh như: tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên một số chủng loại hoa, cây cảnh chính. Đầu tư hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, tạo thuận lợi cho nông dân trồng hoa cây cảnh. Hỗ trợ về giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
1.4. Hiệu quả kinh tế trong phát triển sản xuất hoa, cây cảnh:
- Mức độ đầu tư cho sản xuất hoa, cây cảnh khá lớn (khoảng 120 - 200 triệu đồng/ha). Đối với diện tích hoa cao cấp, như là hoa Lily, hoa Lan mức độ đầu tư rất cao (khoảng từ 3.00 - 20.000 triệu đồng/ha).
- Tại các vùng hoa chuyên canh, người dân có kỹ thuật và kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh khá cao. Trung bình thu nhập khoảng 250-300 triệu đồng/ha/năm; Một số diện tích hoa Hồng chất lượng cao đạt doanh thu đến 1.000 - 1.200 triệu đồng/ha/năm. Hoa Lily, Lan và cây cảnh chất lượng cao (thường có quy mô nhỏ từ 500 - 2.000 m2) đạt thu nhập từ 120 -500 triệu/mô hình/năm. Tuy nhiên cũng có những diện tích đã không đạt hiệu quả kinh tế do người sản xuất không nắm được kỹ thuật, thiếu thông tin về thị trường và gặp bất thuận về thời tiết.
2. Tình hình sản xuất một số chủng loại hoa giá trị kinh tế cao:
2.1. Sản xuất hoa Hồng:
- Diện tích hoa Hồng toàn Thành phố khoảng 770 ha (chiếm 38,3% diện tích) nhưng diện tích sản xuất hoa Hồng có giá trị kinh tế cao chỉ đạt 29,1 ha (tương ứng 3,8% diện tích canh tác hoa Hồng), phân bố tại hai vùng sản xuất tập trung là huyện Từ Liêm: 27 ha và huyện Mê Linh 2,9 ha.
- Năng suất hoa Hồng đạt khoảng 250.000 bông/ha/năm, cung ứng cho thị trường trên 7 triệu bông Hồng chất lượng cao mỗi năm, chiếm 0,6% sản lượng hoa của Hà Nội.
- Mức đầu tư cho hoa Hồng chất lượng cao khoảng 270 - 300 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần so với sản xuất hoa Hồng đại trà. Tuy nhiên, những diện tích này cho hiệu quả kinh tế cao, có thể đạt 700-730 triệu/ha/năm.
2.2. Sản xuất hoa Lily:
- Diện tích 2,75 ha (chiếm 0,14% diện tích); Năng suất: 180.000 - 185.000 bông/ha/năm; Sản lượng: 495.000 - 500.000 bông, chiếm 0,045% sản lượng hoa của Hà Nội.
- Sản xuất hoa Lily yêu cầu kỹ thuật cao, gieo trồng trong nhà lưới có điều chỉnh về nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng. Vì vậy, phải đầu tư cao về kinh phí và trình độ kỹ thuật. Quy mô sản xuất hoa Lily thường từ 500 - 1.000 m2 với mức đầu tư trung bình từ 200 - 310 triệu/mô hình.
- Hiệu quả sản xuất hoa Lily khá cao, thu nhập có thể đạt 120 - 150 triệu/1.000m2/năm. Tuy nhiên, nguồn cung ứng giống sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu và kỹ thuật sản xuất khắt khe, nên chưa mở rộng được trong sản xuất.
2.3. Sản xuất hoa Lan:
- Diện tích 12,75 ha (chiếm 0,63% diện tích); Chủng loại hoa đa dạng, gồm hoa cắt cành và hoa chậu. Hàng năm cung ứng từ 500.000 - 550.000 chậu, cành hoa cho thị trường.
- Sản xuất hoa Lan mức đầu tư ban đầu rất cao, từ 1.000 triệu - 2.800 triệu đồng/mô hình 1.000m2. Hiệu quả kinh tế trong sản xuất hoa Lan cao, thu nhập đạt 200 - 500 triệu đồng/1.000 m2/năm. Hiện nay sản xuất hoa Lan rất phát triển do phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất (giống mới, sản xuất theo quy mô công nghiệp).
2.4. Sản xuất hoa Đào:
- Diện tích hoa Đào toàn Thành phố là 288,2 ha (chiếm 14,4% diện tích), được trồng thành những vùng tập trung các quận: Long Biên Tây Hồ và các huyện: Thường Tín, Đông Anh. Diện tích sản xuất hoa Đào cho giá trị kinh tế cao chỉ đạt 30 ha, chủ yếu là ở quận Tây Hồ.
- Hoa Đào là hoa truyền thống của Hà Nội, trồng Đào chất lượng cao thu nhập 500 - 700 triệu đồng/ha/năm. Nghề trồng Đào Hà Nội có kinh nghiệm lâu năm, lưu giữ nhiều kỹ thuật cổ truyền cần được thu thập, phổ biến để phát huy. Sản xuất hoa Đào, ngoài ý nghĩa nâng cao hiệu quả kinh tế còn có ý nghĩa lớn về bảo tồn, phát triển nguồn gen thực vật quý, hiếm và nét văn hóa của Hà Nội.
II. TÌNH HÌNH TIÊU THỤ SẢN PHẨM HOA, CÂY CẢNH
1. Phương thức và hệ thống tiêu thụ hoa, cây cảnh của Hà Nội:
- Trên 85% sản lượng hoa, cây cảnh của Hà Nội được tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô, khoảng 15% được đưa đi tiêu thụ tại các địa phương khác và xuất khẩu.
- Hà Nội hiện có 2 chợ bán buôn hoa là tại Tây Tựu (Từ Liêm) và Hủng Tuần (Tây Hồ). Một số điểm bán buôn hoa, cây cảnh tự phát đã duy trì nhiều năm như Mai Dịch (Cầu Giấy), phố Nhuệ Giang (Hà Đông), đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình). Đào, Quất hàng năm được bán với số lượng lớn vào Tết Nguyên đán.
- Hà Nội có nhiều cửa hàng, quầy hàng bán hoa tươi trên các tuyến phố, các chợ dân sinh và người bán rong tại các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm.
2. Tình hình xuất, nhập khẩu hoa, cây cảnh trên địa bàn Hà Nội:
- Khoảng 3-5% sản lượng hoa Hồng, Cúc, Lay ơn … của Hà Nội được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, Campuchia. Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán thì Đào, Quất cảnh của Hà Nội cung cấp cho cả nước. Bước đầu được giới thiệu ở một số nước có nhiều người Việt sinh sống như Nga, Đức, Mỹ.
- Chủng loại hoa tiêu thụ ở Hà Nội chủ yếu hoa chất lượng cao, trái vụ như: Hồng, Lay ơn, Lan, hoa phụ trợ Đà Lạt, Loa kèn Nam Định, hoa Lily, hoa Hồng từ Lào Cai, Sơn La, Trung Quốc; hoa Lan cắt cành được nhập từ Thái Lan, Đài Loan qua đường tiểu ngạch. Ước tính lượng hoa Hồng, Lan tiêu thụ trung bình đạt 10.000 - 15.000 cành/ngày. Trong dịp tết Nguyên Đán, lượng hoa Lan, cây cảnh nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan được tiêu thụ trên thị trường ước tính từ 10 - 20 nghìn chậu.
- Trên địa bàn Hà Nội có một số Cơ sở, Công ty tư nhân kinh doanh xuất nhập khẩu hoa như: Công ty TNHH cây cảnh Trường Xuân và Công ty TNHH Anh Trí chuyên kinh doanh nhập khẩu hoa từ Đài Loan, Trung Quốc, Công ty TNHH Florama Việt Nam chuyên kinh doanh và nhập khẩu hoa Lan, Công ty hoa Nhiệt Đới, Công ty hoa Linh Dương; Vườn Hoàng Lan. Tại một số huyện cũng đã hình thành cơ sở đầu mối chuyên sản xuất và tiêu thụ hoa.
1. Những kết quả đạt được
- Diện tích canh tác sản xuất hoa đạt trên 2000 ha/năm, các vùng sản xuất khá tập trung. Các diện tích sản xuất hoa giá trị kinh tế cao có xu hướng ngày càng mở rộng nên chất lượng hoa cũng ngày được nâng cao.
- Hiệu quả sản xuất hoa tương đối cao, đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm và nâng cao đời sống người nông dân.
2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:
- Diện tích sản xuất hoa chiếm khoảng 1,3% diện tích đất nông nghiệp của Thành phố. Tỷ trọng diện tích hoa giá trị kinh tế cao chỉ chiếm 3,67% (73,6 ha). Không có vùng sản xuất theo hướng hàng hóa lớn tập trung. Nên chưa đáp ứng được về chất lượng và sản lượng khi có yêu cầu.
- Chất lượng hoa còn thấp, sản xuất phụ thuộc vào thời tiết … làm giảm hiệu quả kinh tế của sản xuất hoa. Không đáp ứng được yêu cầu chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp an toàn (GAP).
- Nguyên nhân về tồn tại, hạn chế:
+ Nhiều vùng sản xuất hoa có kinh nghiệm đang bị đô thị hóa nhanh (Tây Hồ, Từ Liêm, Mê Linh).
+ Sản xuất quy mô nhỏ, tự phát, thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân công chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất, bảo quản và tiêu thụ còn hạn chế. Trình độ sản xuất có sự chênh lệch rõ rệt giữa các hộ, các vùng sản xuất; Chưa có hệ thống cung ứng giống chất lượng cao phục vụ sản xuất.
+ Hoa là loại nông sản đặc biệt, có hiệu quả kinh tế cao nhưng mức đầu tư rất lớn, rủi ro cao nên phần lớn người sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư.
+ Chưa hình thành Thương hiệu, công tác tiếp thị chưa được chú ý, nên sức cạnh tranh thấp.
+ Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành còn nhiều bất cập và chưa có chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hoa, cây cảnh.
1. Diện tích sản xuất hoa, cây cảnh của Hà Nội đến năm 2016 khoảng 2.165 ha canh tác với tốc độ mở rộng các vùng sản xuất mới là 60 - 80 ha/năm.
2. Tăng trưởng bình quân hàng năm từ 5 - 10% năng suất và giá trị sản xuất hoa, cây cảnh.
3. Tập trung phát triển sản xuất các loại hoa giá trị kinh tế cao (hoa Hồng, Lily, Lan, Đào), đến 2016 đạt 400ha.
1. Xác định các vùng sản xuất hoa, cây cảnh giai đoạn 2012 - 2016:
1.1. Diện tích sản xuất hoa, cây cảnh của Hà Nội được quy hoạch tại các vùng sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Phấn đấu đến năm 2016 đạt 2.165 ha canh tác, tập trung ở các huyện: Mê Linh: 536 ha; Từ Liêm: 471 ha; Đông Anh: 208 ha; Tây Hồ: 170 ha; Thường Tín: 137 ha; Đan Phượng: 132 ha; Các quận, huyện khác: 511 ha. Trong đó, diện tích hoa giá trị kinh tế cao khoảng 400 ha, gồm: 300 ha hoa Hồng; 50 ha hoa Đào; 20 ha hoa Lily và 30 ha hoa Lan.
1.2. Các chủng loại hoa giá trị kinh tế cao ưu tiên phát triển gồm:
- Hoa Hồng: Hoa hồng Pháp, hồng Hà Lan, …
- Hoa Lan: Hồ Điệp, Catlaya, Vũ nữ, Hoàng thảo, các giống Lan bản địa.
- Hoa Đào: Đào Nhật Tân, Đào Thất thốn, các giống hoa Đào mới nhập nội (đã qua thử nghiệm, có triển vọng).
- Hoa Lily: Các giống lily được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và các giống Lily có triển vọng phát triển ở Hà Nội.
2. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước chuyên ngành:
2.1. Xây dựng và hoàn thiện Quy trình kỹ thuật sản xuất (20 QTKT) và tiêu chuẩn cơ sở (5 TCCS) cho một số giống hoa chính. Xây dựng bộ tài liệu giới thiệu về sản phẩm hoa, cây cảnh Hà Nội.
2.2. Nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý:
- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn; Thăm quan, học tập cho cán bộ quản lý của các quận/huyện/thị xã/thành phố tại các vùng sản xuất hoa tiên tiến trong nước và thăm quan, học tập tại nước ngoài.
- Hỗ trợ nâng cao trình độ đội ngũ kỹ thuật cơ sở.
Quy mô và hình thức đào tạo: trung bình 01 kỹ thuật viên hướng dẫn sản xuất với 20 ha hoa, tổng số đào tạo 120 kỹ thuật viên tại các cơ sở sản xuất.
2.3. Ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ hoa, cây cảnh.
2.4. Hỗ trợ nâng cao vai trò của Hội sinh vật cảnh Thành phố. Thành lập các HTX, các hiệp hội sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản xuất.
3. Đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh:
Hỗ trợ đào tạo, phổ biến kiến thức nâng cao trình độ cho người sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn: Phấn đấu đến 2016 có 30 - 40 % số hộ sản xuất hoa được tham gia tập huấn. Số lớp tập huấn dự kiến: 200 lớp.
4. Hỗ trợ xây dựng các mô hình hộ, trang trại sản xuất hoa đại trà và hoa giá trị kinh tế cao:
- Đưa giống mới, giống chất lượng cao vào sản xuất. Phát triển công nghệ mới, công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản; Cải tạo, xây dựng mới hệ thống nhà trồng, chăm sóc, bảo quản hoa theo hướng sản xuất công nghiệp.
- Hỗ trợ đưa các tiến bộ về canh tác như giá thể, phân bón, chế phẩm sinh học, kỹ thuật điều khiển thời điểm ra hoa; Kỹ thuật ra hoa đồng loạt; kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV mới vào sản xuất. Hỗ trợ để phát triển kỹ thuật sơ chế, bảo quản hoa. Hỗ trợ thông tin và kỹ thuật cho các diện tích sản xuất hoa giá trị kinh tế cao thông qua các hoạt động thăm quan, học tập tại các vùng sản xuất hoa tiên tiến trong và ngoài nước. Hỗ trợ công tác tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu liên kết tiêu thụ.
- Thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất và tiêu thụ hoa cho các nhà sản xuất hoa giá trị kinh tế cao.
5. Xây dựng vùng sản xuất các chủng loại hoa có giá trị kinh tế cao:
5.1. Quy mô và địa điểm:
- Vùng sản xuất hoa hồng: 170 ha, tại huyện Mê Linh.
- Vùng sản xuất hoa Lily: 15ha. Lựa chọn 1 trong các địa điểm: Đan Phượng (Hạ Mỗ) hoặc Ba Vì (Phú Sơn); Chương Mỹ (Thụy Hương).
- Vùng sản xuất hoa Lan: 15 ha. Lựa chọn 1 trong các địa điểm: Hoài Đức (La Phù, thị trấn Hoài Đức); Gia Lâm (Đa Tốn) hoặc Thạch Thất (Yên Bình); Đan Phượng (Hạ Mỗ).
- Vùng sản xuất hoa Đào: 20 ha, tại Long Biên (Long Biên, Bồ Đề).
5.2. Yêu cầu về vùng sản xuất: liền vùng, liền khoảnh và thuộc vùng được xác định là vùng sản xuất nông nghiệp của địa phương.
5.3. Nội dung thực hiện:
- Sở Nông nghiệp và PTNT là Chủ đầu tư lập các Dự án điểm của Thành phố để triển khai thực hiện.
- Tại mỗi vùng Dự án, ngân sách Thành phố đầu tư triển khai đồng bộ một số diện tích (30-70% diện tích Dự án) và hỗ trợ để mở rộng diện tích sản xuất đạt mục tiêu của Dự án.
- Công nghệ áp dụng: Ứng dụng các tiến độ kỹ thuật về giống; kỹ thuật canh tác, sơ chế, bảo quản; bố trí một số diện tích mẫu áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất công nghệ cao phù hợp với từng chủng loại hoa.
6. Hình thành một số trung tâm trình diễn sản xuất hoa công nghệ cao:
6.1. Quy mô và địa điểm:
- Quy mô: 13.000 m2 nhà lưới sản xuất hoa thương phẩm, 200 m2 nhà nuôi cấy mô, 140m2 nhà kho và 1.000 m2 hệ thống nhà ươm cây sau in vitro.
- Địa điểm: Trạm thực nghiệm Thường Tín (Trung tâm giống cây trồng Hà Nội). Trạm sản xuất Thạch Thất, Trại Thực nghiệm Chương Mỹ và CGKT (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội).
6.2. Chủng loại: hoa Lan (Hồ Điệp, Catlaya, Lan cắt cành); Hồng, Lily, Đồng tiền.
6.3. Công nghệ: hệ thống nuôi cấy mô; hệ thống nhà lưới (có điều khiển nhiệt độ, tưới phun, …), nhà sơ chế, bảo quản.
7. Bảo tồn, phát triển một số giống hoa, cây cảnh quý hiếm, kinh tế cao:
7.1. Bảo tồn, phát triển một số giống hoa Lan:
- Xây dựng vườn hoa, thực hiện bảo tồn, khai thác và phát triển hoa Lan quý, có giá trị kinh tế cao để phục vụ nhu cầu của thị trường và công tác quản lý nhà nước trong bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp.
- Tổ chức bảo tồn có khai thác theo hình thức bảo tồn chuyển vị tại một số trang trại có đủ điều kiện.
7.2 Bảo tồn, phát triển Đào Nhật Tân và Quất Tứ Liên:
- Xây dựng mô hình sản xuất hoa Đào Nhật Tân và Quất Tứ Liên theo Dự án xây dựng Trung tâm giới thiệu hoa Đào và sản phẩm hoa Hà Nội tại quận Long Biên. Hướng dẫn và thực hiện bảo tồn, khai thác và phát triển hoa Đào Nhật Tân và quất Tứ Liên.
- Thu thập, sưu tầm, lưu giữ và phổ biến các kỹ thuật cổ truyền trong sản xuất đào Nhật Tân và quất Tứ Liên.
8. Tiêu thụ hoa, cây cảnh:
8.1. Khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức tiêu thụ:
- Hỗ trợ doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư vào xây dựng cơ sở bảo quản, thiết bị vận chuyển lạnh để tăng giá trị sản phẩm trong tiêu thụ.
- Hỗ trợ tiêu thụ thông qua hợp đồng, phấn đấu 30 - 50% sản lượng hoa trong vùng dự án sản xuất hoa tập trung được tiêu thụ thông qua hợp đồng.
8.2. Xây dựng thương hiệu; thông tin, tiếp thị và quảng bá sản phẩm:
- Xây dựng các thương hiệu sản phẩm mang tính đặc thù cho từng vùng. Hỗ trợ xây dựng và phát triển Thương hiệu. Hình thành và phát triển Thương hiệu cho 5 vùng sản xuất với 5 - 7 chủng loại hoa phổ thông và giá trị kinh tế cao.
- Tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm; Giới thiệu trên phương tiện thông tin đại chúng (truyền thanh, truyền hình, trên Web).
- Đào tạo, nâng cao trình độ tiếp thị cho hộ nông dân trồng hoa và các tổ chức kinh doanh hoa. Cần nâng cao vai trò của quản lý Nhà nước, của các tổ chức kinh tế Nhà nước trong quảng cáo, môi giới trong xuất khẩu.
- Tổ chức nghiên cứu và tiếp cận các thị trường mới, nhất là thị trường xuất khẩu để mở rộng thị trường cho hoa, cây cảnh của Hà Nội.
8.3. Xây dựng Trung tâm giới thiệu hoa Đào và sản phẩm hoa Hà Nội:
- Quy mô: đến 2016: 50 ha.
- Địa điểm: Quận Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề).
- Nội dung thực hiện: Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển hoa Đào Nhật Tân, Quất Tứ Liên quy mô là 20 ha. Bố trí 29 ha để hình thành khu sản xuất và trưng bày hoa chậu, hoa thảm và cây cảnh phục vụ trang trí đô thị. Hình thành khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Dự kiến diện tích khoảng 01 ha.
- Chủng loại hoa, cây cảnh chính: sản xuất, trưng bày và giới thiệu Hoa Đào Nhật Tân, Quất cảnh, các chủng loại hoa chậu, hoa thảm; trưng bày và giới thiệu sản phẩm hoa cắt cành của Thành phố.
9. Các giải pháp thực hiện:
9.1. Ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất hoa giá trị kinh tế cao:
- Hỗ trợ dồn điền, đổi thửa và đào tạo, tập huấn, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh. Hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm và phòng chống dịch bệnh nguy hiểm gây hại nặng cây trồng. Hỗ trợ thiết bị, máy cơ khí thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất. Hỗ trợ quảng bá, xây dựng nhãn hiệu, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Hỗ trợ vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Hỗ trợ giải phóng mặt bằng và nâng cấp, cải tạo hạ tầng. Hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư. Hỗ trợ 100% giống thời gian 01 năm đầu đối với hoa khai thác nhiều lần; 02 vụ đối với hoa khai thác 1 lần. Hỗ trợ 50% chi phí phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học. Thời gian hỗ trợ: 2 năm đầu.
- Áp dụng các quy định hiện hành để thực hiện nội dung:
+ Tăng cường năng lực quản lý nhà nước chuyên ngành. Hỗ trợ phát triển sản xuất quy mô hộ, trang trại.
+ Thu thập, lưu giữ các giống Lan bản địa quý, có giá trị kinh tế cao; giống và kỹ thuật sản xuất Đào Nhật Tân và xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phát triển nguồn gen này.
+ Hỗ trợ xây dựng và phát triển Thương hiệu nhưng không quá 70% kinh phí theo Dự án được phê duyệt thuộc các chương trình hàng năm của Thành phố. Hỗ trợ không quá 50% kinh phí lần đầu để giới thiệu sản phẩm, thông tin, tiếp thị và tiếp thị ngoài nước cho hộ nông dân trồng hoa và các tổ chức kinh doanh hoa theo định hướng xuất khẩu. Hỗ trợ tiêu thụ thông qua Hợp đồng với mức thưởng không quá 5% giá trị hợp đồng thực hiện theo các chương trình hàng năm của Thành phố. Mức hỗ trợ cụ thể theo quy định về sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế được phân bổ hàng năm và các quy định hiện hành khác.
9.2. Giải pháp tổ chức sản xuất:
- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư lập các Dự án điểm của Thành phố, gồm: 04 Dự án xây dựng 04 vùng sản xuất hoa giá trị kinh tế cao; 02 Dự án xây dựng Trung tâm trình diễn sản xuất hoa công nghệ cao.
- Giao UBND Quận Long Biên chủ trì, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, Thành phố hỗ trợ đầu tư để triển khai Dự án xây dựng Trung tâm giới thiệu hoa Đào và sản phẩm hoa Hà Nội.
- Những diện tích mở rộng sản xuất hoa, cây cảnh (60-80ha/năm), UBND các quận/huyện/thị xã chủ động bố trí sản xuất những chủng loại hoa phù hợp; triển khai các mô hình khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mở các lớp tập huấn ngắn hạn. Thuê chuyên gia tư vấn xây dựng phương án sản xuất và tiêu thụ hoa cụ thể và hướng dẫn kỹ thuật triển khai tại các vùng sản xuất.
- Vận động nông dân tham gia vào Hợp tác xã, Hiệp hội để tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Củng cố, hỗ trợ nâng cao vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác trong công tác điều hành, quản lý hộ, hợp tác với các tỉnh bạn để cùng phát triển sản xuất và nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các chủng loại hoa cảnh phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao nhằm hình thành khu sản xuất tập trung với quy mô hàng hóa. Gắn mô hình sản xuất hoa, cây cảnh hiệu quả kinh tế cao với thực hiện chương trình nông thôn mới ở mỗi xã.
- Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học trên địa bàn để xây dựng quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn cơ sở về hoa của Hà Nội để hướng dẫn thực hiện.
- Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học; bảo tồn và phát triển các giống hoa quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao.
9.3. Giải pháp thị trường:
- Tổ chức sản xuất gắn với doanh nghiệp để phát triển thị trường. Xây dựng các kênh tiêu thụ liên kết giữa người sản xuất và nhà phân phối cho hoa, cây cảnh. Đề xuất cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo hướng hợp đồng.
- Triển khai dự án Xây dựng Trung tâm giới thiệu hoa Đào và sản phẩm hoa Hà Nội để góp phần thúc đẩy tiêu thụ hoa, cây cảnh
- UBND các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm kinh doanh hoa, nhất là chợ đầu mối hoa hiện đại. Xây dựng thương hiệu. Xây dựng bộ tiêu chuẩn cụ thể để giới thiệu sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
9.4. Giải pháp huy động vốn:
- Ngân sách Thành phố, quận, huyện chủ động bố trí để triển khai thực hiện các nội dung theo tiến độ của Đề án.
- Vận động người nông dân bỏ vốn đầu tư cho sản xuất hoa. Cho vay từ Quỹ Khuyến nông với các phương án sản xuất hoa giá trị kinh tế cao.
- Vận dụng quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng.
III. DỰ KIẾN NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2012-2016.
Tổng vốn đầu tư thực hiện: 971.000 triệu đồng
Trong đó kinh phí từ Ngân sách Nhà nước dự kiến khoảng 29% chi hỗ trợ và được đầu tư theo chính sách quy định của Trung ương, Thành phố cho các nội dung:
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước.
- Đào tạo, tập huấn cho nông dân sản xuất hoa.
- Hỗ trợ mô hình hộ, trang trại sản xuất hoa giá trị kinh tế cao.
- Xây dựng các vùng sản xuất hoa có quy mô lớn.
- Xây dựng các trung tâm trình diễn sản xuất hoa công nghệ cao.
- Hỗ trợ bảo tồn, phát triển hoa quý, hiếm.
- Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh.
1. Hiệu quả kinh tế:
- Đến năm 2016 diện tích canh tác hoa, cây cảnh đạt 2.165 ha, chất lượng hoa được nâng cao, giá trị thu nhập có thể đạt 350-400 triệu đồng/ha/năm (tăng từ 30 -75 triệu đồng/ha/năm so với hiện nay). Các hộ tham gia trồng hoa, cây cảnh có mức tăng thu nhập từ 15-20% so với trước. Bình quân mỗi 1 ha sản xuất hoa sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 40 - 45 lao động, tương đương với việc sẽ có việc làm thường xuyên cho 90.000 - 100.000 lao động.
- Thay thế nhập khẩu và từng bước tham gia thị trường xuất khẩu hoa, dự kiến mức thu nhập hàng năm từ thay thế nhập khẩu và tham gia xuất khẩu hoa đạt đến 1.000.000 USD/năm.
2. Hiệu quả xã hội - môi trường:
- Các mô hình trở thành điểm trình diễn, hạt nhân để nhân rộng, từng bước cải tạo chất lượng hoa, khai thác được tiềm năng của nông nghiệp đô thị. Từng bước đưa sản xuất hoa, cây cảnh trở thành ngành sản xuất chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt, góp phần cải thiện đời sống người làm nghề nông, đưa nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng hoạt động đô thị sinh thái.
- Góp phần tạo cảnh quan môi trường, giảm đáng kể ảnh hưởng xấu của thuốc bảo vệ thực vật, rác thải độc hại trong sản xuất trồng trọt, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất hoa, cây cảnh, công tác bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp.
1. Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan chủ trì thực hiện):
- Xác định diện tích phát triển sản xuất hoa, cây cảnh của Hà Nội, giai đoạn 2011 - 2016 theo Quy hoạch phát triển nông nghiệp Thủ đô. Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm của Thành phố.
- Đề xuất kế hoạch điều chỉnh các mục tiêu, các nội dung và cơ chế hỗ trợ đầu tư trong quá trình triển khai Đề án, trình UBND Thành phố phê duyệt.
- Phối hợp thẩm định các dự án cải tạo hạ tầng và tổ chức sản xuất hoa, cây cảnh của các quận, huyện, thị xã và Thành phố.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các Sở Ngành có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, việc thực hiện Đề án. Chủ động triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Đề án.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt 4 Dự án: Xây dựng các vùng sản xuất quy mô hàng hóa các chủng loại hoa có giá trị kinh tế cao.
- Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp lập và triển khai các Dự án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh tại địa phương.
3. Sở Tài chính: Bố trí nguồn vốn để thực hiện các Dự án được phê duyệt từ nguồn vốn kinh phí sự nghiệp hàng năm.
4. Các Sở, ngành liên quan: Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục thuế Hà Nội: chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án theo chức năng, nhiệm vụ.
5. UBND các quận, huyện, thị xã:
- Triển khai có hiệu quả 4 Dự án: Xây dựng các vùng sản xuất quy mô hàng hóa các chủng loại hoa có giá trị kinh tế cao: bố trí mặt bằng sạch; phối hợp thực hiện quy hoạch nội vùng; thực hiện dồn điền đổi thửa; vận động nhân dân góp đất để xây dựng các công trình công cộng phục vụ sản xuất (không bố trí kinh phí hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng).
- Thực hiện tốt các mô hình hỗ trợ phát triển hộ, trang trại trồng hoa, công tác đào tạo, tập huấn. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lập, triển khai các dự án đầu tư phát triển sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn.
- Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở ngành liên quan lập, triển khai kế hoạch phát triển hoa, cây cảnh của địa phương. Lập Dự án đầu tư và triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất hoa, cây cảnh hiện có. Thực hiện dồn điền đổi thửa, quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình sau đầu tư. Cân đối, bố trí ngân sách hàng năm. Chỉ đạo, hỗ trợ phát triển sản xuất hoa, cây cảnh của các địa phương (ngoài vùng trọng điểm của Thành phố).
- Phối hợp, chỉ đạo các cấp, các đơn vị trực thuộc liên quan và người sản xuất thực hiện nội dung Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn đạt hiệu quả. Phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất, tiêu thụ hoa, cây cảnh với cơ quan thường trực và cơ quan chủ trì thực hiện Đề án để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
KẾT LUẬN
Tổ chức thực hiện thành công, có hiệu quả Đề án "Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2016" là góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nông dân, giảm dần khoảng cách thu nhập, hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị./.
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 3Quyết định 1081/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1259/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1126/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất nấm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2015
Quyết định 1120/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt "Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2016" do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 1120/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/03/2012
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Trần Xuân Việt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra