Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1114/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 08 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ: 1956/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, NĂM 2014

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Căn cứ Thông tư liên tịch số: 112/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của liên Bộ Tài Chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số: 128/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 9/8/2012 của liên Bộ Tài Chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Thông tư liên tịch số: 112/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của liên Bộ Tài Chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định số: 2483/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Danh mục nghề, mức chi hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề dưới ba tháng cho lao động nông thôn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số: 549/QĐ-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2011 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc điều chỉnh số giờ giảng dạy trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề dưới ba tháng quy định tại Quyết định số: 2483/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh Bắc Kạn;

Căn cứ Công văn số: 2100/TCDN-BQL ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn tổ chức thực hiện kinh phí năm 2014 được phân bổ cho các dự án dạy nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015;

Căn cứ Quyết định số: 297/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2014 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc giao kế hoạch nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số: 776/TTr-LĐTBXH ngày 01 tháng 7 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển nhân rộng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số: 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU

- Tập trung phát triển nhân rộng các mô hình dạy nghề đã thí điểm có hiệu quả do Tổng cục Dạy nghề đã triển khai trong những năm trước; đồng thời dạy nghề gắn với các doanh nghiệp, các làng nghề, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới, dạy nghề cho phụ nữ để phát triển kinh tế hộ gia đình.

- Đào tạo thông qua các mô hình dạy nghề gắn với việc làm cho 485 lao động nông thôn của các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ba Bể, Pác Nặm và thị xã Bắc Kạn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp thuần túy sang các ngành nghề phi nông nghiệp.

II. NỘI DUNG

1. Đối tượng tham gia và mức hỗ trợ đào tạo

1.1. Đối tượng tham gia

- Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học (nữ từ 16-55 tuổi, nam từ 16 - 60 tuổi), chưa được hỗ trợ học nghề theo các chính sách của nhà nước. Ưu tiên các đối với lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, lao động nữ.

- Lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập hộ nghèo.

- Lao động nông thôn khác có nhu cầu học nghề.

1.2. Mức hỗ trợ đào tạo

Theo quy định hiện hành.

2. Phát triển, nhân rộng các mô hình dạy nghề

2.1. Mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm cho lao động nông thôn, kết hợp phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm.

* Phương thức thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tổ chức dạy nghề cho lao động vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu sẵn có... Trong quá trình thực hiện có sự tham gia của các doanh nghiệp để thực hiện bao tiêu sản phẩm và tạo việc làm cho người lao động sau học nghề, cụ thể:

- Tổ chức 03 lớp Kỹ thuật chế biến, bảo quản chè cho 90 lao động.

+ Địa điểm tổ chức: Huyện Chợ Đồn.

+ Thời gian đào tạo: 01 tháng, thời gian thực học 22 ngày.

+ Đơn vị thực hiện: Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề huyện Chợ Đồn.

+ Kinh phí thực hiện: 74.700.000 đồng.

- Tổ chức 01 lớp đào tạo nghề chế biến miến dong cho 33 lao động nông thôn.

+ Địa điểm tổ chức: Huyện Na Rì.

+ Thời gian đào tạo: 01 tháng, thời gian thực học 22 ngày.

+ Đơn vị thực hiện: Trung tâm Dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

+ Kinh phí thực hiện: 27.390.000 đồng.

- Tổ chức 04 lớp đào tạo nghề Sản xuất phân vi sinh, sản xuất chất đốt từ bã củ dong riềng cho 120 lao động nông thôn.

+ Địa điểm tổ chức: Huyện Na Rì, Ba Bể, Pác Nặm.

+ Thời gian đào tạo: 02 tháng, thời gian thực học 44 ngày.

+ Đơn vị thực hiện: Trung tâm Dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

+ Kinh phí thực hiện: 199.200.000 đồng.

- Tổ chức 02 lớp đào tạo nghề Kỹ thuật chế biến gỗ cho 60 lao động nông thôn.

+ Địa điểm tổ chức: Huyện Chợ Đồn.

+ Thời gian đào tạo: 03 tháng, thời gian thực học 66 ngày.

+ Đơn vị thực hiện: Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề huyện Chợ Đồn.

+ Kinh phí thực hiện: 149.400.000 đồng.

2.2. Mô hình đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn để duy trì và phát triển các nghề truyền thống, nghề thế mạnh của địa phương.

* Phương thức thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với chính quyền các làng nghề dạy nghề cho lao động nông thôn. Người dạy nghề là nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao trực tiếp truyền nghề. Trong quá trình thực hiện có sự tham gia của các giáo viên của các cơ sở dạy nghề; cụ thể:

- Tổ chức 03 lớp đào tạo nghề dịch vụ du lịch cho 90 lao động nông thôn.

+ Địa điểm tổ chức: Huyện Chợ Đồn, Ba Bể.

+ Thời gian đào tạo: 03 tháng, thời gian thực học 66 ngày.

+ Đơn vị thực hiện: Trung tâm Dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

+ Kinh phí thực hiện: 197.100.000 đồng.

2.3. Mô hình đào tạo nghề nhằm phát triển các nghề phụ, các nghề dịch vụ để tạo việc làm cho lao động nông thôn

* Phương thức thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ sở dạy nghề ở địa phương tổ chức đào tạo các nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động. Trong quá trình thực hiện có sự tham gia của UBND huyện, các doanh nghiệp sử dụng lao động, các hợp tác xã; cụ thể:

- Tổ chức 01 lớp đào tạo nghề kỹ thuật xây dựng cho 30 lao động nông thôn.

+ Địa điểm tổ chức: Huyện Chợ Đồn.

+ Thời gian đào tạo: 03 tháng, thời gian thực học 66 ngày.

+ Đơn vị thực hiện: Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề huyện Chợ Đồn.

+ Kinh phí thực hiện: 74.700.000 đồng.

- Tổ chức 01 lớp đào tạo nghề Sản xuất bún phở khô cho 32 lao động nông thôn.

+ Địa điểm tổ chức: Huyện Chợ Mới.

+ Thời gian đào tạo: 02 tháng, thời gian thực học 44 ngày.

+ Đơn vị thực hiện: Trung tâm Dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

+ Kinh phí thực hiện: 52.810.000 đồng.

- Tổ chức 01 lớp đào tạo nghề Kỹ thuật tóc và chăm sóc da mặt cho 30 lao động nông thôn.

+ Địa điểm tổ chức: Thị xã Bắc Kạn.

+ Thời gian đào tạo: 03 tháng, thời gian thực học 66 ngày.

+ Đơn vị thực hiện: Trung tâm Dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

+ Kinh phí thực hiện: 74.700.000 đồng.

3. Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện: 850.000.000 đ (Tám trăm năm mươi triệu đồng).

Từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề đã giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Quyết định số: 297/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

4. Thời hạn thực hiện: Năm 2014.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương liên quan, các cơ sở dạy nghề tổ chức tuyển sinh đảm bảo đủ số lượng, đúng đối tượng, xây dựng mô hình có hiệu quả; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ đào tạo theo đúng quy định hiện hành.

- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc chỉ đạo, triển khai phát triển nhân rộng mô hình dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

- Tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả thực hiện theo quy định.

2. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng lớp. Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn có lớp học nghề tổ chức dạy nghề, nhân rộng các mô hình dạy nghề đảm bảo hiệu quả.

3. UBND các huyện: Na Rì, Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể, Pác Nặm và thị xã Bắc Kạn

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành thuộc địa bàn quản lý và lao động nông thôn về học nghề, gắn với việc thực hiện Chương trình nông thôn mới tại địa phương.

- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ sở dạy nghề được giao kinh phí để tổ chức nhân rộng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đảm bảo hiệu quả; rà soát, đối chiếu và xác nhận danh sách người lao động tham gia các mô hình dạy nghề trên địa bàn; phối hợp với các Phòng, Ban chuyên môn thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động của mô hình dạy nghề; tổng hợp kết quả báo cáo theo quy định.

- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn:

+ Cử cán bộ tham gia quản lý và kiểm tra giám sát các mô hình dạy nghề tổ chức trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng phổ biến các chính sách, quy định của nhà nước về dạy nghề; cung cấp các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các thông tin về nghề đào tạo, điều kiện của nghề học, địa chỉ nơi làm việc sau khi học.

+ Thống kê số lao động nông thôn có nhu cầu thực tế cần học nghề trên địa bàn xã; nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; tuyên truyền, tư vấn cho lao động nông thôn lựa chọn nghề học phù hợp.

+ Xác nhận vào đơn xin học nghề của người lao động nông thôn trong xã về đối tượng theo quy định và các điều kiện để làm việc theo nghề đăng ký học.

+ Tạo điều kiện cho người học nghề tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng tại địa phương theo quy định; giúp người lao động tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc giải quyết việc làm sau học nghề.

+ Lập danh sách theo dõi, thống kê số người đã học nghề, số người có việc làm theo từng hình thức, số hộ thoát nghèo, số hộ trở thành hộ khá, số người chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ sau khi học nghề trên địa bàn xã. Thực hiện báo cáo theo quy định.

4. Các cơ sở đào tạo nghề được giao kinh phí tổ chức nhân rộng mô hình dạy nghề

- Tổ chức thực hiện nhân rộng mô hình đảm bảo các yêu cầu theo Kế hoạch được giao.

- Tổ chức quản lý mô hình đảm bảo thời gian và chất lượng học tập của người học nghề; đồng thời bố trí các điều kiện về giáo viên dạy nghề, địa điểm tổ chức, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị... để phục vụ đào tạo.

- Xây dựng kế hoạch, thời gian đào tạo của từng mô hình đào tạo, thông báo về Sở Lao động Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã trước khi tổ chức đào tạo.

- Sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng hiệu quả, không để thất thoát, tập hợp, lưu trữ và quản lý chứng từ thanh toán theo chế độ kế toán hiện hành; chịu trách nhiệm và tính hợp pháp, hợp lý của các chứng từ, đồng thời thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện Na Rì, Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể, Pác Nặm và thị xã Bắc Kạn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Triệu Đức Lân

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1114/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch phát triển nhân rộng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg do tỉnh Bắc Kạn ban hành

  • Số hiệu: 1114/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Triệu Đức Lân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản