Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1114/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 17 tháng 5 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC CHI BỒI DƯỠNG LÀM THÊM GIỜ, BỒI DƯỠNG CÔNG TÁC KIÊM NHIỆM CỦA CÁ NHÂN THAM GIA ĐIỀU TRA, BẮT GIỮ, QUẢN LÝ, XỬ LÝ TÀI SẢN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư số 12/2010/TT-BTC ngày 20 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 100/TTr-STC ngày 29 tháng 4 năm 2010 về việc sửa đổi, thay thế Quyết định số 1993/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2005 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc quy định mức chi bồi dưỡng làm thêm giờ, bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm của cá nhân tham gia điều tra, bắt giữ, quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức chi bồi dưỡng làm thêm giờ, bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm của cá nhân tham gia điều tra, bắt giữ, quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính theo hình thức khoán từng vụ như sau (bao gồm xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng và các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khác; trừ tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả):

- Được sử dụng không quá 15% trên tổng số tiền thu được từ việc bán tài sản tịch thu sung công quỹ để chi bồi dưỡng làm thêm giờ, bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm của các cá nhân tham gia điều tra, bắt giữ, quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước. Mức chi cụ thể cho mỗi cá nhân tối đa không quá 200.000 đồng/người/vụ; trường hợp trong một tháng xử lý nhiều vụ (trên 3 vụ) thì mức chi tối đa không quá 600.000 đồng/người/tháng.

- Được chi trước khi nộp ngân sách nhà nước.

- Cơ quan tài chính các cấp căn cứ vào quy định nêu trên và đề nghị của các cơ quan, tổ chức tham gia quản lý, xử lý tài sản để chi trả.

Điều 2. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tài chính triển khai, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Những nội dung có liên quan đến việc xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính (trừ tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả) không được đề cập tại Quyết định này được thực hiện theo Thông tư số 12/2010/TT-BTC ngày 20 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính.

Quyết định này thay cho Quyết định số 1993/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2005 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc quy định mức chi bồi dưỡng làm thêm giờ, bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm của cá nhân tham gia điều tra, bắt giữ, quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cùng các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Nam