BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2004/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2004 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH NHỰA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 5435BKH/TĐ&GSĐT ngày 05 tháng 9 năm 2003) và của các Bộ, ngành có liên quan góp ý về Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2010;
Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2010 (Công văn số 1659/CP-CN ngày 01 tháng 12 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ) ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Tiêu dùng và Thực phẩm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2010 với những nội dung chính sau đây:
1. Mục tiêu
Phát triển ngành Nhựa Việt Nam thành một ngành kinh tế mạnh. Sử dụng tối đa nguyên liệu sản xuất trong nước, sử dụng công nghệ vật liệu mới, phát triển sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hoá về chủng loại, mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng sản lượng xuất khẩu, tăng nguồn thu cho ngân sách, hội nhập vững chắc vào kinh tế khu vực và thế giới.
Các công ty nhựa thuộc sở hữu nhà nước mà nòng cốt là Công ty Nhựa Việt Nam được giao trách nhiệm thực hiện các chương trình sản xuất nguyên liệu; chương trình sản xuất thiết bị khuôn mẫu, nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới, đào tạo công nhân kỹ thuật cho ngành.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất các sản phẩm nhựa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
2. Định hướng phát triển
a)Về công nghệ, thiết bị: Ứng dụng công nghệ hiện đại, từng bước thay thế thiết bị hiện có bằng thiết bị tiên tiến, hiện đại của thế giới, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng, an toàn, vệ sinh, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường theo quy định của Việt Nam và quốc tế để sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và trên thế giới
b) Về đầu tư: Tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên liệu, bán thành phẩm, hoá chất, phụ gia, khuôn mẫu, thiết bị cho ngành nhựa, các nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa có công suất lớn, ứng dụng công nghệ và thiết bị hiện đại, đồng thời tiến hành đầu tư mở rộng năng lực của một số nhà máy hiện có. Đa dạng hoá hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, khuyến khích huy động nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế, đẩy mạnh việc cổ phần hoá đối với những doanh nghiệp nhà nước trong ngành.
Thực hiện 3 chương trình đầu tư trọng điểm của ngành Nhựa Việt Nam bao gồm:
- Phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa.
- Phát triển sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao và sản phẩm nhựa xuất khẩu.
- Phát triển công nghiệp xử lý phế liệu, phế thải ngành nhựa.
Tương ứng với 3 chương trình đầu tư trọng điểm của ngành Nhựa Việt Nam là 9 lĩnh vực khuyến khích đầu tư (Phụ lục 1).
c) Về nghiên cứu khoa học và đào tạo:
Quy hoạch và xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu để triển khai thực nghiệm gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất; đồng thời quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.
d) Về thu gom, xử lý phế thải bảo vệ môi trường: Thành lập mạng lưới để tổ chức thu gom, phân loại phế thải nhựa, xử lý để tái sử dụng, bảo vệ môi trường.
3. Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Tốc độ tăng trưởng của ngành Nhựa giai đoạn 2001-2005 đạt 18%/năm; giai đoạn 2006-2010 đạt 15%/năm.
- Cân đối theo vùng lãnh thổ: Bắc - Trung - Nam với tỷ lệ tương ứng đến năm 2005: 26 - 5 - 69; năm 2010: 31 - 9 - 60.
- Tiêu thụ bình quân đầu người năm 2005: 20 kg/người; năm 2010: 40kg/người.
- Nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước năm 2005: đáp ứng 30% nhu cầu khoảng 560.000 tấn; năm 2010: đáp ứng 50% nhu cầu khoảng 1.560.000 tấn.
a) Chỉ tiêu sản lượng:
Về nguyên liệu, bán thành phẩm, hoá chất, phụ gia (tấn/năm):
TT | NGUYÊN LIỆU | 2005 | 2010 |
1 | Bột PVC | 300.000 | 500.000 |
2 | Hạt PP | 150.000 | 450.000 |
3 | Hạt PE |
| 450.000 |
4 | Màng BOPP | 20.000 | 40.000 |
5 | Hoá dẻo DOP | 30.000 | 60.000 |
6 | Hạt PS | 60.000 | 60.000 |
| Tổng cộng | 560.000 | 1.560.000 |
- Thiết bị khuôn mẫu :
Đến năm 2005 : 60.000 bộ/năm
Đến năm 2010 .132.000 bộ/năm.
- Các sản phẩm chủ yếu( tấn /năm ):
SẢN PHẨM | 2000 | 2005 | 2010 |
Sản xuất bao bì | 360.000 | 800.000 | 1.600.000 |
Sản xuất vật liệu xây dựng | 170.000 | 400.000 | 900.000 |
Sản xuất sản phẩm nhựa gia dụng | 300.000 | 550.000 | 900.000 |
Sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật cao | 120.000 | 350.000 | 800.000 |
Tổng cộng | 950.000 | 2.100.000 | 4.200.000 |
- Về xử lý phế thải nhựa :
Năm 2005 :
Xây dựng nhà máy xử lý phế thải từ nhựa công suất 50.000 tấn/năm.
Năm 2010 :
Xây dựng nhà máy xử lý phế thải từ nhựa công suất 200.000 tấn/năm.
b) Chỉ tiêu về nhu cầu vốn đầu tư (tỷ đồng):
TT | NHU CẦU VỐN | 2005 | 2010 |
1 | Các Nhà máy sản xuất nguyên liệu, phụ gia | 3.007 | 16.337 |
2 | Các Nhà máy sản xuất thiết bị khuôn mẫu | 1.472 | 4.448 |
3 | Các Nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa | 16.430 | 30.349 |
| Tổng | 20.909 | 51.134 |
Điều 2. Các chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch
1.Về thị trường:
Các doanh nghiệp khẩn trương đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, mẫu mã và chất lượng sản phẩm của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo hộ. Tổ chức tốt việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm trong nước, phối hợp với Hiệp hội Nhựa và Phòng thương mại Việt Nam tổ chức xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu.
2. Về đầu tư:
Gắn công nghiệp sản xuất nguyên liệu ngành Nhựa với công nghiệp hoá dầu. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hoá chất Việt Nam phối hợp các doanh nghiệp ngành nhựa đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên liệu ngành Nhựa, đảm bảo chất lượng, ổn định nguồn cung cấp trong nước, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm nhựa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế và đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất các sản phẩm nêu trên.
Các doanh nghiệp thực hiện đầu tư chương trình trọng điểm (phụ lục I) và các dự án thực hiện di dời ra khỏi thành phố được hưởng chế độ ưu đãi của địa phương về miễn tiền thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào nhà máy và được sử dụng kinh phí với mức tối đa do chuyển quyền sử dụng đất để đầu tư mới.
3. Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ:
Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các viện, trung tâm nghiên cứu chất dẻo và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nhựa.
Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp nghiên cứu sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới, đặc biệt nghiên cứu sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu.
Chú trọng đào tạo các nghề mới phục vụ cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao. Các cơ sở sản xuất tự tổ chức đào tạo tại chỗ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo cho cơ sở.
4. Về huy động vốn:
Vốn ngân sách, vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước tập trung cho các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển ngành; hạ tầng ngoài hàng rào nhà máy; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành kể cả bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật; nghiên cứu khoa học công nghệ; xúc tiến thương mại.
Thu hút các nguồn vốn trong dân cư, vốn cổ phần hoá, bán cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán, vốn đầu tư nước ngoài bao gồm cả vốn ODA; quĩ môi trường, các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức phi Chính phủ để đầu tư các dự án xử lý môi trường.
1. Bộ Công nghiệp:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng lộ trình cổ phần hoá; xác định danh mục các doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối đối với ngành nhựa; đồng thời chỉ đạo thực hiện tổ chức sắp xếp lại các cơ sở gia công nhựa hiện có.
b) Tổ chức triển khai Quy hoạch phát triển ngành Nhựa chi tiết theo nhóm sản phẩm.
c) Phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan ban hành văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm nhựa.
d) Căn cứ vào mục tiêu và chỉ tiêu trong Quy hoạch ngành, chỉ đạo thực hiện, tổ chức đánh giá định kỳ việc thực hiện qui hoạch và đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của cả nước.
2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quĩ Hỗ trợ phát triển theo chức năng của mình, phối hợp với Bộ Công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch đã được phê duyệt.
3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất nhựa của địa phương thực hiện theo đúng mục tiêu, định hướng phát triển ngành. Thông qua hệ thống quỹ khuyến công và các chính sách của địa phương khuyến khích phát triển các cơ sở nhựa theo quy hoạch chi tiết ở địa phương. Chú trọng phát triển cân đối theo khu vực; tăng thêm việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động.
b) Chuyển các nhà máy nhựa trong nội đô vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hình thành các khu công nghiệp nhựa tập trung: Mỹ Hào (Hưng Yên); Bình An (Bình Dương); Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh).
4. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hoá chất Việt Nam:
Kết hợp Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nhựa Việt Nam với Quy hoạch tổng thể của ngành Dầu khí và ngành Hoá chất Việt Nam trong đó tập trung thực hiện các chương trình trọng điểm sản xuất nguyên liệu nhựa.
5. Công ty Nhựa Việt Nam và Hiệp Hội Nhựa Việt Nam:
Công ty Nhựa Việt Nam là đơn vị nòng cốt tập trung thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm của ngành như các nhà máy sản xuất nguyên, phụ liệu, đồng thời có trách nhiệm chủ trì phối hợp, trong việc thực hiện các dự án trọng điểm liên quan đến ngành Dầu khí và Hoá chất để tăng cường trách nhiệm, phát huy hiệu quả đầu tư trong chương trình đầu tư xây dựng và phát triển sản xuất nguyên liệu cho ngành Nhựa Việt Nam.
Hiệp Hội Nhựa Việt Nam là đầu mối tập trung các doanh nghiệp mạnh trong ngành nhựa thực hiện các dự án chế tạo thiết bị khuôn mẫu, các sản phẩm kỹ thuật cao, các công trình xử lý phế liệu, tạo cơ sở vật chất vững chắc cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển, là uỷ viên thường trực của Ban triển khai Quy hoạch chi tiết theo nhóm sản phẩm, cung cấp thông tin và chỉ đạo thực hiện tổ chức sắp xếp lại các cơ sở gia công nhựa hiện có theo quy hoạch chung, phát huy vai trò là cầu nối giữa các cơ quan của Chính phủ và doanh nghiệp.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, các Tổng giám đốc: Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hoá chất Việt Nam và Công ty Nhựa Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP |
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
|
ĐẦU TƯ TRỌNG ĐIỂM CỦA NGÀNH NHỰA
(Ban hành kèm theo Quyết định số.../2004/QĐ-BCN ngày tháng năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
TT | Chương trình trọng điểm | Lĩnh vực đầu tư |
1 | Sản xuất nguyên liệu | Các dự án sản xuất nguyên liệu nhựa. |
2 | Sản xuất nguyên liệu | Các dự án sản xuất phụ gia, hoá chất ngành nhựa. |
3 | Sản phẩm chất lượng cao, thay thế hàng nhập khẩu | Các dự án sản xuất bán thành phẩm nhựa màng, tấm, phiến,... |
4 | - Như trên - | Các dự án sản xuất khuôn mẫu, trục in, thiết bị và phụ tùng thiết bị ngành nhựa. |
5 | - Như trên- | Các dự án sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng nguyên liệu mới, công nghệ mới. |
6 | - Như trên - | Các dự án sản xuất sản phẩm nhựa là vật liệu mới cho xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng. |
7 | Sản phẩm xuất khẩu | Các dự án sản xuất sản phẩm nhựa xuất khẩu. |
8 | Xử lý phế liệu | Các dự án xử lý phế liệu, phế thải từ công nghiệp thượng nguồn ngành nhựa. |
9 | Xử lý phế liệu | Các dự án xử lý phế liệu, phế thải từ công nghiệp hạ nguồn ngành nhựa. |
CÁC DỰ ÁN NGUYÊN LIỆU VÀ BÁN THÀNH PHẨM NGÀNH NHỰA GIAI ĐOẠN 2001-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số.../2004/QĐ-BCN ngày tháng năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
Tên dự án | Địa điểm | 2005 | 2010 | ||
Công suất (tấn/n) | Tổng vốn (triệu USD) | Công suất (tấn/n) | Tổng vốn (triệu USD) | ||
Nhà máy sản xuất BOPP 1 | Phía Bắc | 12.000 | 20 | 20.000 | 20 |
Nhà máy sản xuất BOPP2 | Phía Nam | 28.000 | 30 | 20.000 | 20 |
Nhà máy sản xuất PP1 | Dung Quất |
|
| 150.000 | 99 |
Nhà máy sản xuất PP2 | Nghi Sơn |
|
| 300.000 | 157 |
Nhà máy sản xuất PVC1 mở rộng | Đồng Nai | 120.000 | 45 |
|
|
Nhà máy sản xuất PVC2 | Vũng Tàu | 100.000 | 80 |
|
|
Nhà máy sản xuất PVC3 | Vũng Tàu |
|
| 200.000 | 147 |
Nhà máy sản xuất PS1 | Nghi Sơn | 60.000 | 43 |
|
|
Nhà máy sản xuất PS1 | Phía Nam |
|
| 60.000 | 43 |
Nhà máy sản xuất PE |
|
|
| 450.000 | 235 |
Tổng cộng |
| 320.000 | 218 | 1.200.000 | 721 |
BẢNG TỔNG HỢP NHỮNG DỰ ÁN ĐẦU TƯ SẢN PHẨM NHỰA GIAI ĐOẠN 2001 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2004/QĐ-BCN ngày tháng năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
Dự án đầu tư cho các nhóm sản phẩm
| Tổng công suất (tấn) | Vốn (triệu USD) | ||
2001-2005 | 2006-2010 | 2001-2005 | 2006-2010 | |
1. Đầu tư mới |
|
|
|
|
Bao bì | 310 | 560 | 372 | 672 |
Vật liệu xây dựng | 160 | 350 | 128 | 280 |
Gia dụng | 180 | 250 | 144 | 200 |
Kỹ thuật cao | 160 | 320 | 240 | 480 |
Cộng | 810 | 1.480 | 884 | 1.632 |
2. Đầu tư chiều sâu |
|
|
|
|
Bao bì | 130 | 240 | 74 | 134 |
Vật liệu xây dựng | 70 | 150 | 25 | 56 |
Gia dụng | 70 | 100 | 29 | 40 |
Kỹ thuật cao | 70 | 130 | 48 | 96 |
Cộng đầu tư chiều sâu | 340 | 620 | 176 | 326 |
Tổng cộng (1+ 2) | 1.150 | 2.100 | 1.060 | 1.958 |
Quyết định 11/2004/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- Số hiệu: 11/2004/QĐ-BCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/02/2004
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 16
- Ngày hiệu lực: 15/03/2004
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực