Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2001/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 11/2001/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 16 THÁNG 04 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUI CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG BỘ MÔN

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Cán bộ và ông Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản "Qui chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng bộ môn".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng các đơn vị hữu quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Văn Trọng

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG BỘ MÔN
(Ban hành theo Quyết định số 11/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 16 tháng 4 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chương 1

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG BỘ MÔN

Điều 1. Chức năng:

Hội đồng bộ môn là tổ chức tư vấn về chuyên môn, có chức năng đóng góp ý kiến, phát hiện, đề xuất và kiến nghị với Bộ trưởng các vấn đề có liên quan đến nội dung và phương pháp giảng dạy bộ môn ở các bậc học, cấp học thuộc giáo dục phổ thông.

Điều 2. Nhiệm vụ:

1) Tham gia thẩm định chương trình của môn học, nhằm đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, tính hệ thống và tính thống nhất của môn học trong các bậc học phổ thông cũng như trong mối quan hệ với các môn học và các bậc học khác.

2) Tham gia giới thiệu tác giả viết sách giáo khoa, tham gia thẩm định sách giáo khoa, sách hướng dẫn giảng dạy môn học cũng như các mẫu đồ dùng dạy học.

3) Tham gia nhận xét về các công trình, các đề tài nghiên cứu về đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn sẽ được áp dụng trong các trường phổ thông.

4) Phát hiện và đề xuất các vấn đề có liên quan đến nội dung, phương pháp giảng dạy bộ môn trong trường phổ thông.

Điều 3. Quyền hạn:

1) Đề xuất và kiến nghị với Bộ trưởng các biện pháp đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm và tính thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc giảng dạy môn học ở trường phổ thông.

2) Được các đơn vị hữu quan trong Bộ cung cấp các thông tin và tài liệu cần thiết cho hoạt động cuả Hội đồng.

3) Được thăm lớp, dự giờ môn học ở các trường phổ thông và tham dự các hội thảo về nội dung và phương pháp giảng dạy bộ môn khi cần thiết.

Chương 2

TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG BỘ MÔN

Điều 4. Hội đồng bộ môn được tổ chức theo từng môn học ở trường phổ thông.

Điều 5. Thành phần Hội đồng bộ môn gồm có:

- Chủ tịch Hội đồng

- Phó Chủ tịch Hội đồng

- Thư ký Hội đồng

- Các Uỷ viên Hội đồng.

Tổng số thành viên Hội đồng gồm từ 5 đến 21 người (tuỳ theo yêu cầu của bộ môn). Thường trực Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký. Các thành viên của Hội đồng do Bộ trưởng quyết định.

Điều 6. Nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng bộ môn:

1) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên của Hội đồng; chuẩn bị chương trình và nội dung các phiên họp của Hội đồng.

2) Triệu tập họp Hội đồng hay Thường trực Hội đồng và quyết định việc mời các cộng tác viên đến dự họp khi cần thiết.

3) Giải quyết những công việc có liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trong thời gian giữa hai kỳ họp.

4) Thông qua các báo cáo, biên bản, kiến nghị của Hội đồng sau mỗi phiên họp.

Điều 7. Nhiệm vụ của Phó Chủ tịch Hội đồng bộ môn:

Phó Chủ tịch Hội đồng bộ môn chịu trách nhiệm về phần công việc do Chủ tịch phân công, thay mặt Chủ tịch điều hành và giải quyết công việc của Hội đồng khi Chủ tịch vắng mặt.

Điều 8. Nhiệm vụ của Thư ký Hội đồng bộ môn:

1) Giúp Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng chuẩn bị nội dung, chương trình và điều kiện làm việc cho các kỳ họp của Hội đồng.

2) Ghi chép đầy đủ và trung thành các ý kiến phát biểu tại các cuộc họp của Hội đồng, lập biên bản, viết báo cáo và kiến nghị của Hội đồng để Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng thông qua.

3) Đảm bảo mối liên hệ thường xuyên giữa Bộ và Hội đồng, giữa Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên trong công tác chung của Hội đồng và mối quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan.

Điều 9. Các thành viên của Hội đồng bộ môn:

1- Các thành viên của Hội đồng bộ môn bao gồm:

a) Các chuyên gia trong ngành, được lựa chọn trong cơ quan Bộ, trong các viện, các trường trực thuộc Bộ, trong số giáo viên giỏi hoặc cán bộ chỉ đạo giỏi ở cơ sở.

b) Tuỳ theo nhu cầu công tác, Bộ trưởng có thể mời một số chuyên gia của các cơ quan ngoài ngành Giáo dục và Đào tạo làm thành viên của Hội đồng, nhưng không vượt quá 1/4 tổng số thành viên của Hội đồng.

2- Việc lựa chọn các thành viên của Hội đồng cần đảm bảo các yêu cầu về trình độ, năng lực (khoa học và sư phạm), tư cách đạo đức và uy tín cần thiết; am hiểu thực tế phổ thông và có điều kiện sức khoẻ để tham gia các hoạt động của Hội đồng.

3- Các thành viên của Hội đồng bộ môn có nhiệm vụ tham gia vào việc thực hiện chức năng, nhiêmụ vụ và quyền hạn của Hội đồng bộ môn theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng.

Điều 10. Nhiệm kỳ của Hội đồng bộ môn:

Nhiệm kỳ của Hội đồng bộ môn tối đa là 3 năm. Trong nhiệm kỳ của Hội đồng, các thành viên khuyết được bổ sung theo yêu cầu và nhiệm vụ được giao; các thành viên không thực hiện được nhiệm vụ do Hội đồng giao sẽ được Hội nghị toàn thể của Hội đồng đề nghị và Bộ trưởng quyết định miễn nhiệm.

Chương 3

LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG BỘ MÔN

Điều 11. Định kỳ họp:

Hội đồng họp định kỳ mỗi năm 2 lần (cuối quý II và quý IV hằng năm) do Chủ tịch Hội đồng triệu tập và có thể họp bất thường theo yêu cầu của Bộ trưởng.

Điều 12. Nội dung họp (định kỳ hoặc bất thường):

1) Kiểm điểm công việc giữa hai kỳ họp và đề ra nội dung hoạt động cho đến kỳ họp tiếp sau.

2) Giải quyết những công việc được Bộ trưởng giao đột xuất (trong kỳ họp bất thường).

3) Phát hiện, đề xuất và kiến nghị với Bộ trưởng về những vấn đề có liên quan đến chất lượng dạy và học bộ môn.

4) Thông tin về khoa học giáo dục có liên quan đến nhiệm vụ của Hội đồng.

Điều 13: Trường hợp không thể tổ chức họp được, Chủ tịch Hội đồng bộ môn có thể gửi xin ý kiến của các Uỷ viên Hội đồng về các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của Hội đồng.

Chương 4

ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG BỘ MÔN

Điều 14. Kinh phí:

Nguồn tài chính đảm bảo cho hoạt động của các Hội đồng bộ môn được bố trí trong dự toán kinh phí quản lý nhà nước của cơ quan Bộ do ngân sách nhà nước cấp và được sử dụng cho những nội dung chi sau:

1) Chi thù lao lao động kiêm nhiệm, bồi dưỡng báo cáo viên và cộng tác viên.

2) Chi phí cho việc tổ chức lấy ý kiến chuyên gia.

3) Chi phí về văn phòng phẩm, công tác phí và hội nghị phí.

Việc chi tiêu, thanh quyết toán kinh phí của Hội đồng bộ môn được thực hiện theo các chế độ, tiêu chuẩn, định mức và quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 15. Phương tiện làm việc:

1) Viện Khoa học giáo dục, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức biên soạn sách giáo khoa và Nhà xuất bản Giáo dục có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và kịp thời các tài liệu về chương trình và sách giáo khoa hiện hành cho các Hội đồng bộ môn để phục vụ cho các hoạt động của Hội đồng.

2) Văn phòng Bộ có trách nhiệm bố trí các điều kiện làm việc cần thiết khác cho các kỳ họp của Hội đồng bộ môn.

Chương 5

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 11/2001/QĐ-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng bộ môn do Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 11/2001/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/04/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Văn Vọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: 01/05/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 14/06/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản