Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1070/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 23 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT TIẾN ĐỘ, CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG, GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng & CL CTGT,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình xây dựng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông” do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02/5/2013.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; Các Vụ trực thuộc Bộ; Các Cục, Tổng cục quản lý chuyên ngành; Các sở Giao thông vận tải; Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ; Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ trưởng Đinh La Thăng;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, ngành;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Website Bộ GTVT;
- Lưu VT, CQLXD (10b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Đông

 

QUY ĐỊNH

VỀ KIỂM TRA, KIẾM SOÁT TIẾN ĐỘ, CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1070/QĐ-BGTVT ngày 23/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, áp dụng

Văn bản này quy định về công tác kiểm tra, kiểm soát tiến độ và chất lượng công trình xây dựng trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông do Bộ GTVT quản lý: Các dự án Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án; Các dự án Bộ GTVT là cấp quyết định đầu tư và các Cục, Tổng cục quản lý chuyên ngành, các Sở GTVT, Tổng công ty, ban quản lý dự án là chủ đầu tư dự án; Các dự án do các Cục, Tổng cục quản lý chuyên ngành, các Sở GTVT là cấp quyết định đầu tư dự án, là chủ đầu tư dự án hoặc ban quản lý dự án là chủ đầu tư dự án. Cụ thể gồm các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không.

Quy định này áp dụng thống nhất đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông do Bộ GTVT Quản lý. Trường hợp dự án thực hiện theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc thực hiện theo hiệp định, hợp đồng đã ký với tổ chức quốc tế có quy định khác với Quy định này thì áp dụng theo các quy định tại Điều ước quốc tế, hiệp định, hợp đồng đó.

Trường hợp chủ đầu tư ủy quyền quản lý thực hiện dự án cho ban quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án thì ban quản lý dự án hoặc tư vấn quản lý dự án có trách nhiệm thực hiện các nội dung của Quy định này; Chủ đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện của ban quản lý dự án hoặc tư vấn quản lý dự án. Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật theo nhiệm vụ và quyền hạn được chủ đầu tư ủy quyền; Tư vấn quản lý dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về thực hiện các cam kết trong hợp đồng.

Chương 2.

NỘI DUNG KIỂM TRA, KIỂM SOÁT TRONG QUÁ TRÌNH THI CÔNG CỦA CÁC CHỦ THỂ THAM GIA DỰ ẢN

Điều 2. Kiểm tra, kiểm soát của chủ đầu tư

1. Trước khi thi công gói thầu, công trình, chủ đầu tư phải kiểm tra: Các điều kiện khởi công công trình, đặc biệt về kế hoạch huy động tài chính của nhà thầu theo hợp đồng; Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm:

a) Kiểm tra về nhân lực, thiết bị thi công của nhà thầu đưa vào công trường:

- Về nhân lực: Sự phù hợp về số lượng, trình độ chuyên môn theo văn bằng, chứng chỉ của đội ngũ cán bộ của ban điều hành, các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật được huy động đến công trường so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, đặc biệt đối với các cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật chủ chốt như giám đốc điều hành, chỉ huy trưởng công trường, trưởng các bộ phận tham gia dự án, gói thầu, công trình. Mọi thay đổi nhân sự theo quy định hợp đồng nhà thầu phải báo cáo để chủ đầu tư xem xét, chấp thuận.

- Về thiết bị: Sự phù hợp về số lượng, chủng loại của máy móc, thiết bị được huy động đến công trường so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng; Giấy đăng kiểm, giấy phép sử dụng các máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu an toàn phục vụ thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật.

b) Kiểm tra hệ thống quản lý tiến độ, chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình:

- Hệ thống quản lý tiến độ, chất lượng của nhà thầu từ cấp lãnh đạo đến các phòng ban, bộ phận nghiệp vụ chuyên môn, phù hợp với yêu cầu, tính chất, qui mô dự án, gói thầu, công trình xây dựng;

- Bảng tiến độ thi công tổng thể phù hợp với tiến độ hợp đồng; Tiến độ thi công chi tiết các công trình, hạng mục công trình phù hợp với tiến độ thi công tổng thể. Kế hoạch kiểm soát tiến độ thi công của nhà thầu, trong đó quy định cụ thể việc cập nhật tiến độ thi công thực tế hiện trường và các giải pháp điều chỉnh kịp thời đảm bảo khắc phục phần khối lượng thi công chậm;

- Hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu trên công trường: Sơ đồ tổ chức các bộ phận và các quy định cụ thể về chức trách, nhiệm vụ của từng cá nhân trong việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng xây dựng công trình;

- Kế hoạch và phương thức kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình trong quá trình thi công, bao gồm:

+ Kiểm soát tiến độ cung cấp máy móc, thiết bị, vật tư phù hợp tiến độ thi công chi tiết các hạng mục, công trình;

+ Kiểm soát chất lượng vật liệu, vật tư, thiết bị sử dụng cho công trình: Kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác hàng hóa của các loại thiết bị, vật liệu, vật tư theo quy định trong hồ sơ mời thầu; Kiểm tra sự phù hợp về chất lượng theo quy định của thiết kế và quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho dự án, công trình;

+ Kế hoạch tổ chức thí nghiệm, kiểm định chất lượng, đo đạc, quan trắc các thông số kỹ thuật của từng bộ phận, hạng mục công trình và công trình theo yêu cầu thiết kế;

+ Phương thức giám sát, quản lý chất lượng nội bộ và tổ chức nghiệm thu nội bộ: Phân công cụ thể trách nhiệm và nội dung giám sát đối với từng tổ, đội thi công; Trình tự thủ tục kiểm tra nội bộ hoặc nghiệm thu nội bộ với các biểu mẫu, biên bản nghiệm thu chi tiết hoặc văn bản cam kết về sự phù hợp về chất lượng; Yêu cầu về hồ sơ, tài liệu báo cáo giám sát chất lượng thi công của các bộ phận chuyên trách kiểm tra, kiểm soát chất lượng của nhà thầu.

c) Kiểm tra phòng thí nghiệm và các cơ sở sản xuất vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng phục vụ thi công xây dựng của nhà thầu thi công:

- Đối với phòng thí nghiệm:

+ Kiểm tra về năng lực thực hiện các phép thử của phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;

+ Về nhân sự: Kiểm tra số lượng và chứng chỉ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thí nghiệm viên đảm bảo đáp ứng các yêu cầu công tác thí nghiệm phục vụ thi công công trình theo hợp đồng;

+ Về thiết bị: Kiểm tra số lượng, danh mục chủng loại máy móc, thiết bị, dụng cụ thí nghiệm tương ứng với danh mục các thí nghiệm, phép thử cần phải thực hiện trong hợp đồng; Việc huy động máy móc, thiết bị theo từng giai đoạn phù hợp tiến độ thi công; Kiểm tra giấy chứng nhận kiểm định của các máy móc, thiết bị, dụng cụ thí nghiệm;

+ Kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng phòng thí nghiệm: Qui trình khảo sát, lấy mẫu thí nghiệm; Qui trình thực hiện với mỗi loại phép thử; sổ sách, biểu mẫu giao nhận mẫu thí nghiệm, phiếu ghi kết quả thí nghiệm và qui trình lưu mẫu.

- Đối với các cơ sở sản xuất vật liệu, cấu kiện, sản phẩm phục vụ thi công: Kiểm tra hồ sơ chứng nhận chất lượng của vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công nghệ được sử dụng, lắp đặt vào công trình.

Thành phần tham gia kiểm tra: Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu.

Kết quả kiểm tra được ghi cụ thể vào nhật ký giám sát của chủ đầu tư hoặc biên bản kiểm tra với những nội dung đạt, nội dung chưa đạt, yêu cầu xử lý khắc phục và thời hạn hoàn thành từng công việc.

2. Trong quá trình thi công chủ đầu tư tiến hành:

a) Kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư, vật liệu, thiết bị lắp đặt vào công trình do nhà thầu thi công xây dựng công trình cung cấp theo yêu cầu của thiết kế, bao gồm:

- Kiểm tra giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, kết quả thí nghiệm của các phòng thí nghiệm hợp chuẩn và kết quả kiểm định chất lượng thiết bị của các tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận đối với vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình phải phù hợp về chất lượng theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình và yêu cầu thiết kế;

- Kiểm tra xuất xứ, nhãn mác hàng hóa, chứng từ nhập khẩu (đối với hàng hóa nhập khẩu) theo quy định hợp đồng và hồ sơ dự thầu;

- Kiểm tra trực tiếp vật tư, vật liệu và thiết bị lắp đặt vào công trình xây dựng, gồm:

+ Kiểm tra xác xuất theo tỷ lệ quy định, tại chỉ dẫn kỹ thuật; Kiểm tra định kỳ, đột xuất trong quá trình cung cấp;

+ Kiểm tra đột xuất khi có nghi ngờ các kết quả kiểm tra chất lượng vật liệu, thiết bị lắp đặt vào công trình do nhà thầu thi công xây dựng cung cấp;

+ Kiểm tra việc thực hiện các thí nghiệm, kiểm định chất lượng vật liệu theo yêu cầu thiết kế, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình.

b) Kiểm tra tiến độ thi công chi tiết từng bộ phận, hạng mục, công trình để chỉ đạo điều chỉnh, khắc phục phần khối lượng thi công chậm nếu có.

c) Kiểm tra biện pháp thi công; Các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

d) Kiểm tra, giám sát chất lượng thi công các bộ phận công trình, hạng mục công trình:

- Kiểm tra, giám sát thường xuyên, có hệ thống quá trình nhà thầu triển khai các công việc tại hiện trường về sự tuân thủ hợp đồng xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật, về biện pháp thi công, sơ đồ tổ chức thi công, máy móc thiết bị thi công, nguồn gốc xuất xứ, chủng loại, chất lượng thiết bị, vật tư, vật liệu sử dụng... Lập kế hoạch kiểm tra đối với các công đoạn thi công bộ phận, hạng mục công trình, công trình xây dựng. Đặc biệt phải tăng tần suất kiểm tra đối với hạng mục, công trình ẩn dấu hoặc có qui mô, kỹ thuật phức tạp;

- Phát hiện, xử lý kịp thời các sai sót, bất hợp lý về thiết kế và các phát sinh trong quá trình thi công để điều chỉnh hoặc yêu cầu tư vấn thiết kế điều chỉnh;

- Tổ chức kiểm định ngay chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình và công trình khi có nghi ngờ về chất lượng;

- Kiểm tra nhật ký thi công công trình và công tác lập, quản lý hồ sơ hoàn công theo tiến độ hoàn thành thi công bộ phận, hạng mục, công trình;

- Căn cứ quy định hợp đồng và các quy định hiện hành để xử lý kịp thời nhà thầu thi công không đảm bảo về tiến độ, chất lượng công trình, về an toàn giao thông, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường.

Thành phần tham gia kiểm tra: Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu và tư vấn kiểm định (nếu cần thiết).

Kết quả kiểm tra được ghi cụ thể vào nhật ký giám sát của chủ đầu tư hoặc biên bản kiểm tra với những nội dung đạt, nội dung chưa đạt, yêu cầu xử lý khắc phục và thời hạn hoàn thành từng công việc.

3. Kiểm tra công tác quản lý chất lượng của đơn vị tư vấn giám sát:

- Kiểm tra sơ đồ tổ chức, hệ thống văn phòng tư vấn phù hợp với yêu cầu, tính chất, qui mô dự án, gói thầu, công trình xây dựng, cụ thể về số lượng văn phòng tư vấn, phạm vi thực hiện giám sát, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng văn phòng, bộ phận (văn phòng chính, các văn phòng phụ, các bộ phận chuyên trách quản lý, giám sát về tiến độ, chất lượng, vật liệu, thí nghiệm...);

- Kiểm tra nhân sự và trang thiết bị phục vụ công tác giám sát thi công: số lượng và trình độ chuyên môn, năng lực, chứng chỉ của từng kỹ sư tư vấn; Trang thiết bị cho văn phòng và các cá nhân ở mỗi gói thầu, mỗi công trình, phải phù hợp với yêu cầu, qui mô, tính chất và tiến độ xây dựng công trình;

- Kế hoạch, phương thức kiểm soát chất lượng thi công: Kiểm soát chất lượng vật tư, vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công nghệ sử dụng, lắp đặt vào công trình; Kiểm soát biện pháp thi công, dây chuyền thiết bị thi công của nhà thầu; Kế hoạch kiểm tra tổ chức thí nghiệm và kiểm định chất lượng; quan trắc đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình theo yêu cầu thiết kế;

- Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc triển khai tư vấn giám sát tại hiện trường: về số lượng và thành phần kỹ sư tư vấn bố trí giám sát tại mỗi gói thầu, công trình; Nội dung quản lý, giám sát chất lượng và việc ghi chép, báo cáo của cá nhân trong quá trình thực hiện giám sát thi công tại hiện trường. Kịp thời phát hiện, xử lý, thay thế các kỹ sư tư vấn năng lực yếu kém hoặc có vi phạm trong công tác tư vấn theo quy định hợp đồng và các quy định hiện hành.

Thành phần tham gia kiểm tra: Chủ đầu tư, tư vấn giám sát.

Kết quả kiểm tra được ghi cụ thể vào nhật ký giám sát của chủ đầu tư hoặc biên bản kiểm tra với những nội dung, đạt, nội dung chưa đạt cần điều chỉnh, bổ sung với thời hạn cụ thể.

4. Trường hợp áp dụng hình thức tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tổng thầu EPC):

- Chủ đầu tư: Tiến hành kiểm tra năng lực của các nhà thầu so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng; Trực tiếp hoặc chủ trì phối hợp với tổng thầu kiểm tra, kiểm soát tiến độ thi công; Tổ chức kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, toàn bộ công trình xây dựng khi có nghi ngờ về chất lượng hoặc khi cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu; Thực hiện các công việc kiểm tra chất lượng công trình đã được ghi trong hợp đồng xây dựng với tổng thầu;

- Tổng thầu và các nhà thầu phân định rõ trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng giữa các bên. Tổng thầu tổ chức triển khai những công việc ngoài các việc chủ đầu tư đã thực hiện nêu trên.

5. Trường hợp áp dựng hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT:

- Doanh nghiệp dự án (Nhà đầu tư): Thực hiện toàn bộ nội dung quy định cho chủ đầu tư;

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện: Giám định chất lượng công trình để xác định các hư hại (nếu có); Khi có nghi ngờ về chất lượng thì yêu cầu nhà đầu tư tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, toàn bộ công trình xây dựng và yêu cầu doanh nghiệp dự án thực hiện việc sửa chữa, bảo trì công trình theo quy định.

Doanh nghiệp dự án và Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải quy định rõ trách nhiệm tổ chức quản lý, kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình xây dựng trong Hợp đồng dự án.

Điều 3. Kiểm tra, kiểm soát của tư vấn giám sát

Ngoài việc phối hợp kiểm tra với chủ đầu tư, tư vấn giám sát phải thường xuyên thực hiện những nội dung kiểm tra nêu trên và triển khai những nội dung kiểm tra, kiểm soát như sau:

1. Kiểm tra, soát xét lại các bản vẽ thiết kế của hồ sơ mời thầu, các chỉ dẫn kỹ thuật, các điều khoản hợp đồng, đề xuất với chủ đầu tư về phương án giải quyết các tồn tại (nếu có) hoặc điều chỉnh cần thiết trong bước lập thiết kế bản vẽ thi công sao cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tế hiện trường.

2. Căn cứ hồ sơ thiết kế, các chỉ dẫn kỹ thuật đã được duyệt trong hồ sơ mời thầu, các qui trình, qui phạm, tiêu chuẩn hiện hành được áp dụng cho dự án và thực tế hiện trường thực hiện thẩm tra bản vẽ thi công do nhà thầu lập để trình chủ đầu tư phê duyệt.

3. Kiểm tra, giám sát chất lượng vật liệu tại nguồn cung cấp và tại công trường theo quy định của chỉ dẫn kỹ thuật: Kiểm tra, giám sát việc lấy mẫu thí nghiệm theo tần suất quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật, lấy mẫu đột xuất khi có nghi ngờ, thí nghiệm đánh giá chất lượng trước khi đưa vào sử dụng. Lập biên bản không cho phép sử dụng các loại vật liệu, cấu kiện, thiết bị và sản phẩm không đảm bảo chất lượng do nhà thầu mang đến công trường, đồng thời yêu cầu nhà thầu chuyển ngay khỏi công trường.

4. Rà soát biện pháp thi công, thẩm tra kết cấu công trình phụ tạm, chấp thuận biện pháp thi công và các biện pháp đảm bảo an toàn thi công của nhà thầu, đặc biệt đối với hạng mục, công trình thi công trong điều kiện khó khăn, có nguy cơ xảy ra sự cố.

5. Kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công các bộ phận công trình, hạng mục công trình:

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ từng công việc của nhà thầu trong quá trình thi công bộ phận công trình, hạng mục công trình về tiến độ, về qui trình công nghệ thi công, biện pháp thi công, sử dụng máy móc, thiết bị thi công theo hợp đồng xây dựng và chỉ dẫn kỹ thuật; Cập nhật tiến độ thi công hàng ngày để yêu cầu nhà thầu điều chỉnh, khắc phục kịp thời phần khối lượng thi công chậm;

- Kiểm tra sự phù hợp vị trí, cao độ, cấu tạo các bộ phận công trình, công trình giữa thiết kế được duyệt và thực tế hiện trường;

- Giải quyết kịp thời các tồn tại, vướng mắc, sai khác so với thiết kế, các phát sinh trong quá trình thi công hoặc báo cáo đề xuất phương án để chủ đầu tư xem xét giải quyết (nếu vượt thẩm quyền);

- Kiểm tra số lượng, chất lượng máy móc, thiết bị thi công, vật tư, vật liệu nhà thầu cung cấp cho công trình theo đúng tiến độ yêu cầu của từng giai đoạn thi công hạng mục, công trình.

Kết quả kiểm tra phải ghi đầy đủ vào biên bản kiểm tra, nhật ký thi công theo quy định. Những nội dung không đạt yêu cầu phải hướng dẫn, yêu cầu nhà thầu thi công sửa chữa, khắc phục trong thời hạn cụ thể và tiến hành kiểm tra lại để phục vụ công tác nghiệm thu.

Điều 4. Giám sát tác giả của tư vấn thiết kế

Nhà thầu tư vấn thiết kế thực hiện giám sát tác giả trong quá trình thi công theo quy định, trong đó thực hiện nội dung kiểm tra, kiểm soát cụ thể sự tuân thủ các yêu cầu thiết kế về: Chất lượng vật tư, vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công nghệ sử dụng, lắp đặt vào công trình; Biện pháp tổ chức thi công, dây chuyền thiết bị thi công của nhà thầu; Các thí nghiệm, kiểm định chất lượng, quan trắc, đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình theo yêu cầu thiết kế. Kịp thời phát hiện, báo cáo chủ đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những sai khác so với thiết kế được duyệt và đề xuất biện pháp xử lý.

Kết quả kiểm tra phải ghi vào nhật ký thi công, nhật ký giám sát của chủ đầu tư hoặc bằng văn bản trong đó nêu rõ ý kiến của mình trong quá trình thực hiện.

Điều 5. Kiểm tra, kiểm soát của nội bộ nhà thầu

1. Nhà thầu tự tổ chức kiểm tra, kiểm soát tiến độ thi công chi tiết từng bộ phận, hạng mục, công trình và các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời phần khối lượng thi công chậm (nếu có).

2. Kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư, vật liệu, cấu kiện, sản phẩm, thiết bị được sử dụng, lắp đặt vào công trình về số lượng, chủng loại, thông số kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, các chứng nhận về chất lượng, sự phù hợp về chất lượng theo quy định của thiết kế và quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho dự án, công trình; Công tác kiểm tra, kiểm soát phải thực hiện một cách có hệ thống, theo sơ đồ tổ chức quản lý chất lượng của nhà thầu từ cấp lãnh đạo đến các phòng, bộ phận, đội, tổ thi công.

3. Kiểm tra, kiểm soát biện pháp thi công, sơ đồ máy móc, thiết bị thi công theo thiết kế bản vẽ thi công được duyệt và các quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật, hợp đồng xây dựng.

4. Thực hiện các thí nghiệm và kiểm định chất lượng; quan trắc, đo đạc các thông số kỹ thuật của các bộ phận, hạng mục công trình, công trình, theo yêu cầu thiết kế và quy định chỉ dẫn kỹ thuật.

5. Tổ chức kiểm tra, nghiệm thu nội bộ từ cấp tổ, đội thi công về chất lượng thi công từng công việc, bộ phận công trình, hạng mục, công trình, đặc biệt các công việc, bộ phận bị che khuất, việc hoàn thành xử lý các khiếm khuyết nếu có và nghiệm thu lại bằng biên bản trước khi đề nghị chủ đầu tư nghiệm thu.

6. Kiểm tra việc ghi nhật ký công trình của các tổ, đội thi công trong suốt quá trình thi công xây dựng.

Kết quả kiểm tra phải ghi chép đầy đủ vào nhật ký công trình hoặc biên bản kiểm tra với những nhận xét, đánh giá nội dung đạt, chưa đạt cần điều chỉnh, khắc phục với thời hạn thực hiện cụ thể.

Chương 3.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CỤC, TỔNG CỤC QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH VÀ CÁC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Điều 6. Cục Quản lý xây dựng & CL CTGT phối hợp với các cơ quan tham mưu của Bộ, các Cục, Tổng cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải, chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án triển khai thực hiện các nội dung của Quy định này đến các cơ quan, đơn vị liên quan.

Điều 7. Cục Quản lý xây dựng & CL CTGT trực tiếp tiến hành hoặc đề xuất báo cáo Bộ ra quyết định tổ chức đoàn kiểm tra do Cục chủ trì phối hợp với các cơ quan tham mưu của Bộ, các Cục, Tổng cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất việc triển khai thực hiện của các chủ dầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công tại các dự án, công trình xây dựng và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Trường hợp vi phạm thì tùy mức độ gây ảnh hưởng tiến độ, chất lượng xây dựng công trình, Cục Quản lý xây dựng & CL CTGT tiến hành xử lý như sau:

a) Quyết định tạm đình chỉ hoặc báo cáo Bộ trưởng quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn chất lượng xây dựng công trình hoặc có nguy cơ gây sự cố nguy hiểm.

b) Quyết định tạm đình chỉ hoặc trình Bộ trưởng quyết định đình chỉ hoạt động của tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, tư vấn thí nghiệm; Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện hoặc trình Bộ trưởng quyết định thay thế và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân vi phạm.

c) Đề xuất báo cáo Bộ trưởng về việc cho phép tiếp tục thực hiện công tác quản lý dự án đối với ban quản lý dự án, thay thế và xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể vi phạm.

d) Kiến nghị Bộ GTVT công tác kiểm định, kiểm định phúc tra chất lượng công trình trong trường hợp cần thiết; Quyết định chấp thuận đơn vị tư vấn kiểm định độc lập do chủ đầu tư lựa chọn thực hiện công tác kiểm định và chấp thuận đề cương kiểm định; Trực tiếp kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện kiểm định trong trường hợp cần thiết.

e) Tập hợp những vi phạm, lỗi về chất lượng trong đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị tư vấn, nhà thầu theo quy định của Bộ GTVT tại các Quyết định số 3332/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2012 ban hành Quy định đánh giá xếp hạng năng lực các tổ chức tư vấn xây dựng ngành giao thông vận tải; Quyết định số 228/QĐ-BGTVT ngày 23/01/2013 ban hành Quy định đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu xây lắp tham gia các dự án xây dựng giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định đầu tư; Phối hợp với Vụ KHĐT trong thực hiện Quyết định số 2605/QĐ-BGTVT ngày 24/10/2012 ban hành Quy định đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư, Ban QLDA các dự án do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định đầu tư, để thực hiện việc công bố thông tin trên Website của Bộ GTVT.

Điều 8. Các Cục, Tổng cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công tại các dự án, công trình xây dựng và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Điều 9. Quy định này được xây dựng căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc hoặc có sự thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật làm cho nội dung của Quy định này không còn phù hợp thì các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan có văn bản đề xuất báo cáo Bộ GTVT xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1070/QĐ-BGTVT năm 2013 Quy định kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình xây dựng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1070/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/04/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản