Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1067/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG CÁC CHỦNG VI RÚT CÚM MỚI NỔI VÀ TÁI NỔI TẠI VIỆT NAM”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng chống các chủng vi rút cúm mới nổi và tái nổi tại Việt Nam”.

Điều 2. Kế hoạch hành động phòng chống các chủng vi rút cúm mới nổi và tái nổi tại Việt Nam là căn cứ triển khai các hoạt động phòng chống cúm, đồng thời để các địa phương xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương; Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng đơn vị y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- PTTg. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ: NN và PTNT, TT-TT, CT, TC, QP, CA (để phối hợp);
- Các Đ/c Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp);
- Các thành viên BCĐPC đại dịch cúm ở người;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG CÁC CHỦNG VI RÚT CÚM MỚI NỔI VÀ TÁI NỔI TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1067/QĐ-BYT ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. Tình hình và sự biến chủng của vi rút cúm

1. Trên thế giới

Trong những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, dịch cúm diễn biến phức tạp với sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như A(H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8 ...). WHO cảnh báo sự gia tăng gần đây của vi rút gây bệnh mới nổi như một dấu hiệu cho thấy các vi rút cúm cùng lưu hành đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng vi rút mới và đã tạo ra một nguồn gen đa dạng tạo nên những biến đổi đặc biệt do sự trao đổi gen giữa các chủng vi rút cúm khác nhau. Do vậy, những hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi là không thể dự đoán được và rất đáng lo ngại.

a) Kết quả giám sát vi rút cúm ở chim hoang dã và chim nuôi

Kể từ khi có các phương pháp hiện đại để phát hiện vi rút, người ta đã xác định được sự đa dạng và phân bố theo khu vực địa lý của các chủng vi rút cúm đang lưu hành hiện nay ở các loài chim hoang dã và chim nuôi. Sự đa dạng này chưa từng được ghi nhận trước đó. Phân týp vi rút H5 và H7 được quan tâm nhiều nhất, do chúng có thể nhanh chóng biến đổi từ chủng gây bệnh nhẹ ở chim thành chủng gây bệnh nặng và tử vong trên đàn gia cầm, gây ra dịch bệnh làm thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm và đời sống của người dân.

Kể từ đầu năm 2014, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã thông báo về 41 vụ dịch do phân týp vi rút cúm A(H5) và cúm A(H7) ở chim liên quan đến 7 loại vi rút khác nhau tại 20 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Úc, châu Âu và Trung Đông. Một vài chủng vi rút mới xuất hiện và lây lan trong các loài chim hoang dã hoặc gia cầm chỉ trong vài năm qua. Việc phát hiện vi rút cúm gia cầm độc lực cao ở các loài chim hoang dã cho thấy cần thiết phải tăng cường giám sát tại các trang trại chăn nuôi gia cầm. Chim nước di cư và khả năng miễn dịch là nguyên nhân làm lây lan vi rút cúm gia cầm tới các khu vực mới một cách nhanh chóng. Những chim nước di cư này sau đó tiếp xúc và gây bệnh cho chim hoang dã tại địa phương và gia cầm.

b) Cúm A(H7N9)

Vi rút cúm A(H7N9) lần đầu tiên được phát hiện gây bệnh trên người, gia cầm tại Trung quốc vào ngày 31/3/2013. Tích lũy từ tháng 02/2013 đến nay, thế giới ghi nhận tổng số 631 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) được báo cáo từ các quốc gia: 628 người từ Trung Quốc (bao gồm 04 người Đài Loan, 13 người Hồng Kông), 01 người từ Malaysia, 02 người từ Canada. Theo Ủy ban Y tế quốc gia và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc (NHFPC) đã có 221 trường hợp tử vong (chiếm tỷ lệ 35%).

Phân tích dịch tễ trong năm 2013 cho thấy các trường hợp ghi nhận trên người tăng cao vào tháng 3 và tháng 4 sau đó giảm dần và chỉ có 2 trường hợp được ghi nhận trong những tháng mùa hè. Việc đóng cửa chợ gia cầm sống tại các tỉnh trong tháng 4/2013 có thể đã làm giảm các trường hợp mắc. Đợt bùng phát dịch thứ hai được bắt đầu từ tháng 10/2013, trong đợt dịch này, các trường hợp mắc được ghi nhận tăng cao, sớm hơn vào tháng 01 và ghi nhận nhiều ca hơn vào mùa xuân so với đợt dịch năm 2013. Các trường hợp mắc không được ghi nhận trong mùa hè nhưng sau đó tăng chậm vào tháng 11/2014 và tiếp tục tăng năm 2015, tuy nhiên không tăng cao như cùng kỳ năm 2014.

Theo WHO, vi rút cúm A(H7N9) gây bệnh nặng trên người nhưng không gây bệnh hoặc chết trên các loài chim, gia cầm, nên dễ bỏ qua các dấu hiệu để tăng cường giám sát cúm trên người. Do đó, sau khi đã ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người mới tiến hành điều tra vi rút trên chim và gia cầm.

Theo thống kê, một số lượng lớn các trường hợp nhiễm vi rút có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống hoặc môi trường bị ô nhiễm, kể cả chợ gia cầm sống, đây là yếu tố nguy cơ làm lây nhiễm vi rút cúm A(H7N9). Đến nay, nhiều bằng chứng cho thấy vi rút cúm A(H7N9) không dễ lây lan từ người sang người, mặc dù nó có thể lây truyền từ gia cầm sang người dễ dàng hơn so với vi rút cúm A(H5N1). Trong một vài chùm ca bệnh nhỏ người ta vẫn chưa loại trừ được khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người. Tỷ lệ tử vong là khoảng 36%, tuy nhiên có một số lượng đáng kể các trường hợp nhiễm vi rút mà không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ không bị phát hiện tại cộng đồng.

c) Cúm A(H5)

- WHO thông báo từ đầu năm 2015 đến nay, thế giới ghi nhận 100 trường hợp mắc cúm A(H5N1) tại Ai Cập (99) và Trung Quốc (01), trong đó có 32 trường hợp tử vong tại Ai Cập. Tích lũy từ cuối năm 2003 đến nay, thế giới đã ghi nhận 795 trường hợp nhiễm vi rút cúm H5N1 tại 16 quốc gia, trong đó có 435 trường hợp tử vong (chiếm 54,7%).

- Sự gia tăng đột biến về số trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại Ai Cập bắt đầu vào tháng 11/2014 và tiếp tục tăng trong tháng đầu năm 2015. Theo FAO, từ 18/01 đến 07/02/2015 Ai Cập đã ghi nhận 76 ổ dịch cúm gia cầm A(H5N1) tại 20 trong tổng số 27 tỉnh. Các cơ quan y tế và nông nghiệp ở Ai Cập cho rằng sự lưu hành rộng rãi của vi rút A(H5N1) trên gia cầm trong thời gian này, cùng với nhiều hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu hiểu biết về nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm dẫn tới việc gia tăng cao các trường hợp mắc cúm A(H5N1).

- Vi rút cúm gia cầm A(H5N1) độc lực cao là nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên gia cầm ở châu Á liên tiếp từ năm 2003 và hiện vẫn đang gây dịch tại nhiều quốc gia, vẫn là mối lo ngại đối với sức khỏe con người.

- Trong hai năm qua, đã phát hiện các chủng cúm A(H5N2, H5N3, H5N6 và H5N8), lưu hành ở các khu vực khác nhau trên thế giới, ở Trung Quốc, cúm A(H5N1, H5N2, H5N6 và H5N8) hiện đang lưu hành trên các loài chim cùng với cúm A(H7N9 và H9N2). Trong đó vi rút cúm A(H9N2) đóng vai trò quan trọng trong việc kết hợp các gen cho các vi rút cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9).

- Trung Quốc cũng đã ghi nhận 03 trường hợp nhiễm vi rút cúm A(H5N6) vào các tháng 4, 12/2014 và 9/02/2015, trong đó 02 trường hợp tử vong.

d) Cúm A(H9N2)

Từ tháng 12/2014 đến nay, thế giới ghi nhận 03 trường hợp nhiễm cúm A(H9N2), không có tử vong, trong đó Trung Quốc (02 trường hợp mắc), Ai Cập (01 trường hợp mắc).

đ) Cúm A(H7N3)

Ngày 18/3/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết trong một báo cáo đăng tải trên website của OIE: Một đàn gà Tây tại hạt Merced, gần San Francisco có biểu hiện ho, số gà chết ngày càng tăng vào tuần trước. Mẫu bệnh phẩm được đưa đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với cúm gia cầm A(H7N3).

Theo WHO, mặc dù thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tốt hơn cho một đại dịch tiếp theo, nhưng vẫn có nguy cơ cao xảy ra đại dịch đặc biệt là với dịch bệnh nguy hiểm như cúm và không thể dự đoán trước được về bệnh cúm bao gồm nơi xảy ra và chủng vi rút gây đại dịch.

e) Cúm A(H1N1)

Từ tháng 12/2014 đến 04/3/2015, tại Ấn Độ đã ghi nhận 22.240 trường hợp mắc cúm A(H1N1), trong đó có 1.198 trường hợp tử vong. Dịch cúm đã được ghi nhận xảy ra tại 13 bang của tại Ấn Độ trong đó hai bang có số trường hợp mắc/chết nhiều nhất là Gujarat (4.904/292) và Rajasthan (5.782/286). Phần lớn các trường mắc nằm trong độ tuổi 15-50.

2. Tại Việt Nam

a) Cúm A(H5N1)

- Vi rút cúm A(H5N1) bắt đầu ghi nhận vào tháng 12/2003 trên các đàn gia cầm và ở người đã tạo nên các đợt dịch và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như gây thiệt hại lớn đến kinh tế người dân.

- Trong năm 2014, Việt Nam cũng đã ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong cúm A(H5N1) tại Bình Phước, Đồng Tháp nâng tổng số người mắc cúm A(H5N1) tại Việt Nam từ năm 2003 lên 127 trường hợp mắc, trong đó có 64 trường hợp tử vong; mặc dù trong năm 2015 chưa ghi nhận trường hợp cúm A(H5N1) ở người, tuy nhiên trong tháng 02/2015 đã ghi nhận ổ dịch cúm A(H5N1) ở đàn gia cầm tại tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và tỉnh Vĩnh Long.

b) Cúm A(H1N1)

Trường hợp mắc bệnh đầu tiên ghi nhận từ tháng 5/2009, sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, dịch bệnh được đẩy lùi, từ tháng 4-7/2010 không ghi nhận trường hợp mắc bệnh, đến tháng 7/2010 Việt Nam đã cơ bản khống chế dịch cúm A(H1N1), là nước khống chế thành công dịch cúm A(H1N1) đại dịch trên phạm vi toàn quốc trước 4 tháng so thời điểm Tổ chức Y tế thế giới công bố khống chế thành công trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới đã coi cúm A(H1N1) là cúm mùa và các hoạt động giám sát, phòng chống như cúm mùa.

c) Cúm A(H5N6)

Năm 2014, nước ta đã ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N6) trên gia cầm tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Thanh Hóa; kết quả xét nghiệm các mẫu vi rút cúm A(H5N6) ở Việt Nam có sự tương đồng 99% với chủng vi rút cúm A(H5N6) gây bệnh trên người tại Trung Quốc, tuy nhiên, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N6) ở người.

d) Cúm A(H7N9)

Đến nay tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút cúm A(H7N9) trên người và trên gia cầm.

đ) Kết quả giám sát trọng điểm

Kết quả giám sát trên người từ các điểm giám sát cúm quốc gia, trong 02 tháng đầu năm 2015 chủng vi rút cúm A(H3) là chủng lưu hành chủ yếu chiếm 80%, tiếp đó là chủng vi rút cúm A(H1N1) và cúm B cùng chiếm 10%, trong khi đó trong năm 2014, tỷ lệ cúm B lưu hành chủ yếu với tỷ lệ chiếm 59%, tiếp đó là cúm A(H3) với tỷ lệ 28%, cúm A(H1N1) với tỷ lệ 13%. Đây là sự thay đổi mang tính thường xuyên trong số các chủng vi rút cúm mùa. Hiện chưa phát hiện thấy chủng vi rút cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.

II. Nhận định

Nguy cơ xâm nhập, bùng phát các chủng cúm mới nổi và tái nổi tại Việt Nam là rất lớn:

- Năm 2014 đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như A(H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8 ...) tại nhiều quốc gia trên thế giới; các chủng cúm vi rút cúm có đặc tính biến đổi thường xuyên, nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng vi rút mới.

- Tình hình dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, dịch có xu hướng gia tăng trong những dịp đầu năm 2013, 2014 và 2015. Dịch xuất hiện ở một số tỉnh gần với Việt Nam (tỉnh Quảng Đông), đây là địa bàn có số người Việt Nam đi du lịch, giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa lớn.

- Vi rút cúm A(H7N9) lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm, trong khi đó đã có bằng chứng rõ ràng về việc giảm số ca mắc ở người sau khi đóng cửa các chợ bán gia cầm sống tại Trung Quốc. Việc phát hiện vi rút cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm là rất khó, hiện chủ yếu phát hiện từ mẫu bệnh phẩm được lấy từ môi trường tại các chợ buôn bán gia cầm sống.

- Tập tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư cũng làm cho khó kiểm soát dịch bệnh.

- Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ chưa được người dân chú trọng, nhu cầu thực phẩm tăng cao trong các hoạt động lễ hội làm tăng nguy cơ dịch bệnh.

- Tại Việt Nam, trong năm 2014 các ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm vẫn phát ra rải rác tại một số địa bàn có nguy cơ cao, đặc biệt khu vực nuôi nhiều thủy cầm, xung quanh chợ buôn bán gia cầm sống, khu vực có ổ dịch cũ. Dịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long phức tạp hơn do có cả 2 nhánh vi rút (nhánh 1.1 và 2.3.2.1C) lưu hành; năm 2015 tiếp tục ghi nhận tại 03 tỉnh khu vực miền Nam.

- Vi rút cúm A(H5N6) đã ghi nhận trên gia cầm tại một số tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung làm tăng nguy cơ lây nhiễm sang người và bùng phát dịch.

III. Kinh nghiệm phòng chống các chủng cúm tại Việt Nam

- Sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người và hỗ trợ tích cực của các Tổ chức quốc tế.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, đoàn thể, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào công tác phòng chống dịch.

- Chủ động chuẩn bị các hoạt động phòng chống đại dịch từ trung ương đến địa phương: giám sát, thu dung, điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, trang thiết bị.

- Chia sẻ kịp thời thông tin giữa các đơn vị trong nước và quốc tế về tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch.

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các tình huống của dịch để có các biện pháp ứng phó phù hợp.

- Các phòng xét nghiệm đã có khả năng xét nghiệm được các tác nhân gây bệnh cúm kể cả cúm A(H7N9), cúm A(H5N6) và các biến đổi của vi rút để có các biện pháp đáp ứng phù hợp.

- Chủ động giám sát và ngăn chặn dịch xâm nhập ngay từ cửa khẩu sẽ hạn chế tác động dịch bệnh đối với sức khỏe người dân.

- Đã có kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh cúm A(H1N1) 2009 đại dịch, phòng chống cúm A(H5N1).

IV. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Ngăn chặn dịch cúm xâm nhập vào nước ta, phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát, lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do các chủng vi rút cúm mới nổi và tái nổi.

2. Các tình huống và mục tiêu cụ thể:

Hiện nay có nhiều chủng vi rút cúm cùng lưu hành trên thế giới, đồng thời do đặc điểm thường xuyên tái tổ hợp và biến đổi của các chủng vi rút cúm để tạo ra chủng vi rút cúm mới gây bệnh nên có thể gặp nhiều tình huống khác nhau đối với các chủng vi rút cúm khác nhau trong cùng một thời điểm, đặc biệt là các chủng vi rút cúm gia cầm mới gây bệnh cho người. Vì vậy bản kế hoạch đưa ra 4 tình huống, căn cứ vào diễn biến của từng chủng vi rút cúm để áp dụng các biện pháp phòng chống phù hợp theo tình huống cụ thể.

2.1. Tình huống 1: Chưa phát hiện các chủng vi rút cúm mới tại Việt Nam.

Mục tiêu: Phát hiện sớm các trường hợp nhiễm các chủng cúm mới đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để, tránh lây lan.

2.2. Tình huống 2: Ghi nhận các chủng cúm mới trên gia cầm nhưng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người.

Mục tiêu: Ngăn ngừa lây nhiễm vi rút cúm từ gia cầm sang người.

2.3. Tình huống 3: Ghi nhận các trường hợp nhiễm các chủng cúm mới nổi hoặc tái nổi rải rác tại cộng đồng.

Mục tiêu: Đáp ứng nhanh khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.

2.4. Tình huống 4: Dịch bùng phát ra cộng đồng.

Mục tiêu: Giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân.

V. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

1. Tình huống 1: Chưa phát hiện các chủng vi rút cúm mới tại Việt Nam.

- Phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, đầu mối IHR và các Tổ chức quốc tế khác cũng như các nước trong khu vực để theo dõi chặt chẽ tình hình, cập diễn biến, tổ chức đánh giá nguy cơ xâm nhập các chủng vi rút cúm mới vào Việt Nam để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp theo dõi sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm trên thế giới, tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của các chủng vi rút trên các đàn gia cầm, thủy cầm và chim trời tại Việt Nam.

- Phối hợp với ngành nông nghiệp, ngành công thương và các ban ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

- Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu và khu vực biên giới; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa, theo tình hình cụ thể, áp dụng việc khai báo y tế tại các cửa khẩu.

- Tăng cường giám sát tại các điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia, giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân, cung cấp các thông tin cần thiết về dịch tễ học và vi rút học của bệnh cúm làm cơ sở đề xuất các biện pháp phòng chống dịch cúm.

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống các chủng vi rút cúm trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt; chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tại địa phương.

- Củng cố, nâng cao năng lực phòng xét nghiệm chẩn đoán xác định vi rút cúm tại các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, tổ chức tập huấn quy trình xét nghiệm cho các cán bộ thực hiện công tác xét nghiệm.

- Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân cúm, các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân.

- Xây dựng, cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch; hướng dẫn chẩn đoán điều trị, nghiên cứu sử dụng các thuốc kháng vi rút phù hợp, hiệu quả.

- Xây dựng các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch tại cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới và các biện pháp phòng chống dịch bệnh để nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

- Kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng ứng phó và hỗ trợ cho các tuyến khi có dịch bệnh xâm nhập và xảy ra; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế khi cần thiết.

- Tổ chức công tác tập huấn về giám sát, phát hiện bệnh, lấy mẫu, biện pháp phòng tránh; công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân, phòng lây nhiễm và công tác truyền thông.

- Tổ chức diễn tập phòng chống cúm theo các tình huống giả định để đánh giá năng lực và rút kinh nghiệm, điều chỉnh các hoạt động phù hợp.

- Thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng các chủng vi rút cúm theo tình hình dịch tễ WHO khuyến cáo, sẵn sàng qui trình, công nghệ và sản phẩm để có thể sản xuất với số lượng lớn nếu có dịch cúm xảy ra trên diện rộng.

- Kiểm tra, rà soát các trang thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch tại các tuyến, tại các cửa khẩu, chủ động bổ sung và sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.

- Chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và bố trí các nguồn kinh phí để mua thuốc Tamiflu dự trữ cho công tác điều trị bệnh nhân cúm, xử lý ổ dịch.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn công tác sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương.

2. Tình huống 2: Ghi nhận các chủng cúm mới trên gia cầm nhưng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp tăng cường giám sát và lấy mẫu giám sát vi rút cúm trên gia cầm, đặc biệt tại khu vực có nguy cơ cao, tại các điểm thu gom, buôn bán gia cầm và chăn nuôi tập trung, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, thực hiện các biện pháp tiêu trùng khử độc, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch không để lây lan sang người; theo dõi sự lưu hành, biến đổi gen của các chủng vi rút cúm trên các đàn gia cầm, thủy cầm và chim trời tại Việt Nam.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo diễn biến dịch bệnh thường xuyên và tham mưu cho Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ các biện pháp phòng chống dịch để nhận được các chỉ đạo kịp thời.

- Phối hợp với ngành nông nghiệp, ngành công thương và các ban ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống các chủng vi rút cúm trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt; chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tại địa phương.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, tuyên truyền người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường, chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và các biện pháp phòng bệnh khác.

- Tăng cường giám sát tại các điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia, giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt tại nơi có ổ dịch cúm gia cầm; tổ chức cách ly, điều trị, khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả.

- Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu và khu vực biên giới; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa; tùy thuộc tình hình cụ thể áp dụng việc khai báo y tế tại các cửa khẩu.

- Nâng cao năng lực phòng xét nghiệm chẩn đoán xác định vi rút cúm tại các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để xét nghiệm xác định nhanh, chính xác chủng gây bệnh của các mẫu bệnh phẩm bệnh nhân cúm, phản hồi kịp thời cho địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả.

- Sẵn sàng mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân cúm, các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, khu vực cách ly, sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân.

- Cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch; hướng dẫn chẩn đoán điều trị, nghiên cứu sử dụng các thuốc kháng vi rút phù hợp, hiệu quả. Tổ chức công tác tập huấn về giám sát, phát hiện bệnh, lấy mẫu, biện pháp phòng tránh; công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân, phòng lây nhiễm và công tác truyền thông.

- Tăng cường các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng ứng phó và hỗ trợ cho các tuyến khi có dịch bệnh xâm nhập và xảy ra; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế khi cần thiết.

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng các chủng vi rút cúm theo tình hình dịch tễ WHO khuyến cáo sử dụng chủng hàng năm, sẵn sàng qui trình, công nghệ và sản phẩm để có thể sản xuất với số lượng lớn nếu có dịch cúm xảy ra trên diện rộng.

- Kiểm tra, rà soát các trang thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch tại các tuyến, tại các cửa khẩu, chủ động bổ sung và sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.

- Chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và bố trí các nguồn kinh phí để mua thuốc kháng vi rút dự trữ cho công tác điều trị bệnh nhân cúm, xử lý ổ dịch.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn công tác sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương, chú trọng những nơi có các ổ dịch cúm trên gia cầm và các tỉnh biên giới.

3. Tình huống 3: Ghi nhận các trường hợp nhiễm các chủng cúm mới nổi hoặc tái nổi rải rác tại cộng đồng.

- Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương. Tổ chức họp Ban chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh, hội đồng tư vấn chuyên môn để xem xét việc triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

- Báo cáo tình hình diễn biến của dịch thường xuyên và tham mưu cho Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ các biện pháp phòng chống dịch để nhận được các chỉ đạo kịp thời.

- Tăng cường giám sát tại cộng đồng và hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia, đặc biệt lưu ý các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân tại cộng đồng và theo dõi các trường hợp bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, người tiếp xúc để phát hiện trường hợp mắc bệnh để điều trị, cách ly kịp thời làm nguồn lây truyền bệnh và hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong, tổ chức điều tra dịch dễ, phân tích, đánh giá và báo cáo kịp thời diễn biến của ổ dịch và trường hợp bệnh, tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt ổ dịch.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp theo dõi sự lưu hành của các chủng vi rút cúm trên các đàn gia cầm, thủy cầm và xử lý triệt để các ổ dịch cúm mới phát sinh trên gia cầm ngăn ngừa lây truyền vi rút cúm sang người.

- Phối hợp với ngành nông nghiệp, ngành công thương và các ban ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam.

- Phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội triển khai các hoạt động phòng chống lây nhiễm cúm tại các trường học, công sở, khu vui chơi giải trí, nơi tập trung đông người và tại cộng đồng.

- Tăng cường năng lực xét nghiệm để xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan vi rút cúm. Rà soát mở rộng các phòng xét nghiệm tại các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, các Bệnh viện tuyến trung ương, các đơn vị có đủ điều kiện xét nghiệm chẩn đoán xác định cúm.

- Tổ chức thu dung, điều trị, cách ly bệnh nhân, xử lý ổ dịch theo quy định, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống. Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; cử các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch. Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

- Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu và khu vực biên giới; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa, theo tình hình cụ thể để có áp dụng việc khai báo y tế tại các cửa khẩu.

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân và các biện pháp phòng bệnh khác; thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp với các đối tượng nguy cơ.

- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đề phòng dịch bùng phát trên diện rộng.

- Tại các địa phương chưa có dịch, hay trường hợp bệnh cần kiểm tra, rà soát các hoạt động phòng chống tại tất cả các tuyến để sẵn sàng ứng phó khi có dịch hay trường hợp bệnh xuất hiện, bổ sung những thiếu hụt và nhu cầu; kiểm tra đánh giá về công tác thu dung điều trị, cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị.

- Phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, đầu mối IHR và các Tổ chức quốc tế khác để kịp thời nắm bắt, chia sẻ thông tin đánh giá nguy cơ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch cúm.

- Cung cấp, bổ sung thuốc, hóa chất, trang thiết bị và vật tư phục vụ công tác phát hiện chẩn đoán và điều trị, nguồn kinh phí và dự trữ phòng chống dịch bệnh.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn công tác sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương chủ động khắc phục những khó khăn, vướng mắc.

4. Tình huống 4: Dịch bệnh bùng phát ra cộng đồng.

- Báo cáo hàng ngày tình hình diễn biến của dịch, thường xuyên và tham mưu cho Ban Bí thư, Văn phòng Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ các biện pháp phòng chống dịch để nhận được các chỉ đạo kịp thời. Thực hiện công bố dịch theo quy định, trong trường hợp dịch bùng phát ở mức độ nguy hiểm, khó kiểm soát, có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp.

- Tăng cường công tác chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tổ chức họp Ban chỉ đạo hàng ngày về phòng chống dịch bệnh để triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó phù hợp, ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các hoạt động phòng chống dịch bệnh thống nhất trên toàn quốc.

- Huy động các ban, ngành đoàn thể tham gia vào các đội sơ cứu, hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân các biện pháp chăm sóc và phòng bệnh. Phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị, cơ sở sản xuất, cung cấp các dịch vụ thiết yếu triển khai các kế hoạch đảm bảo cung cấp dịch vụ trong trường hợp dịch bùng phát lan rộng không để rối loạn các hoạt động về kinh tế xã hội.

- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; tăng cường các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu cơ động để ứng phó và hỗ trợ cho các địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

- Tăng cường giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, điều trị, cách ly kịp thời và giám sát thông qua hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia để sự lưu hành, các biến đổi của các chủng vi rút cúm. Triển khai các hoạt động xử lý triệt để ổ dịch, khoanh vùng để xử lý kịp thời để hạn chế số mắc và tử vong, hạn chế lây lan và bùng phát rộng.

- Tổ chức thu dung, cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp bệnh và nâng cao công tác chẩn đoán phân loại bệnh để có phương án xử trí và điều trị tốt nhất hạn chế tử vong. Mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận bệnh nhân, phân tuyến điều trị, hạn chế chuyển bệnh nhân; khi cần thiết thành lập các bệnh viện dã chiến tại các khu vực đông bệnh nhân để tránh quá tải bệnh viện.

- Cập nhật bổ sung các hướng dẫn về giám sát, phát hiện, chẩn đoán, điều trị, biện pháp phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng và bùng phát. Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh.

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giảm nhẹ tác hại của bệnh dịch đối với người dân để phối hợp thực hiện tốt các biện pháp cách ly, phòng bệnh. Thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp với các đối tượng nguy cơ.

- Cung cấp đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị và vật tư từ nguồn dự trữ quốc gia phục vụ công tác phát hiện, chẩn đoán, điều trị, phòng chống dịch bệnh. Tổng hợp nhu cầu kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện từ các đơn vị thuộc Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung.

- Kêu gọi các Tổ chức quốc tế hỗ trợ kịp thời thuốc kháng vi rút, trang bị phòng hộ và các thuốc vật tư hóa chất phục vụ phòng chống dịch.

- Tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát hỗ trợ việc triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh và điều phối các hoạt động phòng chống dịch.

VI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tổ chức, chỉ đạo

a) Tại trung ương:

- Tăng cường hoạt động Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh hoạt động các tiểu ban, Hội đồng tư vấn chuyên môn của Bộ Y tế theo mức độ hoạt động của từng tình huống dịch, đột xuất, hàng tuần, hàng ngày.

- Tham mưu kịp thời cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác phòng chống dịch để khống chế kịp thời dịch bệnh do các chủng cúm mới nổi và tái nổi.

- Tổ chức tốt hệ thống cấp cứu, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng khu vực cách ly, các đội cấp cứu lưu động tăng cường công tác phòng chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám chữa bệnh nhằm giảm đến mức tối đa số mắc và tử vong.

- Thực hiện các quy định của Điều lệ y tế quốc tế, đảm bảo đáp ứng đủ các năng lực cơ bản mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

- Tăng cường hoạt động Văn phòng EOC tại Bộ Y tế, kịp thời thu thập, chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế, các đơn vị trong nước và điều phối các hoạt động ứng phó với dịch bệnh phù hợp với các tình huống dịch bệnh.

- Thực hiện việc giao ban trực tuyến hàng tuần hoặc đột xuất với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur cung cấp, chia sẻ và trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng chống dịch để có thể kịp thời chỉ đạo cho các đơn vị trong hệ thống.

- Tăng cường chỉ đạo giám sát, kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ tuyến dưới. Tổ chức đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, thống kê báo cáo, mở rộng triển khai sử dụng hệ thống báo cáo điện tử cho tất cả các tuyến.

b) Tại địa phương:

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố sớm phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cúm, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho các Sở, ban ngành, đơn vị trong tỉnh và có kinh phí đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp thường xuyên chỉ đạo các Sở, ban ngành, đơn vị tại địa phương triển khai nghiêm túc các hướng dẫn chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm và các Bộ, ngành trung ương.

- Huy động các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và người dân tham gia các hoạt động phòng chống dịch.

2. Chuyên môn kỹ thuật

2.1. Các giải pháp giảm mắc

- Đẩy mạnh giám sát trọng điểm bệnh cúm quốc gia, cung cấp chính xác, kịp thời, đầy đủ các thông tin cần thiết về sự lưu hành và sự biến đổi của các chủng vi rút cúm để làm cơ sở lập kế hoạch dự phòng và khống chế dịch bệnh chủ động.

- Giám sát bệnh chủ động tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, kịp thời thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, xử lý ổ dịch triệt để nhằm hạn chế lây lan và không để bệnh dịch lan rộng, bùng phát.

- Đẩy mạnh việc phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật chuyên sâu trong việc giám sát, phát hiện tác nhân gây bệnh, xây dựng các phòng xét nghiệm đủ năng lực phát hiện các chủng cúm mới nổi và tái nổi; củng cố trang thiết bị phòng xét nghiệm, sẵn sàng sinh phẩm chẩn đoán các chủng cúm, đảm bảo phát hiện nhanh, chính xác tác nhân gây bệnh, theo dõi, đánh giá sự biến đổi gen. Đảm bảo an toàn sinh học tại các phòng xét nghiệm.

- Thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát các đối tượng phải kiểm dịch tại cửa khẩu, xử lý y tế các phương tiện vận tải nhập cảnh từ vùng có dịch tại các cửa khẩu quốc tế.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát bệnh cúm, thực hiện báo cáo theo phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm tại 63 tỉnh, thành phố.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp theo dõi sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm trên thế giới, tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của các chủng vi rút trên các đàn gia cầm, thủy cầm tại Việt Nam và xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên gia cầm ngăn ngừa lây truyền vi rút cúm sang người.

- Phối hợp với ngành nông nghiệp, ngành công thương và các ban ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam.

- Văn phòng EOC của Bộ Y tế chủ động cập nhật, chia sẻ thông tin với các ban ngành, địa phương, cơ quan thông tin báo chí, các tổ chức quốc tế và điều phối các hoạt động ứng phó với dịch bệnh phù hợp với các tình huống dịch bệnh.

- Tăng cường vai trò và hoạt động của Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện IHR trong việc phối hợp và chia sẻ, cập nhật thông tin dịch bệnh cúm với các nước và WHO.

- Duy trì, kiện toàn các đội cơ động chống dịch bệnh tại từng khu vực và các cấp có đủ năng lực và trang thiết bị sẵn sàng thực hiện xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến trước khi có dịch bệnh xảy ra.

- Xây dựng, cập nhật các hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch cúm; thực hiện điều tra dịch tễ trường hợp mắc bệnh, điều tra người tiếp xúc và nguồn lây truyền để có kế hoạch, biện pháp phòng, chống thích hợp. Tổ chức tập huấn cho các cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch (cán bộ giám sát, xét nghiệm, cấp cứu điều trị bệnh nhân, xử lý ổ dịch, truyền thông).

- Chuẩn bị sẵn sàng phương án, kế hoạch phối hợp, ứng phó theo tình huống nếu xảy ra dịch bệnh lớn hoặc xảy ra đại dịch, các tình huống nguy cơ về y tế công cộng. Dự trữ kinh phí, hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời cho các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch.

- Thành lập các đoàn liên ngành tăng cường công tác kiểm tra công tác sẵn sàng phòng chống dịch bệnh tại các địa phương trước, trong và sau khi xảy ra dịch.

2.2. Các giải pháp giảm tử vong

- Thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân cúm. Xây dựng kế hoạch mở rộng các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân theo từng tình huống dịch.

- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, bệnh viện trung ương điều trị các trường hợp rất nặng; bệnh viện tuyến tỉnh điều trị các trường hợp nặng, bệnh viện huyện điều trị các trường hợp thông thường, hạn chế chuyển viện tránh lây lan.

- Xây dựng, bổ sung các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh cúm theo từng chủng khi có ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Tập huấn cho cán bộ điều trị và điều dưỡng tại các bệnh viện về chẩn đoán và điều trị bệnh cúm và sử dụng các trang thiết bị hồi sức cấp cứu.

- Tăng cường các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong trường hợp có nhiều bệnh nhân.

- Rà soát, kiểm tra các trang thiết bị, máy móc, thuốc, phương tiện phục vụ công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng thu dung bệnh nhân và bổ sung khi có dịch xảy ra.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, điều trị bệnh cúm trong công tác phân luồng khám, cách ly, điều trị và sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch bệnh tại các tuyến.

3. Truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh.

- Xây dựng các tài liệu truyền thông, bài viết, tờ rơi cho các đối tượng người dân khác nhau, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, người chăm sóc, gia đình người bệnh về phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh và các biện pháp phòng chống.

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa bệnh dịch lây truyền qua thực phẩm, vận động người dân đi tiêm vắc xin phòng cúm.

- Đa dạng hóa các loại hình truyền thông qua mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, phổ biến tại các hộ gia đình về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống, các khuyến cáo của Bộ Y tế. Đối với các hành khách nhập cảnh, sử dụng các tờ rơi, tuyên truyền tại các cửa khẩu để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

- Nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống cán bộ tuyên truyền trong và ngoài ngành y tế về trình độ, phương tiện, nhân lực. Huy động các bộ, ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.

4. Đầu tư nguồn lực

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tăng đầu tư tài chính cho công tác phòng chống dịch bệnh cúm, xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia về phòng, chống dịch.

- Lồng ghép và triển khai hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh theo kế hoạch phòng chống dịch đã được phê duyệt; trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng và kéo dài, Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu bổ sung từ các đơn vị thuộc Bộ, các tỉnh, thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Sở Y tế làm đầu mối xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cúm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đảm bảo đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh cúm.

- Rà soát cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác giám sát, xử lý ổ dịch, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, xây dựng kế hoạch sửa chữa, bổ sung và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Phối hợp liên ngành

- Tăng cường phối hợp với các ngành nông nghiệp trong việc giám sát sự lưu hành vi rút cúm trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch cúm trên gia cầm, không để lây sang người. Phối hợp giám sát chủ động tại các đàn gia cầm, thủy cầm nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút không biểu hiện bệnh.

- Phối hợp với ngành nông nghiệp, ngành công thương tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

- Huy động sự tham gia của các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong việc vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm.

- Thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm trên gia cầm và trên người tại các địa phương.

6. Hợp tác quốc tế

- Phối hợp với Bộ Y tế các nước trên thế giới thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) nhằm chia sẻ thông tin dịch bệnh.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế như WHO, FAO, UNICEF, USAID, USCDC, ADB, WB, ASEAN, JICA và các tổ chức quốc tế khác để huy động các nguồn lực và kỹ thuật phục vụ công tác phòng chống dịch.

- Hợp tác với WHO, CDC để cung cấp sinh phẩm chẩn đoán, chia sẻ mẫu phục vụ công tác xét nghiệm, chẩn đoán tác nhân gây bệnh.

7. Nghiên cứu khoa học

- Chủ động triển khai các nghiên cứu dịch tễ học phân tử vi rút cúm đánh giá nguồn gốc, sự biến đổi, phương thức lây truyền, đặc điểm lâm sàng, kết quả điều trị để đề xuất các biện pháp phòng chống phù hợp theo diễn biến thực tế của bệnh.

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng các chủng vi rút cúm, sẵn sàng qui trình, công nghệ sản xuất với số lượng lớn khi dịch cúm xảy ra trên diện rộng.

8. Công tác kiểm tra

- Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, bệnh viện.

- Phối hợp với ngành thú y và các đơn vị liên quan thành lập các đoàn công tác liên ngành tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tuyến Trung ương

a) Cục Y tế dự phòng

- Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh cúm trên phạm vi toàn quốc.

- Thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình dịch trong nước và quốc tế, thường xuyên báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo Chính phủ và các đơn vị liên quan.

- Thường trực về các hoạt động phòng chống dịch, điều phối hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế.

- Chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur sẵn sàng trang thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm xác định vi rút cúm; triển khai tích cực việc giám sát trọng điểm cụm quốc gia, phát hiện sớm sự lưu hành của vi rút cúm.

- Trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương, đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo giám sát, phát hiện sớm sự lưu hành của vi rút gây bệnh, các yếu tố nguy cơ, các trường hợp mắc bệnh và xử lý triệt để ổ dịch.

- Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin phòng, chống dịch bệnh, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Chủ trì xây dựng nội dung và phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, cung cấp các thông điệp và tài liệu truyền thông về phòng chống dịch, bệnh cho cộng đồng.

- Chỉ đạo xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hướng dẫn giám sát, phòng chống các chủng cúm; tập huấn, cập nhật các thông tin về giám sát, phòng chống cúm cho cán bộ y tế dự phòng của các tuyến.

- Chỉ đạo các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố phối hợp Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, thành phố và các đơn vị truyền thông tại địa phương thực hiện các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh.

- Đầu mối Quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và trực tiếp điều hành các hoạt động của Văn phòng EOC, chủ động chia sẻ và cập nhật thông tin bệnh cúm trong nước và trên thế giới, điều phối các hoạt động ứng phó với dịch cúm theo các tình huống.

- Tham mưu Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện việc công bố dịch khi có đủ điều kiện công bố dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Đầu mối tổng hợp các nhu cầu về kinh phí, thuốc, vật tư, thiết bị phục vụ công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh để gửi Tiểu ban hậu cần tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo, Chính phủ.

- Đầu mối thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.

b) Cục Quản lý khám chữa bệnh

- Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc chỉ đạo, điều hành công tác điều trị bệnh cúm.

- Trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc tất cả cơ sở khám chữa bệnh trong hệ thống điều trị từ Trung ương đến địa phương trong công tác điều trị bệnh cúm.

- Xây dựng mạng lưới cơ sở y tế thu dung, điều trị bệnh nhân cúm theo từng tình huống dịch, không để xảy ra tình trạng quá tải; hạn chế vận chuyển bệnh nhân.

- Chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện nghiêm việc phân luồng, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện; tổng kết, rút kinh nghiệm về điều trị và các trường hợp tử vong.

- Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin về công tác điều trị bệnh cúm, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Chủ trì xây dựng nội dung và phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, cung cấp các thông điệp và tài liệu truyền thông về phòng chống dịch, bệnh tại bệnh viện cho người bệnh, người chăm sóc, gia đình người bệnh.

- Chỉ đạo xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm của bệnh dịch; tập huấn, cập nhật các thông tin về chẩn đoán, phác đồ điều cho cán bộ các bệnh viện ở tất cả các tuyến.

- Chỉ đạo các Viện, bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện tỉnh, thành phố chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu, khu vực thu dung để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

- Đầu mối tổng hợp các nhu cầu về kinh phí, thuốc, vật tư, thiết bị phục vụ cấp cứu điều trị bệnh nhân để gửi Tiểu ban hậu cần tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo, Chính phủ.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra các địa phương, các cơ sở khám, chữa bệnh trong công tác điều trị người mắc bệnh cúm, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng lây truyền chéo và thường trực chống dịch.

c) Cục Quản lý dược

- Đầu mối thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ và sản xuất vắc xin cúm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký lưu hành.

- Theo dõi quản lý vắc xin cúm, thuốc Tamiflu sử dụng tại nước ta.

d) Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo

- Thúc đẩy việc nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất vắc xin cúm, thử nghiệm lâm sàng.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chuyên môn kỹ thuật triển khai các đề án nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ, dịch tễ học phân tử, các phương pháp mới ứng dụng trong cấp cứu, điều trị, xử lý ổ dịch.

đ) Vụ Truyền thông - Thi đua, khen thưởng

- Chủ trì, phối hợp với Vụ, Cục và đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền trên các báo, đài thông qua các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài ... về phòng, chống các chủng cúm.

- Đầu mối tổ chức và phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các thông điệp truyền thông, chuyển tải đến các địa phương phù hợp theo từng tình huống dịch bệnh cúm.

- Chủ trì, phối hợp Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan chủ động cung cấp thông tin phòng, chống dịch, bệnh thường xuyên cho các cơ quan báo chí thông qua họp báo, gặp mặt báo chí, hội nghị giao ban báo chí, giao ban dư luận xã hội tại Ban Tuyên Giáo Trung ương khi cần thiết, tổ chức các tọa đàm, đối thoại ... trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe các tỉnh, thành phố phối hợp các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng, các cơ quan truyền thông đại chúng triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh cúm.

- Trong trường hợp khẩn cấp, đột xuất hoặc khi dịch bệnh bùng phát, chủ trì, phối hợp Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan kịp thời cung cấp thông tin chính xác cho các cơ quan báo chí.

e) Vụ Kế hoạch - Tài chính

- Chủ động tham mưu cho lãnh đạo bộ về tạo nguồn, sử dụng và điều phối các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống dịch bệnh cúm.

- Chủ động nguồn dự trữ, điều phối thuốc Tamiflu và có kế hoạch đề xuất mua bổ sung thuốc trong trường hợp dịch cúm ở người bùng phát trên diện rộng, kéo dài.

- Dự trù và cấp kinh phí kịp thời cho hoạt động phòng chống dịch bệnh cúm, đặc biệt là kinh phí phục vụ cho việc sẵn sàng ứng phó phòng chống dịch cúm; tổng hợp nhu cầu về thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đầu mối tổng hợp đề xuất kinh phí bổ sung từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và từ các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung trong trường hợp dịch xâm nhập vào Việt Nam, lan rộng và kéo dài.

- Phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm tra công tác đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cúm; hướng dẫn về các chế độ tài chính cho công tác phòng, chống dịch.

g) Cục An toàn thực phẩm

- Chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị tăng cường các biện pháp thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng, không sử dụng gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc để chế biến thức ăn; thực hiện ăn chín, uống chín.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

h) Cục Quản lý môi trường y tế

- Chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt chiến dịch vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để khống chế không cho phát tán rộng ra môi trường và lây sang người.

- Chỉ đạo thực hiện tốt việc xử lý và quản lý chất thải tại các bệnh viện nhằm ngăn ngừa lây truyền vi rút cúm ra môi trường.

i) Vụ Hợp tác quốc tế

- Đầu mối liên hệ, huy động sự hỗ trợ từ các Tổ chức quốc tế cho công tác phòng chống dịch cúm: tài chính, kỹ thuật, thuốc, hóa chất, test kít, trang thiết bị phòng chống dịch.

- Phối hợp với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài cung cấp các thông tin về tình hình dịch bệnh cúm của các nước cũng như các biện pháp phòng chống.

k) Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur

- Tổ chức triển khai các hoạt động giám sát trọng điểm bệnh cúm tại các điểm giám sát trên phạm vi được phân công. Thu thập thông tin giám sát, đưa ra nhận định, cảnh báo, dự báo sớm tình hình bệnh cúm.

- Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, hỗ trợ Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát chặt chẽ bệnh dịch, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Chủ động sẵn sàng trang thiết bị, sinh phẩm đảm bảo xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng vi rút cúm ở người; tăng cường công tác thu thập và xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tìm vi rút gây bệnh.

- Tăng cường công tác xét nghiệm, xác định sớm, chính xác chủng cúm gây bệnh, giám sát sự biến chủng của tác nhân gây bệnh.

- Nghiên cứu khoa học về dịch tễ học, vi sinh vật học, miễn dịch học và các yếu tố liên quan của các chủng cúm gây bệnh.

- Tổ chức tập huấn chuyên môn kỹ thuật giám sát, phòng và chống dịch bệnh cúm cho các địa phương trong khu vực phụ trách.

- Thành lập các đội đáp ứng nhanh, đội cơ động chống dịch hỗ trợ các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý dịch các ổ dịch cúm tại cộng đồng.

- Tổ chức đào tạo và chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm, giám sát, phòng chống cúm cho các tỉnh, thành phố.

- Dự trữ hóa chất khử khuẩn, thiết bị, vật tư chuyên dụng, sinh phẩm, hóa chất sẵn sàng công tác xét nghiệm, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và kịp thời hỗ trợ địa phương khi có dịch bệnh.

- Thành lập các đoàn công tác trực tiếp hỗ trợ, giám sát các địa phương giám sát, xử Iý ổ dịch.

l) Các bệnh viện tuyến Trung ương

- Xây dựng, bổ sung và cập nhật kế hoạch đáp ứng về công tác tiếp nhận và điều trị, phác đồ điều trị, bố trí khu cách ly, sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân và khi có dịch bệnh xảy ra.

- Chuẩn bị đủ cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho điều trị dịch bệnh; có kế hoạch chủ động chuẩn bị số giường bệnh, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch bệnh xảy ra.

- Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức, đào tạo nâng cao kỹ năng lâm sàng về chẩn đoán, xử trí, cấp cứu, điều trị tích cực, chăm sóc bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến trước; củng cố và tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán; sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

- Duy trì, củng cố các đội cấp cứu lưu động, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến trước trong việc sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

- Chủ động phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trong công tác thông tin, báo cáo các trường hợp mắc bệnh cúm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.

m) Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các sản phẩm truyền thông mẫu về phòng chống các chủng cúm mới nổi và tái nổi (tờ rơi, áp phích, tranh gấp pano, clip phát thanh, truyền hình).

- Phối hợp với các đơn vị liên quan và cơ quan thông tin đại chúng để đăng tải tin, bài, phát sóng thông điệp, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát hỗ trợ chuyên môn các đơn vị truyền thông tuyến dưới về công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong phòng, chống dịch bệnh cúm.

- Chủ trì xây dựng giáo trình, tổ chức tập huấn về kỹ năng truyền thông, lập kế hoạch truyền thông, sử dụng tài liệu truyền thông về phòng chống dịch bệnh cúm cho hệ truyền thông và các đơn vị có nhu cầu.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch truyền thông phòng chống dịch cúm.

2. Địa phương

a) Ủy ban nhân dân các cấp

- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch bệnh cúm trên địa bàn, chỉ đạo quyết liệt ngành y tế và các sở, ngành liên quan triển khai tốt các hoạt động về kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cúm trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo kinh phí cho phòng chống dịch bệnh cúm, đẩy mạnh công tác truyền thông và quản lý bệnh nhân, xử lý nguồn bệnh tại cộng đồng.

- Huy động sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cúm.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội để tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp đến từng hộ gia đình về các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm.

- Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh, thành phố đề nghị Bộ Y tế công bố dịch bệnh cúm khi có đủ điều kiện công bố dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cúm tại địa phương.

b) Sở Y tế các tỉnh, thành phố

- Đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phòng chống các chủng cúm mới nổi và tái nổi của tỉnh, thành phố, đề xuất kinh phí bổ sung của các đơn vị y tế trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.

- Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh cúm tại các cấp ở địa phương.

- Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về việc cấp bổ sung ngân sách từ địa phương và huy động nguồn kinh phí tài trợ để đảm bảo kinh phí triển khai phòng chống dịch bệnh cúm.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các hoạt động giám sát trọng điểm bệnh cúm.

- Chỉ đạo kiểm dịch chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, không để bệnh cúm xâm nhập.

- Tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát trọng điểm trên địa bàn tỉnh, thành phố. Chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng, bệnh viện trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động giám sát trọng điểm cúm quốc gia.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát tình hình dịch bệnh trên gia cầm, thủy cầm, chim trời trên địa bàn, báo cáo kịp thời cho ban chỉ đạo và phối hợp xử lý ổ dịch cúm.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh cúm.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm.

- Tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh, thành phố đề xuất Bộ Y tế thực hiện việc công bố dịch bệnh khi có đủ điều kiện công bố dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh cúm của các đơn vị trong tỉnh, thành phố.

c) Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố

- Tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống các chủng cúm mới nổi và tái nổi của tỉnh, thành phố.

- Giám sát chặt chẽ tình hình mắc dịch bệnh cúm đến tận thôn, ấp, xã, phường, hộ gia đình, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định. Triển khai hoạt động điều tra và xử lý triệt để ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành thú y giám sát tình hình dịch bệnh trên gia cầm, thủy cầm, chim trời trên địa bàn và phối hợp xử lý ổ dịch cúm.

- Triển khai các điểm giám sát trọng điểm cúm theo hướng dẫn của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống các chủng cúm mới nổi và tái nổi.

- Kiện toàn các đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.

d) Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố, bệnh viện khu vực

- Xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị dịch bệnh, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch cúm.

- Chỉ đạo các Bệnh viện huyện chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

- Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phòng lây nhiễm bệnh cúm, hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện.

- Chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới về mặt chuyên môn, nhân lực, vật lực khi cần thiết, kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch của các cơ sở khám chữa bệnh trong phạm vi địa phương.

- Thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

- Phối hợp thực hiện thu thập mẫu bệnh phẩm, thu thập thông tin đánh giá nguy cơ trong việc triển khai giám sát trọng điểm cúm quốc gia.

- Chủ động phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trong công tác thông tin, báo cáo các trường hợp mắc bệnh cúm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.

đ) Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, thành phố

- Phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương và các cơ sở y tế địa phương, cơ quan thông tin đại chúng của địa phương và Trung ương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ, các biện pháp phòng bệnh, giáo dục vệ sinh, chú trọng những nơi có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người (trường học, khu công nghiệp ...).

- Xây dựng các tài liệu mẫu truyền thông phòng chống cúm, cấp phát cho các địa phương.

- Tổ chức tập huấn công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh cúm cho đội ngũ thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe.

e) Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tỉnh, thành phố

- Giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh vào nước ta. Đặc biệt khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cúm, cần được khám cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh.

- Tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý y tế đối với các phương tiện vận tải, hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu vào Việt Nam.

- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở cửa khẩu trong việc kiểm tra, giám sát người, phương tiện vận tải và hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu.

- Thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh các trường hợp mắc bệnh cúm tại cửa khẩu.

- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh cúm tại các cửa khẩu.

g) Trung tâm Y tế quận, huyện

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp huyện tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh cúm tại địa phương.

- Giám sát chặt chẽ phát hiện sớm ca mắc bệnh cúm đầu tiên tại thôn, ấp, xã, phường, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời. Báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định.

- Triển khai hoạt động xử lý triệt để ổ dịch theo đúng Hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch bệnh cúm của Bộ Y tế.

- Triển khai tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống các chủng cúm mới nổi và tái nổi.

h) Bệnh viện đa khoa quận, huyện, thị xã

- Xây dựng kế hoạch thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân và duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch cúm.

- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân cúm.

- Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các trạm y tế xã và phòng khám tư nhân trên địa bàn.

- Báo cáo kịp thời cho Trung tâm y tế dự phòng huyện các trường hợp bệnh cúm đầy đủ, chính xác theo quy định.

i) Trạm y tế xã, phường, thị trấn

- Lập kế hoạch phòng, chống các chủng cúm mới nổi và tái nổi, tham mưu với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn bảo đảm kinh phí cho công tác chống dịch bệnh cúm của địa phương; huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ trưởng, trưởng thôn vận động người dân tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh cúm.

- Giám sát chặt chẽ phát hiện sớm trường hợp nghi mắc bệnh cúm tại từng thôn, ấp, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, không lây lan.

- Tổ chức cấp cứu ban đầu và điều trị bệnh nhân khi mắc bệnh cúm, theo dõi, giám sát các trường hợp điều trị tại nhà.

- Thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thông cơ sở, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm, vận động người dân đi tiêm phòng các chủng cúm, chủ động khai báo khi phát hiện các ổ dịch trên gia cầm.

- Báo cáo kịp thời cho Trung tâm y tế dự phòng huyện các trường hợp bệnh cúm theo quy định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1067/QĐ-BYT năm 2015 phê duyệt Kế hoạch hành động phòng chống các chủng vi rút cúm mới nổi và tái nổi tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 1067/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/03/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản