Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1062/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRANG PHỤC TRONG NGÀNH HẢI QUAN

TNG CỤC TRƯỞNG TNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hi quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 02/2021/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hi quan;

Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2015 của Th tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hi quan trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bo vệ cá nhân;

Căn cứ Thông tư s 08/2016/TT-BCA ngày 12 tháng 6 năm 2016 của Bộ Công an quy định trang phục cho lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 322/QĐ-BTC ngày 19 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tiêu chuẩn, đnh mức, chế độ cấp phát, sử dụng trang phục hi quan; việc qun lý, sử dụng chứng minh hải quan và tiêu chuẩn kỹ thuật các dấu hiệu đặc trưng xe ô tô kiểm tra, kim soát, giám sát hải quan;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng trang phục trong ngành Hải quan.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, bãi bỏ nội dung hướng dẫn trước đây về việc quản lý, sử dụng trang phục hải quan tại Chương VI Quy chế hoạt động công vụ của Hải quan Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 188/QĐ-TCHQ ngày 02/02/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Trang phục đã trang bị, cấp phát trước ngày Quyết định này có hiệu lực tiếp tục được sử dụng đến khi được trang bị mới.

Điều 3. Chánh Văn phòng Tổng cục, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính (để báo cáo);
- Lãnh đạo Tổng cục (để chỉ đạo);
- Website TCHQ;
- Lưu: VT, TVQT (05b).

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Cẩn

 

QUY CH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRANG PHỤC TRONG NGÀNH HẢI QUAN
(Kèm theo Quyết định số 1062/QĐ-TCHQ ngày 09/4/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hi quan)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định việc quản lý, sử dụng các loại trang phục sau:

a) Trang phục hải quan quy định tại Nghị định số 02/2021/NĐ-CP ngày 07/01/2021 của Chính phủ và Quyết định số 322/QĐ-BTC ngày 19/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

b) Trang phục bảo hộ lao động quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

c) Trang phục bảo vệ quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BCA ngày 12/6/2016 của Bộ Công an và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

d) Trang phục khác cho người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ.

2. Quy chế này áp dụng cho tất cả công chức, viên chức và người lao động đang công tác trong ngành Hải quan.

Điều 2. Nguyên tắc khi mang, mặc trang phục

1. Việc sử dụng trang phục của ngành thể hiện tính văn minh, lịch sự và thống nhất trong toàn ngành, góp phần xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy và hiện đại.

2. Việc sử dụng trang phục tại khoản 1 Điều 1 Quy chế này phải được thực hiện theo quy định. Công chức, viên chức, người lao động mặc trang phục phải đồng bộ, thống nhất, gọn gàng, sạch sẽ, cài đủ cúc, khóa. Khi mặc trang phục không đeo khăn che mặt, găng tay, khẩu trang, kính đen (trừ trường hợp được trang cấp để làm nhiệm vụ hoặc theo khuyến cáo của cơ quan có thẩm quyền), không đeo đồ trang sức gây phản cảm hoặc trái với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

3. Công chức, viên chức, người lao động làm việc tại công sở và thi hành công vụ ngoài công sở đều phải mang, mặc trang phục của ngành theo đúng quy định trừ một số trường hợp sau đây được mặc thường phục dân sự:

a) Lực lượng kiểm soát chống buôn lậu, kiểm soát phòng chống ma túy khi triển khai nhiệm vụ trinh sát, hóa trang, đấu tranh chuyên án yêu cầu giữ bí mật.

b) Phóng viên Tạp chí Hải quan khi thực hiện các chuyên mục, phóng sự điều tra cần phải giữ bí mật để thu thập thông tin.

c) Công chức, viên chức, người lao động giao dịch, làm việc ngoài công sở với các cơ quan, đơn vị, tổ chức ngoài ngành Hải quan.

d) Công chức, viên chức, người lao động tham dự các lớp học, tập huấn, đào tạo, hội nghị không có yêu cầu phải mang, mặc trang phục của ngành.

e) Nữ công chức, viên chức, người lao động mang thai từ tháng thứ 3 trở đi đến khi sinh con được 06 tháng tuổi.

g) Công chức, viên chức, người lao động chưa được cấp trang phục theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế này.

4. Không sử dụng trang phục của ngành khi không thực thi nhiệm vụ, nghiêm cấm sử dụng trang phục của ngành vào mục đích cá nhân.

Điều 3. Thời gian mang, mặc trang phục

1. Thời gian mang, mặc trang phục kiểu dáng xuân - hè, thu - đông như sau:

a) Trang phục kiểu dáng xuân - hè: từ tháng 4 đến hết tháng 10 hàng năm.

b) Trang phục kiểu dáng thu - đông từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 3 năm sau.

2. Căn cứ vào nhiệt độ của môi trường làm việc, thời tiết tại từng đơn vị, thủ trưởng đơn vị điều chỉnh thống nhất thời gian sử dụng trang phục kiểu dáng xuân - hè, kiểu dáng thu - đông tại điểm a, b khoản này: nếu nhiệt độ thời tiết hoặc môi trường làm việc dưới 20°C thì công chức, viên chức, người lao động mặc trang phục kiểu dáng thu - đông, nếu nhiệt độ từ 20°C trở lên thì mặc trang phục kiểu dáng xuân - hè nhưng khi sinh hoạt tập trung phải mặc loại trang phục do thủ trưởng đơn vị quyết định.

3. Công chức, viên chức, người lao động khi đi công tác, dự hội nghị của ngành tại Tổng cục hoặc tại Hải quan địa phương thực hiện mang, mặc trang phục theo quy định của chương trình công tác, hội nghị hoặc của đơn vị đến công tác (trong trường hợp chương trình công tác, hội nghị không có quy định riêng).

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Quy định về sử dụng lễ phục

1. Lễ phục được sử dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Dự Đại hội Đảng các cấp, Đại hội của các tổ chức chính trị-xã hội.

b) Dự lễ đón tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các cuộc hội đàm, đón tiếp khách quốc tế (khi có yêu cầu).

c) Dự lễ đón nhận huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước (khi có yêu cầu).

d) Dự mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, mít tinh kỷ niệm ngày thành lập của ngành, của đơn vị; sự kiện quan trọng cấp tỉnh trở lên.

e) Dự lễ tang cấp nhà nước (khi có yêu cầu).

2. Khi mang, mặc lễ phục, người sử dụng phải mặc đồng bộ theo mẫu số 01 đính kèm Quy chế này gồm: áo lễ phục, áo sơ mi trắng, quần lễ phục, phù hiệu, cấp hiệu, cà vạt, giày da đen, găng tay trắng (khi cần), tất chân, mũ kê pi lễ phục, thắt lưng, biển tên theo quy định. Trên ngực trái lễ phục được đeo Huân chương, Huy chương, Kỷ niệm chương, Huy hiệu... (nếu có) do Nhà nước Việt Nam và nước ngoài tặng thưởng.

Điều 5. Quy định về sử dụng trang phục xuân - hè, thu - đông:

1. Trang phục xuân - hè, thu - đông được sử dụng khi làm nhiệm vụ, tham dự các lớp học, tập huấn, đào tạo, hội nghị của ngành (trừ các trường hợp mặc: thường phục dân sự quy định tại khoản 3 Điều 2; lễ phục quy định tại khoản 1 Điều 4; trang phục chống buôn lậu quy định tại khoản 1 Điều 6 và trang phục bảo hộ lao động quy định tại khoản 1 Điều 13 Quy chế này).

2. Khi mang, mặc trang phục xuân - hè, thu - đông, người sử dụng phải mặc trang phục đồng bộ theo mẫu số 02 đính kèm Quy chế này, trong đó:

a) Trang phục xuân - hè đồng bộ cho nam gồm: áo ngắn tay hoặc áo dài tay, quần, phù hiệu, cấp hiệu, thắt lưng, tất chân, giày da đen, biển tên, mũ kê pi theo quy định.

b) Trang phục xuân - hè đồng bộ cho nữ gồm: áo ngắn tay hoặc áo dài tay, quần hoặc juýp, phù hiệu, cấp hiệu, thắt lưng, giày da đen, biển tên, mũ kê pi theo quy định.

c) Trang phục thu - đông đồng bộ cho nam gồm: áo thu - đông, áo sơ mi trắng, quần, cà vạt, phù hiệu, cấp hiệu, thắt lưng, tất chân, giày da đen, biển tên, mũ kê pi theo quy định.

d) Trang phục thu - đông đồng bộ cho nữ gồm: áo thu - đông, áo sơ mi trắng, quần hoặc juýp, cà vạt, phù hiệu, cấp hiệu, thắt lưng, giày da đen, biển tên, mũ kê pi theo quy định.

Điều 6. Quy định về sử dụng trang phục chống buôn lậu xuân - hè, thu - đông

1. Trang phục chống buôn lậu được sử dụng trong các trường hợp sau:

a) Áp dụng biện pháp nghiệp vụ vận động quần chúng tham gia phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tuần tra hải quan.

b) Thực hiện việc khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính, thủ tục tố tụng hình sự, trừ việc khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 127, khoản 3 Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính.

c) Tổ chức bắt giữ các đối tượng theo kế hoạch, chuyên án có yêu cầu mang, mặc trang phục chống buôn lậu.

d) Tham gia các lớp học, tập huấn, chương trình, hội nghị, mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, mít tinh kỷ niệm ngày thành lập của ngành, của đơn vị; sự kiện quan trọng cấp tỉnh trở lên (khi có yêu cầu mang, mặc trang phục chống buôn lậu).

2. Khi mang, mặc trang phục chống buôn lậu xuân - hè, thu - đông, người sử dụng phải mặc trang phục đồng bộ theo mẫu số 03 đính kèm Quy chế này, trong đó:

a) Trang phục chống buôn lậu xuân - hè đồng bộ gồm: áo ngắn tay, áo thun ngắn tay, quần, biển tên, cấp hiệu, thắt lưng, tất chân, mũ mềm, giày cho trang phục chống buôn lậu theo quy định.

b) Trang phục chống buôn lậu thu - đông đồng bộ gồm: áo dài tay, áo thun dài tay, quần, biển tên, cấp hiệu, thắt lưng, tất chân, mũ mềm, giày cho trang phục chống buôn lậu theo quy định. Áo gió sử dụng tùy theo thời tiết hoặc yêu cầu nhiệm vụ.

Điều 7. Quy định về sử dụng mũ kê pi, mũ mềm

1. Mũ kê pi, mũ mềm sử dụng khi mang mặc trang phục hải quan tương ứng và trong các trường hợp sau:

a) Làm việc, học tập, huấn luyện, dự lễ ở ngoài trời (trừ trường hợp sử dụng xe mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm theo quy định của pháp luật).

b) Trao và nhận huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước và các hình thức khen thưởng khác.

2. Mũ có gắn Hải quan hiệu. Khi đội mũ, phải đội ngay ngắn, Hải quan hiệu hướng ra phía trước, mũ kê pi phải gài quai sát cằm.

3. Khi vào phòng làm việc, không đội mũ, mũ được để ngay ngắn trên giá hoặc treo trên tường (nơi trang trọng) theo quy định thống nhất của đơn vị. Nếu để trên giá, Hải quan hiệu hướng ra ngoài, nếu treo trên tường, Hải quan hiệu hướng xuống dưới.

4. Khi tham dự các lớp học, tập huấn, đào tạo, hội nghị của ngành, nếu có bàn làm việc, mũ đặt lệch bên trái chỗ ngồi của mình, Hải quan hiệu hướng về phía trước.

Điều 8. Quy định về sử dụng giày da đen cho lễ phục, trang phục xuân - hè, thu - đông và giày cao cổ đặc chủng cho trang phục chống buôn lậu, tất chân

1. Giày da đen sử dụng khi mặc lễ phục, trang phục xuân - hè, thu - đông; giày cao cổ đặc chủng sử dụng khi mặc trang phục chống buôn lậu.

2. Công chức, viên chức, người lao động phải sử dụng đúng chủng loại giày, tất chân trang bị trong ngành Hải quan; không được dùng chủng loại khác quy định của ngành. Riêng nữ công chức, viên chức, người lao động được sử dụng tất giấy, quần tất màu da chân khi mang, mặc trang phục hải quan; tuyệt đối không sử dụng tất màu đen và các màu sắc rực rỡ khác, không sử dụng tất dạng lưới hoặc các loại tất gây phản cảm, thiếu lịch sự.

3. Khi mặc trang phục xuân - hè, thu - đông hoặc chống buôn lậu, công chức, viên chức, người lao động được đi dép có quai sau hoặc đi ủng trong trường hợp công tác, làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước, nơi có bùn lầy, dầu mỡ, lạnh giá hoặc trong mưa, bão... Thủ trưởng đơn vị cấp Chi cục và tương đương trở lên quyết định nội dung này.

Điều 9. Quy định về sử dụng thắt lưng

1. Người sử dụng phải sử dụng đúng chủng loại thắt lưng trang bị trong ngành Hải quan cho từng loại trang phục, không được sử dụng thắt lưng khác chủng loại quy định của ngành.

2. Khi được phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, máy móc, thiết bị chuyên dùng cầm tay, người sử dụng phải mang đai cài để cất chứa vũ khí, công cụ hỗ trợ, máy móc, thiết bị chuyên dùng cầm tay.

Điều 10. Quy định về sử dụng cà vạt

1. Khi mang mặc lễ phục, trang phục thu - đông, người sử dụng phải mang cà vạt của ngành, không sử dụng cà vạt khác chủng loại quy định của ngành.

2. Cà vạt được thắt theo cách truyền thống (Knot Windsor) theo mẫu số 04 đính kèm Quy chế này

Điều 11. Quy định về sử dụng biển tên, phù hiệu, cấp hiệu

1. Biển tên được cấp cho công chức, viên chức sử dụng để đeo trên áo trang phục hải quan khi thi hành nhiệm vụ

a) Vị trí đeo biển tên (theo mẫu số 05 đính kèm Quy chế này):

- Đối với trang phục có túi áo ngực (trang phục thu - đông, lễ phục cho nam; trang phục xuân - hè; trang phục chống buôn lậu): biển tên đeo ngay ngắn, cân đối chính giữa ngực bên phải, phía trên mép túi áo ngực (mép dưới Biển tên công chức Hải quan trùng với mép trên nắp túi áo).

- Đối với trang phục không có túi áo ngực (lễ phục và trang phục thu - đông cho nữ): biển tên được đeo ngay ngắn, cân đối chính giữa ngực bên phải, cao hơn cúc áo trên cùng khoảng 05cm.

b) Công chức, viên chức có trách nhiệm quản lý, giữ gìn biển tên, không làm cong vênh, thất lạc, không được cho mượn biển tên dưới bất kỳ hình thức nào.

2. Phù hiệu (cành tùng) cài ngay ngắn, cân đối trên ve cổ áo. Đối với lễ phục và trang phục thu - đông phù hiệu được cài ở ve trên. Vị trí cài phù hiệu theo mẫu số 05 đính kèm Quy chế này.

3. Cấp hiệu được cài trên vai áo, phần cúc, sao cấp hiệu (đầu chếch nhọn) về phía cổ áo, phần vạch cấp hiệu tại đầu vai áo. Cách cài cấp hiệu theo mẫu số 05 đính kèm Quy chế này.

Điều 12. Quy định về sử dụng trang phục chống rét

1. Tại những khu vực, địa bàn vùng núi, vùng cao, cửa khẩu biên giới, hải đảo, vùng biển chịu ảnh hưởng của thời tiết giá rét theo danh mục tại Phụ lục đính kèm Quy chế này, khi nhiệt độ dưới 15°C, ngoài trang phục thu - đông, công chức, viên chức, người lao động được mặc bổ sung trang phục chống rét.

2. Thủ trưởng đơn vị quy định thống nhất việc mang, mặc trang phục chống rét đảm bảo đồng bộ, thống nhất, đáp ứng nhu cầu sử dụng của cá nhân, đơn vị.

Điều 13. Quy định về sử dụng trang phục bảo hộ lao động

1. Công chức, viên chức, người lao động mặc trang phục bảo hộ lao động khi thực thi nhiệm vụ làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm (tiếp xúc với yếu tố vật lý xấu, bụi và hóa chất độc hại, môi trường vệ sinh lao động xấu...) theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

2. Chủng loại trang phục bảo hộ lao động như sau:

a) Nhân viên kỹ thuật điện, thợ điện...: sử dụng trang phục bảo hộ lao động tại điểm 22 khoản VIII.3 mục VIII Phụ lục 1 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH.

b) Nhân viên kỹ thuật chuyên ngành xây dựng, sửa chữa công trình: sử dụng trang phục bảo hộ lao động tại điểm 30 khoản XXII.3 mục XXII Phụ lục 1 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH.

c) Thuyền trưởng, thuyền viên, máy trưởng...: sử dụng trang phục bảo hộ lao động tại điểm 37, 38, 39, 40 khoản XXIV.3 mục XXIV Phụ lục 1 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH.

d) Nấu ăn: sử dụng trang phục bảo hộ lao động tại điểm 2 khoản XXIX.1 mục XXIX Phụ lục 1 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH.

e) Nhân viên vệ sinh: sử dụng trang phục bảo hộ lao động tại điểm 25 khoản XXIX.3 mục XXIX Phụ lục 1 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH.

g) Huấn luyện chó nghiệp vụ: sử dụng trang phục bảo hộ lao động tại điểm 59 khoản XXIX.10 mục XXIX Phụ lục 1 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH.

h) Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm: sử dụng trang phục bảo hộ lao động tại điểm 73 khoản XXIX.12 mục XXIX Phụ lục 1 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH.

3. Đối với người lao động, thủ trưởng đơn vị căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang phục bảo hộ lao động tại điểm a khoản 3 Điều 2 Quyết định số 322/QĐ-BTC ngày 19/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính để quyết định trang bị trang phục phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Điều 14. Quy định về sử dụng trang phục bảo vệ

1. Người làm công tác bảo vệ sử dụng trang phục bảo vệ theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BCA ngày 12/6/2016 của Bộ Công an.

2. Cách sử dụng cà vạt, thắt lưng, phù hiệu, cấp hiệu, giày, tất chân, mũ của lực lượng bảo vệ thực hiện theo quy định tại Điều 6, 7, 8, 9, 10 Quy chế này.

Điều 15. Quy định về sử dụng trang phục khác cho người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ

1. Thủ trưởng đơn vị quy định thống nhất việc sử dụng trang phục đảm bảo thẩm mỹ, chính quy, đáp ứng công việc được giao.

2. Trang phục cho người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không được trùng với trang phục hải quan quy định tại Nghị định số 02/2021/NĐ-CP trừ các trường hợp sau được trang bị trang phục hải quan:

a) Người lao động thực hiện nhiệm vụ của đội danh dự, nhạc lễ, tiêu binh, đón tiếp theo nghi lễ Nhà nước, hoạt động đối ngoại được trang bị lễ phục để thực hiện nhiệm vụ (sử dụng cấp hiệu của công chức, viên chức tập sự).

b) Người lao động được giao thực hiện nhiệm vụ lễ tân và hỗ trợ công tác chuyên môn, nghiệp vụ: được trang bị trang phục hải quan như công chức, viên chức (sử dụng cấp hiệu của công chức, viên chức tập sự).

Đối với các trường hợp được trang bị trang phục hải quan, người lao động phải đảm bảo việc mang, mặc trang phục hải quan như công chức, viên chức quy định tại quy chế này.

Điều 16. Quy định về mặc thường phục dân sự

Công chức, viên chức, người lao động tại điểm c, d, e, g khoản 3 Điều 2 Quy chế này khi mặc thường phục phải đảm bảo các quy định sau:

1. Mang mặc trang phục công sở, lịch sự, gọn gàng, cài đủ cúc, khóa, sử dụng quần âu dài, nữ mặc váy dài quá đầu gối, giày dép có cài quai hậu.

2. Tuyệt đối không mặc quần áo vải mỏng, sặc sỡ, quần bò, quần bó sát, áo sát nách, váy thun, váy vải mỏng, váy ngắn trên đầu gối hoặc những trang phục thiếu lịch sự khác.

Điều 17. Quản lý trang phục

1. Công chức, viên chức, người lao động khi được cấp trang phục phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và sử dụng đúng mục đích, đúng quy định. Nghiêm cấm cho, mượn, đổi, bán trang phục được cấp với người ngoài ngành Hải quan.

2. Đơn vị trực tiếp quản lý công chức khi thôi việc, chuyển ngành hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc có trách nhiệm thu hồi hải quan hiệu, cấp hiệu, biển tên, phù hiệu, mũ kêpi đã cấp.

3. Công chức, viên chức, người lao động khi nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội mà trang phục được cấp chưa hết niên hạn thì không phải thu hồi, nếu đã hết thời hạn mà chưa được cấp phát thì không được cấp phát.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Việc chấp hành tốt quy định mang mặc trang phục của ngành và thực hiện tiết kiệm trong lập kế hoạch may sắm hàng năm là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua xếp loại hàng tháng và bình xét, đánh giá thi đua, phân loại cuối năm đối với tập thể và cá nhân.

2. Cá nhân vi phạm quy định mang mặc trang phục của ngành thực hiện xử lý theo quy định tại Quyết định số 2799/QĐ-TCHQ ngày 26/9/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, ký luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan.

Điều 19. Trách nhiệm của các đơn vị

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định này.

2. Trách nhiệm trong triển khai may sắm:

a) Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị chịu trách nhiệm tổng hợp, lập kế hoạch may sắm, cấp phát hàng năm trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức trang phục hải quan tại Quyết định số 322/QĐ-BTC ngày 19/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và đề xuất của các đơn vị; thực hiện may sắm, cấp phát trang phục hải quan cho các đơn vị; hướng dẫn cho các đơn vị trong Ngành tổ chức may trang phục theo đúng mẫu quy định.

b) Thủ trưởng các đơn vị dự toán ngân sách cấp 3 thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm lập kế hoạch may sắm trang phục hải quan hàng năm cho công chức, viên chức, người lao động đảm bảo nguyên tắc tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 322/QĐ-BTC ngày 19/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; quyết định việc may sắm, cấp pháp trang phục bảo hộ lao động cho công chức, viên chức, người lao động và trang phục bảo vệ, trang phục khác cho người lao động trong đơn vị.

3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì cùng các đơn vị chức năng giúp Lãnh đạo Tổng cục kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong Ngành thực hiện Quy định này; kịp thời phát hiện và đề xuất lãnh đạo Tổng cục xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân thực hiện không đúng quy định và xem xét thi đua, khen thưởng các đơn vị, cá nhân chấp hành tốt Quy chế này.

4. Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc phát sinh, các đơn vị báo cáo về Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ - Quản trị) để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh, bổ sung (nếu cần)./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC ĐƠN VỊ ĐƯỢC TRANG BỊ TRANG PHỤC CHỐNG RÉT
(Kèm theo Quyết định số 1062/QĐ-TCHQ ngày 09/4/2021 của Tổng cục trưởng Tng cục Hải quan

TT

Đơn vị/Cá nhân được trang bị

1.

Công chức, viên chức, người lao động làm việc trên tàu tuần tra, kiểm soát thuộc: Hải đội 1 thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu và các Cục Hải quan tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An

2.

Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng

3.

Cục Hải quan tỉnh Điện Biên

4.

Cục Hải quan tỉnh Hà Giang

5.

Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn

6.

Cục Hải quan tỉnh Lào Cai

7.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, cảng Vạn Gia thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh

8.

Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo thuộc Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa

9.

Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thuộc Cục Hải quan tỉnh Nghệ An

10.

Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thuộc Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh

11.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình

12.

Chi cục Hải quan A Đớt thuộc Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên - Huế

13.

Chi cục Hải quan Đà Lạt thuộc Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk

14.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam

 

Mẫu số 01

LỄ PHỤC

(Kèm theo Quyết định số 1062/QĐ-TCHQ ngày 09/4/2021 của Tổng cục trưởng Tng cục Hi quan)

 

Mẫu số 02

TRANG PHỤC XUÂN - HÈ, TRANG PHỤC THU - ĐÔNG

(Kèm theo Quyết định số 1062/QĐ-TCHQ ngày 09/4/2021 của Tổng cục trưởng Tng cục Hi quan)

1. Trang phục xuân - hè

2. Trang phục thu - đông

 

Mẫu số 03

TRANG PHỤC CHỐNG BUÔN LẬU

(Kèm theo Quyết định số 1062/QĐ-TCHQ ngày 09/4/2021 của Tổng cục trưởng Tng cục Hi quan)

 

Mẫu số 04

CÁCH THẮT CÀ VAT

(Kèm theo Quyết định số 1062/QĐ-TCHQ ngày 09/4/2021 của Tổng cục trưởng Tng cục Hi quan)

 

Mẫu số 05

CÁCH ĐEO BIỂN TÊN, PHÙ HIỆU, CẤP HIỆU

(Kèm theo Quyết định số 1062/QĐ-TCHQ ngày 09/4/2021 của Tổng cục trưởng Tng cục Hi quan)

1. Trang phục có túi áo ngực

2. Trang phục không có túi áo ngực