Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1061/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 04 tháng 4 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008; Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15/11/2010; Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH11 ngày 25/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV và Chương trình hành động số 35/CTr-UBND ngày 08/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Chương trình hành động số 01-CT/TU ngày 09/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020- 2025;
Căn cứ Quyết định số 5175/QĐ-UBND ngày 11/12/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt đề cương, dự toán Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 15/4/2020 UBND tỉnh về việc điều chỉnh thời gian xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu Tư vấn lập Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 thuộc Đề án;
Thực hiện Kết luận số 254-KL/BCSĐ ngày 22/3/2024 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 927/TTr-KHĐT ngày 13/3/2024 và Công văn số 1398/KHĐT-VX ngày 01/4/2024; ý kiến đồng ý của các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên Đề án: Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Phạm vi Đề án
Đảm bảo các yêu cầu theo Đề cương đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 5175/QĐ-UBND ngày 11/12/2019 của UBND tỉnh. Đề án tập trung vào đánh giá thực trạng nguồn nhân lực trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực toàn Tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
3. Mục tiêu của Đề án
3.1. Mục tiêu chung
Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với đội ngũ nhân lực đáp ứng về số lượng, cơ cấu, chất lượng, đảm bảo cho nhu cầu phát triển về kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh là nơi thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao từ trong nước và quốc tế, đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng phục vụ phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội của Tỉnh.
3.2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu đến hết năm 2025
- Tổng số lực lượng lao động là 798.280 người;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 87,5%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 52%;
- Số lao động cần đào tạo mới cấp chứng chỉ hàng năm là 25.500 người;
- Tỷ lệ sinh viên cao đẳng, đại học trên 01 vạn dân là 595 người;
- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ sau đại học là 16,4%;
- Cơ cấu nguồn nhân lực các ngành: Khu vực I: giảm còn 22,11%; khu vực II giảm còn 28,64%; khu vực III tăng lên 49,25%.
- Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, gồm:
+ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong nước đối với 62.900 lượt người, tương ứng khoảng 1.005 lớp thuộc các ngành học: Quản lý nhà nước, chính trị, ngoại ngữ, tin học; Đào tạo bồi dưỡng tại tỉnh theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy đối với 750 lượt người là cán bộ, công chức, viên chức; giai đoạn 2021 - 2023 đã thực hiện khoảng 603 lớp; giai đoạn 2024- 2025 thực hiện là 402 lớp.
+ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài đối với 1.100 lượt người, tương đương khoảng 55 lớp; giai đoạn 2021 - 2023 đã thực hiện là 28 lớp; Giai đoạn 2024-2025 thực hiện là 27 lớp.
+ Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm, gồm: 5.000 lao động ngành nông nghiệp; 10.000 lao động ngành công nghiệp, thương mại; 5.000 lao động ngành xây dựng; 5.800 nhân lực ngành vận tải, kho bãi (tập trung vào nhân lực trong lĩnh vực kinh tế cảng biển); 7.500 nhân lực ngành du lịch; 5.000 nhân lực ngành công nghệ thông tin, truyền thông; 4.000 nhân lực ngành khoa học công nghệ; 4.000 nhân lực ngành giáo dục đào tạo; giai đoạn 2021 - 2023 đã thực hiện đào tạo khoảng 18.520 nhân lực; Giai đoạn 2024-2025 đào tạo khoảng 27.780 nhân lực.
b) Mục tiêu đến hết năm 2030
- Quy mô nguồn nhân lực của Tỉnh đạt khoảng 874.250 người; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 92,5%; Cơ cấu nguồn nhân lực các ngành: Khu vực I là 16,62%; khu vực II là 27,68%; khu vực III là 55,7%.
- Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm, gồm: 10.000 lao động ngành nông nghiệp; 20.000 lao động ngành công nghiệp, thương mại; 10.000 lao động ngành xây dựng; 11.600 nhân lực ngành vận tải kho bãi (tập trung vào nhân lực trong lĩnh vực kinh tế cảng biển); 37.500 nhân lực ngành du lịch; 10.000 nhân lực ngành công nghệ thông tin, truyền thông; 8.000 nhân lực ngành khoa học công nghệ; 8.000 nhân lực ngành giáo dục đào tạo.
4. Sản phẩm đã hoàn thành
(1). Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt Đề án.
(2). Dự thảo quyết định phê duyệt Đề án.
(3). Các phụ biểu, dự báo, mô hình tính toán về phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo, dạy nghề.
(4). Bộ cơ sở dữ liệu của Đề án.
Các số liệu khảo sát, nội dung, kết quả nghiên cứu của Đề án đã được sử dụng làm tài liệu, cơ sở dữ liệu, tích hợp để phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (đã được phê duyệt theo Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ); các quy hoạch của các huyện, thị xã, thành phố; Đề án nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; Đề án Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành Trung tâm Du lịch kết nối với khu vực và thế giới; các Đề án, Chương trình, Kế hoạch khác của tỉnh Quảng Ninh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
5. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án
5.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, quan tâm của toàn xã hội đối với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
- Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp trong tỉnh quán triệt sâu sắc các chủ trương, định hướng, Nghị quyết của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời có trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành, địa phương, đơn vị mình.
- Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp chịu trách nhiệm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực thuộc phạm vi quản lý của mình; các ngành, địa phương, đơn vị bố trí lãnh đạo phụ trách, cán bộ theo dõi về nguồn nhân lực. Các cấp, các ngành bám sát các Nghị quyết, Quy hoạch liên quan để xây dựng chương trình khung về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025, xây dựng chương trình kế hoạch đào tạo hàng năm trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; nhiệm vụ cần ưu tiên nguồn lực phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương.
5.2. Quản lý, sử dụng kết quả nghiên cứu của Đề án:
Các nội dung, kết quả đã nghiên cứu của Đề án: Báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, các bảng biểu, dự báo, mô hình tính toán cơ sở dữ liệu của Đề án được duyệt là tài liệu để phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng các quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
5.3. Nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ninh.
- Xác định nhu cầu, tổ chức thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, lực lượng lao động phục vụ trong các ngành kinh tế trọng điểm được xác định, gồm: nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp, thương mại và công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi (tập trung vào nhân lực trong lĩnh vực kinh tế cảng biển); du lịch; công nghệ thông tin, truyền thông; khoa học công nghệ; giáo dục đào tạo; lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp.
- Trên cơ sở kết quả số liệu được rà soát, nghiên cứu đánh giá hiệu quả các cơ chế chính sách thu hút giảng viên, học sinh đến công tác, học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua; đề xuất các cơ chế thu hút giảng viên, học sinh vào các ngành, nghề trọng điểm tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, lao động tại chỗ, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực: quản lý nhân lực, tài chính, tài sản công, các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của Tỉnh...
- Xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực dùng chung về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu lao động của Tỉnh để phục vụ công tác hoạch định chính sách, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực.
5.4. Nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo, đào tạo nghề nghiệp
- Bám sát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 để thực hiện sắp xếp, tổ chức lại và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
- Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, mở rộng quy mô đào tạo song song với nâng cao chất lượng đào tạo; tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề. Chương trình, nội dung đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, bao gồm cả kiến thức, kỹ năng cần thiết và nâng cao nhận thức để hình thành thái độ phong cách lao động phù hợp với quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thực hiện cơ chế liên thông trong đào tạo từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng nghề để người lao động có nhiều cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề, từng bước hình thành đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, nhân viên giỏi trong tất cả các ngành và lĩnh vực.
- Tiếp tục xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài đối với đội ngũ giảng viên, giáo viên trên địa bàn tỉnh.
- Thành lập tổ tư vấn hoàn thiện nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo nghề của tỉnh Quảng Ninh.
- Đầu tư nâng cao cơ sở vật chất đồng bộ, bao gồm hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, phù hợp với các ngành, nghề trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác chuyên gia trong và ngoài nước theo các chương trình, dự án đào tạo. Mở rộng liên kết, hợp tác trong đào tạo đối với các Trường có thế mạnh về đào tạo đối với các nghề trọng điểm mà tỉnh xác định là trọng điểm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.
5.5. Các giải pháp khác
- Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực cấp xã, phường.
- Triển khai tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh trong các trường Trung học phổ thông, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên để định hướng cho học sinh chọn nghề phù hợp với khả năng và phù hợp với nhu cầu của địa phương.
- Nâng cao chất lượng lao động nông thôn: Nâng cao trình độ văn hóa cho nguồn nhân lực nông thôn thông qua việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở nông thôn; trang bị chuyên môn kỹ thuật cho lao động nông thôn thông qua việc chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Huy động các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp để thành lập Quỹ học bổng hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân lực; tăng cường liên kết đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp.
- Đào tạo nâng cao năng lực chuyển đổi số của Tỉnh: Tổ chức đào tạo bồi dưỡng, hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức năng cao những kỹ năng tin học, tìm hiểu và nắm rõ khái niệm và các nội dung xây dựng, triển khai Chính quyền số trên địa bàn tỉnh; nâng cao kiến thức về số hóa dữ liệu, hệ thống xử lý số hóa dữ liệu; nguyên tắc bảo mật, an ninh, an toàn thông tin, trên cơ sở đó vận hành sử dụng hệ thống Chính quyền số một cách tối ưu, đem lại các tiện ích trong công việc.
- Giải pháp về nâng cao chất lượng dân số gắn với đảm bảo an sinh, xã hội: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế hợp lý, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi của dân số Tỉnh ở mức hợp lý; nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh.
6. Kinh phí thực hiện
Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư bám sát nội dung Đề cương, dự toán Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5175/QĐ-UBND ngày 11/12/2019 và căn cứ sản phẩm của Đề án hoàn thành, các quy định của pháp luật để nghiệm thu hồ sơ quyết toán đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành, nhưng tối đa không vượt mức kinh phí báo cáo tại Tờ trình số 927/TTr-KHĐT ngày 13/3/2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, bám sát các nội dung của Đề án này để chủ động triển khai thực hiện.
- Sử dụng kết quả nghiên cứu, cơ sở dữ liệu, sản phẩm của đề án để phục vụ cho các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi của cơ quan, đơn vị.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với cục Thống kê tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các sở, ngành, đơn vị liên quan quản lý kết quả nghiên cứu đã thực hiện của Đề án này; thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu, sản phẩm của Đề án để phục vụ công tác nghiên cứu, khai thác, sử dụng cho các nhiệm vụ phát triển KTXH của Tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh trong huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án.
- Chủ trì tổng hợp kết quả thực hiện Đề án.
3. Sở Nội vụ
- Là cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển dụng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm nhiệm vụ quản lý, sử dụng nguồn nhân lực, tài sản công, tài chính công.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách về đào tạo, phát triển, quy hoạch bố trí và sử dụng nguồn nhân lực, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh cho từng ngành nghề, cấp trình độ đào tạo, cơ cấu, lộ trình, nguồn lực thực hiện đến năm 2025 và 2030.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các địa phương tham mưu, đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề.
- Xây dựng cơ chế liên kết, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo nghề và các đơn vị sử dụng lao động.
- Chủ trì triển khai công tác phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT để định hướng cho học sinh chọn nghề phù hợp với khả năng và phù hợp với nhu cầu của địa phương.
- Chủ trì tham mưu các chính sách an sinh, xã hội để thu hút, phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh để xác định nhu cầu nhân lực; phối hợp với các cơ sở đào tạo, UBND các địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, thu hút, cung cấp nguồn nhân lực cho các đơn vị.
- Chủ trì công tác xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực dùng chung về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu lao động của tỉnh.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, thực hiện chuẩn hóa, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các địa phương tham mưu, đề xuất ban hành chính sách thu hút, nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục phổ thông, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT.
6. Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh
Chủ động làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế để xác định nhu cầu nhân lực; là đầu mối cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở đào tạo, UBND các địa phương trong công tác xây dựng đào tạo, thu hút, cung cấp nguồn nhân lực trong các cụm công nghiệp.
7. Sở Công Thương:
Chủ trì cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực tại các cụm công nghiệp; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở đào tạo, UBND các địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, cung cấp nguồn nhân lực theo nhu cầu thực tế trong các cụm công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử, logistics.
8. Cục Thống kê Quảng Ninh
Căn cứ kết quả nghiên cứu của Đề án, xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về lao động để phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, thực hiện các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, quản lý của các tổ chức, cá nhân.
9. Các cơ sở đào tạo:
Thực hiện công tác đào tạo nhân lực theo các nội dung đã hoạch định trong Đề án và các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Tỉnh.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Xây dựng kế hoạch đào tạo, thu hút, nâng cao và phát triển nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 676/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do tỉnh Bình Dương ban hành
- 2Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2022 triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 3Kế hoạch 238/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 1Luật cán bộ, công chức 2008
- 2Luật viên chức 2010
- 3Luật ngân sách nhà nước 2015
- 4Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 5Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 6Chương trình 35/CTr-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động 01-CT/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025
- 7Quyết định 80/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Kế hoạch 676/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do tỉnh Bình Dương ban hành
- 9Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2022 triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 10Kế hoạch 238/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030 do tỉnh Hải Dương ban hành
Quyết định 1061/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 1061/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/04/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Vũ Văn Diện
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra