Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 106/2004/QĐ-UB

Pleiku, ngày 13 tháng 10 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

''VỀ VIỆC BAN HÀNH QUI ĐỊNH VỀ QUI TRÌNH, THỦ TỤC THỰC HIỆN MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ CỦA ĐỊA PHƯƠNG THEO QĐ 451/2003/QĐ-UB, NGÀY 11/6/2003 CỦA UBNĐ TỈNH GIA LAI''

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

- Căn cứ Điều 10 Luật Tổ chức HDND và UBND năm 2003;
- Căn cứ Quyết định số 451/QĐ-UB, ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Uỷ ban nhân tỉnh Gia Lai về việc ban hành Qui định khuyến khích và hỗ trợ đầu tư áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai;
Xét đề nghị của Giám đốc các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Cục trưởng Cục Thuế tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này ''Qui định về qui trình,thủ tục thực hiện một số quy định về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư của địa phương'' để triển khai, thực hiện các quy định về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ban hành theo Quyết định số 451/QĐ-UB, ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 2:

1/ Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã,thành phố thuộc tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc Kho bạc nhà nước, theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã được quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh; đảm bảo thuận lợi cho các nhà đầu tư được thụ hưởng những ưu đãi đầu tư của tỉnh.

2/ Các chủ dự án được hưởng ưu đãi đầu tư, cần tuân thủ các nội dung đã quy định, nhằm đảm bảo đủ các điều kiện thực hiện đối với các nội dung được ưu đãi; trong quá trình thực hiện cần phản ảnh kịp thời về Uỷ ban nhân dân tỉnh các tổ chức, cá nhân làm trái với các quy định đã ban hành .

Điều 3: Các Ông Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, các chủ dự án và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được thực hiện đối với các trường hợp được ưu đãi đầu tư theo Quyết định 451/QĐ-UB, ngày 11/6/2003 của UBND tỉnh Gia Lai ./.

 

 

Nơi nhận :
- Như điều 3
- Thường trực Tỉnh uỷ
- VP Chính phủ
- Bộ Tài chính,Bộ KH&ĐT
- Sở Tư pháp
- Lưu VT-TH

T/M UBND TỈNH GIA LAI
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

QUI ĐỊNH

"VỀ QUI TRÌNH, THỦ TỤC TRIỂN KHAI MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ CỦA ĐỊA PHƯƠNG.''
(Ban hành kèm theo Quyết định số 106 /2004/QĐ-UB ngày 13 tháng 10 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai)

Để triển khai các quy định khuyến khích và ưu đãi đầu tư bổ sung trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo Quyết định số 451/QĐ-UB, ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai, nay Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai quy định một số nội dung cụ thể như sau:

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh.

Văn bản này quy định cụ thể về qui trình, thủ tục nhằm triển khai một số quy định ưu đãi đầu tư bổ sung của địa phương đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh (ngoài các ưu đãi của Chính phủ).

Điều 2: Đối tượng áp dụng.

Các dự án được hưởng ưu đãi bổ sung của địa phương quy định tại Quyết định 451/QĐ-UB, ngày 11/6/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai, đã được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư (dưới đây gọi tắt là ''đối tượng được hưởng ưu đãi'').

Chương II

NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3: Thực hiện ưu đãi về cấp lại tiền thuê đất (theo khoản 2 Điều 6 của Qui định về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ban hành kèm theo Quyết định 451/QĐ-UB ngày 11/6/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh).

1/ Căn cứ vào giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư được cấp, hợp đồng thuê đất và các quy định về nạp tiền thuê đất, cơ quan Thuế trực tiếp quản lý thu (dưới đây gọi tắt là "cơ quan Thuế'') xác định số tiền thuê đất được ưu đãi cấp lại đối với từng đối tượng được hưởng ưu đãi và thông báo cho cơ sở sản xuất kinh doanh có dự án được ưu đãi biết (dưới đây gọi tắt là''cơ sở SXKD'') về số tiền thuê đất được ưu đãi cấp lại trong năm, phù hợp với quy định ưu đãi khuyến khích đầu tư của tỉnh và giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư được cấp.

2/ Trên cơ sở số tiền thuê đất được ưu đãi do các cơ quan Thuế xác định và thông báo cho từng cơ sở SXKD, Cục Thuế tỉnh tổng hợp danh sách, số tiền thuê đất được ưu đãi của từng đối tượng được hưởng ưu đãi và lập văn bản đề nghị Sở Tài chính để hạch toán vào ngân sách.

3/ Căn cứ vào đề nghị của Cục Thuế Tỉnh, Sở Tài chính lập lệnh ghi thu - ghi chi ngân sách cấp tỉnh, gởi Kho Bạc Nhà nước để hạch toán, đồng thời thông báo cho cơ quan Thuế.

Điều 4: Thực hiện ưu đãi về cấp lại thuế thu nhập doanh nghiệp (theo Điều 7 của Qui định về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ban hành kèm theo Quyết định 451/QĐ-UB ngày l1/6/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh).

1/ Để được ưu đãi cấp lại thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ sở SXKD phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ và nộp thuế theo kê khai;

- Hạch toán riêng doanh thu, chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong năm của dự án đầu tư được hưởng ưu đãi;

- Kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp riêng đối với phần thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi.

2/ Số thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cấp lại được xác định theo năm, sau khi cơ sở SXKD có báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp,được cơ quan Thuế kiểm tra, xác định cụ thể số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi cấp lại khi kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quí, cơ sở SXKD được phép tạm tính số thuế được ưu đãi để hạch toán và xác định số thuế phải nộp ngân sách.

3/ Căn cứ vào giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư được cấp, biên bản kiểm tra quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ quan Thuế xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi cấp lại đối với từng đới tượng được hưởng ưu đãi và thông báo cho cơ sở SXKD biết số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi.

4/ Trên cơ sở số thuế thu nhập doanh nghiệp đã được các cơ quan Thuế thông báo ưu đãi cho từng cơ sở SXKD, Cục Thuế tỉnh tổng hợp danh sách, số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi của từng đối tượng được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và lập văn bản đề nghị Sở Tài chính để hạch toán và ngân sách.

5/ Căn cứ đề nghị của Cục Thuế Tỉnh, Sở Tài chính lập lệnh ghi thu - ghi chi ngân sách.cấp tỉnh gởi Kho Bạc Nhà nước để hạch toán, đồng thời thông báo cho cơ quan Thuế.

Điều 5: Thực hiện ưu đãi về cấp lại thuế giá trị gia tăng (theo Điều 8 của Qui định về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ban hành kèm theo Quyết định 451/QĐ-UB ngày 11/6/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

1/ Các điều kiện cơ sở SXKD phải đảm bảo để được ưu đãi về cấp lại thuế giá trị gia tăng:

- Thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ và nộp thuế theo kê khai.

- Hạch toán riêng thuế giá trị gia tăng phát sinh, thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, thuế giá trị gia tăng thực nộp đối với phần doanh thu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi;

- Kê khai nộp thuế giá trị gia tăng riêng đối với phần thuế giá trị gia tăng thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi.

2/ Căn cứ vào giấy chứng nhận,ưu đãi đầu tư được cấp, cơ quan Thuế kiểm tra tờ khai nộp thuế giá trị gia tăng thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi do cơ sở SXKD nộp,xác định và thông báo cho cơ sở SXKD biết số thuế giá trị gia tăng được ưu đãi cấp lại.

Trường hợp chưa thể xác định chính xác số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ của phần doanh thu thuộc đối tượng được ưu đãi trong từng tháng, cơ sở SXKD và cơ quan Thuế có thể tạm thời phân bổ để kê khai nộp thuế và tạm xác định số thuế giá trị gia tăng được ưu đãi cấp lại. Khi quyết toán thuế hàng năm, sẽ xác định chính xác số thuế giá trị gia tăng được ưu đãi và thực hiện hạch toán bù trừ.

3/ Trên cơ sở số thuế giá trị gia tăng được ưu đãi cấp lại đã được các cơ quan Thuế thông báo cho từng cơ sở SXKD, Cục Thuế tỉnh tổng hợp danh sách, số thuế giá trị gia tăng được ưu đãi cấp lại đối với từng đối tượng được hưởng ưu đãi về thuế giá trị gia tăng và lập văn bản đề nghị Sở Tài chính để hạch toán vào ngân sách.

4/ Căn cứ vào đề nghị của Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính lập lệnh ghi thu - ghi chi ngân sách cấp tỉnh gởi Kho Bạc Nhà nước để hạch toán, đồng thời thông báo cho cơ quan Thuế.

Điều 6: Thực hiện ưu đãi về đền bù giải phóng mặt bằng, về hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng (theo Điều 9 và Điều 10 của Qui định về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ban hành kèm theo Quyết định 451/QĐ-UB ngày 11/6/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh).

1/ Khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán hàng năm, căn cứ các nội dung ưu đãi về đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí, đề xuất bố trí nguồn kinh phí trình Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ kinh, phí để thực hiện các ưu đãi đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh cam kết đối với các dự án đầu tư được hưởng ưu đãi.

2/ Nguồn kinh phí để thực hiện các ưu đãi về đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng được bố trí trong dự toán chi từ các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.

3/ Căn cứ quyết định ưu đãi đầu tư của Uỷ ban nhân dân tỉnh và dự toán kinh phí được phân bổ, các cơ quan chức năng của tỉnh chịu trách nhiệm triển khai việc hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng theo nguyên tắc sau :

3.1/ Đối với hạng mục do ngân sách chịu toàn bộ chi phí: Ngân sách địa phương bố trí kinh phí và giao cho các đơn vị có chức năng của tỉnh để thực hiện theo qui trình đầu tư xây dựng cơ bản.

3.2/ Đối với hạng mục ngân sách chỉ hỗ trợ một phần chi phí: Căn cứ vào phương án đền bù hoặc dự toán hạng mục công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt và dự toán kinh phí hàng năm đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, Sở Tài chính trực tiếp cấp kinh phí hỗ trợ cho chủ dự án theo tiến độ công việc thực tế hoàn thành. Cụ thể :

- Cấp phát 70% số kinh phí được Uỷ ban nhân dân tỉnh cam kết hỗ trợ, khi chủ dự án có báo cáo thực hiện được trên 50% tổng khối lượng công việc.

- Cấp phát đủ 100% số kinh phí được Uỷ ban nhân dân tỉnh cam kết hỗ trợ, khi chủ dự án có báo cáo hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc.

Điều 7: Thực hiện hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất vào khu cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu (theo Điều 13 của Qui định về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ban hành kèm theo Quyết định 451/QĐ-UB ngày 11/6/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

1/ Khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí, trình Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định bố trí dự toán và phân bổ từ nguồn kinh phí chi hỗ trợ doanh nghiệp hàng năm của ngân sách cấp tỉnh để thực hiện việc hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất.

2/ Căn cứ dự toán kinh phí được phân bổ, Sở Tài chính kiểm tra, trực tiếp cấp đủ 100% kinh phí hỗ trợ khi cơ sở SXKD có báo cáo thực hiện được trên 50% khối lượng công việc di đời cơ sở.

Điều 8: Thực hiện ưu đãi về cho vay đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư (theo Điều 13 của Qui định về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ban hành kèm theo Quyết định 451/QĐ-UB ngày 11/6/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh).

1/ Các dự án đầu tư thuộc đối tượng được Quỹ Hỗ trợ Phát triển quốc gia cho vay vốn hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, được hưởng các ưu đãi về vay vốn và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định của chính phủ.

2/ Các dự án đầu tư không thuộc đối tượng được Quỹ Hỗ trợ Phát triển quốc gia cho vay đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cần đặc biệt thu hút,được Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét tính chất của từng dự án và khả năng nguồn vốn của địa phượng, để hỗ trợ cho vay hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với một phần vốn đầu tư tài sản cố định được duyệt của dự án.

Tổng mức hỗ trợ theo các hình thức trên không quá 30% vốn đầu tư tài sản cố định được duyệt của dự án.

3/ Sau khi hình thành Quỹ Hỗ trợ Đầu tư - Phát triển của địa phương việc vay vốn được thực hiện theo Qui chế cho vay của Quỹ.

4/ Trong thời gian Quỹ Hỗ trợ Đầu tư - Phát triển của địa phương chưa hình thành, việc ưu đãi về vốn được thực hiện bằng hình thức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

4.1/ Điều kiện được hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư :

- Dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đã hoàn trả được vốn vay.

- Chỉ hỗ trợ lãi suất đối với số vốn vay của các ngân hàng thương mại, để đầu tư tài sản cố định và trong phạm vi phần vốn được Uỷ ban nhân dân tỉnh cam kết hỗ trợ.

- Những dự án đã được Quỹ Hỗ trợ Phát triển quốc gia cho vay đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư không được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ Đầu tư hoặc ngân sách địa phương.

4.2/ Tỷ lệ hỗ trợ lãi suất sau đầu tư bằng 30% lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước thời điểm vay vốn.

4.3/ Thời gian hỗ trợ lãi suất sau đầu tư tối đa bằng thời hạn vay ghi trong hợp đồng tín dụng. Những khoản vay được trả trước hạn, mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được tính theo thời hạn thực vay của khoản vốn đó. Không hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với những khoản nợ vay quá hạn trả.

4.4/ Nguyên tắc, phương pháp xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được thực hiện theo nguyên tắc, phương pháp đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ phát triển quốc gia theo Thông tư 63/2004/TT-BTC ngày 28/6/2004 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định 106/2004/NĐ-CP ngày 1/4/2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước.

4.5/ Khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, căn cứ các các cam kết của Uỷ ban nhân dân tỉnh về ưu đãi hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được ghi trong các giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã được cấp, Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí, trình Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, bố trí dự toán và phân bổ từ nguồn kinh phí chi hỗ trợ doanh nghiệp hàng năm của ngân sách cấp tỉnh, để thực hiện việc hỗ trợ lãi suất.

4.6/ Thủ tục hỗ trợ lãi suất sau đầu tư :

a/ Sau khi ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng thương mại, chủ đầu tư gửi đến Sở Tài chính các văn bản sau :

- Giấy đề nghị hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với dự án được ưu đãi;

- Bản sao giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư và các văn bản có liên quan về mức vốn đầu tư được ưu đãi hỗ trợ lãi suất sau đầu tư ;

- Bản sao hợp đồng tín dụng.

b/ Hằng năm, sau khi trả nợ gốc và lãi đối với khoản vay được ưu đãi hỗ trợ lãi suất, chủ đầu tư gửi đến Sở Tài chính Bảng kê trả nợ và lãi vay (có xác nhận của Ngân hàng cho vay vốn).

c/ Sở Tài chính kiểm tra, xác định cụ thể mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và trực tiếp cấp kinh phí hỗ trợ cho cơ sở SXKD. Tuỳ theo qui mô dự án, Sở Tài chính cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho chủ đầu tư một hoặc hai lần trong năm.

Điều 9: Thực hiện các ưu đãi về bổ trợ kinh phí đào tạo lao động (theo Điều 12 của Qui định về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ban hành kèm theo Quyết định 451/QĐ-UB ngày 11/6/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh).

1/ Nội dung và mức hỗ trợ :

- Trường hợp đào tạo tại các cơ sở đào tạo do tỉnh quản lý: Cơ sở đào tạo miễn thu các khoản kinh phí đào tạo đối với học viên là người dân tộc thiểu số; giảm 50% các khoản kinh phí đào tạo đối với học viên người Kinh. Số kinh phí thực tế miễn, giảm được ngân sách cấp bù cho cơ sở đào tạo.

- Trường hợp đào tạo tại các cơ sở đào tạo khác: Hỗ trợ kinh phí đào tạo theo mức 200.000 đồng/tháng đối với học viên là người dân tộc thiểu số; 100.000 đồng/tháng đối với học viên là người Kinh.

Mức hỗ trợ trên đây chỉ áp dụng đới với các trường hợp học viên được tổ chức đào tạo tập trung từ 6 tháng trở lên.

2/ Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí: Các cơ sở SXKD thuộc đối tượng được ưu đãi có nhu cầu hỗ trợ kinh phí nộp về Sở Tài chính các văn bản sau :

- Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động của cơ sở SXKD,

- Hợp đồng đào tạo giữa cơ sở SXKD với cơ sở đào tạo (bản sao);

- Danh sách học viên thực tế được đào tạo.

3/ Hàng quí, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - TB&XH kiểm tra, tổng hợp mức kinh phí hỗ trợ cho từng đối tượng được ưu đãi và đề xuất Uỷ ban nhân dân tình quyết định phân bổ từ nguồn kinh phí chi hỗ trợ doanh nghiệp hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.

4/ Căn cứ mức hỗ trợ được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, Sở Tài chính cấp bù số kinh phí được miễn giảm cho cơ sở đào tạo (trong trường hợp đào tạo tại các cơ sở đào tạo thuộc tỉnh) hoặc cấp phát trực tiếp kinh phí hỗ trợ cho cơ sở SXKD (trong trường hợp đào tạo tại các cơ sở đào tạo khác)

Điều 10: Thực hiện các ưu đãi về hỗ trợ tư vấn để áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiến tiến, hỗ trợ đăng ký bản quyền phát minh sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá (theo Điều 12 của Qui định về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ban hành kèm theo Quyết định 451/QĐ-UB ngày l1/6/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh).

1/ Đối với toàn bộ các dự án đầu tư được Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, nếu có nhu cầu tư vấn để áp dụng hệ thống quan lý chất lượng tiên tiến, đăng ký bản quyền phát minh sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá, được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm của ngân sách tỉnh để thực hiện các nội dung trên.

2/ Nội dung và mức hỗ trợ :

2.1/ Hỗ trợ 40% giá trị hợp đồng tư vấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, nhưng không quá 40 triệu đồng.

2.2/ Hỗ trợ 50% phí, lệ phí đăng ký bản quyền phát minh sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá.

3/ Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí :

Các cơ sở SXKD thuộc đối tượng được ưu đãi có nhu cầu hỗ trợ kinh phí nộp về Sở Khoa học và Công nghệ các văn bản sau :

3.1/ Trường hợp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến :

- Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phi của cơ sở SXKD;

- Đơn đăng ký áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến;

- Bản sao hợp đồng tư vấn xây dựng hệ thống quản lý tiên tiến;

- Bản sao Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư;

Sở Khoa học và Công nghệ tạm ứng cho cơ sở sản xuất kinh doanh 50% số kinh phí được hỗ trợ sau khi nhận được các văn bản trên; sau đó, cấp phát đủ 100% số kinh phí được hỗ trợ sau khi có thêm các văn bản sau :

- Bản sao giấy chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến;

- Bản sao hóa đơn thu tiền của đơn vị tư vấn.

Trường hợp cơ sở SXKD đã tạm ứng kinh phí, nhưng không được cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến, phải hoàn trả lại Sở Khoa học và Công nghệ số kinh phí .

3.2/ Trường hợp đăng ký bản quyền phát minh sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa :

- Tờ khai yêu cầu cấp bằng độc quyền đối với sáng chế hoặc tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đối với nhãn hiệu hàng hóa;

- Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí của cơ sở SXKD;

- Bản sao bằng độc quyền hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký;

- Bản sao hoá đơn, biên lai thu phí, lệ phí;

- Bản sao giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.

Sở Khoa học và Công nghệ cấp phát đủ 100% số kinh phí được hỗ trợ sau khi nhận đủ hồ sơ quy định.

Điều 11: Cải tiến các thủ tục thực hiện ưu đãi.

1/ Đối với các nội dung ưu đãi về tiền thuê đất và các khoản thuế, cơ sở SXKD không cần lập văn bản đề nghị thực hiện ưu đãi. Trong quá trình quản lý thu, cơ quan Thuế tự kiểm tra tờ khai nộp tiền thuê đất, tờ khai nộp thuế của cơ sở SXKD theo quy định và thông báo cho cơ sở SXKD số tiền thuê đất, số thuế được ưu đãi. Cơ sở SXKD được để lại các khoản được ưu đãi thay cho việc nộp vào ngân sách, sau dó mới được cấp lại số thực nộp ngân sách.

Hàng quí, Cục Thuế tổng hợp danh sách, số tiền đã được cơ quan Thuế thông báo ưu đãi cho các cơ sở SXKD và đề nghị Sở Tài chính thực hiện thủ tục ghi thu - ghi chi ngân sách, để kịp thời phản ảnh vào ngân sách, làm cơ sở đánh giá tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách.

2/ Đối với các nội dung ưu đãi về lĩnh vực khoa học, công nghệ quy định tại Điều 10, cơ sở SXKD nộp các hồ sơ đề nghị thực hiện ưu đãi về Sở Khoa học và Công nghệ; đối với các nội dung ưu đãi khác, cơ sở SXKD nộp các hồ sơ đề nghị thực hiện ưu đãi về Sở Tài chính. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chịu trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thông báo kết quả cho cơ sở SXKD trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12: Phối hợp triển khai thực hiện và báo cáo.

1/ Các Sở, ngành thuộc tỉnh, Cục Thuế, Kho Bạc Nhà nước tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã phải phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện các cơ chế khuyến khích và hỗ trợ đầu tư đã được Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định

2/ Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp kịp thời, đầy đủ danh mục, nội dung ưu đãi,điều kiện ưu đãi của từng dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho Sở Tài chính, Cục Thuế, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan làm cơ sở triển khai các nội dung ưu đãi đầu tư.

3/ Định kỳ 6 tháng, Sở Tài chính tổng hợp kết quả, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện các nội dung ưu đãi theo Qui định này.

Điều 13: Điều khoản thi hành.

Qui định này được áp dụng đồng thời với các quy định được ban hành theo Quyết định 451/QĐ-UB, ngày 11/6/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Sở Tài chính theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Qui định này; kịp thời nắm bắt, xử lý và đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 106/2004/QĐ-UB Quy định về Quy trình, thủ tục thực hiện biện pháp khuyến khích và hỗ trợ đầu tư của địa phương theo Quyết định 451/2003/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành

  • Số hiệu: 106/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/10/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Phạm Thế Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/10/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 06/09/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản