Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1059/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ TẠI CÁC ĐỊA BÀN, LĨNH VỰC TRỌNG ĐIỂM ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/cáo);
- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP (để b/cáo);
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (phối hợp chỉ đạo);
- Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP;
- Lưu: VT, QLTT.

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

ĐỀ ÁN

PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ TẠI CÁC ĐỊA BÀN, LĨNH VỰC TRỌNG ĐIỂM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1059/QĐ-BCT ngày 28 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

I. MỤC TIÊU

1. Địa bàn trọng điểm

Địa bàn trọng điểm được xác định trong Đề án này gồm 20 tỉnh, thành phố Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp.

2. Mục tiêu tổng quát

a) Tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với phát triển kinh tế, xã hội; làm giảm các hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế nói chung và làm giảm cơ bản các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm từng bước xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh.

b) Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ chính sách có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bảo đảm chế tài đủ mức răn đe để tổ chức, cá nhân kinh doanh và người dân tự giác chấp hành pháp luật, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

3. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính kết hợp tuyên truyền pháp luật góp phần đẩy lùi tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng tỷ lệ phát hiện, bắt giữ số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Giảm tỷ lệ tái phạm đối với các đối tượng vi phạm; phấn đấu chuyển hóa thành công 60% địa bàn được xác định là trọng điểm, phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Phấn đấu đạt ít nhất 80% số doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn trọng điểm được tuyên truyền về công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

- Phấn đấu ít nhất 60% doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn trọng điểm thực hiện ký cam kết không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất - kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

- Phấn đấu đạt ít nhất 90% siêu thị và trung tâm thương mại tại các thành phố trên địa bàn trọng điểm không bày bán công khai hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

- 100% công chức làm công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thường xuyên đào tạo, cập nhật kiến thức về phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

- 100% công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành biết ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ chính sách có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bảo đảm chế tài đủ mức răn đe để tổ chức, cá nhân kinh doanh và người dân tự giác chấp hành pháp luật, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại; hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

II. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

a) Các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức quán triệt các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt là việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; theo đó, phải quán triệt đến công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; nêu cao tinh thần phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn, lĩnh vực được phân công thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm. Chú trọng công tác quản lý đội ngũ công chức; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

b) Cục Quản lý thị trường

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác kiểm tra kiểm soát thị trường để chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt hoặc ban hành. Tổ chức tổng kết, sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm của từng chuyên đề, mặt hàng để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Thuế, Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành để tạo thành sức mạnh tổng hợp ở Trung ương và địa phương nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Thực hiện tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

- Kịp thời hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Quản lý thị trường địa phương.

c) Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

- Tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc lực lượng Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, kiên quyết không cho phép có vùng “cấm” trong công tác này.

2. Về công tác hướng dẫn, tuyên truyền

a) Cục Quản lý thị trường

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Bộ để đưa tin kịp thời về hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;

- Xây dựng kế hoạch của Bộ Công Thương về tuyên truyền, triển khai ký cam kết đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại;

- Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng triển khai Kế hoạch tuyên truyền liên quan đến ngành hàng của từng Hiệp hội;

- Phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo, đôn đốc lực lượng Quản lý thị trường cả nước thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật tới tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát và vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

b) Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường triển khai Kế hoạch của Bộ Công Thương về tuyên truyền, ký cam kết; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương tuyên truyền kịp thời về các hoạt động vận động ký cam kết và công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường.

c) Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Triển khai Kế hoạch của Bộ Công Thương về tuyên truyền, ký cam kết; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, ký cam kết của Chi cục; thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật tới tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát và vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương tuyên truyền kịp thời về các hoạt động vận động ký cam kết và công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường.

d) Vụ Pháp chế

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý hoạt động thương mại và quản lý thị trường theo kế hoạch đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt, chú trọng các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm như rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, phân bón, an toàn thực phẩm.

đ) Các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông thuộc Bộ Công Thương

- Thông tin, tuyên truyền kịp thời về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua các phương thức, hình thức đa dạng, phong phú; cử phóng viên chuyên trách để viết bài, đưa tin, xây dựng các phóng sự, phim, ảnh, tài liệu tuyên truyền để đăng tải, phát sóng.

- Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường mở chuyên trang (chuyên mục) về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

e) Các cơ quan, đơn vị phối hợp

- Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyên truyền với các nội dung và hình thức nêu trên.

- Đề nghị các Hiệp hội ngành hàng (Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) tuyên truyền, vận động các thành viên trong Hiệp hội tham gia triển khai Đề án, đồng thời cung cấp thông tin, tư liệu và hỗ trợ cho các đơn vị triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền.

- Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương: bố trí thời lượng thích hợp để đăng tải, phát sóng về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng.

3. Công tác kiểm tra, kiểm soát

a) Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ xác định rõ phương thức thủ đoạn, tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung vào các tuyến biên giới đường bộ, cảng biển, cảng hàng không nội địa, chợ đầu mối, bến xe, ga đường sắt; các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá ngoại nhập lậu, rượu, bia, nước giải khát, đường, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, mỹ phẩm và các mặt hàng khác tùy từng thời điểm để có kế hoạch, biện pháp đấu tranh cụ thể, hiệu quả.

b) Cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc lực lượng Quản lý thị trường xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường.

c) Chi cục Quản lý thị trường

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Chú trọng phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, tuyến đường từ khu vực biên giới phía Bắc về Hà Nội và các tỉnh lân cận; từ khu vực biên giới Tây Nam về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; từ các khu kinh tế cửa khẩu vào nội địa, đường hàng không, đường biển; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.

- Về mặt hàng trọng điểm: ngoài các mặt hàng được lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cần tập trung một số mặt hàng trọng điểm như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá ngoại nhập lậu, rượu, bia, nước giải khát, đường, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, mỹ phẩm để tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Về địa bàn trọng điểm:

+ Đối với mặt hàng đường, thuốc lá ngoại nhập lậu: địa bàn trọng điểm là các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Quảng Trị, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai.

+ Đối với mặt hàng mỹ phẩm, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng: địa bàn trọng điểm là các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hưng Yên.

+ Đối với mặt hàng rượu, bia, nước giải khát: địa bàn trọng điểm là các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: địa bàn trọng điểm là các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Thanh Hóa, Nghệ An.

4. Hoàn thiện cơ chế chính sách

a) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương đúng tiến độ; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật

b) Cục Quản lý thị trường

- Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức, bộ máy và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường.

- Tiếp tục tăng cường chất lượng công tác tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiệp vụ của đơn vị Quản lý thị trường các cấp với việc rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý hoạt động thương mại và quản lý thị trường, kịp thời nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; tập hợp, kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung để đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Bộ Công Thương.

c) Vụ Công nghiệp nặng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ việc vận chuyển khoáng sản bằng đường biển và đường thủy nội địa nói riêng và kinh doanh khoáng sản nói chung, tránh bị lợi dụng để xuất lậu.

d) Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương.

đ) Cục Xuất nhập khẩu chủ trì rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật quy định về thương mại biên giới, khu thương mại, chính sách kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất...không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại.

e) Các đơn vị khác thuộc ngành Công Thương chủ động đề xuất, phối hợp vơi Vụ Pháp chế nghiên cứu, rà soát, đánh giá, phát hiện những quy định bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý về thương mại, quản lý thị trường và xử lý vi phạm hành chính; kịp thời kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, Đặc biệt là quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, nhượng quyền thương mại... không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại.

5. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cơ quan, công chức làm công tác quản lý thị trường

a) Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ động xây dựng kế hoạch, đề án, huy động các nguồn lực xã hội theo quy định để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục tạo điều kiện, bố trí kinh phí cho lực lượng Quản lý thị trường để mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm.

b) Cục Quản lý thị trường

- Tiến hành rà soát, tổng hợp về nhu cầu bổ sung biên chế, trụ sở làm việc, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện làm việc, công cụ hỗ trợ, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

- Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng đối với công chức Quản lý thị trường cả nước; tổ chức hoặc hướng dẫn, hỗ trợ các Chi cục Quản lý thị trường trong việc thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật chính sách, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ cho công chức làm công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên ngành; tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ người lấy mẫu phân bón, người lấy mẫu thực phẩm cho kiểm soát viên thị trường để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

6. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp

a) Cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra lực lượng Quản lý thị trường cả nước:

- Tại các địa bàn khu vực biên giới: Tăng cường phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an nhằm phát hiện, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; phát hiện, điều tra các tụ điểm, ổ nhóm, đường dây buôn bán, vận chuyển kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn khu vực biên giới và qua lại hai bên biên giới.

- Trong thị trường nội địa: Tăng cường phối hợp với lực lượng Công an và các lực lượng chức năng triệt phá các tụ điểm tập kết, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra kiểm soát, tập trung xử lý các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết, kho tàng, bến bãi; nơi giao nhận hàng hóa trên tất cả các tuyến hàng không, đường bộ, đường sắt, bưu điện qua đó để phát hiện hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ nước ngoài vận chuyển vào Việt Nam; nhất là địa bàn Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tăng cường các hoạt động phối hợp với các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp trong trao đổi thông tin, hỗ trợ chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế trọng tâm vào phối hợp giữa các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp với các tổ chức, thương hiệu toàn cầu hợp tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ,

b) Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thương mại biên giới và miền núi, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị thuộc Bộ phối hợp, hỗ trợ lực lượng Quản lý thị trường trong việc thu thập thông tin, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính có liên quan lĩnh vực chuyên môn được giao.

7. Phát triển hệ thống phân phối

a) Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát tình hình thị trường, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường góp phần ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

b) Cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chủ trương của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ.

c) Các cơ quan, đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương có phương án cải tiến công nghệ, phát triển sản xuất thiết lập hệ thống phân phối hàng hóa bảo đảm chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

8. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn, quản lý thương nhân và hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, gian lận thương mại

Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, tạo nên hệ thống dữ liệu đầy đủ, chính xác phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát cũng như nhận định, dự báo thị trường từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Trước mắt, tập trung nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống báo cáo điện tử của Quản lý thị trường, cụ thể như sau:

- Xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý thương nhân: quản lý toàn diện các thông tin của thương nhân trên địa bàn bao gồm số lượng, tên, địa chỉ, loại hình kinh doanh và tình trạng vi phạm pháp luật của thương nhân trong quá trình hoạt động. Đội Quản lý thị trường có thể quản lý dữ liệu về thương nhân trên địa bàn quận, huyện mình quản lý; Chi cục Quản lý thị trường có thể quản lý dữ liệu về thương nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố; Cục Quản lý thị trường quản lý dữ liệu về thương nhân trên địa bàn cả nước. Từ đó, nâng cao hơn nữa công tác Quản lý địa bàn của lực lượng Quản lý thị trường, là công cụ đắc lực phục vụ cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát.

- Xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý hoạt động kiểm tra kiểm soát: bao gồm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trên thị trường, các phương thức thủ đoạn mới xuất hiện, kết quả thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng Quản lý thị trường. Từ đó có thể dễ dàng đưa ra các nhận định chính xác, nhanh chóng về tình hình thị trường và có các giải pháp chỉ đạo kịp thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

- Xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý công chức: quản lý toàn diện các thông tin của công chức, người lao động lực lượng Quản lý thị trường bao gồm số lượng, trình độ, lý lịch, quản lý thẻ, biển hiệu, các lớp đào tạo. Thông qua số liệu của công chức, người lao động, các đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ sẽ có các giải pháp quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, các đề xuất cấp thẻ, biển hiệu kịp thời để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra kiểm soát.

- Xây dựng hệ thống truyền thông tin chỉ đạo từ Cục Quản lý thị trường đến Chi cục Quản lý thị trường và Đội Quản lý thị trường, phấn đấu giảm thời gian tiếp nhận thông tin từ Cục Quản lý thị trường của các Đội Quản lý thị trường trung bình là 4 ngày hiện nay xuống còn 1 ngày vào năm 2018 để nắm bắt được thông tin kịp thời, chủ động lập kế hoạch và triển khai có hiệu quả khi được sự chỉ đạo của cấp trên trực tiếp.

9. Về hợp tác quốc tế

a) Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương các nước có chung đường biên giới chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

b) Cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động tham mưu với các cấp có thẩm quyền đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực với các cơ quan chức năng của các nước và các tổ chức quốc tế để hợp tác trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công thực hiện

a) Cục Quản lý thị trường

- Đầu mối, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ việc triển khai thực hiện Đề án này (định kỳ 6 tháng và hàng năm) sơ kết, tổng kết, báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước thực hiện nghiêm các nội dung Đề án này.

b) Vụ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường phân bổ và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ Đề án này.

c) Vụ Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường trong việc hướng dẫn lực lượng Quản lý thị trường triển khai về công tác an toàn thực phẩm.

- Phối hợp, tạo điều kiện cho lực lượng Quản lý thị trường nghiên cứu các đề án, đề tài khoa học để tăng cường năng lực thực thi đối với hoạt động quản lý thị trường.

d) Vụ Pháp chế

- Hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ chính sách có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

đ) Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin

- Chủ trì, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường.

- Phối hợp cung cấp thông tin về các thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website hoặc ứng dụng thương mại điện tử liên quan tới hoạt động bán hàng cho các đơn vị có liên quan thuộc Bộ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

e) Cục Quản lý cạnh tranh

Chủ trì thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành về hoạt động bán hàng đa cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

g) Văn phòng Bộ

Hỗ trợ các đơn vị tham gia triển khai Đề án về điều kiện, phương tiện và trụ sở làm việc.

h) Các đơn vị khác thuộc Bộ

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án này.

- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường rà soát các bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

i) Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trọng điểm: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phối hợp với Cục Quản lý thị trường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc Chi cục Quản lý thị trường và các đơn vị trực thuộc thực hiện Đề án.

- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố còn lại căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, xác định các mặt hàng, địa bàn trọng điểm, tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phối hợp với Cục Quản lý thị trường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc Chi cục Quản lý thị trường và các đơn vị trực thuộc thực hiện Đề án góp phần bảo đảm đạt được các mục tiêu đề ra.

k) Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ được phân công, tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả Đề án này.

l) Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020 chỉ đạo Sở Công Thương và các lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả Đề án này; lồng ghép với các chương trình, nguồn lực và các dự án do địa phương quản lý; tổ chức huy động các nguồn lực của địa phương để bổ sung, hỗ trợ việc thực hiện Đề án.

2. Kinh phí thực hiện Đề án

Kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn huy động hợp pháp khác; chú trọng kết hợp hiệu quả giữa kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu của từng ngành, từng địa phương. Cụ thể:

- Hàng năm, trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, Cục Quản lý thị trường có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động của Đề án thuộc nhiệm vụ của các cơ quan thuộc Bộ Công Thương; phối hợp với Vụ Tài chính tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Công Thương, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản pháp luật có liên quan;

- Hàng năm, trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động của Đề án thuộc nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị ở địa phương, trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản pháp luật có liên quan.

IV. SƠ KẾT, ĐÁNH GIÁ, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ KHEN THƯỞNG

1. Các đơn vị thực hiện Đề án báo cáo định kỳ hàng tháng vào ngày 25 của tháng (nội dung báo cáo gồm: Đánh giá tình hình; công tác tổ chức triển khai; kết quả đạt được, các vụ việc điển hình; khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục) và báo cáo đột xuất khi có các vấn đề mới phát sinh trên địa bàn gửi về Bộ Công Thương (Cục Quản lý thị trường, 91 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo 138/CP.

2. Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có trách nhiệm sơ kết và tổng kết việc thực hiện Đề án, báo cáo Ban Chỉ đạo 138/CP.

3. Việc khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc triển khai Đề án theo quy định của pháp luật hiện hành./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1059/QĐ-BCT năm 2017 phê duyệt Đề án Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 1059/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/03/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản