Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1054/QĐ-UBND | Khánh Hòa, ngày 26 tháng 4 năm 2014 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Căn cứ Công văn 1301/UBDT-KHTC ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc về việc xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tại Công văn số 62/BDT-KH ngày 02 tháng 4 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1054/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
Miền núi tỉnh Khánh Hòa có tổng diện tích tự nhiên là 290.500 ha, chiếm 63,5% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, có 53 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã thuộc khu vực III, 17 xã thuộc khu vực II và 31 xã khu vực I (Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc về công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 – 2015). Theo kết quả điều tra dân số tháng 4 năm 2009, toàn tỉnh có 33 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống với 13.686 hộ, 61.588 khẩu, chiếm 5,3% dân số toàn tỉnh, trong đó đông nhất là dân tộc Raglay (45.915 người, chiếm 74,55% dân tộc thiểu số). Các dân tộc thiểu số của tỉnh sống tập trung ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã miền núi của tỉnh (trên 90%), số còn lại sống rải rác ở các xã, thị trấn đồng bằng.
Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, các giải pháp mang tính đột phá để thực hiện có hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn miền núi đã có sự khởi sắc đáng kể; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS được cải thiện và từng bước nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và củng cố tương đối đồng bộ; cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi đã có sự chuyển dịch đúng hướng; nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt được quan tâm; sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân có sự chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố một bước, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn; an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi vẫn còn chậm phát triển, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa vùng đồng bào với vùng đồng bằng, thị xã, thành phố trong tỉnh vẫn còn khá xa. Công tác giảm nghèo tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo bình quân vùng DTTS và miền núi theo chuẩn Quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 còn cao, chiếm 20,64% (trong đó hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 61,67% so với tổng số hộ nghèo), trong khi tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả tỉnh là 9,4%. Chất lượng hiệu quả giáo dục đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào cũng còn hạn chế; các thể chế văn hóa chưa đủ điều kiện phục vụ đời sống; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất lâm, nông nghiệp, tự cấp, tự túc, trình độ tổ chức sản xuất và kỹ năng lao động của đồng bào DTTS còn hạn chế, sản xuất còn manh mún, chưa gắn với thị trường, chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ khó khăn; cơ sở hạ tầng như: Giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, nước sạch, trường học đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng dân tộc thiểu số; phát triển nguồn nhân lực, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; từng bước tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm ổn định an ninh, quốc phòng.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hàng năm từ 6 - 6,5%;
- Đến năm 2015, 98% số hộ miền núi được sử dụng điện lưới Quốc gia; đến năm 2020, 95% số hộ miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;
- Phấn đấu đến năm 2020, 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình, nghe đài phát thanh tỉnh có chương trình phát thanh tiếng dân tộc; 100% trạm y tế xã có bác sỹ; thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống dưới 10%;
- Giữ vững đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đến năm 2015 đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học phổ thông;
- Phấn đấu đến năm 2020, 90% cán bộ cơ sở miền núi là người dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa Trung học phổ thông, trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên.
1. Xây dựng chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số; xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm của đồng bào;
2. Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số;
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; củng cố an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
4. Phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số;
5. Phát triển toàn diện lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe;
6. Bảo tồn, phát triển văn hóa, các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;
7. Tập trung đầu tư phát triển địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số;
8. Đảm bảo nước sinh hoạt, môi trường sống vùng dân tộc thiểu số;
9. Phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ;
10. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Các Sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm:
1. Sở Công thương
Chủ trì, phối hợp Ban Dân tộc và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai xây dựng “Chính sách phát triển hạ tầng thương mại, xúc tiến thương mại vùng dân tộc thiểu số để đẩy mạnh trao đổi, xuất khẩu hàng hóa, phát triển thương mại; chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp Ban Dân tộc và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện kế hoạch “Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số”:
- Rà soát, bổ sung, điều chỉnh, tăng cường mạng lưới các trường, cơ sở đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi để tập trung ưu tiên đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số;
- Mở rộng dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số; tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số;
- Bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn;
- Củng cố, mở rộng quy mô hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho học sinh bán trú người dân tộc thiểu số;
- Nâng cao chất lượng hệ thống các trường dạy nghề, sửa đổi, bổ sung các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề phù hợp với năng lực;
- Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng thanh niên người dân tộc thiểu số đang tại ngũ để tạo nguồn cán bộ khi xuất ngũ về địa phương;
- Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho vùng dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, luật sư là người dân tộc thiểu số;
- Khuyến khích, vận động và tranh thủ các nguồn vốn hợp pháp trong và ngoài nước để tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số.
3. Sở Nội vụ
Phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện kế hoạch “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; củng cố an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi”:
- Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đến từng thôn; chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ về công tác ở địa bàn đặc biệt khó khăn;
- Thực hiện tốt chính sách động viên, khuyến khích già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia công tác kiểm tra, giám sát các chương trình, chính sách;
- Xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới;
- Xây dựng cơ chế, chính sách giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp;
- Hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức tăng cường có thời hạn về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch “Phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số”:
- Quy hoạch hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện từng vùng;
- Tăng cường đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm của đồng bào;
- Tạo môi trường thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.
5. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, các sở, ngành địa phương liên quan xây dựng kế hoạch “Phát triển toàn diện các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số”:
- Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, đầu tư hoàn thiện trạm y tế xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn đạt chuẩn, phát triển mạnh y tế dự phòng;
- Xây dựng chính sách, biện pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống;
- Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khám bệnh định kỳ ở các cơ sở y tế; chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho các cháu mẫu giáo, mầm non và học sinh tiểu học để cải thiện tầm vóc, sức khỏe thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan “Triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa, các dân thiểu số đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”:
- Phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số; chính sách giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa gắn với việc bảo quản, gìn giữ, bảo tồn di tích lịch sử ở từng vùng, từng địa phương; xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín, hủ tục lạc hậu;
- Xây dựng kế hoạch hàng năm, thống nhất với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn ngân sách để thực hiện.
7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch “Tập trung đầu tư phát triển cho địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số”:
- Xây dựng mô hình dạy nghề, phát triển ngành nghề truyền thống phù hợp, nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc;
- Chính sách dạy nghề chuyên biệt và giải quyết việc làm cho con em người dân tộc thiểu số đến năm 2020;
- Xây dựng chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng “Chính sách đảm bảo nước sinh hoạt, môi trường sống vùng dân tộc thiểu số”:
- Điều tra, đánh giá thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, quy hoạch quỹ đất sản xuất; đề xuất chính sách giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, nước cho sản xuất; chính sách ưu tiên mặt bằng thuế... để huy động mọi thành phần kinh tế đầu tư và cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các vùng dân tộc thiểu số;
- Đảm bảo môi trường sống, môi trường sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số trong việc xây dựng các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chí của chương trình nông thôn mới;
- Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập.
9. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp các sở, ngành nghiên cứu xây dựng kế hoạch “Chương trình khoa học về công tác dân tộc, chú trọng đổi mới việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.
10. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp Ban Dân dân tộc và các sở, ngành, địa phương liên quan cân đối nguồn vốn, lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội để thực hiện chương trình.
11. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành, địa phương được phân công giao nhiệm vụ xây dựng các chương trình, chính sách, dự án, đề án để triển khai những nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược công tác dân tộc, bố trí ngân sách hàng năm đảm bảo theo kế hoạch, mục tiêu và tiến độ đề ra. Hướng dẫn quản lý tài chính, kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định hiện hành.
12. Ban Dân tộc
- Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”, tổng hợp kế hoạch hàng năm, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện chương trình;
- Phối hợp các sở, ngành, địa phương nghiên cứu đề xuất các chính sách cụ thể trong hỗ trợ phát triển sản xuất và thực hiện chính sách an sinh xã hội;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phân bổ nguồn vốn hàng năm đầu tư cho Chương trình;
- Phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, ý thức trách nhiệm của đồng bào trong việc tham gia thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn;
- Phối hợp các sở, ngành hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các phòng chuyên môn liên quan triển khai kế hoạch theo chức năng, thẩm quyền;
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình tại các ngành, địa phương, đơn vị; báo cáo cấp trên kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan cấp trên, căn cứ vào điều kiện thực tế, các địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chiến lược của địa phương mình;
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch của các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn theo trách nhiệm được giao;
- Báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm gửi cơ quan chủ trì tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Dân tộc theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 922/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 tỉnh Phú Yên
- 2Kế hoạch 36/KH-UBND năm 2014 triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 3Quyết định 1799/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 449/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 447/QĐ-UBDT năm 2013 công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
- 4Quyết định 2356/QĐ-TTg năm 2013 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 922/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 tỉnh Phú Yên
- 6Kế hoạch 36/KH-UBND năm 2014 triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 7Quyết định 1799/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Quyết định 1054/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- Số hiệu: 1054/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/04/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Lê Đức Vinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/04/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra