Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 1052/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG NỘI VỤ HÀ NỘI

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 12/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nội vụ;
Căn cứ Điều lệ Trường cao đẳng ban hành kèm theo Quyết định số 56/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 10/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội và Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng và thấp hơn trong lĩnh vực công tác nội vụ và các ngành nghề khác có liên quan; nghiên cứu khoa học và triển khai áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2. Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp có thu, được thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định của pháp luật. Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản riêng tại các ngân hàng và kho bạc nhà nước.

3. Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội đặt trụ sở chính tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm phát triển Trường phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục, quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng của Nhà nước trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng, trung cấp và nghề về các ngành học (hoặc các chuyên ngành) Quản trị nhân lực, Quản lý văn hóa, Quản trị văn phòng, Văn thư, Lưu trữ, Hành chính văn phòng, Thông tin thư viện, Thư ký văn phòng, Tin học và các ngành, nghề khác có liên quan khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép và theo quy định của pháp luật.

3. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn thư, lưu trữ và các lĩnh vực khác theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức và phù hợp với năng lực đào tạo của Trường.

4. Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy và học tập đối với ngành nghề Trường được phép đào tạo trên cơ sở chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

5. Biên soạn và duyệt giáo trình để sử dụng trong Trường trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do Hiệu trưởng thành lập.

6. Tổ chức đào tạo và các hoạt động giáo dục theo mục tiêu chương trình đào tạo ngành, nghề đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép; công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định.

7. Triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ, kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác giáo dục và đào tạo nhằm tiếp cận với khoa học hiện đại, tiên tiến của các nước trên thế giới và khu vực.

8. Tổ chức thực hiện các dịch vụ khoa học, công nghệ, sản xuất phù hợp với ngành nghề đào tạo của Trường theo quy định của pháp luật.

9. Xây dựng và thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật.

10. Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo; hợp tác, liên kết với các cơ quan, tổ chức hữu quan nhằm phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, để đảm bảo hiệu quả nguồn lực đã được đào tạo, tránh lãng phí xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

11. Tổ chức tuyển sinh và quản lý học sinh, sinh viên theo quy định.

12. Phối hợp với gia đình, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục, đào tạo học sinh, sinh viên

13. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu phát triển của Trường.

14. Quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, tài chính, tài sản, đất đai được giao theo quy định.

15. Thực hiện chế độ báo cáo với Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động của trường theo quy định của pháp luật.

16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Tổ chức và hoạt động

1. Cơ cấu tổ chức gồm có:

a) Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng

Hiệu trưởng do Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm. Các Phó Hiệu trưởng do Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hiệu trưởng.

b) Hội đồng Khoa học và Đào tạo và các Hội đồng tư vấn khác.

c) Các phòng chức năng:

- Phòng Đào tạo.

- Phòng Hành chính – Tổ chức

- Phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế.

- Phòng Kế hoạch – Tài chính

- Phòng Công tác học sinh, sinh viên.

- Phòng Quản trị.

d) Các Khoa và các Trung tâm:

- Khoa Văn thư – Lưu trữ.

- Khoa Văn hóa – Thông tin và Xã hội.

- Khoa Quản trị văn phòng.

- Khoa Quản lý nhân lực.

- Khoa Hành chính học.

- Khoa đào tạo tại chức.

- Khoa Lý luận chính trị.

- Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ

- Trung tâm đào tạo Nghề.

- Trung tâm Thông tin Thư viện.

đ) Cơ sở Trường Cao đẳng Nội vụ tại thành phố Đà Nẵng.

e) Các tổ chức Đảng, đoàn thể theo quy định.

2. Quyền hạn và trách nhiệm của Hiệu trưởng:

a) Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nội vụ về toàn bộ hoạt động của Trường theo quy định hiện hành của pháp luật và của Bộ Nội vụ; các Phó Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về các nhiệm vụ được giao.

b) Quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, tổ chức thuộc Trường.

c) Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường theo quy định trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt.

d) Quy định cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên, nhân viên; quyết định thành lập các tổ chức thuộc Trường theo cơ cấu tổ chức đã được phê duyệt trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường; quyết định bổ nhiệm các chức vụ từ Trưởng Phòng, Trưởng Khoa hoặc tương đương trở xuống; quyết định các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, công chức, viên chức từ ngạch giảng viên, chuyên viên và tương đương trở xuống; thực hiện những công việc thuộc thẩm quyền trong tuyển dụng giảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và ký kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật và của Bộ Nội vụ.

đ) Các trách nhiệm và quyền hạn khác thực hiện theo quy định tại Điều lệ Trường Cao đẳng ban hành tại Quyết định số 56/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 10/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; bãi bỏ Quyết định số 108/2005/QĐ-BNV ngày 17/10/2005 và các quy định trước đây trái với Quyết định này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu VT, Trường CĐNVHN (5b), TCCB (5b)

BỘ TRƯỞNG




Trần Văn Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1052/QĐ-BNV năm 2008 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 1052/QĐ-BNV
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/08/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Trần Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản