Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 105/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI HÀNG KHÔNG VỚI CÁC THỊ TRƯỜNG NGUỒN KHÁCH DU LỊCH”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mở các đường bay mới, tăng tần suất trên các đường bay hiện có của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài giữa Việt Nam và các thị trường du lịch trọng điểm trên thế giới gồm Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ma-lai-xia, Xinh-ga-po, Nga, Úc và Ấn Độ; mở mới các đường bay nội địa kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm Đông Bắc Bắc Bộ, di sản miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và Đảo ngọc Phú Quốc góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

2. Đến năm 2020, tiếp tục triển khai kế hoạch mở đường bay quốc tế theo Đề án "Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2119/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2017.

3. Đến năm 2025, kết nối các đường bay quốc tế đến tất cả các cảng hàng không quốc tế (CHKQT) và các cảng hàng không (CHK) được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế của Việt Nam và các đường bay quốc nội kết nối nội vùng, liên vùng đến các cảng hàng không trong các vùng du lịch nội địa trọng điểm. Sau năm 2025, tiếp tục hoàn thiện mạng đường bay quốc nội kết nối nội vùng, liên vùng đến các cảng hàng không tại các vùng du lịch nội địa trọng điểm.

4. Phát triển hoạt động hàng không với hoạt động du lịch theo định hướng tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững.

5. Phát triển hàng không - du lịch gắn liền với hội nhập quốc tế đồng thời bảo đảm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và an toàn cho du khách.

II. ĐỊNH HƯỚNG MỞ ĐƯỜNG BAY KẾT NỐI THỊ TRƯỜNG NGUỒN KHÁCH DU LỊCH

1. Định hướng về chính sách thu hút các hãng hàng không mở đường bay, tăng tần suất bay giữa Việt Nam và các thị trường nguồn khách du lịch

Tạo điều kiện tối đa về quyền vận chuyển hàng không, giờ cất/hạ cánh tối ưu theo đề nghị của hãng hàng không, áp dụng chính sách ưu đãi giá dịch vụ điều hành bay đi/đến và giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với các hãng hàng không khai thác đường bay mới trực tiếp giữa các thị trường nguồn khách du lịch và tăng tần suất trên các đường bay quốc tế hiện có đến các cảng hàng không quốc tế và các cảng hàng không được phép tiếp nhận các chuyến bay quốc tế của Việt Nam.

2. Định hướng kết nối mạng đường bay nội địa kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm của Việt Nam

Mở rộng mạng đường bay nội địa với hệ thống đường bay nội vùng, liên vùng; kết nối các cảng hàng không thuộc các vùng du lịch trọng điểm nội địa với các cảng hàng không khác của Việt Nam, phù hợp với điều kiện hạ tầng cảng hàng không và kế hoạch khai thác đội tàu bay.

a) Thị trường du lịch vùng Đông Bắc Bắc Bộ

- Đến năm 2025: Kết nối CHKQT Cát Bi với các điểm mới gồm Điện Biên, Vinh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quy Nhơn, Cần Thơ; kết nối CHKQT Vân Đồn với các điểm Vinh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Lạt, Thừa Thiên Huế, Quy Nhơn, Phú Quốc;

- Sau năm 2025: Kết nối CHKQT Cát Bi với các điểm mới gồm Tuy Hòa, Côn Đảo, Lào Cai; kết nối CHKQT Vân Đồn với các điểm Điện Biên, Lào Cai, Côn Đảo, Buôn Mê Thuột.

b) Thị trường du lịch vùng di sản kết hợp nghỉ dưỡng miền Trung

- Đến năm 2025: Kết nối CHK Đồng Hới với các điểm mới gồm Đà Nẵng, Đà Lạt, Quy Nhơn, Cần Thơ, Phú Quốc; kết nối CHKQT Phú Bài với các điểm mới gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc; kết nối CHKQT Đà Nẵng với các điểm mới gồm Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Pleiku, Phú Quốc, Điện Biên; kết nối CHK Chu Lai với các điểm mới gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt, Nha Trang;

- Sau năm 2025: Kết nối CHK Đồng Hới với các điểm gồm Điện Biên, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Côn Đảo; kết nối CHKQT Phú Bài với các điểm gồm Điện Biên, Lào Cai, Côn Đảo; kết nối CHKQT Đà Nẵng với các điểm gồm Sơn La, Lào Cai, Rạch Giá, Côn Đảo; kết nối CHK Chu Lai với các điểm gồm Điện Biên, Lào Cai, Côn Đảo.

c) Thị trường du lịch vùng nghỉ dưỡng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên

- Đến năm 2025: Kết nối CHK Tuy Hòa với các điểm mới gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc; kết nối CHKQT Cam Ranh với các điểm mới gồm Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Pleiku, Cần Thơ, Phú Quốc; kết nối CHK Phù Cát với các điểm mới gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc; kết nối CHK Liên Khương với các điểm mới gồm Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Hới, Quảng Nam, Cần Thơ, Phú Quốc;

- Sau năm 2025: Kết nối CHK Tuy Hòa với các điểm gồm Điện Biên, Côn Đảo; kết nối CHKQT Cam Ranh với các điểm gồm Điện Biên, Lào Cai, Rạch Giá, Côn Đảo; kết nối CHK Phù Cát với các điểm gồm Điện Biên, Lào Cai, Côn Đảo; kết nối CHK Liên Khương với các điểm gồm Điện Biên, Lào Cai, Côn Đảo.

d) Thị trường du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long

- Đến năm 2025: Kết nối CHKQT Cần Thơ với các điểm mới gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tuy Hòa, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Pleiku;

- Sau năm 2025: Kết nối CHKQT Cần Thơ với các điểm gồm Điện Biên, Lào Cai, Rạch Giá.

đ) Thị trường du lịch Đảo ngọc Phú Quốc

- Đến năm 2025: Kết nối CHKQT Phú Quốc với các điểm mới gồm Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tuy Hòa, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Rạch Giá;

- Sau năm 2025: Kết nối CHKQT Phú Quốc với các điểm Điện Biên, Lào Cai, Côn Đảo.

3. Định hướng kết nối hàng không với từng thị trường nguồn khách du lịch quốc tế

a) Thị trường Trung Quốc

- Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với nhà chức trách hàng không Trung Quốc để tháo gỡ các khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam khi khai thác đến Trung Quốc liên quan đến giờ hạ/cất cánh tại các cảng hàng không Trung Quốc, tối ưu hóa đường bay không lưu;

- Đến năm 2020: các hãng hàng không mở đường bay mới giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế tại tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vân Đồn - Quảng Ninh, Nha Trang - Khánh Hòa, Quy Nhơn - Bình Định, Phú Quốc - Kiên Giang, Đà Lạt - Lâm Đồng (của Việt Nam) với các điểm Trùng Khánh, Đại Liên, Hải Khẩu, Vũ Hán, Ninh Ba, Hải Nam, Tây An, Trường Xuân, Phúc Châu, Quế Lâm, Quý Dương, Cáp Nhĩ Tân, Lan Châu, Thẩm Dương, Hạ Môn, Tây Song Bản Nạp, Trịnh Châu (của Trung Quốc); tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại;

- Đến năm 2025: các hãng hàng không mở đường bay mới giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế khác tại Cần Thơ, Vinh, Tuy Hòa - Phú Yên, Đồng Hới - Quảng Bình (của Việt Nam) với các điểm tại Trung Quốc.

b) Thị trường Hàn Quốc

- Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với nhà chức trách hàng không Hàn Quốc để tháo gỡ các khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam khi khai thác đến Hàn Quốc liên quan đến giờ hạ/cất cánh tại các cảng hàng không Hàn Quốc;

- Đến năm 2020: các hãng hàng không mở mới đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế tại tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang - Khánh Hòa, Quy Nhơn - Bình Định với các điểm Xơ-un, Bu-san và Chê-zu; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại;

- Đến năm 2025: các hãng hàng không mở mới đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế khác tại tỉnh, thành phố: Vinh, Vân Đồn - Quảng Ninh, Cần Thơ, Đà Lạt - Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Phú Quốc - Kiên Giang với các điểm tại Hàn Quốc.

c) Thị trường Nhật Bản

- Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với nhà chức trách hàng không Nhật Bản để bổ sung các thỏa thuận về khai thác đến Cảng hàng không Ha-ne-đa, Thủ đô Tô-ky-ô;

- Đến năm 2020: các hãng hàng không mở mới đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế tại tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa với Tô-ky-ô, Ô-sa-ka; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại;

- Đến năm 2025: các hãng hàng không mở mới đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế khác tại tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Vinh, Vân Đồn - Quảng Ninh, Cần Thơ, Đà Lạt - Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Phú Quốc - Kiên Giang, Quy Nhơn - Bình Định với các điểm tại Nhật Bản.

d) Thị trường Thái Lan

- Đến năm 2020: các hãng hàng không mở mới đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế tại tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa, Hải Phòng, Đà Lạt - Lâm Đồng, Phú Quốc - Kiên Giang, Đồng Hới - Quảng Bình, Thọ Xuân - Thanh Hóa, Quy Nhơn - Bình Định với Băng Cốc, Chiềng Mai, Phù Kẹt; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại;

- Đến năm 2025: các hãng hàng không mở mới đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế khác tại tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Vinh, Thừa Thiên Huế với các điểm tại Thái Lan.

đ) Thị trường Ma-lai-xia

- Đến năm 2020: các hãng hàng không mở mới đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế tại tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa với Kua-la Lăm-pơ, Pê-năng; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại;

- Đến năm 2025: các hãng hàng không mở mới đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế khác tại tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Vinh, Phú Quốc - Kiên Giang, Vân Đồn - Quảng Ninh, Đà Lạt - Lâm Đồng với các điểm tại Ma-lai-xia.

e) Thị trường Xinh-ga-po

- Đến năm 2020: các hãng hàng không mở mới đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế tại tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa, Quy Nhơn - Bình Định với Xinh-ga-po; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại;

- Đến năm 2025: các hãng hàng không mở mới đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế khác tại tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Phú Quốc - Kiên Giang, Vân Đồn - Quảng Ninh, Đà Lạt - Lâm Đồng, Hải Phòng, Vinh với Xinh-ga-po.

g) Thị trường Pháp

- Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với nhà chức trách hàng không Pháp để bổ sung các thỏa thuận về khai thác giữa hai nước;

- Đến năm 2020: các hãng hàng không tăng tần suất trên các đường bay giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với Pa-ri để tăng cường kết nối Việt Nam với các điểm khác tại Pháp và châu Âu thông qua các hình thức hợp tác với các hãng hàng không và các phương tiện vận tải mặt đất tại Pháp;

- Đến năm 2025: các hãng hàng không tiếp tục tăng tần suất trên các đường bay giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Pa-ri.

h) Thị trường Anh

- Đến năm 2020: các hãng hàng không tăng tần suất trên các đường bay giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với Luân-đôn để tăng cường kết nối Việt Nam với các điểm khác tại Anh thông qua các hình thức hợp tác với các hãng hàng không và các phương tiện vận tải mặt đất tại Anh;

- Đến năm 2025: các hãng hàng không tiếp tục tăng tần suất trên các đường bay giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với Anh; hãng hàng không Anh khai thác đường bay mới giữa Anh và Việt Nam.

i) Thị trường Nga

- Đến năm 2020: các hãng hàng không mở mới đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế tại tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang - Khánh Hòa, Phú Quốc - Kiên Giang, Đà Lạt - Lâm Đồng, Tuy Hòa - Phú Yên với Mát-xcơ-va, Vla-đi-vốt-tốc; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại;

- Đến năm 2025: các hãng hàng không mở mới đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế khác tại Việt Nam với các điểm tại Nga.

k) Thị trường Úc

- Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với nhà chức trách hàng không Úc để bổ sung các thỏa thuận về khai thác đến các thành phố Xít-ni, Men-bơn, Brít-ben và Pớt;

- Đến năm 2020: các hãng hàng không mở mới đường bay từ thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến Men-bơn, Brít-ben, Pớt; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại;

- Đến năm 2025: các hãng hàng không mới mở đường bay giữa Việt Nam và Úc.

l) Thị trường Hoa Kỳ

- Đến năm 2020: Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) mở mới đường bay thẳng đến Hoa Kỳ với lựa chọn ban đầu là 1 điểm tại bờ Tây nước Mỹ (San Fran-xít-cô hoặc Lốt An-ge-lét);

- Đến năm 2025: các hãng hàng không mới mở đường bay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

m) Thị trường Ấn Độ

- Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với nhà chức trách hàng không Ấn Độ để tháo gỡ các khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam khi lập kế hoạch khai thác đến Ấn Độ liên quan đến công tác cấp phép khai thác;

- Đến năm 2020: các hãng hàng không mở mới đường bay quốc tế thường lệ giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với Đê-li, Mum-bai và thực hiện các chuyến bay thuê chuyến đến Goa, Gaya, Varanasi;

- Đến năm 2025: các hãng hàng không mới mở đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về cơ chế chính sách

a) Thực hiện và hoàn thiện cơ chế, chính sách về vận tải hàng không tạo thuận lợi cho phát triển đường bay đến các thị trường trọng điểm du lịch.

- Tiếp tục thực hiện trình tự, thủ tục mở đường bay mới theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Thường xuyên rà soát và kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế theo các khuyến cáo của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng như các thỏa thuận hàng không song phương/đa phương mà Việt Nam đã ký kết, tương đồng với chính sách quản lý thị trường hàng không của phần lớn các quốc gia/vùng lãnh thổ;

- Hoàn thiện chính sách ưu đãi về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không cho hoạt động của các hãng hàng không khi mở đường bay quốc tế mới đi/đến Việt Nam phù hợp với loại cảng hàng không và giai đoạn áp dụng, tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích các hãng hàng không mở đường bay quốc tế mới đến Việt Nam.

b) Tăng cường thực hiện các chính sách phát triển du lịch, tạo nguồn thu hút khách du lịch sử dụng dịch vụ hàng không

- Xây dựng và ban hành cơ chế liên kết giữa ngành du lịch và các ngành liên quan trong phát triển sản phẩm du lịch;

- Đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của các vùng trong cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

2. Giải pháp về nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ vận tải hàng không

a) Giải pháp về chính sách tiếp cận thị trường

- Thực hiện chính sách mở cửa bầu trời đối với thị trường vận tải hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam với nội dung: (i) không hạn chế việc Chỉ định hãng hàng không; (ii) tự do hóa Quyền về đường bay (route rights); (iii) không hạn chế Thương quyền 3/4; (iv) tăng cường trao đổi thương quyền 5 đảm bảo lợi ích cho phía Việt Nam; (v) khuyến khích hoạt động khai thác liên danh và vận tải đa phương thức; (vi) khuyến khích hoạt động khai thác thuê chuyến; (vii) khuyến khích hoạt động Khai thác quốc tế kết hợp nhiều điểm, bay tam giác; (viii) cho phép sử dụng tàu bay thuê (thuê không có tổ bay - thuê khô và thuê có tổ bay - thuê ướt) trong vận chuyển hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam; (ix) cho phép hoạt động thay đổi tàu bay trong hành trình bay; (x) tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích hoạt động bay quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế còn hạn chế hoạt động quốc tế;

- Tiếp tục thực hiện chính sách tự do hóa đối với thị trường hàng không nội địa, đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong kinh doanh vận chuyển hàng không.

b) Giải pháp về nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trong vận chuyển hàng không

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để đảm bảo việc bay đúng giờ (OTP), bao gồm việc đảm bảo nguồn lực, tàu bay, công tác sửa chữa, bảo dưỡng và lập lịch bay. Kiểm soát chặt chẽ việc lập kế hoạch khai thác của các hãng hàng không trên cơ sở phù hợp với thực tế về kết cấu hạ tầng cảng hàng không, năng lực khai thác và bảo dưỡng của các hãng;

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ vận tải hàng không, bảo vệ quyền lợi của hành khách, nghĩa vụ của nhà vận chuyển. Duy trì thường xuyên việc thực hiện khảo sát, đánh giá sự hài lòng của hành khách về dịch vụ hàng không hàng năm.

c) Giải pháp về nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng không

Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không phù hợp với Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không dân dụng đến năm 2020 và định hướng năm 2030 và các đề án, kế hoạch, chương trình liên quan.

3. Tăng cường thực hiện gắn liền việc quảng bá du lịch với dịch vụ hàng không

a) Chú trọng việc bổ sung, nâng cao chất lượng, số lượng thông tin quảng bá về du lịch trên các chuyến bay trong nước và quốc tế;

b) Gắn liền quảng cáo du lịch sản phẩm địa phương và các điểm đến trong nước tại các cảng hàng không, sân bay;

c) Vận dụng hài hòa, linh hoạt các quan hệ đối tác ngoại giao để liên kết quảng bá phát triển du lịch tại các cảng hàng không trên thế giới.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Giao thông vận tải

a) Tiếp tục triển khai kế hoạch mở đường bay quốc tế đến các thị trường du lịch trọng điểm trong giai đoạn đến 2020 theo Đề án "Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2119/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2017;

b) Chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng xây dựng các đường hàng không mới tới các cảng hàng không nhằm kết nối thuận tiện với các đường hàng không quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động khai thác hàng không quốc tế đi, đến Việt Nam của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài theo đề nghị của các hãng hàng không;

c) Xây dựng và công bố chính sách ưu đãi về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không theo thẩm quyền cho hoạt động của các hãng hàng không khi mở đường bay quốc tế mới;

d) Tăng cường làm việc với các nhà chức trách hàng không nước ngoài để thống nhất các thỏa thuận hàng không theo đề nghị mở mới đường bay của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài;

đ) Định kỳ hàng năm, làm việc với các hãng hàng không nước ngoài và Việt Nam để nắm bắt các kế hoạch, yêu cầu mở đường bay mới;

e) Chủ trì, phối hợp các địa phương tăng cường kết nối hoạt động vận tải từ trung tâm tỉnh, thành phố và từ các khu du lịch của tỉnh, thành phố với cảng hàng không, sân bay;

g) Chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cảng hàng không, sân bay tổ chức triển khai Đề án và định kỳ 2 năm tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp ngành hàng không - du lịch nghiên cứu, đánh giá thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch thống nhất theo từng giai đoạn, thời điểm theo nhu cầu du lịch giữa Việt Nam và các thị trường, du lịch trọng điểm với sản phẩm vận chuyển hàng không trở thành một phần trong chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch;

b) Đưa vào các chương trình tham dự hội nghị, hội thảo, hội chợ về du lịch quốc tế việc quảng bá cho ngành hàng không Việt Nam nói chung và các hãng hàng không Việt Nam nói riêng, các sản phẩm dịch vụ vận chuyển hàng không của hãng hàng không Việt Nam;

c) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến, giới thiệu sản phẩm du lịch khai thác đường bay trực tiếp kết nối đến các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam;

d) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các hãng hàng không trong đó có các hãng hàng không Việt Nam xây dựng, tổ chức các chương trình khảo sát điểm đến du lịch Việt Nam nhằm khai thác hiệu quả các đường bay trực tiếp kết nối các thị trường nguồn khách du lịch của Việt Nam.

3. Các Bộ: Ngoại giao, Công Thương

a) Đưa vào chương trình hợp tác cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cuộc họp Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên Chính phủ, các diễn đàn hợp tác song phương cấp Bộ với các quốc gia đối tác nội dung các nước tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam và Việt Nam khuyến khích các hãng hàng không quốc gia đối tác tăng cường khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam;

b) Chỉ đạo các cơ quan đại diện tại các thị trường trọng điểm tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam; công bố các chính sách ưu đãi các hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam trên các trang thông tin điện tử (website) của cơ quan đại diện.

4. Bộ Công an

a) Chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục nhập, xuất cảnh tại các cửa khẩu đường không, đường bộ và đường biển theo hướng tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam;

b) Xây dựng quy trình bố trí nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ kiểm soát nhập, xuất cảnh khi có kế hoạch tiếp nhận các chuyến bay quốc tế thường lệ, không thường lệ.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cảng hàng không, sân bay

a) Xây dựng, công bố chính sách ưu đãi các hãng hàng không khai thác đường bay mới đến địa phương mà không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước như giảm giá cho thuê địa điểm, quảng bá chuyến bay mới trên các báo, truyền hình địa phương, hỗ trợ hoạt động quảng bá ngoài trời;

b) Tăng cường kết nối hoạt động vận tải từ trung tâm tỉnh, thành phố và từ các khu du lịch của tỉnh, thành phố đến cảng hàng không, sân bay.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, CN (2b).KN

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 105/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Đề án "Tăng cường kết nối hàng không với thị trường nguồn khách du lịch" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 105/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/01/2019
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trịnh Đình Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản