Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105/2014/QĐ-UBND | Bắc Ninh, ngày 31 tháng 3 năm 2014 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26.11.2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29.11.2005;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 59/2007/NĐ-CP ngày 09.4.2007 quy định về quản lý chất thải rắn; số 179/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14.4.2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại;
Căn cứ Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30.11.2007 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế quản lý chất thải y tế;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 31/2012/QĐ-UBND ngày 01.6.2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 105/2014/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
Quy định này quy định về hoạt động phát thải, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan trong việc quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn, được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác.
2. Chất thải rắn nguy hại là chất thải rắn chứa các chất hoặc hợp chất có một trong những đặc tính: phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc các đặc tính nguy hại khác…
3. Chất thải rắn sinh hoạt là chất thải rắn phát thải trong sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng.
4. Chất thải rắn công nghiệp là chất thải rắn phát thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề, kinh doanh, dịch vụ hoặc các hoạt động khác.
5. Chất thải rắn y tế là vật chất ở thể rắn được thải ra từ các cơ sở y tế bao gồm chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn y tế thông thường.
6. Chất thải rắn y tế nguy hại là chất thải rắn y tế chứa yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu những chất thải này không được tiêu huỷ an toàn.
7. Chủ nguồn thải là các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động phát sinh chất thải rắn.
8. Thu gom chất thải rắn là hoạt động tập hợp, phân loại, đóng gói và lưu giữ tạm thời chất thải rắn tại nhiều điểm thu gom tới địa điểm hoặc cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
9. Lưu giữ chất thải rắn là việc giữ chất thải rắn trong một khoảng thời gian nhất định ở nơi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trước khi vận chuyển đến cơ sở xử lý.
10. Vận chuyển chất thải rắn là quá trình chuyên chở chất thải rắn từ nơi phát sinh, thu gom, lưu giữ, trung chuyển đến nơi xử lý, tái chế, tái sử dụng hoặc bãi chôn lấp cuối cùng.
11. Chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn là tổ chức, cá nhân được phép thực hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn.
12. Tổ, đội vệ sinh môi trường (sau đây gọi chung là Tổ vệ sinh môi trường) là các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ nơi phát sinh đến điểm tập kết chung của thôn (làng), khu phố.
13. Xử lý chất thải rắn là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật làm giảm, loại bỏ, tiêu huỷ các thành phần có hại hoặc không có ích trong chất thải rắn; thu hồi, tái chế, tái sử dụng lại các thành phần có ích trong chất thải rắn.
14. Chủ xử lý chất thải rắn là tổ chức, cá nhân được phép thực hiện việc xử lý chất thải rắn. Chủ xử lý chất thải rắn có thể trực tiếp là chủ đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn hoặc tổ chức, cá nhân có đủ năng lực chuyên môn được chủ đầu tư thuê để vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý chất thải rắn
Thực hiện theo quy định tại Điều 4, Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.
1. Tổ chức, cá nhân xả thải hoặc có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn phải nộp phí cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
2. Chất thải phải được phân loại tại nguồn phát sinh, được tái chế, tái sử dụng, xử lý và thu hồi các thành phần có ích làm nguyên liệu và sản xuất năng lượng.
3. Ưu tiên sử dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn khó phân huỷ, có khả năng giảm thiểu khối lượng chất thải được chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất đai.
4. Nhà nước khuyến khích việc xã hội hoá công tác thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
Thực hiện theo Quy định tại Điều 6, Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.
1. Để chất thải rắn không đúng nơi quy định.
2. Làm phát thải bụi, làm rơi vãi chất thải rắn trong quá trình thu gom, vận chuyển.
3. Để lẫn chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại.
4. Gây cản trở cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.
5. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
PHÂN LOẠI, THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN
Mục 1. CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT
Điều 6. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt
1. Chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại ngay tại nguồn để tái chế, tái sử dụng, thuận tiện cho việc xử lý, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp.
2. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành 03 nhóm chính:
a) Nhóm chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng, gồm có:
- Giấy loại và các sản phẩm từ giấy: Giấy báo, giấy viết, giấy in, giấy vàng mã, giấy bao gói, tờ rơi quảng cáo; hộp carton; bìa carton, bao bì carton...
- Sắt, thép và các sản phẩm từ kim loại: Đồ điện gia dụng (tivi, máy giặt, tủ lạnh, dàn máy stereo, lò sưởi, lò vi sóng, loa, đài, âm ly, điều hòa, quạt điện,…); Đồ dùng nhà bếp (xoong, nồi, niêu, ấm nước, bếp gas…); lon rỗng (bia, rượu, nước giải khát, thực phẩm đóng hộp, hộp đựng sữa…); phương tiện đi lại (xe đạp, xe máy…); Sắt, thép vụn…
- Nhựa và các sản phẩm từ nhựa: Chai đựng (dầu gội đầu, sữa tắm, sữa dưỡng da, nước ngọt, nước khoáng, nước súc miệng, nước đóng chai …); hộp đựng (bột giặt, mỹ phẩm, nước xả vải...).
b) Nhóm chất thải rắn có thể đốt được, gồm có:
- Nông, lâm sản thực phẩm: Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ nhà bếp (thức ăn thừa; vỏ trái cây, bã trà, vỏ trứng; rau, củ, quả, xác động vật, thực vật thải bỏ...).
- Giấy vụn: Giấy ăn, giấy vệ sinh, giấy lau, ba via giấy, đầu mẩu thuốc lá, giấy bọc kẹo bánh…
- Bông, vải sợi: Tã giấy, băng vệ sinh, quần áo, vải vụn thải bỏ, tất chân, găng tay…
- Túi bóng, nilon: Túi nilon, dây nhựa, vải mưa, áo mưa; băng dính, băng keo; nilon bảo quản thức ăn…; xốp, hộp xốp…
- Cao su và các sản phẩm từ cao su: Giầy thể thao, giầy ống cao, ủng, dép, tông, đồ chơi trẻ em bằng cao su, vỏ bọc (dây điện, dây cáp…); săm, lốp ô tô, xe đạp, xe máy…
c) Nhóm chất thải rắn chôn lấp, gồm có:
- Vật liệu xây dựng: Gạch, ngói, bê tông, xi măng, tấm lợp, thạch cao, gạch ốp, lát, …
- Thuỷ tinh, chén, cốc, ly…; lọ, hộp đựng mỹ phẩm; kính, gương vỡ,…
- Gốm, sành, sứ: Đồ gốm các loại; chai, lọ, bình, bát, đĩa, đũa, thìa, …
- Tro, xỉ: Tro bếp, tro từ quá trình đốt chất thải rắn, xỉ than,…
- Các loại chất thải rắn khác không thể tái sử dụng.
Điều 7. Lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt
1. Chất thải rắn sinh hoạt phải được lưu giữ trong các thùng, vật dụng tương ứng với từng nhóm chất thải, có mã màu sắc theo quy định:
- Thùng, vật dụng màu xanh: Lưu giữ chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng.
- Thùng, vật dụng màu vàng: Lưu giữ chất thải rắn có thể đốt được.
- Thùng, vật dụng màu đen: Lưu giữ chất thải rắn chôn lấp.
2. Hộ gia đình có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải bố trí khu vực lưu giữ trong diện tích nhà, đất của gia đình, đảm bảo khu lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phải không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết (mưa, gió…).
3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, trường học có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải xây dựng khu lưu giữ riêng biệt trong khuôn viên của đơn vị, đảm bảo không bị ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết, có rãnh thu gom chất lỏng đảm bảo không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi vệ sinh khu lưu giữ hoặc sự cố rò rỉ, đổ tràn.
Điều 8. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
1. Chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt là các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực về phương tiện thiết bị và con người. Chủ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chỉ được phép hoạt động sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định.
2. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải là phương tiện chuyên dụng, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định và được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành.
3. Trên các tuyến đường, tuyến phố, nơi tập trung đông người phải đặt các thùng rác công cộng tại các địa điểm thuận tiện, đảm bảo mỹ quan chung của khu vực, để phục vụ việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
4. Các Tổ vệ sinh môi trường hàng ngày thực hiện việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ các tổ chức, hộ gia đình, nơi công cộng đến các điểm tập kết theo quy định; không tập kết xe gom, xe vận chuyển tại các địa điểm dễ gây ùn tắc giao thông. Các đơn vị thực hiện việc vận chuyển chất thải rắn từ điểm tập kết về nơi xử lý tập trung đảm bảo thời gian lưu giữ chất thải tại các điểm tập kết không quá 02 ngày.
5. Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, các phương tiện vận chuyển phải đi đúng tuyến đường, không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi; khi vào khu xử lý chất thải phải tuân thủ quy định của đơn vị quản lý khu xử lý chất thải.
Điều 9. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Việc đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng chung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo quy định, có đầy đủ các công trình, biện pháp xử lý các loại chất thải phát sinh thứ cấp (nước thải, khí thải…) đảm bảo các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn về môi trường.
2. Chất thải rắn sinh hoạt có thể được xử lý theo các công nghệ đốt, chôn lấp hợp vệ sinh hoặc các công nghệ khác phù hợp với đặc tính chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại. Công nghệ xử lý phải đảm bảo vệ sinh môi trường, đáp ứng các Quy chuẩn quốc gia về môi trường và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tuỳ theo hình thức đầu tư và thực trạng vận hành, các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung quy mô cấp huyện và cấp tỉnh được giao cho các tổ chức, doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng thực hiện công tác quản lý, vận hành.
4. Quá trình tiếp nhận để xử lý chất thải rắn phải được kiểm soát chặt chẽ về khối lượng và đơn vị bàn giao, chỉ được tiếp nhận và xử lý đối với chất thải sinh hoạt trên địa bàn theo đúng giấy phép, lập hồ sơ theo dõi và báo cáo định kỳ 06 tháng/lần về cấp có thẩm quyền theo quy định.
Mục 2. CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP
Điều 10. Phân loại chất thải rắn công nghiệp
1. Chất thải rắn công nghiệp bao gồm 02 loại là chất thải rắn công nghiệp nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường.
2. Chất thải rắn công nghiệp nguy hại cần được phân loại theo đúng quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.
3. Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được kiểm soát, phân loại ngay tại nguồn thành từng nhóm chất thải có cùng đặc điểm, tính chất lý, hóa học. Tuỳ theo đặc điểm của từng cơ sở sản xuất mà chất thải rắn công nghiệp thông thường có thể được phân thành từng nhóm như sau:
a) Nhóm các chất thải có thể thu hồi để tái sử dụng, tái chế:
- Giấy loại và các sản phẩm từ giấy.
- Sắt, thép và các sản phẩm từ kim loại.
- Nhựa và các sản phẩm từ nhựa.
- Thuỷ tinh, kính và các sản phẩm từ thuỷ tinh.
b) Nhóm các chất thải rắn hữu cơ dễ phân huỷ (các loại cây, lá cây, rau, thực phẩm, xác động vật,...).
c) Các loại chất thải rắn khác không thể tái sử dụng.
Điều 11. Lưu giữ chất thải rắn công nghiệp
1. Chất thải rắn công nghiệp nguy hại phải được lưu giữ theo đúng quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.
2. Chất thải rắn công nghiệp thông thường được lưu giữ trong các thùng hoặc ngăn ô tương ứng với từng loại và phải được lưu giữ tại khu vực riêng biệt đảm bảo không bị tác động của các yếu tố thời tiết (mưa, gió…), có rãnh thu gom chất lỏng đảm bảo không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi vệ sinh khu vực lưu giữ hoặc sự cố rò rỉ, đổ tràn.
3. Các tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở sản xuất phải tự tổ chức lưu giữ an toàn các loại chất thải rắn công nghiệp trong khuôn viên của đơn vị mình và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển về nơi xử lý theo quy định.
Điều 12. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp
1. Hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải công nghiệp nguy hại phải tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.
2. Chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường là các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực về phương tiện, thiết bị và con người và chỉ được phép hoạt động sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định.
3. Hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường do các đơn vị thu gom, vận chuyển thực hiện với các chủ nguồn thải thông qua hợp đồng dịch vụ.
4. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải là phương tiện chuyên dụng, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn, thùng xe kín khít, che chắn đảm bảo và được các cơ quan chức năng kiểm định cấp phép lưu hành.
5. Trong quá trình vận chuyển chất thải, các phương tiện vận chuyển không được làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, phát tán bụi, gây mùi; khi vào khu xử lý chất thải phải tuân thủ quy định của đơn vị quản lý khu xử lý chất thải.
Điều 13. Xử lý chất thải rắn công nghiệp
1. Đơn vị xử lý chất thải rắn công nghiệp là các tổ chức được thành lập và hoạt động sau khi được cấp có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động chính thức, có đủ năng lực về thiết bị, máy móc, công nghệ đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
2. Việc xây dựng các khu xử lý chất thải rắn công nghiệp phải theo đúng quy hoạch chung đã được phê duyệt, đảm bảo các điều kiện về khoảng cách tới khu dân cư, có đầy đủ các công trình, biện pháp xử lý các loại chất thải phát sinh thứ cấp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường.
3. Chất thải rắn công nghiệp phải được xử lý bằng các công nghệ phù hợp, đảm bảo xử lý chất thải hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường, khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý triệt để chất thải, giảm thiểu khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp.
4. Trong quá trình vận hành, đơn vị xử lý chất thải công nghiệp chỉ được phép tiếp nhận và xử lý các loại chất thải thuộc danh mục, chủng loại đã liệt kê trong Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
5. Các hoạt động có liên quan đến việc xử lý chất thải nguy hại phải tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lư chất thải nguy hại.
Điều 14. Phân loại, lưu giữ chất thải rắn y tế
Chất thải rắn y tế phải được phân loại tại nguồn và lưu giữ theo đúng quy định tại Quy chế quản lý chất thải y tế được ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế.
Điều 15. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế
1. Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại thực hiện theo quy định tại Quy chế quản lý chất thải y tế được ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế.
2. Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế thông thường được thực hiện như quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5, Điều 12 của Quy định này.
Điều 16. Xử lý chất thải rắn y tế
1. Việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại thực hiện theo quy định tại Quy chế quản lý chất thải y tế được ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế.
2. Việc xử lý chất thải rắn y tế thông thường được thực hiện như quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, Điều 13 của Quy định này.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN
Điều 17. Trách nhiệm của chủ nguồn thải
1. Đối với chủ nguồn thải chất thải sinh hoạt
a) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn.
b) Chủ nguồn thải phải có trách nhiệm bố trí dụng cụ và khu vực lưu giữ chất thải đảm bảo hợp vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường; tiến hành đổ thải đúng thời gian và địa điểm theo quy định.
c) Các hộ gia đình, cơ quan, trường học có trách nhiệm nộp phí vệ sinh môi trường hàng tháng đầy đủ và đúng hạn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
d) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm ký hợp đồng và chỉ được bàn giao chất thải rắn sinh hoạt với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển về nơi xử lý theo quy định.
2. Đối với chủ nguồn thải chất thải công nghiệp
a) Chủ nguồn thải chất thải công nghiệp có trách nhiệm thực hiện phân loại chất thải tại nguồn; có dụng cụ, phương tiện và địa điểm lưu giữ các loại chất thải phù hợp; có các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải, giảm thiểu các rủi ro và nguy cơ ô nhiễm môi trường.
b) Ký hợp đồng và chỉ được bàn giao chất thải với đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý có đủ chức năng, chịu trách nhiệm đối với chất thải của đơn vị mình cho đến khi được xử lý an toàn, triệt để.
c) Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ 6 tháng/lần về lượng chất thải phát sinh, loại và thành phần chất thải; thông tin về đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải cũng như phương thức, địa điểm xử lý các chất thải của đơn vị mình.
d) Lập sổ nhật ký giao nhận chất thải để theo dõi số lượng, chủng loại chất thải, thời gian bàn giao và đơn vị tiếp nhận.
e) Chủ nguồn thải chất thải nguy hại còn có trách nhiệm thực hiện các quy định khác được quy định tại Thông tư 12/2011/TT- BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.
3. Đối với chủ nguồn thải chất thải rắn y tế
a) Chủ nguồn thải chất thải rắn y tế có trách nhiệm tương tự như trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp được quy định tại Khoản 2 điều này và các quy định khác tại Quy chế quản lý chất thải y tế được ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế.
Điều 18. Trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển
1. Đối với chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
a) Trách nhiệm của Tổ vệ sinh môi trường
- Thu gom, vận chuyển toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt từ nguồn phát sinh trong khu vực được giao quản lý đến điểm tập kết hàng ngày, đảm bảo đúng thời gian, tuyến đường quy định; đảm bảo vệ sinh môi trường tuyến đường được giao.
- Chất thải rắn sinh hoạt trên đường, hè phố, nơi công cộng phải được thu gom, quét dọn hàng ngày. Trường hợp trên hè, đường phố, nơi công cộng có đất, cát, phế thải xây dựng hoặc chất thải sinh hoạt rơi vãi mất vệ sinh và mất an toàn giao thông, Tổ vệ sinh môi trường trên địa bàn phải chủ động khắc phục ngay sau khi có thông tin phát hiện.
- Thường xuyên vệ sinh khu vực điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt, bảo quản phương tiện, dụng cụ vệ sinh môi trường theo sự chỉ đạo, phân công của Uỷ ban nhân dân cấp xã, trưởng thôn và trưởng khu phố.
b) Trách nhiệm của chủ vận chuyển
- Đăng ký và thực hiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo đúng tuyến đường được Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
- Thông báo bằng văn bản về địa điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt và thời gian, kế hoạch vận chuyển đến chính quyền địa phương và các bên có liên quan.
- Bảo đảm đầy đủ nhu cầu nhân lực và phương tiện nhằm vận chuyển toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại những điểm tập kết trên địa bàn được giao phụ trách trong thời gian quy định; Đảm bảo thời gian lưu chất thải rắn sinh hoạt tại điểm tập kết không quá 02 ngày.
- Chịu trách nhiệm khi để rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, phát tán mùi, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.
- Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ 06 tháng/lần về công tác thu gom, vận chuyển chất thải của đơn vị bao gồm các nội dung: Tổng lượng chất thải thu gom, danh sách địa bàn thu gom.
2. Đối với chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp
a) Thực hiện việc thu gom, vận chuyển và chuyển giao chất thải đến đúng cơ sở xử lý theo quy định, đảm bảo không rơi vãi, phát tán các loại chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển.
b) Trong trường hợp có sự cố xảy ra, chủ thu gom, vận chuyển chất thải có trách nhiệm báo cáo ngay đến chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền, áp dụng ngay các biện pháp xử lý an toàn và chịu trách nhiệm cho đến khi sự cố được giải quyết triệt để.
c) Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ 06 tháng/lần về công tác thu gom, vận chuyển chất thải của đơn vị bao gồm các nội dung: Tổng lượng chất thải thu gom, thành phần và chủng loại chất thải; danh sách chủ nguồn thải đã ký hợp đồng; khối lượng và thành phần, chủng loại chất thải của từng chủ nguồn thải đã thu gom.
d) Đối với chủ thu gom, vận chuyển chất thải công nghiệp nguy hại còn có trách nhiệm thực hiện các quy định khác được quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.
3. Đối với chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế
Chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế có trách nhiệm tương tự như trách nhiệm của chủ thu gom chất thải rắn công nghiệp được quy định tại Khoản 2 điều này và các quy định khác tại Quy chế quản lý chất thải y tế được ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế.
Điều 19. Trách nhiệm của chủ xử lý chất thải rắn
1. Quản lý và vận hành khu xử lý một cách an toàn, đúng quy trình công nghệ đã được phê duyệt; xử lý triệt để các loại chất thải phát sinh thứ cấp đảm bảo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Lập hồ sơ theo dõi và có trách nhiệm báo cáo các cấp có thẩm quyền định kỳ 06 tháng/lần về khối lượng chất thải đã tiếp nhận, xử lý và danh sách các đơn vị chuyển giao.
3. Tuân thủ đúng các quy định về bảo vệ môi trường, các biện pháp phòng ngừa, xử lý ô nhiễm đã đăng ký trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Triển khai thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường và báo cáo kết quả đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường định kỳ 6 tháng/lần; Lập kế hoạch phục hồi, tái sử dụng diện tích sau khi đóng bãi chôn lấp hoặc chấm dứt các hoạt động của cơ sở xử lý chất thải.
4. Phối hợp với chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự, an toàn các khu xử lý và cộng đồng dân cư khu vực xung quanh nhà máy.
5. Chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ được tiếp nhận và xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định từ các đơn vị thu gom, vận chuyển đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
6. Chủ xử lý chất thải nguy hại có trách nhiệm thực hiện các quy định khác được quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.
Điều 20. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động quản lý chất thải rắn.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp huyện; đôn đốc việc triển khai thực hiện dự án trên địa bàn các huyện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Quản lý, theo dõi, giám sát công tác vận hành, duy trì các điểm tập kết, khu xử lý chất thải rắn tập trung đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.
d) Hàng năm phối hợp với Sở Tài chính tiến hành lập dự toán chi ngân sách cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt) trình UBND tỉnh phê duyệt.
đ) Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và các quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bản tỉnh.
e) Định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả triển khai quy định quản lý chất thải rắn, tổ chức đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và hướng đề xuất báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức lập quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt.
b) Hướng dẫn lựa chọn địa điểm xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh, điểm tập kết và trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, khu chứa phế thải vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
c) Chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành liên quan, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí đầu tư làm cơ sở cho việc xây dựng đơn giá các dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh làm cơ sở đấu thầu thực hiện dịch vụ công ích có sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
d) Phối hợp với các Sở, ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng quản lý chất thải rắn và tiến độ thi công các công trình xây dựng.
3. Sở Giao thông vận tải
a) Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm do chủ phương tiện vận chuyển làm rơi, vãi, đổ chất thải bừa bãi trên hè, lòng đường và nơi công cộng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
b) Cấp giấy phép hoạt động cho các phương tiện vận chuyển chất thải rắn thông thường để phục vụ công tác duy trì vệ sinh môi trường theo quy định.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Thực hiện phân bổ kế hoạch chi ngân sách nhà nước hàng năm phục vụ công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trình UBND tỉnh phê duyệt.
b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục đầu tư khi tham gia đầu tư xây dựng, khai thác, kinh doanh các khu chôn lấp, các nhà máy xử lý chất thải rắn theo phương thức xã hội hóa và các hình thức đầu tư khác.
5. Sở Tài chính
a) Chủ trì phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đảm bảo cho hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường phân bổ, kiểm tra, quyết toán kinh phí hỗ trợ vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hướng dẫn việc thu và sử dụng phí vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan xây dựng trình UBND tỉnh ban hành đơn giá, phê duyệt dự toán dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở đấu thầu thực hiện dịch vụ công ích có sử dụng ngân sách nhà nước.
d) Phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng trình UBND tỉnh quyết định mức thu phí vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh.
đ) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định hiện hành.
6. Sở Y tế
a) Hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện phân loại chất thải rắn y tế tại nguồn và quản lý chất thải rắn y tế, đáp ứng được các yêu cầu nêu trong quyết định 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế về quản lý chất thải y tế và tuân thủ theo các quy định hiện hành của nhà nước về quản lý chất thải.
b) Phối hợp với các sở ban ngành liên quan đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế.
7. Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên
Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn thông thường; vận động nhân dân thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn, đổ chất thải đúng thời gian, đúng nơi quy định; phối hợp với UBND các cấp kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý chất thải rắn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Điều 21. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố
1. Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan khác có liên quan để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực chất thải rắn tại địa phương theo phân cấp.
2. Đầu tư xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khu chôn lấp chất thải xây dựng thuộc địa bàn theo phân cấp quản lý.
3. Có trách nhiệm tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, công khai quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đặt hàng hoặc đấu thầu vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết đến khu xử lý chất thải rắn của huyện, của tỉnh với các chủ vận chuyển có đủ năng lực.
4. Lập dự toán kinh phí vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán nguồn kinh phí sự nghiệp đã được UBND tỉnh giao; tổ chức đấu thầu, đặt hàng dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý theo quy định.
5. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo pháp luật hiện hành.
6. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND các phường, xã, thị trấn trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
7. Định kỳ 6 tháng/lần, tổng hợp kết quả hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, các khó khăn, vướng mắc phát sinh và các kiến nghị, đề xuất khác có liên quan, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Điều 22. Trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn
1. Phổ biến, tuyên truyền, vận động, kiểm tra giám sát quá trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của các thôn (làng), khu phố trên địa bàn.
2. Có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát việc thành lập và hoạt động của Tổ vệ sinh môi trường tại các thôn (làng), khu phố. Số lượng thành viên của Tổ tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của từng thôn (làng), khu phố nhưng không ít hơn tỷ lệ 01 (một) vệ sinh viên phụ trách 200 (hai trăm) hộ gia đình.
3. Tổ chức quản lý việc thu gom, vận chuyển và thanh quyết toán kinh phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ các nguồn thải đến điểm tập kết chất thải rắn các thôn (làng), khu phố.
4. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định đổ thải, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Điều 23. Trách nhiệm của các thôn, khu phố
1. Thành lập, quản lý và giám sát hoạt động của các Tổ vệ sinh môi trường tại địa phương (đối với địa phương không có đơn vị công ích vệ sinh môi trường).
2. Quy định cụ thể và thông báo công khai về thời gian, tuyến đường thu gom về điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt.
3. Tổ chức thu phí vệ sinh môi trường trên địa bàn theo quy định.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn sinh hoạt; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; thông báo các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trên các hệ thống phương tiện truyền thông.
Điều 24. Trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng
1. Tích cực phổ biến, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phân loại chất thải rắn tại nguồn trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục phản ánh hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên hệ thống báo, đài phát thanh, truyền hình.
1. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc đóng góp trong việc tuyên truyền, vận động giữ gìn vệ sinh môi trường được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành lồng ghép tiêu chí bảo vệ môi trường trong việc xét duyệt, công nhận danh hiệu gia đình văn hoá, thôn (làng) văn hoá.
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý chất thải rắn được quy định tại Quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan, tuỳ theo mức độ, hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến quy định về quản lý chất thải rắn thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại Quy định này; hàng năm, tổng hợp, đánh giá, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
2. Các Sở, ban, ngành và UBND các cấp tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung Quy định này đến các tổ chức, cá nhân và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện.
Điều 28. Sửa đổi và bổ sung quy định
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1Quyết định 673/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020
- 2Quyết định 2249/QĐ-UBND năm 2014 điều chỉnh Quyết định 2862/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025
- 3Quyết định 31/2012/QĐ-UBND về quản lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn tỉnh Bắc Ninh
- 4Quyết định 1393/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 1Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 2Nghị định 59/2007/NĐ-CP về việc quản lý chất thải rắn
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 43/2007/QĐ-BYT về quy chế quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 5Thông tư 12/2011/TT-BTNMT Quy định về quản lý chất thải nguy hại do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 6Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- 7Quyết định 673/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020
- 8Quyết định 2249/QĐ-UBND năm 2014 điều chỉnh Quyết định 2862/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025
- 9Quyết định 1393/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Quyết định 105/2014/QĐ-UBND quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- Số hiệu: 105/2014/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/03/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
- Người ký: Nguyễn Tử Quỳnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra