Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 105/2001/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2001 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG BÁT TRÀNG - HUYỆN GIA LÂM - HÀ NỘI, TỶ LỆ 1/2000 VÀ TỶ LỆ 1/500. 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội ;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17/ 8/1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định lập các đồ án QHXD đô thị ;
Xét đề nghị của Kiến trúc sư trưởng Thành phố tại tờ trình số 357/TTr-KTST ngày 16 tháng 7 năm 2001,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Làng nghề truyền thống Bát Tràng - Huyện Gia Lâm - Hà Nội do Công ty Tư vấn phát triển đô thị - nông thôn thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lập tháng 7/2001 bao gồm:

- Quy hoạch chi tiết xã Bát Tràng tỷ lệ 1/2000 - diện tích : 164,03 ha

- Quy hoạch chi tiết Làng cổ Bát Tràng tỷ lệ 1/500 (Phần đánh giá và quy hoạch các khu vực bảo tồn có diện tích 5,31 ha)

1. Ranh giới và quy mô:

1.1. Ranh giới:

Gồm toàn bộ ranh giới theo địa giới hành chính xã Bát Tràng, một phần của xã Đa Tốn và một phần phía Bắc sông Bắc Hưng Hải.

- Phía Bắc giáp xã Đông Dư.

- Phía Nam giáp sông Bắc Hưng Hải, (xã Xuân Quan thuộc tỉnh Hưng Yên).

- Phía Đông giáp xã Đa Tốn.

- Phía Tây giáp sông Hồng.

1.2. Quy mô:

 Tổng diện tích trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch :

221,2 ha

Bao gồm:

 

 - Xã Bát Tràng :

164,03 ha

 (trong đó làng cổ Bát Tràng có diện tích: 5,31 ha)

 

 - Xã Đa Tốn:

43,25 ha

 - Phần Bắc sông Bắc Hưng Hải thuộc tỉnh Hưng Yên:

13,92 ha

Định hướng quy hoạch xây dựng và cân đối các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được tính toán trong ranh giới hành chính xã Bát Tràng .

2. Nội dung quy hoạch chi tiết:

2.1. Tính chất và mục tiêu quy hoạch .

- Xác định cơ cấu quy hoạch và quỹ đất xây dựng của vùng gốm Bát Tràng, các khu vực cần bảo tồn và các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc bao gồm : hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao và chức năng sử dụng đất cho từng lô đất để lập các dự án cải tạo xây dựng bảo tồn và phát triển bền vững vùng nghề truyền thống Bát Tràng (các vùng cần bảo tồn, vùng cần được cải tạo, vùng cần xây dựng mới và di dân).

- Nghiên cứu phát triển không gian đô thị, có giải pháp tối ưu cho việc tổ chức không gian, tạo bộ mặt kiến trúc của một làng nghề truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Xác định các công trình di tích, kiến trúc có giá trị và các yêu cầu về bảo tồn nghề gốm truyền thống.

- Xác định cơ cấu hợp lý về sản xuất, ăn ở, sinh hoạt, văn hoá, vui chơi giải trí, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, công trình phục vụ du lịch, tạo được bộ mặt làng quê mới, đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch và thương mại, cải thiện môi trường sống, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, bố trí hợp lý cây xanh thảm cỏ, bãi đỗ xe phục vụ nhu cầu dân sinh, du lịch và hoạt động công đồng.

- Quy hoạch được hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bến cảng, đường giao thông đối nội và đối ngoại cho toàn khu trên cơ sở tính toán các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, những yêu cầu của quy hoạch chi tiết huyện Gia Lâm và Điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

- Khớp nối quy hoạch chi tiết của các dự án chuyên ngành đã và đang nghiên cứu: Về môi trường, du lịch, khu sản xuất, điện nông thôn, giao thông...

2.2. Phương án quy hoạch kiến trúc .

2.2.1. Phương hướng phát triển kinh tế xã hội.

Ngành kinh tế chủ yếu: Sản xuất gốm sứ và thương mại dịch vụ du lịch. Trong đó gồm có:

- Sản xuất gốm sứ tại các cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung có quy mô trung bình của các doanh nghiệp, hợp tác xã và quy mô nhỏ của các hộ gia đình hiện tại được nâng cấp và cải tạo.

- Thương mại - dịch vụ du lịch: gồm các hoạt động buôn bán - dịch vụ phục vụ sản xuất gốm sứ và phục vụ du lịch của cả khu vực doanh nghiệp và tư nhân.

2.2.2. Dân cư:

Do đặc điểm sản xuất và kinh doanh của Bát Tràng, tại đây ngoài tăng dân số tự nhiên, còn tính đến số dân tăng cơ học.

 Dân số: năm 2000 là 6424 người, 1623 hộ

 Dân số dự kiến: năm 2010 là 7334 người, 1869 hộ

 năm 2020 là 8294 người, 2123 hộ.

2.2.3. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật

* - Đất khu ở (làng):

67,11 m2/ người

 - Đất công cộng, thể thao:

16,98 m2/ người

 - Đất cây xanh:

9,04 m2/ người

 - Đất giao thông:

17,77 m2/ người

* Cấp nước:

 

 - Nước sinh hoạt:

120 lít/người/ngày

 - Sản xuất gia đình:

50 lít /người/ngày (chiếm 40%)

 - Nước sản xuất công nghiệp: (25 % sinh hoạt) là 340 m3 / ngày đêm

Tổng nhu cầu dùng nước:

2.300 m3 / ngày

Cấp nước đợt đầu:

1.380 m3/ ngày (chiếm 60%)

* Cấp điện:

 

 - Điện sinh hoạt:

2KW/ hộ

 - Điện sản xuất gia đình:

0,8 KW/ hộ (chiếm 40%)

 - Điện sản xuất cụm TTCN:

1.060 KVA

 (chiếm 25% điện sinh hoạt)

 

Tổng phụ tải điện yêu cầu:

7.000 KVA

Nhu cầu điện đợt đầu (chiếm 60%):

4.200 KVA

2.2.4. Quy hoạch sử dụng đất.

BẢNG TỔNG HỢP QUY HOẠCH SỬ DỤNG XÃ BÁT TRÀNG

TT

LOẠI ĐẤT

DIỆN TÍCH (HA)

TỶ LỆ %

1

Đất tiểu thủ công nghiệp

16,03

9,8

2

Đất ở (làng)

53,82

32,8

3

Đất công cộng

13,62

8,3

4

Đất cây xanh

7,52

4,6

5

Đất đường (kể cả trong khu công nghiệp)

14,25

8,7

6

Đất bến bãi

2,8

1,7

7

Mặt nước

42,4

25,8

8

Đất nghĩa địa

1,63

1,0

9

Hành lang bảo vệ đê

6,72

4,1

10

Đất dự trữ phát triển

5,24

3,2

 

Tổng cộng

164,03

100

2.2.5. Tổ chức quy hoạch không gian kiến trúc :

a.Đất công nghiệp:

- Khu vực phía trong đê: Dự kiến xây dựng cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung mới (ô đất TTCN 14 đến TTCN 17) được chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, bao gồm các khu vực được bố trí từng công đoạn theo quy trình gốm sứ như chuẩn bị nguyên liệu, nung, kho thành phẩm, cung cấp nhiên liệu ... và những khu vực phục vụ nhu cầu khai thác của từng doanh nghiệp hoặc từng hộ kinh doanh. Dự kiến phát triển đất công nghiệp trong ô đất ký hiệu DTCN 01 (của xã Bát Tràng). Khu đất công nghiệp hiện có (ký hiệu TTCN 7, TTCN 12) được giữ lại để chỉnh trang nâng cấp. Ngoài ra để có thể hình thành cụm tiểu thủ công nghiệp của khu vực, các lô đất TTCN hiện có và xây mới (TTCN 6, TTCN 8 đến TTCN 11, TTCN 13) thuộc đất xã Đa Tốn cũng được quy hoạch.

- Khu vực phía ngoài đê: Cải tạo, nâng cấp các cơ sở tiểu thủ công nghiệp (TTCB 01 đến TTCN 04 hiện có đã bố trí gần sông Bắc Hưng Hải).

b. Đất nhà ở:

Ô đất ở có ký hiệu NO 03, NO 08, NO 23, NO 24 là đất dự kiến để dãn dân. Phần đất ở hiện có được nâng cấp cải tạo chỉnh trang cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường và hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch .

c. Đất công trình công cộng: bao gồm các lô đất có ký hiệu từ số CC 1 đến CC 23, CC 26, CC 03B.

- Ô đất có ký hiệu CC 01 đến CC 16 và CC 20 là đất dự kiến xây mới gồm trường học, nhà trẻ, bảo tàng gốm sứ, nhà khách, nhà trưng bày và bán sản phẩm gốm sứ.

Với định hướng sử dụng đất như trên, quy hoạch không gian xã Bát Tràng được bố cục như sau:

+ Cụm tiểu thủ công nghiệp được tập trung trong đê với các công trình thấp tầng để thuận tiện khai thác sử dụng.

+ Khu dân cư hiện có được cải tạo, chỉnh trang với các công trình chủ yếu 1 đến 2 tầng, phát triển thêm vào các phần đất trống tiếp giáp về phía đông và một phần trong đê hình thành dải cây xanh, hồ ven đê vừa tạo cảnh quan, vừa để điều hoà thoáng nước.

+ Khu trung tâm hành chính được bố trí vào giữa xã, giữa khu dân cư với dải cây xanh, hồ nước gồm cả khu thể thao và các trường học, nhà trẻ. Trong các khu vực này chủ yếu là các công trình 1 đến 2 tầng. Các công trình phục vụ công cộng được bố trí ở các vị trí giao thông thuận tiện vừa phục vụ khách thăm quan vừa phục vụ dân cư.

2.3. Làng cổ Bát Tràng  (tỷ lệ 1/500):

- Có diện tích là 5,31 ha gồm dân cư hai xóm 1 và 2 của thôn Bát Tràng cổ.

- Khu làng cổ được bảo tồn về không gian, mạng lưới đường, trong quy hoạch đã xác định các công trình kiến trúc nhà ở có giá trị và công trình di tích như đình, đền, chùa. Trong Làng cổ Bát Tràng còn lại duy nhất một lò bầu truyền thống, được giữ lại để phục vụ thăm quan du lịch. Xây dựng thêm các công trình văn hoá, thương mại - dịch vụ, tạo thành một khu trung tâm có ý nghĩa về lịch sử - văn hoá - du lịch - thương mại, góp phần tôn tạo giá trị di sản của làng nghề truyền thống.

2.4. Quy hoạch hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật.

a. Giao thông:

- Xây dựng, nâng cấp và mở rộng bến sông du lịch và hàng hoá với khu kho bãi rộng 1,33 ha, bến bãi tiểu thủ công nghiệp có diện tích là 0,86 ha và 4 bãi đỗ xe ô tô có diện tích là 0,61 ha (tuy nhiên để phục vụ trước mắt có thể bố trí bãi đỗ xe tạm tại vị trí cạnh khu vực Uỷ ban nhân dân xã Bát Tràng, (một phần sân Uỷ ban nhân dân xã Bát Tràng).

- Cải tạo mở rộng và xây mới hệ thống đường trong khu dân cư và cụm công nghiệp với các đường chính có mặt cắt ngang rộng 13,5 m (dài 1350 m); 10,5 m (dài 6010 m); 7,5 m (dài 3.850 m).

b.  Chuẩn bị kỹ thuật:

- Cốt nền đường khu trong đê có cốt cao trung bình +5 m đến +5,3 m.

- Cốt nền đường khu ngoài đê được xác định theo dự án thiết kế đường đã lập cao từ +10 m đến +13,5 m (thấp nhất là 9,8 m).

- Cốt cao độ ở các khu ở mới ngoài đê tính theo cốt nền đường đã được thiết kế. Nền các khu ở mới (khu dãn dân ngoài đê) có cốt trung bình +10 m.

c. Cấp thoát nước và Phòng cháy chữa cháy:

- Khai thác thêm nguồn nước ngầm để cấp nước sinh hoạt đồng thời với việc mở rộng trạm cấp nước cũ và xây thêm trạm cấp nước mới bảo đảm cung cấp 2.300 m3/ngày/đêm. Xây mới hệ thống đường cấp ống nước có f =50 mm - 200mm.

- Cấp nước cứu hoả: Bố trí các bể nước hoặc họng nước cứu hoả tại các ngã ba ngã tư và gần các công trình công cộng, tạo điều kiện cho xe cứu hỏa lấy nước khi cần thiết.

- Tại các khu sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các công trình công cộng phải trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành của Nhà nước.

- Thoát nước sẽ được tính toán cho 5 khu vực, hướng thoát ra phía sông và đầm. Xây dựng hệ thoát nước trên mạng lưới đường theo quy hoạch . Trước khi thoát, nước bẩn được qua công trình xử lý.

d. Cấp điện và hệ thống thông tin:

- Cải tạo mạng lưới điện hiện có, xây thêm 5 trạm biến áp mới để đáp ứng yêu cầu sử dụng điện với tổng phụ tải năm 2020 là 7.000 KW.

- Xây đường cáp thông tin mới với 2 tổng đài đảm bảo có thêm 1.000 máy điện thoại và 300 máy Fax đến năm 2020.

e. Vệ sinh môi trường:

- Rác và phế thải công nghiệp được thu gom tập trung vào các bể chứa, và chuyển đến khu vực xử lý rác chung của thành phố.

- Cải thiện môi trường được giải quyết theo hướng cải tiến sản xuất gắn với cải tiến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông, thoát nước bẩn, thu gom rác, để từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tạo điều kiện sống tốt hơn cho dân cư.

2.5. Quy hoạch xây dựng đợt đầu (2001 - 2005)

Quy hoạch xây dựng đợt đầu xã Bát Tràng bao gồm những khu đất và công trình thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu về sản xuất, dân sinh và văn hoá xã hội có tổng diện tích khoảng 305.000 m2, gồm:

a. Các khu đất mới:

 

- Các lô đất ở: (NO 3, NO 8, NO 23, NO 24)

8,69 ha

- Khu tiểu thủ công nghiệp :

8,24 ha

 

b. Khu làng cổ Bát Tràng và trung tâm lịch sử – văn hoá du lịch:

- Chỉnh trang khu bảo tồn trong làng cổ với diện tích:

1,4 ha

- Cụm công trình thương mại - dịch vụ:

0,75 ha

- Nhà bảo tàng gốm sứ và lưu niệm Bác Hồ:

0,80 ha

- Chợ Bát Tràng :

0,26 ha

 

c. Khu trung tâm hành chính – văn hoá - thương mại, dịch vụ:

- Nhà văn hoá, thư viện, câu lạc bộ:

0,86 ha

- Khu thể thao, sân vận động, bể bơi:

2,55 ha

- Nhà trẻ:

0,95 ha

- Trạm xá xã:

0,28 ha

- Nhà khách tạm trú và dịch vụ:

0,86 ha

- Nhà triển lãm và trưng bày gốm sứ:

1,41 ha

 

d. Công trình hạ tầng kỹ thuật gồm:

 

- Đường chính xã Bát Tràng :

 

+ Đường có mặt cắt ngang rộng 13,5 m dài:

1.150 m

+ Đường có mặt cắt ngang rộng 10,5 m dài:

2.420 m

+ Đường có mặt cắt ngang rộng 7,5 m dài:

1.060 m

- Cảng hàng hoá và cảng du lịch:

0,86 ha

- Bãi đỗ xe:

0,4 ha

Ngoài ra còn xây dựng các công trình cấp nước, thoát nước, cấp điện (đợt đầu tập trung xây dựng mạng lưới điện dân dụng, phục vụ chiếu sáng cho các công trình công cộng, đường giao thông) và các trạm thu gom rác…

Điều 2: Kiến trúc sư trưởngThành phố chịu trách nhiệm xác nhận hồ sơ, bản vẽ thiết kế theo quy hoạch chi tiết được duyệt để thực hiện và quản lý, Chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Gia Lâm tổ chức công bố, niêm yết công khai quy hoạch chi tiết được duyệt cho các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết thực hiện; có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức nghiên cứu, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với đồ án quy hoạch chi tiết này theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm và Chủ tịch UBND xã Bát Tràng chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch và xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Thành phố, Kiến trúc sư trưởng Thành phố, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông công chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học công nghệ và Môi trường, Địa chính - Nhà đất, Tài chính Vật giá; Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Chủ tịch UBND các xã Bát Tràng, Đa Tốn; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 105/2001/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch chi tiết Làng nghề truyền thống Bát Tràng - Huyện Gia Lâm - Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 105/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/11/2001
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Hoàng Văn Nghiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/11/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản