Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1041/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐẢM BẢO MẠNG LƯỚI THÔNG TIN BIỂN, ĐẢO

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về viễn thông;
Căn cứ Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đảm bảo mạng lưới thông tin biển, đảo với các nội dung chủ yếu sau

I. MỤC TIÊU

1. Phổ cập, cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, phát thanh, truyền hình đa dạng, chất lượng cao cho các vùng biển, đảo của Việt Nam.

2. Mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình trên các vùng biển, đảo của Việt Nam và ra quốc tế nhằm đảm bảo cung cấp cho mọi người dân các dịch vụ phát thanh, truyền hình đa dạng, phong phú, đồng thời đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền, đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

3. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển.

II. CHỈ TIÊU

1. Đến năm 2015, phủ sóng di động hầu hết các đảo có người dân sinh sống thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đối với các tỉnh ven biển, các doanh nghiệp viễn thông phấn đấu phủ sóng di động ra ngoài biển cách bờ trên 50 km; Đối với các đảo có người dân sinh sống, các doanh nghiệp viễn thông xây dựng các trạm thu phát sóng công suất lớn phủ sóng khu vực trên đảo và ra ngoài biển.

2. Đến năm 2015, hầu hết các đảo có người dân sinh sống được cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn.

3. Đến năm 2015, 100% người dân sống trên các đảo thu được các chương trình phát thanh, truyền hình.

III. PHẠM VI

1. Tiếp tục nâng cấp và đầu tư mới các hệ thống thông tin công cộng trên biển và các đảo có người dân sinh sống đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

2. Nâng cấp các hệ thống phát thanh, truyền hình phục vụ thông tin biển, đảo.

3. Nâng cấp các hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ phát triển kinh tế biển và mạng lưới thông tin duyên hải đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển.

4. Thời gian thực hiện Đề án: từ năm 2010 đến năm 2015.

IV. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN

1. Tận dụng và phát huy hiệu quả của hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới bưu chính, viễn thông, phát thanh, truyền hình sẵn có.

2. Áp dụng tối đa ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong xây dựng và phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông, Internet và phát thanh, truyền hình phục vụ thông tin vùng biển, đảo.

3. Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật hệ thống thông tin liên lạc trên bờ và trên đảo để đảm bảo chất lượng và làm giảm chi phí đầu tư cho các hệ thống trên biển.

4. Việc đầu tư phải bảo đảm đồng bộ giữa các Bộ, ngành nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế kết hợp với phục vụ an ninh quốc phòng.

5. Tiếp tục thực hiện các nguyên tắc đã đề ra tại Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển.

V. NỘI DUNG

1. Nâng cấp hạ tầng mạng lưới thông tin công cộng phục vụ nhu cầu thông tin đa dạng cho khu vực biển và đảo.

Tận dụng cơ sở hạ tầng, phương tiện hiện có, xây dựng và tăng tần suất các tuyến đường thư, báo đến các đảo, đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và người dân.

Phát triển các điểm truy cập công cộng tại các đảo nhằm cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và truy cập Internet. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông cho các đảo có người dân sinh sống, bao gồm việc xây dựng các tổng đài điện thoại cố định, hệ thống truy cập Internet và hệ thống các trạm truy cập vệ tinh nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi thời tiết.

Kết hợp các phương thức truyền dẫn sẵn có xây dựng mạng truyền dẫn tới các đảo đảm bảo cung cấp đủ dung lượng đường truyền phục vụ cho dịch vụ viễn thông và Internet. Đối với các đảo đông dân có nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông cao, xây dựng các tuyến viba dung lượng lớn hoặc cáp quang biển làm đường truyền kết nối với đất liền; đối với các đảo xa đất liền, sử dụng phương thức thông tin vệ tinh.

Xây dựng hệ thống trạm thông tin di động ven biển, phấn đấu phủ sóng hướng ra biển cách bờ trên 50 km và các trạm thông tin di động công suất lớn trên các đảo đảm bảo cho các tàu, thuyền hoạt động xung quanh khu vực các đảo này có thể sử dụng được dịch vụ thông tin di động.

Phấn đấu xây dựng mạng truy nhập băng rộng tại vùng biển ven bờ và trên các đảo phục vụ nhu cầu các ứng dụng đa dạng cho hàng hải, đóng tàu, ngư nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản…

2. Mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình phục vụ thông tin biển, đảo.

Tận dụng tối đa nguồn lực có sẵn để tăng cường chất lượng vùng phủ sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tại Biển Đông.

Tiếp tục triển khai các trạm phát thanh ven biển theo dự án “Phủ sóng Biển Đông” nhằm tăng cường phủ sóng mạnh, ổn định, liên tục và chất lượng cao tại các vùng biển có hoạt động kinh tế của Việt Nam.

Kết hợp các phương thức truyền dẫn và phát sóng phát thanh, đầu tư và nâng cấp hệ thống phát sóng đối nội nhằm mở rộng, nâng cao hiệu quả và chất lượng phủ sóng. Sử dụng các đài phát sóng đối ngoại, phát thông tin dự báo thời tiết, thông tin tìm kiếm cứu nạn để hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ.

Tổ chức các trạm truyền thanh tại mỗi đảo, thu nhận thông tin từ các đài phát thanh đất liền và phát lại nhằm đảm bảo thông tin đến với người dân trên đảo và các tàu thuyền đánh bắt hải sản trong khu vực lân cận kịp thời, chính xác.

Phối hợp các đài phát thanh, truyền hình địa phương ven biển để hỗ trợ khai thác, sử dụng các đài phát thanh phát sóng phát thanh địa phương nhằm mở rộng diện phủ sóng quốc gia trên Biển Đông và các khu vực còn lõm sóng.

Kết hợp việc truyền dẫn phát sóng truyền hình qua vệ tinh với các trạm phát lại có công suất phù hợp và sử dụng đầu thu số vệ tinh để đưa các chương trình truyền hình tới người dân trên tất cả các đảo.

Tại các nơi có điều kiện, triển khai hệ thống truyền hình cáp theo hướng tăng cường cáp sợi quang và nâng cao tỷ lệ cáp ngầm để bảo đảm chất lượng và tránh ảnh hưởng bởi thời tiết.

Tận dụng tối đa các phương thức thông tin vệ tinh, đặc biệt là sử dụng vệ tinh Vinasat-1 để phủ sóng phát thanh, truyền hình tới đại đa số người dân khai thác trên vùng biển, đảo trong nước và vùng biển quốc tế các dịch vụ phát thanh, truyền hình đa dạng, phong phú, đồng thời đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền, đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

3. Đảm bảo hạ tầng mạng thông tin chuyên ngành phục vụ phát triển kinh tế vùng biển

Phát triển hệ thống thông tin liên lạc trên các phương tiện nổi, các công trình cố định trên biển theo hướng nâng cao dung lượng, chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Triển khai các trạm truy nhập thông tin vệ tinh băng rộng, xây dựng các trạm phu phát sóng thông tin di động kết hợp với sử dụng phương thức liên lạc vệ tinh trên các phương tiện nổi và công trình cố định trên biển, góp phần nâng cao chất lượng thông tin liên lạc phục vụ phát triển kinh tế vùng biển.

Xây dựng hệ thống mạng chuyên dụng trên cơ sở mạng công cộng, cung cấp kết nối băng rộng phục vụ cho mục tiêu bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển và sự điều hành của các cơ quan chính quyền trên đảo.

4. Tăng cường năng lực mạng lưới thông tin duyên hải đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển.

Tiếp tục thực hiện các nội dung đã đề ra tại Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển.

VI. CÁC GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền

a) Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân ý thức sử dụng hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo an toàn theo quy định hiện hành. Nâng cao ý thức của người dân đối với trách nhiệm thông báo thông tin phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn;

b) Nâng cao sự nhận thức, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển thông tin biển, đảo cho mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động trên vùng biển, đảo;

c) Tuyên truyền công nghệ mới trong thông tin liên lạc biển, đảo cho xã hội và người dân đặc biệt là các công nghệ định vị, nhận dạng.

2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật

a) Hoàn thiện các cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, các đơn vị truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình bình đẳng trong việc tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, phát thanh, truyền hình phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và phát triển kinh tế biển:

- Xây dựng và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch về bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, phát thanh, truyền hình … nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển mạng lưới thông tin biển, đảo.

- Xây dựng cơ chế và chính sách để Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, các đơn vị truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình nhằm cung cấp các dịch vụ thông tin liên lạc cho vùng biển, đảo đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Xây dựng cơ chế hỗ trợ giá cước và hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho ngư dân đảm bảo thông tin liên lạc với đất liền.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý đối với các hệ thống thiết bị thông tin trên bờ hiện có (của các đơn vị chủ tàu, người nhà …) để đảm bảo không gây can nhiễu tới các hệ thống thông tin khác.

b) Xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người sử dụng trên cơ sở đảm bảo thực hiện đúng các quy định về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng và giá cước.

3. Phát triển nguồn lực

a) Chính sách huy động vốn đầu tư:

- Đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mạng thông tin liên lạc biển, đảo phục vụ nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, vốn viện trợ và cho vay ưu đãi từ nước ngoài để đầu tư xây dựng.

- Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc biển, đảo phục vụ hoạt động kinh tế, sử dụng nguồn vốn từ doanh nghiệp, xã hội để đầu tư xây dựng và được nhà nước ưu đãi cơ chế và một phần kinh phí.

- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp về vốn, công nghệ … để triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mạng thông tin liên lạc biển, đảo.

b) Chính sách về thuế:

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế đối với chuyển giao công nghệ, nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp các trang thiết bị thông tin phục vụ thông tin biển, đảo, để tạo điều kiện giảm mạnh giá bán thiết bị đầu cuối nhằm giúp cho ngư dân và người sử dụng có thể mua được các thiết bị đầu cuối với giá cả phù hợp.

c) Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực:

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ vận hành thiết bị thông tin liên lạc, cập nhật các công nghệ mới thông qua các khóa đào tạo nghiệp vụ thông tin liên lạc cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị liên quan; tổ chức các khóa đào tạo hướng dẫn sử dụng thiết bị thông tin liên lạc cho ngư dân, người sử dụng có các hoạt động trên biển.

- Đẩy mạnh việc xã hội hóa đào tạo và đào tạo lại đội ngũ kỹ thuật viên, thợ lành nghề, thuyền viên, ngư dân để đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thông tin liên lạc biển, đảo.

4. Nghiên cứu đổi mới công nghệ

a) Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ thông tin liên lạc biển, đảo, quản lý vị trí, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tàu, thuyền, phương tiện;

b) Khuyến khích việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ thông tin liên lạc biển, đảo;

c) Nhanh chóng xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các loại công nghệ thông tin liên lạc mới cho biển, đảo như: công nghệ nhận dạng, công nghệ định vị, truy tìm vị trí, công nghệ thông tin liên lạc 2 chiều bằng sóng HF …;

d) Nghiên cứu các phương thức sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin di động, nhằm tăng cường vùng phủ sóng vùng biển, đảo.

5. Tăng cường hợp tác quốc tế:

a) Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia ven biển, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực trong lĩnh vực phát triển thông tin liên lạc trên biển, đảo nhằm thúc đẩy việc phát triển kinh tế biển đồng thời góp phần bảo đảm an toàn, an ninh trên biển; phối hợp với các tổ chức trong việc trao đổi, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý thông tin biển, đảo.

b) Tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án và các thỏa thuận quốc tế về thông tin liên lạc biển, đảo và đại dương sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Tham gia đàm phán về các điều ước, thỏa thuận quốc tế và khu vực về thông tin liên lạc vùng biển, đảo đảm bảo quyền lợi của Việt Nam trên biển;

d) Tranh thủ sự hợp tác quốc tế để huy động các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA, nhằm phát triển mạng lưới thông tin liên lạc vùng biển, đảo.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung thực hiện Đề án, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và người dân, trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung cần cập nhật, điều chỉnh Đề án cho phù hợp;

b) Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp về vốn, công nghệ … để triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mạng thông tin liên lạc biển, đảo;

c) Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các trang thiết bị phục vụ thông tin liên lạc trên biển, đảo theo quy định của pháp luật;

d) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác phát triển kinh tế biển, an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và người dân trên biển;

đ) Chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông tăng cường thông tin về biển, đảo nhằm phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường biển và an ninh, quốc phòng. Tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh tế biển, đảo đối với sự phát triển bền vững của đất nước đến đông đảo người dân nhằm tăng cường ý thức bảo vệ chủ quyền, ý thức bảo vệ mạng cáp biển và các công trình thông tin biển, đảo;

e) Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai các dự án, nâng cao chất lượng mạng lưới bưu chính, viễn thông phục vụ thông tin vùng biển, đảo;

g) Xây dựng quy hoạch tài nguyên viễn thông, phân bổ sử dụng hiệu quả tài nguyên phục vụ công tác thông tin biển, đảo.

2. Bộ Giao thông vận tải

a) Thực hiện các dự án: thiết lập hệ thống nhận dạng và truy tìm theo tầm xa LRIT; đầu tư phát triển hệ thống nhận dạng tự động AIS; đầu tư xây dựng hệ thống giám sát tàu thuyền VTS. Tiếp tục thực hiện các nội dung đã đề ra tại Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển;

b) Hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền các quy định, quy trình cho các phương tiện giao thông, vận tải hoạt động trên biển;

c) Xây dựng quy định trang thiết bị cho các phương tiện giao thông, vận tải hoạt động trên biển. Giám sát các phương tiện qua hệ thống quản lý, định vị.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Triển khai đầu tư dự án hỗ trợ ngư dân lắp đặt các trang thiết bị thông tin liên lạc cần thiết; tiếp tục thực hiện các nội dung đã đề ra tại Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chồng thiên tai trên biển;

b) Chỉ đạo các địa phương tổ chức việc đăng ký, đăng kiểm các tàu, thuyền đánh bắt hải sản theo phân cấp, đảm bảo các tàu, thuyền có trang thiết bị thông tin tối thiểu được quy định theo vùng biển hoạt động;

c) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy định trang thiết bị thông tin liên lạc và quy chế thông tin cho các tàu, thuyền đánh bắt hải sản.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Chỉ đạo việc tổ chức thông tin dự báo thiên tai trên biển theo Quy chế thông tin dự báo thời tiết biển, đảo;

b) Tích hợp các hệ thống thông tin do các Bộ, ngành xây dựng vào một hệ thống thông tin thống nhất phục vụ quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, đảo.

5. Bộ Quốc phòng

a) Đầu tư các dự án hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng, Hải quân tại các tỉnh, thành phố ven biển;

b) Chỉ đạo Bội đội Biên phòng, Hải quân, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng liên quan phối hợp, hỗ trợ đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và trong các trường hợp đặc biệt.

6. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn

Triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Chỉ huy điều hành tìm kiếm, cứu nạn Quốc gia của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn. Tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển theo quy định.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính

Căn cứ vào danh mục, phân kỳ đầu tư, tiến độ thực hiện các dự án thành phần được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển

a) Chỉ đạo, tổ chức đăng ký, đăng kiểm tàu, thuyền đánh bắt hải sản theo phân cấp; kiểm tra việc tuân thủ các quy định về trang bị thiết bị an toàn và thông tin liên lạc trên tàu, thuyền của địa phương;

b) Xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh, thành phố về quản lý tàu, thuyền đánh bắt hải sản, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý tàu, thuyền đánh bắt hải sản;

c) Chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình thuộc địa phương phối hợp thực hiện các dự án tăng cường vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình vùng biển, đảo;

d) Tổ chức, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân sử dụng trang thiết bị thông tin phục vụ phát triển kinh tế vùng biển, đảo.

9. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam

a) Tiếp tục triển khai dự án phủ sóng Biển Đông và các dự án phủ sóng truyền hình vùng biển, đảo nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình quảng bá đảm bảo vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam và khu vực đều có sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam;

b) Chủ động xây dựng các chuyên đề, chuyên mục về phòng, chống thiên tai, tăng cường chất lượng chuyên mục dự báo thời tiết, đặc biệt trong mùa mưa bão để thông tin kịp thời mọi diễn biến của thời tiết; tập trung tuyên truyền về phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biển, đảo;

c) Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các đài phát thanh, truyền hình của các địa phương ven biển triển khai dự án xây dựng trạm tiếp sóng phát thanh, truyền hình phủ sóng khu vực Biển Đông. Tăng cường thêm các kênh phát thanh dự báo khí tượng thủy văn và nội dung kiến thức về biển, đảo phục vụ phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biển, đảo.

10. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông

a) Xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới phù hợp với Đề án này;

b) Xây dựng và triển khai các dự án: phát triển hạ tầng, dịch vụ điện thoại cố định, Internet và các trạm truy cập VSAT đến các xã đảo, huyện đảo; xây dựng các trạm thu phát sóng BTS phủ sóng di động vùng biển, đảo; xây dựng các điểm truy cập công cộng các xã đảo, huyện đảo; xây dựng mạng thông tin chuyên dùng phục vụ cho an ninh quốc phòng và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phối hợp triển khai thực hiện, sử dụng chung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có và được đầu tư mới;

c) Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thu phát vô tuyến, công nghệ thông tin di động để xây dựng hệ thống thông tin vô tuyến có vùng phủ sóng rộng, thiết bị đầu cuối phù hợp với điều kiện thu – phát trên biển để tăng cường chất lượng của các dịch vụ thông tin liên lạc vùng biển, đảo.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc và Giám đốc các đơn vị, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, các đài phát thanh, truyền hình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão TW;
- UBQG Tìm kiếm, Cứu nạn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, KTN (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên dự án

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Tiến độ

Nguồn đầu tư

1

Phủ sóng truyền hình vùng biển, đảo (Xây dựng trạm tiếp sóng truyền hình trên các đảo có người sinh sống)

Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh, truyền hình địa phương ven biển

Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ven biển

2010 – 2015

Ngân sách nhà nước

2

Phủ sóng phát thanh vùng biển, đảo (Dự án phủ sóng Biển Đông)

Đài Tiếng nói Việt Nam 

Các đài phát thanh, truyền hình địa phương ven biển

2010 – 2015

(Tiếp tục triển khai dự án đã được phê duyệt)

3

Phát triển hạ tầng, dịch vụ điện thoại cố định, Internet và các trạm truy cập VSAT đến các xã đảo, huyện đảo.

Các doanh nghiệp viễn thông

Bộ Thông tin và Truyền thông

2010 – 2015

Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp

4

Xây dựng các trạm thu phát sóng BTS phủ sóng di động vùng biển, đảo

Các doanh nghiệp viễn thông

Bộ Thông tin và Truyền thông

2010 – 2015

Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp

5

Xây dựng các điểm truy cập công cộng các xã đảo, huyện đảo

Các doanh nghiệp bưu chính

Bộ Thông tin và Truyền thông

2010 – 2015

Ngân sách nhà nước

6

Hỗ trợ ngư dân lắp đặt các trang thiết bị thông tin liên lạc cần thiết

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Thông tin và Truyền thông

2010 – 2015

Ngân sách nhà nước và xã hội (Bổ sung QĐ 137/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007)

7

Dự án thiết lập hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa LRIT

Bộ Giao thông vận tải

 

2010-2012

Ngân sách nhà nước (Bổ sung QĐ 137/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007)

8

Dự án đầu tư phát triển hệ thống nhận dạng tự động AIS

Bộ Giao thông vận tải

 

2010-2012

Ngân sách nhà nước (Bổ sung QĐ 137/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007)

9

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát tàu thuyền VTS

Bộ Giao thông vận tải

 

2010-2015

Ngân sách nhà nước (Bổ sung QĐ 137/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007)

10

Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Chỉ huy điều hành tìm kiếm, cứu nạn Quốc gia của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, Cứu nạn

Các Bộ, Ban, ngành liên quan

2010-2011

Ngân sách nhà nước (Bổ sung QĐ 137/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007)

11

Dự án xây dựng mạng thông tin chuyên dùng phục vụ cho an ninh quốc phòng và công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan chính quyền trên đảo.

Các doanh nghiệp viễn thông

Bộ Thông tin và Truyền thông

2010-2012

Ngân sách nhà nước

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)

Từ viết tắt

Nghĩa tiếng Anh

 Nghĩa tiếng Việt

DTH

Direct To Home

Phát sóng trực tiếp tới nhà thông qua vệ tinh

GPS

Global Positioning System

Hệ thống định vị toàn cầu

HF

High frequency

Dải tần số vô tuyến cao tần (từ 3 đến 30 MHz)

LRIT

Long range identification and tracking

Nhận dạng và theo dõi tàu biển tầm xa

MF

Medium frequency

Dải tần số vô tuyến trung tần (từ 300 kHz đến 3000 kHz)

ODA

Official Development Assistance

Hỗ trợ phát triển chính thức

SSB

Single-sideband modulation

Điều chế đơn biên

VHF

Very high frequency

Dài tần số vô tuyến cao tần (từ 30 MHz đến 300 MHz)

VSAT

Very Small Aperture Terminal

Hệ thống thông tin vệ tinh băng rộng sử dụng thiết bị đầu cuối nhỏ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1041/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Đề án đảm bảo mạng lưới thông tin biển, đảo do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1041/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/07/2009
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 367 đến số 368
  • Ngày hiệu lực: 22/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản