Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1040/QĐ-UBND | Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 26 tháng 05 năm 2014 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 1305/2012/QĐ-UBND ngày 05/7/2012 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc Ban hành chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2012-2020;
Căn cứ Kế hoạch số 1304/KH-UBND ngày 05/3/2013 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thực hiện Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2013 - 2015;
Xét đề nghị của Tỉnh đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu tại văn bản số 642/ĐTN ngày 27/9/2013 và đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số: 241/TTr-SNV ngày 08 tháng 5 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2014 - 2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp huyện; các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
GIÁO DỤC, CẢM HÓA THANH THIẾU NIÊN CHẬM TIẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2014-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1040/QĐ-UBND ngày 26 tháng 05 năm 2014 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
1. Cơ sở pháp lý:
- Quyết định số 1305/2012/QĐ-UBND ngày 05/7/2012 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc Ban hành chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2012-2020;
- Kế hoạch số 1304/KH-UBND ngày 05/3/2013 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thực hiện Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2013 - 2015.
2. Cơ sở thực tiễn:
Người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội không chỉ là những hiện tượng cá biệt mà giờ đây đã trở thành vấn nạn của toàn xã hội. Trên phạm vi cả nước, từ thành phố cho tới các thôn ấp, vùng sâu, vùng xa, trong các trường học đều có các hiện tượng và hành vi vi phạm pháp luật. Tùy mức độ có khác nhau nhưng các vụ liên quan đến vi phạm pháp luật, phạm tội đều gia tăng. Đây là một vấn đề đang được xã hội rất quan tâm.
Ở nước ta, công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và phạm tội của người chưa thành niên được Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và nhân dân quan tâm. Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em và người chưa thành niên. Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và chính quyền các Cấp đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch cũng như áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật nói chung trong đó có vi phạm pháp luật của người chưa thành niên nói riêng nhằm giúp những thanh thiếu niên chậm tiến trở thành những người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, sống đẹp, sống có ích cho xã hội.
Trong thời gian vừa qua, nhằm góp phần cùng toàn xã hội quan tâm hỗ trợ, giáo dục cảm hóa và giúp đỡ các thanh thiếu niên chậm tiến. Tổ chức Đoàn trong toàn tỉnh đã chủ động, sáng tạo tổ chức triển khai thực hiện các mô hình các đội thanh niên xung kích tình nguyện tuyên truyền vận động, tổ chức Hội thi, mitting, phát tờ rơi, phát thanh trong học đường, tích cực tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm và mại dâm, nhất là tội phạm cướp giật, tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em và các loại tội phạm hình sự...Tổ chức Đoàn các cấp đã tổ chức trên 350 đợt tuyên truyền/ 23.570 lượt Đoàn viên thanh niên, học sinh trên địa bàn tỉnh những kiến thức về nhận biết và kỹ năng phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống tội phạm mua bán người, cách thức tiếp cận và giúp đỡ những thanh thiếu niên chậm tiến.
Công tác giúp đỡ, cảm hóa thanh thiếu chậm tiến, người vi phạm tệ nạn xã hội tái nhập cộng đồng cũng được các cơ sở Đoàn quan tâm và thực hiện tốt hơn qua việc tổ chức Hội thảo chuyên đề “Một số giải pháp dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên sau cai nghiện”, nhằm mở rộng đối tượng dạy nghề, tạo cơ hội và điều kiện cho những thanh thiếu niên sau cai nghiện có việc làm đảm bảo cuộc sống.
Bên cạnh những việc làm được như trên, công tác cảm hóa, giáo dục thanh niên chậm tiến vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định, cụ thể:
- Việc triển khai vẫn mang tính lồng ghép chưa có những chương trình, nội dung chuyên biệt rõ nét hướng đến đối tượng là thanh thiếu niên chậm tiến, do đó, công tác tiếp cận đối tượng hiện nay thực hiện chưa có chiều sâu
- Sự kết hợp quan tâm công tác quản lý giáo dục thanh thiếu niên giữa chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể, gia đình, nhà trường chưa thường xuyên, công tác cai nghiện tại cộng đồng chưa được quản lý chặt chẽ nên việc tái nghiện còn xảy ra.
- Số lượng và hoạt động của các mô hình can thiệp tại cộng đồng chưa đáp ứng và theo kịp với yêu cầu thực tế.
- Công tác tổ chức các chương trình dạy nghề, định hướng nghề nghiệp cho đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến chưa được quan tâm một cách phù hợp.
- Vẫn còn một số cơ sở Đoàn cơ sở ít quan tâm đến công tác này, một số cán bộ Đoàn chưa tự giác, tình nguyện trong công tác tiếp cận và tuyên truyền.
2.1. Tổng hợp tình hình tội phạm
Stt | Năm
Nội dung | Tổng số vụ | Số vụ Thanh thiếu niên thực hiện | ||||||
2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | ||
1 | Đánh người gây thương tích | 64 | 58 | 57 | 73 | 54 | 51 | 49 | 60 |
2 | Trộm cắp tài sản của Công dân | 244 | 243 | 240 | 254 | 170 | 182 | 174 | 195 |
3 | Cướp tài sản | 78 | 76 | 116 | 59 | 74 | 72 | 110 | 56 |
4 | Các loại tội phạm khác (gây rối TTCC, giao cấu trẻ em, hủy hoại tài sản...) | 51 | 35 | 39 | 60 | 35 | 28 | 35 | 55 |
5 | Cướp giật tài sản | 103 | 90 | 76 | 68 | 95 | 87 | 74 | 66 |
(Theo số liệu thống kê từ Công an tỉnh BRVT)
2,2. Số liệu thống kê tổng số Thanh thiếu niên chậm tiến trong diện quản lý của pháp luật trên địa bàn tỉnh:
Năm | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 |
Số Thanh niên chậm tiến | 198 | 217 | 98 | 144 | 212 |
Như vậy, xuất phát từ thực tiễn tình hình vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên chậm tiến và các số liệu thống kê cho thấy cần thiết phải có các giải pháp, các chương trình nhằm hỗ trợ, giáo dục, cảm hóa đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp các em thấy được vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với xã hội; qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các em với bản thân, gia đình và xã hội.
II. CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CẢM HÓA GIÁO DỤC THANH THIẾU NIÊN CHẬM TIẾN GIAI ĐOẠN 2014 - 2015:
1. Quan điểm:
Chương trình phải phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển Thanh niên tại địa phương.
Phải bảo đảm được tính hiệu quả của công tác trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ vi phạm pháp luật và đấu tranh phòng chống đẩy lùi các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh; cảm hóa giáo dục, định hướng để mỗi thanh thiếu niên sau khi được giáo dục, cảm hóa sẽ trở thành một tuyên truyền viên tại cộng đồng.
Thiết lập và duy trì tốt các đội hình thanh niên xung kích, vận động những thanh thiếu niên có ý chí rèn luyện tốt tham gia vào lực lượng của các đội hình thanh niên xung kích.
Xây dựng các giải pháp đồng bộ, thực hiện liên tục, kiên trì nhằm tiến tới xây dựng môi trường các Đoàn - Hội không còn Đoàn viên thanh niên vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
2. Đối tượng:
Thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
3. Mục đích:
Góp phần cùng xã hội ngăn ngừa và đẩy lùi các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp; hạn chế tối đa tình trạng vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên trong toàn tỉnh.
4. Mục tiêu:
- 100% các trang thông tin của Đoàn thanh niên trong toàn tỉnh đăng tải các nội dung tuyên truyền về pháp luật, các mô hình, các gương điển hình tiêu biểu trong công tác tuyên truyền về pháp luật để nêu gương và chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền hiệu quả.
- Phối hợp với Cơ quan Công an tổ chức hoạt động giáo dục trực quan 04 lần/năm.
- Phối hợp cùng Tòa án các cấp tổ chức giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến thông qua việc tham dự phiên tòa xét xử các vụ án hình sự trong năm tại địa phương.
- Tổ chức định hướng nghề nghiệp, dạy nghề, giới thiệu và hỗ trợ giải quyết việc làm cho 200 thanh thiếu niên chậm tiến trong giai đoạn thực hiện đề án.
- 100% huyện, thành Đoàn tổ chức tọa đàm, giao lưu, giáo dục; tổ chức định hướng nghề nghiệp, việc làm cho thanh thiếu niên chậm tiến ít nhất một (01) lần/năm.
- Mỗi Đoàn xã, phường, thị trấn một (01) năm đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương và Đoàn cấp trên nhận hỗ trợ, cảm hóa thành công ít nhất 01 thanh thiếu niên chậm tiến tại địa phương.
- 100 % các chi Đoàn khu phố, thôn ấp; Đoàn Khối trường học - Hội Sinh viên - Hội Đồng đội; Khối tương đương; Khối thanh niên công nhân và Khối lực lượng vũ trang đăng ký không có cán bộ Đoàn, Đoàn viên vi phạm pháp luật.
- 100 % các Đoàn xã, phường, thị trấn xây dựng và hoạt động hiệu quả ít nhất một (01) mô hình tuyên truyền pháp luật có giá trị cao, mang tính ổn định, hiệu quả như: kết hợp thành lập các quán cafe thanh niên tuyên truyền pháp luật; các đội, nhóm tuyên truyền pháp luật tại các phường, xã, thị trấn; tổ chức hoạt động thi tìm hiểu, giải quyết các tình huống các quan hệ trong cuộc sống, thi viết bình luận về tình huống vi phạm pháp luật trên mạng Internet của Đoàn thanh niên; các hoạt động gương sáng thanh niên, giới thiệu gương sáng thông qua hệ thống đài truyền thanh địa phương, nhắc nhở những hành vi vi phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội qua hệ thống loa phát thanh địa phương...
- 100% Đoàn các xã, phường, thị trấn nắm được số lượng và đặc điểm của học sinh bỏ học, thanh thiếu niên không có việc làm. 100% huyện, thành Đoàn có chương trình tuyên truyền vận động, hỗ trợ học sinh bỏ học, thanh thiếu niên không có việc làm.
- Tăng cường xây dựng 100% các địa phương có các đội hình tình nguyện, đội hình phản ứng nhanh, phối hợp lực lượng chức năng tuần tra, canh gác tại các khu vực đường giao thông vắng người, xa khu dân cư để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ phạm pháp... Xây dựng các đội nhóm tình nguyện tuyên truyền, tuần tra vào các ngày lễ, tết, ngày nghỉ...
- 100 % các huyện, thành Đoàn phối hợp với cơ quan Công an, chính quyền cùng cấp xây dựng các mô hình giáo dục trực quan, cảm hóa, hỗ trợ thanh thiếu niên chậm tiến; xây dựng các mô hình hỗ trợ việc làm, vốn vay cho thanh niên.
- Tổ chức hai (02)/năm chương trình tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến giúp họ có công ăn việc làm ổn định cuộc sống.
- Tổ chức tham quan khu cải tạo, khu ăn, nghỉ sinh hoạt của phạm nhân; giao lưu với tù nhân là những thanh niên đang chấp hành án phạt tù có tinh thần hối cải, ý thức chấp hành án phạt cao, có mong muốn sớm hoàn thành án phạt để trở về cộng đồng làm một con người bình thường, lương thiện tại các trại giam.
- Tổ chức tư vấn, giáo dục sống ý thức tự rèn luyện để trở thành một người sống đẹp, sống có ích.
- Tổ chức cho thanh thiếu niên chậm tiến tham dự các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự tại Tòa án trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức hoạt động về nguồn tại Côn Đảo và các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, nhằm giáo dục cho đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến về truyền thống dân tộc, về sự hi sinh, mất mát của các thế hệ cha anh để mỗi người hôm nay được hưởng cuộc sống trong một xã hội Việt Nam hòa bình, ổn định qua đó giúp đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến tự suy nghĩ và điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân cho phù hợp.
- Gặp gỡ giao lưu với lãnh đạo Tỉnh ủy; UBND tỉnh; UBMTTQVN tỉnh; các Sở, ban, ngành và Đoàn thanh niên tiêu biểu để thanh thiếu niên chậm tiến trình bày các tâm tư, nguyện vọng của mình.
- Tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến giúp họ có công ăn việc làm ổn định cuộc sống.
- Hỗ trợ vốn vay cho thanh thiếu niên chậm tiến có ý chí rèn luyện tốt, tiến bộ có vốn làm ăn ổn định cuộc sống.
- Tổ chức ngày hội Thanh niên với pháp luật.
- Tổ chức các hoạt động tuyên dương, nêu gương người tốt việc tốt, những tấm gương rèn luyện tốt trong số thanh thiếu niên chậm tiến và có những đóng góp tích cực cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương trong toàn tỉnh.
Kinh phí thực hiện Đề án do Ngân sách tỉnh cấp. Hàng năm, trên cơ sở nội dung thực hiện được phê duyệt, Ban Thường vụ tỉnh Đoàn phối hợp cùng Sở Tài chính, Sở Nội vụ xây dựng dự toán kinh phí tổ chức thực hiện các hoạt động cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến của Đoàn Thanh niên trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
1. Tỉnh Đoàn:
- Rà soát, thống kê tình hình thực tế số lượng thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan xây dựng Kế hoạch và kinh phí triển khai thực hiện Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Chỉ đạo các cấp Đoàn trực thuộc trong toàn tỉnh phối hợp các cơ quan, ban ngành liên quan địa phương thường xuyên rà soát chi tiết về số lượng, đặc điểm của đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến để lựa chọn, triệu tập thanh thiếu niên chậm tiến tham gia các hoạt động cấp tỉnh theo danh sách và số lượng phân bổ; chủ động tổ chức chương trình tại địa phương một cách an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực.
- Triển khai tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng và kết quả của hoạt động của Đề án đến toàn thể quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh thông qua các kênh thông tin của Đoàn và các phương tiện thông tin trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện và báo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ).
- Tổ chức tuyên dương, khen thưởng định kỳ, đột xuất những tập thể cá nhân tiêu biểu có những mô hình, cách làm mới, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến và đấu tranh phòng chống, đẩy lùi hành vi phạm tội được chính quyền địa phương, đơn vị và xã hội đánh giá cao.
2. Các cơ sở Đoàn trực thuộc:
- Xây dựng kế hoạch thực hiện các công trình, các phần việc thanh niên có giá trị tuyên truyền và ý nghĩa thực tiễn thiết thực, có tính ổn định.
- Vận động Đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân chấp hành các chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước.
- Chủ động phối hợp các cơ quan, ban ngành liên quan địa phương thường xuyên rà soát chi tiết về số lượng, đặc điểm của đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến lựa chọn, triệu tập thanh thiếu niên chậm tiến tham gia các hoạt động cấp tỉnh theo danh sách và số lượng phân bổ; chủ động tổ chức chương trình tại địa phương một cách an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực.
- Chỉ đạo lực lượng Thanh niên xung kích, đội hình thanh niên tình nguyện, Chi đoàn Dân quân cơ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, cơ quan chức năng đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn dân cư, các khu nhà trọ, các khu vực nhạy cảm,... vào các giờ cao điểm trong ngày nhất là các ngày lễ, tết và các ngày nghỉ cuối tuần và thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra canh gác tại các địa phương, khu vực xa khu dân cư, khu vực dễ phát sinh hành vi cướp giật và các sự việc gây mất trật tự an toàn xã hội khác.
- Thường xuyên báo cáo kết quả công tác triển khai thực hiện Đề án, đề xuất những gương cá nhân rèn luyện tốt, những tập thể tiêu biểu, xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Đề án.
3. Đơn vị phối hợp:
* Sở Nội vụ:
- Phối hợp cùng Tỉnh Đoàn xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án theo quy định.
- Phối hợp cùng Sở Tài chính tham mưu UBND cấp kinh phí triển khai thực hiện Đề án đúng tiến độ.
- Giúp UBND tỉnh theo dõi tiến độ triển khai thực hiện Đề án. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
* Công an tỉnh:
- Phối hợp cùng Tỉnh Đoàn tổ chức các hoạt động giáo dục cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến theo từng kế hoạch cụ thể đề ra.
- Chỉ đạo lực lượng công an các cấp phối hợp cùng tổ chức Đoàn các cấp nắm cụ thể về danh sách đối tượng thanh thiếu niên đang trong các diện quản lý theo quy định của pháp luật tại các địa phương; các đối tượng thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập gây mất trật tự an ninh xã hội tại các địa phương.
- Chỉ đạo công an các cấp phối hợp cùng tổ chức Đoàn các cấp quản lý, giám sát và thường xuyên đánh giá về kết quả, hiệu quả của công tác giáo dục cảm hóa theo Đề án đặt ra đối với từng cá nhân sau khi được tham gia các hoạt động và từng tập thể có các cá nhân thanh thiếu niên chậm tiến, thanh thiếu niên lêu lổng tham gia các hoạt động của Đề án đặt ra.
* Sở Tài chính:
Trên cơ sở Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và đề nghị của Tỉnh đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phân bổ kinh phí, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
* Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp cùng Tỉnh Đoàn tổ chức triển khai thực hiện một cách thiết thực và hiệu quả nội dung định hướng nghề nghiệp việc làm; dạy nghề và giới thiệu việc làm cho đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến.
- Chỉ đạo các phòng Lao động -Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi giúp cho Đoàn thanh niên các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện một cách thiết thực và hiệu quả nội dung định hướng nghề nghiệp việc làm; dạy nghề và giới thiệu việc làm cho đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến.
* Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh:
- Trên cơ sở quy định của pháp luật, phối hợp cùng Tỉnh đoàn tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế hỗ trợ vay vốn học nghề và tạo công ăn việc làm cho thanh thiếu niên chậm tiến có chí hướng lập thân, lập nghiệp.
- Chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi giúp cho Đoàn thanh niên các huyện, thành phố triển khai hỗ trợ vay vốn cho thanh thiếu niên chậm tiến theo quy chế hỗ trợ vay vốn do UBND tỉnh ban hành.
* Tòa án nhân dân tỉnh:
Hàng năm, phối hợp cùng Tỉnh Đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức cho thanh thiếu niên chậm tiến tham dự các phiên xử án hình sự trên địa bàn tỉnh.
* UBND các huyện, thành phố:
- Căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế tại địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể liên quan phối hợp cùng huyện, thành Đoàn triển khai thực hiện hiệu quả nội dung Đề án đặt ra.
- Tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, cơ sở vật chất và con người để huyện, thành Đoàn triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch đề ra nhằm thực hiện nội dung Đề án một cách hiệu quả và thiết thực.
4. Tiến độ thực hiện:
Trên cơ sở nội dung công việc của Đề án, hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, bảo đảm thực hiện tốt nội dung của Đề án.
- 1Kế hoạch 1604/KH-UBND tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 2Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên" giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 3Kế hoạch 3054/KH-UBND thực hiện Đề án "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên" trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2013
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Kế hoạch 1604/KH-UBND tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 3Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên" giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 4Kế hoạch 3054/KH-UBND thực hiện Đề án "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên" trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2013
Quyết định 1040/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2014 - 2015
- Số hiệu: 1040/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/05/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Người ký: Lê Thanh Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra