Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/2000/QĐ-UB

Bình Phước, ngày 15 tháng 11 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO TỈNH BÌNH PHƯỚC.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/06/1994;

- Căn cứ Thông tư Liên tịch ngày 771/1998/TTLT-UBDTMN-TCCP ngày 20/10/1998 của Ủy ban Dân tộc & miền núi và Ban Tổ chức – cán bộ Chính phủ: Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan công tác Dân tộc - miền núi ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Căn cứ Thông tư số 01/TTLB ngày 11/04/1994 của Ban Tổ chức – cán bộ Chính phủ và Ban Tôn giáo của Chính phủ: Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và quy trình thành lập Ban Tôn giáo ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Căn cứ biên bản số 163-BB/TU ngày 19/09/2000 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy v/v thông qua đề án sắp xếp tổ chức và tinh giản biên chế hệ Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết TW7 (khoá 8) tỉnh Bình Phước;

- Căn cứ ý kiến thẩm định đề án kiện toàn tổ chức tinh giản biên chế tỉnh Bình Phước của Hội đồng thẩm định - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bình Phước kể từ tháng 11/2000.

Điều 2: a) Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bình Phước là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của UBND tỉnh, dồng thời chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ủy ban Dân tộc & miền núi và Ban Tôn giáo của Chính phủ.

b) Ban Dân tộc và Tôn giáo có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được dự toán kinh phí để hoạt động và được mở tài khoản Kho bạc nhà nước theo quy định.

Điều 3: a) Ban Dân tộc và Tôn giáo có chức năng giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và các hoạt động tôn giáo, đồng thời là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

b) Trước mắt Ban Dân tộc và Tôn giáo đựơc phân bổ 10 biên chế. Cán bộ công chức của Ban được điều động và tiếp nhận từ các cơ quan ban, ngành của tỉnh chuyển đến (không được tuyển mới).

c) Tổ chức và hoạt động của Ban Dân tộc và Tôn giáo được thực hiện theo bản quy chế ban hành kèm theo quyết định này.

Điều 4: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 104/2000/QĐ-UB ngày 15/11/2000 của UBND tỉnh Bình Phước)

Chương 1

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG

Điều 1: Ban Dan tộc và Tôn giáo tỉnh Bình Phước là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh. Ban chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của UBND tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Ủy ban Dân tộc & Miền núi và Ban Tôn giáo của Chính phủ.

Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng được dự toán kinh phí để hoạt động và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.

Điều 2: Ban Dân tộc và Tôn giáo có chức năng giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và các hoạt động tôn giáo đồng thời là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Chương 2

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3: Ban Dân tộc và Tôn giáo có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Căn cứ vào Chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và tôn giáo; căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được phê duyệt, Ban xây dựng kế hoạch, chương trình công tác về lĩnh vực dân tộc và tôn giáo trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình kế hoạch đó.

2. Dự thảo hoặc tham gia dực thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định của tỉnh ủy và UBND tỉnh về chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn về các hoạt động thuộc lĩnh vực tôn giáo và dân tộc trên địa bàn tỉnh.

3. Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện chính sách dân tộc và tôn giáo tại địa phương, là đầu mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với các tổ chức tôn giáo ở địa phương, kể cả hoạt động đối ngoại liên quan đến dân tộc và tôn giáo.

4. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước và chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về lĩnh vực công tác dân tộc và tôn giáo trong phạm vi tỉnh.

5. Tham gia với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương về những vấn đề có liên quan đến dân tộc và tôn giáo, tham gia thẩm định về quy hoạch, kế hoạch kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án được thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số của địa phương; phối hợp với các ngành, các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực dân tộc và tôn giáo.

6. Tổ chức thực hiện một số chương trình, dự án, mô hình điểm trên địa bàn dân tộc do UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc và Miền núi giao.

7. Tạo điều kiện giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội xây dựng phong trào quần chúng và tổ chức quần chúng ở nơi đông tín đồ tôn giáo, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chính sách đối với các chức sắc, nhân sĩ tôn giáo.

8. Tiếp đón, thăm hỏi, nắm yêu cầu, nguyện vọng đồng bào dân tộc thiểu số, các tín đồ tôn giáo.Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết nguyện vọng chính đáng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của đồng bào dân tộc thiểu số và các tín đồ tôn giáo về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban theo quy định của pháp luật.

9. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc và tôn giáo ở địa phương.

10. Quản lý tài sản, tài chính và cơ sở vật chất của cơ quan, quản lý cán bộ công chức và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với cán bộ công chức trong cơ quan theo quy định của Nhà nước.

11. Thực hiện báo cáo định kỳ, 3 tháng, 6 tháng, năm và báo cáo đột xuất về tình hình dân tộc và tôn giáo của địa phương cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban Dân tộc & Miền núi và Ban Tôn giáo của Chính phủ.

Chương 3

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 4: Cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc và Tôn giáo:

1. Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh do 1 Trưởng ban điều hành và có từ 1 đến 3 Phó Trưởng ban giúp việc. Chức vụ Trưởng ban và Phó trưởng ban do UBND tỉnh bổ nhiệm.

2. Các bộ phần cấu thành gồm có:

- Phòng tổ chức - hành chính - tổng hợp

- Các tổ chuyên viên.

3. Phòng Tổ chức- Hành chính - Tổng hợp có 1 Trưởng phòng và 1 Phó trưởng phòng.Chức vụ trưởng phòng do UBND tỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban Dân tộc & Tôn giáo.Chức vụ Phó trưởng phòng do Trưởng ban Dân tộc & Tôn giáo bổ nhiệm.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng, nhiệm vụ và lề lối làm việc của tổ chức chuyên viên do Trưởng ban Dân tộc & Tôn giáo quy định.

5. Biên chế của Ban Dân tộc & Tôn giáo thuộc biên chế quản lý Nhà nước do UBND tỉnh phân bổ hàng năm.

Điều 5: Chế độ làm việc

1. Ban Dân tộc & Tôn giáo làm việc theo chế độ thủ trưởng.Trưởng ban quyết định mọi vấn đề thuộc phạm vi chức năng, quyền hạn của Ban và là người chịu trách nhiệm cao nhất trước UBND tỉnh về toàn bộ hoạt động của Ban, đồng thời chịu trách nhiệm trước Ủy ban Dân tộc & Miền núi và Ban Tôn giáo của Chính phủ về các lĩnh vực công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Ban. Các Phó trưởng ban giúp việc cho Trưởng ban được Trưởng ban phân công một số lĩnh vực công tác.Phó trưởng ban chịu trách nhiệm trước Trưởng ban, đồng thời cùng Trưởng ban liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên về phần việc được phân công phụ trách.

2. Phòng Tổ chức - Hành chính -Tổng hợp làm việc theo chế độ thủ trưởng.Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về mọi công việc của phòng.Phó trưởng phòng giúp việc cho Trưởng phòng được Trưởng phòng phân công phụ trách một số mặt công tác và được ủy quyền điều hành công việc của Phòng khi trưởng phòng đi vắng.

3. Ban Dân tộc và Tôn giáo hoạt động theo chương trình kế hoạch công tác hàng năm được Ủy ban Dân tộc & Miền núi, Ban Tôn giáo của Chính phủ và UBND tỉnh giao và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong bản quy chế này.

4. Bảo đảm chế độ họp giao ban hàng tuần để kiểm điểm tình hình thực hiện công tác trong tuần và xây dựng chương trình công tác cho tuần kế tiếp. Đồng thời tổ chức các cuộc họp bất thường để phổ biến, triển khai các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của UBND tỉnh, Ủy ban Dân tộc & Miền núi và Ban Tôn giáo của Chính phủ.

Chương 4

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 6: Bản quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Việc sửa đổi, bổ sung bản quy chế này do Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo và Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 104/2000/QĐ-UB thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 104/2000/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/11/2000
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Tấn Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/11/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản