Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1037/2006/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 13 tháng 4 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP Y TẾ QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

- Căn cứ Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 05/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới;

- Căn cứ Nghị quyết số 38/2005/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI- Kỳ họp thứ 7 ngày 09/12/2005 về việc qui hoạch phát triển sự nghiệp y tế Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Qui hoạch phát triển sự nghiệp y tế Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với nội dung chủ yếu như sau:

I. Mục tiêu:

1/ Mục tiêu tổng quát:

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc sức khoẻ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân,

- Phát triển sự nghiệp y tế phù hợp và đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

2/ Các mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2010 có trên 75% xã, đến năm 2015 có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.

- Đến năm 2010, 100% các cơ sở y tế trong tỉnh cơ bản đủ trang thiết bị y tế theo danh mục tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

- Đến năm 2010 có 01 dược sĩ đại học trên 10.000 dân.

- Đến năm 2010 đảm bảo 100% số xã có bác sĩ.

- Tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm còn dưới 16‰ trẻ đẻ ra sống vào năm 2010 và dưới 12‰ vào năm 2020.

- Tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn dưới 22 ‰ vào năm 2010 và dưới 15‰ vào năm 2020.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn dưới 20%vào năm 2010 và dưới 15% vào năm 2020.

- Khống chế tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau năm 2020.

II. Nội dung Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế đến năm 2010 và định hướng 2020:

1/ Kiện toàn tổ chức và phát triển mạng lưới y tế:

Hoàn thiện hệ thống y tế theo Nghị định 171, 172 của Chính phủ và Thông tư số 11 của Liên Bộ Y tế - Nội vụ về tổ chức y tế địa phương cụ thể:

- Đối với tuyến xã:

+ Phát triển y tế hướng cộng đồng, đảm bảo đủ số lượng cán bộ y tế tuyến xã, phường, thị trấn theo Quyết định 58/TTg ngày 03/02/1994 của Thủ tướng Chính phủ. 100% các thôn, khe, bản có nhân viên y tế.

+ Tiếp tục củng cố và hoàn thiện Trạm y tế (cả về số lượng cán bộ y tế và cơ sở vật chất, trang thiết bị) để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là triển khai công tác dự phòng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, đặc biệt là người nghèo, triển khai các dự án trong chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Tăng cường kết hợp quân và dân y nhất là ở biên giới và hải đảo.

- Đối với tuyến huyện:

+ Phòng Y tế có nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn và quản lý lao động của trạm y tế xã, phường, thị trấn.

+ Bệnh viện tuyến huyện đủ định biên 01 người trên 01 giường bệnh đi đôi với việc mở rộng giường bệnh chữa bệnh cho bệnh nhân theo hình thức dịch vụ chất lượng cao.

+ Thành lập Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện bao gồm đội y tế dự phòng, đội bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em kế hoạch hóa gia đình (theo quy định tại Thông tư số 11/2005/TTLT-BYT-BNV ngày12/4/2005 của liên Bộ:Y tế Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý Nhà nước về y tế ở địa phương) đủ điều kiện để đảm nhiệm chức năng chỉ đạo và thực hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

- Đối với tuyến tỉnh:

+ Đảm bảo đối với bệnh viện đa khoa tỉnh là 1,14 người trên 01 giường bệnh; các bệnh viện chuyên khoa là 1 người trên 1 giường bệnh. Củng cố Trung tâm y tế dự phòng, xây dựng hệ thống kiểm dịch cửa khẩu cho tương xứng với nhiệm vụ.

+ Thành lập Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh.

+ Có các cơ chế chính sách mang tính xã hội hoá để thu hút đầu tư xây dựng bệnh viện chuyên khoa Nhi và bệnh viện chuyên khoa Phụ Sản từ nay đến 2015.

- Đối với y tế tuyến Trung ương và y tế ngành:

+ Bệnh viện Việt Nam-Thuỵ Điển Uông Bí là bệnh viện trung ương trực thuộc Bộ Y tế đảm nhận trách nhiệm bệnh viện vùng Đông bắc, tỉnh có trách nhiệm phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để bệnh viện phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động trên địa bàn.

+ Tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ chuyên môn, nghiệp vụ đối với bệnh viên than Mạo Khê và bệnh viện than Vàng Danh.

- Đối với hệ thống y tế tư nhân:

Đẩy mạnh và đa dạng hoá các hoạt động loại hình y tế tư nhân như phòng khám đa khoa tư nhân, bệnh viện tư nhân, bệnh viện liên doanh với nước ngoài… nhằm xã hội hoá công tác y tế, phối hợp với y tế tư nhân trong việc quản lý chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quản lý các bệnh xã hội phù hợp với chủ trương của Nhà nước. Tăng cường công tác quản lý hành nghề y tế tư nhân đảm bảo hoạt động có hiệu quả để phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tỉnh ngày một tốt hơn.

2/ Phát triển đội ngũ cán bộ y tế:

Đảm bảo đủ cán bộ y tế về cơ cấu (số lượng và chất lượng), chú trọng đào tạo cán bộ có kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ thuật y tế theo kịp với trình độ của cả nước. Xây dựng quy hoạch và đào tạo cán bộ theo quy hoạch để bổ sung cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên môn kỹ thuật về khám chữa bệnh, về y tế cộng đồng, y tế dự phòng cho ngành y tế ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện và xã.

3/ Về đầu tư cơ sở vật chất:

- Đối với tuyến xã:

+ Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nhà cửa các trạm y tế cho các xã phường trong tỉnh để đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã.

+ Từng bước trang bị trang thiết bị y tế nâng cao cho các trạm y tế theo tiêu chuẩn hoá để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của tuyến xã.

- Đối với tuyến huyện:

+ Củng cố và xây dựng các bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế dự phòng theo Quyết định số 225/2005/QĐ-TTg ngày 15/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đến năm 2008 hoàn thành việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

- Đối với tuyến tỉnh:

+ Hoàn chỉnh xây dựng và đầu tư trang bị cho Bệnh viện đa khoa tỉnh song song với việc đào tạo cán bộ chuyên sâu, phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng thành trung tâm khám chữa bệnh kỹ thuật cao. Tăng cường đầu tư cho bệnh viện đa khoa khu vực Bãi Cháy, bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả, bệnh viện đa khoa khu vực Tiên Yên, bệnh viện đa khoa khu vực Móng Cái đảm bảo đủ năng lực để phục vụ tốt khu du lịch, khu công nghiệp, vùng biên giới miền núi.

+ Tập trung đầu tư nâng cấp và hiện đại hoá các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh như: Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng.

+ Phấn đấu đến năm 2015 các bệnh viện tuyến tỉnh có thể đảm nhận hoàn toàn các kỹ thuật y tế chuyên sâu như phẫu thuật lồng ngực, sọ não, chỉnh hình.

4/ Thực hiện các dự án chương trình về y tế quốc gia và các đề án phát triển y tế:

- Về tiêm chủng mở rộng: Duy trì và phát huy thành quả của công tác tiêm chủng mở rộng... góp phần nâng cao thể chất giống nòi.

- Về phòng chống HIV/AIDS:

Khống chế tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau năm 2020, giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong chương trình hành động phòng chống HIV/AIDS của tỉnh đến 2010 và tầm nhìn 2020.

- Về phòng chống bệnh Phong:

Giữ vững và duy trì kết quả loại trừ bệnh Phong cấp tỉnh, duy trì khám phát hiện bênh nhân Phong mới. Điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân Phong.

- Về phòng chống bệnh Lao:

Phấn đấu đến năm 2010 giảm tỷ lệ mắc Lao AFB (+) mới còn dưới 51/100.000 dân. Điều trị khỏi cho trên 95% bệnh nhân Lao, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh Lao.100% bệnh nhân mắc Lao phát hiện được quản lý và điều trị đúng phác đồ.

- Về phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Đảm bảo đến năm 2010 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 20% và dưới 15% vào năm 2020. Triển khai các giải pháp thực hiện chính sách quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2010 theo định hướng của Bộ Y tế.

- Dự án chăm sóc sức khoẻ sinh sản:

Bảo đảm đến 2010 tình trạng sức khoẻ sinh sản được cải thiện từng bước và giảm được sự chênh lệch giữa các vùng và các đối tượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương trong tỉnh, chú ý đến vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

- Dự án vệ sinh an toàn thực phẩm:

Thực hiện tốt dự án an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng tỉ lệ các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, người làm công việc chế biến thực phẩm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được khám sức khoẻ định kỳ, học tập về an toàn vệ sinh thực phẩm. Giảm tỉ lệ ô nhiễm vi sinh vật ở thức ăn đường phố, thực phẩm chế biến sẵn.

- Dự án bảo vệ sức khoẻ Tâm thần:

Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần theo phương thức lồng ghép vào hoạt động của y tế cơ sở. Đến năm 2010 80% xã phường trong tỉnh triển khai chương trình lồng ghép nội dung chăm sóc sức khoẻ tâm thần, quản lý 80% số bệnh nhân tâm thần trong toàn tỉnh, trên 90% bệnh nhân tâm thần không nơi nương tựa được quản lý chăm sóc xã hội và y tế.

- Chương trình an toàn truyền máu:

Phấn đấu đáp ứng cung cấp máu và các sản phẩm có chất lượng, an toàn cho cấp cứu, điều trị, dự phòng các thảm hoạ. Có đủ máu dự trữ cho nhu cầu an ninh quốc phòng, sử dụng máu và chế phẩm máu hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, bảo đảm 100% đơn vị máu trước khi truyền được sàng lọc đủ 5 bệnh nhiễm trùng.

- Chương trình y tế học đường:

Giảm tỉ lệ mắc một số bệnh tật thường gặp ở tuổi học đường, đặc biệt là các bệnh về Mắt, Răng Miệng, cong vẹo Cột sống.100% các cháu học sinh mẫu giáo, tiểu học được khám và quản lý sức khoẻ hàng năm.

- Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi:

Người già trên 70 tuổi được khám quản lý và tư vấn phòng bệnh tuổi người già ngay tại cộng đồng xã, phường.

- Chương trình quân dân y kết hợp:

Xây dựng và củng cố các trạm, trung tâm y tế quân dân y kết hợp để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bộ đội vùng biên giới hải đảo.

- Về phát triển ngành dược:

Đảm bảo cung ứng đủ thuốc th­ường xuyên và có chất l­ượng tốt. Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Phấn đấu duy trì và tăng các mặt hàng thuốc được sản xuất tại địa phương. Tận dụng khai thác nguồn dược liệu thiên nhiên để sản xuất thuốc theo hướng công nghiệp hoá.

- Chương trình khám bệnh và phục hồi chức năng:

Nâng cao chất lượng khám bệnh, phục hồi chức năng, tăng tỉ lệ người tàn tật được phục hồi chức năng để hội nhập và tái hội nhập cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2010 50% số huyện thị trong tỉnh triển khai chương trình chăm sóc phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Về chuẩn quốc gia y tế xã:

Phấn đấu đến năm 2010 có 75% số xã và đến 2015 có 100% số xã phường trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế xã nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở tuyến y tế cơ sở xã, phường trong tỉnh.

- Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích : Thực hiện xã hội hoá công tác phòng chống tai nạn thương tích, tạo ra sự quan tâm sâu sắc của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức, chính trị xã hội của địa phương và của toàn dân trong việc phòng chống tai nạn thương tích.

- Về nâng cấp y tế tuyến huyện:

Phấn đấu đến năm 2010 100% các cơ sở y tế tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực đảm bảo cơ sở vật chất nhà cửa, trang thiết bị theo danh mục chuẩn của Bộ Y tế.

III. Những biện pháp chủ yếu để thực hiện Qui hoạch:

1/ Về cơ chế chính sách:

- Về đất đai: ưu tiên đảm bảo quĩ đất cần thiết, vị trí thuận lợi xây dựng các công trình y tế gồm: các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, bệnh viện theo quy định tiêu chuẩn nhà nước; khuyến khích và ưu tiên về đất cho các nhà đầu tư xây dựng các công trình y tế tư nhân, liên doanh với nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

- Tỉnh có chính sách khuyến khích bác sĩ về công tác tại các xã vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Khuyến khích thu hút cán bộ trên đại học, thầy thuốc có tay nghề cao về công tác tại các bệnh viện trong tỉnh.

- Đầu tư kinh phí đào tạo nâng cao chuyên môn cho cán bộ y tế trong việc phòng bệnh và khám chữa bệnh. Đào tạo cán bộ chuyên sâu, hình thành đội ngũ cán bộ chuyên khoa đầu ngành có đủ trình độ tham gia hội nhập y tế quốc tế. Có chính sách đào tạo cán bộ ở ngoài nước.

- Củng cố hệ thống thanh tra y tế từ tỉnh tới cơ sở, tăng cường công tác pháp chế trong lĩnh vực y tế.

2/ Xã hội hoá công tác y tế:

Đẩy mạnh xã hội hoá công tác y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, huy động cộng đồng tích cực tham gia hoạt động vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ, rèn luyện thân thể. Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Làng Văn hoá- Sức khoẻ” tại địa phương. Khuyến khích xây dựng các bệnh viện và các cơ sở y tế ngoài công lập chất lượng cao; đến năm 2010, chuyển phần lớn các bệnh viện công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Tăng cường quản lý y tế tư nhân trên địa bàn, đảm bảo hành nghề đúng đối tượng và phạm vi cho phép, phát huy vai trò hệ thống y tế tư nhân tham gia các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại cơ sở.

3/ Phát triển bảo hiểm y tế tự nguyện, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện khám chữa bệnh cho bệnh nhân theo hình thức dịch vụ, mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, đối tượng chính sách và khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi.

4/ Tranh thủ tốt sự giúp đỡ của các tổ chức Quốc tế, thu hút nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo cán bộ y tế.

5/ Về đảm bảo kinh phí thực hiện qui hoạch

- Bảo đảm tốc độ tăng chi ngân sách tỉnh cho sự nghiệp y tế để đến năm 2010 đạt 10 USD trên 01 người dân.

- Hàng năm, tỉnh ưu tiên đầu tư thêm ngân sách địa phương (ngoài kinh phí đầu tư xây dung cơ bản và chi thường xuyên của ngành Y tế) để bổ sung mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất cho ngành Y tế.

- Khuyến khích các cơ sở y tế huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị và cung cấp các dịch vụ y tế phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ.

- Cụ thể như sau:

+ Về ngân sách chi cho sự nghiệp y tế:

Dự kiến kinh phí tăng 20 -25% hàng năm, đến năm 2010 đảm bảo mức kinh phí đầu tư cho sự nghiệp y tế đạt khoảng 10 USD/1 người dân.

+ Ngân sách chi cho các dự án chương trình mục tiêu y tế:

Dự kiến ngân sách hàng năm tăng từ 10 - 20% trong đó ngân sách cấp uỷ quyền từ Trung ương chiếm 70%, ngân sách địa phương chiếm từ 20% - 30%.

+ Ngân sách chi cho đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị: Tăng cường đầu tư bổ sung cho các tuyến đảm bảo cơ sở nhà cửa đáp ứng dần theo quy định.

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các ngành, Uỷ ban nhân dân các địa phương triển khai quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Xây dựng kế hoạch hàng năm, 5 năm cho phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trình UBND tỉnh xem xét quyết định cụ thể. Tăng cường sự kết phối hợp với các ban ngành và các địa phương trong việc tuyên truyền giáo dục chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nhằm từng bước xã hội hoá công tác y tế và hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh ( báo cáo)
- CT, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
- Như điều 3 (thực hiện).
- Trung tâm lưu trữ.
- V1, VX2.
- Lưu: VP UB.
H-QĐ15

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Quân