Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1025/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 27 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG BÁN LẺ XĂNG DẦU TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 3/3/1999 của Chính phủ về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ cấm thực hiện, hàng hoá dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và Thông tư số 14/1999/TT-BTM ngày 7/7/1999 của Bộ Thương Mại hướng dẫn điều kiện kinh doanh xăng dầu;
Căn cứ các Công văn số 2148/TM-KHTK ngày 03/6/2002 và 2181/TM-KHTK ngày 05/6/2002 của Bộ Thương mại V/v Quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên phạm vi cả nước;
Căn cứ Công văn số 443/CV-UB ngày 25/9/2002 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc kế hoạch phân công các sở ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các đề án, dự án thực hiện chương trình hành động của Chính phủ và Tỉnh ủy và Công văn số 128/CV-UB ngày 01/4/2005 của UBND tỉnh V/v quản lý việc xây dựng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh;
Xét Tờ trình số 174/TT-STM ngày 24/5/2006 của Sở Thương mại xin phê duyệt quy hoạch cửa hàng bán lẻ xăng dầu tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm: Xăng dầu là mặt hàng quan trọng có tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội, là mặt hành kinh doanh có điều kiện, các chủ thể kinh doanh xăng dầu phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về điều kiện kinh doanh xăng dầu nhằm phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân.

2. Mục tiêu:

 Đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu, đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh - dịch vụ và sinh hoạt của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phát triển cửa hàng kinh doanh xăng dầu một cách hợp lý theo hướng mở thêm cửa hàng mới ở những nơi thực sự có nhu cầu, đồng thời khẩn trương sắp xếp, chấn chỉnh mạng lưới cửa hàng hiện có để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Phát triển cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo được các yêu cầu: Thuận tiện cho người tiêu dùng, người kinh doanh có điều kiện phát triển, giá cả ổn định và an toàn xã hội.

3. Yêu cầu chung quy hoạch phát triển điểm bán xăng dầu :

- Việc phát triển cửa hàng xăng dầu phải phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành sản xuất kinh doanh và quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch giao thông của tỉnh và các địa phương; các cửa hàng xăng dầu không được bố trí sâu trong khu dân cư tập trung, không nằm cạnh các công trình công cộng như: Nhà văn hoá, trường học, bệnh viện, kho tàng, bến tàu, bến xe, chợ,...

- Khoảng cách giữa các cửa hàng phải hợp lý đảm bảo thuận tiện cho người tiêu dùng và doanh thu ổn định cho người kinh doanh.

+ Tiêu thức để bố trí địa điểm cửa hàng kinh doanh xăng dầu:

* Tại thành phố: Mỗi phường cần có từ 1-2 cửa hàng xăng dầu; trong nội ô thị xã trên các trục đường chính nên bố trí cửa hàng xăng dầu, khoảng cách giữa các cửa hàng từ 1,0km -1,5km/1cửa hàng.

* Trên các trục quốc lộ: Khoảng cách giữa các cửa hàng từ 3km - 5 km.

* Đường tỉnh, huyện: từ 5km - 7km/1cửa hàng.

* Trên địa bàn nông thôn: Mỗi xã nên có ít nhất một cửa hàng.

- Cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy vệ sinh môi trường và thuận tiện cho công tác chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

- Quan tâm phát triển cửa hàng xăng dầu ở các vùng nông thôn, vùng sâu, xa.

- Bố trí hợp lý các cửa hàng xăng dầu trên các trục giao thông quan trọng của tỉnh.

4. Dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của tỉnh Kiên Giang đến năm 2010:

- Căn cứ vào dự báo tăng thu nhập và sức mua của dân cư trong tỉnh đến năm 2010 (Theo số liệu tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Kiên Giang thời kỳ đến năm 2010)

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 dự kiến bình quân 13%/năm. Dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân hàng năm từ 14,5-15%/năm. Giai đoạn 2006 - 2010 lượng tiêu thụ xăng dầu tăng bình quân 14,8%/năm (giai đoạn 2001 -2005 tăng bình quân 12,4%/năm).

Dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh năm đến năm 2010 vào khoảng 720 triệu lít.

5. Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu:

- Phát triển mới cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên các tuyến giao thông, các khu dân cư mới, các xã chưa có cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo đúng các điều kiện theo quy định hiện hành.

- Dự kiến số lượng cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 là 410 cửa hàng bao gồm:

Số  TT

Địa phương

Hiện trạng
đến năm 2006

Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu đến năm 2010

Tổng số đến năm 2010

Cải tạo, nâng cấp năm 2006

Cửa hàng di dời,
chuyển đổi theo các năm

Xây dựng mới

Cửa hàng

Kho

Cửa hàng

Kho

Cửa hàng

Kho

2006

2007

2008

Cửa hàng

Kho

1

Rạch Giá

46

2

37

2

19

 

25

 

2

18

 

2

Châu Thành

38

4

51

4

25

 

13

 

 

26

 

3

Tân Hiêp

17

 

28

 

10

 

7

 

 

18

 

4

Giồng Riềng

52

 

36

 

14

 

38

 

 

22

 

5

Gò Quao

19

 

19

1

6

 

13

 

 

13

1

6

An Biên

26

 

26

 

10

 

16

 

 

16

 

7

An Minh

13

 

16

2

4

 

9

 

 

12

2

8

Vĩnh Thuận

16

 

25

 

10

 

6

 

 

15

 

9

Hòn Đất

50

 

48

 

13

 

37

 

 

35

 

10

Kiên Lương

32

2

41

2

25

 

5

 2

 

16

 

11

Hà Tiên

18

 

23

1

14

 

3

1

 

9

1

12

Kiên Hải

15

 

21

 

15

 

0

 

 

6

 

13

Phú Quốc

34

2

39

5

19

 

15

 

 

20

3

 

Tổng cộng

376

10

410

17

184

 

187

3

2

226

7

- Phụ lục chi tiết kèm theo quy hoạch được phê duyệt.

6. Xử lý những cửa hàng xăng dầu phải cải tạo, nâng cấp; cửa hàng không còn phù hợp với quy hoạch phải di dời, chuyển đổi địa điểm kinh doanh và những cửa hàng không đủ điều kiện kinh doanh:

- Đối với 48 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động không có thủ tục hồ sơ, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, yêu cầu phải ngưng ngay việc hoạt động kinh doanh, nếu muốn tiếp tục kinh doanh phải lập đầy đủ thủ tục, hồ sơ và cải tạo đảm bảo các điều kiện đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Đối với những cửa hàng vừa làm nhà ở, vừa kinh doanh xăng dầu rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân nên cần phải đình chỉ hoạt động ngay trong năm 2006. Yêu cầu chủ hộ xác định nếu là nhà ở thì không được kinh doanh xăng dầu, muốn kinh doanh xăng dầu thì phải di dời gia đình đi nơi khác và thực hiện đúng các điều kiện kinh doanh xăng dầu của Nhà nước quy định.

- Đối với các cửa hàng xăng dầu nổi cố định trên sông, biển: Loại hình này thường gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng đến dân cư sinh sống ven sông rất cao. Vì vậy, cần hạn chế phát triển loại cửa hàng xăng dầu này, chỉ cho lập cửa hàng buôn bán xăng dầu ở vùng nông thôn sâu, hải đảo không có đường bộ và thực sự cần thiết. Những cửa hàng xăng dầu hiện có phải làm thủ tục đăng kiểm, có phương tiện xử lý chống ô nhiễm môi trường, chống cháy nổ theo quy định; nếu không đảm bảo điều kiện thì phải ngưng hoạt động. Thời hạn khắc phục loại cửa hàng này đến 31/12/2006.

- Đối với những cửa hàng không đảm bảo theo các tiêu chuẩn Việt nam (quy định thiết kế cửa hàng xăng dầu TCVN 4530-1998 và quy định về an toàn cháy các công trình xăng dầu TCVN 5684-2003) phải khắc phục cải tạo, nâng cấp ngay theo quy định; thời hạn khắc phục loại cửa hàng này đến 31/12/2006.

- Đối với các cửa hàng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, thì tuỳ theo mức độ vi phạm để xử lý cho phù hợp; trường hợp vi phạm nghiêm trọng đến an toàn giao thông thì phải kiên quyết xử lý chuyển đổi, di dời trước ngày 31/12/2006.

- Những cửa hàng vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ, đường thủy như Nhà nước mở rộng cầu, cống nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến công trình, không làm hạn chế tầm nhìn khi các phương tiện lưu thông, thì doanh nghiệp phải được các cơ quan có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý) cho phép sử dụng có thời hạn. Khi Nhà nước có nhu cầu thì tự tháo dở di dời, không bồi hoàn.

- Đối với những cửa hàng xăng dầu ven sông, nằm trên đất bảo lưu ven sông, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ, được xử lý như sau:

+ Tất cả các cửa hàng xăng dầu nằm trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ xây dựng nhà sàn lấn chiếm đường bộ, mặt nước trên sông để kinh doanh xăng dầu đều phải tháo dỡ, di dời phần lấn chiếm, thời hạn cuối cùng đến 31/12/2006.

+ Các cửa hàng ven sông nằm trong đất bảo lưu ven sông ở vùng nông thôn sâu nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông thủy, bộ thì thương nhân phải làm hồ sơ xin phép và được cơ quan quản lý đường sông cho phép xây dựng bến thuỷ nội địa để đặt trụ bơm bán xăng dầu, các công trình xây dựng kiên cố (bồn chứa xăng dầu, nhà bán hàng và các hạng mục khác trong cửa hàng) phải đảm bảo đúng chỉ giới xây dựng đường thủy, bộ, các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

+ Các cửa hàng ven sông cặp tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, lộ liên huyện, lộ liên xã thuộc địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh vừa nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ và đất bảo lưu đường sông vi phạm chỉ giới xây dựng đường thủy, bộ được xử lý như sau: phải di dời cửa hàng xăng dầu ra ngoài phạm vi vi phạm hoặc chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác. Thời hạn hoàn thành việc di dời cửa hàng hoặc chuyển đổi kinh doanh đến 31/12/2006.

Tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu sau khi sắp xếp, xử lý phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Nhà nước.

7. Giải pháp và tổ chức thực hiện:

- Giải pháp về vốn đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu: Vốn đầu tư và đất xây dựng cửa hàng xăng dầu do các chủ đầu tư tự quyết định. Trong trường hợp có đất công nàh nước sẽ cho thuê theo giá quy định hiện hành. Thời gian thuê đất được xác định thống nhất và theo quy định.

- Giải pháp về kỹ thuật: Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện vì vậy, các cửa hàng phải được xây dựng dựa trên thiết kế kỹ thuật chuyên ngành xăng dầu theo từng loại hình và quy mô đã được chuẩn hoá tại các bộ tiêu chuẩn quốc gia. Từ quầy hàng, trụ bơm, bồn chứa, hệ thống phòng cháy, hệ thống cấp thoát nước, bể lắng xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, đường ra vào cho phương tiện, khu vệ sinh và các công trình phụ trong cửa hàng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt các quy định hiện hành.

- Công an tỉnh, định kỳ tổ chức tập huấn, huấn luyện công tác PCCC cho các thương nhân, công nhân, nhân viên trực tiếp tham gia kinh doanh xăng dầu.

- Sở Thương mại phối hợp với các trường nghiệp vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có kiến thức về nghiệp vụ chuyên môn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong tỉnh.

- Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện vì vậy các cơ quan chức năng như: Sở Thương mại, Công An tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học công nghệ, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Chi cục quản lý thị trường và chính quyền các cấp phải phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu theo Quyết định số 11/2004/QĐ-UB ngày 4/3/2004 của UBND tỉnh Kiên Giang.

- Đối với việc chấn chỉnh, sắp xếp hệ thống cửa hàng xăng dầu hiện có trên địa bàn tỉnh, giao cho Sở Thương mại chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo đến các cửa hàng xăng dầu theo tình trạng và mức độ vi phạm cụ thể, hướng xử lý, thời gian khắc phục và theo dõi, kiểm tra hướng dẫn thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Sau thời gian quy định cửa hàng nào không thực hiện thì giao Sở Thương mại ra quyết định đình chỉ hoạt động và không cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

- Thương nhân có nhu cầu đầu tư xây dựng cửa hàng, kho xăng dầu, thuộc các thành phần kinh tế phải thực hiện đúng theo quy hoạch. Yêu cầu quan trọng đối với công tác quản lý quy hoạch là đảm bảo các cửa hàng, kho xăng dầu xây dựng đúng khu vực địa điểm đã được lựa chọn, với loại hình, quy mô và khoàng cách giữa các cửa hàng đã được quy định trong quy hoạch, đồng thời phải tuân thủ đúng các điều kiện kinh doanh theo quy định hiện hành.

- Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch thì Sở Thương mại chủ động tham mưu, đề xuất trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét điều chỉnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu biết và việc thực hiện đúng các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Điều 2. Giao cho Sở Thương mại chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước, hàng năm có sơ tổng kết nhiệm vu thực hiện quy hoạch.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký./.

 

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Văn Hà Phong

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1025/QĐ-UBND năm 2006 về phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành

  • Số hiệu: 1025/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/06/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Văn Hà Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/06/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản