Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1025/QĐ-UBND.HC | Thành phố Cao Lãnh, ngày 21 tháng 08 năm 2009 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN TÔM CÀNG XANH TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X;
Căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09 tháng 12 năm 2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-UBND.HC 12 tháng 03 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 73/TT-SNN ngày 03 tháng 8 năm 2009 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển tôm càng xanh tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau đây:
Quy hoạch phát triển tôm càng xanh tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020.
2. Định hướng và mục tiêu phát triển:
2.1. Quan điểm và định hướng phát triển:
- Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên mặt đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2020. Lấy hệ thống nuôi tôm càng xanh luân canh với lúa (1 vụ tôm - 1 vụ lúa) làm mô hình nhân rộng nhằm khai thác tốt tiềm năng mùa nước nổi và giải quyết việc làm cho nhiều người dân vùng nông thôn.
- Phát triển sản xuất thủy sản theo định hướng thị trường, trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Xem ngành hàng tôm càng xanh là một trong những ngành hàng chiến lược xuất khẩu tiềm năng (sau cá tra, ba sa) để đẩy mạnh đầu tư phát triển.
- Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, bền vững, chú trọng đến các vấn đề an sinh xã hội và bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển.
2.2. Mục tiêu:
- Khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng lợi thế mặt đất, mặt nước trong mùa lũ để nuôi tôm càng xanh, tạo nên sự đa dạng các sản phẩm chế biến xuất khẩu có giá trị và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, khẳng định vị trí chủ lực của ngành thủy sản trong sản xuất nông nghiệp và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội vùng nông thôn.
- Bố trí sản xuất một cách hợp lý và đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng với vùng nuôi tập trung trên cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng huyện, thị, thành phố nhằm hạn chế các rủi ro về môi trường, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, tránh sự xung đột giữa các ngành kinh tế, hướng tới một nền sản xuất thủy sản sạch, an toàn và bền vững.
- Nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích đất nông nghiệp; tạo vùng nguyên liệu để sản xuất nông nghiệp.
2.3. Các chỉ tiêu:
Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, xây dựng các chỉ tiêu phát triển diện tích nuôi tôm càng xanh, cụ thể như sau:
- Đến năm 2010: diện tích nuôi tôm đạt 1.800 ha, sản lượng 2.880 tấn, lượng tôm post 306 triệu con.
- Đến năm 2015: diện tích nuôi tôm đạt 4.000 ha, sản lượng 6.400 tấn, lượng tôm post 680 triệu con (năm 2009, diện tích nuôi 1.100 ha).
- Đến năm 2020: diện tích nuôi tôm đạt 6.000 ha, sản lượng 9.600 tấn, lượng tôm post 1.020 triệu con.
2.4. Quy hoạch phát triển vùng nuôi chính là ở các huyện, thị xã như: Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười và Lấp Vò.
3. Về các giải pháp thực hiện: quy hoạch đề ra 6 giải pháp chủ yếu, gồm:
3.1. Xây dựng hệ thống cung ứng giống và vật tư cho sản xuất:
- Thành lập và phát triển mạng lưới các trại giống ở địa phương trong tỉnh có quy mô, phương tiện, vật chất và trang thiết bị đảm bảo chức năng nghiên cứu thực nghiệm và sản xuất; hình thức khuyến khích và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trên địa bàn vùng nuôi. Giám sát kỹ thuật sản xuất giống tại cơ sở, chất lượng giống và nâng cao nâng cao kỹ năng, nhận thức để tạo ra sản phẩm đạt phẩm chất cao về di truyền, sinh trưởng và sinh sản.
- Thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho cán bộ quản lý sản xuất và hoạch định chính sách về phát triển của kỹ thuật sản xuất. Các trại sản xuất cần phải có ít nhất một kỹ thuật viên được tập huấn kỹ thuật về quy trình ứng dụng sản xuất và phải có giấy chứng nhận đã qua lớp tập huấn kỹ thuật do các cơ quan có thẩm quyền cấp.
3.2. Áp dụng khoa học công nghệ và khuyến ngư:
- Kết hợp với các Viện, Trường đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao các quy trình, công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, nuôi thịt, bảo quản sau thu hoạch và chế biến. Tiếp tục nghiên cứu áp dụng quy trình công nghệ sản xuất giống hiện đại phù hợp với điều kiện tự nhiên.
- Tăng cường nghiên cứu để giảm tỷ trọng thức ăn trong cơ cấu giá thành, giảm giá thành sản phẩm, nhằm tăng hiệu quả về kinh tế và kỹ thuật. Thực hiện sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc theo các bộ tiêu chuẩn quy định hiện hành.
- Tăng cường nghiên cứu các biện pháp xử lý môi trường nâng cao khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên của con giống, môi trường đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Đẩy mạnh công tác khuyến ngư, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ, năng lực để có thể quản lý, tư vấn, chuyển giao các quy trình công nghệ cao, kỹ thuật mới; xây dựng chương trình khuyến ngư và chuyển tải thông tin liên quan đến tận người dân thông qua các phương tiện truyền thông ở đại phương; nâng cao nhận thức và trình độ người dân đủ để áp dụng triệt để các quy trình kỹ thuật vào sản xuất.
3.3. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng cho sản xuất:
- Nạo vét và mở rộng hệ thống các kênh trục chính đảm bảo cấp thoát nước, đồng thời nạo vét các hệ thống kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 theo định kỳ 5 - 6 năm 1 lần nhằm chủ động cấp nước, tiêu nước đồng thời khai thác chế độ tự chảy cũng như kết hợp tôn cao bờ bao và kết hợp giao thông nông thôn.
- Xây dựng hệ thống cống cấp, thoát nước, đường giao thông nông thôn, hệ thống điện và trạm bơm điện ở các vị trí giao thông thủy bố trí các cống hở để các phương tiện vận chuyển có thể qua lại, các vị trí còn lại sẽ bố trí hệ thống cống tròn để tiết kiệm chi phí đầu tư. Trên cơ sở phát triển đường điện lưới ở thời điểm hiện tại và tương lai, từng giai đoạn sẽ đầu tư đường điện trung thế và bố trí các trạm bơm ở những nơi có nhu cầu cấp nước tập trung. Đường giao thông nông thôn kết hợp với nâng cấp các bờ bao theo hướng phục vụ đa mục tiêu, giải quyết việc giao thông đi lại trong vùng, đảm bảo việc vận chuyển vật tư và sản phẩm thủy sản.
- Đầu tư nâng cấp trung tâm giống thủy sản, các trại thủy sản cấp 2, trạm quan trắc môi trường, trang bị các thiết bị chuyên dùng phục vụ nghiên cứu, kiểm dịch động vật thủy sản, phòng vi sinh và các phương tiện dự báo tình hình dịch bệnh, đảm bảo phục vụ đắc lực cho sản xuất.
- Hạ tầng chế biến và tiêu thụ thủy sản: đầu tư xây mới 1 nhà máy chế biến tôm đông lạnh, hoặc lấp mới 2-4 dây chuyền chế biến tôm, xây dựng chợ đầu mối thủy sản ở vùng sản xuất tập trung, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn tôm càng xanh.
3.4. Về bảo vệ môi trường:
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục phổ biến các quy định về tiêu chuẩn ngành, về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, để người sản xuất nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
- Nghiên cứu mật độ thả nuôi thích hợp và thức ăn chất lượng cao, áp dụng các quy trình nuôi sạch, tiên tiến đã được công bố nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước và đảm bảo hiệu quả tối ưu.
- Thiết kế hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, xây dựng ao, ruộng nuôi hợp lý đảm bảo việc cấp nước và thoát nước riêng biệt, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học vào trong quá trình sản xuất, ương nuôi giống và cải tạo môi trường.
- Thường xuyên quan trắc môi trường và cảnh báo môi trường ở các vùng sản xuất tập trung để kịp thời có các biện pháp xử lý không để xảy ra tình trạng ô nhiễm vùng nuôi.
- Nuôi luân canh, một vụ tôm và một vụ lúa là một biện pháp tối ưu, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
3.5. Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển:
- Tiếp tục khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm, thủy sản và khuyến khích thành lập doanh nghiệp tại nông thôn đầu tư sản xuất kinh doanh nông nghiệp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế hợp tác; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.
- Nghiên cứu đổi mới phương pháp khuyến ngư có trọng tâm, trọng điểm, chính sách khuyến ngư, tập trung chuyển giao hỗ trợ áp dụng công nghệ mới như: ứng dụng giống, kỹ thuật và mô hình nuôi trồng mới, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất có kiểm soát môi trường nuôi trồng, cơ giới hóa tự động hóa một số khâu kỹ thuật; đồng thời tạo cơ chế để các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, bỏ một phần kinh phí tham gia khuyến nông - khuyến ngư và từng bước thực hiện xã hội hóa hoạt động này.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vốn để phát triển sản xuất giống quy mô nông hộ nhằm đáp ứng đủ giống cho sản xuất, thu hút các cán bộ tham gia công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và môi trường để nhanh chóng tạo ra các sản phẩm nghiên cứu khoa học phục vụ thiết thực cho sản xuất.
3.6. Thị trường tiêu thụ:
- Tổ chức tốt kênh tiêu thụ ở thị trường nội địa như tổ chức chợ đầu mối, hệ thống thu mua, phân phối, tồn trữ, sơ chế, vận chuyển... xây dựng các chính sách ưu đãi nhằm phát huy vai trò và hiệu quả đối với các vựa đầu mối. Chú trọng đến việc tiêu thụ thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh nông sản phẩm.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường. Việc củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu phải tiến hành đồng thời với phát triển thị trường nội địa, nhằm khai thác mọi tiềm năng, tiêu thụ hết tôm nguyên liệu cho ngư dân, giảm bớt rủi ro khi thị trường có biến động xấu.
- Tăng cường liên kết và ký kết hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp chế biến với người nuôi trước khi thả giống. Các vùng nuôi thủy sản tập trung quy hoạch phải thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc hội nghề nghiệp nhằm nâng cao vai trò, hoạt động của các tổ chức kinh tế này, hỗ trợ việc liên minh sản xuất, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sự ổn định trong quá trình sản xuất.
4. Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch:
(1) Vốn ngân sách Nhà nước: 237,5 tỷ đồng (đầu tư đường điện 3 pha, bờ bao, vốn khuyến ngư, nghiên cứu khoa học, xúc tiến thương mại, chuẩn bị đầu tư), gồm:
+ Nguồn vốn ngân sách Trung ương: 117,65 tỷ đồng (49,54%).
+ Nguồn vốn ngân sách Tỉnh: 84,555 tỷ đồng (35,60%).
+ Nguồn vốn ngân sách huyện: 35,295 tỷ đồng (14,86%).
Nguồn vốn ngân sách được lồng ghép từ vốn chương trình kiên cố hóa kênh mương, vốn bù thủy lợi phí, vốn hỗ trợ hạ tầng thủy sản, vốn thực hiện chương trình giống thủy sản, vốn đầu tư phát triển hàng năm của Tỉnh.
(2) Vốn dân: 514,304 tỷ đồng (đầu tư trang ủi san bằng mặt ruộng, làm đê bao lững cho từng ô nuôi của các hộ nuôi tôm, kinh phí xây dựng các trại sản xuất giống tôm càng xanh), gồm:
+ Vốn tự có: 360,013 tỷ đồng (70%).
+ Vốn vay trung hạn: 154,291 tỷ đồng (30%)
Đối với vốn lưu động: đến năm 2020 khi phát triển hoàn chỉnh về quy mô sản xuất, để đáp ứng cho sản xuất 9.600 tấn tôm thương phẩm và trên 1 tỷ tôm post giống cần nguồn vốn lưu động 680 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm cơ cấu 80 - 85%, phần còn lại là vốn tự có của dân.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc các sở, ngành Tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 3476/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”
- 2Quyết định 698/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề cương Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030
- 3Quyết định 909/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch gói hỗ trợ kỹ thuật - tài chính - thị trường cho sản phẩm tôm càng xanh giai đoạn 2015 - 2016 do tỉnh An Giang ban hành
- 4Quyết định 1605/QÐ-UBND.HC năm 2018 bãi bỏ Quyết định liên quan đến quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể của tỉnh Đồng Tháp
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 3476/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”
- 4Quyết định 698/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề cương Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030
- 5Quyết định 263/QĐ-UBND.HC năm 2009 phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020
- 6Quyết định 909/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch gói hỗ trợ kỹ thuật - tài chính - thị trường cho sản phẩm tôm càng xanh giai đoạn 2015 - 2016 do tỉnh An Giang ban hành
Quyết định 1025/QĐ-UBND.HC năm 2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển tôm càng xanh tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020
- Số hiệu: 1025/QĐ-UBND.HC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/08/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Lê Vĩnh Tân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/08/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra