Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ *******
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ******* |
Số : 102/2006/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2006 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 2831/TTr-BKH ngày 21 tháng 4 năm 2006 và của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá tại tờ trình số 4628/TTr-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Khu kinh tế Nghi Sơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Điều 2. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| THỦ TƯỚNG |
HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ NGHI SƠN, TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 102/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)
Điều 1. Quy chế này quy định hoạt động, một số chính sách và quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế Nghi Sơn (sau đây viết tắt là KKT Nghi Sơn); quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
2. Phạm vi của Khu kinh tế Nghi Sơn bao gồm 12 xã: Hải Bình, Xuân Lâm, Tĩnh Hải, Hải Yến, Mai Lâm, Hải Thượng, Hải Hà, Nghi Sơn, Trúc Lâm, Trường Lâm, Tùng Lâm, Tân Trường thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích 18.611,8 ha, có ranh giới địa lý được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp xã Nguyên Bình và Bình Minh (huyện Tĩnh Gia);
- Phía Nam giáp huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An);
- Phía Đông giáp biển Đông;
- Phía Tây giáp huyện Như Thành.
Điều 3. Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế Nghi Sơn:
1. Xây dựng KKT Nghi Sơn thành một khu vực phát triển năng động, một trọng điểm phát triển ở phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ và Nam Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, tạo động lực mạnh để thúc đẩy, lôi kéo kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách phát triển với vừng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với cả nước.
2. Xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: công nghiệp lọc - hoá dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sửa chữa và đóng mới tàu biển, công nghiệp điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu... gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn. Hình thành các sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, các loại hình dịch vụ cao cấp; đẩy mạnh xuất khẩu; mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới.
3. Tạo nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; từng bước hình thành Trưng tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực.
4. Từ nay đến năm 2010, hình thành được KKT Nghi Sơn với môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi, cơ chế, chính sách thông thoáng; tranh thủ cơ hội triển khai một số công trình hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội quan trọng và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và sản xuất, kinh doanh tại KKT Nghi Sơn. Sau năm 2010, tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế; thực hiện theo quy hoạch chi tiết và đi vào sản xuất kinh doanh các dự án đầu tư quan trọng, các KCN, khu du lịch và vui chơi giải trí, khu phi thuế quan và các công trình kinh tế - xã hội khác.
Điều 4. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và bảo hộ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh tại KKT Nghi Sơn trong các lĩnh vực: đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng và đô thị, phát triển công nghiệp, cảng biển, xuất nhập khẩu hàng hoá, kinh doanh thương mại, tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch, vận tải, bảo hiểm, vui chơi giải trí, giáo dục - đào tạo, y tế, nhà ở và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác... theo quy định của Quy chế này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
1. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong KKT Nghi Sơn có quyền sau:
a) Được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, thuê lại đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong KKT Nghi Sơn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà xưởng và các công trình kiến trúc phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
b) Được thuê hoặc mua nhà xưởng, kho bãi xây sẵn trong KKT Nghi Sơn để phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng;
c) Được sử dụng có trả tiền đối với các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong KKT Nghi Sơn bao gồm: hệ thống đường giao thông, cảng biển, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý chất thải và các dịch vụ chung khác... theo hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng;
d) Được hưởng các ưu đãi đầu tư và các quyền lợi hợp pháp khác theo quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, thuế và các văn bản quy phạm pháp luật khác của pháp luật Việt Nam và theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ tại KKT Nghi Sơn có nghĩa vụ:
a) Tuân thủ các quy định của Quy chế này, quy hoạch chi tiết tại các khu chức năng đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; sử dụng đất đúng mục đích được giao hoặc được thuê, được thuê lại;
b) Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng các khu chức năng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trên diện tích đất do nhà đầu tư trong KKT Nghi Sơn sử dụng;
c) Trả tiền thuê đất, tiền thuê lại đất, tiền thuê hoặc mua nhà xưởng, kho bãi, tiền sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng các khu chức năng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong KKT Nghi Sơn cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng theo hợp đồng ký kết;
d) Thực hiện chế độ báo cáo tình hình hoạt động định kỳ hàng tháng, hàng quý và hàng năm cho Ban Quản lý KKT Nghi Sơn;
đ) Thực hiện các nghĩa vụ về thuế, hải quan, bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
1. Nhà đầu tư (trừ các đối tượng được quy định tại điểm d khoản 4 Điều 3 của Luật Đầu tư) thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh toàn bộ hoặc một số hạng mục công trình kết cấu hạ tầng các khu chức năng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng (gọi chung là doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng) trong KKT Nghi Sơn có quyền:
a) Được Ban Quản lý KKT Nghi Sơn cho thuê đất hoặc giao lại đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định tương ứng của pháp luật về đất đai để đầu tư xây dựng và kinh doanh toàn bộ hoặc một số hạng mục công trình kết cấu hạ tầng các khu chức năng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong KKT Nghi Sơn;
b) Được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất, cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong KKT Nghi Sơn cho các nhà đầu tư đế đầu tư vào sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong KKT Nghi Sơn theo quy định tương ứng của pháp luật về đất đai;
c) Thu tiền sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng các khu chức năng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong KKT Nghi Sơn do doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng đầu tư theo hợp đồng ký kết với bên thuê;
d) Được xây dựng nhà xưởng, kho bãi trong KKT Nghi Sơn để bán hoặc cho thuê;
đ) Định giá cho thuê đất, giá cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tiền sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong KKT Nghi Sơn theo thoả thuận của Ban Quản lý KKT Nghi Sơn; định giá bán hoặc cho thuê nhà xưởng, kho bãi và tiền dịch vụ sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong KKT Nghi Sơn;
e) Được phép cho nhà đầu tư, trừ các đối tượng được quy định tại điểm d khoản 4 Điều 3 của Luật Đầu tư có khả năng về tài chính và kinh nghiệm gọi vốn đầu tư thuê, thuê lại một phần hoặc toàn bộ diện tích đất chưa cho thuê để cho thuê lại đất, gọi vốn đầu tư theo quy định tương ứng của pháp luật về đất đai;
g) Được hưởng các ưu đãi đầu tư và các quyền lợi hợp pháp khác theo quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, thuế và các văn bản quy phạm pháp luật khác của pháp luật Việt Nam và theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
2. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng trong KKT Nghi Sơn có nghĩa vụ:
a) Xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng các khu chức năng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong KKT Nghi Sơn theo đúng quy hoạch chi tiết, theo thiết kế và tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Trường hợp đất được Ban Quản lý KKT Nghi Sơn giao lại có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê theo quy định tương ứng của pháp luật về đất đai để thực hiện dự án đầu tu xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong KKT Nghi Sơn mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được Ban Quản lý KKT Nghi Sơn cho phép gia hạn thì Ban Quán lý KKT Nghi Sơn kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không bồi thường về đất;
b) Duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng các khu chức năng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong KKT Nghi Sơn nhằm đảm bảo chất lượng công trình;
c) Tuân thủ các quy định của Quy chế này, quy hoạch chi tiết các khu chức năng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; sử dụng đất đúng mục đích được giao hoặc được thuê;
d) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm cho Ban Quản lý KKT Nghi Sơn.
đ) Thực hiện các nghĩa vụ về thuế, hải quan và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ NGHI SƠN
2. Để đảm bảo chất lượng quy hoạch phát triển dài hạn phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn được phép thuê các Công ty tư vấn nước ngoài tham gia quy hoạch chung tổng mặt bằng Khu đô thị Nghi Sơn theo hướng văn minh, hiện đại.
2. Khu phi thuế quan được ngăn cách với các khu chức năng khác trong KKT Nghi Sơn và nội địa Việt Nam bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra vào, đảm bảo sự kiểm soát của cơ quan chức năng có liên quan. Trong khu phi thuế quan có cơ quan hải quan hàng hoá ra, vào. Trong khu phi thuế quan không có dân cư (kể cả người nước ngoài) cư trú thường xuyên hoặc tạm trú.
3. Hoạt động của khu phi thuế quan bao gồm các loại hình sản xuất, kinh doanh chủ yếu như:
a) Sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu và hàng phục vụ tại chỗ;
b) Thương mại hàng hoá (bao gồm cả xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, tạm nhập - tái xuất, phân phối, cửa hàng và siêu thị bán lẻ, cửa hàng và siêu thị miễn thuế);
c) Thương mại dịch vụ (phân loại, đóng gói, vận chuyển giao nhận hàng hoá quá cảnh, bảo quản, kho tàng, kho ngoại quan, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, vui chơi, giải trí, nhà hàng ăn uống);
d) Xúc tiến thương mại (hội chợ triển lãm, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, các chi nhánh và văn phòng đại diện của các công ty trong nước và nước ngoài, các tổ chức tài chính - ngân hàng) và các hoạt động thương mại khác.
2. Việc lưu trữ hàng hóa trong khu phi thuế quan không bị hạn chế về thời gian.
3. Tàu nước ngoài được phép trực tiếp vào khu phi thuế quan thuộc cảng Nghi Sơn lấy hàng và giao hàng, không phải làm thủ tục xuất nhập cảnh đối với người, chỉ làm thủ tục đối với tàu tại phao số 0.
2. Các nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ tại Khu thuế quan trong KKT Nghi Sơn và nội địa Việt Nam chỉ được nhập từ khu phi thuê quan các loại hàng hóa, dịch vụ mà Việt Nam không cấm nhập khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu và được bán vào khu phi thuế quan những hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không cấm xuất khẩu.
a) Hàng hoá từ nước ngoài hoặc từ khu phi thuế quan khác nhập khẩu vào khu phi thuế quan trong khu kinh tế Nghi Sơn;
b) Hàng hoá từ khu phi thuế quan xuất khẩu ra nước ngoài;
c) Hàng hoá từ khu phi thuế quan chuyển sang bán cho khu chế xuất hoặc khu doanh nghiệp chế xuất trong lãnh thổ Việt Nam;
d) Hàng hoá không thuộc diện chịu thuế xuất khẩu có xuất xứ từ nội địa Việt Nam đưa vào khu phi thuế quan (trừ hàng hoá quy định tại khoản 2 Điều này).
2. Hàng hoá thuộc diện chịu thuế xuất khẩu có xuất xứ từ Khu thuế quan trong KKT Nghi Sơn và nội địa Việt Nam đưa vào khu phi thuế quan để xuất khẩu ra nước ngoài mà không qua sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp thành sản phẩm tại khu phi thuê quan phải nộp thuế xuất khẩu, làm thủ tục xuất khẩu theo quy định hiện hành và chịu sự kiểm tra giám sát của hải quan.
3. Hàng hoá có xuất xứ từ nước ngoài và không thuộc danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu từ khu phi thuế quan nhập vào các Khu thuế quan trong KKT Nghi Sơn và nội địa Việt Nam phải nộp thuế nhập khẩu, làm thủ tục nhập khẩu theo quy định hiện hành và chịu sự kiểm tra, giám sát của hải quan.
4. Hàng hoá được sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại Khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào Khu thuế quan trong KKT Nghi Sơn và nội địa Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu; Trường hợp có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập vào Khu thuế quan trong KKT Nghi Sơn và nội địa Việt Nam chỉ phải nộp thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong sản phẩm, hàng hoá đó và phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định hiện hành và chịu sự kiểm tra, giám sát của hải quan.
5. Hàng hoá, dịch vụ được sản xuất, tiêu thụ trong Khu phi thuế quan và hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào Khu phi thuế quan không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Hàng hoá, dịch vụ từ nội địa Việt Nam và Khu thuế quan trong KKT Nghi Sơn đưa vào Khu phi thuế quan được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%. Hàng hoá dịch vụ từ Khu phi thuế quan đưa vào nội địa Việt Nam và Khu thuế quan trong KKT Nghi Sơn phải chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất theo quy định hiện hành.
6. Hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được sản xuất, tiêu thụ trong Khu phi thuế quan hoặc được nhập khẩu từ nước ngoài vào tiêu thụ tại Khu phi thuế quan không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ mặt hàng có quy định riêng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt).
7. Hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ Khu phi thuế quan đưa vào Khu thuế quan trong KKT Nghi Sơn và nội địa Việt Nam phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
8. Nguyên liệu sản xuất, vật tư hàng hoá do các nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong Khu phi thuế quan nhập từ nước ngoài nhưng không sử dụng hết và các thứ phẩm còn có giá trị thương mại được phép bán vào Khu thuế quan trong KKT Nghi Sơn và nội địa Việt Nam sau khi hoàn tất thủ tục hải quan và nộp thuế nhập khẩu theo quy định hiện hành.
9. Các dự án đầu tư để sản xuất hàng hóa nhập khẩu và vận chuyển hàng hoá quá cảnh thực hiện theo quy định chung.
2. Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng Khu phi thuế quan và cảng Nghi Sơn.
Điều 13. Các dự án đầu tư vào KKT Nghi Sơn được hưởng các chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và chính sách áp dụng cho các Khu kinh tế ở Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các pháp luật thuế khác.
2. Các dự án đầu tư sản xuất trong KKT Nghi Sơn của các nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
3. Ngoài những ưu đãi được hưởng theo quy định tại Quy chế này, các dự án đầu tư của các nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong KKT Nghi Sơn sau đây được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án:
a) Các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao đáp ứng quy định tại khoản 2, Điều 5 Nghị định số 99/2003NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2003 của Chính phù về việc ban hành Quy chế Khu công nghệ cao;
b) Dự án có quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Điều 15. Các doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế có dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh tại KKT Nghi Sơn thuộc đối tượng được hưởng các loại hình tín dụng ưu đãi của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Điều 16. Các nhà đầu tư (trừ các đối tượng được quy định tại điểm d khoản 4 Điều 3 của Luật Đầu tư) được đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu chức năng để cho thuê, cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng trong KKT Nghi Sơn theo quy định tương ứng của pháp luật về đất đai. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong KKT Nghi Sơn theo quy định của pháp luật về đất đai. Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài được thuê nhà ở và được thuê đất ở trong KKT Nghi Sơn.
Điều 17. Áp dụng chính sách một giá đối với các hàng hoá, dịch vụ và tiền thuê đất cho các nhà đầu tư là các tổ chức và cá nhân, không phân biệt trong nước và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KKT Nghi Sơn.
SỬ DỤNG ĐẤT TRONG KHU KINH TẾ NGHI SƠN
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo việc thu hồi đất đối với diện tích đất được quy hoạch để xây dựng các khu công nghiệp, khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng và khu phi thuế quan trong KKT Nghi Sơn.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo thực hiện thu hồi diện tích đất, mặt nước theo kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được phê duyệt đối với diện tích đất, mặt nước sử dụng cho các khu chức năng còn lại và các mục đích khác trong KKT Nghi Sơn để giao cho Ban Quản lý KKT Nghi Sơn theo kế hoạch sử dụng đất chi tiết hàng năm và 5 năm của KKT Nghi Sơn đã được phê duyệt để tổ chức triển khai xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Ban Quản lý KKT Nghi Sơn phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ gia đình bị thu hồi đất (đối với diện tích đất, mặt nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi) để giao cho Ban Quản lý KKT Nghi Sơn thực hiện việc giao lại đất có thu tiền sử dụng đất, giao lại đất không thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất cho người có nhu cầu sử dụng đất theo quy định tương ứng của pháp luật về đất đai.
Ban Quản lý KKT Nghi Sơn chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ đất, mặt nước đã được giao theo đúng mục đích sử dụng đất và phù hợp với Quy hoạch chung KKT Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá phê duyệt.
4. Đối với trường hợp giao lại và cho thuê đất mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất: trên cơ sở giá đất và mức miễn, giảm tiền thuê đất; mức miễn, giảm tiền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa quy định và các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai. Ban Quản lý KKT Nghi Sơn quyết định mức thu tiền thuê hoặc tiền sử dụng đất, mặt nước; mức miễn, giảm tiền thuê hoặc tiền sử dụng đất, mặt nước theo từng dự án đầu tư nhằm bảo đảm khuyến khích đầu tư.
5. Đối với trường hợp giao lại đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất: trên cơ sở phương án tài chính và giá được sự phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn quyết định giao lại và cho thuê đất, mặt nước đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người có nhu cầu sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
6. Các nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài được thuê đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong KKT Nghi Sơn có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với hình thức được giao hoặc thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Việc quản lý xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh, các công trình kết cấu hạ tầng các khu chức năng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong KKT Nghi Sơn được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Việc chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng quy định tại khoản 1 Điều này được cân đối từ nhiệm vụ chi hỗ trợ đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương theo các chương trình mục tiêu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Cho phép sử dụng các phương thức sau đây để huy động vốn cho đầu tư và phát triển KKT Nghi Sơn:
a) Ưu tiên sử dụng các nguồn vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, các công trình dịch vụ tiện ích công cộng cần thiết của KKT Nghi Sơn và các trợ giúp kỹ thuật khác;
b) Được phép thu hút vốn đầu tư theo các hình thức BOT, BT, BTO và các hình thức khác phù hợp với quy định hiện hành;
c) Được phép huy động vốn từ quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai đế đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ chung cho KKT Nghi Sơn;
d) Được huy động vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn ứng trước của các đối tượng có nhu cầu sử dụng hạ tầng, vốn của các doanh nghiệp có chức năng xây dựng và kinh doanh các công trình hạ tầng kỹ thuật. Mở rộng hình thức tín dụng đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng và huy động mọi nguồn vốn dưới các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
đ) Huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư.
Điều 22. Cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh với nước ngoài, ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng khác được thành lập và mở chi nhánh trong KKT Nghi Sơn để thực hiện các chức năng tín dụng bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ đối với các hoạt động kinh tế trong KKT Nghi Sơn theo quy định hiện hành.
Điều 23. Việc mua bán, thanh toán, chuyển nhượng và các quan hệ giao dịch khác giữa các tổ chức kinh tế, cá nhân trong Khu phi thuế quan với nhau được phép thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi thông qua tài khoản mở tại ngân hàng. Việc mua bán hàng hóa thông thường phục vụ sinh hoạt được thanh toán bằng đồng Việt Nam.
Bộ Công an hướng dẫn Công an tỉnh Thanh Hoá thực hiện.
2. Ban Quản lý KKT Nghi Sơn được cấp Giấp phép lao động cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc, hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh tại KKT Nghi Sơn theo quy định của pháp luật về lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Ban Quản lý KKT Nghi Sơn thực hiện.
2. Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện cải cách các thủ tục hành chính liên quan tới các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu thầu, thuế, hải quan, quản lý lao động và quản lý doanh nghiệp trong KKT Nghi Sơn.
3. Ban Quản lý KKT Nghi Sơn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ, nhân dân địa phương về KKT Nghi Sơn để tạo sự ủng hộ, tham gia vào xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn.
Điều 26. Các tổ chức và cá nhân có công vận động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vận động các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và các dự án đầu tư trong nước vào KKT Nghi Sơn được thưởng theo Quy chế do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHU KINH TẾ NGHI SƠN
Điều 27. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan ban hành các quy định hướng dẫn về hoạt động của các khu chức năng trong KKT Nghi Sơn thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
2. Ban Quản lý KKT Nghi Sơn là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa để thực hiện việc quản lý tập trung, thống nhất hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế tại KKT Nghi Sơn theo Quy chế hoạt động, theo quy hoạch và kế hoạch và tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Ban Quản lý KKT Nghi Sơn có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu mang hình quốc huy, có trụ sở, có biên chế chuyên trách, có kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm.
4. Ban Quản lý KKT Nghi Sơn có Trưởng ban và các Phó Trưởng ban. Trưởng Ban Quản lý KKT Nghi Sơn do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Các Phó Trưởng ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm.
Điều 29. Ban Quản lý KKT Nghi Sơn thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn quy định đối với Ban Quản lý Khu công nghiệp cấp tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu và các quy định tại Quy chế này; có các nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Xây dựng quy hoạch chung của KKT Nghi Sơn để Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong Khu kinh tế trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê duyệt; tổ chức quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra và thanh tra việc thực hiện Quy chế hoạt động, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Xây dựng các danh mục dự án đầu tư và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
3. Thẩm tra dự án, cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các trường hợp thành lập doanh nghiệp trong KKT Nghi Sơn; Giấy phép thành lập văn phòng đại diện thương mại, chi nhánh của các tổ chức và thương nhân nước ngoài; Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư; Giấy phép lao động cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài đến làm việc, hoạt động sản xuất kinh doanh; Chứng chỉ xuất xứ hàng hoá tại KKT Nghi Sơn; thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận bằng đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường của các dự án đầu tư trong KKT Nghi Sơn và các giấy phép, chứng chỉ khác theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, mặt nước cho nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất trong KKT Nghi Sơn theo đúng mục đích sử dụng theo quy định tương ứng của pháp luật về đất đai.
5. Xây dựng các khung giá và mức phí, lệ phí thực hiện tại KKT Nghi Sơn trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành theo quy định của pháp luật.
6. Làm đầu mối giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, triển khai và thực hiện các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh và các hoạt động tại KKT Nghi Sơn.
7. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong việc bảo đảm mọi hoạt động trong KKT Nghi Sơn phù hợp với Quy chế hoạt động này và quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
8. Thực hiện nhiệm vụ quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn KKT Nghi Sơn, quản lý các dự án xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tại KKT Nghi Sơn theo đúng quy định.
9. Tổ chức, triển khai, giới thiệu, đàm phán, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ trong và ngoài nước. Xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
10. Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của KKT Nghi Sơn trình Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá phê duyệt để triển khai thực hiện.
11. Báo cáo định kỳ các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn.
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao trong từng thời kỳ.
Điều 30. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm:
1. Tổ chức lập quy hoạch chung KKT Nghi Sơn để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phê duyệt quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trong Khu kinh tế Nghi Sơn.
2. Phê duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong KKT Nghi Sơn; tiến hành thu hồi đất và giao đất cho Ban Quản lý KKT Nghi Sơn để tổ chức triển khai xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 của Quy chế này.
3. Quy định giá đất và mức miễn, giảm tiền sử dụng đất; mức miễn, giảm tiền thuê đất trong KKT Nghi Sơn đối với trường hợp giao lại đất, cho thuê đất mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất và phê duyệt phương án tài chính và giá đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.
4. Thực hiện quản lý nhà nước đối với các dự án trong KKT Nghi Sơn theo quy hoạch được duyệt; trình phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền danh mục các dự án đầu tư phát triển và kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm tại KKT Nghi Sơn.
5. Ban hành các chính sách ưu đãi và khuyến khích cụ thể phù hợp với các quy định hiện hành để thực hiện việc ưu đãi tuyển dụng và sử dụng lao động tại chỗ; hỗ trợ đào tạo nghề đối với lực lượng lao động ở địa phương; tạo điều kiện cho lực lượng lao động địa phương có thể vào làm việc tại các doamh nghiệp trong KKT Nghi Sơn; khuyến khích và thu hút lao động có chuyên môn cao, tay nghề giỏi từ các nơi khác về làm việc tại KKT Nghi Sơn.
6. Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân; hỗ trợ xây dựng các khu tái định cư; hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội và các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; hỗ trợ xúc tiến đầu tư - thương mại; hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh quá trình đầu tư và phát triển KKT Nghi Sơn.
7. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Tĩnh Gia thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và chỉ đạo các cơ quan chức năng của Tỉnh phối hợp với Ban Quản lý KKT Nghi Sơn thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp KKT Nghi Sơn hoạt động được thuận lợi.
8. Cấp kinh phí quản lý hành chính sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển cho Ban Quản lý KKT Nghi Sơn từ ngân sách theo kế hoạch hàng năm và theo quy định của Luật Ngân sách.
9. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của Tỉnh phối hợp và tạo điều kiện cho Ban Quản lý KKT Nghi Sơn thực hiện đầy đủ các quy định tại Quy chế này; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tổ chức quản lý KKT Nghi Sơn phát triển nhanh và bền vững.
2. Đối với những lĩnh vực không phân cấp, không uỷ quyền cho Ban Quản lý KKT Nghi Sơn, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với KKT Nghi Sơn bằng cách tổ chức các đơn vị trực thuộc nằm trong KKT Nghi Sơn và có quy chế phối hợp với Ban Quản lý KKT Nghi Sơn để thực hiện thẩm quyền được giao.
Điều 32. Cơ quan hải quan KKT Nghi Sơn thực hiện việc giám sát và quản lý hàng hóa lưu thông giữa khu thuế quan, khu phi thuế quan với nước ngoài và hàng hóa lưu thông giữa khu phi thuế quan với khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 33. Những quy định khác liên quan đến hoạt động, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong KKT Nghi Sơn không quy định trong Quy chế này, được thực hiện theo các điều khoản tương ứng của Luật Đầu tư chung, Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luật Hải quan, luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ môi trường, các luật thuế khác và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 34. Những ưu đãi dành cho các tổ chức và cá nhân trong nước nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ tại KKT Nghi Sơn theo Quy chế này được phép áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài đã có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn KKT Nghi Sơn trước ngày ban hành Quy chế này cho thời gian ưu đãi còn lại kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực thi hành.
- 1Quyết định 113/2005/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ
- 2Quyết định 04/2006/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 28/2006/QĐ-BTM về việc ủy quyền cho ban quản lý khu kinh tế nghi sơn tỉnh thanh hóa quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu kinh tế nghi sơn và các khu công nghiệp tỉnh thanh hóa do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 4Quyết định 236/QĐ-TTg -2007 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 761/1997/QĐ-TTg năm 1997 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ thời kỳ 1996-2010 do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 1Quyết định 113/2005/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ
- 2Luật Đầu tư 2005
- 3Quyết định 04/2006/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 28/2006/QĐ-BTM về việc ủy quyền cho ban quản lý khu kinh tế nghi sơn tỉnh thanh hóa quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu kinh tế nghi sơn và các khu công nghiệp tỉnh thanh hóa do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 5Thông tư 08/2007/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính và thủ tục hải quan áp dụng tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá do Bộ Tài chính ban hành
- 6Quyết định 236/QĐ-TTg -2007 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 761/1997/QĐ-TTg năm 1997 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ thời kỳ 1996-2010 do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 8Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 9Nghị định 99/2003/NĐ-CP ban hành Quy chế Khu công nghệ cao
Quyết định 102/2006/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa do Thủ Tướng chính phủ ban hành
- Số hiệu: 102/2006/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/05/2006
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 28
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra