Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1018/2009/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 13 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

“VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN VÀ XỬ LÝ SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003.
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004
Căn cứ Nghị định số: 10-CP ngày 17/02/1993 của Chính phủ “về việc bảo vệ các công trình xăng dầu”.
Xét báo cáo đề nghị của Giám đốc Công ty Xăng dầu B12 – Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo bảo vệ các công trình xăng dầu tỉnh, tại Tờ trình số: 842/XDB12-TTr ngày 31/3/2009.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định bảo vệ hành lang an toàn và xử lý sự cố công trình xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số: 1503/QĐ-UB ngày 17/7/1995 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành “Quy định bảo vệ sử lý sự cố đường ống xăng dầu”.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành, Trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch ảy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các thành viên Ban chỉ đạo các công trình xăng dầu tỉnh căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP;
- TT.Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Tổng Công ty xăng dầu Việt nam; (báo cáo)
- Như điều 3 (để thực hiện );
- UBND thành phố Hạ Long, thị xã Uông Bí, huyện Hoành Bồ, Yên Hưng, Đông triều;
- V0, NC, TH1;
- Lưu: NC, VP/UB.
 80 bản - QD 11

TM . UBND TỈNH QUẢNG NINH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Đỗ Thông

 

QUY ĐỊNH

BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN VÀ XỬ LÝ SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1018 /2009/QĐ-UBND ngày 13 /4 / 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

Quy định này quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ hành lang an toàn các công trình xăng dầu và xử lý sự cố tràn dầu đối với đường ống dẫn xăng dầu, kho bể chứa và cảng xuất nhập xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để cháy nổ xảy ra.

Điều 2. Mục tiêu bảo vệ:

1.Hệ thống các công trình xăng dầu do Công ty xăng dầu B12 quản lý trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

2. Các công trình xăng dầu (Đường ống dẫn xăng dầu, kho bể chứa và cảng xuất nhập xăng dầu) do Công ty xăng dầu B12 quản lý là công trình thuộc hạng mục công trình an ninh quốc gia được bảo vệ an toàn theo quy định tại Nghị định số 10-CP ngày 17/2/1993 và Nghị định số 47/1999/NĐ-CP ngày 05/7/1999 của Chính phủ. Khi có phát sinh các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn các công trình xăng xầu phải có các biện pháp kiên quyết ngăn chặn không để phát sinh thành vụ việc hay công trình phải giải quyết.

3. Trong mọi trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu do bục vỡ đường ống, kho bể chứa phải nghiêm túc tuân thủ quy trình, quy phạm trong xử lý sự cố. Dừng ngay việc nhập xuất, bơm chuyển xăng dầu, đồng thời nhanh chóng triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ, kịp thời tổ chức khắc phục hạn chế đến mức thấp nhất lượng xăng dầu chảy ra ngoài; khẩn trương, nhanh chóng thu hồi số xăng dầu chảy ra phòng ngừa và triệt tiêu mọi nguyên nhân dẫn đến cháy nổ.

Chương 2

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC I. BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN CÔNG TRÌNH XĂNG DẦU

Điều 3. Hành lang an toàn đường ống xăng dầu, kho bể chứa và cảng xuất nhập xăng dầu phải phải có cột mốc chỉ giới hành lang an toàn, các biển báo, biển cấm theo quy định ở những vị trí dễ thấy, dễ đọc.

Điều 4. Mọi trường hợp phát sinh công trình hoặc các hành vi xâm hại hành lang an toàn các công trình xăng dầu phải được lập biên bản và xử lý kịp thời, kiên quyết không để phát sinh thành công trình hay vụ việc diễn biến phức tạp.

Điều 5. Ngay khi có phát sinh công trình vi phạm, đơn vị chủ quản công trình xăng dầu chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi có công trình vi phạm triển khai các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn, yêu cầu tháo dỡ phần công trình đã xây dựng trả lại mặt bằng ban đầu; đồng thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa tái vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình xăng dầu.

MỤC II. XỬ LÝ SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XĂNG DẦU

Điều 6. Phân loại sự cố:

1. Sự cố cấp 1: Lượng xăng dầu tràn ra với thể tích: V > 100m3 hoặc lượng xăng dầu loang trên diện tích: S > 5000m2.

2. Sự cố cấp 2: Lượng xăng dầu tràn ra với thể tích: 10m3 < V ≤ 100m3 hoặc lượng xăng dầu loang trên diện tích: 500m2 < S ≤ 5000m2.

3. Sự cố cấp 3: Lượng xăng dầu tràn ra với thể tích: 01m3 < V ≤ 10m3 hoặc lượng xăng dầu loang trên diện tích: 50 m2 < S ≤ 500 m2.

4. Sự cố cấp 4: Lượng xăng dầu tràn ra với thể tích: V ≤ 01m3 hoặc lượng xăng dầu loang trên diện tích: S ≤ 50m2.

Trường hợp sự cố xảy ra ở khu vực tập trung đông dân cư, đầm, hồ, sông, biển thì được nâng lên 1 cấp sự cố.

Điều 7. Ngay sau khi xảy ra sự cố phải nhanh chóng xác định tính chất, mức độ nguy hiểm, phạm vi bảo vệ và phải cắm đủ biển báo, biển cấm, cọc dây khoanh vùng làm hàng rào bảo vệ, triển khai các phương tiện chữa cháy và bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để bảo vệ tuyệt đối an toàn, không cho người không có nhiệm vụ vào khu vực sự cố. Chỉ tháo bỏ hàng rào bảo vệ, thu hồi các phương tiện chữa cháy và rút các lực lượng bảo vệ khi không còn nguy hiểm cháy nổ.

Điều 8. Căn cứ vào cấp sự cố mà Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nơi xảy ra sự cố chủ trì cùng cơ quan xăng dầu thành lập ngay Ban chỉ đạo bảo vệ xử lý sự cố có sự tham gia của lực lượng công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi xảy ra sự cố. Ban chỉ đạo có trách nhiệm bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ và thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật, bảo vệ tuyệt đối an toàn trong quá trình khắc phục giải quyết sự cố, tổ chức cấp cứu người bị thương nếu có.

Các tập thể, cá nhân có liên quan phải chấp hành nghiêm túc mọi yêu cầu và biện pháp của Ban chỉ đạo để bảo vệ tuyệt đối an toàn trong quá trình giải quyết sự cố.

Điều 9. Trong mọi trường hợp xảy ra sự cố công trình xăng dầu phải huy động đủ trang thiết bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy áp dụng các biện pháp phòng ngừa không để xảy ra cháy nổ. Đồng thời phải tiến hành các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa sau khi khắc phục xong sự cố, đảm bảo cho các công trình xăng dầu hoạt động trở lại bình thường.

MỤC III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN VÀ GIẢI QUYẾT SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XĂNG DẦU

Điều 10. Trách nhiệm của ngành xăng dầu:

1. Bảo vệ hành lang an toàn công trình xăng dầu:

1.1. Phải cắm đủ các cột mốc tim ống, cột mốc chỉ giới hành lang an toàn tuyến ống, các biển báo, biển cấm theo quy định; đồng thời xác lập sơ đồ hiện trạng tuyến ống và cung cấp cho Thôn, khu phố và Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi có tuyến đường ống xăng dầu đi qua.

1.2. Bố trí công nhân hàng ngày tuần tra bảo vệ tuyến ống, phát hiện việc đào bới, trơ treo, dò thấm và các vi phạm hành lang an toàn đường ống để phối hợp với địa phương giải quyết kịp thời.

1.3. Thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng công trình, bảo đảm cho tuyến đường ống, kho bể, cảng xuất nhập xăng dầu hoạt động an toàn, hạn chế thấp nhất các vụ sự cố xẩy ra. Đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp tuyến ống, kho bể, cầu cảng xăng dầu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hệ số an toàn trong vận hành, nhập xuất, bơm chuyển đường ống xăng dầu.

2. Giải quyết sự cố tràn dầu:

2.1. Khẩn trương triển khai căng dây làm hàng rào bảo vệ, cắm hệ thống biển “Cấm lửa”, “Nguy hiểm”, “Cấm vào”, cọc dây khoanh vùng cô lập khu vực sự cố đã được xác định; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng bảo vệ cảnh giới không cho người, không có nhiệm vụ vào khu vực sự cố.

2.2. Triển khai ngay các biện pháp xử lý kỹ thuật, tổ chức lực lượng phương tiện khắc phục nhanh sự cố theo đúng quy trình. Đồng thời tổ chức thu vét triệt để lượng xăng dầu chảy ra ngoài, đưa về nơi an toàn, không để xăng dầu tập trung ở nơi xảy ra sự cố.

2.3. Chủ trì phối hợp cùng với Uỷ ban nhân dân phường, xã, huyện, thị xã, thành phố thực hiện phương án xử lý kỹ thuật các vụ sự cố, bảo vệ, giải quyết các vụ sự cố, tổ chức canh gác khi sự cố phát sinh, sau khi khắc phục xong sự cố cho đến khi không còn nguy cơ xảy ra sự cố và cháy nổ nữa. Cấp kinh phí phục vụ hậu cần cho các lực lượng tham gia bảo vệ, giải quyết sự cố và khắc phục những hậu quả do sự cố gây ra về người, tài sản, môi trường… theo đúng quy định của Nhà nước và của ngành xăng dầu.

2.4. Phối hợp với Sở tài nguyên và Môi trường tổ chức xử lý làm sạch môi trường nơi xảy ra sự cố.

2.5. Kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nơi xảy ra sự cố từ khi phát sinh, quá trình diễn biến, khắc phục sự cố cho tới khi kết thúc. Đồng thời chủ động đề xuất các phương án, biện pháp giải quyết kịp thời, có hiệu quả.

Điều 11. Nhiệm vụ của ngành công an:

1. Bố trí lực lượng phối hợp với các cấp, các ngành có chức năng bảo vệ an toàn việc khắc phục, giải quyết sự cố.

2. Chủ động triển khai phương án phòng, chống cháy nổ, yêu cầu các tập thể, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả không để xảy ra cháy nổ. Trực tiếp chỉ huy phối hợp các lực lượng thực hiện các biện pháp phòng ngừa và chữa cháy khi xảy ra cháy.

3. Trong những trường hợp cần thiết thì phải áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm tài sản, gây rối, cản trở các lực lượng, các ngành có chức năng tham gia giải quyết và bảo vệ việc khắc phục sự cố.

4. Phối hợp với ngành Giao thông vận tải hướng dẫn và đảm bảo trật tự an toàn giao thông khi sự cố xăng dầu có ảnh hưởng tới giao thông.

Điều 12. Nhiệm vụ của ngành Y tế:

1. Chủ động phương án cấp cứu cho người bị tai nạn trong quá trình khắc phục giải quyết sự cố.

2. Chủ trì cùng các ngành có chức năng, Uỷ ban nhân dân các địa phương trong việc đưa nhanh số người bị thương đến các bệnh viện cấp cứu và tổ chức cứu chữa có hiệu quả.

Điều 13. Nhiệm vụ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh:

1. Chủ động phương án bố trí lực lượng phối hợp bảo vệ việc giải quyết sự cố theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ đạo bảo vệ việc giải quyết sự cố.

2. Trực tiếp giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình bảo vệ giải quyết sự cố có liên quan đến lực lượng quân đội.

Điều 14. Nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ động chủ trì cùng các ngành và trực tiếp triển khai ngay các biện pháp làm hạn chế đến mức thấp nhất độc hại về môi trường do sự cố tràn dầu gây ra trước mắt và lâu dài.

Điều 15. Nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

1. Chủ trì thành lập Ban chỉ đạo và chỉ đạo bảo vệ giải quyết sự cố đảm bảo tuyệt đối an toàn.

2. Khi có nguy cơ sự cố phát sinh, bằng mọi cách báo cáo nhanh nhất về Uỷ ban nhân dân tỉnh để trực tiếp chỉ đạo lực lượng cấp tỉnh giải quyết khi cần thiết.

3. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị định số: 10-CP và Nghị định số: 47/CP của Chính phủ về bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu.

Điều 16. Nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn:

1. Tuyên truyền, giáo dục nhân dân của phường, xã, thị trấn mình thực hiện nghiêm túc Nghị định số:10-CP và Nghị định số: 47/CP của Chính phủ về bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu, đặc biệt là bảo vệ hành lang an toàn tuyến đường ống xăng dầu. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ quản công trình xăng dầu ngăn chặn phát sinh công trình vi phạm hoặc các hành vi xâm hại hành lang an toàn các công trình xăng dầu.

2. Khi phát hiện sự cố đường ống xăng dầu tổ chức ngay lực lượng bảo vệ ban đầu. Thông tin nhanh nhất về đơn vị chủ quản công trình xăng dầu và Uỷ ban nhân dân cấp trên để chỉ đạo phối hợp các lực lượng giải quyết.

3. Chủ trì, phối hợp với đơn vị chủ quản công trình xăng dầu thành lập Ban chỉ đạo và trực tiếp chỉ đạo bảo vệ vòng ngoài trong quá trình giải quyết sự cố. Kiên quyết ngăn chặn người không có nhiệm vụ vào khu vực sự cố. Tổ chức vận động, giáo dục, ngăn chặn công dân ở phường, xã mình không ra xem, không hôi vét xăng dầu khi có sự cố xảy ra.

4. Tạo điều kiện về nơi ăn nghỉ cho các lực lượng tham gia giải quyết sự cố, đồng thời di dân khi cần thiết, phối hợp giải quyết hậu quả khi có thiệt hại về người và tài sản do có sự cố xảy ra.

Chương 3

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Việc bảo vệ hành lang an toàn và khắc phục sự cố các công trình xăng dầu là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và mọi người dân. Khi có yêu cầu phối hợp, lãnh đạo các cấp chính quyền, thủ trưởng các ngành, đơn vị cơ sở phải nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện nghiêm túc phần việc được giao, đồng thời phải nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành có chức năng khắc phục kịp thời và bảo vệ tuyệt đối an toàn các vụ sự các công trình xăng dầu xẩy ra.

Điều 18. Giao cho Ban chỉ đạo bảo vệ các công trình xăng dầu của tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định này.

Điều 19. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất chỉ đạo thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1018/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định bảo vệ hành lang an toàn và xử lý sự cố công trình xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 1018/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/04/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Đỗ Thông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/04/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản