Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 101/2000/QĐ-UB

Bình Phước, ngày 31 tháng 10 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

V/V BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/06/1994;

Căn cứ Quyết định số 187/1999/QĐ-TTg ngày 16/09/1999 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Trưởng ban tổ chức chính quyền Tỉnh và ý kiến thỏa thuận về việc bổ sung chức năng nhiệm vụ Ban quản lý rừng phòng hộ của Bộ Nông nghiệp & PTNT tại Công Văn số 2035/BNN-PTNT ngày 13/06/2000.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bình Phước”

Điều 2 : Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những văn bản trước đây trái với nội dung quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3 : Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi Cục Trưởng Chi Cục phát triển lâm nghiệp, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ, Thủ Trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Huy Phong

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 101/QĐ-UB ngày 31/10/2000 của UBND tỉnh Bình Phước)

Chương 1

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG

Điều 1: Ban quản lý rừng phòng hộ (dưới đây gọi tắt là BQL) là đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu. Ban chịu sự quản lý và chỉ đạo toàn diện của Sở Nông Nghiệp & PTNT. Ban quản lý có chức năng quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng; trồng và chăm sóc rừng trồng rừng phòng hộ. Đối với diện tích rừng sản xuất và đất lâm nghiệp xen kẽ với rừng phòng hộ cũng giao cho Ban quản lý cây trồng, bảo vệ, khai thác, sử dụng tạo nguồn thu cho ngân sách trên diện tích lâm phần đã được UBND tỉnh giao.

Điều 2: Ban quản lý rừng phòng hộ có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước theo quy định.

Kinh phí hoạt động và tiền lương của cán bộ nhân viên do Ban quản lý dự toán và được Sở Tài chính- Vật giá cấp phát trên cơ sở các nguồn thu từ rừng(theo Thông tư 10/TT-LB ngày 11/12/1996 của Liên Bộ Kế Hoạch và Đầu tư - Tài chính - Nông nghiệp & PTNT) và nguồn thu từ hoạt động của dự án chương trình trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ được giao cho BQL thực hiện.

Chương 2

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 3: Ban quản lý rừng phòng hộ có những nhiệm vụ như sau:

1. Quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng và đất rừng cùng các nguồn lợi khác, từ rừng trên diện tích lâm phần thuộc phạm vi quản lý của Ban.

2. Bảo vệ và phát triển đất rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có nhằm tăng độ bao phủ theo yêu cầu phòng hộ bằng các biện pháp lâm sinh như : Khoanh nuôi phục hồi rừng, làm giàu rừng hiện còn, trồng và chăm sóc rừng trồng trên đất không có rừng theo các phương án, quy hoạch đã được cấp trên phê duyệt.

3. Xây dựng các phương án, thiết kế kỹ thuật về trồng rừng, trồng cây lâm công nông nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để hợp đồng giao khoán cho các hộ gia đình, tổ chức và cá nhân theo quy định hiện hành. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các phương án đó theo đúng thiết kế đã được phê duyệt.

4. Tổ chức lực lượng quản lý bảo vệ rừng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng trên địa bàn lâm phần do Ban quản lý.Tuyên truyền vận động nhân dân cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

5. Chủ trì và phối hợp với UBND các xã, hạt kiểm lâm và các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng các kế hoạch, phương án định canh định cư, phòng chống cháy, chống phá rừng làm rẫy và triển khai thực hiện tốt các phương án trên.

6. Đảm bảo việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư dự án về quản lý,chăm sóc và phát triển rừng đúng mục đích, thanh quyết toán việc thực hiện vốn đầu tư với Kho bạc theo đúng quy định.

7. Quản lý tài sản, tài chính, cơ sở vật chất của Ban, quản lý cán bộ, nhân viên và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với cán bộ nhân viên trong cơ quan theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 4: Để thực hiện những nhiệm vụ trên Ban quản lý rừng phòng hộ có những quyền hạn như sau :

1. Được quyền giao khoán trồng rừng, trồng cây nông – công lâm nghiệp, bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng cho các hộ gia đình, tổ chức cá nhân theo quy định của Nhà nước.

2. Được quyền giao khoán hoặc liên doanh liên kết với các tổ chức, hộ cá thể để trồng rừng, trồng cây công nghiệp, sảm xuất nông lâm kết hợp hoặc xây dựng các mô hình trang trại trên diện tích đất không có rừng hoặc các diện tích khác thuộc phạm vi quản lý của Ban theo đúng dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Được quyền kiểm tra, giám sát mọi hoạt động trong vùng có dự án về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn lâm phần. Khi phát hiện có vi phạm pháp luật về quản lý rừng và đất rừng thì có quyền đình chỉ, lập biên bản tạm giữ tang vật và chuyển cơ quan chức năng giải quyết.

- Được quyền yêu cầu chính quyền địa phương, các ngành chức năng có liên quan,các tổ chức, các cá nhân đóng trên địa bàn để huy động nhân lực, phương tiện cần thiết để chữa cháy, cứu nạn, diệt trừ sâu bệnh hại rừng, ngăn chặn khẩn cấp các hành vi là tổn hại đến tài nguyên rừng và đất rừng.

- Làm dịch vụ cho các hộ nhận khoán trong dự án trồng mới 5 triệu ha rừng về : cây giống, phân bón, kỹ thuật. Tổ chức thu mua, tiêu thụ sảm phẩm nông lâm kết hợp, sản phẩm kinh tế vườn từ các dự án trên địa bàn lâm phần (bảo đảm tính tự nguyện của các hộ nhận khoán).

Chương 3

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 5: Tổ chức bộ máy:

1. Lãnh đạo Ban :

Ban quản lý rừng phòng hộ do 01 Trưởng Ban điều hành, có từ 01 đến 02 phó Trưởng Ban và có 01 Kế toán trưởng giúp việc cho Trưởng ban, các chức vụ này do UBND tỉnh bổ nhiệm.

2. Cơ cấu bộ máy gồm có :

- Phòng tổ chức - hành chính - tổng hợp

- Phòng kỹ thuật - quản lý bảo vệ rừng.

Điều 6: Chế độ làm việc :

1. Ban quản lý rừng phòng hộ làm việc theo chế độ thủ trưởng. Trưởng Ban là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của đơn vị (kể cả việc khi tài nguyên rừng, đất rừng bị xâm hại) các phó Trưởng ban giúp việc cho Trưởng ban được Trưỏng ban phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác. Phó Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Trưởng ban đồng thời cùng Trưởng ban liên đới chịu trách nhiệm với cấp trên và trước pháp luật về phần việc được phân công phụ trách.

- Mỗi phòng có 1 Trưởng phòng và 1 Phó phòng do Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban quản lý. Nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi phòng do Trưởng ban quy định. Trưởng phòng chịu trách nhiệm toàn bộ công việc của phòng trước Trưởng ban.

- Tùy theo yêu cầu công tác của Ban, Trưởng ban triệu tập các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất với cán bộ nhân viên để bàn bạc điều hành công việc của Ban. Trưởng ban quản lý có trách nhiệm báo cáo định kỳ hoặc đột xuất lên cấp trên theo quy định.

Chương 4

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7: Bản quy chế này được áp dụng cho tất cả Ban quản lý rừng phòng hộ thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh.

Điều 8: Bản quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, việc sửa đổi, bổ sung bản quy chế này do Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT và Trưởng Ban Tổ Chức chính quyền tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định.