Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1009/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI TUYÊN BỐ CHÍNH TRỊ THIẾT LẬP QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG CÔNG BẰNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng năng lượng và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, địa phương; đảm bảo trong khung nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, thúc đẩy thực hiện định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

2. Bảo đảm quá trình chuyển đổi năng lượng công khai, minh bạch và công bằng và có sự đồng thuận rộng rãi giữa các bên có liên quan, bao gồm các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm dân cư chịu ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi năng lượng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

3. Nguồn đầu tư tư nhân là quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng; nguồn lực nhà nước và từ Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) dẫn dắt quá trình chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, năng lượng sạch thay thế. Nguồn lực từ Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và các định chế tài chính khác đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp, không thông qua bảo lãnh Chính phủ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; phát triển ngành năng lượng hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ, thông minh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu phát triển, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng. Tiếp nhận và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính cho việc thực hiện Tuyên bố JETP, góp phần thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn từ nay đến năm 2030

- Xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

- Xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP (Kế hoạch huy động nguồn lực) và triển khai các dự án thí điểm thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng. Triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực với hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ của quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi nhiệt điện than và sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch; phát triển các loại hình năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh…).

- Nâng cấp, xây dựng hạ tầng sản xuất, truyền tải, tích trữ, phân phối, điều hành điện thông minh, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo; tăng cường điện khí hóa, phát triển nguồn nhân lực; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới sản xuất được các thiết bị phục vụ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo; nâng cao năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến.

- Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng CO2; thúc đẩy sản xuất hydro xanh, amoniac xanh... Phấn đấu đến 2030 hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

- Xác định các biện pháp giảm thiểu rủi ro để bảo vệ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động và các hộ gia đình nghèo, dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi năng lượng; đào tạo mới, nâng cao năng lực để nắm bắt các cơ hội đầu tư và việc làm từ hệ sinh thái phát triển năng lượng tái tạo.

- Tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và chuyển đổi năng lượng để phấn đấu tỉ lệ năng lượng tái tạo đạt 47% và mức phát thải đỉnh của ngành điện không quá 170 triệu tấn CO2 tương đương, tổng quy mô công suất nhiệt điện than không quá 30.127 MW với sự hỗ trợ đầy đủ và thực chất của quốc tế.

b) Giai đoạn sau năm 2030

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách để chuyển đổi năng lượng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và toàn dân với sự dẫn dắt của Nhà nước và hỗ trợ của quốc tế.

- Tiếp tục phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng CO2; sản xuất hydro xanh, amoniac xanh...

- Không xây mới và loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới năm 2050 đạt mức phát thải từ năng lượng không vượt quá 101 triệu tấn CO2 tương đương, tỉ lệ năng lượng tái tạo đạt khoảng 80 - 85% tổng năng lượng sơ cấp.

- Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực, có đội ngũ chuyên gia giỏi về chuyển đổi năng lượng công bằng để chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

III. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng

- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm phù hợp với quá trình triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng, đặc biệt trong các ngành kinh tế, đối với các cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực tiềm ẩn trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

- Cải thiện khung pháp lý để tạo thuận lợi cho đầu tư vào năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả và tăng cường lưới điện ở Việt Nam.

- Xây dựng khung pháp lý dài hạn phù hợp lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng “0” và đáp ứng yêu cầu phát triển phát thải thấp, chuyển đổi từ khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo hoặc năng lượng ít phát thải.

- Xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển chế tạo, sản xuất, bảo dưỡng thiết bị năng lượng tái tạo.

- Lồng ghép các vấn đề chuyển đổi năng lượng công bằng trong lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp.

2. Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch

- Đàm phán việc dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông và thu xếp vốn; đàm phán về đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ, kém hiệu quả.

- Xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính các nhà máy nhiệt điện than đồng bộ với lộ trình phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, kết nối với thị trường các-bon thế giới.

- Tiến tới dừng vận hành các nhà máy điện than không đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường; xem xét khả năng chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than sang mục đích sử dụng khác phù hợp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

- Triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật nâng cao hiệu suất các nhà máy điện truyền thống, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất, truyền tải và phân phối điện; thúc đẩy chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch.

3. Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo

- Triển khai thực hiện nội dung phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi...), năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh, sóng biển, địa nhiệt...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý.

- Nghiên cứu xây dựng 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

- Phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và xử lý môi trường.

- Xây dựng và thực hiện quy định về tỷ lệ năng lượng tái tạo cho các tổ chức phân phối điện, kết hợp với xây dựng thị trường tín chỉ năng lượng tái tạo. Nâng cao khả năng chế tạo, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị năng lượng tái tạo trong nước.

- Khuyến khích sử dụng điện được sản xuất từ nguồn năng lượng sạch; phát triển không giới hạn điện mặt trời mái nhà trên các tòa nhà công sở và nhà dân theo hướng tự sản xuất, tự tiêu thụ.

4. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

- Tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, thương mại và dân dụng.

- Hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định bắt buộc kèm theo chế tài về các định mức tiêu thụ năng lượng của các phân ngành kinh tế.

- Thúc đẩy phát triển và áp dụng mô hình kinh doanh công ty dịch vụ tiết kiệm năng lượng (ESCO).

5. Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng

- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai lộ trình phát triển hệ thống điện thông minh để tăng cường khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, giảm tổn thất điện năng trên lưới điện.

- Thúc đẩy hợp tác liên kết lưới điện với các nước trong khu vực để tăng cường khả năng liên kết hệ thống, trao đổi điện năng, tận dụng thế mạnh tài nguyên của các quốc gia.

- Phát triển các nhà máy thủy điện tích năng để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô lớn.

- Hỗ trợ đầu tư, triển khai công nghệ pin tích năng kết hợp với điện mặt trời và các loại hình khác trong lưu trữ năng lượng hoặc gần các trung tâm phụ tải.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích phụ tải tham gia giảm tải trong các giờ cao điểm của hệ thống điện, hoặc thay đổi phương thức quản lý để hoạt động vào các giờ giá điện thấp.

6. Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải

- Thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan ngành giao thông vận tải.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh trong giao thông vận tải.

- Phát triển hạ tầng mạng lưới sạc xe điện để bảo đảm sạc xe điện luôn có sẵn ở những nơi cần và dễ sử dụng cho nhiều loại xe; thúc đẩy chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện.

7. Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ

- Thành lập Trung tâm quốc tế về năng lượng tái tạo đặt tại Việt Nam để chia sẻ kiến thức chuyên môn, hỗ trợ phát triển kỹ năng, hiểu biết về công nghệ đồng thời tạo điều kiện hợp tác với khu vực tư nhân về chuyển giao công nghệ, nhằm đẩy nhanh sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo và quản lý hệ thống điện sạch.

- Áp dụng công nghệ mới, hiện đại theo hướng chuyển dịch sang nền kinh tế các-bon thấp, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải, hướng đến đáp ứng các quy định về phát thải các-bon trên đơn vị sản phẩm hàng hóa xuất khẩu và thị trường các-bon.

- Xây dựng, ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong xác định công nghệ sạch, xác định các dự án chuyển đổi xanh; bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực tái chế và sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng.

- Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các nguồn năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh); nghiên cứu thí điểm triển khai các công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng các-bon (CCUS), đồng đốt ammonia đối với lò hơi (nhiệt điện than), thu hồi khí mê-tan trong các hoạt động khai thác than và dầu khí, lưu trữ, chế biến, vận chuyển các sản phẩm than, dầu khí và nhiên liệu.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số trong quản lý, khai thác, sản xuất, phân phối, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; làm chủ công nghệ chế tạo các thiết bị lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ năng lượng tiên tiến, thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam.

- Nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến, đổi mới công nghệ sạch trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân lớn để từng bước nắm giữ, chuyển đổi công nghệ.

8. Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng

a) Đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và thực hiện trách nhiệm trong chuyển đổi năng lượng

- Thực hiện đánh giá tác động kinh tế, xã hội, môi trường trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng đối với các đối tượng có liên quan.

- Các doanh nghiệp triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng tiếp cận trực tiếp nguồn lực tài chính từ Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và các định chế tài chính không thông qua bảo lãnh Chính phủ.

- Các doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

- Sử dụng đất đa mục tiêu cho sản xuất năng lượng tái tạo kết hợp với phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nhằm tăng cường tiếp cận năng lượng, tạo cơ hội đầu tư, tạo việc làm và tăng tính chủ động của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp cho phát triển năng lượng tái tạo.

b) Hỗ trợ các nhóm lao động và hộ gia đình dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi năng lượng.

- Mở rộng hạ tầng truyền tải và phân phối điện, bảo đảm cơ hội tiếp cận điện năng với giá thành hợp lý đối với mục đích sử dụng điện dân dụng và đặc thù; phấn đấu 100% số hộ dân nông thôn có điện đến năm 2025 thông qua việc triển khai cơ chế “Quỹ phát triển lưới điện quy mô nhỏ” hỗ trợ để đảm bảo tiếp cận điện năng lượng tái tạo đối với những nơi không thể tiếp cận hệ thống điện lưới.

- Thiết kế các cơ chế hỗ trợ bảo đảm giá điện hợp lý cho các nhóm bị ảnh hưởng, dễ bị tổn thương và có thu nhập thấp, bao gồm việc triển khai thực hiện hỗ trợ giá điện thông qua nhiều hình thức áp dụng bán lẻ điện sinh hoạt với giá khởi điểm phù hợp với khả năng chi trả của các hộ gia đình có thu nhập thấp.

- Thúc đẩy tạo việc làm xanh và bền vững trong nền kinh tế phát thải các-bon thấp; thiết lập và triển khai các chương trình hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề, đào tạo lại nhân sự cho lao động chịu ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt các nhóm lao động dễ bị tổn thương như nữ giới, lao động phi chính thức, được kết nối thông tin việc làm xanh, được tiếp cận cơ hội đào tạo nghề, được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, duy trì và tạo sinh kế mới phù hợp với điều kiện thực tế.

- Thực hiện các cơ chế hỗ trợ an sinh xã hội, bao gồm hỗ trợ trợ cấp thôi việc, nghỉ hưu sớm, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp xã hội cho lao động phi chính thức, các hình thức bảo trợ xã hội khác phù hợp với từng nhóm lao động, hộ gia đình bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập với mục tiêu đảm bảo mức sống hộ gia đình sau quá trình chuyển đổi năng lượng.

c) Thực hiện đào tạo, đào tạo lại các lao động bị ảnh hưởng

- Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan quản lý chuyên ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới và các chủ đề liên quan đối với các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương.

- Rà soát, thống kê các lao động bị mất việc làm do chuyển đổi năng lượng và xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, đào tạo lại phù hợp để các lao động này sớm tái gia nhập thị trường lao động.

- Thúc đẩy xây dựng khung kỹ năng, các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng kế hoạch, chiến lược về đào tạo nghề liên quan năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

- Cập nhật chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực và kỹ năng phù hợp với yêu cầu việc làm xanh, ngành nghề mới trong quá trình chuyển đổi năng lượng; đa dạng hóa các loại hình hợp tác đào tạo nghề với sự chủ động tham gia của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế - xã hội khác.

- Điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng, hiệu quả thị trường lao động; lồng ghép nội dung chuyển đổi năng lượng công bằng trong triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 và triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

- Lồng ghép nội dung về chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong nội dung giảng dạy của hệ thống giáo dục phổ thông.

9. Truyền thông, nâng cao nhận thức

- Tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.

- Lồng ghép các hoạt động truyền thông trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án chuyển đổi năng lượng công bằng.

10. Thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng

- Tích cực vận động thu hút nguồn lực quốc tế thông qua hoạt động đối ngoại cấp cao, chương trình làm việc của các bộ, ngành, địa phương với đối tác nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

- Tìm hiểu, tiếp thu, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực hiện chuyển đổi công bằng ở các nước, các sáng kiến sử dụng nguồn năng lượng xanh, chuyển đổi năng lượng từ than sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phi các-bon hóa lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

- Chủ động tham gia và đóng góp tích cực tại các khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương nhằm tích hợp nội dung về chuyển đổi công bằng trong quá trình hợp tác, đàm phán song phương và đa phương; tích cực vận động Nhóm các đối tác quốc tế hỗ trợ Việt Nam về tài chính và công nghệ theo cam kết và hỗ trợ bổ sung cho chuyển đổi năng lượng công bằng giai đoạn sau năm 2025.

IV. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Đề án triển khai Tuyên bố JETP từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động tối đa từ các nguồn tài trợ, viện trợ, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Huy động nguồn lực từ Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và các tổ chức, định chế tài chính khác; khuyến khích đầu tư tư nhân, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước và kết nối với thị trường các-bon thế giới nhằm tăng thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế các-bon thấp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố JETP có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành và giải quyết các công việc triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, đồng thời phối hợp với Nhóm các đối tác quốc tế trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP. Giao Bộ trưởng các bộ liên quan thành lập các Nhóm công tác để triển khai thực hiện Tuyên bố JETP:

a) Nhóm Tổng hợp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập, một lãnh đạo cấp Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng nhóm, chịu trách nhiệm tổng hợp các hoạt động, báo cáo kết quả của các nhóm công tác; chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá hai năm một lần việc thực hiện các mục tiêu nêu trong Tuyên bố JETP để báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và Nhóm các đối tác quốc tế; chủ trì tổ chức diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa các bộ, ngành với Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và các bên liên quan.

b) Nhóm Thể chế, Chính sách và Đầu tư do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập, một lãnh đạo cấp Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng nhóm, chịu trách nhiệm về hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; lồng ghép nội dung chuyển đổi năng lượng công bằng vào các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn và trung hạn của đất nước. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các đối tác cho mục đích chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.

c) Nhóm Công nghệ và Năng lượng do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập, một lãnh đạo cấp Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng nhóm, chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách, quy định thúc đẩy thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; xác định nhu cầu, thúc đẩy và điều phối các hoạt động kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP theo hướng dẫn của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.

d) Nhóm Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập, một lãnh đạo cấp Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm, chịu trách nhiệm tổ chức đàm phán huy động hỗ trợ tài chính từ Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và các bên liên quan, bao gồm các định chế tài chính song phương và đa phương, lĩnh vực tư nhân và các bên khác trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP.

2. Phân công trách nhiệm đối với các bộ, cơ quan liên quan a) Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Thành lập Nhóm Tổng hợp do một lãnh đạo cấp Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng nhóm.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Nhóm các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Đề án, Kế hoạch huy động nguồn lực và việc thực hiện các mục tiêu nêu trong Tuyên bố JETP; báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện Tuyên bố JETP gửi Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

- Chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách về trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, kết quả giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất cho phát triển các công trình điện lực và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu và tăng cường năng lực dịch vụ khí hậu phục vụ cho phát triển và vận hành tối ưu các hệ thống và trang trại năng lượng tái tạo.

- Hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ để phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng khác từ biển; Quy hoạch tài nguyên nước để phát triển thủy điện và sử dụng mặt nước phát triển năng lượng mặt trời; Quy hoạch sử dụng đất và các khu vực biển đáp ứng yêu cầu đa mục tiêu cho sản xuất năng lượng tái tạo, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Thành lập Nhóm Thể chế, Chính sách và Đầu tư do một lãnh đạo cấp Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng nhóm.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ có liên quan xác định nhu cầu viện trợ, đầu tư tư nhân cho chuyển đổi năng lượng cộng bằng; huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư trong nước, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức cho việc triển khai thực hiện Đề án theo quy định đảm bảo an toàn nợ công, nợ nước ngoài quốc gia; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực.

c) Bộ Công Thương

- Thành lập Nhóm Công nghệ và Năng lượng do một lãnh đạo cấp Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng nhóm.

- Chủ trì đề xuất các cơ chế, chính sách, quy định thực hiện chuyển đổi năng lượng để đưa vào dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, Luật Năng lượng tái tạo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp; đề xuất phát triển các dự án điện gió ngoài khơi; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực.

- Chủ trì đề xuất các dự án ưu tiên thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng để huy động hỗ trợ từ Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và các định chế tài chính khác phù hợp với mục tiêu của Tuyên bố JETP và lộ trình phát triển năng lượng quốc gia.

- Chủ trì điều phối các hoạt động, sáng kiến về chuyển đổi năng lượng, bảo đảm sự thống nhất và huy động được hỗ trợ tổng hợp thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam.

- Phối hợp với Nhóm các đối tác quốc tế và các bộ, ngành liên quan đề xuất thành lập Trung tâm quốc tế về năng lượng tái tạo đặt tại Việt Nam.

d) Bộ Tài chính

- Thành lập Nhóm Tài chính do một lãnh đạo cấp Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đàm phán, tiếp nhận nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn ODA không hoàn lại để hỗ trợ nhu cầu chuyển đổi năng lượng theo các quy định chuyên ngành về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Nhóm các đối tác quốc tế và các nhà tài trợ nước ngoài; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực.

- Chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích khu vực tư nhân chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng.

đ) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy chuyển dịch công bằng đối với các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng; hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo lại, tạo việc làm và các hình thức hỗ trợ khác cho lao động bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi năng lượng; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực.

- Tham gia các Nhóm công tác, bảo đảm quá trình chuyển đổi công bằng, phù hợp với Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, để đảm bảo toàn xã hội có thể hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh nhằm tăng khả năng tiếp cận năng lượng hợp lý và thu hút sự tham gia của các tổ chức và các bên liên quan để giúp đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quá trình chuyển đổi.

e) Bộ Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương trong việc nghiên cứu phát triển và ứng dụng các nguồn năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh); nghiên cứu thí điểm triển khai thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng các-bon (CCUS).

- Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến, đổi mới công nghệ sạch trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân lớn để từng bước nắm giữ, chuyển đổi công nghệ; nghiên cứu phát triển công nghệ mới, hiện đại theo hướng chuyển dịch sang kinh tế các-bon thấp, giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

g) Bộ Giao thông vận tải

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh trong giao thông vận tải; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trạm sạc dùng chung; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực.

h) Bộ Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch phát triển đô thị, công trình xây dựng xanh, hạ tầng công cộng phục vụ xe điện và các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải các-bon thấp; sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch nhằm giảm tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; giảm dần và thay thế sử dụng than trong sản xuất vật liệu xây dựng; quy hoạch, thiết kế, quản lý phát triển đô thị trung hòa các-bon.

i) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện sử dụng đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản để phát triển đa mục tiêu kết hợp sản xuất năng lượng tái tạo, cải thiện khả năng tiếp cận năng lượng và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi kết hợp với nuôi trồng thủy sản biển và hậu cần nghề cá.

k) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ký kết, tiếp nhận nguồn vốn ODA không hoàn lại không gắn với khoản vay của các tổ chức tài chính, tiền tệ và ngân hàng quốc tế để hỗ trợ nhu cầu chuyển đổi năng lượng theo các quy định chuyên ngành về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực.

l) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để triển khai đúng tiến độ các chương trình, dự án trong Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho người lao động thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực.

m) Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Chỉ đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, Nhóm các đối tác quốc tế cung cấp thông tin, xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi năng lượng của các doanh nghiệp thành viên.

n) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Tổ chức thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện, bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình điện theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án phát triển nguồn điện, lưới điện theo quy định.

- Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Tuyên bố JETP.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN; các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2) .

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI TUYÊN BỐ CHÍNH TRỊ THIẾT LẬP QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG CÔNG BẰNG (JETP)
(Kèm theo Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Nhóm nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian

I

Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng

1

Xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP (RMP)

Bộ TNMT

Các Bộ, ngành liên quan

Tháng 11/2023

2

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực có liên quan nhằm giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam đảm bảo trong phạm vi khung nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia

Các Bộ, ngành

 

2023 - 2025

3

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo; xây dựng cơ chế đấu giá, chào giá điện, cơ chế quản lý theo nhu cầu để tối ưu hóa thời gian sử dụng điện; cơ chế kết hợp các nguồn điện tái tạo khác nhau để cân bằng sự thay đổi sản lượng của nguồn điện tái tạo; cơ chế thí điểm tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ; xây dựng lộ trình chuyển đổi từ than sang sinh khối/amoniac; xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng của các phân ngành kinh tế; xây dựng, điều chỉnh chế hỗ trợ bảo đảm giá điện phù hợp cho các nhóm bị ảnh hưởng, dễ bị tổn thương và có thu nhập thấp.

Bộ CT

Các Bộ, ngành, địa phương

2023-2030

4

Xác định nhu cầu nguồn lực; tổng hợp, đề xuất các tiêu chí, lĩnh vực ưu tiên, các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trong các ngành năng lượng để chuyển đổi năng lượng công bằng

Bộ CT

Bộ TC, KH&ĐT, UBQLVNNDN

2023-2025

5

Hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nhằm tăng cường huy động hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động chuyển đổi năng lượng công bằng.

Bộ KHĐT

Bộ TC, CT, GTVT, NHNNVN, UB QLVNNDN, các Bộ, ngành, địa phương

2023-2050

6

Chủ trì rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, cơ chế chính sách, chế tài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng dành cho các dự án thuộc danh mục phân loại xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Các Bộ, ngành liên quan

2023 - 2025

7

Đánh giá hiện trạng pháp luật và hoàn thiện các quy định nhằm hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, phù hợp với Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.

Bộ LĐTBXH

Bộ TC, Liên đoàn Lao động, các doanh nghiệp

2024 - 2030

8

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật nhằm hỗ trợ bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng, đặc biệt trong các ngành kinh tế, đối với các cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực tiềm ẩn trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Các Bộ, ngành

 

 

II

Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch

1

Rà soát, dừng vận hành các nhà máy điện than có tuổi thọ trên 30 năm nếu không có khả năng chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu khác; đàm phán dừng xây dựng hoặc chuyển đổi sang nguồn năng lượng khác đối với các nhà máy nhiệt điện than Công Thanh, Nam Định I, Vĩnh Tân III, Sông Hậu II đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh hiện đang gặp khó khăn trong triển khai.

Ủy ban QLVNN tại DN

Bộ CT, các Bộ,

ngành, địa phương

2023-2030

2

Xây dựng lộ trình chuyển đổi sang nguồn nguyên liệu khác hoặc đồng đốt đối với các nhà máy điện than đang xây dựng và vận hành từ nay tới 2030 và 2050; lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho các nhà máy nhiệt điện than, đồng bộ với lộ trình phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Bộ CT

Bộ TNMT, TC

2023 -2025

3

Triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật nâng cao hiệu suất các nhà máy điện truyền thống, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Các doanh nghiệp liên quan

Bộ CT

 

III

Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo

1

Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo.

Bộ CT

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp

2023-2050

2

Nghiên cứu xây dựng 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Bộ CT

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan

2025-2030

3

Thực hiện các dự án phát triển năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi...), năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh, sóng biển, địa nhiệt...), điện sinh khối, điện từ xử lý rác thải...

Bộ CT

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan

2025-2050

4

Xây dựng, thực hiện các dự án điện mặt trời mái nhà trên các tòa nhà công sở và nhà dân theo hướng tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp

 

2025-2050

5

Thúc đẩy việc sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị năng lượng tái tạo trong nước; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị cho việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Bộ CT

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp

2025-2050

IV

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

1

Tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, thương mại và dân dụng.

Bộ CT

Các Bộ, ngành, địa phương; doanh nghiệp

2023 - 2025

2

Áp dụng công nghệ mới, hiện đại theo hướng chuyển dịch sang phát triển kinh tế các-bon thấp, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải, hướng đến đáp ứng các quy định về phát thải các-bon trên đơn vị sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.

Các doanh nghiệp

Bộ KHCN, các Bộ, ngành

2023-2050

3

Thực hiện mô hình kinh doanh công ty dịch vụ tiết kiệm năng lượng (ESCO).

Bộ CT

Các doanh nghiệp

2025

V

Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng lưới điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng

 

 

 

1

Cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, nâng cao độ tin cậy, giảm tổn thất điện năng; đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống lưới điện thông minh.

EVN

Bộ CT, Các Bộ, ngành, địa phương; doanh nghiệp

2023 - 2030

2

Thúc đẩy hợp tác liên kết lưới điện với các nước trong khu vực để tăng cường khả năng liên kết hệ thống, trao đổi điện năng, tận dụng thế mạnh tài nguyên của các quốc gia.

Bộ CT

EVN, Bộ NG, các Bộ, ngành, địa phương; DN

2023 - 2030

3

Thực hiện các dự án thủy điện tích năng Bác Ái, Phước Hòa, Đông Phù Yên, Đơn Dương; đầu tư các dự án thủy điện tích năng và pin tích năng khả thi.

EVN

Bộ CT, Các Bộ, ngành, địa phương; doanh nghiệp

2023 - 2030

VI

Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải

1

Thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan ngành giao thông vận tải.

Bộ GTVT

Các Bộ, ngành, địa phương; doanh nghiệp

2023 - 2030

2

Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh trong giao thông vận tải.

Bộ GTVT

Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương; doanh nghiệp

2023 - 2030

3

Phát triển hạ tầng công cộng phục vụ xe điện và các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường khác ở các đô thị; phát triển mạng lưới sạc xe điện để đảm bảo thuận tiện và thích hợp với nhiều loại xe.

UBND các tỉnh, thành phố

Các Bộ, ngành, địa phương; doanh nghiệp

2023 - 2030

4

Phát triển sử dụng xe buýt điện và các nguồn năng lượng mới.

Bộ GTVT

Các Bộ, ngành, địa phương; doanh nghiệp

2024-2029

VII

Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ

1

Đẩy mạnh nghiên cứu các công nghệ mới, thúc đẩy hợp tác với khu vực tư nhân về chuyển giao công nghệ, áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đẩy nhanh và mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và quản lý hệ thống điện sạch.

Bộ CT

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp

2023-2050

2

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh…); nghiên cứu thí điểm công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng các-bon, đồng đốt ammonia đối với lò hơi (nhiệt điện than), đo đạc và thu hồi khí mê-tan trong các hoạt động khai thác than và dầu khí, lưu trữ, chế biến, vận chuyển các sản phẩm than, dầu khí và nhiên liệu.

Bộ KHCN

Các Bộ, ngành, PVN, EVN.

2023-2050

3

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành điện, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu, tự động hóa, điều khiển phục vụ công tác điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

EVN

Bộ CT, Bộ TTTT, các Bộ, ngành, địa phương

2023-2030

4

Xây dựng và thực hiện lộ trình bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị của ngành kinh tế sử dụng nhiều điện; tăng cường điện khí hóa, tăng tỷ trọng các phương tiện, thiết bị sử dụng điện.

Bộ CT

Các Bộ, ngành, địa phương; doanh nghiệp

2023 - 2030

5

Nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến, đổi mới công nghệ sạch trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân lớn để từng bước nắm giữ, chuyển đổi công nghệ.

Bộ KHCN

Các Bộ, ngành, địa phương; doanh nghiệp

2023 - 2030

6

Thành lập Trung tâm quốc tế về năng lượng tái tạo đặt tại Việt Nam

Bộ CT

Các Bộ, ngành, địa phương liên quan

2023 - 2030

VIII

Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng

1

Thực hiện đánh giá tác động kinh tế, xã hội, môi trường trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng đối với các đối tượng có liên quan.

Các Bộ, ngành, địa phương

Doanh nghiệp

2023 - 2050

2

Xây dựng các gói hỗ trợ tài chính trực tiếp từ Nhóm IPG, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, các định chế tài chính trong nước và quốc tế với các điều khoản hấp dẫn hơn các khoản vay có thể huy động trên thị trường để thực hiện các dự án chuyển đổi năng lượng.

Các doanh nghiệp

Bộ KHĐT, Ủy ban QLVNN tại DN, các Bộ, ngành liên quan

2023-2050

3

Các cơ sở thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình đưa mức phát thải ròng về “0” theo quy định.

Các doanh nghiệp

Bộ TNMT, các Bộ, ngành, địa phương liên quan

2023-2050

4

Xây dựng kế hoạch sử dụng đất đa mục tiêu cho sản xuất năng lượng tái tạo kết hợp với phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Các địa phương

Bộ TNMT, CT, các Bộ, ngành, doanh nghiệp

20232050

5

Phát triển lưới điện lưới điện siêu nhỏ, phát triển nguồn điện linh hoạt.

Các địa phương

Các doanh nghiệp

2023 - 2030

6

Cập nhật, bổ sung nội dung tạo việc làm xanh, hỗ trợ an sinh xã hội và khuyến khích tư nhân tham gia đào tạo, đào tạo lại lao động chịu ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi năng lượng trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030

Bộ LĐTBXH

Các Bộ, ngành, địa phương

2025

7

Thực hiện đào tạo và đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng; đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý ngành điện ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới.

Các địa phương, doanh nghiệp

 

2023 - 2050

8

Thực hiện đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý ngành điện; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực phát điện, truyền tải, phân phối, điều độ, thị trường điện, hệ thống điện thông minh.

Bộ CT

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan

2023 - 2050

9

Lồng ghép nội dung về chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong nội dung giảng dạy của hệ thống giáo dục phổ thông.

Bộ GD&ĐT

Bộ KH&CN, CT

2023 - 2030

10

Xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp an sinh xã hội thực hiện chuyển dịch công bằng đối với nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương.

Bộ LĐTBXH

Các Bộ, ngành, địa phương

2023 - 2030

11

Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và triển khai kết nối lưới điện với các nước láng giềng, các nước trong khu vực Đông Nam Á, các nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.

Bộ Công Thương

Các Bộ, ngành, địa phương; doanh nghiệp

2023 - 2030

IX

Truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi năng lượng năng lượng

1

Xây dựng kế hoạch truyền thông, huy động sự tham gia của toàn xã hội thực hiện chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bộ TTTT

Các Bộ, ngành, địa phương

2023

2

Thực hiện truyền thông đến người dân và doanh nghiệp về lộ trình, chính sách, lợi ích của chuyển đổi năng lượng nhằm khuyến khích chủ động tham gia và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi năng lượng.

Bộ ngành, địa phương

Các Bộ, ngành, địa phương

2025 - 2035

X

Thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng

 

 

 

1

Lồng ghép nội dung vận động hỗ trợ về tài chính, công nghệ và năng lực vào nội dung các cuộc trao đổi, chuyến thăm cấp cao, chương trình làm việc của các Bộ, ngành, địa phương với đối tác nước ngoài trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, điều kiện của các bên hướng tới thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng.

Bộ Ngoại giao

Bộ, ngành, địa phương

2023 - 2030

2

Vận động Nhóm các đối tác quốc tế hỗ trợ Việt Nam về tài chính và công nghệ theo cam kết và hỗ trợ bổ sung cho chuyển đổi năng lượng công bằng giai đoạn sau năm 2025.

Bộ Ngoại giao, TNMT

Bộ, ngành, địa phương

2023 - 2030

3

Chủ động tham gia và đóng góp tích cực tại các khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương, nhằm tích hợp nội dung về chuyển đổi công bằng trong quá trình hợp tác, đàm phán song phương và đa phương.

Bộ Ngoại giao, Bộ TNMT

Bộ, ngành, địa phương

2023 - 2030

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC NHÓM DỰ ÁN ƯU TIÊN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2025 TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TUYÊN BỐ CHÍNH TRỊ THIẾT LẬP QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG CÔNG BẰNG (JETP)
(Kèm theo Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

I. NHÓM DỰ ÁN VỀ ĐẦU TƯ LƯỚI ĐIỆN TRUYỀN TẢI

1. Hỗ trợ phát triển lưới điện

a) Nội dung: Huy động đầu tư tư nhân vào phát triển lưới điện, gồm: (1) Xác định phạm vi, ưu tiên và mô hình đầu tư của khu vực tư nhân vào lưới điện; (2) Hỗ trợ khung pháp lý để tạo thuận lợi cho đầu tư của khu vực tư nhân; (3) Hỗ trợ phát triển truyền dẫn qua biên giới và truyền dẫn ngoài khơi.

b) Đơn vị thực hiện: Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), EVN (Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia - NPT).

c) Tài chính: Nguồn vốn từ các thành viên Nhóm các đối tác quốc tế và các đối tác phát triển khác.

d) Thời gian: 01/2024 - 12/2026.

2. Đầu tư lưới điện truyền tải

a) Nội dung: (1) Hỗ trợ EVN (NPT) đầu tư cơ sở hạ tầng (nâng cấp, mở rộng truyền tải 500kV và 220kV, hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) và hệ thống quản lý năng lượng (EMS); (2) Hỗ trợ EVN (NPT) đầu tư phân phối 110kV và 22kV để tích hợp các nhà máy điện mặt trời, điện gió và hệ thống điện mặt trời mái nhà; (3) Thi công đường dây và trạm biến áp điện gió ngoài khơi.

b) Đơn vị thực hiện: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN (NPT) và các doanh nghiệp tư nhân.

c) Tài chính: Nguồn vốn từ các thành viên Nhóm các đối tác quốc tế, các đối tác phát triển khác, các ngân hàng thương mại Việt Nam.

d) Thời gian: 1/2024 - 12/2029.

II. NHÓM DỰ ÁN VỀ PIN LƯU TRỮ VÀ THỦY ĐIỆN TÍCH NĂNG

1. Hỗ trợ hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS)

a) Nội dung: Nhằm hỗ trợ nâng cấp ESS để đáp ứng các mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII gồm: (1) Nâng cao năng lực cho cán bộ, kỹ thuật viên về các yêu cầu kết nối; (2) Xây dựng khung chính sách cho ESS, bao gồm các quy định về thị trường điện về cung cấp các dịch vụ phụ trợ; (3) Đánh giá nhu cầu về Hệ thống lưu trữ năng lượng pin (BESS) và các bộ lưu trữ khác; hỗ trợ nghiên cứu khả thi.

b) Đơn vị thực hiện: Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN.

c) Tài chính: Nguồn vốn từ các thành viên Nhóm các đối tác quốc tế, các đối tác phát triển khác, các ngân hàng thương mại Việt Nam.

d) Thời gian: 1/2024 - 12/2026.

2. Đầu tư lưu trữ năng lượng

a) Nội dung: (1) Đầu tư dự án thí điểm BESS 50MW/50MWh của EVN để tìm hiểu về các dịch vụ phụ trợ, thông báo thiết kế cơ chế giá và tiêu chuẩn kỹ thuật; (2) thí điểm một dự án BESS 7MW / 7MWh tích hợp vào một trang trại năng lượng mặt trời 50 MW và một dự án BESS 105MW / 105MWh được tích hợp trong một trang trại năng lượng mặt trời 400 MW; (3) Hoàn thành nhà máy thủy điện tích năng Bắc Ái 1.200 MW, bao gồm hồ chứa trên và đường dây 18,8km 500 KV.

b) Đơn vị thực hiện: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, PVN, EVN và các doanh nghiệp tư nhân.

c) Tài chính: Nguồn vốn từ các thành viên Nhóm các đối tác quốc tế, các đối tác phát triển khác, các ngân hàng thương mại Việt Nam.

d) Thời gian: 01/2024 - 12/2029.

III. NHÓM DỰ ÁN PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI

1. Hỗ trợ phát triển điện điện gió ngoài khơi

a) Nội dung: Hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi thông qua: (1) Nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương, Bộ TN&MT và các tổ chức khác, hỗ trợ xây dựng chính sách về quy hoạch không gian biển và điện gió ngoài khơi; (2) Tài trợ để giảm chi phí của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên, ví dụ đo tốc độ gió và khảo sát địa vật lý, hỗ trợ công suất lắp đặt 2 GW; (3) Tài trợ cho việc thu thập dữ liệu môi trường và tốc độ gió liên tục ở các khu vực có tiềm năng kỹ thuật, lưu trữ dữ liệu, mô hình hóa và truyền thông dữ liệu, để cho phép lập kế hoạch, đầu tư và vận hành các nhà máy điện gió và lưới điện; (4) Khảo sát quy hoạch điện gió ngoài khơi.

b) Đơn vị thực hiện: Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, PVN.

c) Tài chính: Nguồn vốn từ các thành viên Nhóm các đối tác quốc tế, các đối tác phát triển khác, các ngân hàng thương mại Việt Nam.

d) Thời gian: 01/2024 - 12/2028

2. Đầu tư điện gió ngoài khơi

a) Nội dung: Đầu tư công suất lắp đặt lên đến 6GW, nối lưới vào năm 2030.

b) Đơn vị thực hiện: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, PVN, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

c) Tài chính: Nguồn vốn từ các thành viên Nhóm các đối tác quốc tế, các đối tác phát triển khác, các ngân hàng thương mại Việt Nam.

d) Thời gian: 01/2024 - 12/2029.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1009/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1009/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/08/2023
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/08/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản