Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1008/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT "QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP SƠN - MỰC IN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030"

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP

Căn cứ Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030";

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hóa chất,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp sơn - mực in Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển ngành công nghiệp sơn - mực in Việt Nam phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất và Quy hoạch các ngành, lĩnh vực liên quan đã được phê duyệt.

b) Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

c) Đầu tư cải tiến công nghệ nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, sản xuất các sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã và thân thiện với môi trường.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp sơn - mực in tương đối đồng bộ từ khâu cung ứng nguyên liệu, sản xuất đến sản phẩm cuối cùng. Từng bước tăng dần tỷ trọng nguyên liệu trong nước, đáp ứng phần lớn nhu cầu thị trường nội địa, giảm tỷ trọng nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp sơn - mực in đến năm 2020 đạt 12 - 13%, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 14%.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp sơn - mực in đến năm 2020 đạt 13%; giai đoạn 2021 - 2030 đạt 14%.

- Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp sơn - mực in trong toàn ngành công nghiệp hóa chất tăng từ 11% năm 2012 lên 11,5% vào năm 2020 và đạt 12% vào năm 2030.

- Phấn đấu đến năm 2020, nguồn nguyên liệu trong nước có khả năng đáp ứng được 50% về giá trị tổng nhu cầu của toàn ngành và đến năm 2030 đáp ứng 75% về giá trị tổng nhu cầu của toàn ngành.

3. Định hướng phát triển

a) Phát triển ngành công nghiệp sơn - mực in theo hướng từng bước loại bỏ các công nghệ, thiết bị lạc hậu thay bằng các công nghệ, thiết bị tiên tiến, hạn chế sử dụng các nguyên liệu, hóa chất nguy hại tới môi trường sinh thái và sức khỏe con người, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt và giá trị cao.

b) Tập trung đầu tư vào các nhóm sản phẩm có giá trị sử dụng cao, đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển sản xuất các loại nhựa tạo màng, bột màu, hóa chất, phụ gia cho ngành.

4. Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp sơn - mực in Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

4.1. Quy hoạch phát triển đến năm 2020

a) Giai đoạn đến năm 2015:

Mở rộng, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất sơn - mực in hiện có, loại bỏ dần các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, cụ thể như sau:

- Đối với nhóm sản phẩm sơn: Mở rộng, nâng tổng công suất các cơ sở sản xuất sơn hiện có lên 400 triệu lít/năm.

- Đối với nhóm sản phẩm mực in: Mở rộng, nâng tổng công suất các cơ sở sản xuất mực in hiện có lên 30.000 tấn/năm

- Đối với nhóm sản phẩm nguyên liệu, phụ liệu: Mở rộng, nâng tổng công suất các cơ sở sản xuất nguyên liệu nhựa alkyd, nhựa acrylic và một số loại khác lên 160.000 tấn/năm.

b) Giai đoạn đến năm 2020:

Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Chú trọng đầu tư các sản phẩm sơn bảo vệ và sơn tàu biển, sơn gỗ đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu; phát triển một số sản phẩm sơn mới, thân thiện với môi trường. Nâng tổng công suất sơn các loại lên 570 triệu lít/năm, mực in các loại lên 50.000 tấn/năm. Đầu tư mới, nâng tổng công suất nguyên liệu nhựa các loại lên 230.000 tấn/năm và sản xuất một số loại dung môi hữu cơ.

- Đối với nhóm sản phẩm sơn:

Mở rộng nâng tổng công suất các cơ sở sản xuất sơn trang trí - xây dựng hiện có lên 280 triệu lít/năm và xây dựng mới 01 nhà máy sản xuất sơn trang trí - xây dựng có công suất 50 triệu lít/năm.

Mở rộng, nâng công suất đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm của một hoặc hai nhà máy sản xuất sơn bảo vệ và sơn tàu biển trọng điểm hiện có lên 60 triệu lít/năm

Mở rộng, nâng tổng công suất các cơ sở sản xuất sơn bột tĩnh điện hiện có lên 35.000 tấn/năm.

Mở rộng, nâng tổng công suất các nhà máy sản xuất sơn gỗ hiện có lên 90 triệu lít/năm và xây dựng mới 01 nhà máy sản xuất sơn gỗ có công suất 20 triệu lít/năm.

- Đối với nhóm sản phẩm mực in:

Mở rộng, nâng công suất, nâng cao chất lượng sản phẩm các cơ sở sản xuất mực in hiện có lên 40.000 tấn/năm và xây dựng mới 01 nhà máy sản xuất mực in chất lượng cao có công suất 10.000 tấn/năm.

- Đối với nhóm sản phẩm nguyên, phụ liệu:

Mở rộng, nâng công suất các cơ sở sản xuất nguyên liệu nhựa tạo màng hiện có lên 180.000 tấn/năm và xây dựng mới 01 nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa (alkyd, acrylic, epoxy, polyurethane…) có công suất 50.000 tấn/năm.

Xây dựng mới nhà máy sản xuất dung môi các loại cho ngành sơn - mực in có công suất 20.000 tấn/năm, cung cấp cho các cơ sở sản xuất sơn dầu, sơn gỗ và mực in trong nước.

Xây dựng mới nhà máy sản xuất bột màu vô cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước có công suất 6.000 tấn/năm.

4.2. Tầm nhìn đến năm 2030:

- Đối với nhóm sản phẩm sơn

Mở rộng, nâng tổng công suất các nhà máy sản xuất sơn trang trí - xây dựng lên 700 triệu lít/năm.

Mở rộng, nâng tổng công suất các nhà máy sản xuất sơn tàu biển và sơn bảo vệ lên 80 triệu lít/năm. Xây dựng mới các nhà máy sơn tàu biển và sơn bảo vệ chất lượng cao có tổng công suất 60 triệu lít/năm.

Đầu tư xây dựng mới 02 nhà máy sản xuất sơn gỗ, công suất mỗi nhà máy 50 triệu lít/năm.

Mở rộng, nâng công suất các nhà máy sản xuất sơn bột tĩnh điện hiện có, hoặc xây dựng thêm các nhà máy mới với tổng công suất khoảng 45.000 tấn/năm nhằm đáp ứng nhu cầu dự kiến hoảng 80.000 tấn/năm đến năm 2030.

- Đối với nhóm sản phẩm mực in:

Đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất các nhà máy mực in hiện có nhằm đạt mục tiêu đáp ứng được 100.000 tấn mực in các loại/năm vào năm 2030. Chú trọng phát triển các sản phẩm mực in chất lượng cao, kể cả mực in kỹ thuật số.

- Đối với nhóm sản phẩm nguyên, phụ liệu:

Mở rộng, nâng công suất hoặc xây dựng mới nhà máy sản xuất dung môi theo nhu cầu của thị trường và cân đối với nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước.

Đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng, nâng công suất nhà máy sản xuất bột màu vô cơ lên tổng công suất 12.000 tấn/năm.

Danh mục các dự án đầu tư trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp sơn - mực in Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thể hiện tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.

5. Các giải pháp và cơ chế chính sách thực hiện Quy hoạch

5.1. Nhóm giải pháp đột phá

a) Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ

- Tăng cường năng lực của các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành và các phòng kỹ thuật công nghệ của  các công ty để có đủ khả năng tiếp cận và tổ chức nghiên cứu triển khai các công nghệ mới.

- Khuyến khích các tổ chức khoa học - công nghệ, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ để sản xuất nguyên liệu sơn - mực in đặc biệt sơn - mực in chất lượng cao, chất phụ gia cho ngành công nghiệp sơn - mực in, các loại nhựa tạo màng, các loại bột màu trong nước chưa sản xuất được cũng như các hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu các sản phẩm sơn - mực in.

- Khuyến khích các doanh nghiệp thông qua liên doanh, liên kết thực hiện chuyển giao công nghệ để sản xuất thiết bị trong nước phục vụ cho ngành công nghiệp sơn - mực in, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật hiện đại.

- Hỗ trợ phát triển một số doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong lĩnh vực ngành công nghiệp sơn - mực in đủ mạnh để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường, xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và trên thế giới.

b) Giải pháp phát triển và đảm bảo nguồn nhân lực

- Đào tạo chuyên sâu, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các Viện nghiên cứu chuyên ngành, các bộ phận phụ trách kỹ thuật, công nghệ, quản lý của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơn - mực in.

- Tăng cường công tác đào tạo chuyên ngành sơn - mực in tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề; đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, bám sát nhu cầu thực tế.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nhân lực quản lý vận hành dự án sản xuất sơn - mực in.

c) Nâng cao năng lực hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn chuyên ngành cho các sản phẩm sơn - mực in Việt Nam, trước hết là các tiêu chuẩn về ngưỡng hàm lượng chì, hàm lượng thiếc, hàm lượng chất hữu cơ bay hơi phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn của khu vực và quốc tế.

- Đầu tư nâng cấp các hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng sản phẩm sơn - mực in tại các cơ quan kiểm nghiệm chất lượng có thẩm quyền.

5.2. Nhóm giải pháp dài hạn

a) Giải pháp về thị trường

- Tăng cường đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu, dự báo thị trường và xúc tiến thương mại để có các dữ liệu đầy đủ, chính xác và kịp thời về thị trường.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến xuất khẩu, bao gồm tất cả các thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng, đặc biệt chú trọng tới nhu cầu và đặc tính tiêu dùng của các thị trường, tạo cơ sở cho việc phát huy các lợi thế so sánh của ngành công nghiệp sơn - mực in, phù hợp với nhu cầu của các thị trường chủ chốt.

- Các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm, có chiến lược phát triển lâu dài để giữ vững và phát triển thị phần, nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, củng cố và phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm.

- Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ở trong nước cũng như ngoài nước.

b) Giải pháp về đầu tư

- Huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế.

- Không cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư có công nghệ, thiết bị lạc hậu.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kết hợp đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ưu tiên đầu tư sản xuất nguyên liệu phục vụ cho ngành và sản xuất sơn - mực in dùng trong các lĩnh vực công nghệ cao.

c) Giải pháp bảo vệ môi trường

- Ưu tiên phát triển các dự án áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, ít chất thải, tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu và tái sử dụng các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.

- Đẩy nhanh quá trình di dời, tập trung các nhà máy sản xuất sơn - mực in vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Đóng cửa các cơ sở sản xuất sơn - mực in sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

- Thực hiện đánh giá rủi ro hóa chất, xây dựng kế hoạch biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất, kiểm soát chặt chẽ những hóa chất có mức độ độc hại cao tại các cơ sở sản xuất sơn - mực in theo các quy định hiện hành.

5.3. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách

a) Chính sách xúc tiến đầu tư

- Công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trong từng thời kỳ để các nhà đầu tư lựa chọn các phương án đầu tư thích hợp.

b) Chính sách về tài chính

- Có cơ chế hỗ trợ tích cực cho các hoạt động khoa học công nghệ, hình thành doanh nghiệp mới, tiếp cận thị trường và phát triển thị trường mới.

c) Chính sách đất đai và cơ sở hạ tầng

- Có các quy định liên quan đến công tác di dân và giải phóng mặt bằng phù hợp và nhất quán nhằm hỗ trợ các chủ đầu tư dự án sản xuất sơn - mực in triển khai đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố Quy hoạch và chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện Quy hoạch, cụ thể:

a) Thường xuyên kiểm tra, theo dõi thực hiện Quy hoạch, giám sát chuyên ngành việc đáp ứng các điều kiện đầu tư và quản lý nhà nước đối với các dự án thuộc thẩm quyền.

b) Phối hợp chặt chẽ với các Tập đoàn: Hóa chất Việt Nam, Dầu khí Việt Nam và Than - Khoáng sản Việt Nam; Hiệp hội Sơn - Mực in Việt Nam…rà soát các mục tiêu đầu tư, xác định rõ các trọng tâm, trọng điểm để tập trung đầu tư và chỉ đạo điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo vùng lãnh thổ theo đúng định hướng.

2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quốc Phòng, Khoa học và Công nghệ, Y tế và Giáo dục và Đào tạo, theo chức năng phối hợp với Bộ Công Thương cụ thể hóa các giải pháp và cơ chế chính sách nêu trong Quy hoạch này.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp sơn - mực in Việt Nam đồng bộ và phù hợp với các quy hoạch liên quan của địa phương.

4. Các tổ chức Hội, Hiệp hội tăng cường vai trò liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, với Bộ Công Thương trong việc đề xuất các cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp sơn - mực in Việt Nam

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND, Sở Công Thương, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ Công Thương: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Trung tâm thuộc Bộ;
- Hiệp hội Sơn - mực in VN; Hội Hóa học Việt Nam;
- Tập đoàn: HCVN; Dầu khí VN; Than - Khoáng sản VN;
- Website Bộ Công Thương
- Lưu: VT, HC (5 bản)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Dương Quang

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRONG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP SƠN - MỰC IN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1008/QĐ-BCT ngày 08 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Đơn vị

Công suất

Thời điểm đầu tư

A

Quy hoạch giai đoạn đến 2020

1

Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng công suất các cơ sở sản xuất sơn hiện có

Các cơ sở hiện có

triệu lít/năm

400

2014-2015

2

Mở rộng các cơ sở sản xuất mực in hiện có

Các cơ sở hiện có

1.000 tấn/năm

30

2014-2015

3

Mở rộng các cơ sở sản xuất nguyên liệu nhựa hiện có

Các cơ sở hiện có

1.000 tấn/năm

160

2014-2015

4

Mở rộng các cơ sở sản xuất sơn trang trí - xây dựng hiện có

Các cơ sở hiện có

triệu lít/năm

280

2016-2020

5

Mở rộng, nâng công suất, nâng cao chất lượng sản phẩm 1 hoặc 2 nhà máy sản xuất sơn bảo vệ và sơn tàu biển trọng điểm hiện có

Các cơ sở hiện có

triệu lít/năm

60

2016-2020

6

Mở rộng các cơ sở sản xuất sơn bột tĩnh điện hiện có

Các cơ sở hiện có

1.000 tấn/năm

35

2016-2020

7

Mở rộng các cơ sở sản xuất sơn gỗ hiện có

Các cơ sở hiện có

triệu lít/năm

90

2016-2020

8

Mở rộng, nâng công suất, nâng cao chất lượng sản phẩm các cơ sở sản xuất mực in hiện có

Các cơ sở hiện có

1.000 tấn/năm

40

2016-2020

9

Mở rộng các cơ sở sản xuất nguyên liệu nhựa hiện có

Các cơ sở hiện có

1.000 tấn/năm

180

2016-2020

10

Nhà máy sản xuất sơn trang trí - xây dựng

Miền Bắc

triệu lít/năm

50

2016-2020

11

Nhà máy sản xuất sơn gỗ

Miền Bắc hoặc miền Nam

triệu lít/năm

20

2016-2020

12

Nhà máy sản xuất mực in chất lượng cao

Miền Nam

1.000 tấn/năm

10

2016-2020

13

Nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa (alkyd, acrylic, epoxy, polyurethane…)

Miền Trung

1.000 tấn/năm

50

2016-2020

14

Nhà máy sản xuất dung môi hữu cơ

Miền Trung

1.000 tấn/năm

20

2016-2020

15

Nhà máy sản xuất bột màu vô cơ

Miền Nam

1.000 tấn/năm

6

2016-2020

(*) Quy mô, vốn đầu tư, địa điểm xây dựng của dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư cho phù hợp với thực tế.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1008/QĐ-BCT năm 2014 phê duyệt "Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp sơn - mực in Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 1008/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/02/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Lê Dương Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản