Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1005/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU CƠ SỞ CÔNG TRÌNH NHÀ QUỐC HỘI

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước công trình Nhà Quốc hội;

Căn cứ Quyết định số 1442/QĐ-HĐNTNQH ngày 04 tháng 8 năm 2010 của Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước công trình Nhà Quốc hội (sau đây viết tắt là HĐNTNQH) về việc ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng;

Căn cứ công văn số 1135-HĐNTNN ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) “Hướng dẫn nghiệm thu các công trình xây dựng được HĐNTNN kiểm tra hoặc nghiệm thu”;

Xét đề nghị của Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) tại tờ trình số 411/BQLDA-KT ngày 23 tháng 8 năm 2010 và của Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Hội đồng nghiệm thu cơ sở công trình Nhà Quốc hội (sau đây viết tắt là HĐNTCSNQH) gồm các Ông có tên sau:

1. Chủ tịch Hội đồng: Ông Lê Quang Hùng-Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng;

2. Phó Chủ tịch Hội đồng:

a) Ông Nguyễn Tiến Thành – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới);

b) Ông Lê Quang-Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng;

3. Các Ủy viên:

a) Ông Đỗ Thiều Quang – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới);

b) Ông Hà Mạnh Hoạt- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng;

c) Ông Nguyễn Văn Công- Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định xây dựng;

d) Ông Joern Otmar- Chủ nhiệm dự án của Liên danh thiết kế Gmp International GmbH-Inros Lackner;

đ) Người đại diện theo pháp luật của Nhà thầu chính thi công xây dựng thực hiện gói thầu được nghiệm thu.

Khi tổng nghiệm thu công trình hoàn thành đưa vào sử dụng thì toàn bộ Người đại diện theo pháp luật của các Nhà thầu chính thi công xây dựng đều tham gia nghiệm thu.

Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp (nhà thầu chính thiết kế xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình và thi công xây dựng xây dựng công trình) có thể ủy quyền Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực tham gia.

Điều 2. Trách nhiệm của HĐNTCSNQH:

1. Ban hành “Quy chế hoạt động của HĐNTCSNQH” trong đó nêu rõ nguyên tắc làm việc, quy trình triển khai hoạt động, trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên của Hội đồng, quan hệ giữa HĐNTCSNQH và với HĐNTNQH, quy định về việc phát hành văn bản của HĐNTCSNQH.

2. Lập kế hoạch nghiệm thu toàn bộ công trình, trong đó xác định những giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng; trực tiếp tiến hành nghiệm thu những giai đoạn chuyển bước thi công đó; nghiệm thu để bàn giao đưa vào sử dụng những hạng mục công trình đã xây dựng xong và nghiệm thu bàn giao đưa toàn bộ công trình hoàn thành vào sử dụng.

3. HĐNTCSNQH làm việc độc lập và thực hiện các yêu cầu của HĐNTNQH đối với hoạt động nghiệm thu tại khoản 2 Điều này.

4. Chịu trách nhiệm trước HĐNTNQH và trước pháp luật về các ý kiến, kết luận về chất lượng công trình do HĐNTCSNQH nghiệm thu.

5. Trình HĐNTNQH:

a) Kế hoạch nghiệm thu những giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng

của từng hạng mục công trình thuộc dự án, tiến độ nghiệm thu từng hạng mục công trình và toàn bộ công trình để HĐNTNQH phê duyệt;

b) Quy chế hoạt động của HĐNTCSNQH.

6. Tiến hành kiểm tra và nghiệm thu từng giai đoạn hoặc từng hạng mục công trình trước khi HĐNTNQH nghiệm thu hay kiểm tra và phải trình HĐNTNQH các tài liệu sau:

a) Báo cáo tóm tắt những kết luận của HĐNTCSNQH về các vấn đề dưới đây:

- Quá trình thi công xây dựng giai đoạn, hạng mục công trình hoặc công trình;

- Chất lượng thi công giai đoạn, hạng mục công trình hoặc công trình hoàn thành;

- Tình hình chuẩn bị các điều kiện để đưa hạng mục công trình hoặc công trình hoàn thành vào sử dụng như: nguồn vật tư kỹ thuật, năng lượng, điện, nước, hơi; lực lượng cán bộ công nhân quản lý vận hành; các cơ sở phục vụ sinh hoạt và quản lý ...;

- Mức độ phù hợp của hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng hoàn thành với thiết kế được duyệt, tuân theo những yêu cầu của Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và các quy định, chỉ dẫn kỹ thuật (specification) được áp dụng cho công trình; các tài liệu xác nhận về mức độ phù hợp của công suất với công suất thiết kế được duyệt;

- Những kiến nghị của HĐNTCSNQH (nếu có) về các biện pháp nhằm bảo đảm khai thác công suất thiết kế và sử dụng công trình: về việc cải thiện chất lượng thiết bị và cải tiến các quá trình của công nghệ quản lý nhằm tăng tuổi thọ của công trình và nâng cao hiệu quả kinh tế.

b) Hồ sơ hoàn thành công trình theo danh mục nêu tại Phụ lục số 7 Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng “ Hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng”.

c) Các văn bản về bảo hiểm thiết bị và công trình (nếu có);

d) Biên bản Nghiệm thu giai đoạn xây dựng, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng hoàn thành để đưa vào sử dụng của HĐNTCS (đối với trường hợp chấp nhận nghiệm thu);

đ) Biên bản về các sai sót trong xây dựng hoặc trong thiết kế làm ảnh hưởng đến độ bền vững, độ an toàn và mỹ quan của công trình hoặc gây cản trở cho hoạt động bình thường của thiết bị được lắp đặt vào công trình trong đó có quy định trách nhiệm, thời hạn sửa chữa cho các bên có liên quan (đối với trường hợp không chấp nhận nghiệm thu).

Điều 3. Nội dung công tác nghiệm thu công trình của HĐNTCSNQH:

1. Chỉ tổ chức nghiệm thu những giai đoạn, hạng mục công trình hoặc công trình hoàn thành theo yêu cầu của HĐNTNQH trước các đợt kiểm tra hoặc nghiệm thu của HĐNTNQH, bao gồm: giai đoạn thi công cọc móng, toàn bộ móng và tầng hầm, kết cấu thân của công trình ( hoặc từng hạng mục công trình), chạy thử thiết bị công trình hoặc thiết bị công nghệ có tải và hoàn thiện toàn bộ công trình mà không nghiệm thu công việc xây dựng .

Kết quả nghiệm thu giai đoạn được lập thành Biên bản theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định 49/2008/NĐ-CP);

Kết quả nghiệm thu để bàn giao đưa vào sử dụng những hạng mục công trình hoặc công trình đã hoàn thành được lập thành Biên bản theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2008/NĐ-CP;

2. Đối với hệ thống thiết bị chạy thử tổng hợp thì ngoài những quy định về chạy thử, thử nghiệm hiện hành còn phải tiến hành những công việc sau:

a) Sau khi nhà thầu lắp đặt đã tiến hành thí nghiệm và chạy thử xong từng máy móc, thiết bị, HĐNTCSNQH xem xét, kiểm tra nếu thoả mãn những yêu cầu của việc chạy thử tổng hợp thì chấp nhận nghiệm thu và lập biên bản ;

b) Kể từ khi HĐNTCSNQH ký biên bản nghiệm thu, Ban quản lý dự án phải tiếp nhận và bảo quản những thiết bị đó;

c) Sau khi bên chủ đầu tư điều chỉnh và chạy thử tổng hợp (có sự cộng tác của nhà thầu lắp đặt và nhà máy chế tạo thiết bị ) gồm chạy không tải và chạy theo chế độ công tác, HĐNTCSNQH kiểm tra và quyết định việc cho phép đưa hệ thống thiết bị đó vào sử dụng.

3. Đối với những hạng mục công trình và toàn bộ công trình đã xây dựng xong thì HĐNTCSNQH phải thực hiện những quy định sau đây:

a) Kiểm tra những điều kiện chuẩn bị để đưa hạng mục công trình, công trình vào sử dụng;

b) Kiểm tra và đánh giá chất lượng công tác xây dựng, thiết bị, máy móc, vật liệu, cấu kiện đã sử dụng vào công trình, trên cơ sở đó đánh giá chất lượng xây dựng chung của công trình;

c) Kiểm tra sự phù hợp của quy mô và giá thành công trình thực tế với quy mô và giá dự toán thiết kế được duyệt.

Điều 4. Quyền hạn của HĐNTCSNQH:

1. Yêu cầu các nhà thầu nhận thầu xây dựng thử nghiệm bổ sung và chủ đầu tư chạy thử tổng hợp hệ thống thiết bị máy móc để kiểm tra;

2. Thành lập các tiểu ban chuyên môn về kinh tế, kỹ thuật để kiểm tra từng loại công việc, từng thiết bị, từng hạng mục công trình, toàn bộ công trình và kiểm tra kinh phí xây dựng.

3. Thành lập Ban phúc tra để theo dõi và kiểm tra việc sửa chữa các sai sót hoặc hư hỏng. Sau khi các sai sót hoặc hư hỏng đã được sửa chữa xong. Ban phúc tra lập biên bản xác nhận và báo cáo lên Chủ tịch HĐNTCSNQH.

Thành phần Ban phúc tra gồm có: Nguời Đại diện theo pháp luật của Ban quản lý dự án làm Trưởng ban và Người Đại diện theo pháp luật của nhà thầu chính xây dựng thực hiện gói thầu được phúc tra là thành viên.

4. Trên cơ sở kết quả của việc thực hiện các quy định nêu tại Điều 3 của Quyết định này, HĐNTCSNQH quyết định một trong hai trường hợp sau đây:

a) Trường hợp thứ nhất: Chấp nhận nghiệm thu để bàn giao đưa vào sử dụng hạng mục công trình, công trình đã xây dựng xong.

b) Trường hợp thứ hai: Không chấp nhận nghiệm thu hạng mục công trình, công trình khi phát hiện thấy sai sót trong xây dựng hoặc trong thiết kế làm ảnh hưởng đến độ bền vững, độ an toàn và mỹ quan của công trình hoặc gây cản trở cho hoạt động bình thường của dây chuyền sử dụng. HĐNTCSNQH lập biên bản về các vấn đề trên và quy định thời hạn sửa chữa cho các bên có liên quan. Chi phí do bên gây ra sai sót chi trả.

5. HĐNTCSNQH được sử dụng con dấu của Bộ Xây dựng trong những việc sau: giấy mời, báo cáo, biên bản nghiệm thu giai đoạn, hạng mục công trình hoặc công trình hoàn thành.

Điều 5. Chi phí hoạt động của HĐNTCSNQH:

1. Chi phí hoạt động của HĐNTCSNQH bao gồm: chi mua văn phòng phẩm, chi mua tài liệu, chi phí hội họp.

2. Chi phí cho hoạt động của HĐNTCSNQH được dự trù trong tổng dự toán công trình. Ban Quản lý dự án có trách nhiệm lập dự toán và lập quyết toán cho hoạt động của HĐNTCSNQH. Chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt dự toán, quyết toán và thanh toán chi phí của HĐNTCSNQH.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và hết hiệu lực kể từ khi có quyết định của HĐNTNQH phê duyệt biên bản nghiệm thu công trình để bàn giao đưa vào sử dụng

Điều 7. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội các thành viên HĐNTCSNQH có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Lưu: VP, CGĐNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Phạm Khánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1005/QĐ-BXD năm 2010 thành lập Hội đồng nghiệm thu cơ sở công trình Nhà Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 1005/QĐ-BXD
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/11/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Bùi Phạm Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản