Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1001/QĐ-TCT

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, KÉO DÀI THỜI GIAN GIỮ CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO CẤP ĐỘI VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG Ở CHI CỤC THUẾ TRỰC THUỘC CỤC THUẾ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ

Căn cứ Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính; Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018;

Căn cứ Quyết định số 538/QĐ-BTC ngày 24/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 1836/QĐ-BTC ngày 08/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế trực thuộc Tổng cục Thuế;

Căn cứ Quyết định số 2626/QĐ-BTC ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, từ chức, miễn nhiệm; luân chuyển, điều động, biệt phái và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các chức danh Lãnh đạo cấp Đội và tương đương ở Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế các tỉnh, thành phố”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 152/QĐ-TCT ngày 18/02/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy định về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh Đội trưởng, Phó Đội trưởng ở Chi cục Thuế thuộc Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các quy định, hướng dẫn có liên quan trái với quy định tại Quyết định này.

Điều 3. Các ông (bà): Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Ban Lãnh đạo Tổng cục Thuế;
- Vụ Tổ chức cán bộ - BTC;
- Cục Thuế các tnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, TCCB (2b).

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUY ĐỊNH BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, KÉO DÀI THỜI GIAN GIỮ CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO, CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO CẤP ĐỘI VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG Ở CHI CỤC THUẾ TRỰC THUỘC CỤC THUẾ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1001/QĐ-TCT ngày 28/6/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng

1. Quy định này quy định về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với các chức danh Đội trưởng/Trưởng phòng, Phó Đội trưởng/Phó Trưởng phòng ở Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế các tỉnh, thành phố (gọi chung là Đội trưởng, Phó Đội trưởng).

2. Quy định này được áp dụng cùng với Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, từ chức, miễn nhiệm; luân chuyển, điều động, biệt phái và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 2626/QĐ-BTC ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các quy định khác có liên quan trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của nhà nước và của ngành.

Các quy định khác liên quan đến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với chức danh Đội trưởng, Phó Đội trưởng ở Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế các tỉnh, thành phố (như nguyên tắc; thẩm quyền và trách nhiệm; điều kiện bổ nhiệm; thời hạn giữ chức vụ; quy định về việc tổ chức hội nghị và tổ chức lấy phiếu; chủ trương bổ nhiệm; bổ nhiệm đối với các trường hợp khác; hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; tiêu chuẩn, điều kiện về bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; thời điểm, thời hạn thực hiện bổ nhiệm lại hoặc thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; các mẫu biểu về biên bản, phiếu,...) và thủ tục về từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động, biệt phái, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện theo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, từ chức, miễn nhiệm; luân chuyển, điều động, biệt phái và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 2626/QĐ-BTC ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 2. Quy trình bổ nhiệm:

Việc đề xuất chủ trương bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 10 Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, từ chức, miễn nhiệm; luân chuyển, điều động, biệt phái và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 2626/QĐ-BTC ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; trong đó, đối với trường hợp nhân sự do Chi cục Thuế đề xuất, tập thể Lãnh đạo và cấp ủy Chi cục Thuế họp, có tờ trình (kèm theo biên bản, hồ sơ có liên quan) trình báo cáo Cục Thuế xem xét, phê duyệt.

Trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm được tập thể lãnh đạo Cục Thuế phê duyệt; Chi cục Thuế và Phòng Tổ chức cán bộ phối hợp triển khai quy trình, thủ tục như sau:

1. Quy trình đối với nguồn nhân sự tại chỗ (nhân sự đang công tác tại Đội dự kiến bổ nhiệm, đáp ứng điều kiện về quy hoạch để bổ nhiệm đối với nguồn nhân- sự tại chỗ).

Trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm từ nguồn nhân sự tại chỗ được phê duyệt, lãnh đạo Chi cục Thuế chủ trì, phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ tiến hành các công việc sau:

1.1. Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục (lần 1):

- Chủ trì Hội nghị: Chi cục trưởng.

- Thành phần Hội nghị: Tập thể lãnh đạo Chi cục.

- Nội dung Hội nghị:

Trên cơ sở chủ trương đã được Cục Thuế phê duyệt, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và tình hình nguồn nhân sự được quy hoạch chức danh lãnh đạo dự kiến bổ sung, đơn vị tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo để thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự.

Kết quả thảo luận và đề xuất tại Hội nghị được ghi thành biên bản

1.2. Bước 2: Hội nghị tập thể lãnh đạo “mở rộng” của Đội:

- Chủ trì Hội nghị: Đại diện lãnh đạo Chi cục.

- Thành phần hội nghị: Tập thể Lãnh đạo Đội; Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp (nếu có). (Trường hợp đơn vị không có Ban Thường vụ cấp ủy thì Bí thư, Phó Bí thư tham dự; trường hợp cấp ủy đơn vị chưa kiện toàn được Bí thư và Phó Bí thư nhưng có Chi ủy viên thì các Chi ủy viên tham dự hội nghị; trường hợp Chi bộ được ghép từ nhiều đội, thì thành phần dự họp của tổ chức đảng được xác định theo Chi bộ ghép).

- Nội dung Hội nghị: Thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự, tiến hành nhận xét, đánh giá và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

- Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: Mỗi thành viên giới thiệu 01 người cho 01 chức vụ; người nào có số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập tham gia bỏ phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì lựa chọn 02 người có sổ phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu ở các bước tiếp theo.

- Kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này.

- Các văn bản được lập tại Hội nghị gồm: Biên bản Hội nghị, Bản tổng hợp phiếu, Biên bản kiểm phiếu.

1.3. Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục (lần 2):

- Chủ trì: Chi cục trưởng.

- Thành phần Hội nghị: Tập thể lãnh đạo Chi cục.

- Nội dung Hội nghị:

+ Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu và khả năng đáp ứng yêu cầu của nhân sự;

+ Thông báo danh sách nhân sự được giới thiệu ở bước 2; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác, nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển, dự kiến phân công công tác.

+ Lấy phiếu giới thiệu bổ nhiệm.

- Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: Mỗi thành viên giới thiệu 01 người cho 01 chức vụ trong số nhân sự giới thiệu ở bước 2 hoặc giới thiệu người khác có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; người nào có số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo tham gia bỏ phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì lựa chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để lấy phiếu tín nhiệm tại hội nghị công chức Bước 4.

- Kết quả kiểm phiếu được công bố tại hội nghị này.

- Trường hợp kết quả giới thiệu của tập thể lãnh đạo khác với kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì báo cáo, giải trình rõ với lãnh đạo Cục Thuế xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành các bước tiếp theo.

- Các văn bản được lập tại Hội nghị gồm: Biên bản Hội nghị, Bàn tổng hợp phiếu, Biên bản kiểm phiếu.

1.4. Bước 4: Hội nghị toàn thể công chức của Đội

- Chủ trì Hội nghị: Đại diện lãnh đạo Chi cục.

- Thành phần hội nghị: Toàn thể công chức thuộc Đội có nhân sự dự kiến bổ nhiệm.

- Nội dung Hội nghị:

+ Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nhân sự.

+ Thông báo danh sách nhân sự do tập thể lãnh đạo giới thiệu (ở bước 3); tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác.

+ Công khai bản kê khai tài sản của người dự kiến được bổ nhiệm theo quy định hiện hành: Ban Tổ chức Hội nghị phát cho các thành viên tham dự Hội nghị hoặc niêm yết tại bản tin các bản kê khai của nhân sự (gồm bản kê khai lần đầu, bản kê khai phục vụ việc bổ nhiệm và bản kê khai hằng năm hoặc bản kê khai bổ sung liền trước đó theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị). Các bản kê khai tài sản được Ban Tổ chức thu hồi ngay sau khi kết thúc hội nghị. Người chủ trì trực tiếp hoặc phân công một thành viên tham dự Hội nghị đọc bản kê khai phục vụ việc bổ nhiệm và kết luận xác minh tài sản, thu nhập (nếu có); người kê khai có quyền giải thích các ý kiến nêu tại cuộc họp liên quan tới bản xác minh. Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập phải được ghi vào biên bản cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

+ Lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm đối với nhân sự được giới thiệu tại bước 3 bằng phiếu kín.

+ Kết quả kiểm phiếu không công bố tại Hội nghị này.

- Các văn bản được lập tại Hội nghị gồm: Biên bản Hội nghị, Bản tổng hợp phiếu, Biên bản kiểm phiếu.

1.5. Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục (lần 3):

- Chủ trì Hội nghị: Chi cục trưởng.

- Thành phần Hội nghị: Tập thể lãnh đạo Chi cục.

- Nội dung Hội nghị:

+ Phân tích kết quả lấy phiếu ở các hội nghị trước;

+ Xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có);

+ Có văn bản gửi Ban thường vụ hoặc cấp ủy của Chi cục Thuế (đối với những nơi không có Ban thường vụ) đề nghị có nhận xét, đánh giá và có ý kiến với dự kiến bổ nhiệm.

+ Thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín.

- Nguyên tắc lựa chọn: Người đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm.

Trường hợp có 02 người có số phiếu ngang nhau (đạt tỷ lệ 50%) thì lựa chọn nhân sự do Chi cục trưởng đề nghị bổ nhiệm; đồng thời tổng hợp, báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để Cục Thuế xem xét, quyết định.

- Các văn bản được lập tại Hội nghị gồm: Biên bản Hội nghị, Bản tổng hợp phiếu, Biên bản kiểm phiếu.

1.6. Phê duyệt kết quả:

- Chi cục tổng hợp kết quả, phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm, trình Cục Thuế (qua Phòng Tổ chức cán bộ).

- Phòng Tổ chức cán bộ trình Cục Thuế (Cục trưởng, Phó Cục trưởng phụ trách đơn vị, Phó Cục trưởng phụ trách tổ chức cán bộ - nếu có) xem xét, phê duyệt các nội dung:

+ Kết quả triển khai quy trình bổ nhiệm;

+ Văn bản lấy ý kiến của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự.

+ Văn bản lấy ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Thuế về dự kiến bổ nhiệm đối với việc bổ nhiệm ở Chi cục Thuế mà tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Cục Thuế.

- Căn cứ ý kiến của cấp ủy đảng có thẩm quyền, Phòng Tổ chức cán bộ trình lãnh đạo Cục Thuế thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín về nhân sự trước khi ban hành quyết định bổ nhiệm.

1.7. Lưu hành quyết định

- Chủ trì: Đại diện lãnh đạo Chi cục

- Thành phần tham dự: Đại diện Lãnh đạo Chi cục; đại diện Phòng Tổ chức cán bộ; toàn thể công chức, người lao động của Đội; đại diện cấp ủy, công đoàn, đoàn thanh niên của Chi cục.

- Nội dung: Công bố Quyết định bổ nhiệm; quán triệt việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với người được bổ nhiệm; người được bổ nhiệm phát biểu ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ ở cương vị được bổ nhiệm.

2. Quy trình đối với nguồn nhân sự từ nơi khác (là nhân sự đang công tác ngoài Đội thuế dự kiến bổ nhiệm, đáp ứng điều kiện về quy hoạch để bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác).

Trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm được phê duyệt, Phòng Tổ chức cán bộ phối hợp Chi cục Thuế tiến hành các công việc sau:

2.1. Trường hợp nhân sự do lãnh đạo Cục dự kiến điều động/tiếp nhận, bổ nhiệm:

a. Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị thực hiện một số công việc sau:

- Bước 1: Làm việc trực tiếp hoặc trao đổi ý kiến bằng văn bản với tập thể lãnh đạo, cấp ủy đơn vị tiếp nhận (Chi cục) về dự kiến điều động/tiếp nhận bổ nhiệm.

- Bước 2: Làm việc trực tiếp hoặc trao đổi ý kiến bằng văn bản với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị nơi nhân sự đang công tác về chủ trương điều động/tiếp nhận, bổ nhiệm và lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy về nhân sự; nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch của nhân sự theo quy định.

- Bước 3: Gặp nhân sự dự kiến điều động/tiếp nhận, bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ nhiệm vụ công tác.

(Các nội dung làm việc trực tiếp với đơn vị nơi đi, nơi đến và cá nhân phải được lập thành biên bản)

b. Phê duyệt kết quả và lấy ý kiến hiệp y bổ nhiệm:

- Phòng Tổ chức cán bộ tổng hợp kết quả triển khai và hoàn thiện hồ sơ điều động/tiếp nhận, bổ nhiệm, lập tờ trình kèm theo hồ sơ bổ nhiệm trình Cục Thuế (Cục trưởng, Phó Cục trưởng phụ trách đơn vị, Phó Cục trưởng phụ trách tổ chức cán bộ - nếu có) xem xét, phê duyệt:

+ Kết quả triển khai quy trình điều động/tiếp nhận bổ nhiệm.

+ Văn bản lấy ý kiến của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự.

+ Văn bản lấy ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Thuế về dự kiến bổ nhiệm đối với việc bổ nhiệm ở Chi cục Thuế mà tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Cục Thuế.

c. Căn cứ ý kiến của cấp ủy đảng có thẩm quyền, Phòng Tổ chức cán bộ hoàn thiện hồ sơ, trình lãnh đạo Cục Thuế thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín về nhân sự trước khi ban hành quyết định điều động/tiếp nhận, bổ nhiệm.

2.2. Trường hợp nhân sự do Chi cục đề xuất:

a. Lãnh đạo Chi cục phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ thực hiện một số công việc sau:

- Bước 1: Gặp nhân sự được đề nghị điều động/tiếp nhận bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác.

- Bước 2: Làm việc trực tiếp hoặc trao đổi ý kiến bằng văn bản với tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị nơi nhân sự đang công tác về chủ trương điều động, bổ nhiệm; lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy đối với nhân sự; nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch của nhân sự theo quy định.

- Bước 3: Tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị nơi tiếp nhận (Chi cục) thảo luận, nhận xét, đánh giá về phương án nhân sự điều động/tiếp nhận, bổ nhiệm và tiến hành biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Nhân sự được đề nghị bổ nhiệm phải đạt tỷ lệ trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo và cấp ủy tham dự hợp đồng ý. Nếu đạt tỷ lệ 50% thì tổng hợp báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau, ý kiến của người đứng đầu để Cục Thuế xem xét, quyết định.

(Các nội dung làm việc trực tiếp với đơn vị nơi đi, nơi đến và cá nhân phải được lập thành biên bản)

b. Phê duyệt kết quả và lấy ý kiến hiệp y bổ nhiệm:

- Phòng Tổ chức cán bộ tổng hợp kết quả triển khai và hoàn thiện hồ sơ điều động/tiếp nhận bổ nhiệm, lập tờ trình kèm theo hồ sơ bổ nhiệm trình Cục Thuế (Cục trưởng, Phó Cục trưởng phụ trách đơn vị, Phó Cục trưởng phụ trách tổ chức cán bộ - nếu có) xem xét, phê duyệt:

+ Kết quả triển khai quy trình điều động/tiếp nhận, bổ nhiệm.

+ Văn bản lấy ý kiến của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự.

+ Văn bản lấy ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Thuế về dự kiến bổ nhiệm đối với việc bổ nhiệm ở Chi cục Thuế mà tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Cục Thuế.

c. Căn cứ ý kiến của cấp ủy đảng có thẩm quyền, Phòng Tổ chức cán bộ hoàn thiện hồ sơ, trình lãnh đạo Cục Thuế thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín về nhân sự trước khi ban hành quyết định điều động/tiếp nhận, bổ nhiệm.

2.3. Lưu hành quyết định

- Chủ trì: Đại diện Lãnh đạo Chi cục

- Thành phần tham dự: Đại diện Phòng Tổ chức cán bộ; toàn thể công chức, người lao động của Đội; đại diện cấp ủy, công đoàn, đoàn thành niên của Chi cục; đại diện lãnh đạo của đơn vị nơi nhân sự công tác trước khi được điều động/tiếp nhận, bổ nhiệm.

- Nội dung: Công bố Quyết định bổ nhiệm; quán triệt việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với người được bổ nhiệm; người được bổ nhiệm phát biểu ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ ở cương vị được bổ nhiệm

3. Hồ sơ bổ nhiệm:

Thực hiện theo quy định tại Điều 14 Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, từ chức, miễn nhiệm; luân chuyển, điều động, biệt phái và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 2626/QĐ-BTC ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 3. Quy trình, thủ tục bổ nhiệm lại

1. Trên cơ sở rà soát thời giam giữ chức vụ của công chức lãnh đạo và các điều kiện, tiêu chuẩn,.... của công chức xem xét bổ nhiệm lại; chậm nhất 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, Cục Thuế phải ra thông báo để thực hiện quy trình xem xét bổ nhiệm lại đối với công chức.

2. Công chức làm báo cáo tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời hạn giữ chức vụ gửi Cục trưởng Cục Thuế (Qua Phòng Tổ chức cán bộ) và Chi cục trưởng Chi cục Thuế trong đó nêu rõ kết quả phân loại công chức từng năm trong thời gian giữ chức vụ, khen thưởng, kỷ luật, khuyết điểm, vi phạm nếu có.

3. Tổ chức Hội nghị toàn thể công chức của Đội:

Trên cơ sở báo cáo tự nhận xét, đánh giá của công chức, đề xuất của Chi cục Thuế, Cục Thuế xem xét chủ trương bổ nhiệm lại và giao lãnh đạo Chi cục Thuế hoặc lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ triển khai quy trình, thủ tục bổ nhiệm lại.

- Chủ trì Hội nghị: Đại diện lãnh đạo Chi cục hoặc lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ.

- Thành phần hội nghị: Toàn thể công chức thuộc Đội.

- Nội dung Hội nghị:

+ Người chủ trì Hội nghị tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

+ Cá nhân dự kiến bổ nhiệm lại đọc báo cáo tự nhận xét đánh giá việc thực hiện chức trách trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo.

+ Thành viên dự Hội nghị tham gia ý kiến.

+ Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm theo phương thức bỏ phiếu kín.

Công chức được đề nghị bổ nhiệm lại phải đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập tham gia hội nghị đồng ý bổ nhiệm lại.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm không công bố tại Hội nghị này.

Các văn bản được lập tại Hội nghị gồm: Biên bản Hội nghị, Bản tổng hợp phiếu, Biên bản kiểm phiếu.

4. Tổ chức Hội nghị Tập thể lãnh đạo

- Chủ trì Hội nghị: Chi cục trưởng

- Thành phần Hội nghị: Tập thể lãnh đạo Chi cục

- Nội dung Hội nghị:

+ Phân tích kết quả lấy phiếu ở hội nghị cán bộ chủ chốt.

+ Xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có);

+ Có văn bản gửi Ban thường vụ hoặc cấp ủy của Chi cục Thuế (đối với những nơi không có Ban thường vụ) đề nghị có nhận xét, đánh giá và có ý kiến với dự kiến bổ nhiệm lại.

+ Thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín.

Nhân sự được đề nghị bổ nhiệm lại phải đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo có mặt tại hội nghị đồng ý.

Trường hợp đạt tỷ lệ phiếu bổ nhiệm lại tỷ lệ 50% thì tổng hợp, báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để Cục Thuế xem xét, quyết định.

Trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ từ 50% trở xuống tại hội nghị toàn thể công chức hoặc dưới 50% tại hội nghị tập thể lãnh đạo thì Chi cục Thuế dừng triển khai quy trình, tổng hợp kết quả, báo cáo Cục Thuế phê duyệt chủ trương về việc không thực hiện bổ nhiệm lại đối với nhân sự. Căn cứ ý kiến của tập thể lãnh đạo Cục Thuế, Cục Thuế thông báo bằng văn bản cho Chi cục Thuế về việc không bổ nhiệm lại và giao Chi cục Thuế bố trí công tác phù hợp đối với nhân sự.

Kết quả lấy phiếu được công bố tại Hội nghị này.

Các văn bản được lập tại Hội nghị gồm: Biên bản Hội nghị, Bản tổng hợp phiếu, Biên bản kiểm phiếu.

5. Phê duyệt kết quả triển khai và lấy ý kiến hiệp y về việc bổ nhiệm lại:

- Chi cục Thuế phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ tổng hợp kết quả triển khai thực hiện quy trình bổ nhiệm lại, lập tờ trình kèm theo hồ sơ bổ nhiệm lại trình Cục Thuế qua Phòng Tổ chức cán bộ.

- Phòng Tổ chức cán bộ trình Cục Thuế (Cục trưởng, Phó Cục trưởng phụ trách đơn vị, Phó Cục trưởng phụ trách tổ chức cán bộ - nếu có) xem xét, phê duyệt các nội dung:

+ Kết quả triển khai quy trình bổ nhiệm lại;

+ Văn bản lấy ý kiến của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự.

+ Văn bản lấy ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Thuế về dự kiến bổ nhiệm lại đối với việc bổ nhiệm lại ở Chi cục Thuế mà tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Cục Thuế.

6. Quyết định bổ nhiệm lại:

Căn cứ ý kiến của cấp ủy đảng có thẩm quyền, Phòng Tổ chức cán bộ trình lãnh đạo Cục Thuế thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín về nhân sự trước khi ban hành quyết định bổ nhiệm lại.

7. Lưu hành quyết định:

Quyết định bổ nhiệm lại được thông báo trong cuộc họp giao ban gần nhất của cơ quan, đơn vị.

8. Hồ sơ bổ nhiệm lại:

Thực hiện theo quy định tại Điều 19 Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, từ chức, miễn nhiệm; luân chuyển, điều động, biệt phái và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 2626/QĐ-BTC ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 4. Quy trình, thủ tục kéo dài thời gian giữ chức vụ

1. Trên cơ sở rà soát thời gian giữ chức vụ của công chức lãnh đạo và các điều kiện, tiêu chuẩn,.... của công chức xem xét kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đến khi nghỉ hưu; chậm nhất 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, Cục Thuế phải ra thông báo thực hiện việc xem xét kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đến tuổi nghỉ hưu đối với công chức.

2. Công chức làm báo cáo tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ, gửi Cục trưởng Cục Thuế và Chi cục trưởng Chi cục Thuế trong đó nêu rõ kết quả phân loại công chức từng năm trong thời gian giữ chức vụ, khen thưởng, kỷ luật, khuyết điểm, vi phạm nếu có.

3. Tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo

Trên cơ sở báo cáo tự nhận xét, đánh giá của công chức, đề xuất của Chi cục Thuế, Cục Thuế xem xét chủ trương kéo dài thời gian giữ chức vụ và giao Chi cục Thuế phối hợp Phòng Tổ chức cán bộ triển khai quy trình, thủ tục.

- Chủ trì hội nghị: Chi cục trưởng.

- Thành phần triệu tập: Tập thể lãnh đạo Chi cục.

- Nội dung Hội nghị:

Thảo luận, xem xét, đánh giá về sức khỏe, uy tín, khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công chức và tiến hành biểu quyết bằng phiếu kín. Nhân sự được đề nghị kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải đạt tỷ lệ trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo tham gia hội nghị đồng ý; trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu Chi cục quyết định; đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để Cục Thuế xem xét, quyết định.

Trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ dưới 50% thì Chi cục Thuế tổng hợp kết quả, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương dừng việc xem xét kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với nhân sự. Căn cứ ý kiến của tập thể Lãnh đạo Cục Thuế, Cục Thuế thông báo bằng văn bản cho Chi cục Thuế về việc không kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và giao Chi cục Thuế bố trí công tác phù hợp đối với nhân sự

Các văn bản được lập tại Hội nghị gồm: Biên bản Hội nghị, Bản tổng hợp phiếu, Biên bản kiểm phiếu.

4. Chi cục tổng hợp, báo cáo kết quả, trình báo cáo Cục Thuế qua Phòng Tổ chức cán bộ. Phòng Tổ chức cán bộ rà soát, trình Cục Thuế (Cục trưởng, Phó Cục trưởng phụ trách đơn vị, Phó Cục trưởng phụ trách tổ chức cán bộ - nếu có) xem xét, phê duyệt các nội dung:

- Kết quả triển khai quy trình kéo dài thời gian giữ chức vụ.

- Văn bản lấy ý kiến của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự dự kiến kéo dài thời gian giữ chức vụ.

5. Quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ:

Căn cứ ý kiến của cấp ủy đảng có thẩm quyền, Phòng Tổ chức cán bộ trình lãnh đạo Cục Thuế thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín về nhân sự trước khi ban hành quyết định.

6. Lưu hành quyết định:

Quyết định được thông báo trong cuộc họp giao ban gần nhất của đơn vị.

7. Hồ sơ kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

Thực hiện theo quy định tại Điều 19 Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, từ chức, miễn nhiệm; luân chuyển, điều động, biệt phái và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 2626/QĐ-BTC ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ ở các cấp đơn vị thuộc, trực thuộc Cục Thuế có trách nhiệm tham mưu, giúp Thủ trưởng các đơn vị tổ chức triển khai công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời báo cáo Thủ trưởng các đơn vị xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Trước 01/9 hàng năm, Bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ Cục Thuế có trách nhiệm phối hợp các Chi cục thống kê các trường hợp đến thời hạn xem xét bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ trong năm kế tiếp, dự kiến thời gian phải triển khai quy trình, báo cáo Cục trưởng Cục Thuế để phê duyệt văn bản thông báo kế hoạch bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ cho đơn vị sử dụng công chức và cá nhân công chức đến thời hạn xem xét bổ nhiệm lại biết, chuẩn bị hồ sơ thủ tục liên quan.

2. Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc triển khai công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ... theo Quy định này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Tổng cục Thuế (Vụ Tổ chức cán bộ) để xem xét, giải quyết./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1001/QĐ-TCT năm 2022 quy định về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các chức danh Lãnh đạo cấp Đội và tương đương ở Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế các tỉnh, thành phố do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 1001/QĐ-TCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/06/2022
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Cao Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản