Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 100/2003/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 100/2003/QĐ-BNN, NGÀY 8 THÁNG 9 NĂM 2003 BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ PHÂN BÓN"

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Pháp lệnh chất lượng hàng hoá số 18/1999/PL-UBTVQH10 ngày 24 tháng 12 năm 1999 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 08 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá và Thông tư liên Bộ số 1537/KCM-NN&PTNT ngày 15 tháng 7 năm 1996 của Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường trên - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thi hành Nghị định 86/CP;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nông nghiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này: "Quy định về quản lý phân bón".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Nông nghiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh phân bón tại Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Bùi Bá Bổng

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ PHÂN BÓN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 100/2003/QĐ-BNN ngày 8 tháng 9 năm 2003)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng trong lĩnh vực khảo nghiệm, công nhận phân bón mới; công bố Danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam; sản xuất kinh doanh và phân công trách nhiệm quản lý về phân bón.

Phân hữu cơ truyền thống không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

2. Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện Quy định này.

Điều 2: Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phân bón rễ: là các loại phân bón được bón trực tiếp vào đất hoặc vào nước để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ;

2. Phân bón lá: là các loại phân bón được tưới hoặc phun trực tiếp vào lá hoặc thân để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng;

3. Phân vô cơ (phân khoáng, phân hoá học): là loại phân có chứa các chất dinh dưỡng vô cơ cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng;

4. Yếu tố dinh dưỡng đa lượng (sau đây gọi là phân đa lượng): là những yếu tố dinh dưỡng mà cây trồng sử dụng với lượng lớn gồm đạm, lân và kali;

5. Yếu tố dinh dưỡng trung lượng (sau đây gọi là phân trung lượng): là những yếu tố dinh dưỡng mà cây trồng sử dụng với lượng trung bình gồm canxi, magiê và lưu huỳnh;

6. Yếu tố dinh dưỡng vi lượng (sau đây gọi là phân vi lượng): là những yếu tố dinh dưỡng mà cây trồng sử dụng với lượng ít gồm sắt, kẽm, đồng, bo, môlipđen và các yếu tố vi lượng khác;

7. Phân đơn (phân khoáng đơn): là loại phân vô cơ chỉ có một trong ba yếu tố dinh dưỡng đa lượng;

8. Phân đa yếu tố: là loại phân vô cơ có chứa từ 2 yếu tố dinh dưỡng đa lượng trở lên, không kể các yếu tố trung lượng, vi lượng;

9. Phân phức hợp: là loại phân đa yếu tố được sản xuất trên cơ sở hóa hợp các nguyên liệu;

10. Phân khoáng trộn: là loại phân đa yếu tố được sản xuất bằng cách trộn cơ giới nhiều loại phân đơn;

11. Phân vi sinh vật: là loại phân có chứa một hay nhiều chủng vi sinh vật sống có ích, với mật độ phù hợp với tiêu chuẩn đã ban hành;

12. Phân hữu cơ sinh học: là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ thông qua tác động của vi sinh vật có ích hoặc các tác nhân sinh học khác;

13. Phân hữu cơ vi sinh: là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có chứa một hay nhiều chủng vi sinh vật sống có ích, với mật độ phù hợp với tiêu chuẩn đã ban hành;

14. Phân hữu cơ khoáng: là loại phân sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ, được trộn thêm một hay nhiều yếu tố dinh dưỡng, trong đó có ít nhất một yếu tố dinh dưỡng đa lượng;

15. Phân hữu cơ truyền thống: là loại phân có nguồn gốc từ động, thực vật như: phân trâu, phân bò, phân lợn, phân gà, phân bắc, nước giải và các loại phân xanh;

16. Hàm lượng các chất dinh dưỡng: là lượng các chất dinh dưỡng có trong phân bón được biểu thị bằng tỷ lệ so với khối lượng hoặc thể tích;

17. Hàm lượng độc tố cho phép: là hàm lượng các kim loại nặng, các sinh vật có hại, Biure và axit tự do tối đa cho phép trong phân bón;

18. Phân bón có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng: là loại phân bón có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng được phép sử dụng ở Việt Nam, có tác dụng kích thích hoặc kìm hãm quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng;

19. Chất cải tạo đất: là chất bón vào đất có tác dụng nâng cao độ phì đất (lý, hoá, sinh tính…) tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao và chất lượng nông sản tốt;

20. Gia công phân bón: là việc doanh nghiệp có chức năng sản xuất phân bón tại Việt Nam nhận sản xuất phân bón theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài;

21. Danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam (sau đây gọi là Danh mục phân bón): là bản liệt kê các loại phân bón được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

Chương 2:

DANH MỤC PHÂN BÓN, KHẢO NGHIỆM, THẨM ĐỊNH VÀ CÔNG NHẬN PHÂN BÓN MỚI

Điều 3: Danh mục phân bón

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

2. Các loại phân bón đưa vào Danh mục phân bón gồm:

a) Phân bón qua khảo nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là phân bón mới.

b) Phân bón không qua khảo nghiệm nhưng đạt tiêu chuẩn sau đây:

- Các loại phân khoáng đơn đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định;

- Phân phức hợp, phân khoáng trộn có tổng hàm lượng dinh dưỡng N + P2O5 (dễ tiêu) + K2O 18%.

c) Phân bón là kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu tại Hội đồng chuyên ngành phân bón cấp Bộ hoặc cấp Nhà nước công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

3. Định kỳ hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại Danh mục phân bón để:

a) Bổ sung các loại phân bón mới;

b) Đưa ra khỏi Danh mục phân bón những loại không còn tồn tại trên thị trường, những loại trong quá trình sử dụng phát hiện gây tác hại đến sản xuất và môi trường.

Điều 4: Các loại phân bón phải khảo nghiệm để đưa vào Danh mục phân bón

1. Phân bón không có tên trong Danh mục phân bón thuộc các loại: phân bón lá; phân vi sinh vật; phân hữu cơ sinh học; phân hữu cơ vi sinh; phân hữu cơ khoáng; phân trung lượng; phân vi lượng; phân khoáng trộn có chứa các yếu tố trung lượng, vi lượng; phân có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng; các chế phẩm cải tạo đất.

2. Các loại phân bón thuộc Khoản 1 Điều 3 đã có tên trong Danh mục phân bón nhưng thay đổi về:

- Thành phần, hoặc

- Giảm một trong các yếu tố đa lượng, trung lượng hoặc hữu cơ quá 5% lượng nguyên chất có trong một đơn vị khối lượng hoặc thể tích so với lượng khi công nhận phân bón mới;

- Tăng một trong các yếu tố có trong phân vi lượng và phân bón lá quá 10% lượng nguyên chất có trong một đơn vị khối lượng hoặc thể tích so với lượng khi công nhận phân bón mới.

Điều 5: Điều kiện phân bón được đăng ký khảo nghiệm

Các loại phân bón dưới đây muốn đăng ký khảo nghiệm phải đảm bảo các chỉ tiêu sau:

1. Phân hữu cơ sinh học: hàm lượng hữu cơ ³ 23% (C ³ 13%), độ ẩm Ê 25%, pHKCl: 5-7.

2. Phân hữu cơ vi sinh vật: hàm lượng hữu cơ ³ 23% (C ³13%), mật độ vi sinh vật sống có ích 1.106 vsv/gam phân bón, độ ẩm Ê 30%.

3. Phân hữu cơ khoáng: hàm lượng hữu cơ ³ 15% (C ³ 8.5%), độ ẩm Ê 25%, tổng N + P2O5 (dễ tiêu) + K2O ³ 8%.

4. Phân bón có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng: ngoài các yếu tố dinh dưỡng, chất điều hoà sinh trưởng có hàm lượng Ê 0,5% trong mét đơn vị khối lượng hoặc thể tích phân bón.

Điều 6: Đơn vị thực hiện khảo nghiệm

1. Đơn vị thực hện khảo nghiệm phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau:

a) Có cán bộ chuyên môn về phân bón.

b) Có cơ sở vật chất và thiết bị phù hợp với việc khảo nghiệm và phân tích từng loại phân bón.

2. Đơn vị thực hiện khảo nghiệm phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

3. Trong trường hợp cần thiết, Cục Nông nghiệp sẽ chỉ định đơn vị thực hiện khảo nghiệm.

Điều 7: Trình tự khảo nghiệm

1. Tổ chức, cá nhân có phân bón khảo nghiệm nộp hồ sơ về Cục Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hồ sơ gồm:

a) Đơn đăng ký khảo nghiệm (Biểu mẫu số 01).

b) Tài liệu về đặc tính loại phân bón khảo nghiệm:

- Tên hoá học và các tên thương mại;

- Dạng phân bón (phân bón lá, bón rễ, dạng lỏng, viên, bột…), mầu sắc;

- Thành phần, hàm lượng dinh dưỡng và phương pháp phân tích:

+ Phân bón lá: các yếu tố đa, trung lượng, vi lượng, chất hữu cơ, chất mang và chất điều hoà sinh trưởng (nếu có);

+ Phân hữu cơ sinh học: hàm lượng chất hữu cơ, các hoạt chất sinh học, độ ẩm, pHKCl, các chất dinh dưỡng khác (nếu có);

+ Phân hữu cơ khoáng: hàm lượng chất hữu cơ, các yếu tố đa, trung, vi lượng, độ ẩm;

+ Phân vi sinh vật: chủng và mật độ vi sinh vật có ích;

+ Phân hữu cơ vi sinh vật: chất hữu cơ, chủng và mật độ vi sinh vật có ích, pHKCl;

+ Phân trung lượng, phân vi lượng: thành phần và hàm lượng từng yếu tố có trong phân và chất mang.

+ Phân có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng: thành phần, hàm lượng các yếu tố dinh dưỡng của nền phân cơ bản và chất điều hoà sinh trưởng được phép sử dụng;

+ Các chế phẩm cải tạo đất: thành phần và hàm lượng từng yếu tố có trong chế phẩm.

c) Tài liệu về độc tính của phân bón: những loại phân bón sản xuất từ rác thải công nghiệp, rác thải đô thị và những loại khác có chứa các yếu tố độc hại phải phân tích hàm lượng kim loại nặng: Pb, Hg, Cd, As; mật độ vi sinh vật gây bệnh (E. Coli, Salmonella); trứng giun đũa (Ascaris).

d) Đối với phân nhập khẩu: tên hãng hoặc tên công ty và nước sản xuất; tài liệu cho phép sản xuất kinh doanh và hướng dẫn sử dụng ở nước ngoài.

đ) Đối với phân sản xuất trong nước: quy trình công nghệ và tác giả của quy trình; kết quả khảo nghiệm sơ bộ và hướng dẫn sử dụng của cơ sở sản xuất.

e) Nguồn gốc và thành phần chủ yếu nguyên liệu làm phân bón.

g) Mẫu phân bón và nhãn hiệu hàng hoá phân bón (nếu có)

2. Cấp giấy phép khảo nghiệm: Cục Nông nghiệp cấp giấy phép khảo nghiệm (Biểu mẫu số 02) trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Nông nghiệp thông báo cho tổ chức, cá nhân bổ sung những tài liệu cần thiết theo quy định.

3. Thực hiện khảo nghiệm: tổ chức, cá nhân có phân bón khảo nghiệm ký hợp đồng với đơn vị khảo nghiệm. Đơn vị khảo nghiệm tiến hành khảo nghiệm theo Quy phạm khảo nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Điều 8: Thẩm định và công nhận phân bón mới

1. Sau khi kết thúc khảo nghiệm, tổ chức, cá nhân có phân bón nộp hồ sơ đề nghị thẩm định và công nhận phân bón mới về Vụ Khoa học công nghệ.

2. Hồ sơ đề nghị thẩm định và công nhận phân bón mới gồm:

a) Đơn đề nghị thẩm định và công nhận phân bón mới;

b) Báo cáo kết quả khảo nghiệm có xác nhận của đơn vị khảo nghiệm.

3. Tổ chức thẩm định kết quả khảo nghiệm:

Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân có phân bón và ý kiến nhận xét của Cục Nông nghiệp về quá trình và kết quả khảo nghiệm, Vụ Khoa học công nghệ trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng (chuyên ngành phân bón) để thẩm định kết quả khảo nghiệm.

4. Phân bón được Hội đồng thẩm định kết luận đạt yêu cầu, Vụ Khoa học công nghệ trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là phân bón mới.

5. Chi phí dịch vụ khảo nghiệm, thẩm định và công nhận phân bón mới do tổ chức, cá nhân có phân bón đảm nhiệm.

Chương 3:

SẢN XUẤT, GIA CÔNG PHÂN BÓN

Điều 9: Sản xuất phân bón

1. Tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phân bón phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mặt hàng phân bón.

2. Doanh nghiệp sản xuất phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có máy móc thiết bị phù hợp để sản xuất phân bón đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định;

b) Có bộ phận phân tích kiểm nghiệm chất lượng phân bón. Trong trường hợp doanh nghiệp không có bộ phận phân tích kiểm nghiệm chất lượng phân bón thì phải có hợp đồng thuê Phòng phân tích được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận để kiểm nghiệm;

c) Có hệ thống xử lý chất thải để không gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;

d) Có cán bộ kỹ thuật được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

3. Phân bón được phép sản xuất để kinh doanh gồm:

a) Phân bón có tên trong Danh mục phân bón;

b) Phân bón được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là phân bón mới;

c) Phân bón của các đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu tại Hội đồng chuyên ngành phân bón cấp Bộ hoặc cấp Nhà nước công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Điều 10: Gia công phân bón

1. Doanh nghiệp gia công phân bón phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 9 của Quy định này.

2. Gia công các loại phân bón không có trong Danh mục phân bón ở Việt Nam phải được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương 4:

KINH DOANH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT PHÂN BÓN

Điều 11: Kinh doanh phân bón

1. Phân bón được phép kinh doanh gồm: các loại phân bón quy định tại Khoản 3 Điều 9 của Quy định này.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mặt hàng phân bón.

b) Có địa điểm kinh doanh phân bón không gây ô nhiễm môi trường.

c) Có kho chứa phân bón.

3. Phân bón khi kinh doanh phải công bố tiêu chuẩn chất lượng và công bố phù hợp chuẩn theo các quy định hiện hành.

4. Phân bón khi kinh doanh phải có nhãn hàng hoá phù hợp theo Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất nhập khẩu của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các Bộ, Ngành liên quan.

5. Cấm kinh doanh phân giả, phân quá hạn sử dụng; phân bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ tiêu thụ; phân không có nhãn hàng hoá và nhãn hiệu không đúng với đăng ký.

6. Phân bón khi vận chuyển phải có bao bì hoặc dụng cụ chứa đựng chắc chắn để đảm bảo chất lượng và không gây ô nhiễm môi trường.

Điều 12: Xuất nhập khẩu phân bón

1. Tổ chức, cá nhân được phép nhập khẩu các loại phân bón có tên trong Danh mục phân bón do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

2. Nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất phân bón và nhập khẩu phân bón trong các trường hợp đặc biệt khác phải được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Nhập khẩu phân bón để khảo nghiệm phải được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giấy phép nhập khẩu để khảo nghiệm chỉ được cấp đối với những loại phân bón đã được phép sử dụng rộng rãi ở nước ngoài. Không cho nhập những loại phân bón chưa khảo nghiệm hoặc đang còn trong thời kỳ khảo nghiệm ở nước ngoài vào Việt Nam để khảo nghiệm.

Hồ sơ xin nhập khẩu phân bón để khảo nghiệm gồm:

a) Đơn xin nhập khẩu phân bón (Biểu mẫu số 04).

b) Tài liệu về các đặc tính phân bón nhập khẩu:

- Tên hoá học và các tên thương mại;

- Loại phân bón (phân bón lá, bón rễ);

- Tên hãng hoặc tên công ty và nước sản xuất;

- Đặc điểm: dạng (lỏng, viên, bột), mầu sắc;

- Thành phần và hàm lượng dinh dưỡng;

- Tài liệu về độc tính của phân bón;

- Nhãn hiệu phân bón.

c) Tài liệu chứng minh phân bón đã được cấp phép kinh doanh ở nước ngoài.

4. Tổ chức, cá nhân được phép xuất khẩu phân bón theo yêu cầu của khách hàng.

5. Việc tạm nhập tái xuất và quá cảnh phân bón được thực hiện theo các Quy định hiện hành của Nhà nước về tạm nhập tái xuất và quá cảnh hàng hoá.

Điều 13: Chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón

1. Tổ chức, cá nhân có quyền chuyển giao công nghệ sản xuất loại phân bón đã có tên trong Danh mục phân bón.

2. Việc chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón thực hiện theo Nghị định số 45/1998/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 1998 quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ và Thông tư hướng dẫn số 1254/1999/TT-BKHCNMT ngày 12 tháng 7 năm 1999 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định trên.

Chương 5:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP

Điều 14: Trách nhiệm các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Cục Nông nghiệp:

a) Thống nhất quản lý chất lượng phân bón; phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất và chính sách khuyến khích phát triển, sử dụng phân bón.

b) Soạn thảo trình Bộ ban hành các quy định về quản lý phân bón, tổ chức thực hiện và hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý phân bón.

c) Soạn thảo trình Bộ ban hành các quy phạm, tiêu chuẩn về phân bón.

d) Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đăng ký khảo nghiệm; cấp giấy phép khảo nghiệm phân bón mới; chỉ định đơn vị khảo nghiệm (khi cần thiết); giám sát quá trình khảo nghiệm, nhận xét quá trình và kết quả khảo nghiệm.

đ) Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ xin nhập khẩu phân bón; cấp giấy phép và thu hồi giấy phép nhập khẩu phân bón và giấy phép nhập khẩu nguyên liệu sản xuất phân bón.

e) Đề xuất Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận phân bón mới.

g) Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng và công bố phù hợp chuẩn đối với phân bón do các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc các Bộ, Ngành Trung ương và các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

h) Lập Danh mục phân bón và trình Bộ ban hành Danh mục phân bón.

i) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về quản lý phân bón trong phạm vi cả nước.

2. Vụ Khoa học công nghệ:

a) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào các hoạt động về phân bón.

b) Tham gia soạn thảo trình Bộ ban hành các quy phạm, tiêu chuẩn về phân bón.

c) Tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thẩm định kết quả khảo nghiệm và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận phân bón mới.

d) Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ về chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón.

đ) Thẩm định và trình Bộ công nhận đơn vị khảo nghiệm phân bón.

Điều 15: Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phân bón trên phạm vi địa phương.

2. Theo dõi, thanh tra, kiểm tra chất lượng phân bón sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thuộc cấp tỉnh quản lý.

3. Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng và công bố phù hợp chuẩn đối với phân bón do các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thuộc cấp tỉnh quản lý.

4. Báo cáo về Cục Nông nghiệp tình hình sản xuất, kinh doanh và công bố tiêu chuẩn chất lượng phân bón của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn vào tháng 12 hàng năm.

Điều 16: Trách nhiệm của các doanh nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón phải thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung trong Quy định này và quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Định kỳ tháng 12 hàng năm các doanh nghiệp báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Điều 17: Điều khoản thi hành

1. Các loại phân khoáng trộn có tên trong Danh mục phân bón ban hành trước khi có Quy định này đang sản xuất kinh doanh nhưng có tổng hàm lượng N + P2O5 (dễ tiêu) + K2O < 18% hoặc các loại phân có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn, không phù hợp với tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 và Khoản 3 Điều 9 của Quy định này được phép sản xuất, kinh doanh trong vòng 1 năm kể từ khi Quy định này có hiệu lực. Hết thời hạn trên không được tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

2. Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, khảo nghiệm và công nhận phân bón mới phải thực hiện đầy đủ quy định này. Nếu làm trái, gây hậu quả xấu cho sản xuất sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Biểu mẫu PB-ĐKKN

Mẫu số: 01

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN ĐĂNG KÝ KHẢO NGHIỆM PHÂN BÓN

Kính gửi: Cục Nông nghiệp

- Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm:

- Tên và loại phân bón đăng ký khảo nghiệm:

- Hình thức khảo nghiệm:

Khảo nghiệm diện hẹp:

Khảo nghiệm diện rộng:

- Khảo nghiệm với các cây trồng:

- Khảo nghiệm trên các loại đất:

- Dự kiến thời gian khảo nghiệm: (bắt đầu…… kết thúc….)

- Dự kiến đơn vị chủ trì khảo nghiệm:

- Các tài liệu nộp kèm theo:

* Khi cần liên hệ theo địa chỉ:

Ngày.... tháng.... năm 200...

Tổ chức, cá nhân đăng ký

(ký tên, đóng dấu)

 

 

Biểu mẫu PB-GPKN

Mẫu số: 02

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỤC NÔNG NGHIỆP

Số:......../GP…

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày.... tháng... năm 200

GIẤY PHÉP

KHẢO NGHIỆM PHÂN BÓN

CỤC TRƯỞNG CỤC NÔNG NGHIỆP

Cấp cho: (tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm)

Địa chỉ:

Được phép khảo nghiệm: (loại phân bón)

Đơn vị khảo nghiệm:

HÌNH THỨC KHẢO NGHIỆM

Khảo nghiệm diện hẹp:

+ Khảo nghiệm với cây trồng:

+ Số vụ khảo nghiệm:

+ Loại và vùng đất khảo nghiệm:

+ Thời gian khảo nghiệm: từ tháng năm đến tháng năm

Khảo nghiệm diện rộng:

+ Khảo nghiệm với cây trồng:

+ Số vụ khảo nghiệm:

+ Loại và vùng đất khảo nghiệm:

+ Thời gian khảo nghiệm: từ tháng năm đến tháng năm

Công tác khảo nghiệm phải tuân thủ Quy phạm khảo nghiệm trên đồng ruộng hiệu lực của các loại phân bón đối với năng suất cây trồng, phẩm chất nông sản 10TCN 216-2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Yêu cầu phân tích các chỉ tiêu sau:……………………………………

CỤC TRƯỞNG

CỤC NÔNG NGHIỆP

Biểu mẫu PB-ĐKDM

Mẫu số: 03

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

ĐƠN ĐĂNG KÝ VÀO DANH MỤC PHÂN BÓN

Kính gửi: Cục Nông nghiệp

- Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân đăng ký: ………………………………….

- Tên hoá học loại phân đăng ký và tên thương mại (nếu có): ……………...

- Dạng phân bón: (phân bón lá, phân bón rễ); dạng: (lỏng, viên, bột…); mầu sắc: ……..

- Xuất xứ:

+ Phân nhập khẩu: ghi tên hãng hoặc tên công ty và nước sản xuất;

+ Phân sản xuất trong nước: ghi quy trình công nghệ và tác giả của quy trình.......……………………………………………………………………………

- Thành phần, hàm lượng dinh dưỡng, phương pháp phân tích; ghi theo quy định tại Mục b khoản 1 Điều 6 của Quy định này.

- Loại đất, vùng đất khảo nghiệm: ………………………………...............

- Đối tượng cây trồng khảo nghiệm: ……………………………................

- Thời gian khảo nghiệm (bắt đầu…….. kết thúc…………..)

- Các tài liệu nộp kèm theo: (nhãn hiệu, hướng dẫn sử dụng, báo cáo kết quả khảo nghiệm…)

Ngày...... tháng...... năm 200....

Tổ chức, cá nhân xin đăng ký

(ký tên, đóng dấu)

Biểu mẫu PB-ĐKNK

Mẫu số: 04

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN XIN NHẬP KHẨU PHÂN BÓN

(NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT PHÂN BÓN)

Kính gửi: Cục Nông nghiệp

- Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân xin nhập khẩu:

- Tên và loại phân bón (nguyên liệu sản suất) xin nhập khẩu:

- Định mức bón kg/ha (đối với nhập để khảo nghiệm):

- Số lượng phân bón (nguyên liệu sản xuất) xin nhập khẩu:

- Xuất xứ của phân bón (nguyên liệu sản xuất):

- Mục đích nhập khẩu:

- Thời gian nhập khẩu:

- Các tài liệu nộp kèm theo:

* Khi cần liên hệ theo địa chỉ:

Ngày..... tháng..... năm 200

Tổ chức, cá nhân nộp đơn

(ký tên, đóng dấu)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 100/2003/QĐ-BNN Quy định về quản lý phân bón do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 100/2003/QĐ-BNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/09/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Bùi Bá Bổng
  • Ngày công báo: 25/09/2003
  • Số công báo: Số 157
  • Ngày hiệu lực: 10/10/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản