Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2023/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 10 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÂN CẤP THẨM QUYỀN QUẢN LÝ, VẬN HÀNH KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ BẢO TRÌ CẦU, ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 37/2018/TT-BGTVTngày 07 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 12/2014/TT-BGTVT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 32/2014/TT-BGTVTngày 08 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về quản lý; vận hành khai thác đường giao thông nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 176/TTr-SGTVT ngày 09 tháng 3 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về việc phân cấp thẩm quyền quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan

Điều 2. Phân cấp thẩm quyền và nội dung quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn

1. Phân cấp cho UBND cấp huyện làm chủ quản lý sử dụng cầu, đường giao thông nông thôn (sau đây gọi tắt là chủ quản lý sử dụng) tổ chức thực hiện việc quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì đối với các công trình sau:

a) Cầu, đường giao thông nông thôn do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ vốn đầu tư hoặc nhận bàn giao từ cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân đầu tư thuộc hệ thống đường do UBND cấp huyện quản lý;

b) Cầu thuộc hệ thống đường giao thông nông thôn do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý có quy mô: cầu treo, cầu dàn thép, cầu dầm có khẩu độ nhịp từ 25m trở lên và tải trọng 13 tấn trở xuống (hoặc nhỏ hơn 0,65HL93); cầu do Ủy ban nhân dân cấp huyện ký hợp đồng đầu tư và khai thác có thu phí trên địa bàn hành chính của huyện.

2. Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã làm chủ quản lý sử dụng, tổ chức thực hiện công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đối với cầu, đường giao thông nông thôn do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ vốn đầu tư hoặc nhận bàn giao từ cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân đầu tư thuộc hệ thống đường do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, trừ các công trình quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Nội dung quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn

a) Việc bảo trì đường và cầu giao thông nông thôn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ; Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ trong phạm vi quản lý của tỉnh Kiên Giang.

b) Việc quản lý, vận hành khai thác phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 12/2014/TT-BGTVT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn; Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT ngày 08 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về quản lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn và phải được thực hiện thống nhất; cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm tổ chức quản lý, vận hành khai thác và bảo trì theo phân cấp.

Điều 3. Trách nhiệm của cơ quan được phân cấp và đơn vị trực tiếp quản lý vận hành

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan Nhà nước cấp trên (nếu có) về việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường và cầu giao thông nông thôn theo quy định của pháp luật.

b) Phê duyệt Quy trình quản lý, vận hành khai thác và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn.

c) Chỉ đạo cơ, quan chuyên môn cấp huyện, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ đầu tư và các cơ quan trực thuộc trong việc thực hiện các trách nhiệm đối với việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường và cầu giao thông nông thôn theo quy định.

d) Tổng hợp tình hình quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường và cầu giao thông nông thôn, danh sách các công trình cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp, công trình hết niên hạn sử dụng, không đủ điều kiện khai thác an toàn gửi Sở Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý kịp thời.

đ) Phối hợp, với Sở Giao thông vận tải và các sở ngành liên quan để kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành khai, thác và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Quản lý sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật. Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường và cầu giáo thông nông thôn.

e) Hàng năm xây dựng kế hoạch vốn và cân đối ngân sách cho quản lý, vận hành khai thác và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn theo phân công, phân cấp; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch đầu tư và duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông trên đất trồng lúa tại Điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan Nhà nước cấp trên (nếu có) về việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn theo quy định của pháp luật.

b) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện trách nhiệm đối với việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn thuộc quyền quản lý sử dụng của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân.

c) Tổng hợp tình hình quản lý, vận hành khai thác và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn; danh sách các công trình trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp, công trình hết niên hạn sử dụng, không đủ điều kiện khai thác, an toàn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

d) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, các sở, ngành liên quan để tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn.

đ) Hàng năm xây dựng kế hoạch vốn và cân đối ngân sách cho quản lý, vận hành khai thác và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn theo phân công, phân cấp.

3. Trách nhiệm của đơn vị trực tiếp quản lý vận hành khai thác

a) Chủ quản lý sử dụng cầu, đường giao thông nông thôn có thể ủy quyền, giao nhiệm vụ, ký kết hợp đồng với Đơn vị trực tiếp quản lý vận hành khai thác để thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường và cầu giao thông nông thôn. Trong trường hợp này, Chủ quản lý sử dụng cầu, đường giao thông nông thôn vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi sự cố hay xuống cấp của công trình trong thời gian vận hành khai thác.

b) Đơn vị trực tiếp quản lý vận hành khai thác cầu, đường giao thông nông thôn chịu trách nhiệm theo ủy quyền, văn bản giao nhiệm vụ, hợp đồng ký kết với Chủ quản lý sử dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn.

4. Trách nhiệm của Chủ đầu tư trong trường hợp là Chủ quản lý sử dụng cầu, đường giao thông nông thôn

a) Tổ chức thực hiện quản lý, vận hành khai thác và bảo cầu, đường giao thông nông thôn đo cộng đồng làm Chủ quản lý sử dụng.

b) Thực hiện theo hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền các cấp về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình; báo cáo khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, vận hành khai thác cầu, đường giao thông nông thôn cho Ủy ban nhân dân cấp xã.

c) Phát hiện, ngăn chặn các tổ chức cá nhân phá hoại công trình, xâm phạm hành lang an toàn đường và cầu giao thông nông thôn và các hành vi vi phạm khác.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

a) Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ quản lý sử dụng trong việc thực hiện các quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn.

c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra công trình cầu, đường giao thông nông thôn bị hư hỏng, xuống cấp, công trình hết niên hạn, không đủ điều kiện khai thác an toàn theo báo cáo của cơ quan chuyên môn cấp huyện, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý kịp thời.

d) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các sở, ngành liên quan để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn.

đ) Hàng năm, đôn đốc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thống kê, tổng hợp cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giao thông, vận tải; tổng hợp tình hình quản lý, vận hành khai thác toàn bộ hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn, danh sách các công trình bị hư hỏng, xuống cấp không đủ điều kiện khai thác an toàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý kịp thời.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Hằng năm cùng với thời điểm xây dựng dự toán, trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Quyết định, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán của cơ quan, đơn vị, chuyển Sở Tài chính thẩm tra, cân đối nguồn trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ nguồn ngân sách được hỗ trợ để đầu tư hệ thống giao thông trên đất trồng lúa theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa; Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Sở Xây dựng

Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ đầu tư trong công tác lập quy hoạch giao thông nông thôn, quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án có liên quan tới đường và cầu giao thông nông thôn.

Điều 5. Điều khoản thi hành

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Văn phòng, Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Vụ Pháp chế (Bộ GTVT);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Thành viên UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Website Kiên Giang;
- Công báo tỉnh;
- LĐVP, P.KT, P.TH, P.NC;
- Lưu: VT, SGTVT, cvquoc.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lâm Minh Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 10/2023/QĐ-UBND về phân cấp thẩm quyền quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 10/2023/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/04/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Lâm Minh Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/04/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản